LA ROCHEFOUCAULD ĐÃ NÓI . . . Đàm Trung Pháp Nguồn: viethocjournal Quận công François de La Rochefoucauld (1613-1680) thuộc dòng dõi quý tộc nước Pháp là một nhà nghị luận sắc sảo, sinh ra và qua đời tại Paris. Ông gia nhập quân đội từ hồi còn rất trẻ và đóng một vai trò quan trọng trong thời kỳ La Fronde (1648-1653). Thời điểm ấy là lúc nước Pháp đang bị rối ren trầm trọng do sự tranh chấp giữa giới quý tộc và triều đình Pháp dưới thời mới lên ngôi của vua Louis XIV – ngay trong lúc còn đang có chiến tranh với Tây ban nha. Kinh nghiệm sinh hoạt gần gũi những năm với giới quý tộc đã cho ông nhiều cơ hội nhận xét về tính tình và cách cư xử của họ. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến suy tư trong các tác phẩm của ông về sau, đặc biệt là trong Les Maximes xuất bản lần đầu tiên vào năm 1660. Với nội dung gồm hơn 500 châm ngôn ngắn gọn, tổng quát, bi quan, nghịch lý, và dí dỏm về cuộc đời, Les Maximes đã được đón nhận nồng nhiệt ngay sau khi phát hành, ở cả trong lẫn ngoài nước Pháp. La Rochefoucauld viết những câu nói “thẳng như ruột ngựa” này cốt để vạch ra cái giá trị đáng nghi ngờ của các “đức hạnh” (les vertues) của người đời – như tình yêu, tình bạn, lòng bác ái, và sự can trường. Dưới đây là một số “maximes” để đời của La Rochefoucauld được bút giả chuyển sang tiếng Việt, theo sau là nguyên tác bằng tiếng Pháp cho mỗi câu: Những đức hạnh của chúng ta phần lớn chỉ là những thói xấu đã được khéo léo hóa trang • Nos vertues ne sont le plus souvent que des vices déguisés. Đọc tiếp Chúng ta lười biếng nhiều trong tâm hồn hơn là trong thể xác • Nous avons plus de paresse dans l’esprit que dans le corps. Người ta chẳng bao giờ được quá hạnh phúc hoặc bị quá bất hạnh như người ta tự nghĩ • On n’est jamais si heureux ni si malheureux qu’on s’imagine. Người nào sống không dại dột thì không khôn ngoan như người ấy tưởng • Qui vit sans folie n’est pas si sage qu’il croit. Cái lợi mà làm mờ mắt người này, thì lại làm sáng mắt kẻ kia • L’intérêt, qui aveugle les uns, fait la lumière des autres. Lý trí con người lúc nào cũng là sự lừa bịp của trái tim • L’esprit est toujours la dupe du coeur. Lòng mến mộ sự công bình, trong đa số người ta, thường chỉ là nỗi lo sợ mình phải chịu sự bất công • L’amour de la justice n’est en la plupart des hommes que la crainte de souffrir l’injustice. Lòng ngờ vực của chúng ta biện minh cho mối lường gạt của người khác • Notre défiance justifie la tromperie des autres. Lòng giả dối là một niềm ngưỡng mộ mà thói xấu dành cho đức hạnh • L’hypocrisie est un hommage que le vice rend à la vertue. Tài hùng biện đích thực gồm có sự phải nói ra tất cả điều phải nói, và chỉ nói lời phải nói mà thôi • La véritable éloquence consiste à dire tout ce qu’il faut, et à ne dire que ce qu’il faut. Nếu chúng ta không có nhược điểm nào, thì có lẽ chúng ta sẽ không ham hở nhận ra ngay những nhược điểm của người khác • Si nous n’avions point de défauts, nous ne prendrions pas tant de plaisir à en remarquer dans les autres. Mọi người đều than phiền về trí nhớ, nhưng chẳng ai than phiền về phán xét của mình • Tout le monde se plaint de sa mémoire, et personne ne se plaint de son jugement. Những ai quá chăm chú vào những chuyện nhỏ bé thường sau này không thể làm được những chuyện lớn lao • Ceux qui s’appliquent trop aux petites choses deviennent incapables des grandes, Chúng ta có lẽ sẽ nhiều phen thấy xấu hổ về những hành động đẹp nhất của chúng ta nếu thiên hạ biết đến tất cả những động lực nào đã khiến chúng ta làm những hành động đó • Nous aurions souvent honte de nos plus belles actions si le monde voyait tous les motifs qui les produisent.
MỘT SỐ SỰ KIỆN LỊCH SỬ HÀN QUỐC THỜI CẬN ĐẠI Nguồn: chuadaohaitac 19/09/2018 Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link 1. Năm 1863, Vua Cao Tông (Gojong) lên ngôi, Hưng Tuyên đại viện quân (Heungseon Daewongun) nắm quyền trong bối cảnh bên trong thì nông dân nổi dậy khắp nơi, bên ngoài thì các thế lực phương tây gây áp lực đòi mở cửa thông thương. Hưng Tuyên đại viện quân đã từ chối một cách dứt khoát yêu cầu thông thương vì mục đích xâm lược của các thế lực phương tây, mặt khác ông cũng cho cải cách nội chính để giữ vững vương quyền đồng thời ổn định cuộc sống cho nhân dân. Ông tuyên bố: “Ta sẽ không tha thứ cho bất cứ ai làm hại đến nhân dân Joseon (Triều Tiên), dù đó là Khổng Tử hồi sinh”. 2. Mười năm sau, quyền lực về tay dòng họ Min. Năm 1876 Triều Tiên ký điều ước Ganghwa-do mở 3 cửa biển cho Nhật Bản, và sau đó lần lượt ký các điều ước thông thương với Mỹ, Anh và các nước phương tây khác, tích cực thực hiện chính sách mở cửa, hoà vào dòng chảy chung của lịch sử thế giới. Phong trào khai hoá cũng được thực hiện. Triều đình cử các quan chức trẻ sang Nhật thị sát các thiết bị công nghệ, thành tựu văn hoá và các cơ quan, bộ máy nhà nước của Nhật Bản. Sau khi về nước, họ viết du hành ký, tấu trình chuyến đi cho quốc vương. Triều đình cũng cử các lưu học sinh sang nhà Thanh học cách huấn luyện quân sự và chế tạo vũ khí hiện đại ở Thiên Tân. Để chủ động triển khai chính sách khai hoá, chính phủ lập ra Thống lý cơ vụ nha môn (Tongnigimuamun) tổ chức quân đội theo kiểu mới gọi là Biệt kỹ quân (Byeolgigun), đội quân này được huấn luyện để sử dụng vũ khí mới của Nhật Bản. 3. Năm 1895, nhận thấy vua Cao Tông và hoàng hậu Myeongseong muốn dựa vào Nga để chống lại âm mưu xâm lược của mình, Nhật đã cho người ám sát hoàng hậu. Vua Cao Tông sau đó đã chuyển đến ở toà công sứ Nga. Năm 1896, Từ Tái Bật (Seo Jae-pil), chủ bút tờ Độc lập Tân văn đã thành lập Hiệp hội Độc lập. Hiệp hội độc lập đã tổ chức ra Vạn dân cộng đồng hội nhằm thảo luận các vấn đề chính trị xã hội, kiến nghị nhà vua cải cách chính trị để không bị phụ thuộc vào bên ngoài. Trước khí thế của quần chúng, vua Cao Tông đã hồi cung. Vua đổi quốc hiệu là Đại Hàn Đế Quốc và tiến hành cuộc cải cách Quang Vũ, tập trung phát triển công nghiệp và chấn hưng giáo dục để phát triển đất nước độc lập tự chủ. 4. Năm 1905, Nhật giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Nga nên đã đưa ra điều ước Ất Tỵ yêu cầu Đại Hàn cho xây dựng Phủ Thống giám đặt tại Seoul và cướp quyền ngoại giao. Phủ Thống giám một mặt áp bức tự do chính trị của nhân dân Hàn mặt khác bắt đầu thực hiện thực dân hoá trên toàn bán đảo Hàn. 5. Năm 1907, giữa lúc dân chúng nổi dậy phản đối điều ước Ất Tỵ, hoàng đế Cao Tông tuyên bố vô hiệu hoá điều ước này và công bố với thế giới, song những cố gắng ngoại giao của ông không thành công do sự thoả hiệp giữa các nước đế quốc. Nhật Bản đã dùng quân đội ép vua Cao Tông thoái vị và cưỡng chế Đại Hàn ký hiệp ước Hàn-Nhật mới. Theo hiệp ước này, người Nhật được bổ nhiệm vào các chức danh thứ trưởng của các bộ thuộc khối hành chính, tăng cường sự giám sát gắt gao đối với nội chính Đại Hàn. Theo sách Lịch sử Hàn Quốc, Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc học, 2005, NXB Đại học Quốc gia Seoul.
“Nếu hòa bình là một giải thưởng…” Thứ Năm, 09/11/2023 07:34 Thế giới truyện ngụ ngôn dạy chúng ta rằng ngay cả những giá trị quý giá nhất cũng có thể phải trả giá đắt. Bài viết sau đây được trích từ bài phát biểu nhận Giải Hòa bình của Salman Rushdie tại Hội Thương mại Sách Đức vào ngày 22/10/2023, trong khuôn khổ Hội chợ Sách Frankfurt. Để bắt đầu, hãy để tôi kể bạn nghe một câu chuyện này. Ngày xửa ngày xưa có hai con chó rừng: một con là Karataka, nghĩa là “thận trọng” và con còn lại là Damanaka, nghĩa là “táo bạo”. Chúng thuộc nhị phẩm trong đoàn tùy tùng của vua sư tử Pingalaka, nhưng đầy tham vọng cũng như xảo quyệt. Một ngày nọ, vua sư tử bỗng dưng hoảng sợ bởi một tiếng động ầm ĩ trong rừng. Chó rừng biết đó chỉ là một con bò đực, không có gì đáng sợ nên chúng thuyết phục nó đến trước mặt sư tử và tuyên bố tình bạn của mình. Sư tử và bò đực từ đó trở thành bạn bè, và chó rừng được vua ban ơn vì sự nhạy bén, được thăng lên hàng nhất phẩm. Thật không may, sư tử và bò đực bắt đầu trò chuyện quá nhiều đến nỗi vua ta ngừng việc săn mồi, còn các con vật bắt đầu chết đói. Thế là lũ chó thuyết phục sư tử rằng bò đực đang âm mưu chống lại mình, tới phiên bò đực cũng được cho biết rằng vua sư tử đang có ý định giết mình, thế là sư tử cùng với bò đực đánh nhau, và con bò chết, muông thú có thịt để ăn. Sau đó lũ chó thậm chí còn được nhà vua đánh giá cao hơn vì đã cảnh báo ông về âm mưu này. Do đó chúng cũng nhận được vị thế cao hơn với những loài khác, tất nhiên, trừ con bò đực tội nghiệp - nhưng điều đó không thành vấn đề, bởi vì nó đã chết và đoàn tùy tùng đã có thêm một bữa ăn vô cùng tuyệt vời. Salman Rushdie nhận giải thưởng hòa bình tại Hội chợ sách Frankfurt. Đây, gần đúng, là chuyện đầu tiên cũng như dài nhất trong số 5 truyện của Panchatantra - cuốn truyện ngụ ngôn xoay quanh muôn loài. Nó có tên là Về việc chia rẽ giữa những người bạn. Truyện thứ 3, Chiến tranh và hòa bình, tựa đề sau này được một cuốn sách nổi tiếng khác sử dụng, mô tả cuộc xung đột giữa bầy quạ và loài cú, trong đó sự dối lừa của một con quạ độc địa đã dẫn đến sự thất bại và tuyệt diệt của loài cú. Tôi đã sử dụng một phiên bản khác của câu chuyện này trong cuốn tiểu thuyết Thành phố chiến thắng mới nhất của mình. Đọc tiếp Điều bản thân tôi luôn thấy hấp dẫn về Panchatantra là nhiều câu chuyện trong đó không mang tính chất đạo đức. Chúng không rao giảng lòng tốt, đức hạnh, sự trung thực hay phải kiềm chế. Xảo quyệt, chiến lược và sự vô đạo đức thường luôn vượt qua hết mọi thách thức. Người tốt không phải lúc nào cũng thắng. (Thậm chí không phải lúc nào cũng thật rõ ràng ai là người tốt.) Vì lí do này, chúng có vẻ như đương đại một cách kì lạ, bởi vì chúng ta, những độc giả hiện đại, hiện vẫn sống trong một thế giới vô đạo đức, vô liêm sỉ và xảo quyệt, trong đó kẻ xấu khắp nơi vẫn thường chiến thắng. “Tất cả những câu chuyện này đến từ đâu thế?” cậu bé Haroun hỏi người cha trong cuốn tiểu thuyết Haroun và biển truyện của tôi. Ông trả lời rằng chúng đến từ những câu chuyện lớn khác, từ một đại dương của những câu chuyện mà tất cả chúng ta chèo thuyền trên đó. Đó không phải là điểm khởi nguồn duy nhất: còn có kinh nghiệm và quan điểm sống của người kể chúng, và cũng bởi cả thời đại mà họ đang sống. Nhưng hầu hết các câu chuyện đều bắt nguồn từ những câu chuyện khác, chúng gắn kết và thay đổi và do đó trở nên mới mẻ. Đây là quá trình mà tôi gọi là trí tưởng tượng. Tôi luôn được truyền cảm hứng từ thần thoại, truyện dân gian và truyện cổ tích, không phải vì chúng chứa đựng những điều kì diệu, như động vật biết nói hay loài cá thần kì; mà vì chúng gói gọn sự thật. Ví dụ, câu chuyện về Orpheus và Eurydice, nguồn cảm hứng quan trọng cho cuốn tiểu thuyết The Ground Beneath Her Feet (tạm dịch: Mặt đất bên dưới bàn chân cô ấy) của tôi, có thể được kể trong chưa đầy một trăm từ, nhưng nó lại chứa câu hỏi hùng hồn về mối quan hệ giữa nghệ thuật, tình yêu, và cái chết […] Kho tàng những câu truyện cổ thực sự rất là phong phú […] Nhưng ở Ấn Độ, trước khi tôi nghe những câu chuyện đó, tôi đã lớn lên với Panchatantra, và khi tôi thấy mình đang ở giữa văn bản mà mình tôi chấp bút, chính con chó rừng, loài quạ xảo quyệt và những thứ tương tự là điều mà tôi thường quay trở lại, để hỏi xem chúng kể câu chuyện gì. Tính cho đến nay, chúng vẫn chưa làm tôi thất vọng. Mọi điều mà tôi cần biết là lòng tốt và mặt trái của nó, về tự do và sự giam cầm, cũng như về xung đột, đều có thể tìm thấy trong những câu chuyện này. Đối với tình yêu, thì tôi phải nói, cần phải tìm ở nơi khác. Và vì vậy, hôm nay khi tôi đứng nhận giải thưởng hòa bình, tôi tự hỏi: “Thế giới truyện ngụ ngôn nói gì với chúng ta về hòa bình?” Kết quả không tốt cho lắm. Homer nói rằng hòa bình chỉ đến sau một thập kỉ chiến tranh, khi tất cả những người chúng ta quan tâm đều đã chết đi còn nơi thành Troy thì bị tàn phá. Thần thoại Bắc Âu cho biết hòa bình đến sau Ragnarök, Hoàng hôn của các vị thần, khi họ tiêu diệt kẻ thù của mình, nhưng cùng lúc đó, chính bản thân họ cũng bị tiêu diệt. Và Panchatantra cho chúng ta biết hòa bình - cái chết của loài cú và sự chiến thắng của loài quạ - chỉ có thể có thông qua bội phản. Tạm gác lại những huyền thoại quá khứ và nhìn lại bộ đôi “hot” nhất mùa hè năm nay. Trong khi Oppenheimer nhắc nhở chúng ta hòa bình chỉ đến sau khi 2 quả bom nguyên tử Little Boy và Fat Man được thả xuống Hiroshima và Nagasaki; thì Barbie nói rằng bình yên tĩnh tại và hạnh phúc đong đầy vốn chỉ tồn tại trong một thế giới toàn nhựa màu hồng. Và ở đây, chúng ta tụ họp để nói về hòa bình, trong khi chiến tranh vẫn đang hoành hành không ở xa lắm. Đó là cuộc chiến sinh ra từ sự chuyên chế, tham tàn quyền lực và muốn chinh phục của một cá nhân; bên cạnh xung đột vẫn đang lên cao ở Israel và Dải Gaza. Hòa bình, ngay bây giờ đây, giống như ảo mộng vốn được sinh ra từ chất thức thần. Đối với Ukraine, hòa bình không chỉ có nghĩa là chấm dứt chiến sự. Nó còn có nghĩa, như phải có nghĩa, là sự khôi phục lãnh thổ bị chiếm giữ và sự bảo đảm chủ quyền của nó. Hòa bình, đối với kẻ thù của Ukraine, có nghĩa là Ukraine đầu hàng. Cùng một từ đó, với hai ý nghĩa không hề tương thích. Hòa bình cho Israel và cho người Palestine thậm chí còn xa vời hơn. Hoà bình là điều khó mà đạt được. Tuy nhiên, chúng ta vẫn khao khát điều đó, không chỉ sự bình yên vĩ đại đến sau chiến tranh mà còn cả sự yên bình nho nhỏ trong cuộc sống riêng tư […] Dù nó khó tìm nhưng đó là thứ rất đáng theo đuổi. Cha mẹ tôi đã nghĩ như vậy khi họ đặt tên tôi là Salman, cái tên có gốc là “salamat”, nghĩa là “hòa bình”. “Salman” là “hòa bình”. Và thực tế thì tôi là một cậu bé trầm tính, ngoan ngoãn, chăm học và có bản tính hiền lành. Rắc rối bắt đầu sau đó. Nếu tác phẩm của tôi bị ảnh hưởng bởi truyện ngụ ngôn, thì giải thưởng hòa bình cũng có gì đó mang tính hoang đường. Tôi thích ý tưởng rằng hòa bình tự nó có thể là một giải thưởng - rằng ban giám khảo gồm những người khôn ngoan có được quyền lực lớn đến mức họ có thể trao cho riêng một ai đó […] Đó là giải thưởng mà tôi rất vui khi mà được nhận. Tôi thậm chí còn nghĩ đến việc viết một câu chuyện về nó, “Người đàn ông nhận được hòa bình như một giải thưởng”. Tôi tưởng tượng nó diễn ra ở một thị trấn nông thôn nhỏ - có thể là ở chợ làng. Có những cuộc thi thông thường, dành cho những chiếc bánh nướng và bánh ngọt ngon nhất, những quả dưa hấu to nhất, thi đoán trọng lượng con lợn của người nông dân chính xác nhất… chẳng hạn. Tiếp đó người bán hàng rong mặc chiếc áo cũ kĩ đến trên một chiếc xe ngựa và rồi nói rằng anh ta sẽ làm giám khảo của các cuộc thi, và trao phần thưởng mà chưa một ai từng thấy trong đời. Đó là những chiếc chai nhỏ cho những người đoạt giải khác nhau, có nhãn Sự thật, Cái đẹp, Tự do, Lòng tốt và Hòa bình. Dân làng tỏ ra thất vọng. Họ thích tiền mặt hơn cả. Và vào hội chợ năm sau, có những hiện tượng kì lạ xảy ra. Sau khi uống chất lỏng trong chai, người sở hữu Sự thật bắt đầu khó chịu và dần xa lánh những người hàng xóm bằng cách nói cho họ biết chính xác những gì anh ta nghĩ về họ. Người đẹp thì lại trở nên đẹp hơn, ít nhất là trong mắt mình nhưng lại xa cách theo kiểu nào đó. Hành vi phóng túng của Tự do khiến nhiều dân làng bị sốc, và kết luận rằng chai rượu của cô chắc chắn có chứa một loại chất say cực mạnh. Lòng tốt tự xưng là một vị Thánh, và tất nhiên ai cũng thấy ông không thể chịu nổi. Và Hòa Bình chỉ ngồi dưới gốc cây và mỉm cười. Vì ngôi làng đầy rẫy những rắc rối nên nụ cười này cũng rất cay đắng. Một năm sau đó, khi hội chợ được tổ chức lần nữa, người bán rong quay lại nhưng bị đuổi ra khỏi thị trấn. “Biến đi”, dân làng kêu lên. “Chúng tôi không muốn những giải thưởng đó. Một bông hoa hồng, một miếng pho mát, một miếng giăm bông hoặc là một dải ruy băng… Đó là những giải thưởng bình thường. Chúng tôi muốn những thứ đó.” Tôi có thể viết câu chuyện đó hoặc không? Ít nhất, nó có thể giúp minh họa một cách hài hước một điểm nghiêm túc, đó là những khái niệm mà chúng ta nghĩ mình có thể đồng ý là đức tính tốt nhưng lại có nhiều khả năng bị coi là xấu, tùy thuộc vào trong quan điểm của bản thân bạn và tác động của chúng trong thế giới thực. Trong cuốn tiểu thuyết Tử tước chẻ đôi của Italo Calvino, người anh hùng đã bị chia đôi bởi một viên đạn bắn thẳng vào ngực. Hai nửa đều sẽ sống sót, vết thương được một bác sĩ chuyên môn chữa trị, và sau đó hóa ra tử tước đã bị chia cắt về mặt đạo đức cũng như thể chất. Một nửa bây giờ không thể tốt được, trong khi nửa kia ngày càng xấu xa đến mức không thể tin được. Tuy nhiên, hóa ra cả hai nửa đều gây ra mức độ thiệt hại như nhau, đều đáng sợ như nhau, chỉ cho đến khi chúng được khâu lại bởi cùng vị bác sĩ đó và một lần nữa trở thành số ít về mặt thể chất nhưng là số nhiều về mặt đạo đức. Số phận của tôi, trong nhiều năm qua, là uống từ chính cái chai có nhãn Tự do và do đó tôi viết không chút kiềm chế những cuốn sách mà tôi chợt nảy ra trong đầu. Và bây giờ, khi tôi sắp xuất bản cuốn sách thứ 22, thì tôi phải nói rằng 21 trong số 22 lần đó đều rất đáng uống. Trong dịp còn lại, tức là lần xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 4 của tôi, tôi đã học được - nhiều người trong chúng tôi đã học được - rằng tự do có thể tạo ra phản ứng ngang bằng từ các thế lực không muốn tự do, và tôi cũng học được cách đối mặt với hậu quả của điều đó. Tôi cũng biết được rằng nhiều nhà văn và nghệ sĩ khác, khi thực hiện quyền tự do của mình, cũng phải đối mặt với các thế lực thâu tóm tự do. Tóm lại tự do có thể là một loại rượu nguy hiểm để uống. Nhưng điều đó khiến việc phòng thủ trở nên cần thiết và thiết yếu hơn. Thú thật, có nhiều lúc tôi đã thà uống lọ Hòa bình và dành cả đời ngồi dưới gốc cây với nụ cười sung sướng, hạnh phúc, nhưng đó không phải là cái lọ mà người bán rong đưa cho tôi. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tôi không nghĩ mình sẽ thấy trong đời, thời điểm mà tự do – và đặc biệt là tự do ngôn luận, nếu không có nó thì giới văn chương không thể tồn tại – ở khắp mọi nơi đang bị tấn công bởi những kẻ phản động, độc tài, dân túy, mị dân… Cũng trong lúc đó, các cơ sở giáo dục và thư viện phải chịu một sự thù địch và bị kiểm duyệt; tôn giáo cực đoan và những hệ tư tưởng mù quáng bắt đầu xâm nhập ngày càng nhiều vào những lĩnh vực cuộc sống… Đây là một điều gì đó thật sự mới mẻ và đang trở nên ngày càng phức tạp bởi chính công cụ giao tiếp của chúng ta, Internet. Trên đó các lời dối lừa đã được “phục trang” một cách khéo léo nằm cạnh sự thật, và rất khó để phân biệt được đâu là điều tốt và đâu là xấu. Phương tiện truyền thông xã hội cũng tương tự thế, nơi mà các chủ sở hữu tỷ phú chi phối tâm lý đám đông để mà kiếm lợi từ nó. Chúng ta phải làm gì về quyền tự do ngôn luận khi nó bị lạm dụng rộng rãi? Chúng ta vẫn sẽ nên làm, với cách thức mới, những gì chúng ta luôn cần làm: đáp lại lời xấu bằng những lời hay, chống lại những chuyện sai trái bằng chuyện đúng đắn, đáp lại sự căm ghét bằng tình yêu và tin rằng sự thật vẫn có thể thành công ngay cả trong một thời đại toàn là dối trá. Chúng ta phải bảo vệ nó một cách quyết liệt và định nghĩa nó lại một cách rộng rãi nhất có thể, vì vậy, vâng, tất nhiên chúng ta nên chấp nhận những lời nói xúc phạm mình; nếu không thì tất cả chúng ta không hề bảo vệ quyền tự do ngôn luận chút nào. Hãy để một ngàn lẻ một giọng nói nói theo một ngàn lẻ một cách khác nhau. Trích dẫn lời của Cavafy, “những kẻ man rợ đang đến hôm nay,” và điều tôi biết là câu trả lời cho chủ nghĩa khủng bố là nghệ thuật, câu trả lời cho chủ nghĩa man rợ là nền văn minh, và trong bất kì cuộc chiến nào thì các nghệ sĩ thuộc mọi lĩnh vực - nhà làm phim, diễn viên, các ca sĩ, và, vâng, những người thực hành nghệ thuật cổ xưa là viết - vẫn có thể cùng nhau đuổi những kẻ man rợ ra khỏi thế giới ngày càng đen tối này. Nguồn: vannghequandoi.com.vn NGÔ MINH dịch từ bài viết của Salman Rushdie trên The New Yorker.
Tính đa dạng và hòa nhập trong văn học Mỹ - Trịnh Y Thư Bối cảnh văn học Mỹ thế kỷ XX Nước Mỹ thế kỷ XX cống hiến cho nhân loại sự phong phú và đa dạng của các trào lưu, chủ đề và tiếng nói trong văn học. Một số tác giả và tác phẩm kinh điển đã xuất hiện trong thời kỳ này, góp phần phát triển truyền thống văn học có từ những thế kỷ trước. Riêng trong lĩnh vực tiểu thuyết, văn học hiện đại, thịnh hành vào đầu thế kỷ XX ở Châu Âu với kỹ thuật “dòng ý thức” trong tiểu thuyết của James Joyce và Virginia Woolf, lan rộng sang Mỹ, tìm cách tách rời các hình thức truyền thống thế kỷ XIX để cách tân và hình thành một dòng văn học mới với phong cách độc đáo, táo bạo và mở ra những cánh cửa thú vị bất ngờ cho người đọc đi vào ngôi nhà nghệ thuật. Kỷ nguyên văn học hiện đại phương Tây bắt đầu từ hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX và, không thể nghi ngờ, Mỹ là quốc gia có những đóng góp to tát. Các tiểu thuyết gia lớn trong thời kỳ này, ta có thể nhắc đến F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway và William Faulkner. Đặc điểm của thời kỳ này là sự hiện hữu của cái-gọi-là “Thế hệ Thất lạc.” Họ là các nhà văn vỡ mộng vì hậu quả đổ nát kinh hoàng của Thế chiến thứ nhất, do đó các tác phẩm của họ thường phản ánh cảm giác tuyệt vọng và vỡ mộng với cuộc sống và những quan điểm hay ý thức hệ quá khứ. Ngoài Ernest Hemingway và F. Scott Fitzgerald còn có John Dos Passos, là những nhà văn tiểu biểu cho “Thế hệ thất lạc.” Trong khi đó, tại miền Nam nước Mỹ, vào khoảng thời gian những năm 1920-1940, dấy lên một phong trào có tên gọi là “Phục hưng miền Nam.” Trọng tâm của các nhà văn này là khám phá sự phức tạp của trải nghiệm trong cuộc sống miền Nam nước Mỹ, bao gồm các vấn đề chủng tộc, giai cấp và truyền thống. Các tác giả chính là William Faulkner, Carson McCullers và Eudora Welty. Rồi đến “Thế hệ Beat” nổi đình đám suốt hai thập kỷ ‘40 và ‘50. Các nhà văn “Beat” bác bỏ các chuẩn mực xã hội lỗi thời, khước từ “cái cũ” để khám phá những “cái khác”. Họ thường chịu ảnh hưởng của triết học phương Đông và nhạc Jazz. Các tác giả chính là Jack Kerouac, Allen Ginsberg và William S. Burroughs. Thời kỳ này (lan sang thập kỷ ‘60 với chiến tranh Việt Nam đang đi vào giai đoạn khốc liệt), còn có các tác giả chú trọng đến các vấn đề dân quyền, bất bình đẳng chủng tộc và bất công xã hội, như James Baldwin, Ralph Ellison và Lorraine Hansberry. Đọc tiếp Nửa sau thế kỷ XX chứng kiến sự ra đời của Chủ nghĩa Hậu Hiện đại. Nói chung, đặc điểm của văn học Hậu Hiện đại thường thách thức các quan niệm truyền thống về hiện thực, chấp nhận tính liên văn bản và đặt câu hỏi về văn chương tự sự cố hữu. Các tác giả tài danh gồm có: Thomas Pynchon, Don DeLillo và Kurt Vonnegut. Tuy thế, không phải ai cũng viết với phong cách văn học Hậu Hiện đại, thực chất, đây là thời kỳ bùng phát của nền tiểu thuyết Mỹ với rất nhiều cây bút lừng lẫy tạo ảnh hưởng lên văn học thế giới, và thật thiếu sót nếu ta không nhắc đến các tiểu thuyết gia Philip Roth, Raymond Carver, John Updike, Saul Bellow, Joyce Carol Oates, trong số rất nhiều tên tuổi khác. Văn học Mỹ, nhất là tiểu thuyết, trong thế kỷ XX được đặc trưng bởi sự tương tác năng động giữa các hình thức truyền thống và thể nghiệm, tiếng nói đa dạng và phản ánh những thay đổi xã hội, chính trị và văn hóa của thời đại. Nó tiếp tục được đánh giá cao vì những đóng góp cho bối cảnh văn học toàn cầu. Chính “tiếng nói đa dạng” đã làm tiền cảnh cho “tiếng nói đương đại” bao gồm nhiều tiếng nói đại diện hơn cho phụ nữ, dân tộc thiểu số và các nhà văn LGBTQ+ như Toni Morrison, Jhumpa Lahiri, Sandra Cisneros và Alice Walker. Bước sang thế kỷ XXI, điều này ngày càng rõ rệt hơn. Tính đa dạng và hòa nhập Tính đa dạng và hòa nhập trong văn học là sự thể hiện nhiều tiếng nói, quan điểm và kinh nghiệm khác nhau trong các tác phẩm viết. Đó là phản ứng trước sự kiện rất khó giải thiêng, mà ta có thể nói thẳng ra là, văn học kinh điển truyền thống thường bị thống trị bởi một nhóm tiếng nói hạn hẹp, chủ yếu là của các tác giả da trắng, dị tính (heterosexual), và thường là nam giới. Lời kêu gọi hãy cho văn học tính đa dạng nhằm chủ đích làm sao khắc phục được sự thiếu cân bằng đó bằng cách thúc đẩy sự tham gia của các nhà văn từ nhiều gốc gác khác nhau, bao gồm các chủng tộc, sắc tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, khả năng và bối cảnh văn hóa cũng như kinh tế-xã hội khác nhau. Nhu cầu thể hiện đa dạng liên quan đến việc mô tả nhân vật và phần tự sự phản ánh sự phong phú và phức tạp của thế giới thực. Phong trào “Tiếng nói riêng/ Own Voices” khuyến khích các tác giả viết về các nhân vật và trải nghiệm phù hợp với bản sắc riêng của họ. Cách tiếp cận này được xem như một cách để đảm bảo tính xác thực và tránh sự rập khuôn trong phong cách thể hiện. Tính giao thoa là một đặc tính quan trọng của khuynh hướng đa dạng và hòa nhập trong văn học. Tính giao thoa thừa nhận rằng các cá nhân có nhiều bản sắc giao nhau và hình thành nên trải nghiệm của họ. Văn học đề cao tính xen kẽ, thừa nhận và khám phá sự phức tạp của các nhân vật có thể thuộc nhiều nhóm trước đây bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nói chung, tiếng nói của những kẻ “thấp cổ bé miệng” được chú ý nhiều hơn. Những thay đổi trong ngành xuất bản cũng đóng góp đáng kể vào sự phát triển này. Ngày càng có nhiều chú ý hơn về sự thiếu đa dạng trong bản thân ngành xuất bản. Những nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết sự chênh lệch trong giao dịch xuất bản sách, vai trò biên tập và các khía cạnh khác của quá trình xuất bản. Các sáng kiến hỗ trợ các tác giả và tác phẩm đa dạng đã xuất hiện để mang lại nhiều cơ hội hơn cho những tiếng nói ít được đại diện. Ngoài ra, những nỗ lực đang được thực hiện nhằm đa dạng hóa chương trình giảng dạy tại các trường trung / đại học để mở rộng chương trình học vấn khoa Văn bao gồm những tác giả thiểu số và chấp nhận cái nhìn của họ trong học đường. Điều này giúp học sinh, sinh viên nhìn thấy bản thân mình được phản ánh trong văn học mà họ nghiên cứu và giúp họ tiếp cận với một quy phạm văn học bao quát hơn. Các giải thưởng, như giải Pulitzer cao quý, và danh hiệu văn học ngày càng công nhận những tác phẩm góp phần tạo nên sự đa dạng và hòa nhập. Các tác giả từ các cộng đồng thiểu số ngày càng nhận được nhiều sự công nhận hơn vì những đóng góp của họ cho văn học. Và sau cùng, nhưng không kém quan trọng, là sự tham gia của độc giả. Độc giả ngày càng có tiếng nói hơn trong việc yêu cầu những cuốn sách đa dạng, và các mạng truyền thông xã hội đã đóng vai trò hữu ích trong việc khuếch đại những tiếng nói ấy. Các blogger, nhà phê bình và độc giả đang tích cực quảng bá văn học đa dạng và thách thức làm sao cho nó trở nên hòa nhập hơn. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được sự đa dạng và hòa nhập hơn trong văn học. Những diễn ngôn xung quanh những vấn đề này là điều cần thiết để thúc đẩy sự thay đổi tích cực và tạo ra một bối cảnh văn học thực sự thể hiện sự đa dạng trong trải nghiệm của con người. Các tác phẩm tiểu thuyết mang tính đa dạng và hòa nhập Dưới đây là 10 cuốn sách đáng chú ý, xuất bản trong thời gian hai ba chục năm qua, có thể xem là đại diện cho xu hướng này. Sự bình chọn không phải của tôi. Tôi chỉ giản dị dựa trên những thông tin lấy từ nhãn quan của đa số trong giới phê bình cũng như đại chúng. “The Hate U Give/ Sự thù ghét mi cho ta” của Angie Thomas Cuốn tiểu thuyết này đề cập đến các vấn đề về chủng tộc và bạo lực của cảnh sát qua con mắt của một cô gái trẻ người Mỹ trở thành nhà hoạt động sau khi chứng kiến cảnh sát bắn chết bạn mình. Starr Carter, 16 tuổi, sống hai thế giới: khu dân cư nghèo nơi cô sinh sống và ngôi trường ở ngoại ô sang trọng mà cô theo học. Sự cân bằng khó giữ giữa hai thế giới bị phá vỡ khi Starr chứng kiến vụ bắn chết người bạn thân thời thơ ấu của cô là Khalil dưới bàn tay của một nhân viên cảnh sát. Khalil không có vũ khí. Ngay sau đó, cái chết của Khalil đã trở thành tiêu đề trên báo chí truyền thông toàn quốc. Một số người gọi anh ta là một tên côn đồ, thậm chí có thể là một kẻ buôn ma túy và một tên băng đảng hè phố. Một vài cảnh sát và trùm ma túy địa phương tìm cách đe dọa Starr và gia đình cô. Điều mọi người muốn biết là: cái gì thực sự đã xảy ra đêm đó? Và người duy nhất còn sống có thể trả lời được câu hỏi đó chính là Starr. Nhưng những gì Starr nói, hoặc không nói, có thể ảnh hưởng đến cộng đồng của cô. Nó cũng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng cô. “Americanah” của Chimamanda Ngozi Adichie Cuốn tiểu thuyết này của Adichie khám phá trải nghiệm của một phụ nữ trẻ người Nigeria nhập cư vào Hoa Kỳ, va chạm đến các vấn đề chủng tộc, bản sắc và sự thích nghi văn hóa. Ifemelu và Obinze còn trẻ và yêu nhau khi họ rời Nigeria dưới chế độ quân phiệt và di cư sang phương Tây tìm đất sống. Ifemelu là cô gái xinh đẹp, tự tin. Cô đến Mỹ, nơi mặc dù thành công trong học tập nhưng lần đầu tiên cô buộc phải vật lộn với ý nghĩa của việc cô là người da đen. Còn Obinze trầm lặng, chu đáo, hy vọng được cùng cô đoàn tụ, nhưng khi nước Mỹ hậu 11/9 đóng cửa với anh, thay vì được gặp lại người yêu, anh lao vào một cuộc sống nguy hiểm, một cư dân lậu ở London. “There There / Đó! Đó” của Tommy Orange Cuốn tiểu thuyết của Tommy Orange miêu tả mạnh mẽ trải nghiệm của người Mỹ da đỏ bản địa sinh sống ở thành thị. Jacquie Red Feather tỉnh ngộ và đang cố gắng quay trở lại với gia đình mà cô đã từ bỏ. Dene Oxendene cố gắng sống lại sau cái chết của chú mình. Orvil mười bốn tuổi. Họ cùng đến tham dự một buổi lễ hội truyền thống vào một ngày định mệnh tại Big Oakland Powwow và cùng nhau thuật về hoàn cảnh khó khăn của người Mỹ da đỏ sống nơi đô thị, vật lộn với một lịch sử phức tạp và đau đớn, với di sản về cái đẹp và tâm linh, với sự hiệp thông và hy sinh, về chủ nghĩa anh hùng của dân tộc họ. Nhật báo New York Times gọi đó là “một cuốn sách viết với rất nhiều năng lượng sôi nổi và mang đến rất nhiều thông tin từ một góc riêng biệt của cuộc sống Mỹ đến mức nó là một sự khám phá.” “The Joy Luck Club / Câu lạc bộ Joy Luck” của Amy Tan Cuốn tiểu thuyết của Amy Tan đi sâu vào cuộc sống của các gia đình người Mỹ gốc Hoa nhập cư, khám phá những khác biệt về thế hệ và văn hóa thông qua những câu chuyện liên kết với nhau. Bốn người mẹ, bốn cô con gái, bốn gia đình mà lịch sử của họ thay đổi theo chiều gió tùy vào người “thuật” câu chuyện. Năm 1949, bốn phụ nữ Trung Hoa, những người mới nhập cư đến San Francisco, bắt đầu gặp nhau để ăn dim-sum, chơi mạt chược và trò chuyện. Gặp nhau trong sự mất mát, họ vui sướng tự gọi mình là Câu lạc bộ Joy Luck. Thay vì chìm vào bi kịch, họ tìm cách gặp gỡ nhau để nâng cao tinh thần và thậm chí kiếm tiền. “Tuyệt vọng là mong muốn quay lại một điều gì đó đã mất. Hoặc kéo dài những gì không thể chịu đựng nổi.” Bốn mươi năm sau những câu chuyện và lịch sử vẫn tiếp diễn. Với sự minh triết và nhạy cảm, Amy Tan xem xét mối liên hệ đôi khi đau đớn, thường dịu dàng và luôn sâu sắc giữa những bà mẹ và con gái của họ. Khi mỗi người phụ nữ tiết lộ bí mật của mình, cố gắng làm sáng tỏ sự thật về cuộc đời mình, những sợi dây thắt buộc càng chặt hơn. Amy Tan là người kể chuyện sắc sảo, có cách lôi cuốn người đọc chìm đắm vào những cuộc sống phức tạp và bí ẩn. Cuốn sách được Hollywood dựng thành một cuốn phim lớn. Nữ tài tử Kiều Chinh của Việt Nam được chọn thủ diễn vai một trong bốn bà mẹ Trung Hoa. Diễn viên Kiều Chinh (bên trái) trong vai một bà mẹ Trung Hoa – Phim The Joy Luck Club. (Ảnh: Tư liệu Kiều Chinh). “Speak No Evil / Không nói điều ác” của Uzodinma Iweala Cuốn tiểu thuyết này kể câu chuyện của một thiếu niên người Mỹ gốc Nigeria đối mặt với căn tính và giới tính của mình, giải quyết các vấn đề về chủng tộc, tôn giáo và gia đình. Trong cuốn tiểu thuyết, một tiết lộ được chia sẻ giữa hai thiếu niên con nhà giàu có từ những hoàn cảnh rất khác nhau đã gây ra một chuỗi sự kiện với những hậu quả tàn khốc. Bề ngoài, Niru có một cuộc sống đầy đủ. Được nuôi dưỡng tử tế, cậu là học sinh giỏi giang và là ngôi sao điền kinh tại một trường trung học tư thục danh tiếng. Cậu chuẩn bị nhập học trường Harvard với một triển vọng tươi sáng. Nhưng Niru có một bí mật đau đớn: Cậu là người đồng tính, một tội lỗi ghê tởm đối với cha mẹ người Nigeria bảo thủ. Không ai biết ngoại trừ Meredith, người bạn thân nhất của cậu, và cô gái dường như không phán xét cậu. Khi cha cậu vô tình phát hiện ra Niru là người đồng tính, hậu quả ập đến thật tàn bạo và nhanh chóng. Tuy nhiên, khi đối mặt với những rắc rối của riêng mình, Meredith nhận ra rằng cô không còn nhiều cảm xúc để giúp đỡ Niru nữa. Khi hai người bạn đấu tranh để dung hòa ước muốn của mình với những kỳ vọng từ kẻ khác, họ thấy mình đang hướng tới một tương lai bạo lực và vô nghĩa hơn những gì họ có thể tưởng tượng. Cả hai đều không thoát khỏi sự tổn thương. Tương tự như cuốn Americanah của Chimamanda Ngozi Adichie, Speak No Evil khám phá ý nghĩa của sự khác biệt trong một xã hội tuân thủ những gì được xem là cơ bản và sự khác biệt đó diễn ra như thế nào trong cuộc vật lộn nội tại và ngoại tại của chúng ta. Nó là một cuốn tiểu thuyết về sức mạnh của ngôn từ và sự tự nhận bản sắc, về ai có quyền lên tiếng và ai có quyền lên tiếng thay kẻ khác. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của Uzodinma Iweala này đi sâu vào cốt lõi của con người chúng ta và khiến chúng ta đảo lộn theo nó. “The Book Thief / Kẻ trộm sách” của Markus Zusak Cuốn tiểu thuyết này thuật cuộc đời của một cô gái trẻ ở Đức dưới thời Quốc xã. Nó khám phá các chủ đề về nhân loại, tình yêu và tác động của chiến tranh. Là cuốn sách “best-seller” bán chạy nhất của New York Times và được thực hiện thành một bộ phim lớn, câu chuyện khó quên của Markus Zusak là về khả năng sách có thể nuôi dưỡng tâm hồn. Được “The Great American Read” thuộc kênh truyền hình PBS đề cử là một trong những tiểu thuyết được yêu thích nhất nước Mỹ. Khi Thần Chết có chuyện muốn kể, bạn hãy lắng nghe. Đó là năm 1939. Đức Quốc xã. Đất nước đang nín thở. Thần Chết chưa bao giờ bận rộn hơn thế và sẽ còn bận rộn hơn nữa. Liesel Meminger là một cô gái sinh sống bên ngoài Munich, cô tự kiếm sống bằng nghề ăn trộm khi gặp phải thứ mà cô không thể cưỡng lại – sách. Với sự giúp đỡ của người cha nuôi chơi đàn phong cầm, cô học cách đọc và chia sẻ những cuốn sách ăn trộm của mình với hàng xóm trong lúc nép mình dưới bom đạn, cũng như với người đàn ông Do Thái ẩn trốn dưới tầng hầm nhà cô. Bằng lối viết tuyệt vời, cháy bỏng với cường độ cao, tác giả từng đoạt giải thưởng Markus Zusak, tác giả cuốn I Am The Messenger / Tôi là sứ giả đã mang đến cho chúng ta một trong những câu chuyện có sức sống trường tồn nhất trong kỷ nguyên hiện đại. “Loại sách có thể thay đổi cuộc đời bạn.” New York Times phê bình như thế. “Xứng đáng được đặt trên cùng kệ sách với cuốn ‘Nhật ký Anne Frank.’” Là lời bình của báo USA Today. “The Kite Runner / Người thả diều” của Khaled Hosseini Cuốn tiểu thuyết của Hosseini lấy bối cảnh là Afghanistan và khám phá các chủ đề về tình bạn, sự phản bội và sự cứu chuộc trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của đất nước này. Afghanistan, từ những ngày cuối của chế độ quân chủ đến thời hiện tại, Người thả diều là câu chuyện được kể rất hay và khó quên về tình bạn giữa hai cậu bé lớn lên ở Kabul. Lớn lên trong cùng một gia đình và có cùng một vú nuôi, Amir và Hassan lớn lên ở hai thế giới khác nhau: Amir là con trai của một nhân vật nổi tiếng và giàu có, còn Hassan, con trai người hầu của cha Amir, là người Hazara – một sắc dân thiểu số bị ngược đãi, xa lánh. Cuộc sống đan xen và số phận của hai cậu trai phản ánh bi kịch cuối cùng của thế giới xung quanh. Khi cha con Amir trốn khỏi đất nước để có cuộc sống mới ở California, Amir nghĩ rằng mình đã thoát khỏi quá khứ. Tuy nhiên, cậu không thể bỏ lại ký ức về Hassan sau lưng mình. Người thả diều là một cuốn tiểu thuyết về tình bạn và sự phản bội cũng như về cái giá của lòng trung thành. Nó nói về mối quan hệ giữa cha-con, cũng như quyền lực của cha đối với con – tình yêu thương, sự hy sinh và sự dối trá. Được viết trên bối cảnh lịch sử chưa từng được thuật bao giờ trong tiểu thuyết trước đây, cuốn sách mô tả nền văn hóa phong phú và vẻ đẹp của một vùng đất đang trong quá trình bị tàn phá. Nhưng qua sự tàn phá, Khaled Hosseini mang đến hy vọng được cứu chuộc. “Little Fires Everywhere / Những ngọn lửa nhỏ ở mọi nơi” của Celeste Ng Cuốn tiểu thuyết của Celeste Ng (Ngô trong tiếng Việt) khám phá sự phức tạp của chủng tộc, giai cấp và đặc quyền trong bối cảnh một cộng đồng ở ngoại ô thuộc bang Ohio. Shaker Heights là một vùng ngoại ô yên tĩnh, tiến bộ của thành phố Cleveland, nơi mọi thứ đều có kế hoạch quy định, từ cách bố trí những con đường quanh co, màu sắc của những ngôi nhà cho đến cuộc sống thành công mà cư dân nơi đây hướng tới. Và không ai thể hiện tinh thần này hơn Elena Richardson, người có nguyên tắc chỉ đạo là tuân thủ luật lệ. Thế rồi một hôm Mia Warren – một nghệ sĩ có quá khứ bí ẩn, một bà mẹ đơn thân – cùng với cô con gái tuổi teen của mình, Pearl, đến thuê một căn nhà từ gia đình Richardson. Chẳng bao lâu Mia và Pearl trở thành cái gì khác hơn là người thuê nhà. Cả bốn người con của Richardson đều bị thu hút bởi cặp mẹ con nghệ sĩ. Nhưng Mia mang trong mình một quá khứ bí ẩn và sự coi thường hiện trạng đời sống của cô có nguy cơ đảo lộn cộng đồng nơi trật tự được gìn giữ thật cẩn thận. Khi người bạn cũ của gia đình Richardson nhận một em bé người Mỹ gốc Hoa làm con nuôi, một cuộc chiến giành quyền nuôi con nổ ra khiến thị trấn bị chia cắt một cách trầm trọng. Mia và Elena ở vào hai phe đối lập. Nghi ngờ Mia và động cơ của cô, Elena quyết tâm khám phá những bí mật trong quá khứ của Mia. Nhưng với nỗi ám ảnh của mình, Elena đã phải trả những cái giá bất ngờ và tàn khốc. “Purple Hibiscus / Hoa dâm bụt tím” của Chimamanda Ngozi Adichie Một tác phẩm khác của Adichie, cuốn tiểu thuyết này kể về câu chuyện trưởng thành của một cô gái trẻ ở Nigeria thời hậu thuộc địa, đề cập đến các chủ đề về gia đình, tôn giáo và tình trạng bất ổn chính trị. Chimamanda Ngozi Adichie là nhà văn đoạt giải O Henry năm 2003. Trong cuốn Purple Hibiscus bà thuật lại câu chuyện về một cô gái trẻ người Nigeria đi tìm tự do. Mặc dù cha cô rất được tôn trọng trong cộng đồng, nhưng Kambili, 15 tuổi, biết rõ khía cạnh nghiêm khắc và ngược đãi đáng sợ của người mình gọi là cha này. Về nhiều mặt, cô và gia đình có một cuộc sống đặc quyền, nhưng Kambili và anh trai cô, Jaja, thường bị trừng phạt vì không đáp ứng được kỳ vọng của người cha. Sau khi đến thăm dì và các anh chị em họ, Kambili mơ ước được trở thành thành viên của một gia đình yêu thương. Nhưng một cuộc đảo chính quân sự mang lại căng thẳng mới cho Nigeria và ngôi nhà của cô, Kambili tự hỏi liệu ước mơ của cô có bao giờ thành hiện thực. Ngôn ngữ đầy chất thơ và ấn tượng của Adichie mở ra một vùng đất và một gia đình đầy xung đột nhưng phải đấu tranh để sinh tồn. “The Sympathizer / Cảm tình viên” của Việt Thanh Nguyễn Cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer này viết về trải nghiệm của một điệp viên cộng sản Việt Nam nằm vùng tại Mỹ. Nó mang đến một góc nhìn độc đáo về chiến tranh Việt Nam. Khi cuốn sách ra mắt đại chúng, và được tiếp đón một cách nồng nhiệt khắp nơi, tôi đã có một bài “điểm sách” bằng tiếng Việt nhằm giới thiệu đến độc giả Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Xin trích đoạn: “Năm 2016, cuốn The Sympathizer đi vào lịch sử với giải thưởng Pulitzer bộ môn văn học, giải thưởng cao quý nhất của Hoa Kỳ, trao tặng hằng năm cho những tác giả xuất sắc nhất thuộc các ngành văn chương, báo chí. Trước đó cuốn sách đã được văn giới Bắc Mỹ không tiếc lời ca ngợi như một tác phẩm tiểu thuyết sâu sắc, có chiều kích lịch sử và chính trị cao rộng; là tiếng nói mới đầy khích động trong văn học Mỹ; là cuốn tiểu thuyết bắt người ta phải đánh giá lại chẳng những chiến tranh Việt Nam mà cả cặp phạm trù chính trị-văn hóa; là một tác phẩm văn học đúng nghĩa nhất bởi nó ‘mở rộng ý thức con người ra khỏi giới hạn của thân xác và những cảnh huống cá nhân.’” Nhà văn Mỹ, ông Robert Olen Butler, một nhà văn viết nhiều về Việt Nam, cũng đoạt giải Pulitzer với cuốn A Good Scent from a Strange Mountain / Bửu Sơn Kỳ Hương, nói về Việt Thanh Nguyễn như sau: “Việt Thanh Nguyễn chẳng những đã đem lại tiếng nói hiếm hoi và trung thực cho khối tác phẩm văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, với cuốn sách, anh còn vượt qua những đường biên lịch sử, chính trị, quốc gia, và nói lên được chủ đề muôn thuở trong văn học: cuộc kiếm tìm bản ngã và bản nguyên ở tầm mức phổ quát. The Sympathizer là một tác phẩm đầu tay sáng chói của một nhà văn có chiều sâu và tài năng.” Cuốn sách đang được kênh truyền hình HBO thực hiện một bộ phim nhiều tập, nữ tài tử Kiều Chinh thủ diễn vai bà mẹ trong truyện. Những cuốn sách liệt kê bên trên đại diện cho nhiều thể loại và chủ đề khác nhau, mang đến cho người đọc cơ hội khám phá những giọng điệu và tự sự đa dạng. Điều đáng chú ý là bối cảnh văn học đa dạng không ngừng phát triển và nhiều tiếng nói mới và thú vị tiếp tục đóng góp cho xu hướng quan trọng này. Cộng đồng người Việt hải ngoại hãnh diện có một Việt Thanh Nguyễn trong danh sách những tiểu thuyết gia Mỹ đương đại hàng đầu góp phần không nhỏ cho tính đa dạng và hòa nhập trong văn học. Chắc chắn đó là nguồn cảm hứng cho nhiều cây bút trẻ có tiềm năng và mơ ước. – Trịnh Y Thư
Một số nguyên tắc và thực trạng hoạt động dạy học văn học nước ngoài ở trường THPT ThS. Nguyễn Thị Tuyết Lịch sử dân tộc và nhân loại đã chứng minh, thời kỳ nào, dân tộc nào quan tâm đến văn hóa, đến khoa xã hội và nhân văn, thì thời kỳ đó thịnh trị, phát triển; ngược lại thì suy thoái là chung cục không thể tránh khỏi. Sự phát triển theo xu hướng xã hội tiêu thụ đã khiến con người quay lưng với văn chương và khoa xã hội nhân văn nói chung. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học văn đã trở thành điểm nóng, là vấn đề đáng quan ngại của toàn xã hội. Ở đây, chúng tôi chỉ xin trình bày một số nguyên tắc và một số kiến nghị giải pháp về hoạt động dạy học phân môn Văn học nước ngoài (VHNN) ở trường Trung học phổ thông (THPT). Một số nguyên tắc và thực trạng hoạt động dạy học VHNN – Dạy học VHNN qua bản dịch nhưng phải đảm bảo tinh thần, giá trị nguyên tác Văn bản văn học là trung tâm của mọi hoạt động tiếp nhận. Vì vậy, muốn dạy học tốt thì phải trực tiếp tiếp xúc với văn bản. Tuy nhiên, dạy học VHNN vô cùng bất cập khi không thể phân tích trực tiếp từ nguyên bản (vì rào cản ngôn ngữ), đặc biệt là phân tích thơ mà qua bản dịch là việc làm quá sức, nên chúng tôi không muốn nội dung chương trình quá nhiều thơ (cho dù đó là thơ chữ Hán có phiên âm). Đọc tiếp Hướng đến tinh thần nguyên tác thì bản thân giáo viên (GV) và HS phải tìm đọc đầy đủ về tác phẩm và những vấn đề liên quan đến tác phẩm, tác giả. Điều này cần một sự đam mê và nỗ lực của thầy lẫn trò, bên cạnh đó là yếu tố thời gian. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động dạy học VHNN thường chỉ dạy qua bản dịch và trích đoạn trong sách giáo khoa (SGK), vì GV và HS thiếu tài liệu, thiếu thời gian, thậm chí rất nhiều HS hiếm khi đọc đoạn trích trước khi lên lớp. Vì vậy, hoạt động dạy học VHNN ở trường THPT phần lớn rất nhàm chán và thường là hoạt động “áp đặt” kiến thức của GV. – Dạy học VHNN đảm bảo đặc trưng văn hóa vùng miền, hướng tới tính dân tộc và tính nhân loại Đặc trưng VHNN không chỉ là sự khác biệt về ngôn ngữ mà còn là một khoảng cách rộng lớn về thời gian và không gian. Đó là khoảng cách văn hóa. Người Việt không phải ai cũng hiểu được văn hóa bản xứ, huống gì văn hóa nước ngoài là cả một sự thách đố đối với bất cứ ai. Mỗi tác phẩm văn học đều được sáng tạo trên một cơ tầng văn hóa, và chịu sự tác động của những quy luật tự nhiên và xã hội cho nên tác phẩm văn học vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính nhân loại. Muốn khai thác được đặc trưng văn hóa thì phải đặt tác phẩm đúng hoàn cảnh mà tác phẩm đó ra đời. Tức là phải tìm hiểu về đặc điểm thời đại, hoàn cảnh sáng tác, tập tục xã hội, tâm lý, quan niệm đạo đức thẩm mỹ của dân tộc,… để từ đó phân tích văn bản một cách hợp lý hơn. Trên thực tế hoạt động dạy học, một phần không nhỏ HS rất yếu kém về phương diện này, dẫn đến nhầm lẫn, suy diễn một cách ngây ngô, hiểu sai nội dung tư tưởng tác phẩm. GV cũng không có và không giành nhiều thời gian cho mục này nên hiệu quả tiếp nhận, chiếm lĩnh tác phẩm là thấp. – Dạy học VHNN theo đúng đặc trưng thể loại Đây là nguyên tắc chung khi chúng ta tìm hiểu bất kỳ tác phẩm văn học nào. Dạy học VHNN càng phải đáng lưu ý. Bởi đặc trưng thi pháp theo thể loại là khác nhau. Cùng là thơ, nhưng thơ Đường thì thường phân tích theo cấu trúc đề, thực, luận, kết (thơ Thất ngôn bát cú) hoặc khai, thừa, chuyển, hợp (thơ Thất ngôn tứ tuyệt), theo niêm luật, cấu tứ, bút pháp khác hẳn với đặc trưng thơ Hai-cư là mỹ cảm sabi (tịch liêu), wabi (đơn sơ), aware (bi ai), karumi (thanh thoát), yugen (u huyền),… Bên cạnh những điểm chung là những hình ảnh, bút pháp giàu sức gợi. Dạy học theo đặc trưng thể loại sẽ giúp HS chiếm lĩnh tác phẩm một cách dễ dàng và khoa học hơn, đồng thời hình thành ở các em kiến thức cơ bản về đặc điểm thể loại trong những bước đầu của hoạt động nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật. Nguyên tắc này trong hoạt động dạy học đã được GV quan tâm ở thể loại thơ Đường, tuy nhiên với văn xuôi và kịch, đặc biệt là kịch thì dường như còn rất xa lạ với HS, vì hai nguyên nhân cơ bản sau: thứ nhất, các em chưa được tiếp xúc nhiều với kịch; thứ hai, kịch gắn liền với hoạt động diễn xuất trên sân khấu, học văn bản kịch đơn thuần thì rất khó thể hiện hết đặc trưng của thể loại. – Dạy học VHNN theo tinh thần tích hợp với các phân môn khác Các phân môn khác trong môn văn như: văn học Việt Nam, Tiếng Việt, Làm văn, Văn học sử,… và các bộ môn khác như lịch sử, địa lý,… Dạy học VHNN không chỉ là học những kiến thức về VHNN mà nhằm củng cố thêm kiến thức về Văn học Việt Nam và tìm ra những nét gần gũi, ảnh hưởng đến Văn học Việt Nam, để các em thấy được sự phong phú đa dạng của các nền văn hóa và nét riêng của văn hóa nước ta. Ví như, khi dạy về anh hùng ca của Homer thì liên hệ đến thiên sử thi Ramayana của Ấn Độ và Sử thi Đăm Săn của Việt Nam để thấy được những đặc điểm chung của tinh thần thời đại và sự khác biệt văn hóa Đông Tây. Tích hợp với các bộ môn khác nhằm giúp các em có được kiến thức nền tảng vững chắc, đầy đủ và hệ thống hơn. Thực tế dạy học thì GV và HS chưa tìm ra nhiều mối liên hệ lẫn nhau giữa VHNN và các phân môn khác. Nguyên nhân là do GV chưa chú ý nhiều hoặc chưa thấy được sự thống nhất trong hệ thống kiến thức. Thứ nữa, là nội dung chương trình cũng không thể hiện nhiều mảng kiến thức cần được tích hợp. Từ sự phân tích một số nguyên tắc và thực trạng hoạt động dạy học trên, chúng tôi đề ra một số giải pháp như sau. Kiến nghị một số giải pháp: Đổi mới quan điểm và hoạt động dạy học Bên cạnh đổi mới mục tiêu dạy học là đổi mới quan điểm dạy học. Hoạt động dạy học phải lấy HS làm trung tâm, HS là chủ thể cảm thụ trong quá trình tìm hiểu tác phẩm, dạy những cái mà HS cần nhằm phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, hình thành kỹ năng gắn với nội dung thực tiễn. Trên cơ sở đổi mới quan điểm dạy học và nội dung chương trình, hoạt động dạy học cần phải khắc phục những tồn tại đã phân tích ở trên, bằng cách đảm bảo tối đa 4 nguyên tắc dạy học cơ bản như trên. Để đạt được điều đó, chúng ta cần: Thứ nhất, cần xem trong khâu đọc văn bản, và đọc bằng nhiều phương pháp khác nhau như đọc diễn cảm, đọc sáng tạo,… Bởi “đọc văn rèn luyện năng lực tri giác và tái tạo âm thanh, năng lực nhận thức ý nghĩa thống nhất của cú pháp và ngữ điệu. (…) hình thành kỹ năng truyền đạt hình tượng nghệ thuật…”[1]. Xem trọng khâu đọc văn bản cũng là cách tốt nhất giảm thiểu tối đa việc đọc những “thế bản” (sách thiết kế giáo án, sách tham khảo, sách giáo viên,…) như cách nói của Gs Trần Đình Sử, đó là con đường “trở về với văn bản văn học”[2], đồng thời tạo cơ hội để học sinh trực tiếp cảm thụ tác phẩm tốt nhất bằng tất cả vốn sống, bằng sự rung động của trái tim và khối óc của mình, điều này rất phù hợp với quan điểm mỹ học tiếp nhận. Từ đó, có thể hình thành nhiều cách tiếp cận tác phẩm khác nhau, khám phá giá trị sâu sắc của tác phẩm trên cơ sở khoa học và đồng sáng tạo. Trên thực tế dạy học, đối với những tác phẩm văn xuôi có dung lượng hơi dài là GV không giành thời gian đọc (vì không có thời gian), nhưng chúng ta có thể đọc một đoạn đặc sắc nhất (trên lớp), và yêu cầu nghiêm khắc HS phải đọc trước văn bản, bằng cách kiểm tra hoạt động đọc ở nhà của HS bằng một hệ thống câu hỏi liên quan đến tác phẩm, để dần hình thành, phát triển ở các em thói quen tự học. Ngoài ra, GV có thể yêu cầu HS tóm tắt tác phẩm bằng sơ đồ đối với tác phẩm văn xuôi và chuyển thể văn bản sân khấu đối với tác phẩm kịch. Thứ hai, trong hoạt động dạy học trực tiếp sử dụng kết hợp nhiều phương pháp như đối thoại, nêu vấn đề, phát vấn, gợi mở, làm việc nhóm, dạy học tích hợp,… bên cạnh kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp nhằm tăng hiệu quả dạy học. GV là người tổ chức thiết kế, điều hành giờ học. HS chủ động tích cực trong hoạt động chiếm lĩnh tác phẩm, mạnh dạn trình bày và nhận xét ý kiến của nhóm, của bản thân, vừa đảm bảo tinh thần dân chủ, vừa giáo dục ý thức tôn trọng người khác. Đối với những điển tích, điển cổ, chỉ dẫn văn bản,… cần được hiểu đúng đắn gắn liền với đặc điểm văn hóa, lịch sử,… nhằm chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa ngôn ngữ với đời sống, để hiểu sâu tác phẩm hơn. Dạy học gắn với từng đơn vị kiến thức kỹ năng và đặc trưng thể loại nhằm hình thành ở các em cách tiếp cận tác phẩm, kiểu tư duy, hơn là nội dung kiến thức của tác phẩm. Thứ ba, là thay đổi cách ra đề thi, kiểm tra, đánh giá. Mục tiêu, nội dung, phương pháp và kiểm tra đánh giá có mối quan hệ thống nhất, biện chứng, vì vậy đổi mới cách kiểm tra đánh giá là điều tất yếu. Trước hết, cần thấy môn VHNN thường ít xuất hiện trong nội dung kiểm tra, thi cử. Thường VHNN chỉ xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT (20% trọng điểm đề thi), nội dung thường là những nét chính về cuộc đời sự nghiệp của tác giả, ý nghĩa nhan đề tác phẩm,… nghĩa là nội dung cần phải học thuộc. Vì vậy, cần đổi mới cách kiểm tra đánh giá theo hướng thay đổi nội dung và đa dạng hóa hình thức để có thể áp dụng vào nhiều kỳ thi, kiểm tra, đánh giá. Kiểm tra có thể tiến hành thường xuyên trong từng bài học, chứ không quá coi trọng những kỳ thì cuối kỳ, cuối năm, cuối cấp. Hướng đề thi “mở” đã được áp dụng trong những đề thi tuyển sinh gần đây[3], nhưng đó phần lớn là những câu làm văn nghị luận xã hội, còn VHNN chưa thấy xuất hiện. Hướng đề thi “mở” tránh được cách học chay, học tủ, học vẹt mà phù hợp với cách học chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh, đồng thời hạn chế được những tiêu cực trong thi cử (quay cóp, xem tài liệu). Và dạng đề “mở” là cách tốt nhất để phân hóa học sinh, để lựa chọn và bồi dưỡng những em có thiên khiếu văn chương thực thụ. Đa dạng hóa hình thức ra đề như trắc nghiệm khách quan (đối với những đơn vị kiến thức, kỹ năng mang tính nền tảng, lý luận) và đề tự luận (với kiến thức, kỹ năng, thái độ mang tính chất cảm thụ, chuyên sâu)… Thế giới hội nhập và Liên văn bản là hiện thực, là bản chất của văn học và đời sống ngày nay. Dạy học VHNN không chỉ mở ra trước mắt chúng ta những tầng tri thức văn hóa mới mẻ mà còn là cách để học sinh hiểu hơn văn hóa Việt Nam nhằm giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc với tinh thần “hòa nhi bất đồng, đồng nhi dị”, và hướng đến những giá trị nhân sinh, nhân bản tốt đẹp của Con Người. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Phan Trọng Luận (Chủ biên, 2003), Phương pháp dạy học văn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.93 [2]. Đặng Lưu, Phương pháp dạy học môn Ngữ văn. [3] Bùi Minh Tuấn, Nên khuyến khích dạng đề mở đối với môn ngữ văn. Nguồn: tapchinhavan.vn
Nguyễn Đình Thi trên sóng thời gian Trên Báo Văn Nghệ ra ngày 19/8/1994, Nguyễn Đình Thi có cho in một bài tuỳ bút ngắn tựa đề “Trên sóng thời gian”, trình bày những suy tư trầm tĩnh của mình nhân ngoảnh lại nửa thế kỷ tham gia cách mạng với những bước thăng trầm. Ông ngộ ra một chân lý giản dị mà sâu xa: “Những năm tháng ấy đã làm cho tôi tin mãi là con người, khi có một lẽ phải lớn để sống, thì có thể phát huy những tiềm năng hầu như vô tận bên trong mình, và làm được những việc tưởng chừng không thể làm nổi”. Nghĩ tiếng Việt thật thú vị. Một người khác có thể đã dùng chữ “lý tưởng”, nghe oai hơn, mà chưa chắc đã thấm bằng. Nguyễn Đình Thi dùng “lẽ phải”, rất nôm mà hàm súc, chân thực. Trong “lẽ phải” đâu chỉ có “chân lý”, “triết lý” không thôi, còn bao gồm cả “đạo lý”, lại cả “pháp lý” nữa. Gồm chứa đủ cả như vậy, nên lẽ phải lớn dễ thu phục được nhân tâm. Người trí thức thường dễ tâm phục khẩu phục trước những lẽ phải như thế. Có nó là có tín lý, tín niệm, có được con đường sáng mà vững bước trong đời, nhờ đó mà phát huy được những năng lực kì diệu. Sau này, Nguyễn Đình Thi cũng đã đúc kết: “Không sợ thiếu niềm tin / Sợ không nhận ra lẽ phải để tin”. Thật may mắn cho ai, có được lẽ phải lớn để yên tâm chung thuỷ suốt đời, dù vẫn biết rằng, ngay cả những lẽ phải lớn cũng không hoàn toàn bất di bất dịch. Chẳng biết Nguyễn Đình Thi có thuộc số may mắn ấy không. Nhưng, về căn bản, ông vẫn là một trí thức yêu nước, một nghệ sĩ cách mạng với những tâm niệm về lẽ phải lớn của cuộc đời. Điều đáng nói là: ông vừa hồ hởi bước theo vừa lặng thầm chiêm nghiệm. Hơn tám mươi năm thăng giáng với đời, già nửa thế kỉ cầm bút, bao tâm niệm khôn nguôi kia đã hoá thân vào những sáng tạo đa dạng mà phần tinh hoa của nó hẳn sẽ còn trên sóng thời gian. * Nguyễn Đình Thi thuộc típ trí thức nhập cuộc, dấn thân vào thời thế. Con đường nhập mình vào thời đại lớn của ông vừa do cảnh ngộ riêng, vừa nhờ vận hội, vừa bởi sự thôi thúc kiếm tìm một lẽ phải lớn để sống. Trải qua một tuổi thơ buồn cùng gia đình long đong, trôi dạt trên bước đường sinh nhai, hết ở Lào lại về Hà Nội, xuống Hải Phòng, vào Chợ Lớn… tuy liên tục bất ổn, xáo trộn như vậy, nhưng niềm ham mê với sách vở học hành trong ông không hề đứt đoạn giảm sút. Giã từ tuổi thơ lận đận, Nguyễn Đình Thi đến với tuổi thanh niên sôi nổi, không ít gian khổ, cay đắng nhưng cũng đầy vinh quang. Kể từ 1941, ông về lại Hà Nội học tập và tích cực tham gia đấu tranh trong phong trào học sinh sinh viên. Việc ông lao vào tìm hiểu và viết những tiểu luận triết học về Aristôt, Đêcactơ, Kăngtơ, Nitxơ đến Đacuyn, Anhxtanh… không chỉ vì muốn xây dựng căn bản tư tưởng cho một thanh niên tân học, mà còn là những bước mầy mò tìm kiếm cái lẽ phải lớn cho một trí thức tương lai. Rồi ông tham gia hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh, cùng thành lập hội Văn hoá cứu quốc. Cứ thế, người trí thức trẻ ấy nhập vào mạch sống lớn của dân tộc. Từ 1942 đến 1944, ông đã hai lần bị giặc Pháp bắt giam, nhưng những tai ương chỉ càng khiến ông gắn chặt hơn với Cách mạng. Có lẽ chính trong những ngày này, vừa lăn lộn trong trường tranh đấu vừa được tiếp xúc với sách báo Macxit, ông mới thấy một cách sâu sắc rằng lẽ phải lớn của người trí thức là phải gắn bó vận mệnh của mình với cuộc Cách mạng này. Vừa hoạt động, ông vừa bắt đầu sáng tác nghệ thuật phục vụ Cách mạng. Sang năm 1945, ông được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được bầu vào Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, rồi tham gia cướp chính quyền. Sau Tổng khởi nghĩa, ông được cử làm Tổng thư ký Hội Văn hoá cứu quốc, làm uỷ viên Uỷ ban dự thảo Hiến pháp, Uỷ ban thường trực Quốc hội. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông lại tích cực tham gia tổ chức hoạt động Văn hoá kháng chiến. Cứ thế, qua hai cuộc chiến tranh, vào ngày thống nhất đất nước và bước sang thời kì đổi mới, người trí thức nghệ sĩ này vừa luôn nắm giữ nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt của nền văn nghệ cách mạng, vừa không quên sáng tác trên nhiều lĩnh vực. Đến tận tuổi tám mươi, ông vẫn giữ chức Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, không ngừng điều hành công tác. Cả khi phải vào viện điều trị căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, cũng chính là lúc ông đang tham gia cuộc họp Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những cống hiến nhiều mặt, những thành đạt, những giải thưởng lớn được trao tặng, trong đó có giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (1996) đã là minh chứng hùng hồn cho lựa chọn tỉnh táo của một trí thức theo Cách mạng trong thời đại này. * Không chỉ quyết định đến việc lựa chọn mẫu người trí thức thời đại, lẽ phải lớn kia còn khiến Nguyễn Đình Thi đến với một mẫu nghệ sĩ thích hợp nữa: nghệ sĩ - chiến sĩ. Mặc dù trước tác từ ngày tiền khởi nghĩa, nhưng Nguyễn Đình Thi không thuộc lứa tiền chiến. Không có hào quang, cũng không có những bận lòng của lứa nghệ sĩ cũ đi theo Cách mạng. Không phải trăn trở “lột xác”, cũng không phải vật lộn “nhận đường” như những cây bút nặng căn với quá khứ Lãng mạn và Hiện thực của mình. Trái lại, người trí thức trẻ đã nhanh chóng nhập cuộc này còn nhanh nhạy giúp các đồng nghiệp nhận đường nữa. Cách mạng đã cho ông lẽ phải lớn ngay từ bước đầu, thì cũng ngay từ bước đầu, ông đã viết bằng và viết cho lẽ phải lớn ấy. Nghĩa là ông đã phụng sự cách mạng bằng tâm huyết sáng tạo của mình. Với những ca khúc “Diệt phát xít” như một tráng ca và “Người Hà Nội” như một giao hưởng thu nhỏ, khởi đầu cho nghiệp văn nghệ, người ta đã thấy đề tài lớn của Nguyễn Đình Thi là Đất nước và Cách mạng, mà âm hưởng chủ đạo là chính khí ca và anh hùng ca. Vào cuộc kháng chiến, trong cương vị một người lính kiêm nhà văn, ông lăn lộn với thực tế chiến trường vừa cầm bút vừa cầm súng. Cây bút trong tay ông cũng thực sự thành cây súng xung kích trên mặt trận văn hoá. Sáng tác của ông về căn bản là những trang hoặc phản ánh kịp thời chiến sự nóng bỏng như tập kí “Thu Đông năm nay”, truyện ngắn “Bên bờ sông Lô” (viết trong cuộc chống Pháp, nhưng in thành sách sau hoà bình), tiểu thuyết “Xung kích” (1951), “Vào lửa” (1966), “Mặt trận trên cao” (1967), hoặc tái hiện lại những ngả đường tìm về cách mạng, hình thành cơn bão lịch sử trong bức tranh hoành tráng như “Vỡ bờ” (2 tập - 1962 và1970). Mà ở đâu cũng là ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam. Cũng như thế, thơ Nguyễn Đình Thi căn bản là sự suy tư về đất nước và người lính. Không phải ngẫu nhiên mà hình tượng tổng quát, bao trùm mọi trang thơ của ông là một cuộc trường chinh đầy lửa máu của cách mạng với “những đêm dài hành quân nung nấu”, những “đoàn quân vẫn đi vội vã - Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa”. Cũng không hề ngẫu nhiên mà nổi lên trong trường tranh đấu đó là hình tượng người chiến sĩ: “Ôm đất nước những người áo vải - Đã đứng lên thành những anh hùng”. Và ở trang nào cũng là hình tượng một đất nước Việt Nam “vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”, một “Nước Việt Nam từ máu lửa - rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Vì thế, trước hết nghệ thuật Nguyễn Đình Thi đã góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu cho những người cầm súng. * Nhưng đó mới là một nửa của cái lẽ phải lớn kia. Trong ông còn có những suy tư không đơn giản về lẽ đời. Con người ta thường là một khối toàn vẹn trong đó chứa đựng các đối cực không ngừng tương tranh với nhau. Vừa tin vào những lẽ phải lớn vừa không nguôi trăn trở hoàn thiện lẽ phải lớn ấy cho mình chính là một cặp đối cực như thế. Bởi trong cuộc sống bộn bề muôn mối này, có phải đâu mọi chuyện đều thuần nhất, dễ thống nhất. Có nhiều giằng co, giằng xé đôi khi biến tâm tư thành một bãi chiến trường. Ví như, trong cuộc trường chinh kia vị thế của cá nhân như thế nào? Giữa tình cảm nhỏ và tình cảm lớn làm sao có được sự hài hòa? Giữa khát vọng và bổn phận có phải lúc nào cũng có tiếng nói chung?… Trong tình thế không hoá giải được xung đột, con người ta thường tìm cách hòa giải. Nguyễn Đình Thi đã hoà giải bằng tinh thần tự nguyện. Nghĩa là chấp nhận hi sinh cái riêng cho cái chung, hi sinh khát vọng cho bổn phận, tìm mối tương liên trong chia lìa xa cách, tự tìm lấy tái sinh trong mất mát âm thầm: “Bao nhiêu năm - Mỗi chúng ta phải không em - Như hạt thóc trong nắm tay Cách mạng - Tung lên giữa mùa gió lớn”. Dù mất mát tổn thất thế nào vẫn phải sống, vẫn âm ỉ nảy mầm: “Những hạt thóc rơi - Trên đất bùn hay sỏi đá - Trên than bụi đầm máu - trên nước mắt mồ hôi - Chết đi vẫn nuôi màu cho đất - Sống thì từng giờ âm ỉ - Hạt thóc vẫn nảy mầm”. Không gặp nhau trong đoàn tụ thì đành tin nhau trong xa cách: “Trăng soi khuôn mặt nghìn yêu dấu - Ngày mai hai đứa đã hai nơi - Hai đầu đất nước trong giông bão - Cùng chung chiến đấu hai phương trời”, cũng tựa như cách “hai đứa đoàn tụ / hai đầu chiến trường” của Chính Hữu vậy. Nảy sinh từ cuộc trường chinh kia thì cũng suốt đời gắn với những bước trường chinh đó: “Ngọn lửa trong đêm không bao giờ tắt / Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời”. Nhìn vào lòng mình, nếu hiện lằn ranh tình yêu lớn / nhỏ thì tự tìm một gạch nối: “Anh yêu em như anh yêu đất nước / Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”. Thậm chí, sự hoà giải nhiều khi thật ngộ nghĩnh: “Anh ôm em và ôm cả cây súng trường bên vai em”. Lẽ phải lớn lúc này là tự nguyện hy sinh. Hy sinh đầy trăn trở chứ không phải nông nổi thiêu thân. Vì thế trong sáng tác Nguyễn Đình Thi, bên cạnh một con người hồ hởi kiên trì, luôn có một con người chiêm nghiệm không nguôi về những lẽ đời. Nhiều lúc không dễ nói lên, nhưng vẫn phải thốt lên. Ai đã đọc đã xem vở “Rừng trúc”, hẳn không thể quên những xung đột giữa Trần Thủ Độ và Lý Chiêu Hoàng. Một đằng là đại diện cho quyền lợi của vương triều mình mà sẵn sàng dày xéo lên tất cả, một đằng là cái tâm nguyện nhân bản muôn thuở của con người. Khiến cho lẽ phải của vương triều và lẽ phải của con người tranh chấp ứa máu. Bằng những lời đầy bi phẫn, Chiêu Hoàng đã nói với Thủ Độ như khắc một chân lý lớn, một đạo lý lớn: “Việc nước là lớn nhất, nhưng việc giữa người với người cũng không phải là nhỏ hơn”. Càng về sau những chiêm nghiệm của Nguyễn Đình Thi về lẽ phải lớn không còn bó hẹp trong cái nhất thời, mà muốn mở rộng ra với lẽ phải lớn của muôn đời. Hàng loạt vở kịch “Con nai đen” (1961), “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” (1979), “Tiếng sóng” (1980), “Người đàn bà hoá đá” (1980), “Cái bóng trên tường” (1982), “Trương Chi” (1983), “Hòn cuội” (1986)… đều là những trăn trở khác nhau về những lẽ phải muôn đời của tình người. Trong những bài thơ cuối đời, chiêm nghiệm khôn nguôi đã giúp nhà nghệ sĩ nhận chân ra nhiều lẽ phải sáng giá: “Sự sống luôn tự mở đường qua tất cả”, “Đã mấy mươi năm trong bão lửa / Tình quê hương đưa dắt con người”, “Cái không mất thường ở trong nước mắt”, “Tình yêu dắt đời người trong sóng gió / Đau thương lặng gieo hạt giống nhân từ”, “Còn lại niềm thương đau im lặng / Và tình yêu đi mãi cùng ta”… Có thể nói, với những suy tư như thế, người trí thức ở Nguyễn Đình Thi đã cố điều chỉnh, bổ sung cho cái lẽ phải ban đầu mình tưởng đã là lớn nhất và hằng nhất nhất tâm niệm. Gắng làm cho nó nhân bản hơn, chân thực hơn và cũng tầm vóc hơn.*Trăn trở với lẽ phải lớn của cuộc đời, Nguyễn Đình Thi cũng dùng nó để soi tỏ chính mình. Dưới ánh sáng muôn đời của cái lẽ phải lớn mà cuối đời ông thật sự nghiệm ra và gắng hoàn thiện ấy, người nghệ sĩ này đã xét duyệt mình nghiêm khắc, sòng phẳng biết bao. Có lúc lời thơ mà như những lời trăng trối: “Trên tay cốc nhỏ không đầy / Uống chúc bạn bè ở lại / Anh chắt đời anh chắt mãi / Chút ngọt bùi chút đắng cay / Người tôi còn nhiều bùn tanh / Mặt tôi nhuốm màu xanh đỏ / Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ / Nhiều dây nhợ tự buộc mình / Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm / Quên những dối lừa khoác lác / Tôi biết tôi đã nhiều lần ác / Và ngu dại còn nhiều hơn”. Với những ăn năn chân thành ấy, người trí thức sống trong đời kia đã cố vượt lên chính mình, cố hoàn thiện mình theo lẽ phải lớn của cuộc đời. Mong sao những lời ăn năn đó có thể hoá giải cho một cõi lòng tự lúc nào đã thành bãi chiến trường của bao vật lộn giằng co. Và những ký thác như trút lòng ra thế, sau này ông thường gửi gắm vào thơ. Có lẽ thơ là cái tiếng thì thầm tin cậy nhất đối với những trăn trở trong tâm linh cá thể. Có thể ai đó sẽ nghĩ, một trí thức như ông sao không thể hoàn thiện một lẽ phải lớn cho mình sớm hơn? Nhưng đòi hỏi thế nào được, kể cả những trí thức tỉnh táo nhất không phải lúc nào cũng ngộ ra, và không phải cứ ngộ ra là làm ngay được. Cái gì không làm được đành thì thầm cùng thơ. * Nguyễn Đình Thi thuộc kiểu nghệ sĩ đa tài. Trong nghệ thuật, đây là một hiện tượng khá phổ biến. Nhưng tiếc rằng nó chưa được nhìn nhận đúng mức như một loại hình có quy luật nội tại. Thông thường, có hai quy luật chính chi phối những hiện tượng ấy là: thứ nhất, vừa phân tán vừa tập trung - hoạt động sáng tạo của họ mở ra khá nhiều lĩnh vực, nhưng lại thường nổi trội nhất ở một lĩnh vực nào đó; thứ hai, vừa phân liệt lại vừa liên thông - các lĩnh vực ấy có sự độc lập riêng nhưng giữa chúng vẫn có một mối dây liên hệ nào đó. Điều này làm nên tính đa dạng mà thống nhất của hiện tượng. Thế Lữ vừa viết văn, viết kịch, diễn kịch, làm thơ nhưng trội nhất vẫn là thơ. Hoàng Cầm viết truyện, viết kịch, nhưng thơ vẫn là mũi nhọn nhất. Quang Dũng viết văn, viết kịch, viết nhạc, vẽ tranh, nhưng kết tinh nhất là thơ. Văn Cao và Trịnh Công Sơn vừa viết nhạc vừa làm thơ vừa vẽ, nhưng phần vang dội nhất của họ vẫn là nhạc. Lưu Quang Vũ viết kịch, làm thơ, vẽ, nhưng nổi đình đám nhất vẫn là kịch… Nguyễn Đình Thi cũng thế. Ông viết nhạc, viết văn xuôi (cả ký và truyện, cả ngắn lẫn dài), viết tiểu luận (cả triết học lẫn văn học), viết kịch… nhưng trội nhất vẫn là thơ. Và thơ đã xâm nhập vào các thể khác của ông. Người ta thấy cả nhạc, văn xuôi, kịch của ông đều đẫm chất trữ tình, chất thơ. Bài tiểu luận “Mấy suy nghĩ về thơ “(1948) đã báo trước một quan niệm thơ, một cá tính thơ, một hướng cách tân bứt phá so với thơ đương thời. Như một nghệ sĩ chân chính, Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới”. Cách mạng tháng Tám đã khép lại một thời đại, và giờ đây đang mở ra một thời đại mới cho nghệ thuật. Đây chính là lúc những nhà nghệ thuật chân chính cần tìm kiếm cho thời đại mình một hình thức mới tương ứng. Và thế là chủ trương “thơ không vần”, “thơ như nói”, “thơ không kể lể tình cảm”, “thơ bỏ nhạc bên ngoài tìm vào nhạc bên trong”, “thơ khơi dậy cái nhịp điệu tâm hồn”… đã ra đời. Chùm thơ đầu tay thử nghiệm theo tinh thần này gồm “Đường núi”, “Sáng mát trong như sáng năm xưa”, “Không nói vừa chào đời” đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của đời sống đương thời. Chồi non bị dội nước đá. Nhưng chồi khoẻ ấy vẫn không từ bỏ cái lẽ phải lớn của thơ. Nên tuy có lúc không công bố nhưng ông vẫn kiên trì thử nghiệm và điều chỉnh. Gắng kết hợp cách tân với truyền thống. Và cứ theo năm tháng, các tập thơ Nguyễn Đình Thi vẫn ra đời, tuy không thật đều đặn : “Người chiến sĩ” (1956), “Bài thơ Hắc hải” (1958), “Dòng sông trong xanh” (1974), “Tia nắng” (1985), “Sóng reo” (2000). Về mặt sắc thái cảm xúc, thơ trữ tình của ông có sự hoà hợp giữa chất tráng ca và chất triết lý. Bên cạnh những trang nóng bỏng: “Súng nổ rung trời giận dữ Người lên như nước vỡ bờ Nước Việt Nam từ máu lửa Rũ bùn đứng dậy sáng loà”…, là những trang trầm tĩnh, giấu trong lòng bao triết lý sâu nặng: “Dòng sông vẫn rì rào đang trôi đi Ngọn cỏ mang sự sống qua cõi chết Trong đêm xa xưa mờ tỏ ngôi sao Bông hoa nở cho hương thơm bay toả Tình yêu dắt đời người trong sóng gió Đau thương lặng gieo hạt giống nhân từ”, “Cái đẹp làm cho mọi vật không cùng”... Trong phần thành công nhất, thơ Nguyễn Đình Thi đã tạo ra một điệu mới như tiếng sóng reo trong lặng lẽ, tấu lên một thứ nhạc mới - trong lặng mà rung ngân: “Sáng mát trong như sáng năm xưa Gió thổi mùa thu hương cốm mới ...Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em” “Nắng soi ngõ vắng Thềm cũ lối ra đi Lá rụng đầy” “Ôi những vạt ruộng vàng Chiều nay rung rinh lúa ngả Dải áo chàm bay múa Tiếng hát ai lênh đênh…”. Tiếc rằng, trước sự phản ứng gay gắt, Nguyễn Đình Thi cũng đã phải hoà giải một cách tự nguyện là: lại gia tăng vần cho thơ. Nhiều khi “thơ có vần” đã đồng hoá “thơ không vần”. Giá ông cứ dám là mình, cứ dám đi cho thật hết cái lẽ phải của thơ theo quan niệm của mình, thì rất có thể ông đã có vai trò như Xuân Diệu với phong trào Thơ Mới. Hoà giải đôi khi là thoả hiệp là nhượng bộ, làm mất một cơ hội tạo diện mạo cho mình, tạo diện mạo hoàn toàn mới cho thơ. Vừa muốn là mình, vừa không dám là mình, gẫm bi kịch ấy đâu chỉ diễn ra trong mỗi việc cách tân thơ, cũng đâu chỉ với riêng ông. Nó khó thế, nó cũng buồn thế! * Nguyễn Đình Thi không có những đỉnh vượt trội, cũng không có một kết tinh lớn quy tụ tất cả những năng lực phong phú của mình thành một ngọn tháp bề thế. Nhưng bù lại, ông đã có những đóng góp trải ra nhiều lĩnh vực. Có lẽ ông không thuộc kiểu nghệ sĩ dồn tất cả năng lực nội tại vào một điểm sáng tạo duy nhất. Cũng có không ít người tiếc cho ông về điều đó. Nhiều người kỹ tính cứ thích chẻ hoe ra để so bì. Nhạc thì không sánh được Văn Cao. Thơ không sánh được Tố Hữu. Văn không sánh được Nam Cao. Kịch không sánh được Nguyễn Huy Tưởng… Nói thế e rằng đòi hỏi quá. Thời Lêôna đơ Vanhxi đã qua lâu rồi. Mà bảo vì tham quá, “tay vướng nhiều đồ bỏ” quá, “nhiều dây nhợ tự buộc mình” quá, khiến nội lực bị dàn mỏng, tán chứ không tụ, cũng không hẳn. Thôi thì, vâng thôi thì, đó âu cũng là một cái tạng. Trời cho thế, trời cũng xui thế. Ông thuộc kiểu nghệ sĩ mà tài năng cứ phải dàn trải trên diện rộng. Chỗ đứng của ông được xác định bằng sự đa dạng đa diện vậy. Trong nền Văn học Việt Nam hiện đại, kiểu nghệ sĩ đa tài khá phổ biến, nhưng để có được những đóng góp đều tay như Nguyễn Đình Thi, xem ra, cũng không có nhiều. Thật may mắn cho ai, có được lẽ phải lớn để yên tâm chung thuỷ suốt đời, dù vẫn biết rằng, ngay cả những lẽ phải lớn cũng không hoàn toàn bất di bất dịch. Chẳng biết Nguyễn Đình Thi có thuộc số may mắn ấy không. Nhưng, về căn bản, ông vẫn là một trí thức yêu nước, một nghệ sĩ cách mạng với những tâm niệm về lẽ phải lớn của cuộc đời. Điều đáng nói là: ông vừa hồ hởi bước theo vừa lặng thầm chiêm nghiệm. Hơn tám mươi năm thăng giáng với đời, già nửa thế kỉ cầm bút, bao tâm niệm khôn nguôi kia đã hoá thân vào những sáng tạo đa dạng mà phần tinh hoa của nó hẳn sẽ còn trên sóng thời gian. * Nguyễn Đình Thi thuộc típ trí thức nhập cuộc, dấn thân vào thời thế. Con đường nhập mình vào thời đại lớn của ông vừa do cảnh ngộ riêng, vừa nhờ vận hội, vừa bởi sự thôi thúc kiếm tìm một lẽ phải lớn để sống. Trải qua một tuổi thơ buồn cùng gia đình long đong, trôi dạt trên bước đường sinh nhai, hết ở Lào lại về Hà Nội, xuống Hải Phòng, vào Chợ Lớn… tuy liên tục bất ổn, xáo trộn như vậy, nhưng niềm ham mê với sách vở học hành trong ông không hề đứt đoạn giảm sút. Giã từ tuổi thơ lận đận, Nguyễn Đình Thi đến với tuổi thanh niên sôi nổi, không ít gian khổ, cay đắng nhưng cũng đầy vinh quang. Kể từ 1941, ông về lại Hà Nội học tập và tích cực tham gia đấu tranh trong phong trào học sinh sinh viên. Việc ông lao vào tìm hiểu và viết những tiểu luận triết học về Aristôt, Đêcactơ, Kăngtơ, Nitxơ đến Đacuyn, Anhxtanh… không chỉ vì muốn xây dựng căn bản tư tưởng cho một thanh niên tân học, mà còn là những bước mầy mò tìm kiếm cái lẽ phải lớn cho một trí thức tương lai. Rồi ông tham gia hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh, cùng thành lập hội Văn hoá cứu quốc. Cứ thế, người trí thức trẻ ấy nhập vào mạch sống lớn của dân tộc. Từ 1942 đến 1944, ông đã hai lần bị giặc Pháp bắt giam, nhưng những tai ương chỉ càng khiến ông gắn chặt hơn với Cách mạng. Có lẽ chính trong những ngày này, vừa lăn lộn trong trường tranh đấu vừa được tiếp xúc với sách báo Macxit, ông mới thấy một cách sâu sắc rằng lẽ phải lớn của người trí thức là phải gắn bó vận mệnh của mình với cuộc Cách mạng này. Vừa hoạt động, ông vừa bắt đầu sáng tác nghệ thuật phục vụ Cách mạng. Sang năm 1945, ông được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được bầu vào Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, rồi tham gia cướp chính quyền. Sau Tổng khởi nghĩa, ông được cử làm Tổng thư ký Hội Văn hoá cứu quốc, làm uỷ viên Uỷ ban dự thảo Hiến pháp, Uỷ ban thường trực Quốc hội. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông lại tích cực tham gia tổ chức hoạt động Văn hoá kháng chiến. Cứ thế, qua hai cuộc chiến tranh, vào ngày thống nhất đất nước và bước sang thời kì đổi mới, người trí thức nghệ sĩ này vừa luôn nắm giữ nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt của nền văn nghệ cách mạng, vừa không quên sáng tác trên nhiều lĩnh vực. Đến tận tuổi tám mươi, ông vẫn giữ chức Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, không ngừng điều hành công tác. Cả khi phải vào viện điều trị căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, cũng chính là lúc ông đang tham gia cuộc họp Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những cống hiến nhiều mặt, những thành đạt, những giải thưởng lớn được trao tặng, trong đó có giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (1996) đã là minh chứng hùng hồn cho lựa chọn tỉnh táo của một trí thức theo Cách mạng trong thời đại này. *Không chỉ quyết định đến việc lựa chọn mẫu người trí thức thời đại, lẽ phải lớn kia còn khiến Nguyễn Đình Thi đến với một mẫu nghệ sĩ thích hợp nữa: nghệ sĩ - chiến sĩ. Mặc dù trước tác từ ngày tiền khởi nghĩa, nhưng Nguyễn Đình Thi không thuộc lứa tiền chiến. Không có hào quang, cũng không có những bận lòng của lứa nghệ sĩ cũ đi theo Cách mạng. Không phải trăn trở “lột xác”, cũng không phải vật lộn “nhận đường” như những cây bút nặng căn với quá khứ Lãng mạn và Hiện thực của mình. Trái lại, người trí thức trẻ đã nhanh chóng nhập cuộc này còn nhanh nhạy giúp các đồng nghiệp nhận đường nữa. Cách mạng đã cho ông lẽ phải lớn ngay từ bước đầu, thì cũng ngay từ bước đầu, ông đã viết bằng và viết cho lẽ phải lớn ấy. Nghĩa là ông đã phụng sự cách mạng bằng tâm huyết sáng tạo của mình. Với những ca khúc “Diệt phát xít” như một tráng ca và “Người Hà Nội” như một giao hưởng thu nhỏ, khởi đầu cho nghiệp văn nghệ, người ta đã thấy đề tài lớn của Nguyễn Đình Thi là Đất nước và Cách mạng, mà âm hưởng chủ đạo là chính khí ca và anh hùng ca. Vào cuộc kháng chiến, trong cương vị một người lính kiêm nhà văn, ông lăn lộn với thực tế chiến trường vừa cầm bút vừa cầm súng. Cây bút trong tay ông cũng thực sự thành cây súng xung kích trên mặt trận văn hoá. Sáng tác của ông về căn bản là những trang hoặc phản ánh kịp thời chiến sự nóng bỏng như tập kí “Thu Đông năm nay”, truyện ngắn “Bên bờ sông Lô” (viết trong cuộc chống Pháp, nhưng in thành sách sau hoà bình), tiểu thuyết “Xung kích” (1951), “Vào lửa” (1966), “Mặt trận trên cao” (1967), hoặc tái hiện lại những ngả đường tìm về cách mạng, hình thành cơn bão lịch sử trong bức tranh hoành tráng như “Vỡ bờ” (2 tập - 1962 và1970). Mà ở đâu cũng là ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam. Cũng như thế, thơ Nguyễn Đình Thi căn bản là sự suy tư về đất nước và người lính. Không phải ngẫu nhiên mà hình tượng tổng quát, bao trùm mọi trang thơ của ông là một cuộc trường chinh đầy lửa máu của cách mạng với “những đêm dài hành quân nung nấu”, những “đoàn quân vẫn đi vội vã - Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa”. Cũng không hề ngẫu nhiên mà nổi lên trong trường tranh đấu đó là hình tượng người chiến sĩ: “Ôm đất nước những người áo vải - Đã đứng lên thành những anh hùng”. Và ở trang nào cũng là hình tượng một đất nước Việt Nam “vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”, một “Nước Việt Nam từ máu lửa - rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Vì thế, trước hết nghệ thuật Nguyễn Đình Thi đã góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu cho những người cầm súng. *Nhưng đó mới là một nửa của cái lẽ phải lớn kia. Trong ông còn có những suy tư không đơn giản về lẽ đời. Con người ta thường là một khối toàn vẹn trong đó chứa đựng các đối cực không ngừng tương tranh với nhau. Vừa tin vào những lẽ phải lớn vừa không nguôi trăn trở hoàn thiện lẽ phải lớn ấy cho mình chính là một cặp đối cực như thế. Bởi trong cuộc sống bộn bề muôn mối này, có phải đâu mọi chuyện đều thuần nhất, dễ thống nhất. Có nhiều giằng co, giằng xé đôi khi biến tâm tư thành một bãi chiến trường. Ví như, trong cuộc trường chinh kia vị thế của cá nhân như thế nào? Giữa tình cảm nhỏ và tình cảm lớn làm sao có được sự hài hòa? Giữa khát vọng và bổn phận có phải lúc nào cũng có tiếng nói chung?… Trong tình thế không hoá giải được xung đột, con người ta thường tìm cách hòa giải. Nguyễn Đình Thi đã hoà giải bằng tinh thần tự nguyện. Nghĩa là chấp nhận hi sinh cái riêng cho cái chung, hi sinh khát vọng cho bổn phận, tìm mối tương liên trong chia lìa xa cách, tự tìm lấy tái sinh trong mất mát âm thầm: “Bao nhiêu năm - Mỗi chúng ta phải không em - Như hạt thóc trong nắm tay Cách mạng - Tung lên giữa mùa gió lớn”. Dù mất mát tổn thất thế nào vẫn phải sống, vẫn âm ỉ nảy mầm: “Những hạt thóc rơi - Trên đất bùn hay sỏi đá - Trên than bụi đầm máu - trên nước mắt mồ hôi - Chết đi vẫn nuôi màu cho đất - Sống thì từng giờ âm ỉ - Hạt thóc vẫn nảy mầm”. Không gặp nhau trong đoàn tụ thì đành tin nhau trong xa cách: “Trăng soi khuôn mặt nghìn yêu dấu - Ngày mai hai đứa đã hai nơi - Hai đầu đất nước trong giông bão - Cùng chung chiến đấu hai phương trời”, cũng tựa như cách “hai đứa đoàn tụ / hai đầu chiến trường” của Chính Hữu vậy. Nảy sinh từ cuộc trường chinh kia thì cũng suốt đời gắn với những bước trường chinh đó: “Ngọn lửa trong đêm không bao giờ tắt / Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời”. Nhìn vào lòng mình, nếu hiện lằn ranh tình yêu lớn / nhỏ thì tự tìm một gạch nối: “Anh yêu em như anh yêu đất nước / Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”. Thậm chí, sự hoà giải nhiều khi thật ngộ nghĩnh: “Anh ôm em và ôm cả cây súng trường bên vai em”. Lẽ phải lớn lúc này là tự nguyện hy sinh. Hy sinh đầy trăn trở chứ không phải nông nổi thiêu thân. Vì thế trong sáng tác Nguyễn Đình Thi, bên cạnh một con người hồ hởi kiên trì, luôn có một con người chiêm nghiệm không nguôi về những lẽ đời. Nhiều lúc không dễ nói lên, nhưng vẫn phải thốt lên. Ai đã đọc đã xem vở “Rừng trúc”, hẳn không thể quên những xung đột giữa Trần Thủ Độ và Lý Chiêu Hoàng. Một đằng là đại diện cho quyền lợi của vương triều mình mà sẵn sàng dày xéo lên tất cả, một đằng là cái tâm nguyện nhân bản muôn thuở của con người. Khiến cho lẽ phải của vương triều và lẽ phải của con người tranh chấp ứa máu. Bằng những lời đầy bi phẫn, Chiêu Hoàng đã nói với Thủ Độ như khắc một chân lý lớn, một đạo lý lớn: “Việc nước là lớn nhất, nhưng việc giữa người với người cũng không phải là nhỏ hơn”. Càng về sau những chiêm nghiệm của Nguyễn Đình Thi về lẽ phải lớn không còn bó hẹp trong cái nhất thời, mà muốn mở rộng ra với lẽ phải lớn của muôn đời. Hàng loạt vở kịch “Con nai đen” (1961), “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” (1979), “Tiếng sóng” (1980), “Người đàn bà hoá đá” (1980), “Cái bóng trên tường” (1982), “Trương Chi” (1983), “Hòn cuội” (1986)… đều là những trăn trở khác nhau về những lẽ phải muôn đời của tình người. Trong những bài thơ cuối đời, chiêm nghiệm khôn nguôi đã giúp nhà nghệ sĩ nhận chân ra nhiều lẽ phải sáng giá: “Sự sống luôn tự mở đường qua tất cả”, “Đã mấy mươi năm trong bão lửa / Tình quê hương đưa dắt con người”, “Cái không mất thường ở trong nước mắt”, “Tình yêu dắt đời người trong sóng gió / Đau thương lặng gieo hạt giống nhân từ”, “Còn lại niềm thương đau im lặng / Và tình yêu đi mãi cùng ta”… Có thể nói, với những suy tư như thế, người trí thức ở Nguyễn Đình Thi đã cố điều chỉnh, bổ sung cho cái lẽ phải ban đầu mình tưởng đã là lớn nhất và hằng nhất nhất tâm niệm. Gắng làm cho nó nhân bản hơn, chân thực hơn và cũng tầm vóc hơn.*Trăn trở với lẽ phải lớn của cuộc đời, Nguyễn Đình Thi cũng dùng nó để soi tỏ chính mình. Dưới ánh sáng muôn đời của cái lẽ phải lớn mà cuối đời ông thật sự nghiệm ra và gắng hoàn thiện ấy, người nghệ sĩ này đã xét duyệt mình nghiêm khắc, sòng phẳng biết bao. Có lúc lời thơ mà như những lời trăng trối: “Trên tay cốc nhỏ không đầy / Uống chúc bạn bè ở lại / Anh chắt đời anh chắt mãi / Chút ngọt bùi chút đắng cay / Người tôi còn nhiều bùn tanh / Mặt tôi nhuốm màu xanh đỏ / Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ / Nhiều dây nhợ tự buộc mình / Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm / Quên những dối lừa khoác lác / Tôi biết tôi đã nhiều lần ác / Và ngu dại còn nhiều hơn”. Với những ăn năn chân thành ấy, người trí thức sống trong đời kia đã cố vượt lên chính mình, cố hoàn thiện mình theo lẽ phải lớn của cuộc đời. Mong sao những lời ăn năn đó có thể hoá giải cho một cõi lòng tự lúc nào đã thành bãi chiến trường của bao vật lộn giằng co. Và những ký thác như trút lòng ra thế, sau này ông thường gửi gắm vào thơ. Có lẽ thơ là cái tiếng thì thầm tin cậy nhất đối với những trăn trở trong tâm linh cá thể. Có thể ai đó sẽ nghĩ, một trí thức như ông sao không thể hoàn thiện một lẽ phải lớn cho mình sớm hơn? Nhưng đòi hỏi thế nào được, kể cả những trí thức tỉnh táo nhất không phải lúc nào cũng ngộ ra, và không phải cứ ngộ ra là làm ngay được. Cái gì không làm được đành thì thầm cùng thơ. * Nguyễn Đình Thi thuộc kiểu nghệ sĩ đa tài. Trong nghệ thuật, đây là một hiện tượng khá phổ biến. Nhưng tiếc rằng nó chưa được nhìn nhận đúng mức như một loại hình có quy luật nội tại. Thông thường, có hai quy luật chính chi phối những hiện tượng ấy là: thứ nhất, vừa phân tán vừa tập trung - hoạt động sáng tạo của họ mở ra khá nhiều lĩnh vực, nhưng lại thường nổi trội nhất ở một lĩnh vực nào đó; thứ hai, vừa phân liệt lại vừa liên thông - các lĩnh vực ấy có sự độc lập riêng nhưng giữa chúng vẫn có một mối dây liên hệ nào đó. Điều này làm nên tính đa dạng mà thống nhất của hiện tượng. Thế Lữ vừa viết văn, viết kịch, diễn kịch, làm thơ nhưng trội nhất vẫn là thơ. Hoàng Cầm viết truyện, viết kịch, nhưng thơ vẫn là mũi nhọn nhất. Quang Dũng viết văn, viết kịch, viết nhạc, vẽ tranh, nhưng kết tinh nhất là thơ. Văn Cao và Trịnh Công Sơn vừa viết nhạc vừa làm thơ vừa vẽ, nhưng phần vang dội nhất của họ vẫn là nhạc. Lưu Quang Vũ viết kịch, làm thơ, vẽ, nhưng nổi đình đám nhất vẫn là kịch… Nguyễn Đình Thi cũng thế. Ông viết nhạc, viết văn xuôi (cả ký và truyện, cả ngắn lẫn dài), viết tiểu luận (cả triết học lẫn văn học), viết kịch… nhưng trội nhất vẫn là thơ. Và thơ đã xâm nhập vào các thể khác của ông. Người ta thấy cả nhạc, văn xuôi, kịch của ông đều đẫm chất trữ tình, chất thơ. Bài tiểu luận “Mấy suy nghĩ về thơ “(1948) đã báo trước một quan niệm thơ, một cá tính thơ, một hướng cách tân bứt phá so với thơ đương thời. Như một nghệ sĩ chân chính, Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới”. Cách mạng tháng Tám đã khép lại một thời đại, và giờ đây đang mở ra một thời đại mới cho nghệ thuật. Đây chính là lúc những nhà nghệ thuật chân chính cần tìm kiếm cho thời đại mình một hình thức mới tương ứng. Và thế là chủ trương “thơ không vần”, “thơ như nói”, “thơ không kể lể tình cảm”, “thơ bỏ nhạc bên ngoài tìm vào nhạc bên trong”, “thơ khơi dậy cái nhịp điệu tâm hồn”… đã ra đời. Chùm thơ đầu tay thử nghiệm theo tinh thần này gồm “Đường núi”, “Sáng mát trong như sáng năm xưa”, “Không nói vừa chào đời” đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của đời sống đương thời. Chồi non bị dội nước đá. Nhưng chồi khoẻ ấy vẫn không từ bỏ cái lẽ phải lớn của thơ. Nên tuy có lúc không công bố nhưng ông vẫn kiên trì thử nghiệm và điều chỉnh. Gắng kết hợp cách tân với truyền thống. Và cứ theo năm tháng, các tập thơ Nguyễn Đình Thi vẫn ra đời, tuy không thật đều đặn : “Người chiến sĩ” (1956), “Bài thơ Hắc hải” (1958), “Dòng sông trong xanh” (1974), “Tia nắng” (1985), “Sóng reo” (2000). Về mặt sắc thái cảm xúc, thơ trữ tình của ông có sự hoà hợp giữa chất tráng ca và chất triết lý. Bên cạnh những trang nóng bỏng: “Súng nổ rung trời giận dữ Người lên như nước vỡ bờ Nước Việt Nam từ máu lửa Rũ bùn đứng dậy sáng loà”…, là những trang trầm tĩnh, giấu trong lòng bao triết lý sâu nặng: “Dòng sông vẫn rì rào đang trôi đi Ngọn cỏ mang sự sống qua cõi chết Trong đêm xa xưa mờ tỏ ngôi sao Bông hoa nở cho hương thơm bay toả Tình yêu dắt đời người trong sóng gió Đau thương lặng gieo hạt giống nhân từ”, “Cái đẹp làm cho mọi vật không cùng”... Trong phần thành công nhất, thơ Nguyễn Đình Thi đã tạo ra một điệu mới như tiếng sóng reo trong lặng lẽ, tấu lên một thứ nhạc mới - trong lặng mà rung ngân: “Sáng mát trong như sáng năm xưa Gió thổi mùa thu hương cốm mới ...Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em” “Nắng soi ngõ vắng Thềm cũ lối ra đi Lá rụng đầy” “Ôi những vạt ruộng vàng Chiều nay rung rinh lúa ngả Dải áo chàm bay múa Tiếng hát ai lênh đênh…”. Tiếc rằng, trước sự phản ứng gay gắt, Nguyễn Đình Thi cũng đã phải hoà giải một cách tự nguyện là: lại gia tăng vần cho thơ. Nhiều khi “thơ có vần” đã đồng hoá “thơ không vần”. Giá ông cứ dám là mình, cứ dám đi cho thật hết cái lẽ phải của thơ theo quan niệm của mình, thì rất có thể ông đã có vai trò như Xuân Diệu với phong trào Thơ Mới. Hoà giải đôi khi là thoả hiệp là nhượng bộ, làm mất một cơ hội tạo diện mạo cho mình, tạo diện mạo hoàn toàn mới cho thơ. Vừa muốn là mình, vừa không dám là mình, gẫm bi kịch ấy đâu chỉ diễn ra trong mỗi việc cách tân thơ, cũng đâu chỉ với riêng ông. Nó khó thế, nó cũng buồn thế! * Nguyễn Đình Thi không có những đỉnh vượt trội, cũng không có một kết tinh lớn quy tụ tất cả những năng lực phong phú của mình thành một ngọn tháp bề thế. Nhưng bù lại, ông đã có những đóng góp trải ra nhiều lĩnh vực. Có lẽ ông không thuộc kiểu nghệ sĩ dồn tất cả năng lực nội tại vào một điểm sáng tạo duy nhất. Cũng có không ít người tiếc cho ông về điều đó. Nhiều người kỹ tính cứ thích chẻ hoe ra để so bì. Nhạc thì không sánh được Văn Cao. Thơ không sánh được Tố Hữu. Văn không sánh được Nam Cao. Kịch không sánh được Nguyễn Huy Tưởng… Nói thế e rằng đòi hỏi quá. Thời Lêôna đơ Vanhxi đã qua lâu rồi. Mà bảo vì tham quá, “tay vướng nhiều đồ bỏ” quá, “nhiều dây nhợ tự buộc mình” quá, khiến nội lực bị dàn mỏng, tán chứ không tụ, cũng không hẳn. Thôi thì, vâng thôi thì, đó âu cũng là một cái tạng. Trời cho thế, trời cũng xui thế. Ông thuộc kiểu nghệ sĩ mà tài năng cứ phải dàn trải trên diện rộng. Chỗ đứng của ông được xác định bằng sự đa dạng đa diện vậy. Trong nền Văn học Việt Nam hiện đại, kiểu nghệ sĩ đa tài khá phổ biến, nhưng để có được những đóng góp đều tay như Nguyễn Đình Thi, xem ra, cũng không có nhiều. Đến nay, có thể thấy trong gia tài văn học của ông, Thơ và Kịch tỏ ra có sức vóc hơn cả. Nhất là Thơ ca. Cùng với những thành tựu sáng tác, tinh thần cách tân thơ của Nguyễn Đình Thi vẫn luôn là một tâm nguyện đáng trân trọng, dù vẫn còn dang dở. Hy vọng rằng tâm nguyện cách tân ấy sẽ vẫn đi cùng những thế hệ sau trên sóng thời gian[*]. Văn chỉ, 2003 [*] Bài đăng lần đầu trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 573, 5/2003. Tác giả có chỉnh sửa. (Đa mang một cõi lòng không yên định - Chu Văn Sơn)
Giải mã tác phẩm "Người đẹp say ngủ" của Y.Kawabata (Từ chủ đề cứu thế) 1. Văn học là sự tự ý thức văn hóa. Mỗi nhà văn muốn hay không trước hết phải là con đẻ của một nền văn hóa dân tộc, tự giác tiếp nhận lối tư duy, những mô thức ứng xử từ xa xưa đã trở thành truyền thống của dân tộc mình. Mặt khác, tùy điều kiện sống của thời đại, họ lại tiếp nhận được nhiều tinh hoa văn hóa của các cộng đồng dân tộc khác. Tất cả những giá trị văn hóa của thời đại này đã được nhào nặn thành các tín hiệu nghệ thuật trong văn bản tác phẩm. Vì vậy giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học cần quan tâm tới việc lí giải các cấp độ khác nhau của tín hiệu nghệ thuật mà nhà văn sáng tạo ra. Tín hiệu nghệ thuật là một khái niệm mở tùy theo sự phát triển của tư duy nhân loại và mỗi cộng đồng, cho nên nó có nhiều bình diện, nhiều cấp độ khác nhau. Xét ở cấp độ nhận thức từ đơn giản đến phức tạp về mã văn hóa, người ta có thể chia thành: kí tín hiệu, biểu tượng và cao hơn là mật mã. Nếu xét từ cấp độ bản thể đến cấp độ biểu hiện sẽ có: nguyên mẫu hay cổ mẫu, biểu tượng đến hình tượng. Nguyên mẫu (archtupe) là tín hiệu thẩm mỹ đầu tiên nhận thức được trong thời kì sơ khai của xã hội loài người và đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng. Nó là sợi dây liên kết giữa con người hiện tại và tổ tiên chúng ta dưới nấm mồ lịch sử, có tính chung của toàn nhân loại. Các mẫu gốc chính là "bản nguyên sống động vĩnh cửu", là "những mô hình ứng xử vĩnh cửu” của cá nhân và xã hội, đối với những quy luật nhất định của tự nhiên và xã hội. Ở cấp độ biểu tượng (symbol), các mẫu gốc sẽ sinh ra những biến thể khác nhau trong từng cộng đồng và biến thành biểu tượng. Tùy theo điều kiện địa lí, kinh tế, xã hội của từng cộng đồng biểu tượng vừa là biến thể cái biểu đạt vừa là biến thể cái được biểu đạt. Ở cấp độ hình tượng, các mẫu gốc, các biểu tượng, khi đi vào trong tác phẩm nghệ thuật, sẽ chịu sự chi phối và lựa chọn của tư tưởng nghệ thuật nhà văn, nhà thơ mà trở thành các hình tượng nghệ thuật phong phú sinh động khác nhau. Tuy nhiên không phải hình tượng nào cũng là biểu tượng. Những hình tượng được coi là biểu tượng khi nó mang nhiều lớp nghĩa bóc mãi không cùng. Y.Kawabata là nhà văn đại diện cho tâm hồn yêu chuộng cái đẹp và mỹ cảm tinh tế của dân tộc Nhật Bản. Các nguyên tắc thẩm mỹ trở thành các giá trị văn hóa, định hướng triết lý sống và thị hiếu thẩm mỹ trong đời sống của người Nhật. Thêm nữa ông còn là nhà văn chịu ảnh hưởng sâu sắc của giáo lí Thiền tông, nên người đọc dễ nhận thấy trong tác phẩm của ông không chỉ là những ẩn dụ lớn về triết lý nhân sinh thông qua một hệ thống các biểu tượng văn hóa phong phú, mà còn chất chồng những ám thị, đốn ngộ bằng lối cách điệu, biểu trưng mạnh mẽ. Ngoài ra phải kể tới ảnh hưởng văn hoá phương Tây đặc biệt là trường phái nghệ thuật "tân cảm giác" và thủ pháp kể chuyện "dòng ý thức" của lí luận văn học phương Tây trong tư tưởng nghệ thuật của Y.Kawabata. Tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” của Y.Kawabata, trên bề mặt là miêu tả một ông già suy kiệt hy vọng tìm mọi cách để có lạc thú, thực ra là thể hiện việc tìm ra cách cứu vớt và tĩnh hóa tâm linh trước những bủa vây của phiền não thế tục. Cái mà tiểu thuyết thể hiện là câu chuyện ẩn tàng về những kĩ nữ vốn là Bồ Tát hóa thân. Trong những thư tịch cổ của hai nước Trung - Nhật đều có ghi chép những câu chuyện loại này. Nhưng câu chuyện này đều truyền đạt tư tưởng phổ độ chúng sinh và vạn vật nhất như của Phật giáo. Y.Kawabata đã vận dụng mô thức kết cấu này để biểu đạt ý nghĩa mới của nội hàm cứu thế. Để hiện thực hóa sinh động hàm nghĩa kiểu truyện “kĩ nữ là Bổ tát hóa thân”, Y.Kawabata đã khéo dùng các hoàn cảnh, bối cảnh để khắc họa nhân vật, xây dựng quan hệ đối lập và tương hỗ giữa các nhân vật. Đằng sau tình tiết kì lạ “người đẹp ngủ say”, đã ẩn dấu chủ để cứu thế của Phật giáo – mọi chúng sinh đều được an ủi những khổ đau nơi phàm trần. 2. “Người đẹp say ngủ” ra đời khi Y.Kawabata đã ngoại sáu mươi. Đó là thời kì ông gắn bó với Tạp chí Tân Trào. Năm Chiêu Hòa thứ 35 (1960) ông chỉ tham gia từ số 1 đến số 6 trên Tạp chí trên. Sở dĩ Y.Kawabata vắng bóng nửa năm 1960 trên Tạp chí Tân Trào vì ông được mời đi Mỹ phỏng vấn và tham dự hội thảo nhà văn quốc tế lần 31 tại Braxin. Tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” miêu tả ông già Eguchi (âm Hán Việt là Giang Khẩu) 67 tuổi, đã 5 lần đến ngôi nhà được gọi là “mật thất”. Đó là câu lạc bộ của những người đẹp say ngủ, trước sau đã cùng 6 thiếu nữ chung giường chung gối khi họ dùng thuốc ngủ bất tỉnh. Tình tiết kì lạ có vẻ dung tục này đã đem lại những tranh luận cho tới nay vẫn chưa chấm dứt, đã đưa đến những kiến giải khác nhau về những chủ đề và giá trị đích thực của tác phẩm. Ở Trung Quốc phần lớn học giả đều cho rằng tác phẩm “Người đẹp say ngủ” là tác phẩm đồi trụy hư vô không lành mạnh, cho rằng tiểu thuyết biểu hiện tinh thần phóng đãng”, bộc lộ tâm lí bệnh hoạn của tác giả. Ngay trên quê hương Nhật Bản, cũng có không ít tiếng nói phê phán tác phẩm này từ nhiều góc độ khác nhau. Nhà văn Mitsueda Kazuo thậm chí nói: “Tôi thấy, điều mà tác giả thể hiện trong tác phẩm này chính là sự miệt thị và lăng nhục nữ tính.”(1). Xét từ bình diện bề mặt chữ nghĩa, từ dòng mạch những thiếu nữ dưới con mắt của ông già suy kiệt, loại bỏ sự tự tôn của ông già Eguchi, thì những thiếu nữ biến thành những con búp bê sống cho cánh đàn ông hưởng thụ, cũng đủ tạo ra sự lăng nhục đối với nữ giới. Tuy nhiên trên thực tế, những người già trong tiểu thuyết từ trong không gian tĩnh mịch và tăm tối của mật thất, thông qua cảm nhận hết sức mơ hồ của thị giác, khứu giác, xúc giác kể cả hơi thở mong manh do thính giác cảm nhận được, cũng không cần nhiều lời có thể thấy mong muốn cơ bản ở đây là sự truy tìm và thể hiện nỗi luyến tiếc về sức sồng tràn trề đã từng có của đời người trong những năm tháng xa xưa, là sự hưởng thụ khoái lạc về thể xác cũng như khoái cảm tinh thần hết sức thuần khiết phiêu diêu và hư vô. Ở đây tác giả rất dễ rơi vào lối mòn của tiểu thuyết sắc tình ướt át, song đã xử lí vô cùng tài hoa, đem lại cho tác phẩm sự hàm súc, thuần khiết và yên tĩnh. Ngay cả tính dục nguyên thủy luôn vang vọng, thôi thúc trong lòng ông già Eguchi cũng thể hiện sự tiết chế phi thường, không hề có một động tác nào thô dã, cũng chưa hề có một lời nói nào được bộc lộ ra. Độc giả chỉ có thể từ cảm giác mà cảm nhận cảm giác. Trong diễn ngôn, trước sau tác giả hết sức cẩn thận bảo toàn sự trong sạch cho các cô gái, đồng thời ra sức truyền cảm sự hồn thuần cao khiết hết sức đáng yêu của những cô gái này. Vậy thì xét cho cùng Y.Kawabata định mượn tác phẩm này để thể hiện tư tưởng nghệ thuật gì? Cần đi sâu vào đâu để tìm hiểu và lí giải vấn đề này? Đầu tiên có lẽ không thể bỏ qua được một số khái niệm, những chi tiết, hình tượng nghệ thuật. Đó là những tín hiệu nghệ thuật và cũng là biểu tượng văn hóa. Trước hết là chi tiết “say ngủ” (thụy miên). 3. Chi tiết “say ngủ” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ chi tiết này chi phối toàn bộ sự phát triển của tình tiết cốt truyện và biểu tượng say ngủ đã đem lại tính đa nghĩa của tác phẩm. Say ngủ có thể nói là tiền đề và là trạng thái phát sinh toàn bộ câu chuyện. Trước hết tác phẩm mở đầu là khao khát muốn thỏa mãn “thói tò mò hiếu kì” đến mật thất để vượt qua ranh giới giữa không gian hiện thực và không gian cảnh mộng của ông già Eguchi; tình tiết được gắn kết cũng tùy thuộc tư duy quan hệ tương thông giữa mộng trong khi ngủ và mộng ban ngày, từ đó đan dệt thành mạng lưới liên kết trước sau chắc chắn. Hai là, sự xuất hiện của các thiếu nữ hoàn toàn trong trạng thái dùng thuốc để ngủ sâu, trước sau họ đều không mở miệng nói một lời và mắt thì nhắm; không chỉ như vậy, ngay cả ông già Eguchi chủ thể quan sát và tư duy trong tác phẩm, cũng thường dùng một lượng thuốc ngủ nhỏ để rơi vào trạng thái nửa ngủ nửa thức. Như vậy có thể nói, trạng thái “say ngủ” là dòng mạch chính chi phối toàn bộ tác phẩm, thể hiện tư tưởng nghệ thuật tác giả. “Say ngủ”, là một trạng thái tâm sinh lí được Phật Giáo hết sức quan tâm. Tiếng Phạn gọi “say ngủ” là “Middha”, đơn giản gọi là “ngủ”, chỉ trạng thái không tự chủ giống như sự hôn mê của thân và tâm con người. Bản thân cấu tứ tình tiết “người đẹp say ngủ” đã bao hàm ý nghĩa Phật Giáo. Từ nhỏ Y.Kawabata đã chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của triết học Phật giáo và suốt đời ông gắn bó tôn sùng Phật giáo. Bản thân ông từ rất sớm đã rất hứng thú với ý nghĩa của khái niệm “say ngủ” trong giáo lí nhà Phật. Thêm nữa năm Chiêu Hòa thứ 8 và 9 (1933-1934), trên văn đàn Nhật Bản đã xảy ra cuộc tranh luận phân biệt giữa tiểu thuyết và tản văn có liên quan đến vấn đề “cải tạo” và “ranh giới văn học”. Đây cũng là lúc những suy ngẫm về tác phẩm “say ngủ” đã chín muồi trong ông. Tác phẩm mà ông dự kiến, đã xuất phát từ điểm nhìn nghệ thuật của nhân vật “tôi”, tìm hiểu về sự kiện hai nữ đệ tử bị chết vào 5 năm trước. Anh ta đã phải tra cứu nhiều sách về y học và tâm lí học trong thư viện, cuối cùng tìm được khái niệm “Tùy miên phẩm” (thuốc tạo ra giấc ngủ theo ý muốn) trong “A tỳ đạt ma câu xá luận” của Phật giáo. Anh ta cho rằng trạng thái “say ngủ” chưa hề thể hiện rõ bất kì một động cơ giết người nào. “A tỳ đạt ma câu xá luận” đã tiếp nhận những suy ngẫm của Thích Ca, cho rằng nguyên nhân đau khổ của nhân loại là có từ trong những phiền não. Từ đó Phật giáo Ấn Độ mới đi sâu phân tích tỉ mỉ, tinh tế đối với khái niệm “phiền não”, có thể nói đó là một hệ thống tâm lí học uyên áo về nhận thức luận... Y.Kawabata đã có ấn tượng và giữ mãi những hứng thú của Phật điển mặc dù hết sức khó lí giải này. Ông cảm thụ được sức hấp dẫn của giáo nghĩa Phật pháp và thích đi sâu vào những không gian xa xôi phiêu diêu đầy hấp dẫn”(2). Sở dĩ Y.Kawabata có hứng thú với sự uyên áo của “A tì đạt ma câu xá luận”, bởi vì trong đó phần lớn là những trải nghiệm về phiền muộn và sinh li tử biệt. Điều này khiến ông không ngừng suy ngẫm đến những nguyên nhân thống khổ của nhân loại và mong muốn tìm ra những biện pháp để giải thoát nó. Ông già Eguchi trong “Người đẹp say ngủ” thân tâm đã suy yếu, năng lực sinh lí cũng đã gần cạn kiệt, không còn tìm được tình yêu và cả tình dục. Điều mà ông già này vốn đã che giấu, chính là từ thẳm sâu trong cõi lòng cô đơn của ông, nỗi tuyệt vọng về cái chết ngày càng gia tăng và nó cũng đang đến gần; mặt khác tuổi xuân đầy sức sống của ông đã qua đi cũng không có cách nào quay trở lại. Đến ngay cả trong cuộc sống hiện tại, đã lâu rồi ông phải sống trong cô đơn tịch mịch và bị sự trống vắng đè bẹp không tài nào thoát ra nổi. Cũng giống như toàn bộ câu chuyện, “Người đẹp say ngủ” luôn bị vây bủa bởi giấc ngủ say, ông già Eguchi luôn ở trong trạng thái “không thể tự chủ trong tâm linh”. Bề mặt của tác phẩm “Người đẹp say ngủ” là câu chuyện về ông già suy kiệt hy vọng đi tìm lạc thú, nhưng trên thực tế là một câu chuyện ngụ ngôn về sự cứu rỗi đối với những tâm linh khổ đau phiền não nơi thế tục, để tìm ra sự cân bằng yên tĩnh nơi tâm linh. Tiểu thuyết đã hàm chứa sâu xa chủ đề cứu thế của Phật giáo, nhằm vỗ về an ủi nỗi đau ngàn đời nay của chúng sinh nơi trần thế. 4. Cũng cần thấy, không phải ngẫu nhiên mà Y.Kawabata đặt tên cho ông già nhân vật chính trong tác phẩm “Người đẹp say ngủ” là Eguchi (Giang Khẩu). Điều này tự nó đã thể hiện một ý đồ nghệ thuật gắn bó với Phật giáo của tác giả cần phải lí giải. Trong những nhà nghiên cứu về văn học của Y.Kawabata, không nhiều người quan tâm khảo sát cách đặt tên này, tuy nhiên có quan điểm cho rằng cách gọi họ Eguchi vốn có nguồn gốc từ một khúc ca “Giang Khẩu”(3). Xét từ tình tiết câu chuyện “Người đẹp say ngủ” và tư tưởng chủ đề của nó, thì quan điểm này gợi ý so sánh văn hóa và văn bản từ đó tiếp cận khám phá nội hàm tác phẩm. Tương truyền khúc ca “Giang Khẩu” do nhà viết nhạc Trung Quốc Quan A Di (1333-1384) sáng tác. Khúc ca này liên quan đến địa danh thôn Eguchi (Giang Khẩu). Thôn này cũng gần quê hương Ibaraki Shi của Y.Kawabata, nay là Higashi Yodogawaku thuộc Osaka. Nó nằm bên con sông Kanzakigawa, chi lưu của sông Yodogawa chia tách với chủ lưu của nó. Xưa kia nơi đây đã từng là một cảng sông và là nơi buôn bán sầm uất. Nội dung khúc ca “Giang Khẩu” nói về câu chuyện hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát thành kĩ nữ, điều này đã cho thấy: nếu xét từ hình thức, những kĩ nữ phải mưu sinh bằng công việc rất thấp hèn, phải trải qua cuộc sống đầy khổ đau. Song những thể nghiệm của họ trong cuộc đời chẳng qua cũng chỉ là sự cứu rỗi cho mình và cho mọi người. Như vậy đã làm sáng tỏ hơn lẽ vô thường trong cuộc sống. Vì vậy vấn đề ở đây kĩ nữ tức là Phật cần được minh chứng. Cũng đã có nhiều tài liệu, thư tịch cổ của Nhật Bản hoặc nói về sự hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát thành kĩ nữ như trong khúc ca “Giang Khẩu” hoặc tiếp nối tinh thần của khúc ca trên. Chẳng hạn như trong Kojidan (Cổ sự đàm) (1212-1215), Mansyusyô (Vạn tập sao) (1252) tập 3, Seiku Syoonin đã nhìn thấy hiện thân của Phổ Hiền Bồ Tát”. Vở kịch có nhan đề Eguchi (1424) của Zeami được lấy cảm hứng từ hai tác phẩm trên, trong đó có chuyện kĩ nữ giúp thiền sư đạt đến giác ngộ. Vở kịch kể về một vị thiền sư trên đường hành hương tới chùa Tenoji, ghé qua thôn Eguchi, ông ta chợt nhớ tới thiền sư Saigyo trước kia trong đêm mưa bão bị một cô gái giang hồ từ chối không cho ngủ trọ. Một gái khác tự xưng là hồn ma Kimi – một kĩ nữ nổi tiếng vùng Eguchi xưa, đã mời vị thiền sư cùng cô gái giang hồ kia chèo thuyền trên sông Yodo dưới ánh trăng. Họ hát những bài ca về cuộc sống nổi trôi vô thường, về đời người ngắn ngủi, về lòng ham dục gây nên bao đau khổ cho con người... Cuối cùng hồn ma Kimi biến thành Bồ Tát và chiếc thuyền biến thành một con voi trắng đưa thiền sư đến Tây phương cực lạc. Sự hóa thân của Bồ Tát thành kĩ nữ giúp các thiền sư đắc đạo không phải là chuyện hiếm trong tín ngưỡng Trung đại Nhật Bản. Vào thế kỉ XIV, có câu chuyện dân gian nhan đề “Chigo Kannon engi” (Truyện thiền sư Kanon) đề cao chuyện Bồ Tát biến thành chú tiểu, rồi quan hệ đồng tính với sư thầy. Thời bấy giờ thậm chí chú tiểu trẻ đẹp được coi là biểu tượng của vẻ đẹp Phật giáo. Như vậy có thể thấy, câu chuyện quan hệ giữa kĩ nữ và thiền sư ở đất nước Nhật Bản không chỉ đơn thuần là sắc dục, mà kĩ nữ (gheisa) được coi là biểu tượng cho cái đẹp nghệ thuật nhiều hơn là sắc dục. Cả thiền sư và kĩ nữ đều là người không có gia đình, thiền sư cần chùa để tu luyện chay tịnh, đắc đạo và làm cầu nối giữa Phật pháp với thế giới nhân gian; còn kĩ nữ cần quán rượu để cho nhân gian thấy những đam mê của họ chỉ là những ảo ảnh vô thường. Câu chuyện Bồ Tát hóa thân thành kĩ nữ là sự cụ thể hóa chân lí “giả tướng tức thực tướng”, nghĩa là thế giới ảo tức là thế giới thực. Chân lí này có khả năng thanh tẩy tâm hồn, khiến thiền sư có thể đốn ngộ, nhận ra rằng mọi say mê chấp chước chẳng qua chỉ là mộng tưởng, chợt đến rồi lại đi. Rõ ràng Bồ Tát dù biến thành kĩ nữ hay thành chú tiểu người tình của vị sư già nhằm đem lại đốn ngộ cho nhân gian chính là “mĩ cảm của sự dấn thân”, là vẻ đẹp cứu rỗi của triết lí Thiền. Trong “Người đẹp say ngủ”, ông già Eguchi ở bên cạnh một cô gái mới tập sự, chưa thành thục, liền nghĩ đến “Thuyết bất định”: “Nhưng không ai cấm ta hình dung rằng cô vẫn chỉ là hóa thân của đức Phật giống như nhiều truyện hoang tưởng cổ xưa đã nói đến. Mà sự thật chẳng đã có nhiều truyện cổ, trong đó một số cô gái đĩ thõa, hoặc gái đẹp quyến rũ đàn ông lại chính là do đức Phật hóa phép biến thành đấy sao?”(4). Những truyện cổ trong tâm tưởng của Eguchi chẳng đã phù hợp với câu chuyện kĩ nữ là do Phổ Hiền Bồ Tát hóa thân, như những gì mà thư tịch cổ ở trên đã từng ghi chép. Do vậy, có thể thấy bài ca “Giang Khẩu” và tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” trên nhiều phương diện có liên quan và có những chỗ tiếp nhận của nhau, giữa chúng rõ ràng có liên hệ nội tại mật thiết. Y.Kawabata đã đặt tên cho nhân vật chính là Giang Khẩu (Eguchi) tức là đã thể hiện rõ dòng mạch lớn xuyên suốt tác phẩm. Những gì mà tác phẩm “Người đẹp say ngủ” thể hiện cũng là câu chuyện ẩn tàng về kĩ nữ là hóa thân của Bồ Tát. Ở Trung Quốc, kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân đã xuất hiện từ thời nhà Đường. Trong quyển 5 “Tục Huyền Thánh lục” của Lí Phúc Ngôn (775-833) thời Trung Đường có thiên “Diên Châu phụ nhân” (Người phụ nữ Diên Châu) kể về một thiếu phụ dung nhan xinh đẹp cùng với một thiếu niên đi chơi thân mật và phóng túng, sau khi chết được mai táng. Sau này nhân chuyện Hồ Tăng phát quật ngôi mộ, đã làm sáng tỏ cô ta là Tỏa cốt Bồ Tát hóa thân.”(5) Điều dễ thấy là câu chuyện trên không có trong kinh Phật, mà là sáng tạo của người dân Trung Quốc, có hai nguyên nhân lí giải sự ra đời của nó: “một là sự hưng thịnh của Phật giáo trong thời đại nhà Đường. Hai là tùy theo quá trình hưng thịnh, Phật giáo dần được bản thổ hóa. Câu chuyện này trải qua sự tiếp nối và phát triển, đến thời Tống đã xuất hiện hai văn bản: một bản là truyện “Mã lang phụ” (Vợ chàng họ Mã) trong quyển 13 thượng “Hải lục toái sự” của tác gia Diệp Đình Khuê triều Bắc Tống. Bản khác cũng là truyện “Mã lang phụ” trong quyển 41 “Phật tổ thống kí” đời Hiến tông Nguyên hòa năm thứ 4 do Chí Bàn soạn vào triều Nam Tống(6). Cả hai văn bản này đều đề cao giáo lí của Phật, đồng thời Bồ Tát vốn đã cao khiết và từ bi nay lại càng được đề cao. Đặc biệt là đến sau này, nhiều tình tiết trong kinh Phật đã được truyền tụng và đi sâu vào thế tục, rõ ràng do tưởng tượng thần bí của con người bản thổ, câu chuyện Phật giáo đã mang nhiều dấu vết diễn hóa. Mục đích của sự diễn hóa là nhằm làm giác ngộ chân tâm mọi người, khêu gợi họ hướng thiện và nương nhờ cửa Phật. Tuy nhiên, trọng tâm của câu chuyện vẫn là Mã lang phụ. Có điều rằng truyện trước là hóa thân của Tỏa cốt Bồ Tát, mà truyện sau đã biến thành hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát. Đến đời Nguyên, trong “Thích thị kê cổ lược” quyển 3 của Giác Ngạn, Mã lang phụ lại biến thành hóa thân của Quan Âm Bồ Tát. Thời gian phát sinh câu chuyện là từ đời Đường, từ “Người phụ nữ Diên Châu” đến “Vợ chàng họ Mã” thời đại Tống, Nguyên, hệ thống kiểu truyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” ở Trung Quốc đã trải qua một quá trình diễn hóa dài lâu, từ Tỏa cốt Bồ Tát đến Phổ Hiền Bồ Tát rồi đến Quan Thế Âm Bồ Tát. Trong hệ thống kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân ở Nhật Bản, nhân vật hóa thân thành kĩ nữ chính là Phổ Hiển Bồ Tát, sự kiện này hoàn toàn thống nhất với “Phật tổ thống kí” đời Nam Tống. Ngoài ra, thời gian xuất hiện những văn bản, điển tịch của Nhật Bản như Kojidan (Cổ sự đàm), Jikkinsyo (Thập huấn sao), Sensyusyo (Soạn tập sao)… đại thể tương đương với thời kì Nam Tống ở Trung Quốc. Đó cũng là thời kì giao lưu văn hóa Trung - Nhật hết sức phồn thịnh. Vì vậy, có thể cho rằng, kiểu truyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản trong thời kì Tống – Nguyên, trải qua một quá trình diễn hóa lâu dài đã trở thành văn hóa bản địa Nhật Bản. Trong “Người đẹp say ngủ”, Y.Kawabata chưa hề nói tới kĩ nữ là do vị Bồ Tát nào hóa thân và nhà văn cũng không hề có ý làm rõ điều này. Song sự phát triển tình tiết trong “Người đẹp say ngủ” và nội dung câu chuyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” trong thư tịch cổ của Trung Quốc và Nhật Bản tuy có những chỗ khác nhau, song câu chuyện dân gian kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân đã đi sâu vào tâm thức nhân dân, bảo lưu thành vô thức tập thể qua nhiều thời đại. Điều này cho thấy Y.Kawabata là một nhà văn suốt đời bảo lưu triết lí Thiền, cho dù vô tình mượn kiểu truyện này thì khát vọng đốn ngộ cho nhân gian bằng “mĩ cảm của sự dấn thân” - vẻ đẹp cứu rỗi của triết lí Thiền là hoàn toàn là hợp lí. Nhưng từ đầu tới cuối tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ”, nhà văn lại thông qua một loạt phương thức hoặc rõ ràng hoặc ám dụ thể hiện những “Người đẹp say ngủ” có những chỗ giống với Bồ Tát. Những cô gái giúp cho ông khách già ngủ được, về bản chất cũng là những cô gái yên hoa, tuy nhiên, trong tác phẩm cũng thể hiện hết sức rõ ràng quan niệm: kĩ nữ và yêu nữ là do Bồ Tát hóa thân. Do vậy có thể cho rằng, Y.Kawabata vô tình đã mượn mô thức kết cấu kiểu truyện này để ngầm biểu đạt tư tưởng nghệ thuật của mình bằng hình tượng hóa sự cứu rỗi của Phật giáo. Biểu tượng “Người đẹp say ngủ” nói về những cô gái lấy việc dùng thuốc say ngủ làm nghề kiếm sống, đã được những nhà văn sau Y.Kawabata kế thừa đến biểu tượng này. Tiểu thuyết trung thiên Shirakawa yasen (Đêm đi thuyền trên sông Bạch Hà) của nhà văn nữ Yoshimoto Banana cũng nói về biểu tượng người đẹp say ngủ này. Nữ chủ nhân Shiori ở trong một “câu lạc bộ bí mật” làm công việc của người uống thuốc để say ngủ. Trong tập tiểu thuyết “Tokyo Byodoku” (Tokyo bệnh hoạn) của tác gia đương đại Murakami Masahiko, có một tiêu đề truyện ngắn là “Say ngủ”, truyện ngắn này miêu tả trong cửa hàng giặt quần áo tự động có trương một tấm biển quảng cáo “nữ sinh đại học ngắn hạn 19 tuổi say ngủ”, khách có thể hài lòng xem say ngủ, thậm chí muốn say ngủ, lệ phí chỉ mất 5000 yên mỗi giờ”, nhưng tuyệt đối không được mạo phạm hoặc có hành vi dung tục, nếu không sẽ thông qua đồng bạn để báo cảnh sát.”(7) Hình tượng những thiếu nữ say ngủ trong tác phẩm văn học, thực tế không tồn tại ngoài xã hội, nguyên nhân của sự kiện này e rằng chính là từ hình tượng những “người đẹp say ngủ” của Y.Kawabata. Điều này cho thấy, Y.Kawabata hư cấu hình tượng “người đẹp say ngủ”, vốn tiếp nhận từ kiểu truyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” trong dân gian, hình tượng hóa tấm lòng từ bi của Phật giáo, tùy duyên khai mở tư tưởng trí tuệ cho chúng sinh thông qua sáng tác văn học. Kiểu truyện này đã làm thăng hoa cao độ ý nghĩa cứu tế của Phật giáo. Ý nghĩa cứu tế của câu chuyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” có quan hệ nội tại quan trọng đối với giáo lí của nhà Phật. Tương truyền vào đời Đường, Bàn Thích Mật Đề Du – cao tăng người Ấn Độ người đem “Bàng Nghiêm kinh” truyền vào Trung Quốc. Kinh này đã chỉ ra: kĩ nữ, trộm cướp, đồ tể, buôn gian bán lận đều có thể là do Bồ Tát tái sinh để giáo hóa chúng ta; sau khi ta tịch độ, truyền cho các Bồ Tát và A la hán, hóa thân vào những chỗ cùng nhất, thành muôn hình vạn trạng, tạo ra muôn sự luân chuyển. Hoặc thành sa môn, cư sĩ áo trắng, vua chúa quan chức, đồng nam đồng nữ, ngay cả dâm nữ quả phụ, cờ bạc trộm cắp, cùng đồng bọn của chúng, xưng tụng Phật thừa, làm cho thân tâm nhập đất tam ma”(8) Trong Duy Ma kinh cũng có ghi: hoặc hiện thành dâm nữ, đưa dẫn kẻ hiếu sắc, trước bị tình dục cầm tù, sau biết hướng về Phật trí”.(9) Thậm chí, trong “Hoan hỉ Kim cang” nói: “Trí Huệ (Minh Phi) tròn 16 (tuổi) dùng tay ôm trọn lấy Linh (âm hộ) Chữ (dương cụ) ngay khi hòa hợp, còn A Xà Lê thì làm phép “quán đảnh” tức dạy phép tu theo phương pháp trên. Đệ tử phải kinh qua phép tu “quán đảnh” này mới có thể tu theo Vô thượng du già. Người tu dùng nhục thể người nữ làm đàn tràng, lấy âm hộ làm Liên hoa, do “đăng liên hoa” mà đạt đến điểm cuối cùng của việc tu trì. Sự hoan lạc tối cao (paramànanda) là lấy dục chế dục để đạt đến vô dục”(10). Kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân rõ ràng là có quan hệ mật thiết với giáo nghĩa kinh điển của Phật giáo cũng như cách thức tu luyện để đạt tới đỉnh cao vô dục. 5. Trong “Người đẹp say ngủ”, để thể hiện tốt nhất ý nghĩa hàm ẩn “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân”, Y.Kawabata dùng không ít bút lực và phương tiện nghệ thuật. Đầu tiên là địa điểm phát sinh câu chuyện, nơi thực thi sự say ngủ là một không gian bị bao bọc bởi những tấm màn màu đỏ, là câu lạc bộ của “người đẹp say ngủ”. Đó là một mật thất tăm tối, có những gian phòng tịch mịch hoàn toàn bị bao phủ trong những rèm cửa sổ bằng nhung màu đỏ thẫm dệt hình những con thiên nga. Từ xưa tới nay, đối với đại tự nhiên, trong tâm thức các dân tộc khác nhau màu đỏ tượng trưng cho màu của lửa và mặt trời, của máu và sự sống. Vì vậy nơi mật thất đỏ thẫm này, thể hiện cho sự tôn nghiêm, vĩnh hằng thần thánh và bất khả xâm phạm. Bối cảnh và hoàn cảnh màu đỏ đã dự cảm tính chất thần thánh của những thiếu nữ say ngủ trong nơi này, khiến họ trở thành “vật cấm kị” bất khả xâm phạm, đồng thời cũng ngầm chỉ ra một câu chuyện cấm kị sẽ diễn ra ở trong đó. Mở trang đầu của tiểu thuyết câu đầu tiên là lời nói “cấm kị” của người phụ nữ già nói với ông già Eguchi - người lạ mới tới là: không được làm điều xấu, không được cho tay vào mồm các cô gái say ngủ. Tiểu thuyết cũng nhiều lần cường điệu chi tiết: những cô gái say ngủ được đem đến cho ông già tất cả đều là xử nữ. Vì vậy, các cô gái này khác hẳn với ca kĩ về ý nghĩa xã hội, chỉ hương thơm cao khiết lan tỏa toàn thân họ, cũng có thể đem lại sức hấp dẫn nơi trần tục. Cũng chính vì như vậy, ông già Eguchi ở bên cạnh họ đã cảm nhận được sự “trong trắng”, “hồn thuần”, “ấm áp” “ngát hương” và “vẻ đẹp ngọt ngào”. Trong không gian màu đỏ này, sự thần thánh của nữ tính được bảo vệ tôn nghiêm. Chính sự thần thánh tôn nghiêm này đã là tiền đề đưa đến việc kĩ nữ là Bồ Tát hóa thân. Bên cạnh đó, không gian mầu đỏ thẫm tăm tối kia, còn là biểu tượng cho tử cung của người phụ nữ. Nói như Lão Tử, “cái hang tăm tối của giống cái” chứa đựng sự huyền bí sinh sản. Rõ ràng trong căn phòng sẫm mầu máu tăm tối ấy có nhiều yếu tố đối lập âm dương: ông già và cô gái trẻ, sự suy kiệt và tuổi thanh xuân, thực và mộng… để rồi thống nhất trong sự hồi sinh, mà chủ yếu ở đây là sự hồi sinh về mặt tinh thần - đốn ngộ, bừng tỉnh sau những trải nghiệm… Hai là những cô gái đã uống thuốc ngủ, không còn chút nào năng lực tư tưởng và hành động, như vậy đã rơi vào trạng thái vô tri giác, không tư duy, hoàn toàn ở trong trạng thái mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, “lục căn thanh tĩnh”. Điều này một lần nữa cho thấy các cô gái này cũng thánh thiện và cao khiết như Phật tổ. Ba là những cô gái này hoàn toàn không hề có phản ứng đối với tư tưởng và cầu dục của những ông già, cũng có thể nói người khách và những cô gái này khồng hề có sự giao lưu, trạng thái khép kín tuyệt đối không thể trực tiếp giao lưu này cũng hoàn toàn giống như trạng thái của người phàm đối với Bồ Tát. Thêm nữa mọi hành vi mạo phạm dù bất kể hình thức nào đối với các cô gái đều bị nghiêm cấm, những vị khách đến thăm đều đã 80-90 tuổi, cái tuổi đã suy kiệt lại đối diện với người đẹp say ngủ bất khả xâm phạm như thần thánh chẳng khác nào phàm nhân đối diện với Bồ Tát. Bốn là để tăng thêm Phật tính cho những cô gái này, nhà văn đã mượn lời của ông già Kiga nói với ông già Eguchi về cảm giác cùng giường với những người đẹp say ngủ như là: “cùng ngủ với đức Phật thần bí nấp kín đâu đây.”(11) Ở đây tác giả đã nhờ ngôi thứ ba trực tiếp chỉ ra cho người đọc tính Phật của các người đẹp say ngủ. Năm là người đẹp say ngủ đã không một lời mà bao dung tất cả các ông già, từ sự bi thương, tuyệt vọng, đến cả những xấu xa và tội lỗi mà họ đã gây ra trong cuộc đời, giống như tấm lòng của Phật tổ quảng đại vô biên từ bi hỉ xả phổ độ cho muôn vàn chúng sinh. Đối với những ông già đến căn nhà tĩnh mịch của những người đẹp say ngủ, sự tịnh mịch ở đây không chỉ là để giúp họ dễ dàng tìm về được tuổi thanh xuân đầy sức sống, song lẽ nào lại không có người đến đây vì muốn quên đi tội lỗi mà họ đã gây ra trong cuộc đời?”(12) Ở đây cũng giống như việc xưng tội của con chiên trước Giáo chủ Cơ Đốc giáo để mong tìm được sự cứu rỗi về tinh thần. Ông già Eguchi ở đây cũng muốn cứu chuộc tội lỗi trong cuộc đời, muốn tới đây mong cầu được sự giải thoát. Đối mặt với những cô gái say ngủ, ông ta dâng trào những suy nghĩ: ….Từ góc độ ý nghĩa của thế tục, những ông già này đều là những người thành công, cũng không phải là những kẻ lạc ngũ. Song những thành công của họ có được chính là do làm điều ác mới có, e rằng cũng có người không ngừng dùng thủ đoạn xấu xa để liên tục giữ được thành công. Vì vậy, họ không phải là người có tâm linh yên ổn, luôn lo sợ, luôn thất bại. Khi ngả mình xuống giường, tiếp xúc với làn da của những cô gái trẻ say ngủ, từ thẳm sâu trong lòng, có lẽ không chỉ là tiếp cận với sự lo sợ của cái chết và sự tiếc thương tuổi thanh xuân đã suy kiệt. Có lẽ còn có người hối hận vì ngày xưa tự mình không tích đức, có được một lần thành công thì gia đình lại bị bất hạnh.(13) Sự trầm mặc của các cô gái khiến cho các ông già không cảm thấy xấu hổ, cũng tránh cho lòng tự tôn của họ không bị tổn thương. Như vậy có thể thấy, “những người đẹp say ngủ phải chăng là một kiểu đức Phật? Là Phật nhưng lại đang sống. Mùi thơm tho của da thịt, mùi hương của tuổi trẻ phải chăng mang lại cho các ông già một kiểu tha thứ và an ủi”.(14) Những câu chữ của nhà văn ở đây không hề bộc lộ, mà chính là để cho sự từ bi rộng lớn của những cô gái giúp cho những ông già giải tỏa được tâm nguyện bi thương. Ông già Eguchi ở bên những người đẹp say ngủ đã nhớ về những người phụ nữ đi qua trong cuộc đời ông, cuối cùng trong lòng ông cũng lóe lên: người phụ nữ đầu tiên là người mẹ. Lúc này, ông mới bắt đầu quay về bản chất của sự sống, từ điểm tiếp cận cuối cùng của cuộc sống, cũng như con người đi từ hỗn loạn ô trọc đến thuần khiết, an tĩnh. Chi tiết này không chỉ tái hiện buồn vui đối với những người phụ nữ trong cuộc đời ông già Eguchi, mà còn ẩn chứa quan hệ vi diệu về lẽ sinh tử. Như vậy những gì là khổ não trong cuộc đời ông già Eguchi đã được an ủi và tĩnh hóa khi ở bên những người đẹp say ngủ, ông cảm thấy: “trong 67 năm mình đã trải qua, vẫn chưa từng có đêm nào thanh tịnh như đêm nay ở bên các cô gái” “tỉnh lại bên các cô gái ấm áp, và mùi thơm nhu hòa, như nhận được sự ngọt ngào tươi đẹp.” Trẻ thơ vốn là thuần khiết và thiên chân, còn chưa nhiễm ô trọc phiền não cuộc đời. Những người đẹp say ngủ làm cho ông già Eguchi quay trở về được trạng thái trẻ thơ này, quay về với phác thực, thuần tĩnh của sinh mệnh. Song đối với ông những người đẹp say ngủ không chỉ là Bồ Tát hóa thân, mà còn là hiện tại hết sức gần gũi, cũng chẳng cần tới “bỉ ngạn” xa xôi. Như vậy, một nhục thể sống của ông già trên đường suy kiệt, cuối cùng đã nhận được sự cứu về tinh thần. 6. Mặt khác, kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân của hai nước Trung - Nhật đều tuyên dương tư tưởng “vạn vật là một” (vạn vật nhất như) của Phật giáo. Cội nguồn của tư tưởng “vạn vật là một” có từ tư tưởng “Phật Ta là một” của Bà La môn giáo cổ đại Ấn Độ. Bà La Môn giáo đem hai phạm trù Phật và Ta đồng nhất lại, cho rằng Phật chúa tể của thế giới với Ta là những linh hồn cá thể về bản chất là thống nhất. Sau khi Thích Ca xuất gia đắc đạo, nhận thấy chế độ đẳng cấp và quan niệm giai cấp nghiêm ngặt của xã hội Ấn Độ, liền ra sức tuyên truyền sự bình đẳng của chúng sinh, mở rộng tư tưởng “Phật Ta là một”, hình thành tư tưởng “vạn vật là một” của Phật giáo. Phật giáo coi loài người và tất cả sinh vật có máu thịt và linh khí là vạn vật trong trời đất này, tất cả đều được gọi là chúng sinh, và cho rằng về đạo thể bản tính của chúng đều bình đẳng, hình trạng đầu tiên của thế giới là: vạn sự vạn vật hỗn nhiên là một, chưa hề có sự phân biệt. Quan niệm này được gọi là “nhất như” “Ngũ đăng hội nguyên” quyển 1 có viết: “tâm có thể khác, nhưng vạn pháp là một - một là thể huyền bí, gắn bó mật thiết với duyên. Vạn pháp đều quy phục tự nhiên.” Đến ngay cả vật chất vô sinh mệnh cũng đều bình đẳng không có hai, thì có lẽ nào quan hệ giữa người với người lại khác. Bởi vậy, kĩ nữ, người phàm tục, Bồ tát cũng đâu có khác nhau. Tư tưởng “vạn vật là một” được thể hiện hết sức sâu sắc trong “người đẹp say ngủ”: mọi sự vật đối lập trên thế gian này đều thông qua giấc ngủ say mà vượt qua mọi cách trở để quay về “nhất” (một). Trong tiểu thuyết, những chủ thể say ngủ ở đây gồm hai quần thể đối lập: đó là những thiếu nữ tuổi trẻ sức sống dồi dào, một bên là những ông già sức khỏe đang trong giai đoạn suy kiệt, nói khác đi quần thể trước tượng trưng cho sự bắt đầu cuộc sống, quần thể sau tượng trưng cho sự kết thúc cuộc sống. Nhưng họ đều say ngủ trong cùng một không gian, cùng một thời gian, thậm chí cùng một trạng thái – đều dùng thuốc để say ngủ (mật thất “người đẹp say ngủ” đã có người chuyên chuẩn bị sẵn thuốc ngủ cho họ). Cả hai cùng ngủ một giường đã trở thành sự hợp nhất sinh mệnh, dường như cùng bước đi những bước đầu tiên. Ở đây cũng cho thấy tư tưởng triết học của tác giả khi thấy sự thuần nhất trong giấc ngủ vốn hết sức đa dạng của mọi người. Ngoài ra tác giả còn trở đi trở lại hình tượng “những thiếu nữ ngủ say như chết”, mà các ông già trong giấc ngủ mông lung lại nhớ về những năm tháng của tuổi trẻ. Hiển nhiên quá trình say ngủ sẽ là quá trình cả hai đi theo hướng “về một” (nhất như); cũng là quá trình vận động giữa sống và chết, những thiếu nữ trong lúc say ngủ là tiếp cận cái chết, còn người già trong lúc say ngủ lại quay về với tuổi thanh xuân. Không chỉ như vậy, trong “Người đẹp say ngủ”, mọi quan niệm thế tục về về sự vật đối lập đều có xu hướng quay về đồng nhất. Những ông già suy kiệt và những thiếu nữ say ngủ đều trở thành nhân vật chủ yếu của câu chuyện, cho dù khác nhau về giới tính, về tuổi tác hay trạng thái thân thể, hay cả đặc trưng bên ngoài, cũng đều tồn tại những đối lập giữa nam và nữ, già và trẻ, suy kiệt và mạnh khỏe, xấu xí và tươi đẹp… Nhưng những người đẹp say ngủ do dùng thuốc mà họ bước vào trạng thái vô tri vô giác, đến cả lời nói và hoạt động cùng không thể có, điều này cơ hồ giống với những ông già phản ứng thì chậm chạp, hành động trì trệ, sức sống, cơ hồ sắp cạn; sự đối lập cũng như sai biệt giữa hai quần thể trên qua trạng thái say ngủ đã bị mơ hồ và nhòe hóa. Đáng lưu ý, phần kết thúc lại là ông khách già Eguchi với cái chết của một người đẹp say ngủ. Chi tiết này thêm một lần nữa khẳng định họ triệt để tiến tới cùng một cảnh giới của sự sống và cái chết, mà không hề phân biệt tuổi tác, không có đẹp và xấu. Như vậy, cho dù giữa mọi cá thể có tồn tại những khác nhau rất đa dạng, thì cuối cùng cùng đều quay về sự tương đồng, thực hiện sự bình đẳng và hợp nhất của vạn vật. Vạn vật vốn bình đẳng hợp nhất, điều này bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa, những sai biệt giữa người với người, người với vạn vật về căn bản là không tồn tại. Không chỉ như vậy, sống và chết, gặp gỡ và chia li, ái mộ và oán hận, được và mất… đều là sự vô thường sinh ra nỗi thống khổ cho vạn vật cũng đều không tồn tại. Điều này chính là cảnh giới “bất nhị pháp môn” của Thiền tông. Thiền tông đã vận dụng: “Bất nhị pháp môn” để vượt qua mọi đối lập, nhằm làm cho “Minh tâm kiến tính” quay về bản tâm thuần phác minh tĩnh. Tác phẩm “người đẹp say ngủ” cũng thông qua việc quy nhất lặp lại kĩ nữ và Bồ Tát, cô gái trẻ và ông khách già, thể nghiệm “vạn vật về một”, cũng chính tư tưởng “vạn vật về một” đã dẫn dắt mọi người tiến vào cảnh giới vượt qua mọi sự khác biệt, vượt qua mọi hiện tượng tương đối của vật lí: thời gian không gian, vật và ta, vuông và tròn, dài và ngắn, sống và chết… đồng thời vượt qua cả những quan niệm tâm lí: thuận và nghịch, cùng tắc và thông biến, phải và trái, được và mất, tốt và xấu… từ đó mà mọi phiền não, thống khổ đều được giải thoát, bước vào thế giới tinh thần minh tĩnh thanh khiết. Có thể thấy, đằng sau biểu tượng sắc tình và đồi phế tác phẩm “Người đẹp say ngủ” còn thể hiện tấm lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Phật giáo. Đương nhiên, là một tác phẩm của nhà văn nổi tiếng trên thế giới, lại sáng tác vào lúc ngòi bút thành thục nhất, thì nội hàm tư tưởng của nó là đa nguyên và hết sức phức tạp. Cứu thế có lẽ không chỉ là một chủ đề duy nhất của “Người đẹp say ngủ”, nhưng chúng ta cũng khó có thể phủ nhận tác giả đã dùng nhiều bút lực thể hiện điều này với một nội hàm sâu sắc, và không thể không thấy đó là một chủ đề quan trọng. Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 năm 2010 Dẫn theo: www.inas.gov.vn TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Mitsueda Kazuo, Sự ngạo mạn của Kawabata, Chuyển dẫn từ Ykawabata, Tiểu học quán 1991. tr148 2. Umehara Takeshi, Tư tưởng Nho giáo của Y.Kawabata, Quốc Văn 2/1970 tr43 3. Hirayama Jouji, Văn học Kawabata và thế giới cổ điển, Trường Cốc Xuyên Tuyền biên tập, Nghiên cứu tác phẩm Y.Kawabata, Bát Mộc thư điếm 1969. 4. Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, 5. Xem “Văn uyên các Tứ khố toàn thư”: sách 921. Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán 3/1986 tr645. 6. Chí Bàn soạn (Nam Tống), Phật Tổ thống kỉ Q41, Đại Chính tạng Q49. 7. Murakami Masahiko, Say ngủ, Chuyển dẫn: Tokiyuu Byodoku, Giảng đàm xã 1995. tr282 8. Bàn Thích Mật đế thích: Đại Phật đỉnh thủ Bàng Nghiêm kinh Q6, Xem: Đại chính tàng Q19 9. Duy Ma cật sở thuyết kinh, Q2. Xem: Đại chính tàng Q14 10. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Con đường dẫn đến tự do vô thượng 2006. 11. Viên Tân, Trung Quốc Thiền tông ngữ lục đại quan, Bách hoa châu văn nghệ xuất bản xã. 1994. (1) Mitsueda Kazuo, Sự ngạo mạn của Kawabata, Chuyển dẫn từ Ykawabata, Tiểu học quán 1991. tr148 (2) Umehara Takeshi, Tư tưởng Nho giáo của Y.Kawabata, Quốc Văn 2/1970 tr43 (3) Hirayama Jouji, Văn học Kawabata và thế giới cổ điển, Trường Cốc Xuyên Tuyền biên tập, Nghiên cứu tác phẩm Y.Kawabata, Bát Mộc thư điếm 1969. (4) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, (5) Xem “Văn uyên các Tứ khố toàn thư”: sách 921. Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán 3/1986 tr645. (6) Chí Bàn soạn (Nam Tống), Phật Tổ thống kỉ Q41, Đại Chính tạng Q49. (7) Murakami Masahiko, Say ngủ, Chuyển dẫn: Tokiyuu Byodoku, Giảng đàm xã 1995, tr 282 (8) Bàn Thích Mật đế thích: Đại Phật đỉnh thủ Bàng Nghiêm kinh Q6, Xem: Đại chính tàng Q19 (9) Duy Ma cật sở thuyết kinh, Q2. Xem: Đại chính tàng Q14 (10) Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Con đường dẫn đến tự do vô thượng 2006. (11) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 400 (12) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 456 (13) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 456 (14) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 457 Tín hiệu nghệ thuật là một khái niệm mở tùy theo sự phát triển của tư duy nhân loại và mỗi cộng đồng, cho nên nó có nhiều bình diện, nhiều cấp độ khác nhau. Xét ở cấp độ nhận thức từ đơn giản đến phức tạp về mã văn hóa, người ta có thể chia thành: kí tín hiệu, biểu tượng và cao hơn là mật mã. Nếu xét từ cấp độ bản thể đến cấp độ biểu hiện sẽ có: nguyên mẫu hay cổ mẫu, biểu tượng đến hình tượng. Nguyên mẫu (archtupe) là tín hiệu thẩm mỹ đầu tiên nhận thức được trong thời kì sơ khai của xã hội loài người và đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng. Nó là sợi dây liên kết giữa con người hiện tại và tổ tiên chúng ta dưới nấm mồ lịch sử, có tính chung của toàn nhân loại. Các mẫu gốc chính là "bản nguyên sống động vĩnh cửu", là "những mô hình ứng xử vĩnh cửu” của cá nhân và xã hội, đối với những quy luật nhất định của tự nhiên và xã hội. Ở cấp độ biểu tượng (symbol), các mẫu gốc sẽ sinh ra những biến thể khác nhau trong từng cộng đồng và biến thành biểu tượng. Tùy theo điều kiện địa lí, kinh tế, xã hội của từng cộng đồng biểu tượng vừa là biến thể cái biểu đạt vừa là biến thể cái được biểu đạt. Ở cấp độ hình tượng, các mẫu gốc, các biểu tượng, khi đi vào trong tác phẩm nghệ thuật, sẽ chịu sự chi phối và lựa chọn của tư tưởng nghệ thuật nhà văn, nhà thơ mà trở thành các hình tượng nghệ thuật phong phú sinh động khác nhau. Tuy nhiên không phải hình tượng nào cũng là biểu tượng. Những hình tượng được coi là biểu tượng khi nó mang nhiều lớp nghĩa bóc mãi không cùng. Y.Kawabata là nhà văn đại diện cho tâm hồn yêu chuộng cái đẹp và mỹ cảm tinh tế của dân tộc Nhật Bản. Các nguyên tắc thẩm mỹ trở thành các giá trị văn hóa, định hướng triết lý sống và thị hiếu thẩm mỹ trong đời sống của người Nhật. Thêm nữa ông còn là nhà văn chịu ảnh hưởng sâu sắc của giáo lí Thiền tông, nên người đọc dễ nhận thấy trong tác phẩm của ông không chỉ là những ẩn dụ lớn về triết lý nhân sinh thông qua một hệ thống các biểu tượng văn hóa phong phú, mà còn chất chồng những ám thị, đốn ngộ bằng lối cách điệu, biểu trưng mạnh mẽ. Ngoài ra phải kể tới ảnh hưởng văn hoá phương Tây đặc biệt là trường phái nghệ thuật "tân cảm giác" và thủ pháp kể chuyện "dòng ý thức" của lí luận văn học phương Tây trong tư tưởng nghệ thuật của Y.Kawabata. Tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” của Y.Kawabata, trên bề mặt là miêu tả một ông già suy kiệt hy vọng tìm mọi cách để có lạc thú, thực ra là thể hiện việc tìm ra cách cứu vớt và tĩnh hóa tâm linh trước những bủa vây của phiền não thế tục. Cái mà tiểu thuyết thể hiện là câu chuyện ẩn tàng về những kĩ nữ vốn là Bồ Tát hóa thân. Trong những thư tịch cổ của hai nước Trung - Nhật đều có ghi chép những câu chuyện loại này. Nhưng câu chuyện này đều truyền đạt tư tưởng phổ độ chúng sinh và vạn vật nhất như của Phật giáo. Y.Kawabata đã vận dụng mô thức kết cấu này để biểu đạt ý nghĩa mới của nội hàm cứu thế. Để hiện thực hóa sinh động hàm nghĩa kiểu truyện “kĩ nữ là Bổ tát hóa thân”, Y.Kawabata đã khéo dùng các hoàn cảnh, bối cảnh để khắc họa nhân vật, xây dựng quan hệ đối lập và tương hỗ giữa các nhân vật. Đằng sau tình tiết kì lạ “người đẹp ngủ say”, đã ẩn dấu chủ để cứu thế của Phật giáo – mọi chúng sinh đều được an ủi những khổ đau nơi phàm trần. 2. “Người đẹp say ngủ” ra đời khi Y.Kawabata đã ngoại sáu mươi. Đó là thời kì ông gắn bó với Tạp chí Tân Trào. Năm Chiêu Hòa thứ 35 (1960) ông chỉ tham gia từ số 1 đến số 6 trên Tạp chí trên. Sở dĩ Y.Kawabata vắng bóng nửa năm 1960 trên Tạp chí Tân Trào vì ông được mời đi Mỹ phỏng vấn và tham dự hội thảo nhà văn quốc tế lần 31 tại Braxin. Tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” miêu tả ông già Eguchi (âm Hán Việt là Giang Khẩu) 67 tuổi, đã 5 lần đến ngôi nhà được gọi là “mật thất”. Đó là câu lạc bộ của những người đẹp say ngủ, trước sau đã cùng 6 thiếu nữ chung giường chung gối khi họ dùng thuốc ngủ bất tỉnh. Tình tiết kì lạ có vẻ dung tục này đã đem lại những tranh luận cho tới nay vẫn chưa chấm dứt, đã đưa đến những kiến giải khác nhau về những chủ đề và giá trị đích thực của tác phẩm. Ở Trung Quốc phần lớn học giả đều cho rằng tác phẩm “Người đẹp say ngủ” là tác phẩm đồi trụy hư vô không lành mạnh, cho rằng tiểu thuyết biểu hiện tinh thần phóng đãng”, bộc lộ tâm lí bệnh hoạn của tác giả. Ngay trên quê hương Nhật Bản, cũng có không ít tiếng nói phê phán tác phẩm này từ nhiều góc độ khác nhau. Nhà văn Mitsueda Kazuo thậm chí nói: “Tôi thấy, điều mà tác giả thể hiện trong tác phẩm này chính là sự miệt thị và lăng nhục nữ tính.”(1). Xét từ bình diện bề mặt chữ nghĩa, từ dòng mạch những thiếu nữ dưới con mắt của ông già suy kiệt, loại bỏ sự tự tôn của ông già Eguchi, thì những thiếu nữ biến thành những con búp bê sống cho cánh đàn ông hưởng thụ, cũng đủ tạo ra sự lăng nhục đối với nữ giới. Tuy nhiên trên thực tế, những người già trong tiểu thuyết từ trong không gian tĩnh mịch và tăm tối của mật thất, thông qua cảm nhận hết sức mơ hồ của thị giác, khứu giác, xúc giác kể cả hơi thở mong manh do thính giác cảm nhận được, cũng không cần nhiều lời có thể thấy mong muốn cơ bản ở đây là sự truy tìm và thể hiện nỗi luyến tiếc về sức sồng tràn trề đã từng có của đời người trong những năm tháng xa xưa, là sự hưởng thụ khoái lạc về thể xác cũng như khoái cảm tinh thần hết sức thuần khiết phiêu diêu và hư vô. Ở đây tác giả rất dễ rơi vào lối mòn của tiểu thuyết sắc tình ướt át, song đã xử lí vô cùng tài hoa, đem lại cho tác phẩm sự hàm súc, thuần khiết và yên tĩnh. Ngay cả tính dục nguyên thủy luôn vang vọng, thôi thúc trong lòng ông già Eguchi cũng thể hiện sự tiết chế phi thường, không hề có một động tác nào thô dã, cũng chưa hề có một lời nói nào được bộc lộ ra. Độc giả chỉ có thể từ cảm giác mà cảm nhận cảm giác. Trong diễn ngôn, trước sau tác giả hết sức cẩn thận bảo toàn sự trong sạch cho các cô gái, đồng thời ra sức truyền cảm sự hồn thuần cao khiết hết sức đáng yêu của những cô gái này. Vậy thì xét cho cùng Y.Kawabata định mượn tác phẩm này để thể hiện tư tưởng nghệ thuật gì? Cần đi sâu vào đâu để tìm hiểu và lí giải vấn đề này? Đầu tiên có lẽ không thể bỏ qua được một số khái niệm, những chi tiết, hình tượng nghệ thuật. Đó là những tín hiệu nghệ thuật và cũng là biểu tượng văn hóa. Trước hết là chi tiết “say ngủ” (thụy miên). 3. Chi tiết “say ngủ” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ chi tiết này chi phối toàn bộ sự phát triển của tình tiết cốt truyện và biểu tượng say ngủ đã đem lại tính đa nghĩa của tác phẩm. Say ngủ có thể nói là tiền đề và là trạng thái phát sinh toàn bộ câu chuyện. Trước hết tác phẩm mở đầu là khao khát muốn thỏa mãn “thói tò mò hiếu kì” đến mật thất để vượt qua ranh giới giữa không gian hiện thực và không gian cảnh mộng của ông già Eguchi; tình tiết được gắn kết cũng tùy thuộc tư duy quan hệ tương thông giữa mộng trong khi ngủ và mộng ban ngày, từ đó đan dệt thành mạng lưới liên kết trước sau chắc chắn. Hai là, sự xuất hiện của các thiếu nữ hoàn toàn trong trạng thái dùng thuốc để ngủ sâu, trước sau họ đều không mở miệng nói một lời và mắt thì nhắm; không chỉ như vậy, ngay cả ông già Eguchi chủ thể quan sát và tư duy trong tác phẩm, cũng thường dùng một lượng thuốc ngủ nhỏ để rơi vào trạng thái nửa ngủ nửa thức. Như vậy có thể nói, trạng thái “say ngủ” là dòng mạch chính chi phối toàn bộ tác phẩm, thể hiện tư tưởng nghệ thuật tác giả. “Say ngủ”, là một trạng thái tâm sinh lí được Phật Giáo hết sức quan tâm. Tiếng Phạn gọi “say ngủ” là “Middha”, đơn giản gọi là “ngủ”, chỉ trạng thái không tự chủ giống như sự hôn mê của thân và tâm con người. Bản thân cấu tứ tình tiết “người đẹp say ngủ” đã bao hàm ý nghĩa Phật Giáo. Từ nhỏ Y.Kawabata đã chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của triết học Phật giáo và suốt đời ông gắn bó tôn sùng Phật giáo. Bản thân ông từ rất sớm đã rất hứng thú với ý nghĩa của khái niệm “say ngủ” trong giáo lí nhà Phật. Thêm nữa năm Chiêu Hòa thứ 8 và 9 (1933-1934), trên văn đàn Nhật Bản đã xảy ra cuộc tranh luận phân biệt giữa tiểu thuyết và tản văn có liên quan đến vấn đề “cải tạo” và “ranh giới văn học”. Đây cũng là lúc những suy ngẫm về tác phẩm “say ngủ” đã chín muồi trong ông. Tác phẩm mà ông dự kiến, đã xuất phát từ điểm nhìn nghệ thuật của nhân vật “tôi”, tìm hiểu về sự kiện hai nữ đệ tử bị chết vào 5 năm trước. Anh ta đã phải tra cứu nhiều sách về y học và tâm lí học trong thư viện, cuối cùng tìm được khái niệm “Tùy miên phẩm” (thuốc tạo ra giấc ngủ theo ý muốn) trong “A tỳ đạt ma câu xá luận” của Phật giáo. Anh ta cho rằng trạng thái “say ngủ” chưa hề thể hiện rõ bất kì một động cơ giết người nào. “A tỳ đạt ma câu xá luận” đã tiếp nhận những suy ngẫm của Thích Ca, cho rằng nguyên nhân đau khổ của nhân loại là có từ trong những phiền não. Từ đó Phật giáo Ấn Độ mới đi sâu phân tích tỉ mỉ, tinh tế đối với khái niệm “phiền não”, có thể nói đó là một hệ thống tâm lí học uyên áo về nhận thức luận... Y.Kawabata đã có ấn tượng và giữ mãi những hứng thú của Phật điển mặc dù hết sức khó lí giải này. Ông cảm thụ được sức hấp dẫn của giáo nghĩa Phật pháp và thích đi sâu vào những không gian xa xôi phiêu diêu đầy hấp dẫn”(2). Sở dĩ Y.Kawabata có hứng thú với sự uyên áo của “A tì đạt ma câu xá luận”, bởi vì trong đó phần lớn là những trải nghiệm về phiền muộn và sinh li tử biệt. Điều này khiến ông không ngừng suy ngẫm đến những nguyên nhân thống khổ của nhân loại và mong muốn tìm ra những biện pháp để giải thoát nó. Ông già Eguchi trong “Người đẹp say ngủ” thân tâm đã suy yếu, năng lực sinh lí cũng đã gần cạn kiệt, không còn tìm được tình yêu và cả tình dục. Điều mà ông già này vốn đã che giấu, chính là từ thẳm sâu trong cõi lòng cô đơn của ông, nỗi tuyệt vọng về cái chết ngày càng gia tăng và nó cũng đang đến gần; mặt khác tuổi xuân đầy sức sống của ông đã qua đi cũng không có cách nào quay trở lại. Đến ngay cả trong cuộc sống hiện tại, đã lâu rồi ông phải sống trong cô đơn tịch mịch và bị sự trống vắng đè bẹp không tài nào thoát ra nổi. Cũng giống như toàn bộ câu chuyện, “Người đẹp say ngủ” luôn bị vây bủa bởi giấc ngủ say, ông già Eguchi luôn ở trong trạng thái “không thể tự chủ trong tâm linh”. Bề mặt của tác phẩm “Người đẹp say ngủ” là câu chuyện về ông già suy kiệt hy vọng đi tìm lạc thú, nhưng trên thực tế là một câu chuyện ngụ ngôn về sự cứu rỗi đối với những tâm linh khổ đau phiền não nơi thế tục, để tìm ra sự cân bằng yên tĩnh nơi tâm linh. Tiểu thuyết đã hàm chứa sâu xa chủ đề cứu thế của Phật giáo, nhằm vỗ về an ủi nỗi đau ngàn đời nay của chúng sinh nơi trần thế. 4. Cũng cần thấy, không phải ngẫu nhiên mà Y.Kawabata đặt tên cho ông già nhân vật chính trong tác phẩm “Người đẹp say ngủ” là Eguchi (Giang Khẩu). Điều này tự nó đã thể hiện một ý đồ nghệ thuật gắn bó với Phật giáo của tác giả cần phải lí giải. Trong những nhà nghiên cứu về văn học của Y.Kawabata, không nhiều người quan tâm khảo sát cách đặt tên này, tuy nhiên có quan điểm cho rằng cách gọi họ Eguchi vốn có nguồn gốc từ một khúc ca “Giang Khẩu”(3). Xét từ tình tiết câu chuyện “Người đẹp say ngủ” và tư tưởng chủ đề của nó, thì quan điểm này gợi ý so sánh văn hóa và văn bản từ đó tiếp cận khám phá nội hàm tác phẩm. Tương truyền khúc ca “Giang Khẩu” do nhà viết nhạc Trung Quốc Quan A Di (1333-1384) sáng tác. Khúc ca này liên quan đến địa danh thôn Eguchi (Giang Khẩu). Thôn này cũng gần quê hương Ibaraki Shi của Y.Kawabata, nay là Higashi Yodogawaku thuộc Osaka. Nó nằm bên con sông Kanzakigawa, chi lưu của sông Yodogawa chia tách với chủ lưu của nó. Xưa kia nơi đây đã từng là một cảng sông và là nơi buôn bán sầm uất. Nội dung khúc ca “Giang Khẩu” nói về câu chuyện hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát thành kĩ nữ, điều này đã cho thấy: nếu xét từ hình thức, những kĩ nữ phải mưu sinh bằng công việc rất thấp hèn, phải trải qua cuộc sống đầy khổ đau. Song những thể nghiệm của họ trong cuộc đời chẳng qua cũng chỉ là sự cứu rỗi cho mình và cho mọi người. Như vậy đã làm sáng tỏ hơn lẽ vô thường trong cuộc sống. Vì vậy vấn đề ở đây kĩ nữ tức là Phật cần được minh chứng. Cũng đã có nhiều tài liệu, thư tịch cổ của Nhật Bản hoặc nói về sự hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát thành kĩ nữ như trong khúc ca “Giang Khẩu” hoặc tiếp nối tinh thần của khúc ca trên. Chẳng hạn như trong Kojidan (Cổ sự đàm) (1212-1215), Mansyusyô (Vạn tập sao) (1252) tập 3, Seiku Syoonin đã nhìn thấy hiện thân của Phổ Hiền Bồ Tát”. Vở kịch có nhan đề Eguchi (1424) của Zeami được lấy cảm hứng từ hai tác phẩm trên, trong đó có chuyện kĩ nữ giúp thiền sư đạt đến giác ngộ. Vở kịch kể về một vị thiền sư trên đường hành hương tới chùa Tenoji, ghé qua thôn Eguchi, ông ta chợt nhớ tới thiền sư Saigyo trước kia trong đêm mưa bão bị một cô gái giang hồ từ chối không cho ngủ trọ. Một gái khác tự xưng là hồn ma Kimi – một kĩ nữ nổi tiếng vùng Eguchi xưa, đã mời vị thiền sư cùng cô gái giang hồ kia chèo thuyền trên sông Yodo dưới ánh trăng. Họ hát những bài ca về cuộc sống nổi trôi vô thường, về đời người ngắn ngủi, về lòng ham dục gây nên bao đau khổ cho con người... Cuối cùng hồn ma Kimi biến thành Bồ Tát và chiếc thuyền biến thành một con voi trắng đưa thiền sư đến Tây phương cực lạc. Sự hóa thân của Bồ Tát thành kĩ nữ giúp các thiền sư đắc đạo không phải là chuyện hiếm trong tín ngưỡng Trung đại Nhật Bản. Vào thế kỉ XIV, có câu chuyện dân gian nhan đề “Chigo Kannon engi” (Truyện thiền sư Kanon) đề cao chuyện Bồ Tát biến thành chú tiểu, rồi quan hệ đồng tính với sư thầy. Thời bấy giờ thậm chí chú tiểu trẻ đẹp được coi là biểu tượng của vẻ đẹp Phật giáo. Như vậy có thể thấy, câu chuyện quan hệ giữa kĩ nữ và thiền sư ở đất nước Nhật Bản không chỉ đơn thuần là sắc dục, mà kĩ nữ (gheisa) được coi là biểu tượng cho cái đẹp nghệ thuật nhiều hơn là sắc dục. Cả thiền sư và kĩ nữ đều là người không có gia đình, thiền sư cần chùa để tu luyện chay tịnh, đắc đạo và làm cầu nối giữa Phật pháp với thế giới nhân gian; còn kĩ nữ cần quán rượu để cho nhân gian thấy những đam mê của họ chỉ là những ảo ảnh vô thường. Câu chuyện Bồ Tát hóa thân thành kĩ nữ là sự cụ thể hóa chân lí “giả tướng tức thực tướng”, nghĩa là thế giới ảo tức là thế giới thực. Chân lí này có khả năng thanh tẩy tâm hồn, khiến thiền sư có thể đốn ngộ, nhận ra rằng mọi say mê chấp chước chẳng qua chỉ là mộng tưởng, chợt đến rồi lại đi. Rõ ràng Bồ Tát dù biến thành kĩ nữ hay thành chú tiểu người tình của vị sư già nhằm đem lại đốn ngộ cho nhân gian chính là “mĩ cảm của sự dấn thân”, là vẻ đẹp cứu rỗi của triết lí Thiền. Trong “Người đẹp say ngủ”, ông già Eguchi ở bên cạnh một cô gái mới tập sự, chưa thành thục, liền nghĩ đến “Thuyết bất định”: “Nhưng không ai cấm ta hình dung rằng cô vẫn chỉ là hóa thân của đức Phật giống như nhiều truyện hoang tưởng cổ xưa đã nói đến. Mà sự thật chẳng đã có nhiều truyện cổ, trong đó một số cô gái đĩ thõa, hoặc gái đẹp quyến rũ đàn ông lại chính là do đức Phật hóa phép biến thành đấy sao?”(4). Những truyện cổ trong tâm tưởng của Eguchi chẳng đã phù hợp với câu chuyện kĩ nữ là do Phổ Hiền Bồ Tát hóa thân, như những gì mà thư tịch cổ ở trên đã từng ghi chép. Do vậy, có thể thấy bài ca “Giang Khẩu” và tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” trên nhiều phương diện có liên quan và có những chỗ tiếp nhận của nhau, giữa chúng rõ ràng có liên hệ nội tại mật thiết. Y.Kawabata đã đặt tên cho nhân vật chính là Giang Khẩu (Eguchi) tức là đã thể hiện rõ dòng mạch lớn xuyên suốt tác phẩm. Những gì mà tác phẩm “Người đẹp say ngủ” thể hiện cũng là câu chuyện ẩn tàng về kĩ nữ là hóa thân của Bồ Tát. Ở Trung Quốc, kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân đã xuất hiện từ thời nhà Đường. Trong quyển 5 “Tục Huyền Thánh lục” của Lí Phúc Ngôn (775-833) thời Trung Đường có thiên “Diên Châu phụ nhân” (Người phụ nữ Diên Châu) kể về một thiếu phụ dung nhan xinh đẹp cùng với một thiếu niên đi chơi thân mật và phóng túng, sau khi chết được mai táng. Sau này nhân chuyện Hồ Tăng phát quật ngôi mộ, đã làm sáng tỏ cô ta là Tỏa cốt Bồ Tát hóa thân.”(5) Điều dễ thấy là câu chuyện trên không có trong kinh Phật, mà là sáng tạo của người dân Trung Quốc, có hai nguyên nhân lí giải sự ra đời của nó: “một là sự hưng thịnh của Phật giáo trong thời đại nhà Đường. Hai là tùy theo quá trình hưng thịnh, Phật giáo dần được bản thổ hóa. Câu chuyện này trải qua sự tiếp nối và phát triển, đến thời Tống đã xuất hiện hai văn bản: một bản là truyện “Mã lang phụ” (Vợ chàng họ Mã) trong quyển 13 thượng “Hải lục toái sự” của tác gia Diệp Đình Khuê triều Bắc Tống. Bản khác cũng là truyện “Mã lang phụ” trong quyển 41 “Phật tổ thống kí” đời Hiến tông Nguyên hòa năm thứ 4 do Chí Bàn soạn vào triều Nam Tống(6). Cả hai văn bản này đều đề cao giáo lí của Phật, đồng thời Bồ Tát vốn đã cao khiết và từ bi nay lại càng được đề cao. Đặc biệt là đến sau này, nhiều tình tiết trong kinh Phật đã được truyền tụng và đi sâu vào thế tục, rõ ràng do tưởng tượng thần bí của con người bản thổ, câu chuyện Phật giáo đã mang nhiều dấu vết diễn hóa. Mục đích của sự diễn hóa là nhằm làm giác ngộ chân tâm mọi người, khêu gợi họ hướng thiện và nương nhờ cửa Phật. Tuy nhiên, trọng tâm của câu chuyện vẫn là Mã lang phụ. Có điều rằng truyện trước là hóa thân của Tỏa cốt Bồ Tát, mà truyện sau đã biến thành hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát. Đến đời Nguyên, trong “Thích thị kê cổ lược” quyển 3 của Giác Ngạn, Mã lang phụ lại biến thành hóa thân của Quan Âm Bồ Tát. Thời gian phát sinh câu chuyện là từ đời Đường, từ “Người phụ nữ Diên Châu” đến “Vợ chàng họ Mã” thời đại Tống, Nguyên, hệ thống kiểu truyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” ở Trung Quốc đã trải qua một quá trình diễn hóa dài lâu, từ Tỏa cốt Bồ Tát đến Phổ Hiền Bồ Tát rồi đến Quan Thế Âm Bồ Tát. Trong hệ thống kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân ở Nhật Bản, nhân vật hóa thân thành kĩ nữ chính là Phổ Hiển Bồ Tát, sự kiện này hoàn toàn thống nhất với “Phật tổ thống kí” đời Nam Tống. Ngoài ra, thời gian xuất hiện những văn bản, điển tịch của Nhật Bản như Kojidan (Cổ sự đàm), Jikkinsyo (Thập huấn sao), Sensyusyo (Soạn tập sao)… đại thể tương đương với thời kì Nam Tống ở Trung Quốc. Đó cũng là thời kì giao lưu văn hóa Trung - Nhật hết sức phồn thịnh. Vì vậy, có thể cho rằng, kiểu truyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản trong thời kì Tống – Nguyên, trải qua một quá trình diễn hóa lâu dài đã trở thành văn hóa bản địa Nhật Bản. Trong “Người đẹp say ngủ”, Y.Kawabata chưa hề nói tới kĩ nữ là do vị Bồ Tát nào hóa thân và nhà văn cũng không hề có ý làm rõ điều này. Song sự phát triển tình tiết trong “Người đẹp say ngủ” và nội dung câu chuyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” trong thư tịch cổ của Trung Quốc và Nhật Bản tuy có những chỗ khác nhau, song câu chuyện dân gian kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân đã đi sâu vào tâm thức nhân dân, bảo lưu thành vô thức tập thể qua nhiều thời đại. Điều này cho thấy Y.Kawabata là một nhà văn suốt đời bảo lưu triết lí Thiền, cho dù vô tình mượn kiểu truyện này thì khát vọng đốn ngộ cho nhân gian bằng “mĩ cảm của sự dấn thân” - vẻ đẹp cứu rỗi của triết lí Thiền là hoàn toàn là hợp lí. Nhưng từ đầu tới cuối tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ”, nhà văn lại thông qua một loạt phương thức hoặc rõ ràng hoặc ám dụ thể hiện những “Người đẹp say ngủ” có những chỗ giống với Bồ Tát. Những cô gái giúp cho ông khách già ngủ được, về bản chất cũng là những cô gái yên hoa, tuy nhiên, trong tác phẩm cũng thể hiện hết sức rõ ràng quan niệm: kĩ nữ và yêu nữ là do Bồ Tát hóa thân. Do vậy có thể cho rằng, Y.Kawabata vô tình đã mượn mô thức kết cấu kiểu truyện này để ngầm biểu đạt tư tưởng nghệ thuật của mình bằng hình tượng hóa sự cứu rỗi của Phật giáo. Biểu tượng “Người đẹp say ngủ” nói về những cô gái lấy việc dùng thuốc say ngủ làm nghề kiếm sống, đã được những nhà văn sau Y.Kawabata kế thừa đến biểu tượng này. Tiểu thuyết trung thiên Shirakawa yasen (Đêm đi thuyền trên sông Bạch Hà) của nhà văn nữ Yoshimoto Banana cũng nói về biểu tượng người đẹp say ngủ này. Nữ chủ nhân Shiori ở trong một “câu lạc bộ bí mật” làm công việc của người uống thuốc để say ngủ. Trong tập tiểu thuyết “Tokyo Byodoku” (Tokyo bệnh hoạn) của tác gia đương đại Murakami Masahiko, có một tiêu đề truyện ngắn là “Say ngủ”, truyện ngắn này miêu tả trong cửa hàng giặt quần áo tự động có trương một tấm biển quảng cáo “nữ sinh đại học ngắn hạn 19 tuổi say ngủ”, khách có thể hài lòng xem say ngủ, thậm chí muốn say ngủ, lệ phí chỉ mất 5000 yên mỗi giờ”, nhưng tuyệt đối không được mạo phạm hoặc có hành vi dung tục, nếu không sẽ thông qua đồng bạn để báo cảnh sát.”(7) Hình tượng những thiếu nữ say ngủ trong tác phẩm văn học, thực tế không tồn tại ngoài xã hội, nguyên nhân của sự kiện này e rằng chính là từ hình tượng những “người đẹp say ngủ” của Y.Kawabata. Điều này cho thấy, Y.Kawabata hư cấu hình tượng “người đẹp say ngủ”, vốn tiếp nhận từ kiểu truyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” trong dân gian, hình tượng hóa tấm lòng từ bi của Phật giáo, tùy duyên khai mở tư tưởng trí tuệ cho chúng sinh thông qua sáng tác văn học. Kiểu truyện này đã làm thăng hoa cao độ ý nghĩa cứu tế của Phật giáo. Ý nghĩa cứu tế của câu chuyện “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân” có quan hệ nội tại quan trọng đối với giáo lí của nhà Phật. Tương truyền vào đời Đường, Bàn Thích Mật Đề Du – cao tăng người Ấn Độ người đem “Bàng Nghiêm kinh” truyền vào Trung Quốc. Kinh này đã chỉ ra: kĩ nữ, trộm cướp, đồ tể, buôn gian bán lận đều có thể là do Bồ Tát tái sinh để giáo hóa chúng ta; sau khi ta tịch độ, truyền cho các Bồ Tát và A la hán, hóa thân vào những chỗ cùng nhất, thành muôn hình vạn trạng, tạo ra muôn sự luân chuyển. Hoặc thành sa môn, cư sĩ áo trắng, vua chúa quan chức, đồng nam đồng nữ, ngay cả dâm nữ quả phụ, cờ bạc trộm cắp, cùng đồng bọn của chúng, xưng tụng Phật thừa, làm cho thân tâm nhập đất tam ma”(8) Trong Duy Ma kinh cũng có ghi: hoặc hiện thành dâm nữ, đưa dẫn kẻ hiếu sắc, trước bị tình dục cầm tù, sau biết hướng về Phật trí”.(9) Thậm chí, trong “Hoan hỉ Kim cang” nói: “Trí Huệ (Minh Phi) tròn 16 (tuổi) dùng tay ôm trọn lấy Linh (âm hộ) Chữ (dương cụ) ngay khi hòa hợp, còn A Xà Lê thì làm phép “quán đảnh” tức dạy phép tu theo phương pháp trên. Đệ tử phải kinh qua phép tu “quán đảnh” này mới có thể tu theo Vô thượng du già. Người tu dùng nhục thể người nữ làm đàn tràng, lấy âm hộ làm Liên hoa, do “đăng liên hoa” mà đạt đến điểm cuối cùng của việc tu trì. Sự hoan lạc tối cao (paramànanda) là lấy dục chế dục để đạt đến vô dục”(10). Kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân rõ ràng là có quan hệ mật thiết với giáo nghĩa kinh điển của Phật giáo cũng như cách thức tu luyện để đạt tới đỉnh cao vô dục. 5. Trong “Người đẹp say ngủ”, để thể hiện tốt nhất ý nghĩa hàm ẩn “kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân”, Y.Kawabata dùng không ít bút lực và phương tiện nghệ thuật. Đầu tiên là địa điểm phát sinh câu chuyện, nơi thực thi sự say ngủ là một không gian bị bao bọc bởi những tấm màn màu đỏ, là câu lạc bộ của “người đẹp say ngủ”. Đó là một mật thất tăm tối, có những gian phòng tịch mịch hoàn toàn bị bao phủ trong những rèm cửa sổ bằng nhung màu đỏ thẫm dệt hình những con thiên nga. Từ xưa tới nay, đối với đại tự nhiên, trong tâm thức các dân tộc khác nhau màu đỏ tượng trưng cho màu của lửa và mặt trời, của máu và sự sống. Vì vậy nơi mật thất đỏ thẫm này, thể hiện cho sự tôn nghiêm, vĩnh hằng thần thánh và bất khả xâm phạm. Bối cảnh và hoàn cảnh màu đỏ đã dự cảm tính chất thần thánh của những thiếu nữ say ngủ trong nơi này, khiến họ trở thành “vật cấm kị” bất khả xâm phạm, đồng thời cũng ngầm chỉ ra một câu chuyện cấm kị sẽ diễn ra ở trong đó. Mở trang đầu của tiểu thuyết câu đầu tiên là lời nói “cấm kị” của người phụ nữ già nói với ông già Eguchi - người lạ mới tới là: không được làm điều xấu, không được cho tay vào mồm các cô gái say ngủ. Tiểu thuyết cũng nhiều lần cường điệu chi tiết: những cô gái say ngủ được đem đến cho ông già tất cả đều là xử nữ. Vì vậy, các cô gái này khác hẳn với ca kĩ về ý nghĩa xã hội, chỉ hương thơm cao khiết lan tỏa toàn thân họ, cũng có thể đem lại sức hấp dẫn nơi trần tục. Cũng chính vì như vậy, ông già Eguchi ở bên cạnh họ đã cảm nhận được sự “trong trắng”, “hồn thuần”, “ấm áp” “ngát hương” và “vẻ đẹp ngọt ngào”. Trong không gian màu đỏ này, sự thần thánh của nữ tính được bảo vệ tôn nghiêm. Chính sự thần thánh tôn nghiêm này đã là tiền đề đưa đến việc kĩ nữ là Bồ Tát hóa thân. Bên cạnh đó, không gian mầu đỏ thẫm tăm tối kia, còn là biểu tượng cho tử cung của người phụ nữ. Nói như Lão Tử, “cái hang tăm tối của giống cái” chứa đựng sự huyền bí sinh sản. Rõ ràng trong căn phòng sẫm mầu máu tăm tối ấy có nhiều yếu tố đối lập âm dương: ông già và cô gái trẻ, sự suy kiệt và tuổi thanh xuân, thực và mộng… để rồi thống nhất trong sự hồi sinh, mà chủ yếu ở đây là sự hồi sinh về mặt tinh thần - đốn ngộ, bừng tỉnh sau những trải nghiệm… Hai là những cô gái đã uống thuốc ngủ, không còn chút nào năng lực tư tưởng và hành động, như vậy đã rơi vào trạng thái vô tri giác, không tư duy, hoàn toàn ở trong trạng thái mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, “lục căn thanh tĩnh”. Điều này một lần nữa cho thấy các cô gái này cũng thánh thiện và cao khiết như Phật tổ. Ba là những cô gái này hoàn toàn không hề có phản ứng đối với tư tưởng và cầu dục của những ông già, cũng có thể nói người khách và những cô gái này khồng hề có sự giao lưu, trạng thái khép kín tuyệt đối không thể trực tiếp giao lưu này cũng hoàn toàn giống như trạng thái của người phàm đối với Bồ Tát. Thêm nữa mọi hành vi mạo phạm dù bất kể hình thức nào đối với các cô gái đều bị nghiêm cấm, những vị khách đến thăm đều đã 80-90 tuổi, cái tuổi đã suy kiệt lại đối diện với người đẹp say ngủ bất khả xâm phạm như thần thánh chẳng khác nào phàm nhân đối diện với Bồ Tát. Bốn là để tăng thêm Phật tính cho những cô gái này, nhà văn đã mượn lời của ông già Kiga nói với ông già Eguchi về cảm giác cùng giường với những người đẹp say ngủ như là: “cùng ngủ với đức Phật thần bí nấp kín đâu đây.”(11) Ở đây tác giả đã nhờ ngôi thứ ba trực tiếp chỉ ra cho người đọc tính Phật của các người đẹp say ngủ. Năm là người đẹp say ngủ đã không một lời mà bao dung tất cả các ông già, từ sự bi thương, tuyệt vọng, đến cả những xấu xa và tội lỗi mà họ đã gây ra trong cuộc đời, giống như tấm lòng của Phật tổ quảng đại vô biên từ bi hỉ xả phổ độ cho muôn vàn chúng sinh. Đối với những ông già đến căn nhà tĩnh mịch của những người đẹp say ngủ, sự tịnh mịch ở đây không chỉ là để giúp họ dễ dàng tìm về được tuổi thanh xuân đầy sức sống, song lẽ nào lại không có người đến đây vì muốn quên đi tội lỗi mà họ đã gây ra trong cuộc đời?”(12) Ở đây cũng giống như việc xưng tội của con chiên trước Giáo chủ Cơ Đốc giáo để mong tìm được sự cứu rỗi về tinh thần. Ông già Eguchi ở đây cũng muốn cứu chuộc tội lỗi trong cuộc đời, muốn tới đây mong cầu được sự giải thoát. Đối mặt với những cô gái say ngủ, ông ta dâng trào những suy nghĩ: ….Từ góc độ ý nghĩa của thế tục, những ông già này đều là những người thành công, cũng không phải là những kẻ lạc ngũ. Song những thành công của họ có được chính là do làm điều ác mới có, e rằng cũng có người không ngừng dùng thủ đoạn xấu xa để liên tục giữ được thành công. Vì vậy, họ không phải là người có tâm linh yên ổn, luôn lo sợ, luôn thất bại. Khi ngả mình xuống giường, tiếp xúc với làn da của những cô gái trẻ say ngủ, từ thẳm sâu trong lòng, có lẽ không chỉ là tiếp cận với sự lo sợ của cái chết và sự tiếc thương tuổi thanh xuân đã suy kiệt. Có lẽ còn có người hối hận vì ngày xưa tự mình không tích đức, có được một lần thành công thì gia đình lại bị bất hạnh.(13) Sự trầm mặc của các cô gái khiến cho các ông già không cảm thấy xấu hổ, cũng tránh cho lòng tự tôn của họ không bị tổn thương. Như vậy có thể thấy, “những người đẹp say ngủ phải chăng là một kiểu đức Phật? Là Phật nhưng lại đang sống. Mùi thơm tho của da thịt, mùi hương của tuổi trẻ phải chăng mang lại cho các ông già một kiểu tha thứ và an ủi”.(14) Những câu chữ của nhà văn ở đây không hề bộc lộ, mà chính là để cho sự từ bi rộng lớn của những cô gái giúp cho những ông già giải tỏa được tâm nguyện bi thương. Ông già Eguchi ở bên những người đẹp say ngủ đã nhớ về những người phụ nữ đi qua trong cuộc đời ông, cuối cùng trong lòng ông cũng lóe lên: người phụ nữ đầu tiên là người mẹ. Lúc này, ông mới bắt đầu quay về bản chất của sự sống, từ điểm tiếp cận cuối cùng của cuộc sống, cũng như con người đi từ hỗn loạn ô trọc đến thuần khiết, an tĩnh. Chi tiết này không chỉ tái hiện buồn vui đối với những người phụ nữ trong cuộc đời ông già Eguchi, mà còn ẩn chứa quan hệ vi diệu về lẽ sinh tử. Như vậy những gì là khổ não trong cuộc đời ông già Eguchi đã được an ủi và tĩnh hóa khi ở bên những người đẹp say ngủ, ông cảm thấy: “trong 67 năm mình đã trải qua, vẫn chưa từng có đêm nào thanh tịnh như đêm nay ở bên các cô gái” “tỉnh lại bên các cô gái ấm áp, và mùi thơm nhu hòa, như nhận được sự ngọt ngào tươi đẹp.” Trẻ thơ vốn là thuần khiết và thiên chân, còn chưa nhiễm ô trọc phiền não cuộc đời. Những người đẹp say ngủ làm cho ông già Eguchi quay trở về được trạng thái trẻ thơ này, quay về với phác thực, thuần tĩnh của sinh mệnh. Song đối với ông những người đẹp say ngủ không chỉ là Bồ Tát hóa thân, mà còn là hiện tại hết sức gần gũi, cũng chẳng cần tới “bỉ ngạn” xa xôi. Như vậy, một nhục thể sống của ông già trên đường suy kiệt, cuối cùng đã nhận được sự cứu về tinh thần. 6. Mặt khác, kiểu truyện kĩ nữ do Bồ Tát hóa thân của hai nước Trung - Nhật đều tuyên dương tư tưởng “vạn vật là một” (vạn vật nhất như) của Phật giáo. Cội nguồn của tư tưởng “vạn vật là một” có từ tư tưởng “Phật Ta là một” của Bà La môn giáo cổ đại Ấn Độ. Bà La Môn giáo đem hai phạm trù Phật và Ta đồng nhất lại, cho rằng Phật chúa tể của thế giới với Ta là những linh hồn cá thể về bản chất là thống nhất. Sau khi Thích Ca xuất gia đắc đạo, nhận thấy chế độ đẳng cấp và quan niệm giai cấp nghiêm ngặt của xã hội Ấn Độ, liền ra sức tuyên truyền sự bình đẳng của chúng sinh, mở rộng tư tưởng “Phật Ta là một”, hình thành tư tưởng “vạn vật là một” của Phật giáo. Phật giáo coi loài người và tất cả sinh vật có máu thịt và linh khí là vạn vật trong trời đất này, tất cả đều được gọi là chúng sinh, và cho rằng về đạo thể bản tính của chúng đều bình đẳng, hình trạng đầu tiên của thế giới là: vạn sự vạn vật hỗn nhiên là một, chưa hề có sự phân biệt. Quan niệm này được gọi là “nhất như” “Ngũ đăng hội nguyên” quyển 1 có viết: “tâm có thể khác, nhưng vạn pháp là một - một là thể huyền bí, gắn bó mật thiết với duyên. Vạn pháp đều quy phục tự nhiên.” Đến ngay cả vật chất vô sinh mệnh cũng đều bình đẳng không có hai, thì có lẽ nào quan hệ giữa người với người lại khác. Bởi vậy, kĩ nữ, người phàm tục, Bồ tát cũng đâu có khác nhau. Tư tưởng “vạn vật là một” được thể hiện hết sức sâu sắc trong “người đẹp say ngủ”: mọi sự vật đối lập trên thế gian này đều thông qua giấc ngủ say mà vượt qua mọi cách trở để quay về “nhất” (một). Trong tiểu thuyết, những chủ thể say ngủ ở đây gồm hai quần thể đối lập: đó là những thiếu nữ tuổi trẻ sức sống dồi dào, một bên là những ông già sức khỏe đang trong giai đoạn suy kiệt, nói khác đi quần thể trước tượng trưng cho sự bắt đầu cuộc sống, quần thể sau tượng trưng cho sự kết thúc cuộc sống. Nhưng họ đều say ngủ trong cùng một không gian, cùng một thời gian, thậm chí cùng một trạng thái – đều dùng thuốc để say ngủ (mật thất “người đẹp say ngủ” đã có người chuyên chuẩn bị sẵn thuốc ngủ cho họ). Cả hai cùng ngủ một giường đã trở thành sự hợp nhất sinh mệnh, dường như cùng bước đi những bước đầu tiên. Ở đây cũng cho thấy tư tưởng triết học của tác giả khi thấy sự thuần nhất trong giấc ngủ vốn hết sức đa dạng của mọi người. Ngoài ra tác giả còn trở đi trở lại hình tượng “những thiếu nữ ngủ say như chết”, mà các ông già trong giấc ngủ mông lung lại nhớ về những năm tháng của tuổi trẻ. Hiển nhiên quá trình say ngủ sẽ là quá trình cả hai đi theo hướng “về một” (nhất như); cũng là quá trình vận động giữa sống và chết, những thiếu nữ trong lúc say ngủ là tiếp cận cái chết, còn người già trong lúc say ngủ lại quay về với tuổi thanh xuân. Không chỉ như vậy, trong “Người đẹp say ngủ”, mọi quan niệm thế tục về về sự vật đối lập đều có xu hướng quay về đồng nhất. Những ông già suy kiệt và những thiếu nữ say ngủ đều trở thành nhân vật chủ yếu của câu chuyện, cho dù khác nhau về giới tính, về tuổi tác hay trạng thái thân thể, hay cả đặc trưng bên ngoài, cũng đều tồn tại những đối lập giữa nam và nữ, già và trẻ, suy kiệt và mạnh khỏe, xấu xí và tươi đẹp… Nhưng những người đẹp say ngủ do dùng thuốc mà họ bước vào trạng thái vô tri vô giác, đến cả lời nói và hoạt động cùng không thể có, điều này cơ hồ giống với những ông già phản ứng thì chậm chạp, hành động trì trệ, sức sống, cơ hồ sắp cạn; sự đối lập cũng như sai biệt giữa hai quần thể trên qua trạng thái say ngủ đã bị mơ hồ và nhòe hóa. Đáng lưu ý, phần kết thúc lại là ông khách già Eguchi với cái chết của một người đẹp say ngủ. Chi tiết này thêm một lần nữa khẳng định họ triệt để tiến tới cùng một cảnh giới của sự sống và cái chết, mà không hề phân biệt tuổi tác, không có đẹp và xấu. Như vậy, cho dù giữa mọi cá thể có tồn tại những khác nhau rất đa dạng, thì cuối cùng cùng đều quay về sự tương đồng, thực hiện sự bình đẳng và hợp nhất của vạn vật. Vạn vật vốn bình đẳng hợp nhất, điều này bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa, những sai biệt giữa người với người, người với vạn vật về căn bản là không tồn tại. Không chỉ như vậy, sống và chết, gặp gỡ và chia li, ái mộ và oán hận, được và mất… đều là sự vô thường sinh ra nỗi thống khổ cho vạn vật cũng đều không tồn tại. Điều này chính là cảnh giới “bất nhị pháp môn” của Thiền tông. Thiền tông đã vận dụng: “Bất nhị pháp môn” để vượt qua mọi đối lập, nhằm làm cho “Minh tâm kiến tính” quay về bản tâm thuần phác minh tĩnh. Tác phẩm “người đẹp say ngủ” cũng thông qua việc quy nhất lặp lại kĩ nữ và Bồ Tát, cô gái trẻ và ông khách già, thể nghiệm “vạn vật về một”, cũng chính tư tưởng “vạn vật về một” đã dẫn dắt mọi người tiến vào cảnh giới vượt qua mọi sự khác biệt, vượt qua mọi hiện tượng tương đối của vật lí: thời gian không gian, vật và ta, vuông và tròn, dài và ngắn, sống và chết… đồng thời vượt qua cả những quan niệm tâm lí: thuận và nghịch, cùng tắc và thông biến, phải và trái, được và mất, tốt và xấu… từ đó mà mọi phiền não, thống khổ đều được giải thoát, bước vào thế giới tinh thần minh tĩnh thanh khiết. Có thể thấy, đằng sau biểu tượng sắc tình và đồi phế tác phẩm “Người đẹp say ngủ” còn thể hiện tấm lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Phật giáo. Đương nhiên, là một tác phẩm của nhà văn nổi tiếng trên thế giới, lại sáng tác vào lúc ngòi bút thành thục nhất, thì nội hàm tư tưởng của nó là đa nguyên và hết sức phức tạp. Cứu thế có lẽ không chỉ là một chủ đề duy nhất của “Người đẹp say ngủ”, nhưng chúng ta cũng khó có thể phủ nhận tác giả đã dùng nhiều bút lực thể hiện điều này với một nội hàm sâu sắc, và không thể không thấy đó là một chủ đề quan trọng. Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 năm 2010 Dẫn theo: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Mitsueda Kazuo, Sự ngạo mạn của Kawabata, Chuyển dẫn từ Ykawabata, Tiểu học quán 1991. tr148 2. Umehara Takeshi, Tư tưởng Nho giáo của Y.Kawabata, Quốc Văn 2/1970 tr43 3. Hirayama Jouji, Văn học Kawabata và thế giới cổ điển, Trường Cốc Xuyên Tuyền biên tập, Nghiên cứu tác phẩm Y.Kawabata, Bát Mộc thư điếm 1969. 4. Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, 5. Xem “Văn uyên các Tứ khố toàn thư”: sách 921. Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán 3/1986 tr645. 6. Chí Bàn soạn (Nam Tống), Phật Tổ thống kỉ Q41, Đại Chính tạng Q49. 7. Murakami Masahiko, Say ngủ, Chuyển dẫn: Tokiyuu Byodoku, Giảng đàm xã 1995. tr282 8. Bàn Thích Mật đế thích: Đại Phật đỉnh thủ Bàng Nghiêm kinh Q6, Xem: Đại chính tàng Q19 9. Duy Ma cật sở thuyết kinh, Q2. Xem: Đại chính tàng Q14 10. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Con đường dẫn đến tự do vô thượng 2006. 11. Viên Tân, Trung Quốc Thiền tông ngữ lục đại quan, Bách hoa châu văn nghệ xuất bản xã. 1994. (1) Mitsueda Kazuo, Sự ngạo mạn của Kawabata, Chuyển dẫn từ Ykawabata, Tiểu học quán 1991. tr148 (2) Umehara Takeshi, Tư tưởng Nho giáo của Y.Kawabata, Quốc Văn 2/1970 tr43 (3) Hirayama Jouji, Văn học Kawabata và thế giới cổ điển, Trường Cốc Xuyên Tuyền biên tập, Nghiên cứu tác phẩm Y.Kawabata, Bát Mộc thư điếm 1969. (4) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, (5) Xem “Văn uyên các Tứ khố toàn thư”: sách 921. Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán 3/1986 tr645. (6) Chí Bàn soạn (Nam Tống), Phật Tổ thống kỉ Q41, Đại Chính tạng Q49. (7) Murakami Masahiko, Say ngủ, Chuyển dẫn: Tokiyuu Byodoku, Giảng đàm xã 1995, tr 282 (8) Bàn Thích Mật đế thích: Đại Phật đỉnh thủ Bàng Nghiêm kinh Q6, Xem: Đại chính tàng Q19 (9) Duy Ma cật sở thuyết kinh, Q2. Xem: Đại chính tàng Q14 (10) Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Con đường dẫn đến tự do vô thượng 2006. (11) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 400 (12) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 456 (13) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 456 (14) Tuyển tập Y.Kawabata, Người đẹp say ngủ. Nxb Hội Nhà văn HN 2000, tr. 457 PGS.TS Trần Lê Bảo (ĐH Sư phạm Hà Nội) Nguồn: khoavanhoc
Đọc Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, tìm thêm thông tin thì đọc được bài này: 'Vàng thau lẫn lộn: Phiên dịch học văn hóa và trường hợp Kim Bình Mai ở Việt Nam' Nguồn: khoavanhoc
Xin đừng làm phiền 1/ - Alô, thưa có phải số điện thoại chị R không ạ? - Đúng số, có chuyện chi không cô? - Dà, em gọi từ tổng đài công ty bảo hiểm XYZ, chị cho em vài phút để tư vấn ngắn gọn về gói bảo hiểm nhân thọ được không chị à? - Nhưng tôi không có nhu cầu mua bảo hiểm... - Dạ em chỉ giới thiệu sơ bộ làm quen, chị thực lòng muốn mua em sẽ mang hồ sơ đến tận nhà giúp chị nắm rõ, chứ nói qua điện thoại sợ tiền bán bảo hiểm không đủ trả tiền cước viễn thông. Xin chị xác nhận giúp em địa chỉ nhà ta có phải số... đường. phường... quận... đúng không? - Trời, biết chính xác luôn cả số nhà đường phường quận thành phố mới ghê. Nói thật nói thẳng, tôi thực lòng muốn biết tại sao cô lại nắm rõ nhà cửa, số điện thoại của tôi như ma xó vại, cô là thám tử tư ... - Dạ chị chính là khách VIP ưu tiên của công ty… - Tôi chẳng cần biết là víp hay hột vịt lộn vịt vữa gì, chỉ thắc mắc sao công ty có số điện thoại... (Những chuyện COI CHỪNG RẤT NHỎ)
Tu có nghĩa là sửa Có thể là em đã nói một câu lỡ làm bạn giận. Em mong được quay trở lại mấy giờ trước đó, để em được nói lại và em sẽ không nói như thế nữa. Có thể là em đã phạm phải một sai lầm và đang phải "tạm ngồi” uống nước chè trên phòng Giám hiệu. Ngoài kia nắng vàng nhảy nhót, các bạn vô tư chơi đùa. Còn em thì phải chịu biết bao lo lắng ngổn ngang trong lòng. Em chỉ mong được bắt đầu lại mấy giờ trước đó. Để em không làm điều dại dột như thế vậy. Em lại được như các bạn ngoài kia. (Gửi em mây trắng)
“Cho hay muôn sự tại trời Trời kia đã bắt làm người có thân Bắt phong trần phải phong trần Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Nguyễn Du
Sự đọc lại UÔNG TRIỀU 09:40 | 25/06/2019 Trước kia tôi mê F.Dostoevsky và đánh giá ông là một nhân vật vĩ đại. Tất nhiên bây giờ ông vẫn là một nhà văn vĩ đại bất chấp cảm giác của tôi thế nào. Thế nhưng tôi đã giảm sự yêu thích ông khá nhiều khi đọc lại những cuốn tôi thích nhất, ví như Tội ác và hình phạt. Tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Dos để kiểm tra lại cảm giác choáng ngợp của lần đầu đọc. Ông đã khiến tội hụt hẫng khi đọc lần hai. Lần thứ nhất, tôi đã đứng tim khi đọc những dòng mô tả về Raskolnikov khi hắn phạm tội giết người. Lần sau, tôi đã không còn cảm giác như thế nữa. Raskolnikov làm tôi khá dửng dưng. Tôi đã biết được diễn biến và không hứng thú nữa. Sự đọc lần hai này tôi đã bình tĩnh hơn rất nhiều và có lẽ điều đó đã làm giảm sự đam mê của tôi đối với ông. Tôi vẫn kính trọng F.Dostoevsky nhưng ông không làm tôi mê mẩn như lần đầu nữa. Điều đó không xảy ra tương tự với Lev Tolstoy hay nói khác đi sự giảm sút cảm xúc ở Lev không nhiều như ở Dos khi đọc lại lần hai. Tôi vẫn ngỡ ngàng trước những hành động của Anna Karenina, vẫn thấy một sự cảm thương vô bờ với nàng. Sự miêu tả của tác giả với những diễn biến tâm lí của người đàn bà quý tộc ấy khi rơi vào vòng xoáy tình ái vẫn khiến tôi xúc động. Những hành động bản năng đầy kiên quyết của nàng vẫn khiến người đọc thông cảm, đón đợi. Lev Tolstoy vẫn làm tôi hứng thú, kể cả với cuốn tiểu thuyết mang tính lí tưởng của ông là Phục Sinh. Những suy nghĩ của chàng công tước Nekhliudov về cái ác, nhà tù, nỗi thống khổ của con người vẫn có sức lay động. Sự đọc lại là một sự trải nghiệm khắc nghiệt với tác phẩm, dù tinh thần cơ bản là bất cứ tác phẩm nào, ở lần đọc sau, cảm xúc đều bị suy giảm ít nhiều. Có tác phẩm suy giảm chút ít, có tác phẩm bị mất đi một khối lớn và cá biệt từ non cao rơi thẳng xuống vực thẳm. Thế nên ban đầu tôi xếp Dos cao hơn Lev. Dos đứng vị trí thứ nhất trong các nhà tiểu thuyết Nga cổ điển, Lev ở vị trí thứ hai nhưng sau khi đọc lại, vị trí đã bị đổi ngược. Tôi viết những cảm nhận về hai nhà văn nói trên ở mạng xã hội facebook, một bạn đọc đã hỏi tôi: Vì sao như vậy? Tôi trả lời rằng: Đọc lại mà vẫn thích, điều ấy khó hơn. Cho nên trong cảm quan cá nhân của tôi bây giờ Lev là số một trong các nhà tiểu thuyết Nga cổ điển. Lev Tolstoy đã làm được cái điều mà tôi nghĩ F.Dostoevsky rất khác biệt. Tác giả của của Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục Sinh... làm cho tôi cảm thấy rằng câu chuyện ông kể là rất thực, còn Dos, ấn tượng lần sau là những câu chuyện của ông phi thực, nó giống những vở kịch được dàn dựng nhiều hơn. Và đọc những câu chuyện được dàn dựng, dù có khéo léo đến mấy thì lần sau đều ít hứng thú. Đọc tiếp Tôi vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp khi lần đầu đọc Salammbô của G.Flaubert, sao mà nhiều cảnh hùng vĩ và ấn tượng đến thế. Tôi thán phục trước những cảnh hoành tráng mà miêu tả vô cùng tỉ mỉ của Flaubert. Những cuộc chiến tranh đầy màu sắc và âm thanh giữa các bộ tộc, tác phẩm như một cuốn phim với rất nhiều cận cảnh vĩ đại. Ông có một trí nhớ và một óc họa sĩ thiên tài. Nhưng ở lần đọc sau, những cảm giác đó trong tôi mất đi nhiều lắm. Tôi thấy Salammbô chỉ là một tác phẩm hay, không đến mức gây choáng ngợp bàng hoàng. G. Flaubert quá cầu kì, quá dàn dựng và khi người ta đã biết được ý đồ của tác giả thì họ không còn hồi hộp chờ đợi nữa. Sự khác biệt ấy có thể xảy ra ở cùng một tác giả với những tác phẩm khác nhau. Vẫn là Flaubert nhưng với Bà Bôvary thì cảm giác gần như trái ngược. Lần sau của Bà Bôvary vẫn khiến tôi ưa thích với những phiêu lưu tình ái đầy nguy hiểm của người đàn bà ấy, dù sự hồi hộp đã mất đi một lượng không tránh khỏi. Sự kiểm chứng này rất giống với trường hợp của Anna Karenina, đọc lần sau, người ta vẫn tin rằng điều ấy có thực và có thể chính mình đã rơi vào vòng xoáy ấy. Sự cám dỗ của những người đàn bà đẹp, người ta nhìn thấy sự nguy hiểm của vấn đề mà không sao thoát ra khỏi. Bi kịch của bà Bôvary giống hệt của Anna Karenina nhưng tất nhiên vấn đề không phải là nội dung câu chuyện. Điều tài tình là tác giả đã khiến cho người đọc lần sau vẫn tin vào câu chuyện, dẫn dắt họ đi theo cảm xúc và nhập cuộc theo những cảm xúc ấy. Và điều đó khiến cho tác phẩm được thích lâu hơn? Sự đọc lại vô cùng nghiệt ngã. Tôi ngưỡng mộ nhiều hơn những tác phẩm trụ được lần đọc thứ hai, thứ ba và hơn nữa. Thôi thì tạm gác qua những vĩ nhân cổ điển. Giờ ta đi gặp những “ông lớn” đương đại xem thế nào. Nói thật là khi Cao Hành Kiện vừa được dịch ra tiếng Việt với Linh Sơn tôi đã không thể nào đọc nổi ông. Đọc được mươi trang tôi đã vất sách và không nghĩ sẽ có ngày đọc lại. Khoảng mười năm sau, tôi mới đọc lại Cao Hành Kiện và vô cùng thích thú. Nhưng tôi vẫn nghi ngờ cảm giác của mình giống như khi đọc Salammbô của G. Flaubert, tôi để lắng lại ít nhiều và tiếp tục với Linh Sơn. Kinh ngạc. Lần kiểm tra này cảm xúc vẫn gần như lần đầu và đến lần thứ ba, thứ tư, họ Cao bị mài mòn rất ít và tôi nghĩ cuốn tiểu thuyết của họ Cao là một trường hợp vô cùng đặc biệt. Nó chống lại cực tốt sự bào mòn. Lại sao có được trạng thái ấy, có phải tác giả đã không muốn giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, cuộc đi tìm ngọn núi thiêng chỉ là một cái cớ? Và xen vào cuộc truy tìm là rất nhiều những câu chuyện về lịch sử, văn hóa Trung Hoa. Nhưng cuốn sách cũng không phải viết về văn hóa lịch sử Trung Hoa, nó là một sự “lừng khừng” giữa các lằn ranh giới, giữa tiểu thuyết và tản văn, giữa kí sự và triết luận. Nó không triệt để vấn đề để tạo khoái cảm quá lớn của lần đầu nhưng đến lần thứ hai, thứ ba vẫn bóc tách, khám phá những mảng lớp mới. Đó là sự tài tình và khác biệt của Cao Hành Kiện. Nhưng tất nhiên đấy là cảm xúc riêng của tôi, một người bạn văn khác thì đánh giá, anh không thể nào chịu nổi họ Cao lần hai! Milan Kundera đã được dịch rất nhiều ra tiếng Việt và fan hâm mộ của ông không phải ít. Tôi đã đọc toàn bộ những gì của ông được dịch ra tiếng Việt, độ chục cuốn. Nhà văn gốc Séc này có một điểm rất đáng nói về góc độ đọc lại. Các tiểu thuyết, tiểu luận của ông đa số đều vượt qua được những lần bào mòn cảm xúc, những cuốn xuất sắc nhất có thể kể đến: Sự bất tử, Đời nhẹ khôn kham, Nghệ thuật tiểu thuyết, Màn... Tại sao Milan Kundera làm được điều này, có phải những triết luận đan xen trong tiểu thuyết của ông là vừa đủ, vừa đủ độ kích thích hưng phấn sau mỗi lần đọc và không bị mệt mỏi cho những lần tiếp sau? Nó như một nhắc nhớ nhẹ nhàng về cuộc sống, đọc nó không bị phiền lòng, không bị giáng những đòn quá mạnh nhưng vẫn đủ sâu sắc. Đa số sách của Milan Kundera không làm tôi suy giảm hứng thú với những lần trở về, cho nên ở những chuyến đi xa, tôi thường chọn vài cuốn của Kundera để mang theo cùng hành trình. Tôi thử nghiệm sự đọc lại với hai cuốn tiểu thuyết thuộc loại thành công nhất của các nhà văn Việt đương đại: Thời xa vắng của Lê Lựu và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Thời xa vắng của Lê Lựu gợi cho tôi những nỗi buồn của anh chàng Giang Minh Sài nhưng những lần đọc sau tôi càng ít buồn hơn. Có lẽ, vì cái sự “thời vụ của lịch sử” đã thay đổi, cái “thời cuộc” của đời anh Giang Minh Sài không kéo dài và bây giờ không lặp lại nữa. Với Nỗi buồn chiến tranh thì dường như tính lặp lại và những quãng rung động về chiến tranh, tình yêu vẫn còn nhiều. Người đọc vẫn thấy mình có cơ hội trải qua nó hoặc nghĩ về nó với những gần gặn của liên tưởng và trải nghiệm. Sự suy giảm khoái cảm của Bảo Ninh ít hơn của Lê Lựu và tôi nghĩ rằng đó đều là hai tượng đài của tiểu thuyết Việt Nam mà có lẽ cần thêm nhiều thời gian nữa để có đối thủ vượt qua. Câu hỏi đặt ra là các nhà văn, họ viết cho lần đọc thứ nhất hay cho lần đọc thứ hai hoặc nhiều hơn và có bí quyết gì không? Có lẽ không ai đặt ra câu hỏi ấy khi bắt tay vào viết và tôi nghĩ cũng không ai giải nổi bài toán này. Lev Tolstoy chắc chắn không ý định viết Anna Karenina cho người ta đọc lần thứ hai mới thích và F. Dostoevsky sẽ không ngốc mà nghĩ rằng ông chỉ làm cho người ta choáng ngợp ở lần thứ nhất. Và ở cùng một tác giả đã có sự khác biệt như ở trường hợp G. Flaubert, cả Lê Lựu hoặc Bảo Ninh... Bằng một sự mẫn cảm hoặc thiên phú, xuất thần nào đó của tác giả mà ta khó giải thích nổi sự khác biệt ở những tác phẩm cụ thể của họ ở những lần đọc lại và không hề giống nhau. Cùng tác giả mà có cuốn thích đọc hơn một lần, cuốn khác lại không thế và ngay cả ở quy mô nhỏ hơn, những truyện ngắn cũng có nhiều trường hợp tương tự. Một truyện ngắn của Bảo Ninh tôi rất thích khi lần đầu khi đọc trên báo là Bội phản, nhưng rồi khi tôi chọn nó để đọc cho một mục đích khác tôi đã thất vọng vì cảm xúc xưa đã bị mất đi khá nhiều. Ngoài vấn đề tài năng hay nội dung của tác phẩm thì những khác biệt này còn có thể suy nghĩ theo một hướng khác nữa: “cái tạng của tác phẩm”. Tác phẩm “tạng này” thì chỉ nên đọc một lần, còn “tạng kia” thì có thể nhiều lần? Sự đọc lại nghiệt ngã như nhúng kim loại vào a xít. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà văn đôi chút lo sợ khi đọc lại tác phẩm của mình và những bạn đọc, vì quá yêu mến một tác phẩm nào đó cũng ngần ngại khi đứng trước sự thử thách này. Sự đọc lại giống như một lưỡi cưa máy rất sắc, ít trang bị bảo hộ. Chiếc cưa có thể cắt đứt ngay một thân cây lớn và cũng có thể làm tổn thương chính người dùng. Những tác phẩm đã vượt qua được sự nghiệt ngã của sự đọc lại thì có thể chúng đã sở hữu một vé đi vào sự bất tử của văn chương. U.T (SHSDB33/06-2019)
Cảm ơn @amylee đăng nhiều truyện hay quá ! truyện này không biết sau đó Ellen có ổn không? 2 chú nhóc quậy này chuyển chỗ nữa chăng?