Tâm lý XH Một cái chết rất dịu dàng – Simone de Beauvoir

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi thanhbinhtran, 8/4/19.

  1. thanhbinhtran

    thanhbinhtran Lớp 3

    MỘT CÁI CHẾT RẤT DỊU DÀNG
    Tác giả: Simone de Beauvoir
    Người dịch: Vũ Đình Lưu
    Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn tái bản năm 2009
    (Tập san Văn ấn hành lần thứ nhất năm 1967, Sài Gòn)
    * * *
    EBOOK:
    SCAN: @Anan Két
    OCR, EBOOK: @thanhbinhtran
    BIA-MOT-CAI-CHET_ai_800.png
    Năm 2006, tự truyện “Yêu và Sống” của Lê Vân ra mắt đã trở thành một cú sốc. Một trong những khía cạnh bị chỉ trích của cuốn sách này là cách Lê Vân viết về cha mẹ cô không giống như những gì người ta vẫn chờ đợi khi một người con viết về cha mẹ. Về phần tôi, đây là cuốn tự truyện hiếm hoi khiến cho ta xúc động đến tận cõi lòng. Bất chấp tình cảm con người luôn có muôn vàn sắc thái, văn hóa Á Đông vẫn luôn mặc định chỉ có một tình cảm duy nhất khi hướng về cha mẹ, đó là yêu kính. Sự “mặc định” này có thể gây ra sự vỡ mộng ở người con vào thời niên thiếu, kéo theo những vết nứt có thể không bao giờ hàn gắn được trong mối quan hệ cha mẹ-con cái.

    * * *​


    Simone de Beauvoir đã viết về mẹ mình trong những ngày cuối cùng của cuộc đời bà. Chính trong thời gian đó, sự yêu thương mà cô tưởng đã như tắt hẳn, những cuộc hội thoại bị gián đoán từ thưở cô mới lớn đã được nối lại. Cuốn sách là những hồi tưởng, là hành trình ngược thời gian của Simone về thời thanh nữ của mẹ mình để lý giải bà không chỉ trong tư cách là một người mẹ, mà còn là một con người.

    Cũng như Paul Auster với một hành trình tương tự trong “Sự khởi sinh của cô độc”: “Bạn không bao giờ ngừng khao khát tình yêu từ cha mình, thậm chí cả khi bạn đã trưởng thành.” Sự thiếu thốn tình yêu thời thơ bé có thể để lại di chứng không chỉ gói gọn trong vòng một đời người. Mẹ cô - bà Françoise de Beauvoir – đã luôn ghét bỏ người con thứ của mình chỉ vì cô ấy giống em gái bà - người đã chiếm hết tình cảm của cha bà thưở ấu thơ: “Ông chỉ biết có dì Lili này thôi”. Sự khao khát tình yêu của cha đã thành một nỗi ám ảnh, để khi đã thành một người mẹ, bà đối xử với con mình như cách ông đã từng. Bà tự đồng hóa mình với người con cả (tức Simone), bà cấm hai đứa con mình gần nhau mà không có bà. Sự day dứt đó theo bà suốt đời, Simone và em cô vẫn giữ thói quen gặp nhau mà không để cho mẹ biết.

    Mẹ của Simone và cha của Auster đều mang trong mình những vết nứt thời thơ ấu báo trước cách xử sự của họ sau này. Tuy nhiên, sự phân biệt giới tính của xã hội đã tô đậm hơn bi kịch của phụ nữ - họ được dạy là phải hy sinh, quên mình đi. Mẹ của Simone đã sống một cuộc đời như vậy. Từ thưở thanh nữ học trong trường tu với những quy tắc nghiêm ngặt cho đến khi gia đình trở nên nghèo nàn, bà xốc vác việc nhà nặng nhọc mà không mướn người làm. Bà đã quên hẳn mình để sống cho chồng con, nhưng không ai có thể nói: “Tôi hy sinh” mà không thấy chua chát. Mâu thuẫn của bà là tin tưởng vào sự cao thượng của hy sinh, nhưng bản thân bà cũng có sở thích, ham muốn và những điều mình ghét bỏ. Và bà đã sống theo một cách chống lại mình.

    “Nếu mẹ tôi đã đầu độc cuộc sống của tôi trong bao nhiêu năm, thì tôi cũng đầu độc cuộc sống của bà một cách không chủ tâm”. Yêu thương và oán hờn là hai sắc thái đan xen như ngày và đêm trong tâm trí của Simone khi nghĩ về mẹ cô. Nhưng sau cùng, chỉ còn lại tình yêu. Cô se lòng khi thấy bà tìm cách thân mật với cô bằng cái vụng về thường ngày như hồi cô hai mươi tuổi.” Mẹ của Simone luôn sợ mắc bệnh ung thư nhưng về cuối đời, điều đó lại thành sự thực. Cũng chính vào những ngày cuối cùng ấy, khi không còn thiết tha gì nữa, bà đã gạt đi những điệu bộ ước định che lấp tính chân thực của mình. Bà chú ý đến những cảm giác thích thú nhỏ nhoi: hít ngửi mùi nước hoa, mùi phấn; nhìn đám lá cây nhuộm nắng ngoài cửa kính và mỉm cười – Nụ cười mà Simone tưởng chừng như đã tắt suốt thời thơ ấu.

    * * *​

    Lẽ nào cho đến khi cận kề cái chết, chúng ta mới có thể nói thật lòng mình? Simone và Paul Auster đã viết về cha mẹ mình như một nhân vật chỉ khi họ đã không còn tồn tại trên đời. Còn Lê Vân, cô viết khi cha mẹ mình còn sống. Thiếu độ lùi về thời gian khiến phản ứng của công chúng trở nên khắc nghiệt. Tôi sẽ không bao giờ quên được cơn bão dư luận với “Yêu và Sống” năm 2006. Nếu có điểm gì chê trách về cuốn sách này, có chăng là Lê Vân (hoặc nhà văn chấp bút Bùi Mai Hạnh) đã nhấn mạnh vào khía cạnh oán hờn hơn là tình yêu đối với cha mẹ. Nhưng không nhấn mạnh không có nghĩa là không có, và tôi tin với bất cứ người con nào, yêu thương vẫn là sắc thái đầu tiên và cuối cùng trong chuỗi hồi tưởng về cha mẹ. Với tôi, Yêu và Sống là cuốn tự truyện can đảm của người đàn bà đẹp.

    Dù bạn đã đọc “Yêu và Sống” hay chưa, thì cũng hãy đọc “Một cái chết rất dịu dàng” của Simone de Beauvoir. Đây không phải là một cuốn sách hấp dẫn để bạn có thể đọc một mạch từ đầu đến cuối. Rất có thể bạn sẽ bỏ dở sau 20 trang đầu tiên. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn đọc hết, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn dù là với tư cách của một người con hay với tư cách là cha mẹ.
    Review: thanhbinhtran​
     

    Các file đính kèm:

    Last edited by a moderator: 17/1/20

Chia sẻ trang này