@All! Thành thực biết ơn các bạn đã xem và theo dõi Chuyên mục! ! Tuy nhiên, như các bạn thấy, mình rất nghiêm túc và trọng thị khi thực hiện topic nầy. Vì đây chính là một (trong những) thread do Ban quản trị TVE-4U mở và chịu trách nhiệm về Nội dung,... Ngoại trừ các chủ ý phát xuất từ cá nhân; còn lại tất cả các trích dẫn đều được ghi rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ... Làm như vậy, một phần để đảm bảo tính nguyên vẹn của tài liệu gốc_độc giả hoàn toàn có thể sử dụng để đọc, tham khảo, hay tra cứu, trích dẫn, v.v... về Việt ngữ học; một phần muốn lưu ý các bạn khi tham gia thảo luận (tại topic này nói riêng hay trên toàn Diễn đàn nói chung) cũng cần phải nên cẩn trọng, khi nêu chính kiến có trích dẫn, thì phải có chú thích, dẫn chứng đầy đủ. V.v... Tất cả các ý kiến tham luận không có nguồn gốc, xuất xứ, hay trích dẫn,... không rõ ràng, đầy đủ đều xem như spam... ! Cám ơn @quang3456 đã quan tâm! ! Bạn có thể trích dẫn lại Quan điểm đó được không? Hoặc có thể cung cấp thêm về nguồn gốc, xuất xứ... ?!? ... Xin cám ơn! ! Thân mến! @tducchau (tdc).
[...] * Từ ngữ Từ và cụm từ (ngữ, đoản ngữ, từ tố) nói chung, * Từ ngữ lóng Các từ, ngữ thuộc tiếng lóng nằm trong thành phần của ngôn ngữ văn học với tư cách là một phạm trù phong cách học. * Từ ngữ nghề nghiệp Các từ, ngữ đặc trưng cho ngôn ngữ của các nhóm người thuộc cùng một nghề nghiệp hoặc cùng một lĩnh vực hoạt động nào đó. "Những từ nghề nghiệp khác thuật ngữ ở chỗ được chuyên dùng để trao đổi miệng về chuyên môn chứ không phải dùng để viết. Từ nghề nghiệp còn khác với thuật ngữ ở chỗ chúng gợi cảm gợi hình ảnh, có nhiều sắc thái vui đùa". (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại. Nxb GD, H., 1968, tr.126) "Cũng như các thuật ngữ khoa học kĩ thuật, các từ nghề nghiệp có đặc tính cơ bản là ý nghĩa biểu vật trùng với sự vật hiện tượng thực có trong ngành nghề và ý nghĩa biểu niệm đồng nhất với các khái niệm về sự vật hiện tượng đó. Nhưng, vì gán với những hoạt động sản xuất hoặc hành nghề cụ thể, trực tiếp, cho nên từ vựng nghề nghiệp có tính cụ thể, gợi hình ảnh cao. Mức độ khái quát của các ý nghĩa biểu niệm của chúng cũng thấp hơn thuật ngữ khoa học". (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb GD, H., 1981, tr.234) "Từ vựng nghề nghiệp bao gồm những đơn vị từ vựng được sử dụng để phục vụ các hoạt động sản xuất và hành nghề của các ngành sản xuất tiểu thủ cồng nghiệp, nông nghiệp và các ngành lao động trí óc (nghề thuốc, ngành văn thư...). (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb GD, H., 1981, tr.234) "Từ ngữ nghề nghiệp là những từ ngữ biểu thị những công cụ, sản xuất lao động và quá trình sản xuất của một nghề nào đó trong xã hội. Những từ ngữ này thường được những người cùng trong ngành nghề đó biết và sử dụng”. (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb ĐH và THCN, H., 1985, tr. 303) "Từ nghề nghiệp là một lớp từ bao gồm những đơn vị từ ngữ được sử dụng phổ biến trong phạm vi những người cùng làm một nghề nào đó. Ví dụ, các từ: choòng, lò chợ, lò thượng, đi là... là những từ thuộc nghề thợ mỏ. Các từ bó, vét, xịt, phủ, bay, hom... là của nghề sơn mài". (Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiệu - Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb ĐH và GDCN. H., 1990, tr.265-266)
[...] * Từ ngữ trái quy tắc 1. Từ (từ hình, cụm từ...) được tạo ra không theo quy tắc, nghĩa là không phù hợp với các quy tắc cấu tạo từ, biến đổi từ hay kết hợp từ của một ngôn ngữ nhất định và không có căn cứ về mặt lịch sử (hoặc về mặt từ nguyên học). 2. Từ nước ngoài không tuân theo những luật của nhà nước về ngôn ngữ chung và chỉ tồn tại trong một số biến dạng xã hội đặc biệt. * Từ ngữ tục Từ hoặc ngữ đặc trưng cho lời nói suồng sã hoặc thô thiển. * Từ pháp học x. hình thái học "Từ pháp học nghiên cứu kết cấu của từ về phương diện ngữ pháp, quy tắc cấu tạo hỉnh thái, biến đổi hình thái và đặc tính ngữ pháp của từ. Nó còn nghiên cứu các từ loại (tức là những phạm trù từ vị - ngữ pháp của từ) (Lưu Vân Lăng. Khái luận ngôn ngữ học. Nxb GD,H., 1960, tr.10) "Từ pháp học là khoa học nghiên cứu sự biến hóa và khả năng kết hợp của từ". (Nguyễn Văn Tu. Khái luận ngôn ngữ học. Nxb GD, H., 1960, tr.192) "Từ pháp chuyên nghiên cứu về các quy tắc biến hình của từ và các đặc tính ngữ pháp của các từ loại, cùng sự cấu tạo của từ". (Nguyễn Kim Thản. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt (tập 1). Nxb KH, H., 1963, tr. 12) "Ngữ vị học hay dạng - vị học (Morphologie) về các ngữ - vị và sự kết hợp ngữ - vị thành từ và nhóm từ; vì thế cũng gọi là từ - pháp học". (Trần Ngọc Ninh. Cơ cấu Việt ngữ. Lửa thiêng, 1973, tr.39) "Từ pháp học nghiên cứu các hình thức và các dạng thức ngữ pháp của từ. Việc nghiên cứu các mô hình cấu tạo từ, việc phân loại các lớp từ theo chức năng, theo phạm trù là nhiệm vụ của từ pháp học". (Hoàng Trọng Phiến. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb ĐH và THCN, H., 1980, tr.10) [...]
[...] * Từ phức Tên gọi chung đối với từ ghép và từ láy trong tiếng Việt; còn gọi là từ phức hợp, từ phức tạp. Cha mẹ, gia đình, quốc gia, sân bay, đứng đắn, lập lòe là những từ phức. "Từ phức tạp là từ chứa đựng từ hai hình vị trở lên, nhưng trong đó chỉ có thể có nhiều nhất là một hình vị tự do; cũng có thể không có hình vị tự do nào, mà chỉ gồm toàn "hình vị phụ thuộc", ví dụ: quốc gia, tác giả, học giả, rõ rệt... Từ phức tạp gồm có từ ghép giả và từ phái sinh". (Hồ Lê. Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại. Nxb KHXH, H., 1976, tr. 105) "Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát cách kết cấu của các từ đơn, và sau đó sẽ xem cách các từ đơn phối hợp với nhau thế nào để tạo thành những từ phức". (Lê Văn Lý. Cách thức cấu tạo và tổ hợp của từ Ngữ Việt Nam - "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ'. Nxb KHXH, H., 1981, tr.56) "Trong số các từ phức thuần túy Việt Nam được dùng làm đối tượng cho công việc khảo cứu ở đây chúng ta phân biệt hai loại: từ láy và từ ghép". (Lê Văn Lý. Cách thức cấu tạo và tổ hợp của từ Ngữ Việt Nam - "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ'. Nxb KHXH, H., 1981, tr.58) "Từ đơn là từ một hình vị, từ phức hợp là từ do hai hình vị tổ hợp lại. Các từ phức hợp lại được chia theo phương thức từ láy và từ ghép, các từ ghép lại được chia nhỏ căn cứ vào quan hệ cú pháp thành các từ đẳng lập (hay liên hợp) và từ chính phụ. Tiếp đó căn cứ vào tính từ loại của hình vị mà chia các từ chính phụ thành các từ chính phụ danh-danh, danh-động, danh-tính ; động-danh, động-động, động-tính, tính-danh, tính-động v.v...”. (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb GD, H., 1981, tr.34) "Các từ phức Hán Việt là những từ do các hỉnh vị gốc Hán cấu tạo nên, trong đó có ít nhất là một hình vị không độc lập". (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb GD, H., 1981, tr.62) "Trong lời nói, do yêu cầu gọi tên sự vật, hiện tượng người Việt thường dựa vào kiểu cấu tạo cả về hình thức và ngữ nghĩa tạo ra các từ phức mới. Những từ phức này có thể chỉ xuất hiện nhất thời trong một thông điệp cụ thể nào đó, có hình thức chưa thật "chuẩn" lắm, phục vụ xong hoạt động giao tiếp đó rồi lại bị quên lãng đi". (Đỗ Hữu Châu. Các bình diện của từ và từ tiếng Việt. Nxb KHXH, H., 1986, tr.232) * Từ rời Các từ ghép mà các thành tố hợp thành có thể được tách rời nhau trong lời nói và viết rời, còn gọi là từ viết rời, từ đơn lẻ, khác với từ ghép thông thưòng viết liền các thành tố với nhau. * Từ sách vở Lớp từ ngữ chỉ sử dụng chủ yếu trong sách vở, báo chí. Đó là lớp từ ngữ đã được chọn lọc, được trau dồi, gắn bó với chuẩn tắc nghiêm ngặt và chỉ dùng trong phong cách viết thuộc một số phong cách chức năng cụ thể (phong cách khoa học, phong cách hành chính, phong cách chính luận báo chí, phong cách văn học nghệ thuật). "Từ vựng sách vở, ngược lại với từ vựng hội thoại là những từ được dùng chủ yếu trên sách vở, báo chí, chúng thuộc lớp từ vựng của ngôn ngữ văn học, có tiêu chuẩn nghiêm ngặt". (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb ĐH và THCN, H., 1985, tr.341) [...]
Tôi có đọc một số sách in của học giả Cao Xuân Hạo, An Chi... nói về quan điểm này nhưng nếu bây giờ đi tim lại được để trích dẫn thì thật quá khó. Các bạn có thể xem tạm ở đây: http,//nhavantphcm,com,vn/chan-dung-phong-van/an-chi-lam-rung-dong-nen-hoc-thuat.html Quan điểm đó theo tôi có thể tóm tắt là: Các từ được gọi là từ láy trong tiếng Việt thật ra đều là những từ ghép, đa phần bắt nguồn từ ngữ hệ khác như tiếng Trung, Môn-Khme... Do chúng ta quen miệng đọc sai nên dần dần những tiếng có nghĩa trở thành âm tiết vô nghĩa. Tôi nhớ các tác giả đã nêu từ nguyên của rất nhiều "từ láy" và nói rằng đã tìm được khoảng 3000 từ. Một số từ tôi nhớ: -túy lúy - túy lý càn khôn -hì hục - trì trục (giữ và đuổi gia súc của dân du mục) -eo óc- y ốc; phất phơ - phi phất (Y ốc kê thanh thông ngũ dạ- Phi phất hòe âm độ bát chuyên) Tôi nói về quan điểm mình biết, nếu các bạn cần thì tôi sẽ tìm hiểu sâu hơn rồi trình bày thêm, tuy nhiên tôi thấy thời buổi này ít người quan tâm lắm.
Từ láy thì khác gì với từ tượng hình từ tượng thanh vậy bác? Có phải từ tượng hình, tượng thanh là một bộ phận của từ láy???
Tôi cũng không biết rõ, tôi đâu có nghiên cứu về cái này. Nhưng theo tôi chỉ có một số từ tượng hình, tượng thanh được coi là từ láy chứ không phải tất cả.
! ! Đã Luận thì phải có Lý! Bạn đã 'Đặt vấn đề' thì nên 'Giải quyết & Kết thúc' 'nó'! ! Đừng bỏ dở & 'gãy gánh' giữa đàng! ! Một lời khuyên tốt: Thời buổi này càng ít người quan tâm thì lại càng may mắn đấy! ! & Một lời nhắc nhở: Việc dẫn link trực tiếp đến trang web khác là phạm quy đó! Bạn lưu ý giùm! ! Thân mến! @tducchau (tdc). (Nt: Nếu Bạn ở Sài Gòn thì... có thể uống trà cùng gia đình bác An Chi... nếu muốn! !)
[...] * Từ song tiết 1. Từ mà trong thành phần cấu tạo có thể phân chia thành hai âm tiết. 2. Từ tiếng Việt bao gồm hai âm tiết (hai tiếng), * Từ tắt Từ bao gồm các đoạn cắt âm tiết tính của các từ trong một cụm từ khởi đầu hoặc các thành tố đã được rút gọn, lược bỏ bớt của một từ ghép hoàn chỉnh ban đầu; còn gọi là chữ viết tắt. Các thành tố của từ tắt có thể tạo thành một từ hoàn chỉnh (Bảo Việt, Liên Xô, VAC). Cấu tạo từ tắt, là một phương thức tạo từ đặc biệt nhằm tạo ra những đơn vị định danh đồng nghĩa có cấu trúc ngắn gọn hơn so với cấu trúc định danh (cụm từ hoặc từ ghép) ban đầu. Từ tắt là một loại tên gọi đặc biệt chỉ xuất hiện trong các ngôn ngữ thành văn. Tính chất đặc biệt của từ tắt thể hiện ra ở cấu tạo của nó. Căn cứ vào đặc điểm này có thể chia từ tắt thành hai loại: từ tắt đơn thành tố và từ tắt đa thành tố. Từ tắt đơn thành tố là những từ tắt chỉ gồm một cái đại diện cho tên đầy đủ, gọi là tắt tố. Tắt tố có thể là một chữ cái (x. - Xem ; H. - Hà Nội, một đoạn cắt âm tiết tính (prof - professor), hay một từ, một chữ trọn vẹn (Việt, Bảo trong Bảo Việt - Công ti bảo hiểm Việt Nam; Liên, Xô trong Liên Xô - Liên bang cộng hòa các nước xã hội chủ nghĩa Xô Viết). Có thể chia từ tắt đơn thành hai kiểu: a) từ tắt đơn thành tố chữ cái, bao gồm những từ tắt mà tắt tố là chữ cái (một hoặc hai, thường là chữ cái đầu và cuối) của tên gọi đầy đủ. Ví dụ: R (Roent - gen), E (English), Mr. (Mister), nr (number); b) từ tắt đơn thành tố đoạn cắt âm tiết tính bao gồm các từ tắt trong đó tắt tố là đoạn cắt (thường là phần đầu) của tên đầy đủ. Ví dụ: Pr. - proíessor, tel. - telephone. Theo đó, có thể chia từ tắt đa thành tố ra bốn kiểu: a) từ tắt đa thành tố chữ cái: CIA (Central Intelligence Agency), VAC (Vườn - Ao - Chuồng), FIFA (Federation International de Footbal Association), NATO (North Atlantic Treaty Organization), MGU (Moskouskij Gosuđarstvennyj Universitet); b) Từ tắt đa thành tố đoạn cắt âm tiết tính: LIMDAT (Limiting Data), Len Lib (Lenin Library), Soc. Sci (Social Science), DIHAVINA. (Nhà xuất bản âm nhạc và đĩa hát Việt Nam); c) từ tắt đa thành tố nguyên chữ là các từ tắt trong đó tắt tố là nguyên cả âm tiết (tiếng) trong tên đầy đủ. Ví dụ: Bảo Việt ; d) từ tắt đa thành tố hỗn hợp, gồm có từ tắt trong đó có cả tắt tố chữ cái, tắt tố đoạn cắt âm tiết tính, tắt tố nguyên âm tiết (tiếng). Ví dụ: BINAC (Binary Automatic Computer), VISCO (Việt Nam Oversea Shipping Company). * Từ thuần Việt Các từ vốn có từ lâu đời làm thành vốn từ vựng cơ bản của tiếng Việt. Ví dụ: Cha, mẹ, mưa, nắng, bếp, vườn, mặt trời, đẹp, xấu... "Những từ thuần Việt là những từ được dân tộc ta dùng từ thượng cổ đến nay. Những từ thuần Việt có quan hệ đến vốn từ vựng cơ bản của nhiều ngôn ngữ Đông Nam Á như: tiếng Thái, tiếng Môn - Khơ - me v.v...". (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại. Nxb GD, H., 1968, tr. 187) "Khi nói đến thuật ngữ thuần Việt, một người không quen với ngôn ngữ học hiện đại có thể tưởng đâu rằng đó là những từ do chính bản thân người Việt tạo ra, không vay mượn ở đâu hết. Sự thực thì khái niệm từ Việt, từ Nga, từ Anh đều không phải là những khái niệm lịch sử mà chỉ dựa trên hình thức... Câu trả lời đối với tiếng Việt là hết sức đơn giản: bất kì từ nào đơn tiết cũng là từ thuần Việt". (Phan Ngọc. Tiếp xúc ngữ nghĩa giữa tiếng Việt và tiếng Hán - "Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á". Viện Đông Nam Á, H., 1983, tr.114) "Bất kì từ láy âm nào cũng được xem là thuần Việt không kể nguồn gốc: Những từ như lắc lê, lập là, long tong mặc dầu là gốc Pháp cũng được người Việt xem là những từ thuần Việt". (Phan Ngọc. Tiếp xúc ngữ nghĩa giữa tiếng Việt và tiếng Hán - 'Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á". Viện Đông Nam Á, H., 1983, tr. 146) "Ngoài những từ có thể xác định chắc chắn là tiếng Việt tiếp nhận của tiếng Hán và các ngôn ngữ Ấn, Âu, tất cả các từ còn lại thưòng được gọi là các từ thuần Việt. Những từ được gọi là thuần Việt thường trùng với bộ phận từ vựng gốc của tiếng Việt, chúng biểu thị những sự vật, hiện tượng cơ bản nhất, chắc chắn phải tồn tại từ rất lâu". (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb ĐH và THCN, H., 1985, tr . 269) [...]
[...] * Từ tình thái Từ đã mất ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp cụ thể, có chức năng như một công cụ biểu thị tình thái; còn gọi là tình thái từ. Từ tình thái không có khả năng làm thành phần câu, chỉ biểu thị mối quan hệ giữa người nói với thực tại ở trong phát ngôn. Trong tiếng Việt, từ tình thái là một tập hợp có số lượng từ không lớn, bao gồm các từ mà ngữ pháp truyển thống gọi là thán từ và trợ từ, như: à, ư, nhỉ, ơi, hử, sao, than ôi, hẳn, cơ mà, ngay cả, ngay đến, cũng, chính ... "Đó là một tập hợp rất nhỏ về mặt số lượng từ, nhưng tập hợp ấy lại có một đặc trưng riêng về bản chất ngữ pháp. Tình thái từ không có ý nghĩa từ vựng và cũng không có ý nghĩa ngữ pháp. Ý nghĩa của các từ tình thái diễn đạt mối quan hệ giữa người nói với thực tại, nhờ đó góp phần làm hình thành mục đích phát ngôn (...). Các từ tình thái có số lượng không lớn nhưng do bản chất ngữ pháp có những khía cạnh rất riêng biệt cho nên có thể và cần phải xếp riêng thành một phạm trù ngang hàng với phạm trù thực từ và hư từ, tuy rằng phạm trù này chỉ bao hàm hai tập hợp nhỏ - tiểu từ và trợ từ. Ngữ pháp truyền thống, theo một tiên nghiệm, thường chia các từ tính thái thành hai loại là trợ từ và thán từ. (...) Trong tiếng Việt có hai hiện tượng sử dụng từ tình thái: những từ tình thái chuyên dụng và những từ tình thái lâm thời (do một số từ thuộc từ loại khác kiêm nhiệm). Những từ tình thái chuyên dụng thường gặp là:à, ư, nhỉ, nhé (nhá, nhớ), a, ạ, ấy, với, thế, nào, đâu, vậy, hẳn, chắc, chăng, mà, cơ, chứ, (chớ) đâu, thôi, đã, đi, hả, hử, chăng, chớ, than ôi, hỡi ôi, vậy ư". (Đinh Văn Đức. Ngữ pháp tiếng Việt (từ loại). Nxb ĐH và THCN, H., 1986, tr.43) * Từ thực Các từ có ý nghĩa từ vựng độc lập, có chức năng định danh, tức là làm tên gọi các sự vật, hiện tượng, hành động, phẩm chất, thuộc tính, quan hệ trong thực tại khách quan và có khả năng hoạt động với tư cách là các thành phần câu; còn gọi là thực từ, đối lập với từ hư. Ví dụ: Sách, nhà, làm, đẹp, năm, chúng ta. 'Nói rằng cú vị có thể trùng với từ là vì trong kho từ vựng của chúng ta có một khối lượng khá lớn những từ có khả năng đồng thời là những đơn vị cơ sở của cú pháp học - đơn vị nhỏ nhất có thể đứng làm thành tố cú pháp. Đó là những vị từ mà ta quen gọi là từ thực". (Nguyễn Tài Cẩn. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb ĐH và THCN, H., 1975, tr.361) "Hình vị từ vựng là những hình vị có ý nghĩa chân thực mà truyền thống mệnh danh là những "từ thực". (Đái Xuân Ninh. Hoạt động của từ tiếng Việt. Nxb KHXH, H., 1978, tr.16) "Thực từ là từ có "nghĩa thực" (hoặc "nghĩa từ vựng") về sự vật, hiện tượng, loại nghĩa mà nhờ nó, có thể làm được sự liên hệ giữa từ với sự vật, hiện tượng nhất định. Ví dụ: cơm, bánh, ăn, sản xuất, ngon, giỏi, tích cực... (...). Thực từ có thể dùng làm phần đề và phần thuyết trong một nòng cốt câu". (UBKHXHVN. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb KHXH, H., 1983, tr.68) "Thực từ - Đó là tập hợp lớn nhất về số lượng từ trong vốn từ, bản chất của ý nghĩa thực từ là tính chất từ vựng - ngữ pháp, là sự kết hợp của một nội dung phản ánh thực tại (từ vựng) với cách thức phản ánh của người bản ngữ. Bản chất đó đã quy định khả năng kết hợp của thực từ; các thực từ tiếng Việt có khả năng đứng làm trung tâm các đoản ngữ, tập hợp chung quanh chúng những thành tố phụ. Bản chất đó cũng quy định rằng các thực từ có thể giữ các chức vụ ngữ pháp trong câu, tức là làm thành phần câu (thành phần chính và phụ), xa hơn các thực từ có khả năng độc lập tạo phát ngôn - câu". (Đinh Văn Đức. Ngữ pháp tiếng Việt (từ loại). Nxb ĐH và THCN, H., 1986, tr.42) [...]
[...] * Từ thường dùng Từ được sử dụng hàng ngày, chung cho mọi người trong một dân tộc, một quốc gia; còn gọi là từ toàn dân. Các từ thường dùng thuộc lớp từ vựng tích cực. * Từ tổ Kết cấu cú pháp bao gồm hai hoặc nhiều thực từ kết hợp với nhau trên cơ sở các quan hệ ngữ pháp phụ thuộc (quan hệ phù hợp, quan hệ nối kết, quan hệ chi phối; còn gọi là cụm từ, đoản ngữ, ngữ, tổ họp từ. Về mặt ngữ pháp và ngữ nghĩa từ chi phối là thành tố trung tâm của từ tổ, còn từ bị phụ thuộc về mặt ngữ pháp là thành tố phụ thuộc. Căn cứ vào đặc điểm của từ làm trung tâm, các từ tổ được chia ra thành các kiểu: từ tổ do danh từ làm trung tâm, gọi là danh ngữ (hay đoản ngữ danh từ); từ tổ do động từ làm trung tâm, gọi là động ngữ (hay đoản ngữ động từ); từ tổ do tính từ làm trung tâm, gọi là tính ngữ (hay đoản ngữ tính từ). Từ tổ là phương tiện định danh, biểu thị sự vật, hiện tượng, quá trình, phẩm chất do thành tố trung tâm gọi tên được xác định rõ và cụ thể hóa thêm nhờ các thành tố phụ thuộc. Ý nghĩa ngữ pháp của từ tổ được tạo nên bằng quan hệ nảy sinh giữa các thực từ khi kết hợp với nhau trên cơ sở một kiểu quan hệ kết hợp chính phụ nào đó. Là một yếu tố cấu tạo câu, từ tổ là một trong những đơn vị cú pháp cơ bản. Là một đơn vị gọi tên, từ tổ khác với câu, đơn vị thông báo về bản chất; nó không có những đặc điểm cơ bản của câu, tức là không có các phạm trù cú pháp, tính tình thái, ngôi, thời, ngữ điệu thông báo. "Hai thực từ ở trong câu có quan hệ với nhau về ý nghĩa và ngữ pháp gọi là từ tổ". (Nguyễn Kim Thản. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt (tập 2). Nxb KH, H., 1964, tr. 27) "Những từ tổ không có sẵn trong vốn từ vựng của ngôn ngữ, và chỉ được lập thành trong khi nói. Người ta có thể thay đổi dễ dàng các yếu tố của nó. Đó là vì từ tổ tự do". (Nguyễn Kim Thản. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt (tập 2). Nxb KH, H., 1964, tr. 38) "Xét theo số lượng của quan hệ ngữ pháp trong từ tổ ta có thể chia ra từ tổ đơn giản và từ tổ phức hợp. Từ tổ đơn giản chỉ có một quan hệ ngữ pháp, tức là chỉ có hai từ. Ví dụ: đọc sách, lạnh chân". (Nguyễn Kim Thản. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt (tập 2). Nxb KH, H., 1964, tr.41) "Từ tổ phức hợp gồm từ hai quan hệ ngữ pháp trở lên cũng tức là có từ ba từ trở lên. Ví dụ: từ tổ đọc sách chính trị gồm có hai quan hệ ngữ pháp: chi phối (đọc sách) và phụ gia (sách chính trị)”. (Nguyễn Kim Thản. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt (tập 2). Nxb KH, H., 1964, tr.41) "Từ tổ tự do là những kết cấu có tính chất nhất thời, hợp đấy rồi tan đấy, không tồn tại lâu dài và không có giá trị tương đương với một từ". (Hoàng Tuệ. Giáo trình Việt ngữ (tập 1). Nxb GD, H., 1962, tr.151) "Những từ tổ tự do là những nhóm từ được kết hợp tạm thời theo quy luật ngữ pháp từ hai thực từ để diễn đạt một khái niệm nào đó. Trong những từ tổ tự do mỗi từ đều giữ một nghĩa độc lập. Nghĩa của từ tổ là nghĩa của từng từ một hợp lại". (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại. Nxb GD, H., 1968, tr.139) [...]
[...] * Từ trái nghĩa Các từ thuộc cùng một từ loại, có ý nghĩa đối lập nhau; còn gọi là từ phản nghĩa. Từ trái nghĩa có thể chia ra thành các kiểu, dựa vào một số đặc điểm: a) từ trái nghĩa biểu thị sự đối lập về phẩm chất như: nặng - nhẹ, cao - thấp; b) từ trái nghĩa biểu thị sự đối lập nghĩa, căn cứ vào yếu tố bổ sung thêm vào, tức là hai thành phần đối lập bổ sung cho nhau, trong đó sự phủ định vế này lại là ý nghĩa của vế kia, kiểu như "không + thật thà = giả dối“ (mù - nhìn thấy; ẩm - khô); c) từ trái nghĩa biểu thị hướng đối lập của hành động, thuộc tính. Sự đối lập này trong ngôn ngữ dựa trên cơ sở những khái niệm đối lập về mặt lôgíc, kiểu cháy – tắt; cách mạng – phản cách mạng; dân chủ - phi dân chủ. "Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa đối lập với nhau. Từ trái nghĩa chỉ thấy ở trong một ngôn ngữ cụ thể". (Nguyễn Văn Tu. Khái luận ngôn ngữ học. Nxb GD, H., 1960, tr. 166). "Có thể nói là những từ trái nghĩa phản ánh những hiện tượng đó lại có chỗ gần nghĩa nhau. Những sự vật cùng nằm trong một phạm trù của hiện thực khách quan... Những từ trái nghĩa chỉ những hiện tượng có cái gì chung, chứ không hoàn toàn trái ngược nhau". (Nguyễn Văn Tu. Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại. Nxb GD, H., 1968, tr. 166) "Từ phản nghĩa là những từ có ý nghĩa đối lập nhau, biểu thị những khái niệm tương phản, chống đối nhau. Sự tương phản bao giờ cũng thuộc một sự thống nhất nào đấy: nếu không có sự thống nhất thì các sự vật không thể là tương phản được". (Đỗ Hữu Châu. Giáo trình Việt ngữ (tập 2, từ hội học). Nxb GD, H., 1962, tr. 81) "Định nghĩa thường gặp về từ trái nghĩa là: từ trái nghĩa là những từ đối lập, trái ngược nhau về nghĩa. Có những trường hợp trái nghĩa trong ngôn ngữ và trái nghĩa trong lời nói". (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb GD, H., 1981, tr. 200). "Từ trái nghĩa là một trong những biện pháp tổ chức từ vựng theo sự đối lập. Có thể định nghĩa từ trái nghĩa là những từ khác nhau về ngữ âm, đối lập về ý nghĩa biểu hiện khái niệm tương phản vê lôgíc, nhưng tương liên lẫn nhau". (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb ĐH và THCN, H., 1985, tr. 232) "Từ trái nghĩa là những từ cùng thuộc một trường từ vựng và đối lập với nhau về mặt nghĩa trên cơ sở một nét chung nào đó". (Đái Xuân Ninh. Từ trái nghĩa và quan hệ nghịch đối - yếu tố có thể so sánh được giữa các ngôn ngữ. "Ngôn ngữ" 1, H., 1986, tr. 1) "Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa đối lập nhau trong mối quan hệ tương liên. Chúng khác nhau về ngữ âm và phản ánh những khái niệm tương phản về lôgíc. Ví dụ: cao và thấp". (Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiệu - Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiẽng Việt Nxb ĐH và GDCN, H., 1990, tr. 237) * Từ tương tự 1. Những từ rất gần nhau, nhưng không hoàn toàn trùng nhau về mặt ngữ âm và ý nghĩa, thường khác nhau về đặc điểm ngữ pháp, khả năng kết hợp từ vựng, ví dụ: Quăn, xoăn, vặn; cái, gái, nái, mái. 2. Từ của ngôn ngữ này tương tự với từ của một ngôn ngữ khác về mặt ý nghĩa, từ nguyên, hình thái v.v... "Hiện tượng từ tương tự là hiện tượng hai từ trùng nhau từng bộ phận của vỏ ngữ âm: sự trùng nhau như thế không thể quy vào hiện tượng đồng âm cũng không thể nói là hai từ trùng nhau về từng thành phần cấu tạo của chúng (trùng nhau về hình vị). Ý nghĩa của hai từ cũng giống nhau, nhưng sự giống nhau đó không thể xác định một cách rõ ràng là hiện tượng đồng âm hay là một biến dạng... Như vậy, hiện tượng từ tương tự được phân giới một mặt với các hiện tượng đồng nghĩa, đồng âm và mặt khác với các hiện tượng trùng âm ngẫu nhiên biến thể của từ". (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb ĐH và THCN, H., 1985, tr. 255 - 256) [...]
[...] * Từ tượng hình Từ có tác dụng gợi tả hỉnh ảnh, dáng điệu của sự vật. Ví dụ: Lom khom, lừng lững, lụp xụp, lung linh. * Từ tượng thanh Các từ dùng chất liệu ngôn ngữ để mô phỏng, bắt chước các âm thanh trong tự nhiên và trong đời sống xã hội, được dùng để biểu thị sự vật về mặt âm thanh. Chính tên gọi "từ tượng thanh" đã nói lên rằng cái vỏ vật chất âm thanh của từ gợi ra nội dung ý nghĩa của chúng. Từ tượng thanh là một phổ niệm ngôn ngữ học, vì ngôn ngữ nào cũng có các từ tượng thanh. Trong hệ thống vốn từ tiếng Việt, từ tượng thanh là nhóm từ phản ánh rõ nhất mối liên hệ giữa âm và nghĩa. Mối liên hệ giữa cái biểu đạt (vỏ vật chất âm thanh) và cái được biểu đạt (nội dung ý nghĩa) trong từ tượng thanh là không hoàn toàn võ đoán. Có thể cảm nhận rõ tính có lí do giữa mặt âm thanh và nội dung ý nghĩa của các từ tượng thanh. Tuy nhiên mối quan hệ giữa hai mặt này không phải là có lí do tuyệt đối bởi lẽ âm thanh trong tự nhiên, trong đời sống xã hội là rất phong phú, đa dạng, trong khi đó những yếu tố ngữ âm, hệ thống âm vị của một ngôn ngữ là hạn chế, hữu hạn, vì vậy dùng chất liệu ngôn ngữ để mô phỏng các âm thanh đã có phần nào là võ đoán, bởi đó chỉ là mô phỏng đại khái âm thanh, tiếng động trong tự nhiên. Các từ tượng thanh được tạo ra trước hết là để mô phỏng những âm thanh trong tự nhiên, nhưng chủ yếu là trên cơ sở mô phỏng ấy, các từ tượng thanh tạo ra cái vỏ ngữ âm để gọi tên sự vật, hiện tượng. "Theo phương pháp này, tên gọi của sự vật (thiên nhiên hay nhân tạo) được cấu tạo do sự mô phỏng thanh âm của nó". (Đỗ Hữu Châu. Giáo trình Việt ngữ (tập 2, từ hội học). Nxb GD, H., 1962, tr.93) "Trong tiếng Việt, tượng thanh cũng là một trong các phương tiện tạo từ (...), rất khó định loại những từ tượng thanh... Chúng tôi đề nghị một cách giải quyết tạm thời là xếp chúng vào từ loại thanh từ, bên cạnh thán từ (có thể gọi nhóm này là tượng thanh từ)". (Nguyễn Kim Thản. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt (tập 1). Nxb KH, H., 1963, tr. 376) "Đó là những đơn vị ngôn ngữ, có khả năng phản ánh hiện thực ngoài ngôn ngữ (cụ thể là có khả năng phản ánh trực tiếp những tiếng động trong hiện thực), và có thể hoạt động tự do trong lời nói. (...). Cần phân biệt từ tượng thanh thực với từ tượng thanh giả. Từ tượng thanh thực (...) là những từ mô phỏng tiếng động, chứ không phải là tên của sự vật; nói cách khác, từ tượng thanh thực không có chức năng định danh. Từ tượng thanh giả là những từ được sinh ra từ từ tượng thanh thực nhưng ở những mức độ khác nhau, không trực tiếp mô phỏng tiếng động, và đã có chức năng định danh. Ví dụ: (con) quạ, (chim) ác là, (chim) bìm bịp". (Hồ Lê. Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại. Nxb KHXH, H., 1976, tr. 166 - 167) " Từ tượng thanh khái quát là từ tượng thanh có khả năng biểu thị một cách khái quát nhiều thứ tiếng động cụ thể. Ví dụ "ầm ầm" chỉ tiếng động có sức vang động mạnh mẽ nói chung; vì vậy, có thể nói "sóng dội ầm ầm", "bom nổ ầm ầm" "máy bay ầm ầm, v.v..." (Hồ Lê. Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại. Nxb KHXH, H., 1976, tr. 183). 'Từ tượng thanh cụ thể là từ tượng thanh luôn luôn tương ứng với một tiếng động nhất định trong tự nhiên, ví dụ "ác là" luôn luôn chỉ tiếng kêu của chim ác là; ”ò ó o" luôn luôn chỉ tiếng gáy của con gà trống; "cúc cu" luôn luôn chỉ tiếng gáy của chim cu". (Hồ Lê. Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại. Nxb KHXH, H., 1976, tr. 183) " Trong tiếng Việt còn có một số từ hoặc rất khó phân định dù đứng ở góc độ ý nghĩa hay đứng ở góc độ cấu trúc chức năng hoặc có cách dùng quá đặc biệt, đó là những biệt từ - Chẳng hạn như: eng éc, khúc khích, rúc rích, rả rích, leng keng'. (Nguyễn Anh Quế. Giáo trình lí thuyết tiếng Việt. Trường ĐHTHHN, H., 1976, tr. 150) "Từ tượng thanh là những từ mô phỏng theo tiếng động của thiên nhiên và các vật. Từ tượng thanh trong tiếng Việt có khoảng dăm trăm từ, phẩn lớn là từ láy. Từ đơn tượng thanh chỉ chiếm một số ít. Thí dụ: ùng, oàng, cốc, êu, meo, ầm, xì, xịt, đùng...'. (Hữu Quỳnh. Ngữ pháp tiếng Việt hiện đại. Nxb GD, H., 1980, tr. 12) "Quả nhiên là trong tiếng Việt cũng như trong tất cả các ngôn ngữ khác - và có thể trong tiếng Việt thì nhiều hơn - có không ít những từ mà hình thức gợi tả cái mà nó biểu thị: đó là các từ tượng thanh, những từ mà hình thức âm thanh của chúng mô phỏng âm thanh của tự nhiên". (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng – ngữ nghĩa tiểng Việt. Nxb GD, H., 1981, tr. 17) "Từ mô phỏng - xưa nay quen gọi là từ tượng thanh, tượng hình - có ý nghĩa ngữ pháp khái quát là chỉ đặc trưng... Theo đó, các từ mô phỏng trong khi mang ý nghĩa đặc trưng đã có đầy đủ các đặc điểm ngữ pháp của từ loại tính từ - trong khả năng kết hợp cũng như trong chức vụ cú pháp". (Đinh Văn Đức. Ngữ pháp tiếng Việt (từ loại). Nxb ĐH và THCN, H., 1986, tr. 158) [...]
[...] * Từ vay mượn Từ của một ngôn ngữ này được nhập vào một ngôn ngữ khác và được bản ngữ hóa, tức là thích nghi với các quy tắc hoạt động, hành chức của các từ thuộc ngôn ngữ đó; còn gọi là từ mượn. "Theo cách hiểu thông thường, từ mượn là từ của một ngôn ngữ khác được nhập vào một ngôn ngữ và được bản ngữ hóa". (Hồ Lê. Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại. Nxb KHXH, H., 1976, tr. 159) "Bởi lẽ đó chỉ nên gọi là từ vay mượn những từ ngoại lai nào đi vào Việt ngữ sau cái thời kì mà Việt ngữ đã kết hợp những yếu tố Mon - Khơmer, Hán – Tạng v.v... , xây dựng nên ngữ ngôn của dân tộc mình. Cũng không nên gọi là từ vay mượn những từ hay những yếu tố nào chung cho một số ngữ ngôn và dựa theo những cái này có thể tìm ra ngữ hệ của các ngữ ngôn đó". (Đỗ Hữu Châu. Giáo trình Việt ngữ (tập 2, từ hội học). Nxb GD, H., 1962, tr. 179) "Không phải bất cứ sự thâm nhập từ nước ngoài nào vào ngôn ngữ cũng là từ vay mượn. Những từ vay mượn phải được cải tạo lại để có hình thức ngữ âm, đặc điểm ngữ pháp phù hợp với hệ thống ngữ âm và ngữ pháp của ngôn ngữ "đi vay". Sự biến đổi ngữ nghĩa của các từ vay mượn cũng là điều thường thấy". (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb GD, H., 1981, tr. 251) "Khi nào không thể dùng biện pháp sao phỏng được, người ta sử dụng biện pháp vay mượn từ. ... Sự vay mượn từ không phải là một hiện tượng độc lập mà là do sự giao thoa ngữ nghĩa quy định và mỗi khi có sự vay mượn từ thì lập tức có giao thoa ngữ nghĩa tức là cái từ được vay mượn sẽ khác cái từ gốc ở ngôn ngữ cho vay vể mặt ngữ nghĩa". (Phan Ngọc. Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á. Viện Đông Nam Á, H., 1983, tr. 37) [...]
[...] * Từ vị 1. Từ được coi như là đơn vị trong vốn từ của một ngôn ngữ được thể hiện ở cả toàn thể các hình thái ngữ pháp cụ thể và các dạng biến đổi dần những biến thể ngữ nghĩa có thể có của nó; đơn vị hai mặt trừu tượng của hệ thống từ vựng. Là một tổng thể các hình thức và ý nghĩa vốn có của một từ trong tất cả mọi sự hiện thực hóa và cách sử dụng của nó, từ vị mang đặc điểm như một sự thống nhất của hình thức và ý nghĩa. 2. Đơn vị cấu thành bất kì thuộc cấp độ ngữ nghĩa có nội dung nghĩa không diễn giải được từ cơ cấu ngữ pháp hoặc từ ý nghĩa của các yếu tổ cấu thành nó. 3. x. hình vị từ vựng [...]
[...] * Từ vựng 1. Toàn bộ các từ của một ngôn ngữ. Từ vựng là đối tượng nghiên cứu của từ vựng học, ngữ nghĩa học, danh xưng học. 2. Toàn bộ các từ đặc trưng cho một biến thể ngôn ngữ và gắn liền với phạm vi sử dụng chúng. Từ vựng địa phương. Từ vựng quân sự. 3. Một trong các lớp phong cách nằm trong thành phần vốn từ của một ngôn ngữ. Từ vựng toàn dân. Từ vựng hội thoại. Từ vựng biểu cảm. 4. Thân bộ các từ được một tác giả nào đó sử dụng, tạo nên "ngôn ngữ" của tác giả đó, hoặc toàn bộ các từ có trong một tác phẩm văn học, một trường phái văn học. Từ vựng của Nguyễn Du. Từ vựng của Puskin. "Từ vựng là vật liệu xây dựng của ngôn ngữ. Không có từ vựng thì không thể tạo thành câu và diễn đạt được ý tưởng. Từ vựng là bộ phận cơ bản nhất của ngôn ngữ". (Hữu Quỳnh - Vương Lộc. Khái quát về lịch sử và ngữ âm tiếng Việt hiện đại. Nxb GD, H., 1980, tr. 28) "Tập hợp các từ và ngữ cố định được gọi là từ vựng của ngôn ngữ. Vì có nhiều tiêu chí tập hợp khác nhau cho nên có những dạng từ vựng khác nhau, ở đây khái niệm từ vựng được dùng với nghĩa rộng nhất: tập hợp tất cả các từ của một ngôn ngữ, không phân biệt tiêu chuẩn tập hợp". (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb GD, H., 1985, tr. 6) "Từ vựng được hiểu là tập hợp tất cả các từ và đơn vị tương đương với từ trong ngôn ngữ. Đơn vị tương đương với từ là những cụm từ cố định, cái mà người ta vẫn hay gọi là các thành ngữ, quán ngữ. Ví dụ: Ngã vào võng đào, múa tay trong bị, con gái rượu, tóc rễ tre...". (Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiệu - Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb ĐH và GDCN, H., 1990, tr. 156) [...]
[...] BẢN SẮC DÂN TỘC "Bản sắc dân tộc", "tính dân tộc" là những thuật ngữ gần như tương đương nhau, biểu thị một số thuộc tính dân tộc học văn hóa nhất định. "Tính (hoặc bản sắc) dân tộc của văn học" - trỏ những đặc tính mà một nền văn học dân tộc có được do sự liên hệ mật thiết của nó với đời sống văn hóa-lịch sử của chính dân tộc ấy. (Khái niệm "dân tộc" ở xã hội người Việt hiện đại có hai nghĩa chính: 1) "dân tộc-quốc gia", tức là một cộng đồng xã hội người, được tạo nên do quá trình hình thành tính cộng đồng về lãnh thổ, về quan hệ kinh tế, về ngôn ngữ văn học, về một số đặc điểm văn hóa và tính cách; 2) các cộng đồng chủng tộc người - bộ lạc, bộ tộc, sắc tộc, ... - nằm trong và hợp thành dân tộc-quốc gia). Văn học, nghệ thuật là một trong những phương diện hoạt động sống về tinh thần của cộng đồng dân tộc trong quá trình lịch sử, gắn bó với đời sống lịch sử của dân tộc. Lịch sử của nó gắn-với lịch sử dân tộc và là một bộ phận của lịch sử dân tộc. Riêng về văn học, khác với một số loại hình nghệ thuật khác, văn học dân tộc gắn với chất liệu của nó là ngôn ngữ dân tộc (hoặc ngôn ngữ văn học chung của cái khu vực mà dân tộc là một bộ phận ở những giai đoạn lịch sử nhất định); văn học là một bộ phận hợp thành quan trọng của văn hóa ngôn từ dân tộc. Lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của các nền văn học dân tộc đều gắn (ở mức khác nhau) với quá trình hình thành, sinh tồn, phát triển của xã hội dân tộc. Bản sắc dân tộc của văn học thể hiện ở ngôn ngữ dân tộc (bản ngữ), tức là cái chất liệu đặc thù, phân biệt một nền văn hóa ngôn từ này với những nền văn hóa ngôn từ khác. (Ở những bộ phận hoặc giai đoạn văn học viết bằng ngôn ngữ chung của khu vực hoặc bằng một ngôn ngữ quốc tế hóa nào đó, tính dân tộc ở chất liệu ngôn ngữ sẽ bộc lộ gián tiếp, kết hợp với các yếu tố khác). Sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ (bản ngữ) là bộ phận văn học bộc lộ rõ nhất những tiềm năng văn hóa (nhất là những ký ức lịch sử dân tộc đã in sâu vào bản ngữ) và khả năng nghệ thuật của ngôn ngữ dân tộc, bảo toàn, phát triển và làm giàu cho nó. Bản sắc dân tộc cũng có thể được bộc lộ ở hệ thống thể tài, thể loại, vốn có diện mạo lịch sử và tiến trình phát triển cụ thể ở từng nền văn học. Bản sắc dân tộc được bộc lộ khá rõ ở nội dung đời sống dân tộc được văn học miêu tả và thể hiện: màu sắc dân tộc ở thiên nhiên và cảnh quan đất nước; những nét độc đáo của các giá trị và định hướng giá trị vốn tiêu biểu cho dân tộc; những nét độc đáo về cách nhìn, cách cảm của dân tộc; tóm lại là tâm lý và tính cách dân tộc được thể hiện trong văn học. Dân tộc là phạm trù lịch sử; các phương diện gắn với dân tộc cũng vậy. Con người của cộng đồng dân tộc cũng là con người của nhân loại chung, mang những hằng số nhân loại chung. Trong quan hệ với những hằng số ấy, "bản sắc dân tộc" vừa là sự thể hiện cụ thể (ở vùng lãnh thổ này, ở khu vực cư dân này), vừa là một trình độ tiến triển (ở cộng đồng kiểu này, với những đặc điểm tiến hóa này) của thuộc tính nhân loại chung. Việc nhấn mạnh một chiều hoặc tuyệt đối hóa "bản sắc dân tộc" có thể dẫn tới chủ nghĩa sôvanh chính trị hoặc văn hóa. Bản sắc dân tộc ở văn hóa nói chung, ở văn học nói riêng, không phải là một đại lượng nhất thành bất biến, cũng không có sẵn từ khởi thủy. Con đường hỉnh thành của nó không phải theo lối tự sinh, biệt lập, trái lại, bản sắc cũng được hình thành từ giao lưu, tiếp nhận, cộng sinh, tạp giao, đồng hóa với các nhân tố văn hóa, văn học từ bên ngoài dân tộc, từ đó sinh thành, phát triển, tạo ra bản sắc. Những đổi mới trên cơ sở tiếp nhận ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại lai, một khi đã có thành tựu, lại mang vào văn hóa, văn học dân tộc những phẩm chất mới, những truyền thống mới, phát triển và đổi mới nó. Sự phát triển văn học, nhất là văn học hiện đại, gắn liền với thành tựu của những cá tính sáng tác kiệt xuất, chính họ với những thành tựu ấy, góp phần quyết định vào việc duy trì, phát triển, làm giàu bản sắc dân tộc cho văn học. Ở cuối thế kỷ XX, xu thế giao lưu, hòa nhập của các nguồn văn hóa, văn học, xu hướng thế giới hóa - trở nên một tất yếu không tránh khỏi. Đồng thời chính quá trình này lại đề ra vấn đề duy trì tính đa dạng văn hóa, duy trì những giá trị mang bản sắc dân tộc trong thế giới hiện đại. [...]
[...] * Từ vựng học Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu thành phần từ vựng của ngôn ngữ, còn gọi là từ hội học, từ vị học. Đối tượng nghiên cứu của từ vựng học là các bình diện khác nhau trong thành phần từ vựng của ngôn ngữ, cụ thể là: vấn đề từ như là đơn vị cơ bản của thành phần từ vựng, các kiểu đơn vị từ vựng, cấu trúc thành phần từ vựng của ngôn ngữ, sự hoạt động của các đơn vị từ vựng, những con đường hoàn thiện và phát triển hệ thống các đơn vị từ vựng, từ vựng và hiện thực ngoài ngôn ngữ, những đặc trưng của các đơn vị từ vựng và quan hệ giữa chúng được phản ánh trong các phạm trù từ vựng học. "Từ là đơn vị cụ thể nhất của ngôn ngữ. Ngành nghiên cứu từ vị của ngôn ngữ gọi là từ vị học. Từ vị học khảo sát từ như một đơn vị cơ bản của ngôn ngữ. Nó nghiên cứu cả những thành ngữ có ý nghĩa chặt chẽ giống như một từ". (Lưu Vân Lăng. Khái luận ngôn ngữ học. Nxb GĐ, H., 1960, tr.9) "Khoa học nghiên cứu về từ là từ vị học. Thuật ngữ này là dịch nghĩa từ "lexicologie" do hai từ căn của tiếng Hi lạp mà ra: Lexico (từ) logos (sự nghiên cứu). Như vậy từ vị học là khoa học về từ. - Từ vị học chỉ nghiên cứu từ với tư cách là đơn vị của ngôn ngữ. - Từ vị học nghiên cứu cả về cách cấu tạo từ, nguồn gốc của từ, cách sắp xếp thu thập thành từ điển v.v...". (Nguyễn Văn Tu. Khái luận ngôn ngữ học. Nxb GD, H., 1960, tr.147) "Từ hội học là một bộ môn ngữ ngôn học có nhiệm vụ nghiên cứu kho từ hội của một ngữ ngôn - nói khác đi, môn học này nghiên cứu từ và các hình thức tương đương với từ trong kho từ hội". (Đỗ Hữu Châu. Giáo trình Việt ngữ (tập 2, từhội học). Nxb GD, H., 1962, tr.3) "Từ vựng học là bộ môn của ngôn ngữ học nghiên cứu vốn từ của một thứ tiếng". (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại. Nxb GD, H., 1968, tr.3) "Từ vựng học nghiên cứu từ về mặt nội dung ý nghĩa về mặt nguồn gốc lịch sử v.v... ... Từ vựng học nghiên cứu cái nội dung tồn tại trong cái vỏ âm thanh đó... ... Từ vựng học chỉ chú ý miêu tả các đơn vị từ vựng học để tìm ra những quy luật cấu tạo, những quy luật phát triển của chúng". (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại. Nxb GD, H., 1968, tr.8) "Từ vựng học chẳng những nghiên cứu các từ, tức là những đơn vị độc lập của ngôn ngữ, những tên gọi của các sự vật, hiện tượng thực tế, những cái biểu hiện của các khái niệm, hành động, trạng thái, phẩm chất v.v... (ví dụ: bàn, ghế, đi, ở, đẹp, xấu, v.v...) mà còn nghiên cứu cả các cụm từ cố định, tức là còn nghiên cứu cả những đơn vị tương đương với từ (ví dụ: ăn trên ngồi trốc, mẹ tròn con vuông, nước đổ lá khoai, v.v...)". (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb ĐH và THCN, H., 1985, tr.21) "Khác với các bộ môn ngôn ngữ học khác, từ vựng học nghiên cứu từ vựng dưới góc độ sự hình thành phát triển và trạng thái hiện tại của nó". (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb ĐH và THCN, H., 1985, tr.22) "Từ vựng học là bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu từ vựng của ngôn ngữ". (Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiệu - Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb ĐH và GDCN, H., 1990, tr.156) [...]
[...] * Tử ngữ Ngôn ngữ không còn được sử dụng (không được dùng làm ngôn ngữ hội thoại tự nhiên), chỉ còn lưu lại trên các bia viết hoặc ấn phẩm xưa; đối lập với sinh ngữ. Ví dụ, tiếng La tinh là tử ngữ. [...]
[...] * Ngôn ngữ 1. Một trong những hệ thống kí hiệu độc đáo, là phương tiện cơ bản và quan trọng nhất của việc giao tiếp giữa các thành viên trong cộng đồng người và cũng là phương tiện phát triển của tư duy, truyền đạt các truyền thống văn hóa - lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngôn ngữ là đối tượng nghiên cứu cơ bản của ngôn ngữ học. Thuật ngữ "ngôn ngữ" cần được hiểu là ngôn ngữ tự nhiên của con người (đối lập với các ngôn ngữ nhân tạo và ngôn ngữ của động vật). Sự nảy sinh và phát triển của ngôn ngữ có liên quan mật thiết đến sự phát sinh và tồn tại của loài người. Ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu phát sinh tự nhiên, phát triển có quy luật và mang đặc trưng xã hội. Đó là một hệ thống tồn tại trước hết không phải cho từng cá nhân mà cho một cộng đồng xã hội nhất định, vì gắn chặt với một cộng đồng loài người trong quá trình xuất hiện và phát triển, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội. Ngôn ngữ và tư duy tạo thành một thể thống nhất hữu cơ, bởi lẽ cái này không thể tồn tại nếu không có cái kia. Vốn là một sản phẩm của hoạt động của con người, ngôn ngữ có tính mục đích. Ngôn ngữ là một hệ thống phương tiện biểu hiện nhằm đáp ứng một mục đích nào đấy. Thực chất của ngôn ngữ với tính cách là một hệ thống kí hiệu nằm trong tính chất không có nguyên do của mối quan hệ giữa hình thức âm thanh và ý nghĩa, tức là tính chất võ đoán giữa hai bình diện này của kí hiệu ngôn ngữ. 2. Toàn bộ các động tác của cơ thể, âm thanh v.v... được giới động vật sử dụng trong việc giao tiếp với nhau (để báo trước về sự nguy hiểm, thông báo về nơi kiếm mồi và những thông tin khác). Ví dụ: Ngôn ngữ động vật; Ngôn ngữ loài ong. 3. Hệ thống kí hiệu bất kì mô phỏng một chức năng nào đó của ngôn ngữ tự nhiên hoặc hoạt động với tư cách là cái thay thế cho ngôn ngữ tự nhiên. 4. Biến dạng của lời nói với những đặc trưng phong cách riêng. Ví dụ: Ngôn ngữ hội thoại; Ngôn ngữ thơ ca; Ngôn ngữ tác giả. [...]