Thảo luận Nghĩa Ngữ Điển Từ Việt: Văn, Sách… và TVE-4U!

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 25/3/15.

Moderators: amylee
  1. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    * Sáo ngữ

    Từ ngữ, câu nói rập khuôn, nhàm tai, lặp đi lặp lại nhiều lần một cách máy móc trong những cảnh huống nói năng điển hình trong sinh hoạt hàng ngày hoặc trong tác phẩm văn học. Như tên gọi của mình, thuật ngữ "sáo ngữ" thường có ý nghĩa đánh giá phủ định, tiêu cực và thường được sử dụng một cách dễ dãi thiếu suy nghĩ để biểu thị khả năng diễn cảm của ngôn ngữ.


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan, chis and 1 other person like this.
  2. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    ẨN DỤ


    Một hiện tượng ngôn ngữ, đồng thời là một hiện tượng tư duy. Trong nghĩa hẹp, ẩn dụ là biện pháp tu từ (có trong mọi ngôn ngữ) chuyển đặc tính của đối tượng (sự vật, hiện tượng) này cho đối tượng khác, theo nguyên tắc có sự tương đồng hoặc tương phản về một mặt nào đó giữa chúng. Nếu ở so sánh có mặt cả hai thành phần được so sánh (ví dụ: Thân em như dải lụa đào; Đôi ta như lửa mới nhen / Như trăng mới rạng như đèn mới khêu - Ca dao Việt Nam) thì ẩn dụ là so sánh ngầm. Ví dụ ở các câu: Đào tiên đã bén tay phàm; Trông lên mặt sắt đen sì (Nguyễn Du - Truyện Kiều) thì "đào tiên" trỏ người con gái đẹp, "mặt sắt đen sì" trỏ viên quan xử kiện.

    Ẩn dụ nổi bật ở tính biểu cảm, mở ra những khả năng vô tận cho việc nhìn ra nét gần nhau của những sự vật, hiện tượng khác xa nhau, về thực chất, ẩn dụ là một cách nghĩ mới về đối tượng; nó có thể phát hiện bản chất ẩn giấu của đối tượng. Thơ ca phương Đông có vô số những ẩn dụ được tạo ra và trở thành những điển cố, được nhập vào vốn thi liệu chung. Không hiếm khi ẩn dụ là biểu hiện cái nhìn độc đáo cá nhân của nghệ sĩ; khác với những ẩn dụ đã trở nên thông tục, những ẩn dụ mang tính độc đáo cá nhân là một trình độ cao của thông tin nghệ thuật, bởi vì nó chuyển đối tượng (và ngôn từ) thoát khỏi lối cảm thụ máy móc.

    Cần phân biệt ẩn dụ với tư cách một hiện tượng thường thấy ở phạm vi ngôn ngữ, với ẩn dụ theo nghĩa rộng, như là kiểu hình tượng liên tưởng do trí tưởng tượng tạo ra ở những tình huống nhất định và nhất là với mục đích biểu cảm thẩm mỹ. Nhiều nhà nghiên cứu gắn sự nảy sinh hình tượng ẩn dụ với giai đoạn tự phát của sự tri giác thế giới - thời kỳ nguyên thủy của mọi nền văn hóa và ngôn ngữ. Rất có thể ẩn dụ nảy sinh vào thời đại tan rã của ý thức thần thoại (bởi vì không thể có ẩn dụ trong ý thức thần thoại và ý thức vật linh luận, ở đó còn chưa chia tách được thế giới cần nhận thức và con người nhận thức thế giới ấy). Sự nảy sinh ẩn dụ trở thành điểm khởi đầu cho quá trình trừu tượng hóa các ý niệm cụ thể, điểm khơi đầu cho sự hình thành hình tượng nghệ thuật. Vào thời mà đời người còn được lý giải như là do Thượng đế an bài và mọi thứ ở đời (tự nhiên, lịch sử, đời người...) còn đầy rẫy những hàm nghĩa tượng trưng bí ẩn, nghệ thuật và sách vở thời trung đại đã xây dựng cả một hệ thống tượng trưng thuần nhất hoàn toàn mang tính ẩn dụ. Ý thức dân gian - với các lối tính lịch, các dấu hiệu về "điềm", "triệu", các lời tiên tri... - cũng tạo ra dạng thức các tượng trưng ẩn dụ của mình. Thời cận đại - mà khâu trung tâm là việc con người trở thành chính mình chứ không phải con người bị chiếm lĩnh bởi "thế giới bên kia" - thời con người tìm kiếm sự cân bằng "tôi và thế giới", văn học phản ánh quá trình này trong cái gọi là "phong cách cổ điển", loại trừ lối ẩn dụ chủ thể khách quan. Ở thơ ca thế kỷ XX, ẩn dụ trở thành phương thức tăng cường nỗ lực và tự do sáng tạo của nghệ sĩ.

    Một số nhà nghiên cứu cho rằng ẩn dụ là cơ sở cấu trúc của hình tượng nghệ thuật. Ẩn dụ có vai trò trong nhận thức của con người và trong nghệ thuật: nó đem lại sự sắc bén và sáng rõ cho ý tưởng, nó làm mới lại đối tượng, tạo ra hình tượng cảm tính cụ thể sắc nét, biểu hiện được những xúc cảm sống động nhưng tiềm ẩn, làm tăng ấn tượng. Ở hình tượng nghệ thuật ẩn dụ, việc chuyển các dấu hiệu từ một đối tượng này sang đối tượng khác, việc trùng hợp chúng với những khác biệt mang tính ngụ ý - tạo ra một sự hình dung mới. Ở ẩn dụ thể hiện bản chất đa nghĩa của hình tượng nghệ thuật.

    Ẩn dụ là đặc tính không chỉ của nghệ thuật ngôn từ, mà còn của các loại hình nghệ thuật khác, ví dụ nhiếp ảnh tư liệu nghệ thuật, nơi mà ẩn dụ bộc lộ bằng lắp ghép (montage); hoặc nghệ thuật tạo hình, ở đây ẩn dụ được dùng cùng phúng dụ (allégorie) và tượng trưng, nhất là ở thể loại tranh cổ động. Ẩn dụ là thủ pháp của nhiều tranh, tượng hiện đại. Tư duy hình tượng ẩn dụ còn là yếu tố thẩm mỹ thường có trong các khoa học nhân văn, các khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ.


    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/6/16
  3. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    PHÚNG DỤ


    Còn gọi là nói bóng hoặc ám chỉ; một biện pháp chuyển nghĩa trong nghệ thuật ngôn từ; một kiểu hình tượng, một nguyên tắc tư duy và tổ chức chất liệu trong nghệ thuật nói chung.

    Có thể coi phúng dụ là ẩn dụ với quy mô lớn hơn (không chỉ ở cấp độ câu đoạn mà còn bao quát toàn tác phẩm). Phúng dụ dựa trên cơ sở lối nói ngụ ý, bóng gió, biểu đạt một ý tưởng trừu tượng, khái quát bằng hình ảnh trực quan. Ví dụ câu ca dao Việt Nam "Ta về ta tắm ao ta / Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" diễn tả triết lý bằng lòng với thực tại, với những gì đã quen thuộc, "của mình", không tham vọng cao xa.

    Dạng phúng dụ thường gặp trong thực tiễn nghệ thuật là nhân cách hóa các loại tư tưởng bằng hình ảnh các sinh thể sống hoặc các định đề ẩn dụ. Chẳng hạn sự chiến thắng được miêu tả bằng hình ảnh nữ thần Nike (của thần thoại cổ Hy Lạp): một thiếu nữ có cánh đội vòng nguyệt quế và đứng trên xe; công lý được mô tả bằng hình ảnh nữ thần Thémis - một phụ nữ có cặp mắt nghiêm khắc, tay cầm chiếc cân; ý niệm về Cách mạng và Tự do được thể hiện trong tranh Thần Tự do trên chiến lũy, 1830, của Delacroix; lối miêu tả hình hiệu thể hiện ý niệm về sức mạnh, sự quả cảm, sự sáng suốt... - dưới dạng sư tử, gấu, đại bàng; v.v...

    Tính chất ám chỉ, ngụ ý của phúng dụ bộc lộ ở tính hai mặt của nó: mô tả một cái gì đó không trùng hẳn với nội dung đích thực của tác phẩm, nhưng chính lối mô tả ấy lại là cách bộc lộ nội dung ấy, bởi vì ở đấy có cả hai lớp hàm nghĩa - nghĩa bề sâu và nghĩa bề mặt. Hàm nghĩa phúng dụ của hình tượng nghệ thuật được hình thành trên cơ sở cái hàm nghĩa đã được cố định hóa nhờ truyền thống (thần thoại, nghệ thuật cổ điển, văn hóa dân gian, tôn giáo). Tuy vậy, vượt ra khỏi giới hạn của hàm nghĩa cũ ấy, ở phúng dụ có thể xuất hiện một nội dung mới, mang tính thời đại, thời sự, chồng lên trên hàm nghĩa cũ. Ví dụ hình tượng “người gieo hạt” lưu hành trong sáng tác văn học đã không còn gắn với cách giải nghĩa vốn có ở kinh Phúc âm.

    Khái niệm phúng dụ (chữ Hy Lạp: allègoria) xuất hiện từ thời Cổ Hy La. Nguyên tắc phúng dụ được dùng phổ biến trong mỹ học và nghệ thuật trung đại châu Âu (kiến trúc, điêu khắc, văn học, hội họa, lễ hội dân gian). Đầu thời Phục Hưng, phúng dụ mất vai trò phổ quát trong tư duy nghệ thuật, nhưng đến thế kỷ XVI nó lại được chú ý đến, được xem như hình thức diễn tả các giá trị tinh thần cao. Ở mỹ học và nghệ thuật của chủ nghĩa cổ điển, nó được thừa nhận như một nguyên tắc cốt yếu của tư duy nghệ thuật; những đề tài và tính cách của văn học cổ đại Hy La được xem như mẫu mực hoàn thiện, được dùng làm quy phạm để biểu hiện những tư tưởng và lý tưởng cao cả.

    Mỹ học Khai Sáng cũng chú ý đến khả năng của phúng dụ trong việc truyền đạt những nội dung phổ quát. Ở mỹ học Hegel, phúng dụ được phân tích trong tương quan với tượng trưng. Các tác gia của chủ nghĩa lãng mạn phát triển phương hướng này, nhấn mạnh tính sơ lược nghèo nàn của phúng dụ so với tượng trưng. Tuy vậy, hình tượng phúng dụ vẫn là một trong những thành tố quan trọng ở sáng tác của khá nhiều nghệ sĩ khác nhau về xu hướng nghệ thuật (P. B. Shelley, Saltykov-Schedrin, E. Verhaeren, H. Ibsen, A. France...).

    Ở một số xu hướng mỹ học thế kỷ XX, phúng dụ được xem như một loại tượng trưng "giả hiệu", không hoàn chỉnh, chỉ làm nghèo nghệ thuật. Trong thực tiễn nghệ thuật thế kỷ XX, phúng dụ tiếp tục tồn tại như một biện pháp và một nguyên tắc tổ chức chất liệu nghệ thuật; cách thể hiện phúng dụ theo lối truyền thống vẫn được dùng trong những thể tài như thơ và truyện ngụ ngôn, văn trào phúng, nghịch dị, văn học không tưởng; cách thể hiện mới của phúng dụ xuất hiện ở một số thể tài như điêu khắc hoành tráng (tượng Mẹ-Tổ Quốc, Chiến sĩ Vô Danh...), phim nghệ thuật (của F. Fellini, A. Tarkovsky...), tiểu thuyết (ví dụ Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, Dịch hạch của A. Camus, Trăm năm cô đơn của G. G. Marquez, v.v...).


    [...]
     
  4. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    CÔNG ƯỚC BERNE


    Về lịch sử hình thành và phát triển, Công ước này là sự biểu hiện của hệ thống luật án lệ và hệ thống luật thành văn là hai triết lí phát sinh sự khác nhau, đang tồn tại trong hệ thống các luật quyền tác giả. Sự khác nhau này đều đã thể hiện tại các điều ước quốc tế song phương. Theo thời gian, nhiều điều ước quốc tế song phương đã được kí kết, đặc biệt là sự gia tăng vào nửa cuối thế kỷ XIX. Từ đó, ý tưởng về một điều ước quốc tế đa phương đã ra đời. Việc chuẩn bị một văn kiện pháp lí chứa đựng các quy tắc ứng xử chung, tạo ra nền tảng pháp lí thống nhất tới mức có thể là vấn đề rất phức tạp. Công việc này đã khởi động trước khi thông qua nghị quyết Hội nghị của Hiệp hội Văn học và Nghệ thuật quốc tế (ALAI) năm 1886. Theo yêu cầu của ALAI, 3 hội nghị ngoại giao liên tiếp được tổ chức tại Bern vào các năm 1884, 1885 và 1886 do Liên bang Thụy Sỹ triệu tập để xem xét dự thảo Công ước. Tại cuộc họp lần thứ ba năm 1886, Công ước về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật đã được thông qua, vì vậy còn được gọi là Công ước Berne. Nguyên tắc đối xử quốc gia và yêu cầu bảo hộ tối thiểu là tư tưởng quán xuyến toàn bộ nội dung của Công ước này.

    Công ước Berne ra đời cách đây 122 năm, văn bản ngày 24-7-1971 tại Paris, sửa đổi ngày 28-9-1979 là văn bản đang được thi hành tại 164 quốc gia thành viên. Như vậy, sức sống của nó hiện đã nằm trong 3 thế kỷ, trong đó trên một thập niên thuộc thế kỷ XIX, trọn thế kỷ XX và đang ở thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Sở dĩ trường tồn như vậy, vì từ khi ra đời đến nay đã trải qua 8 lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thời đại. Trong đó lần sửa đổi đầu tiên tại Paris năm 1896, tiếp đó tại Berlin năm 1908, tại Bern năm 1914, tại Rome năm 1928, tại Brussels năm 1948, tại Stockholm năm 1967, tại Paris năm 1971 và bổ sung năm 1979. Việc sửa đổi, bổ sung Công ước xuất phát từ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, như việc phát minh ra máy ghi âm, máy ảnh, radio, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, v.v... đồng thời là nhu cầu nội tại của việc công nhận quyền tinh thần, huỷ bỏ thủ tục hình thức, bảo hộ sự sáng tạo dân gian, tiếp cận tác phẩm cho việc giáo dục, nghiên cứu khoa học, v.v... Các điều luật được điều chỉnh đã chi tiết hơn về quyền được bảo hộ, ngoại lệ và giới hạn, thời hạn bảo hộ tối thiểu, chủ sở hữu nguyên thuỷ, v.v... Sau nhiều lần sửa đổi, Công ước Berne đã đưa ra các quy định đạt mức hài hoà cao dựa trên nguyên tắc đối xử quốc gia kết hợp với những quy định về mức độ bảo hộ tối thiểu.

    Ba nguyên tắc điều chỉnh lợi ích của các quốc gia thành viên:

    Nguyên tắc đối xử quốc gia, là nguyên tắc đặt ra cho các quốc gia thành viên thực hiện bảo hộ tác phẩm có nguồn gốc từ các quốc gia thành viên khác, tương tự như sự bảo hộ tác phẩm của công dân quốc gia mình. Sự bảo hộ đó không kém thuận lợi, không thấp hơn sự bảo hộ đối với công dân thuộc quốc gia mình. Nguyên tắc này đặt ra sự bình đẳng trong đối xử với công dân và pháp nhân của các quốc gia thành viên.

    Tiếp theo là nguyên tắc bảo hộ đương nhiên, là sự bảo hộ không lệ thuộc vào bất kì thủ tục hình thức nào, như là thủ tục đăng kí cấp giấy chứng nhận, việc nộp lưu chiểu, hoặc các thủ tục tương tự khác.

    Nguyên tắc cuối cùng là nguyên tắc độc lập bảo hộ. Nguyên tắc này nêu yêu cầu cho các quốc gia thành viên việc bảo hộ để công dân và các pháp nhân được hưởng và thực thi các quyền được cấp theo Công ước là độc lập với những gì được hưởng tại nước xuất xứ của tác phẩm. Ba nguyên tắc này phải được thực hiện tại tất cả các quốc gia thành viên, nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng cho công dân và pháp nhân có tác phẩm được bảo hộ. Đó cũng là sự bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các nước thành viên Công ước.

    Tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu tại các quốc gia thành viên:

    Bảo hộ tối thiểu là chuẩn mực chung, áp dụng tại mọi quốc gia thành viên, được thể hiện tại các quy định của Công ước, đặc biệt là quy định về các quyền của tác giả và thời hạn bảo hộ.

    Đối với tác phẩm, Công ước dành sự bảo hộ cho tất cả các ý tưởng về sản phẩm trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được định hình dưới dạng vật chất nhất định đã hoặc sẽ có trong tương lai, không phân biệt hình thức và cách thức thể hiện, không lệ thuộc bởi bất kì thủ tục hình thức nào như là việc đăng kí, nộp lưu chiểu. Quy định này bắt nguồn từ triết lí “quyền tự động phát sinh”, nguyên tắc bảo hộ đương nhiên. Các liệt kê tại Điều 2 Công ước bao gồm nhiều loại hình tác phẩm cụ thể được bảo hộ. Theo yêu cầu mới của việc bảo hộ từ các nước đang phát triển, loại hình văn học, nghệ thuật dân gian đã được bổ sung tại Hội nghị Stockholm năm 1967. Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, Hiệp định Trips về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền Sở hữu trí tuệ năm 1994 đã bổ sung chương trình máy tính và sưu tập dữ liệu vào loại hình tác phẩm được bảo hộ (Điều 10); việc loại trừ các loại hình không được bảo hộ cũng được quy định cụ thể để các quốc gia thành viên áp dụng. Như vậy, cùng với sự phát triển của nhân loại, tác phẩm được bảo hộ luôn được bổ sung để có thể thực hiện bảo hộ trên toàn cầu các sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học.

    Về quyền được bảo hộ, Công ước quy định các quyền độc quyền của tác giả bao gồm quyền sao chép, quyền phân phối, quyền dịch, quyền phóng tác, quyền biểu diễn công cộng, quyền kể lại trước công chúng, quyền phát sóng, quyền truyền thông tới công chúng, quyền bán lại tác phẩm nghệ thuật gốc. Khi xuất hiện các hiệp ước về Internet (WCT, WPPT), khái niệm sao chép kĩ thuật số, các quyền truyền kĩ thuật số, biện pháp công nghệ và thông tin quản lí quyền ra đời để có thể bảo vệ được quyền tác giả trong thời đại kĩ thuật số. Các quyền độc quyền trên là quyền kinh tế của tác giả, do tác giả trực tiếp thực hiện hoặc cho phép các tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Việc khai thác các quyền này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho tác giả để tái đầu tư cho sáng tạo mới. Nguồn lợi thu được từ các tác phẩm là động lực thúc đẩy lao động sáng tạo của các tổ chức và cá nhân, để có nhiều giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học đáp ứng nhu cầu đa dạng và phong phú của xã hội loài người. Đồng thời với quyền độc quyền, Công ước còn đưa ra quy định về giới hạn và ngoại lệ. Tuy nhiên nó phải đáp ứng điều kiện ba bước thử. Có nghĩa các giới hạn và ngoại lệ chỉ mở rộng tới các trường hợp đặc biệt, không ảnh hưởng tới việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây thiệt thòi về quyền lợi hợp pháp của tác giả. Các quyền tinh thần được đề cập trong Công ước là các quyền đứng tên tác giả trên tác phẩm, phản đối bất kì sự cắt xén, bóp méo, sửa đổi hoặc bất kì hành vi xúc phạm khác liên quan tới tác phẩm, có thể làm phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

    Thời hạn bảo hộ cũng là vấn đề thuộc yêu cầu bảo hộ tối thiểu đã được quy định tại Công ước Berne. Có hai nguyên tắc tính thời hạn bảo hộ được áp dụng.

    Nguyên tắc tính thời hạn bảo hộ theo đời người, được quy định là khoảng thời gian suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời.

    Nguyên tắc tính thời hạn bảo hộ dựa vào thời điểm công bố được quy định là khoảng thời gian 50 năm đối với tác phẩm điện ảnh hoặc thời điểm tác phẩm được sáng tạo, nếu chưa công bố. Đối với tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, thời hạn bảo hộ tối thiểu là 20 năm kể từ khi tác phẩm được sáng tạo.

    Quy định này là yêu cầu bảo hộ tối thiểu, tuỳ theo từng quốc gia thành viên có thể quy định thời hạn bảo hộ dài hơn như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Singapore, v.v...

    Ưu đãi dành cho quốc gia thành viên là những nước đang phát triển là những điều khoản đặc biệt dành cho các quốc gia đang phát triển được quy định tại Phụ lục Công ước Berne về ưu đãi, miễn trừ. Lợi ích này là thoả thuận của các nước phát triển, để các quốc gia đang phát triển có thể tiếp cận việc dịch và xuất bản (làm các bản sao) đối với một số loại hình tác phẩm. Giấy phép không độc quyền và bất khả nhượng sẽ do cơ quan có thẩm quyền cấp với thời hạn thông thường là 5 năm tính từ lần xuất bản đầu tiên tác phẩm; là 3 năm đối với tác phẩm khoa học tự nhiên, kể cả toán học và công nghệ; là 7 năm đối với tác phẩm khoa học và viễn tưởng, thơ ca, kịch, âm nhạc và tác phẩm nghệ thuật. Đây là lợi ích được ưu đãi, nhưng nhiều vấn đề liên quan đến điều kiện sử dụng, thủ tục và quy trình bắt buộc cũng như hình thành trung tâm thông tin quốc gia để quản lí vấn đề này phải được thực hiện nghiêm túc tại các quốc gia đang phát triển có nhu cầu hưởng ưu đãi.

    Công ước Berne là công ước quốc tế về bản quyền lâu đời nhất. Nó tạo nên yếu tố nền tảng và tương tác với các công ước và hiệp ước khác đặc biệt là Hiệp định Trips, Công ước quyền tác giả toàn cầu (UCC), các Hiệp ước về Internet (WCT, WPPT). Vì vậy, việc tiếp cận với Công ước Berne và các công ước, hiệp ước quốc tế khác về bản quyền để có nhận thức đúng, hiểu biết đầy đủ, làm cơ sở cho hoạt động thực thi, khai thác các lợi ích bản quyền trên phạm vi toàn cầu là yêu cầu tất yếu của quá trình hội nhập. Việt Nam có tìm thấy lợi ích hài hòa đặt ra tại Công ước Berne và các công ước, hiệp ước quốc tế khác về quyền tác giả và quyền liên quan trong quá trình thực thi, hội nhập hay không, điều đó tuỳ thuộc nhiều ở sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức phi chính phủ liên quan, đặc biệt là các tổ chức và cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm.

    Đến 15-7-2009 có 164 nước là thành viên của Công ước. Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam ngày 26/10/2004.


    (Nguồn Cục Bản quyền tác giả).​


    [...]
     
    Last edited by a moderator: 21/6/16
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  5. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    CÔNG ƯỚC UCC


    Công ước quyền tác giả toàn cầu (Công ước UCC) bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, do Tổ chức các nước châu Mỹ quản lí, được thông qua tại Geneva, Thụy Sỹ ngày 6-9-1952 và sửa đổi ngày 24-7-1971 tại Paris Cộng hòa Pháp. Công ước UCC gồm có 21 điều, phần phụ lục, nghị quyết và biên bản, để mở cho bất kì quốc gia nào đệ đơn gia nhập. Văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập phải được gửi tới Tổng Thư kí Liên hợp quốc. Công ước quy định các quốc gia thành viên có quy định bảo hộ quyền tác giả phải coi điều kiện được đáp ứng khi trên các bản sao của tác phẩm được công bố lần đầu tiên có dấu hiệu chữ “C” bên trong vòng tròn (©).

    Thời hạn bảo hộ quyền tác giả không ngắn hơn cuộc đời tác giả và 25 năm sau khi tác giả chết. Thuật ngữ “công bố” có nghĩa là việc làm ra các bản sao từ bản gốc tác phẩm và đưa các bản sao đó đến công chúng, với điều kiện bản sao đó phải đọc được hoặc cảm nhận được. Công bố đồng thời ở hai hay nhiều nước là việc công bố trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố đầu tiên tại quốc gia.

    Công ước UCC đặc biệt quy định về quyền dịch, các hạn chế và ngoại lệ đối với quyền này. Thời hạn xin cấp giấy phép dịch thuật cưỡng bức đối với tác phẩm đã công bố là 7 năm, với điều kiện là người nắm giữ quyền dịch thuật không công bố bản dịch của mình bằng ngôn ngữ phổ thông tại nước có liên quan. Thời hạn này có thể giảm xuống còn 3 hoặc 1 năm, tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể.

    Công ước có quy định lập ủy ban liên Chính phủ đóng vai trò quản lí và điều hành Công ước. Đến ngày 15-7-2009 Công ước UCC có 100 quốc gia thành viên. Tại thời điểm này Việt Nam chưa nộp đơn tham gia Công ước UCC.


    (Nguồn Cục Bản quyền tác giả).​


    [...]
     
    Last edited by a moderator: 21/6/16
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  6. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    CÔNG ƯỚC ROME


    Công ước bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng được kí kết ngày 26-10-1961 tại Rome, vì vậy còn được gọi là Công ước Rome. Công ước để mở cho tất cả quốc gia thành viên của Công ước Berne hoặc Công ước quyền tác giả toàn cầu (UCC). Văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập phải được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc. Các nước tham gia có thể đưa ra bảo lưu về việc áp dụng một số quy định cụ thể tại Công ước. Công ước gồm 34 điều với các quy định bảo đảm sự bảo hộ tại các quốc gia thành viên, đối với các cuộc biểu diễn của người biểu diễn, các bản ghi âm của các nhà sản xuất bản ghi âm các các chương trình phát sóng của các tổ chức phát sóng.

    Người biểu diễn là các diễn viên, ca sĩ, vũ công, nhạc công, và những người khác biểu diễn các tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật được bảo hộ, chống lại các hành vi cụ thể không được sự đồng ý của họ. Các hành vi này gồm: phát sóng và truyền đạt tới công chúng cuộc biểu diễn trực tiếp của họ; định hình các cuộc biểu diễn trực tiếp của họ; sao chép các bản định hình, hoặc nếu việc sao chép này được thực hiện nhằm các mục đích khác với các mục đích mà họ đã đồng ý.

    Nhà sản xuất bản ghi âm được hưởng quyền cho phép hoặc ngăn cấm việc sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm của họ. Theo Công ước Rome bản ghi âm là bất kì sự định hình các âm thanh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh khác dành riêng cho cơ quan thính giác. Khi các bản ghi âm được công bố nhằm mục đích thương mại thì việc sử dụng (như là phát sóng hoặc truyền đạt tới công chúng bằng bất kì hình thức nào, tại nhà hàng, khách sạn, v.v…), phải trả thù lao tương xứng cho những người biểu diễn, hoặc cho những nhà sản xuất bản ghi âm.

    Tổ chức phát sóng được hưởng quyền cho phép hoặc ngăn cấm việc tái phát sóng chương trình phát sóng của họ; định hình chương trình phát sóng và sao chép các bản định hình này; truyền đạt đến công chúng các buổi phát sóng truyền hình nếu việc truyền đạt này được thực hiện tại nơi để mở cho công chúng tham dự bằng việc thanh toán phí vào cửa. Công ước Rome cho phép những ngoại lệ trong luật pháp quốc gia đối với các quyền nêu trên như là sử dụng cá nhân, sử dụng các trích đoạn ngắn trong việc đưa tin thời sự, định hình tạm thời bằng phương tiện của các tổ chức phát sóng và phục vụ cho việc phát sóng của chính tổ chức phát sóng, sử dụng chỉ nhằm mục đích giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

    Thời hạn bảo hộ phải kéo dài ít nhất cho đến khi kết thúc thời hạn 20 năm, tính từ khi kết thúc năm bản ghi âm, cuộc biểu diễn được định hình (trường hợp cuộc biểu diễn không được định hình thì tính từ khi nó được tiến hành), chương trình phát sóng được thực hiện. Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là các tổ chức đồng quản lí Công ước. Các tổ chức đồng quản lí chỉ định Ban thư ký. Một ủy ban liên Chính phủ được thành lập gồm đại diện của 12 quốc gia kí kết, có nhiệm vụ xem xét và giải quyết các vấn đề liên quan đến Công ước.

    Công ước Rome không quy định về việc tạo ra một Liên hiệp và tài chính riêng. Đến ngày 15-7-2009 Công ước Rome có 88 quốc gia thành viên. Công ước Rome có hiệu lực tại Việt Nam ngày 1-3-2007.


    (Nguồn Cục Bản quyền tác giả).​


    [...]
     
    Last edited by a moderator: 21/6/16
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  7. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]



    CÔNG ƯỚC GENEVA
    (Công ước bản ghi âm)


    Công ước bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm, chống lại việc sao chép không được phép các bản ghi âm của họ, Công ước được ký kết tại Geneva ngày 29-10-1971, vì vậy còn được gọi là Công ước Geneva. Công ước để mở cho bất kì quốc gia thành viên nào của Liên hợp quốc, hoặc thành viên của bất kì tổ chức nào thuộc hệ thống các tổ chức của Liên hợp quốc. Văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập phải được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc. Ngoài phần mở đầu, Công ước có 14 điều quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, về việc bảo hộ các nhà sản xuất bản ghi âm mang quốc tịch của các quốc gia thành viên khác, chống lại việc làm bản sao và việc nhập khẩu các bản sao nhằm mục đích phân phối công cộng, việc phân phối các bản sao tới công chúng không được sự đồng ý của nhà sản xuất. Thuật ngữ “Bản ghi âm” được hiểu theo nghĩa là bản định hình (ghi) dành riêng cho cơ quan thính giác, không phụ thuộc vào hình thức của chúng. Việc bảo hộ có thể được quy định thành đối tượng điều chỉnh của Luật Quyền tác giả, quyền liên quan, Luật Cạnh tranh không lành mạnh và Luật Hình sự. Thời hạn bảo hộ kéo dài ít nhất 20 năm, kể từ khi định hình hoặc công bố lần đầu tiên bản ghi âm.

    Văn phòng quốc tế của WIPO được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng thư ký của Công ước. Công ước không có quy định việc lập Liên hiệp, cơ quan điều hành và ngân sách. Đến ngày 15-7-2009, Công ước có 77 quốc gia thành viên. Công ước Geneva có hiệu lực tại Việt Nam ngày 6-7-2005.


    (Nguồn Cục Bản quyền tác giả).​


    [...]
     
    Last edited by a moderator: 21/6/16
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  8. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    CÔNG ƯỚC BRUSSEL


    Công ước liên quan đến việc phát các tín hiệu mang chương trình truyền hình qua vệ tinh được ký kết tại Brussels ngày 21-5-1974, vì vậy còn được gọi là Công ước Brussels. Công ước để mở cho bất kì quốc gia nào là thành viên của Liên hợp quốc, hoặc là thành viên của bất kì tổ chức nào thuộc hệ thống các tổ chức của Liên hợp quốc. Văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập phải được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc. Ngoài phần mở đầu, Công ước Brussels có 12 điều, Công ước quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp thích đáng, để ngăn chặn việc phân phối không được phép trên lãnh thổ của nước mình các tín hiệu mang chương trình được truyền qua vệ tinh. Việc phân phối sẽ là bất hợp pháp khi không được tổ chức phát sóng giữ vai trò quyết định chương trình phát sóng cấp phép. Nghĩa vụ xin phép là bắt buộc của tổ chức mang quốc tịch của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, các quy định của Công ước không áp dụng đối với việc phân phối các tín hiệu được thực hiện từ vệ tinh phát sóng trực tiếp. Công ước Brussel không có quy định việc lập Liên hiệp, tổ chức quản lí và ngân sách.

    Tính đến ngày 15-7-2009, Công ước có 33 quốc gia thành viên. Công ước Brussels có hiệu lực tại Việt Nam ngày 12-01-2006.


    (Nguồn Cục Bản quyền tác giả).​


    [...]
     
    Last edited by a moderator: 21/6/16
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    TRUYỆN


    Tác phẩm tự sự. Hàm nghĩa của thuật ngữ này khác nhau trong văn học trung đại và hiện đại.

    Ở văn học trung đại Việt Nam, "truyện" là thuật ngữ mà văn học mượn từ sử học ("truyện" là thể loại trứ thuật của sử gia, chép tiểu sử, hành trạng, công tích của các nhân vật lịch sử). Tác phẩm thể truyện có thể được viết bằng thơ (ví dụ truyện thơ nôm) hoặc văn xuôi (ví dụ loại truyện truyền ký, truyện chương hồi viết bằng chữ Hán).

    Ở văn học hiện đại, "truyện" là khái niệm không thật xác định. Một mặt nó vẫn được dùng để trỏ mọi loại tác phẩm tự sự có cốt truyện nói chung (bao gồm cả truyền kỳ, tiểu thuyết), mặt khác lại có lối dùng nó như thuật ngữ trỏ dung lượng tác phẩm tự sự ("truyện dài", "truyện vừa", "truyện ngắn").

    Khái niệm "truyện" thường lẫn lộn phức tạp với khái niệm "tiểu thuyết", nhất là khi nhà văn dùng thuật ngữ này hay thuật ngữ kia để gọi tên thể loại tác phẩm của mình. Trong thực chất thể loại, có tác phẩm "truyện" là tiểu thuyết và ngược lại. Tuy vậy ở văn học hiện đại, các nguyên lý của tiểu thuyết chi phối hầu hết các thể loại nên sự phân biệt bản chất thể loại ở tác phẩm cụ thể là không dễ. Có thể nói phạm vi "truyện" rộng hơn phạm vi "tiểu thuyết". Ở truyện còn lưu giữ nhiều thuộc tính thể loại khác nhau, nhất là những thuộc tính của các dạng tự sự sử thi "tiền tiểu thuyết". Về đặc tính của sự sáng tạo, tác phẩm truyện cũng khác biệt so với tiểu thuyết; ví dụ loại truyện mang tính tiểu sử về nhân vật có thực, dù được "tiểu thuyết hóa" ở mức nhất định; vì nó thiên hẳn về việc kể lại một cuộc đời theo các mốc niên biểu. Loại truyện kể lại các sự kiện (chiến đấu, sản xuất...) cũng vậy. Sự phát triển và thể hiện hàm nghĩa nghệ thuật của tác phẩm truyện không được thực hiện ở vận động cốt truyện. Ở truyện, bản thân việc mở rộng cái thế giới mà nhân vật đi vào, theo dòng chảy của một cuộc đời, hoặc sự đổi thay các ấn tượng về những cảnh và người mà nhân vật xúc tiếp, - đã là mục đích của trần thuật, của sự thể hiện nghệ thuật.

    Ở truyện, "chất giọng" của tác giả (hoặc nhân vật kể chuyện) có vai trò lớn.


    [...]
     
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Giao thoa ngôn ngữ

    Sự tương tác các hệ thống ngôn ngữ trong điều kiện song ngữ, được thực hiện nhờ sự tiếp xúc giữa các ngôn ngữ hoặc nhờ sự thông thạo của cá nhân đối với một (nhiều) ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ. Sự tương tác này được thể hiện ở sự lệch chuẩn của tiếng mẹ đẻ hoặc của hệ thống của ngôn ngữ thứ hai dưới tác động của tiếng mẹ đẻ.

    Giao thoa ngôn ngữ biểu hiện âm sắc của tiếng nước ngoài trong lời nói của người nắm vững hai ngôn ngữ. Hiện tượng giao thoa có thể xảy ra ở tất cả các cấp độ khác nhau của tổ chức ngôn ngữ: giao thoa ngữ âm học hay âm vị học, giao thoa hình thái - cú pháp học, giao thoa từ vựng học.


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Hành vi ngôn ngữ

    Một đoạn lời nói có tính mục đích nhất định được thực hiện trong những điều kiện nhất định, được tách biệt bằng các phương tiện tiết tấu - ngữ điệu và hoàn chỉnh, thống nhất về mặt cấu âm - âm học mà người nói và người nghe đều có liên hệ với một ý nghĩa như nhau trong hoàn cảnh giao tiếp nào đó.


    * Hành động ngôn ngữ

    Hành động sử dụng ngôn từ nhằm tác động đến người tiếp nhận lời trong giao tiếp.

    "Để thực hiện hành động ngôn ngữ, đòi hỏi phải có một số điều kiện. Sau đây là hai điều kiện chính yếu:

    Điều kiện chân thành: Người thực hiện hành động ngôn ngữ phải thực lòng làm việc đó; chẳng hạn khi hỏi phải thực lòng muốn hỏi, khi yêu cầu, sai khiến phải thực lòng muốn yêu cầu, sai khiến.

    Điều kiện căn bản (thiết yếu): Đây là trách nhiệm ràng buộc người tạo lời cũng như người- tiếp nhận lời, chẳng hạn khi trần thuật một sự việc, người tạo lời phải chịu trách nhiệm về tính thực hư của nó, khi nghe hỏi chân thành, người tiếp nhận lời sẵn lòng trả lời, cũng phải chân thành.

    Hành động ngôn ngữ được đánh giá ở tính chân thành (có chân thành hay không chân thành), chứ không được đánh giá ở tính chất đúng - sai".

    (Đỗ Hữu Châu - Diệp Quang Ban - Cù Đình Tú.​
    Tiếng Việt 11. Ban KHXH. Nxb GD, 1995, tr. 20)​



    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Cách

    Phạm trù ngữ pháp của danh từ, tính từ, đại từ, số từ, biểu thị các mối quan hệ cú pháp của từ với các từ khác trong câu, được thể hiện chủ yếu bằng hình thái từ hoặc bằng sự thay đổi thanh điệu (ít thấy) như trong tiếng Kenia. Hệ thống cách trong các ngôn ngữ khác nhau, cũng như ý nghĩa của cách là không giống nhau. Ví dụ: tiếng Đức có bốn cách, tiếng Nga có sáu cách, có ngôn ngữ có tới 16 cách như tiếng Phần Lan.


    * Cách ngôn

    Lời nói có cấu trúc cố định được rút ra từ trong các thể loại khác nhau của văn hóa dân gian hoặc đúc rút từ kinh nghiệm (thường có vần điệu) diễn đạt ý nghĩa một cách có hình ảnh, mang tính chất răn dạy, được sử dụng rộng rãi trong dân gian theo lối truyền khẩu.

    Ví dụ: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng; Cha nào con nấy.


    * Cách nói vòng

    Lối diễn đạt không đi thẳng vào ý chính định nói mà dùng cách nói qua những điều khác.


    [...]
     
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Cải danh

    Lối nói chuyển nghĩa có tính chất ẩn dụ (dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật, hiện tượng ...), trong đó người ta dùng tên riêng để thay cho tên chung và ngược lại. Ví dụ:

    Những hòn Trần Phú vô danh
    Sóng xanh biển cả cây xanh núi ngàn.

    (Tố Hữu)​

    (Dùng tên riêng của đồng chí Trần Phú để chỉ những chiến sĩ cách mạng đã hi sinh như đồng chí Trần Phú).


    * Cải dung

    Lối nói chuyển nghĩa có tính chất hoán dụ dựa vào mối liên hệ giữa vật chứa đựng và vật được chứa đựng. Ví dụ:

    Gửi miền Bắc lòng miền Nam chung thủy
    Đang xông lên chống Mĩ tuyến đầu ...

    (Lê Anh Xuân)​

    (Dùng miền Bắc, miền Nam để chỉ những người (nhân dân) sống ở đó).


    * Cải số

    Lối nói chuyển nghĩa có tính chất hoán dụ dựa vào mối liên hệ giữa số ít và số nhiều, giữa số cụ thể và số tổng quát. Ví dụ:

    Một cây làm chẳng nên non
    Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

    (Ca dao)​

    (Dùng ba cây (số lượng cụ thể) để chỉ nhiều cây (số lượng tổng quát).


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan, chis and 2 others like this.
  14. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    * Lời nói

    1. Hoạt động nói năng của người sử dụng ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp với các thành viên khác trong cộng đồng ngôn ngữ, là hình thức tồn tại của ngôn ngữ. Lời nói là hành động của cá nhân, có tính chất nhất thời và luôn luôn đổi mới. Nếu coi ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu tồn tại trong bộ óc của những người cùng nói một thứ tiếng, là một cái mã chung cho cả cộng đồng ngôn ngữ thì lời nói là sự vận dụng cái mã này của người nói và chỉ là cái biểu hiện cụ thể của cái hệ thống kí hiệu tiềm ẩn trong bộ óc của từng người.

    Lời nói là phương tiện tồn tại của ngôn ngữ. Lời nói là cái cần thiết để cho ngôn ngữ xác lập và phát triển. Tính đa dạng, tính tự do sáng tạo của lời nói làm cho ngôn ngữ trở thành một công cụ tinh vi, tế nhị để diễn đạt mọi tư tưởng tình cảm của con ngưòi trong những hoàn cảnh rất khác nhau.

    2. Một trong những kiểu cấu trúc cú pháp của phát ngôn. Lời nói gián tiếp. Lời nói trực tiếp.


    * Lời nói bên ngoài

    Lời nói được thể hiện bằng âm thanh, hướng tới một đối tượng khác; còn gọi là ngoại ngôn.


    * Lời nói bên trong

    Lời nói không được phát ra bằng âm thanh, hướng tới bản thân người nói; còn gọi là nội ngôn.


    * Lời nói gián tiếp

    Lời nói của người khác được truyền đạt lại không đúng nguyên văn, và có hình thức truyền đạt phụ thuộc vào lời nói của người thuật lại, được thể hiện qua đại từ chỉ ngôi, đại từ sở hữu, ngôi của động từ trong lời truyền đạt.


    * Lời nói trực tiếp

    Lời nói của người khác được tái tạo lại nguyên văn từng chữ và không phụ thuộc vào lời nói của người truyền đạt. Khi truyền đạt, lời nói trực tiếp thường tiếp sau lời nói của người truyển đạt dưới dạng một câu độc lập. Khi viết, lời nói trực tiếp thường đặt trong hai dấu ngoặc kép, sau dấu hai chấm hoặc dấu gạch ngang ở đầu dòng.


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BẢN THẢO

    Văn bản do tác giả viết ra trong quá trình sáng tạo ra tác phẩm. Bản thảo là nguồn văn bản quan trọng nhất trong việc xác định văn bản chuẩn của tác phẩm, là tư liệu có giá trị cho việc nghiên cứu quá trình sáng tác của nhà văn (xem: VĂN BẢN; VĂN BẢN HỌC), lịch sử hình thành tác phẩm.

    Theo ý nghĩa chặt chẽ của thuật ngữ, bản thảo là bản viết tay của chính tác giả. Nhưng cũng có thể thừa nhận là bản thảo những văn bản tác giả đọc cho người khác viết hoặc đánh máy (trên máy chữ, máy vi tính).

    Một tác phẩm có thể có nhiều bản thảo khác nhau do có sự sửa chữa, bổ sung nhiều lần của tác giả.


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Đa nghĩa

    Có từ hai nghĩa trở lên; còn gọi là nhiều nghĩa.

    "Từ trong trạng thái tự nhiên của nó, thường gắn liền với nhiều thuộc tính khái quát của đối tượng hay của hiện tượng làm cơ sở cho đa nghĩa tính của từ, bởi vì một vài thuộc tính của sự vật này cũng là thuộc tính chung của một số sự vật khác”.

    (Đỗ Hữu Châu. Giáo trình Việt ngữ (tập 2 - Từ
    hội học). Nxb GD, H., 1962, tr. 28)​


    "Đa nghĩa là kết quả của các quá trình chuyển nghĩa mà thực chất chuyển nghĩa lại là quá trình biểu trưng hóa của tín hiệu, một quá trình vốn có nguồn gốc tâm lí của nó trong đời sống xã hội và được ghi lại một cách tế nhị, độc đáo trong ngôn ngữ".

    (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt.
    Nxb ĐH và THCN, H., 1985, tr. 176)​

    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Đa ngữ

    Sự tinh thông nhiều ngôn ngữ như nhau.

    Sự tồn tại một số ngôn ngữ trên một lãnh thổ nào đó.


    * Đặc ngữ

    Cụm từ mà trong cơ cấu ngữ nghĩa và cú pháp của mình thể hiện rõ các thuộc tính đặc biệt và không được lặp lại ở một ngôn ngữ nào đó. Đó là những ngữ cố định ổn định về cấu trúc và ý nghĩa chung khác với tổng số những ý nghĩa riêng của các thành tố trong thành phẩn của nó.


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Đảo ngữ
    x. phép đảo


    * Phép đảo

    Hiểu theo nghĩa rộng: sự sai lệch bất kì về trật tự các thành phần câu khỏi vị trí phổ biến nhất thường gặp; còn trong nghĩa hẹp đó là cách chuyển đổi vị trí bình thường của các từ trong ngữ, các ngữ trong câu để nhấn mạnh ý nghĩa hoặc biểu thị sắc thái tu từ của thành phần "bị xếp đặt lại"; còn gọi là đảo ngữ. "Đã sáng lại trời thu tháng Tám" thay vì "Trời thu tháng Tám đã sáng lại"; "Phơ phơ đầu bạc ông câu cá" thay vì "Ông câu cá đầu bạc phơ phơ".

    "Trong văn chương, đôi khi để làm rõ ý, ta thường có thể dùng phép nghịch đảo (đảo ngữ), tiếng chỉ định đặt trước tiếng được chỉ định.

    Ví dụ: Trắng răng đến thuở bạc đầu (Cung oán ngâm khúc).

    (Bùi Đức Tịnh. Văn phạm Việt Nam. SG, tr. 26)​

    "Đảo ngữ là cách đặt ngược vị trí của những từ trong một câu để nhấn mạnh vào một ý".
    (Nguyễn Lân. Ngữ pháp Việt Nam - lớp 7.
    Bộ Giáo dục xuất bản, H., 1956)​

    "Cách đảo ngữ là cách đảo ngược cái vị trí tiếng đứng dưới lên trên:

    Gác mái, ngư - ông về viễn – phố
    Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
    (Thơ)”
    (Trần Trọng Kim - Bùi Kỷ - Phạm Duy Khiêm.
    Việt Nam văn phạm. Tân Việt, tr. 153)​


    [...]
     
  19. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    VĂN BẢN


    1).- Bản ghi bằng chữ viết hoặc chữ in một phát ngôn hoặc một thông báo bằng ngôn từ (phân biệt với việc thực hiện phát ngôn hoặc thông báo ấy bằng nói miệng);

    2).- Phương diện tri giác cảm xúc của tác phẩm ngôn từ (trong đó có tác phẩm văn học), được biểu đạt và ghi lại bằng các ký hiệu ngôn ngữ;

    3).- Đơn vị nhỏ nhất (có tính thống nhất tương đối và tính độc lập tương đối) của giao tiếp băng ngôn từ.

    Cấu trúc bên trong của văn bản gồm hàng loạt hiện tượng ngôn ngữ và hàm nghĩa mà người ta có thể chia thành ba nhóm:

    1).- Những liên hệ và quan hệ giữa các câu có trong văn bản;

    2).- Hệ thống những đon vị giữ vị trí trung gian chuyển tiếp giũa câu và văn bản, từ những đon vị tưong đối nhỏ, kiểu như "đơn vị trên câu" (mang tính thống nhất về nghĩa, bao gồm nhiều câu) đến những phần dài rộng, được chia theo các dấu hiệu kết cấu và chức năng;

    3).- Những thuộc tính vốn có của toàn bộ văn bản.

    Ngữ nghĩa của chỉnh thể văn bản được xác định trước hết bởi tính tương quan của nó với cái thực tại ngoài ngôn ngữ, bởi tính gắn bó về tình huống, và bởi chỗ hàm nghĩa chung của toàn văn bản không lược quy được vào các hàm nghĩa của các thành tố. Quan hệ của văn bản với các tình huống ngoài văn bản được nó miêu tả sẽ khác nhau giữa loại văn bản mà kết cấu lệ thuộc vào sơ đồ định sẵn (đối với một thể loại nào đó hoặc một lớp nào đó của văn bản), và loại văn bản mà tính thống nhất của nó được tạo nên nhờ tương quan về nghĩa của các phần bên trong văn bản ấy.

    Tổ chức của văn bản văn học, cũng như của các văn bản nghệ thuật, là đặc biệt phức tạp, mang tính đa chức năng; thậm chí những bình diện và tầng bậc cấu trúc vốn "không tải trọng" "không thích đáng" ở các dạng giao tiếp ngôn từ khác, ở văn bản văn học cũng trở nên có hoạt tính; do vậy, cấu trúc của văn bản nghệ thuật có ưu thế của tính đa tầng, với những tương quan phi đẳng cấp giữa các tầng bậc cấu trúc của nó.


    [...]
     
    teacher.anh and Heoconmtv like this.
  20. SauRiengSG

    SauRiengSG Lớp 2

    [...]


    VĂN BẢN NGHỆ THUẬT


    Khái niệm văn bản nghệ thuật (áp dụng cho tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau trong đó có văn học) trỏ một chỉnh thể hàm nghĩa, một khối thống nhất có tổ chức của các yếu tố hợp thành, một thông báo mà tác giả (người phát) gửi tới người đọc, người xem (người nhận). Văn bản thực hiện ba chức năng chính: truyền thông tin, chế biến thông tin mới, bảo quản thông tin (ghi nhớ).

    Ở mức cao nhất, văn bản nghệ thuật thực hiện chức năng sáng tạo, nó là "máy phát" thông tin mới. Chức năng "máy phát" này được xác định bởi tính phức tạp của quan hệ của nó với các yếu tố khác của quá trình giao tiếp và bởi đặc điểm ngôn ngữ của từng loại hình nghệ thuật.

    Quan hệ ngôn ngữ - văn bản trong hệ thống nghệ thuật là quan hệ biện chứng, vì vậy sự tiếp nhận thông tin trong hệ thống của văn bản nghệ thuật không bao giờ mang tính đơn nghĩa. Người nhận bao giờ cũng có thái độ tích cực (thậm chí đồng sáng tạo) với thông báo nhận được: anh ta phải giải mã nó, tức là chọn lấy một mã ý nghĩa thích hợp, hoặc thậm chí tạo ra một mã mới. Như thế, hành vi sáng tạo diễn ra và hoàn tất cả hai khâu của chuỗi thông tin (tính tích cực của người phát và tính tích cực của người nhận).

    Tuy vậy, trọng lượng của chúng khác nhau ở các nền văn hóa khác nhau tại các thời điểm lịch sử khác nhau. Ví dụ các văn bản nghệ thuật truyền thống Trung Đông thường áp chế tính tích cực của người nhận, trong khi đó, ở các văn bản nghệ thuật Âu châu nói chung, cả người phát lẫn người nhận đều ở trong quan hệ đối thoại, cấu trúc bên trong của văn bản nghệ thuật là không thuần nhất; quy luật của nó là một thứ "trò chơi" ý nghĩa, nó tạo ra những hệ thống lập mã (mã hóa) khác nhau; cấu trúc của nó mang tính đối thoại, tính phức điệu (theo M. M. Bakhtin) nhưng vẫn là một cấu trúc thống nhất, vừa đóng kín vừa mở ngỏ.

    Với tất cả tính độc đáo của nó, văn bản nghệ thuật vẫn buộc phải thực hiện chức năng phi nghệ thuật là truyền thông tin. Điều này bộc lộ ở cái khả năng đơn giản là có thể "kể lại" cốt truyện một tác phẩm nào đó, có thể dich văn bản nghệ thuật từ ngôn ngữ một loại hình nghệ thuật này sang ngôn ngữ một loại hình nghệ thuật khác (chuyển thể tiểu thuyết sang điện ảnh, sân khấu, minh họạ sách, chuyển thể trường ca sang múa balet, v.v...). Chức năng truyền thông tin này yếu trong văn bản trữ tình, mạnh trong văn bản tự sự, đặc biệt có vai trò trong văn chính luận, giả tưởng khoa học, v.v...

    Chức năng ghi nhớ của văn bản nghệ thuật được thực hiện như là quan hệ của nó với truyền thống văn hóa quá khứ ("ký ức của thể loại", theo xác định của Bakhtin), về mặt này, văn bản nghệ thuật trở thành chất liệu cho việc tái lập cấu trúc trí tuệ, gắn văn hóa với các giai đoạn trước, khôi phục những sự đứt đoạn với truyền thống. Do can dự vào ký ức của văn hóa, văn bản nghệ thuật chẳng những là định hướng lịch sử mà còn là định hướng đạo đức cho sự phát triển tinh thần của nhân loại, chừng nào nó còn giữ được giá trị cao của thông báo.

    Các tiêu chuẩn giá trị của văn bản nghệ thuật mang tính lịch sử và tính đặc thù cho từng nền văn hóa, nhưng không thể xem là các tiêu chuẩn ấy cô lập nhau, bởi vì giá trị văn hóa nhân loại có những hằng số chung. Sự tích lũy và tương tác của các văn bản nghệ thuật, việc dịch thuật, chuyển thể và lý giải chúng trong hệ thống các nền văn hóa khác nhau sẽ giúp vào việc làm giàu cho văn hóa nghệ thuật thế giới.


    [...]
     
    chis, teacher.anh and Heoconmtv like this.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này