Hoàn thành G Nhà Bulemann - Theodor Storm

Thảo luận trong 'Góc dịch các tác phẩm tiếng Đức' bắt đầu bởi bianlukasz, 13/4/17.

  1. bianlukasz

    bianlukasz Mầm non

    Tác phẩm: Bulemanns Haus (Nhà Bulemann)
    Tác giả: Theodor Storm
    Người dịch: @bianlukasz
    Tình trạng: Hoàn thành
    Phân loại: G

    Đây là một truyện ngắn được viết theo phong cách truyện cổ tích kiểu mới của tác giả người Đức Theodor Storm (1817 - 1888).
     
    amylee, V/C and thanhbt like this.
  2. bianlukasz

    bianlukasz Mầm non

    Ở một thành phố biển miền bắc nước Đức, trên con phố được gọi là Tăm Tối, có một ngôi nhà cũ nát. Ngôi nhà tuy hẹp thôi nhưng có ba tầng; ở giữa, kéo dài từ dưới đất lên gần đến đỉnh đầu hồi, tường nhà lồi ra thành một kiểu kiến trúc ban công vịnh có xây cửa sổ đằng trước và hai bên cho mỗi tầng, để ánh trăng có thể chiếu vào trong những đêm quang đãng. Từ lâu lắm rồi, chẳng có ai đi vào và cũng chẳng có ai ra khỏi ngôi nhà này cả; cái vòng gõ cửa nặng nề bằng đồng thau trên cánh cửa gần như phủ toàn gỉ xanh, giữa các kẽ đá bậc thềm nhà, cỏ mọc năm này qua năm khác. Nếu có người lạ nào hỏi: "Nhà đó là nhà kiểu gì thế?" thì chắc chắn anh ta sẽ nhận được câu trả lời: "Nhà Bulemann"; nhưng nếu anh ta hỏi tiếp: "Ai sống ở đó?", người ta cũng sẽ lại đáp quả quyết: "Chẳng ai sống ở đó hết." Lũ trẻ chạy chơi trên đường và các bà vú nuôi ngồi bên nôi hát rằng:

    Ở nhà Bulemann,

    Ở nhà Bulemann,

    Lũ chuột ngó lan man

    Qua cửa sổ ra tận lan can.

    Và quả thực, mấy anh bạn vui tính đi ngang qua đó sau những bữa tiệc đêm đã nghe thấy tiếng ré như của vô vàn con chuột đằng sau các cửa sổ tối đen. Một anh trong cơn cao hứng đập cái vòng gõ cửa đặng nghe âm thanh dội lại qua những căn phòng trống còn khẳng định mình nghe được rất rõ ràng tiếng nhảy nhót của những con thú lớn trên cầu thang trong nhà. "Gần như là", anh chàng kể điều này thường xuyên thêm vào, "tiếng nhảy của những con thú ăn thịt to lớn trong rạp trưng bày ở chợ trước tòa thị chính ấy." Ngôi nhà đối diện thấp hơn một tầng, thế nên, ban đêm ánh trăng có thể rọi thẳng qua các cửa sổ bên trên của ngôi nhà cũ kĩ. Xuất phát từ một đêm như thế, người đi tuần cũng có chuyện để kể; tuy nhiên, đấy chỉ là về một dung mạo người nhỏ, già nua, đội mũ chóp dài sặc sỡ mà người này nhìn thấy ở trên đó, sau những cửa sổ tròn của ban công vịnh. Ngược lại, hàng xóm ở đối diện lại cho là người đi tuần lại say xỉn đấy thôi; họ chưa bao giờ thấy bất cứ cái gì giống con người ở gần những cửa sổ nhà bên ấy cả. Thông tin cụ thể nhất có vẻ như có thể tới từ một người đàn ông lớn tuổi sống ở một khu phố cách xa đó, người nhiều năm trước từng chơi đàn đại phong cầm cho nhà thờ St. Magdalene. "Tôi còn nhớ rất rõ", ông ấy nói khi có lần được hỏi về chuyện này, "cái người đàn ông gầy gò sống một mình cùng một người phụ nữ lớn tuổi trong căn nhà đó, hồi tôi còn là một cậu bé. Ông ta giao dịch rất nhiều với bố tôi, một người buôn đồ cũ, trong suốt mấy năm liền và hồi ấy, tôi đã vài lần được cử đến chỗ ông ta cùng với các đơn đặt hàng. Tôi cũng nhớ là mình từng không thích đi qua những đoạn đường này và hay tìm đủ mọi cớ thoái thác; bởi vì ngay cả vào ban ngày, tôi cũng sợ phải đi lên mấy cái cầu thang hẹp, tối tăm để tới phòng ông Bulemann ở tầng ba. Mọi người gọi ông ta là "gã buôn người"; ngay cái tên đã khiến tôi sợ hãi rồi, chưa kể còn những lời đồn đại rợn người đủ kiểu về ông ta được lan truyền rộng rãi nữa. Ông ta đã nhiều năm theo tàu tới miền tây Ấn Độ với tư cách người đại diện giao hàng, trước khi chuyển về sống trong ngôi nhà cũ đó sau cái chết của bố ông ta. Ở đấy, ông ta lấy một người da đen; nhưng sau khi ông ta trở về rồi, người ta đã phải hoài công chờ đợi một ngày nào đó được trông thấy người vợ kia dẫn theo mấy đứa trẻ da màu. Người ta nhanh chóng kháo nhau là trên đường về, ông ta đã gặp một tàu chở nô lệ và đã gán máu mủ ruột thịt của mình cùng mẹ lũ trẻ cho thuyền trưởng tàu để đổi lấy vàng.

    "Có bao nhiêu sự thật trong những lời đồn đó thì tôi không thể nói được", ông già thường hay thêm vào, "vì tôi cũng chẳng muốn quá mạo phạm đến một người đã mất; thế nhưng, có một điều này thì tôi chắc chắn: ông ta là một người lập dị hà tiện và nhát người; ngay cả đôi mắt ông ta trông cũng như đã từng chứng kiến những hành động tàn ác vậy. Không một kẻ bất hạnh hay đang tìm kiếm sự giúp đỡ nào được phép đặt chân lên ngưỡng cửa nhà ông ta; hồi xưa, mỗi lần tôi ở đấy, luôn có sợi xích sắt được tròng qua cửa từ bên trong. Nếu tôi phải đập cái vòng gõ cửa nặng nề thêm lần nữa thì tôi sẽ nghe rõ tiếng mắng mỏ của ông chủ nhà vọng xuống từ cầu thang tầng cao nhất: "Bà Anken! Bà Anken! Bà bị điếc à? Bà không nghe thấy tiếng gõ cửa à?" Lập tức, có tiếng bước chân loẹt xoẹt của người phụ nữ lớn tuổi từ gian nhà sau qua phòng chính và hành lang. Nhưng trước lúc mở cửa, bà ấy sẽ vừa hắng giọng vừa hỏi: "Ai đấy?" Và chỉ khi tôi đáp lại: "Cháu là Leberecht!" thì sợi xích sắt mới được tháo ra ở bên trong. Rồi sau đó, khi tôi vội vàng đi lên bảy mươi bảy bậc cầu thang - vì đã có lần tôi đếm -, ông Bulemann sẽ thường đứng chờ sẵn ở hành lang nhỏ nhập nhoạng tối trước phòng mình; căn phòng này ông ta không bao giờ cho tôi bước chân vào. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ông ta đứng trước mặt tôi trong chiếc áo ngủ hoa vàng cùng chiếc mũ chóp dài nhọn hoắt, một tay đưa ra sau giữ tay nắm cửa. Trong lúc tôi lo việc của mình, ông ta luôn sốt ruột quan sát tôi bằng đôi mắt tròn sáng quắc rồi cộc cằn giao dịch với tôi. Hồi ấy, thu hút sự chú ý của tôi nhiều nhất là mấy con mèo to đùng - một con lông vàng, một con lông đen - thỉnh thoảng từ phía sau chen nhau ra khỏi căn phòng và cọ cọ cái đầu béo núc của chúng vào đầu gối ông ta.

    Tuy nhiên, sau vài năm thì việc giao dịch của ông ta với bố tôi ngừng hẳn, tôi không tới đó thêm nữa.

    Tới giờ, tất cả những chuyện này đã xảy ra được hơn bảy mươi năm, và ông Bulemann hẳn từ lâu rồi đã được khiêng tới nơi mà từ đó không một ai quay trở lại."

    Người đàn ông đã nhầm khi nói thế. Ông Bulemann không hề bị khiêng ra khỏi nhà mình; ông ấy hiện vẫn sống trong đó. Nhưng mọi chuyện cụ thể là như thế này. Trước ông ấy - người chủ hiện tại -, vào khoảng cái thời của tóc giả và túi buộc, có một người làm nghề cầm đồ sống trong ngôi nhà đó, một người đàn ông lớn tuổi thấp bé, bị gù. Bởi ông ta đã làm nghề này hơn mười lăm năm và sống hết sức tằn tiện cùng với một người phụ nữ giúp lo liệu việc trong nhà kể từ sau cái chết của vợ ông ta, nên cuối cùng ông ta cũng trở thành người giàu có. Sự giàu có này tuy nhiên chủ yếu lại tồn tại dưới dạng một số lượng gần như không thể đếm xuể các món đồ trang sức giá trị, dụng cụ máy móc cùng những thứ đồ cũ kì lạ nhất, tất cả đều là đồ cầm cố ông ta nhận trong nhiều năm trời từ những người tiêu xài hoang phí hoặc đang trong cơn túng quẫn, rồi khi việc trả lại khoản tiền vay mượn tương ứng không được thực hiện thì chúng nằm lại dưới quyền sở hữu của ông ta.

    Vì trong trường hợp bán những món đồ cầm cố này - một quy trình theo luật buộc phải diễn ra ở tòa án -, ông ta sẽ phải trao khoản dư từ lợi nhuận thu được cho những người chủ sở hữu của chúng, nên ông ta đã chọn cách chất đống chúng vào những cái tủ to bằng gỗ cây quả kiên và những cái tủ sử dụng vào mục đích này dần dần chiếm lĩnh hết các phòng của tầng thứ nhất rồi đến cả tầng thứ hai. Song vào ban đêm, lúc mà bà Anken đã say ngủ trong căn phòng nhỏ đơn độc của mình ở gian nhà sau và sợi xích nặng đã quấn quanh cửa, ông ta thường khẽ khàng đi lên đi xuống cầu thang. Cuốn mình trong chiếc áo choàng màu xám xanh, một tay cầm đèn, tay kia cầm chùm chìa khóa, ông ta mở cửa và mở tủ các phòng lúc thì ở tầng thứ nhất, lúc thì ở tầng thứ hai, lấy ra ở chỗ này một đồng hồ nhắc giờ bằng vàng, ở chỗ kia một hộp tráng men đựng bột thuốc lá và nhẩm tính số năm sở hữu chúng, tính xem liệu những người chủ cũ đã lụn bại, mất tăm mất tích hay còn có khả năng mang tiền quay lại đây để đòi lại đồ cầm cố của họ.

    Đến cuối cùng, ông cầm đồ rời xa vĩnh viễn các báu vật của mình vào cái tuổi cực kì già lão, phải để lại ngôi nhà cùng toàn bộ các tủ đầy chật cho người con trai duy nhất mà lúc còn sống, ông ta đã bằng mọi cách giữ cho tránh xa số của cải này. Người con trai này là người đại diện giao hàng trên tàu mà cậu bé Leberecht rất sợ, người đã trở lại thành phố quê hương cũng sau một chuyến đi vượt đại dương. Chôn cất người bố xong, người con ngừng hẳn những công việc trước đây của mình và chuyển vào sống trong căn phòng của ông bố tại tầng thứ ba của ngôi nhà cũ có ban công vịnh, nơi mà giờ thay vì người đàn ông gù thấp bé trong chiếc áo choàng xám xanh là một dáng người cao, gầy gò trong chiếc áo ngủ hoa vàng và mũ chóp dài sặc sỡ đi qua đi lại hoặc đứng tính toán bên cái bàn cao của người quá cố. - Sự yêu mến của người cầm đồ già đối với những thứ đồ giá trị chất đống trong tủ đã không truyền lại được cho ông Bulemann. Sau khi đóng chặt cửa rả kiểm kê đồ đạc trong các tủ to bằng gỗ cây quả kiên, ông ấy suy xét kĩ càng xem có nên liều bí mật bán những thứ này đi hay không, những thứ vốn vẫn luôn là tài sản của người khác và ông ấy chỉ có quyền hưởng phần giá trị tương đương với giá trị khoản nợ tiền vay được thừa kế và - theo như trong sổ sách - thường là rất ít ỏi. Nhưng ông Bulemann không thuộc kiểu người thiếu quyết đoán. Chỉ trong vòng vài ngày, mối liên hệ với một người buôn đồ cũ sống ở khu ngoại ô ngoài cùng thành phố đã được thiết lập, và sau khi vài món đồ cầm cố của những năm gần đây được giữ lại, số tài sản đủ chủng loại trong những cái tủ to đã được biến đổi một cách bí mật, cẩn trọng thành những đồng tiền bạc nguyên chất. Đó là khoảng thời gian cậu bé Leberecht ghé qua ngôi nhà.
     
    amylee and lynx like this.
  3. bianlukasz

    bianlukasz Mầm non

    Số tiền thu được ông Bulemann cất trong các hòm bọc sắt lớn đặt cạnh nhau trong phòng ngủ của ông ấy; bởi không có quyền sở hữu hợp pháp tài sản nên ông ấy không dám dùng để vay tín dụng hay đầu tư công khai. Khi việc mua bán đã xong, ông ấy bắt tay vào tính toán toàn bộ những khoản chi tiêu có thể nghĩ ra cho quãng đời ước chừng còn lại của mình. Ông ấy ước tính đến độ tuổi chín mươi và chia tiền thành những gói nhỏ dành cho mỗi tuần, thêm một chồng tiền nhỏ cho mỗi quý để dùng vào những khoản phát sinh. Riêng số tiền này lại được để trong một hòm đặt ở phòng sinh hoạt ngay bên cạnh; sáng thứ bảy nào bà Anken, bà quản gia lớn tuổi ông ấy tiếp nhận từ gia sản người bố để lại, cũng có mặt để nhận một gói tiền mới và báo cáo chi tiêu đối với gói tiền trước.
    Như đã kể, ông Bulemann không dẫn vợ và con cái về cùng; thay vào đó, hai con mèo đặc biệt to lớn - một con lông vàng, một con lông đen - được một thủy thủ đưa từ tàu đến ngôi nhà trong một cái bao buộc chặt, vào ngày mai táng ông cầm đồ già. Hai con vật này nhanh chóng trở thành những bạn duy nhất của ông chủ nhà. Buổi trưa, chúng nhận được tô ăn riêng mà bà Anken ngày nào cũng phải nhăn nhó bực bội chuẩn bị cho chúng; sau bữa ăn, trong lúc ông Bulemann có giấc ngủ ngắn buổi trưa thì chúng ngồi no nê trên ghế bành cạnh ông ấy, thè lưỡi ra và ngái ngủ chớp chớp mấy con mắt xanh lè với ông ấy. Nếu đang trong công cuộc săn chuột ở trong các phòng tầng dưới của ngôi nhà, công việc luôn khiến chúng phải hứng chịu một cú đá chân bí mật của người phụ nữ lớn tuổi, nhất định chúng sẽ tha mấy con chuột vồ được trong tình trạng bị ngoạm đến chỗ ông chủ chúng trước tiên và cho ông ấy thấy, trước khi trườn xuống gầm ghế bành thưởng thức lũ chuột. Khi đêm đã xuống và ông Bulemann đã thay chiếc mũ chóp dài sặc sỡ bằng một chiếc màu trắng, ông ấy sẽ cùng với hai con mèo của mình đi tới cái giường lớn có rèm treo ở buồng bên, nơi ông ấy sẽ để những tiếng gừ gừ đều đều của hai con vật đang vùi đầu dưới chân mình ru mình vào giấc ngủ. Tuy nhiên, cuộc sống bình yên này đã không giữ mãi được vẻ êm đềm. Trong những năm đầu tiên, những người chủ sở hữu các món đồ cầm cố đã bị bán đi lần lượt tới và yêu cầu giao trả các món trang sức của họ để đổi lấy việc trả lại các khoản tiền vay tương ứng. Và ông Bulemann, do sợ hãi trước các quy trình có thể khiến việc làm của mình bị lan truyền, đã nhào tới những hòm lớn đựng tiền của mình, mua lấy sự im lặng của những người liên quan bằng các khoản bồi thường lớn, nhỏ. Chuyện đó chỉ khiến ông ấy càng thêm căm ghét con người và hẹp hòi hơn. Việc giao dịch với ông già buôn đồ cũ đã chấm dứt từ lâu; ông ấy ngồi cô độc trong phòng nhỏ của ban công vịnh, lo tìm lời giải cho một vấn đề vốn hay được quan tâm, đó là tính toán ra một khả năng chắc chắn thắng giải xổ số, công việc khiến ông ấy nghĩ đến chuyện sau này sẽ nhân số tài sản của mình lên con số không thể đong đếm. Kể cả Chộp cùng Ria Mép, hai con mèo lớn, hồi ấy cũng phải chịu đựng tâm trạng thất thường của ông ấy. Nếu có lúc nào đó ông ấy vừa mới vỗ về chúng bằng những ngón tay dài của mình thì ngay khoảnh khắc tiếp theo, chừng khi việc tính toán trên các bảng số không ổn, chúng sẽ có khả năng bị ném hộp đựng cát hay kéo cắt giấy vào người, mạnh đến mức chúng ré lên, tập tễnh lủi vào góc phòng. Ông Bulemann có một người thân - con gái của mẹ ông ấy từ cuộc hôn nhân đầu tiên -, người đã được đền bù khi mẹ ông ấy mất do có quyền thừa kế và vì vậy, không còn phần trong số tài sản được để lại cho ông ấy. Thế nhưng, ông ấy không bận tậm đến người chị này, dẫu cho người đó đang sống trong tình cảnh hết sức túng quẫn ở một khu phố ngoại ô; là bởi ông Bulemann còn ít thích thú qua lại với những người họ hàng thân thích nghèo khó hơn là với những người lạ khác. Chỉ có một lần, hồi bà ấy sinh được một đứa trẻ ốm yếu ở cái tuổi đã khá cao, một thời gian ngắn sau cái chết của chồng, là bà ấy tìm đến chỗ ông ấy nhờ giúp đỡ. Bà Anken, người đã để bà ấy vào nhà, ngồi lại nghe ngóng trên bậc cầu thang phía dưới và mau chóng nghe được giọng ông chủ gay gắt ở trên tầng, cho tới khi cánh cửa cuối cùng cũng bật mở và người phụ nữ vừa đi xuống cầu thang vừa khóc. Cùng trong tối hôm đó, bà Anken nhận được chỉ thị nghiêm ngặt: từ giờ trở đi không được tháo sợi xích ra khỏi cánh cửa nhà, nếu cái người tên Christine kia còn quay lại. Người phụ nữ lớn tuổi bắt đầu càng lúc càng khiếp sợ hơn cái mũi khoằm cùng đôi mắt cú sáng quắc của ông chủ. Nếu ông ấy đứng bên lan can cầu thang gọi tên bà từ trên tầng hay chỉ cần dùng ngón tay huýt một tiếng chói tai như thói quen hồi đi tàu là bà chắc chắn sẽ vội vàng ló mặt ra, dù có đang ngồi ở xó xỉnh nào, vừa thở hổn hển đi lên cầu thang hẹp, vừa lẩm bẩm những lời cằn nhằn, chửi rủa. Nhưng giống như ông Bulemann ở tầng thứ ba, bà Anken cũng đã cất giữ những món tài sản có được bằng cách cũng không hoàn toàn hợp pháp của mình ở các phòng tầng dưới.

    Từ những năm đầu tiên họ sống cùng nhà, bà đã bị xâm chiếm bởi một nỗi sợ kiểu trẻ con rằng ông chủ có lúc nào đó sẽ tự mình lo việc chi tiêu trong nhà và khi ấy, bà sẽ phải chịu cảnh túng thiếu ngay cả trong những tháng ngày già cả bởi sự keo kiệt của ông ấy. Để ngăn chặn viễn cảnh này, bà nói dối ông ấy rằng giá lúa mì đã tăng, rồi mau chóng yêu cầu thêm số tiền tương ứng để mua bánh mì. Người đại diện giao hàng, người cũng vừa bắt đầu việc tính toán cho cuộc đời mình, đã cáu gắt xé toạc giấy tờ của mình đi và sau đó thiết lập lại từ đầu công việc tính toán, thêm lượng tiền được yêu cầu cho phần thực phẩm của từng tuần.

    Bà Anken, sau khi đạt được mục đích của mình, nhằm xoa dịu lương tâm và cũng do nghĩ đến câu nói: "Của để ăn không phải của trộm cắp", đã không lấy trộm những đồng shilling thừa nhận được mà chỉ thường xuyên giấu đi số bánh mì lúa mì mua được từ đó, dần dần lấp đầy các tủ to làm từ gỗ cây quả kiên đã không còn số đồ đạc giá trị của chúng nữa, bởi ông Bulemann không bao giờ đặt chân vào các phòng tầng dưới. Chừng mười năm trôi qua như thế. Ông Bulemann mỗi ngày một gầy gò, xám xịt đi, chiếc áo ngủ hoa vàng của ông ấy mỗi ngày một mòn sờn thêm. Trong thời gian đó, thường hay có những ngày mà ông ấy không mở miệng nói lấy một lời; là vì ông ấy chẳng nhìn thấy sinh vật nào khác ngoài hai con mèo cùng bà quản gia già có phần trẻ con của ông ấy. Chỉ lúc nào nghe tiếng lũ trẻ con hàng xóm nhảy lên các khối đá bảo vệ trước nhà mình, ông ấy mới hơi ló đầu qua cửa sổ và quát tháo về phía con ngõ bằng giọng sắc lạnh.

    "Kẻ buôn người, kẻ buôn người!", lũ trẻ liền gào lên và tháo chạy theo nhiều hướng. Ông Bulemann thì lại càng nguyền rủa, chửi bới điên tiết hơn, tới khi đóng cửa sổ đánh sầm lại và cho phép Chộp cùng Ria Mép xoa dịu cơn giận của mình. Để cắt đứt mọi liên hệ với hàng xóm, từ lâu bà Anken đã phải thực hiện việc mua đồ tại các phố cách xa đó. Thế nhưng, bà cũng chỉ được ra khỏi nhà khi đêm tối kéo đến và phải khóa cửa nhà lại. Hình như đấy là thời điểm tám ngày trước giáng sinh, khi người phụ nữ lớn tuổi rời ngôi nhà vào một buổi tối vì mục đích này. Mặc dù thường ngày rất cẩn thận, lần này bà đã phải nhận lỗi do có một sơ suất. Bởi lúc ông Bulemann dùng diêm thắp ngọn đèn nến của mình, ông ấy ngạc nhiên nghe thấy tiếng bình bịch trên cầu thang bên ngoài phòng, và khi ông ấy bước ra hành lang với ngọn đèn giơ ra phía trước, ông ấy thấy người chị gái cùng một thằng bé mặt trắng bệch đứng trước mặt mình. "Làm thế nào các người vào được trong nhà?", ông ấy quát, sau khi đã nhìn chằm chằm họ một cách sửng sốt và tức tối. "Cửa dưới nhà mở.", người phụ nữ rụt rè nói. Ông ấy lẩm bẩm một lời nguyền rủa bà quản gia giữa các kẽ răng. "Chị muốn gì?", ông ấy hỏi. "Đừng khắc nghiệt như thế, em trai", người phụ nữ cầu xin, "không thì chị không có can đảm nói chuyện với em đâu." "Tôi chẳng biết chị có gì mà phải nói chuyện với tôi cả; chị đã nhận được phần của chị; chúng ta đã xong chuyện với nhau." Người chị gái đứng lặng im trước ông ấy, cố gắng đến vô vọng để nói nên lời.

    Bên trong phòng, lại có tiếng một con mèo bên cánh cửa. Sau khi ông Bulemann quay trở lại và mở cửa, cả hai con mèo to lớn nhảy bổ ra hành lang và gừ gừ vờn quanh thằng bé mặt dại đi đang sợ hãi lùi vào tường. Ông chủ của của chúng sốt ruột nhìn người phụ nữ vẫn cứ đứng im lặng trước mặt mình. "Nào, chị sẽ nói mau chứ?", ông ấy hỏi. "Chị muốn cầu xin em một việc, Daniel ạ", cuối cùng người chị cũng mở lời được. "Vài năm trước khi mất, cha của em đã nhận một chiếc cốc bạc từ chị làm đồ cầm cố, tại hồi đó chị đang trong cảnh túng quẫn vô cùng." "Cha tôi nhận từ chị?", ông Bulemann hỏi. "Phải, Daniel ạ, cha của em; chồng của mẹ của hai chúng ta. Đây là giấy chứng thực; ông ấy đã không cho chị vay nhiều lắm với chiếc cốc đó." "Tiếp đi!", ông Bulemann nói, sau khi liếc nhanh hai bàn tay không của người chị gái. "Cách đây không lâu", bà ấy dè dặt nói tiếp, "chị mơ thấy chị cùng đứa con ốm yếu của mình đi trong nghĩa trang nhà thờ. Lúc bọn chị đến bên mộ mẹ của chúng ta, bà đang ngồi trên phiến đá mộ mình, dưới một bụi đầy hoa hồng trắng nở rộ. Bà cầm chiếc cốc đó trong tay, thứ bà đã tặng chị hồi chị còn nhỏ; song, khi bọn chị đến gần hơn, bà kề chiếc cốc lên môi; và khi bà gật đầu mỉm cười với thằng nhỏ, chị nghe thấy bà nói rõ ràng: "Chúc sức khỏe!" Giọng nói dịu dàng của bà, Daniel à, y như hồi còn sống vậy; chị đã mơ giấc mơ này ba đêm liền."

    "Thế là sao đây?", ông Bulemann hỏi. "Hãy trả lại chiếc cốc cho chị, em trai! Giáng sinh sắp tới rồi; hãy đặt chiếc cốc lên cái đĩa giáng sinh trống không của thằng nhỏ ốm yếu!" Người đàn ông gầy gò mặc chiếc áo ngủ hoa vàng đứng bất động trước bà ấy, nhìn bà ấy bằng hai con mắt tròn sáng quắc. "Chị có mang theo tiền không?", ông ấy hỏi. "Người ta không trả đồ cầm cố nhờ mấy giấc mơ đâu." "Ôi, Daniel à!", bà ấy kêu lên, "hãy tin lời mẹ của chúng ta! Thằng bé sẽ khỏe mạnh, nếu nó uống nước từ chiếc cốc nhỏ đó. Hãy thương xót lấy nó; nó là máu mủ của em mà!" Bà ấy chìa tay về phía ông ấy; song, ông ấy lùi lại một bước. "Đừng có động vào tôi!", ông ấy nói. Đoạn, ông ấy gọi hai con mèo của mình. "Chộp, thú dữ! Ria Mép, con trai ta!" Và con mèo to lớn lông vàng nhảy phóc lên cánh tay ông chủ, cào cào chiếc mũ chóp dài sặc sỡ bằng móng vuốt của nó, trong khi con lông đen kêu meo meo bò lên gối ông chủ. Thằng nhỏ đã khẽ xích lại gần hơn. "Mẹ ơi", nó nói, tay liên tục giật váy mẹ, "đấy là ông chú độc ác đã bán những đứa con da đen của mình ạ?" Song, trong khoảnh khắc này, cả ông Bulemann cũng hất hai con mèo ra và chộp lấy cánh tay đứa trẻ đang hét toáng lên. "Thằng ăn mày khốn kiếp", ông ấy nói lớn, "cả mày cũng ca bài đó hả!" "Em trai, em trai à!", người phụ nữ van vỉ. Tuy nhiên, thằng nhỏ đã nằm rên rỉ trên chiếu nghỉ cầu thang bên dưới. Người mẹ chạy xuống chỗ con, dịu dàng ôm nó vào lòng; nhưng sau đó, bà ấy thẳng người lên, nâng cái đầu chảy máu của thằng nhỏ tựa vào ngực mình, giơ bàn tay nắm chặt về phía người em trai đang đứng ở trên bên lan can cầu thang, giữa hai con mèo kêu gừ gừ. "Đồ đê hèn, độc ác!", bà ấy kêu lên. "Cầu mong cậu lụn bại bên cạnh lũ thú dữ của cậu!" "Cứ việc nguyền rủa tùy thích!", người em trai đáp lại; "nhưng hãy ra khỏi nhà đi." Rồi, trong khi người phụ nữ đi xuống cầu thang tối tăm cùng thằng nhỏ đang khóc, ông ấy gọi hai con mèo vào và đóng cánh cửa phòng lại sau lưng. Ông ấy không quan tâm chuyện những lời nguyền rủa của người nghèo sẽ trở thành nguy hiểm, nếu như chính sự vô cảm của người giàu gây ra chúng.
     
    amylee thích bài này.
  4. bianlukasz

    bianlukasz Mầm non

    Mấy ngày sau, như thường lệ, bà Anken bước vào phòng của ông chủ cùng với bữa trưa. Song, hôm nay bà còn mím chặt đôi môi mỏng hơn cả mọi lần, hai con mắt nhỏ yếu ớt của bà lóe lên thỏa mãn. Bởi vì bà không có quên những lời thậm tệ bà đã phải đón nhận do sự bất cẩn của mình tối nọ, và giờ bà nghĩ đến việc đáp trả lại ông ấy thậm chí còn hơn thế.

    "Ông đã nghe thấy tiếng chuông ở nhà thờ St. Magdalene rồi chứ?", bà hỏi. "Không", ông Bulemann - đang ngồi bên các bảng số của mình - đáp ngắn gọn. "Vậy ông có biết người ta gióng chuông để làm gì không?", người phụ nữ lớn tuổi hỏi tiếp. "Hỏi tào lao vớ vẩn! Tôi không có nghe thấy tiếng chuông." "Cho con trai của chị gái ông đấy!" Ông Bulemann bỏ bút xuống. "Bà đang nói lăng nhăng gì thế hả?" "Tôi nói là", bà trả lời, "người ta vừa mới chôn cất thằng nhỏ Christoph xong." Ông Bulemann đã lại đang viết tiếp. "Tại sao bà kể chuyện đó cho tôi? Thằng nhỏ ấy có liên quan gì đến tôi?" "Thì tôi chỉ nghĩ là thường thường, người ta sẽ kể về những chuyện mới mẻ đang diễn ra trong thành phố thôi."

    Lúc bà đi khỏi, ông Bulemann lại bỏ bút xuống và đi qua đi lại một hồi lâu trong phòng, hai tay chắp sau lưng. Hễ ở dưới ngõ có tiếng động nào vang lên là ông ấy bước vội đến bên cửa sổ, như thể đang chờ viên lục sự của thành phố xuất hiện, người sẽ triệu ông ấy ra trước hội đồng vì ngược đãi thằng nhỏ. Con Chộp lông đen đang meo meo đòi phần trong bữa trưa được mang đến nhận được một cú đạp, khiến nó ré lên vọt thẳng vào góc phòng. Nhưng là do cơn đói hoặc do bản chất nô dịch thường ngày của con vật này đã đột nhiên thay đổi, nó quay người đối mặt với ông chủ của nó rồi vừa kêu ngao ngao và phun phì phì, vừa xông vào ông ấy. Ông Bulemann tặng cho nó thêm một cú đạp nữa. "Ăn đi", ông ấy bảo. "Hai đứa không cần chờ ta đâu." Lập tức, cả hai con mèo đều có mặt bên cạnh cái tô đầy ắp mà ông ấy đã đặt trên sàn cho chúng. Song, có một chuyện lạ lùng xảy ra sau đó. Khi con Ria Mép lông vàng - con kết thúc bữa ăn đầu tiên - đứng giữa phòng, duỗi người rồi cong lưng lại, ông Bulemann bỗng nhiên dừng lại trước mặt nó; đoạn, ông ấy đi vòng quanh con vật và ngắm nghía nó ở mọi góc độ. "Ria Mép, tên lưu manh này, cái gì thế này?", ông ấy nói, đồng thời vuốt ve đầu con mèo đực. "Mày vẫn còn lớn lên kể cả lúc đã về già cơ đấy!" Lúc này, con mèo còn lại cũng nhảy tới. Nó xù bộ lông đen bóng và đứng thẳng trên bốn chân màu đen của mình. Ông Bulemann kéo chiếc mũ chóp dài sặc sỡ ra khỏi trán. "Cả nó nữa!", ông ấy lẩm bẩm. "Lạ kì thật, hẳn là do giống." Cho tới lúc đó, trời đã nhập nhoạng tối, và bởi không có ai tới khiến ông ấy lo sợ nên ông ấy ngồi xuống cạnh mấy cái tô đặt trên bàn. Cuối cùng, ông ấy thậm chí còn bắt đầu nhìn ngắm hai con mèo to lớn ngồi trên ghế bành cạnh mình với một sự hài lòng nhất định. "Hai đứa thật là một cặp mèo đực oai vệ!", ông ấy nói, gật gù với chúng. "Bà già dưới nhà kia cùng cả bọn chuột nữa sẽ không được phép đầu độc hai đứa nữa đâu!" Nhưng tối đến, khi vào buồng ngủ của mình ở ngay kế bên, ông ấy không cho chúng vào cùng như mọi lần; và ban đêm, lúc nghe thấy tiếng chúng vồ vào cửa căn buồng và kêu meo meo trượt xuống, ông ấy kéo chăn trùm quá hai tai và nhủ thầm: "Cứ kêu đi, ta đã thấy móng vuốt của hai đứa rồi."

    Tới ngày hôm sau, lúc trưa đến, chuyện y hệt như hôm trước lại diễn ra. Hai con mèo nhảy phịch từ chỗ cái tô sạch bong ra giữa phòng, vươn người, duỗi chân; khi ông Bulemann, người đã lại ngồi bên các bảng số, liếc một cái về phía chúng, ông ấy bàng hoàng xô cái ghế xoay của mình lùi về sau và đứng im một chỗ, cổ vươn hết cỡ. Ở đó, khẽ kêu ư ử như có điều gì đó khó chịu, Chộp và Ria mép đứng run rẩy với đuôi vặn xoắn, lông dựng lên; ông ấy thấy rõ chúng đang vươn dài ra, chúng trở nên to lớn, to lớn hơn. Ông ấy còn đứng thêm một lúc nữa, hai tay bám chặt vào bàn; thế rồi, ông ấy đột ngột đi ngang qua hai con vật và mở toang cửa phòng ra. "Bà Anken, bà Anken!", ông ấy gọi; và vì bà có vẻ như sẽ không nghe thấy ngay, ông ấy dùng ngón tay huýt một tiếng, người phụ nữ lớn tuổi nhanh chóng loẹt xoẹt đi ra từ gian nhà sau và khó nhọc leo lên hết cầu thang này tới cầu thang khác. "Bà lại nhìn lũ mèo mà xem!", ông ấy nói to, sau khi bà bước vào phòng.

    "Tôi vẫn thường xuyên nhìn thấy chúng mà, ông Bulemann." "Bà không thấy gì sao?" "Theo như tôi biết thì không, thưa ông Bulemann!", bà đáp, chớp chớp hai mắt mỏi mệt nhìn quanh. "Đây là loài vật gì chứ hả? Chúng đâu còn là mèo nữa!" Ông ấy tóm lấy cánh tay người phụ nữ lớn tuổi và đẩy bà vào tường. "Đồ phù thủy mắt đỏ!", ông ấy hét, "hãy thú nhận là mụ đã nấu chín lũ mèo của tôi rồi đi!" Người phụ nữ lớn tuổi nắm chặt hay bàn tay xương xẩu vào nhau và bắt đầu tuôn ra những lời cầu nguyện khó hiểu. Nhưng hai con mèo đáng sợ đã nhảy vọt từ hai bên lên vai ông chủ của chúng, liếm mặt ông ấy bằng những cái lưỡi sắc lẻm. Ông ấy đành phải buông người phụ nữ lớn tuổi ra. Tiếp tục cầu nguyện không ngớt và hắng giọng, bà lẻn ra khỏi phòng, bò xuống cầu thang. Bà như quẫn trí; bà khiếp sợ, liệu là sợ ông chủ hay sợ hai con mèo to lớn hơn thì chính bà cũng chẳng rõ. Cứ thế, bà đi vào phòng mình. Hai bàn tay run run, bà lấy ra từ giường mình một chiếc tất len dài chứa đầy tiền; rồi bà lấy nhiều chiếc váy cũ cùng quần áo sờn rách từ một cái rương và bọc quanh số tài sản của mình, kết quả là cuối cùng có một tay nải to ra đời. Bởi vì bà muốn rời khỏi đây, bằng bất cứ giá nào; bà nghĩ đến người chị gái khốn khổ của ông chủ ở ngoài ngoại ô kia; bà ấy luôn cư xử thân thiện với bà, bà muốn tới chỗ bà ấy. Hẳn nhiên rồi, đó là một chặng đường xa xôi, qua nhiều ngõ phố, nhiều cây cầu dài hẹp bắc qua những mương rãnh và kênh nước tối đen, mà ở bên ngoài kia, trời mùa đông cũng đã bắt đầu tối. Thế nhưng, bà vẫn dấn bước. Không hề nghĩ tới hàng nghìn cái bánh mì lúa mì mình đã tích trữ trong các tủ lớn làm từ gỗ cây quả kiên bởi nỗi lo sợ trẻ con, bà đi ra khỏi ngôi nhà cùng tay nải nặng phía sau gáy. Bà cẩn thận khóa cánh cửa gỗ sồi nặng nề bằng chiếc chìa khóa to cong queo, nhét nó vào cái túi da của bà và vừa thở hổn hển, vừa đi vào thành phố tối tăm.

    Bà Anken không bao giờ quay lại, cánh cửa nhà Bulemann không bao giờ được mở ra nữa. Song, cũng trong ngày bà đi khỏi ngôi nhà, một gã vô công rồi nghề trẻ tuổi đóng vai Knecht Ruprecht chạy rông khắp các nhà đã cười cợt và kể cho đám chiến hữu của mình rằng lúc gã đi trên cầu Kreszentius trong bộ lông thú của gã, gã đã hù một bà già sợ tới mức điên cuồng nhảy xuống nước cùng tay nải của mình. Sớm ngày hôm sau, ở khu ngoại ô ngoài cùng, xác một người phụ nữ lớn tuổi buộc chắc với một tay nải to đã được những người đi tuần vớt lên và không lâu sau đấy - do không ai quen biết bà - được chôn cất trong một cỗ quan tài phẳng tại khu vực dành cho người nghèo ở nghĩa trang nhà thờ.

    Buổi sáng hôm sau này là buổi sáng ngày giáng sinh. Ông Bulemann đã có một đêm tồi tệ; công cuộc cào cấu của hai con vật lên cánh cửa buồng lần này đã không cho ông ấy có được chút yên tĩnh nào; phải đến tầm rạng sáng, ông ấy mới ngủ thiếp đi một giấc dài và nặng nề. Khi rốt cuộc cũng thò được cái đầu cùng chiếc mũ chóp dài vào phòng sinh hoạt, ông ấy nhìn thấy cả hai con mèo đang kêu gừ gừ rất to và đi vòng quanh nhau với những bước chân sốt sắng không yên. Đã là buổi trưa rồi; đồng hồ treo tường chỉ một giờ. "Hai đứa nó sẽ đói cho xem, bọn thú dữ này", ông ấy lẩm bẩm. Đoạn, ông ấy mở cửa ra hành lang và huýt gọi người phụ nữ lớn tuổi. Lập tức, hai con mèo chen nhau ra ngoài rồi phóng xuống cầu thang, và chẳng mấy chốc, ông ấy nghe được tiếng nhảy nhót cùng tiếng chén đĩa lạch cạch. Hẳn chúng đã nhảy lên tủ mà bà Anken hay để lại đồ ăn cho ngày hôm sau. Ông Bulemann đứng bên cầu thang trên tầng, gọi thật to và nhiếc mắng người phụ nữ lớn tuổi; song, chỉ có sự im lặng hoặc một tiếng vọng yếu ớt từ các ngóc ngách của ngôi nhà cũ kĩ vang lên đáp lại lời ông ấy. Ông ấy thực sự đang buộc hai đuôi vạt sau của chiếc áo ngủ hoa vàng lại và định đích thân xuống dưới, đúng lúc ấy, có tiếng bình bịch trên các bậc cầu thang phía dưới, và cả hai con mèo phóng lên. Thế nhưng, chúng không còn là mèo nữa; chúng là hai con thú ăn thịt xa lạ, đáng sợ. Chúng đứng đối mặt với ông ấy, quan sát ông ấy bằng những con mắt sáng lấp lánh và bật ra một tiếng rống khàn đặc. Ông ấy định đi qua chúng, nhưng một cú táp tạo vết rách trên chiếc áo ngủ khiến ông ấy phải lùi lại. Ông ấy chạy vào phòng; ông ấy định mở tung cửa sổ ra đặng hô gọi mọi người trong ngõ; song, hai con mèo đã nhảy vào phòng theo và đến nơi trước ông ấy. Gừ gừ giận dữ, đuôi vểnh lên, chúng lượn lờ qua lại trước các cửa sổ. Ông Bulemann chạy ra hành lang và đóng sập cánh cửa phòng sau lưng; nhưng hai con mèo đã đập lên tay nắm cửa và rồi đứng cạnh cầu thang trước mặt ông ấy. Một lần nữa, ông ấy bỏ chạy vào phòng, và hai con mèo lại có mặt ở trong đó.

    Ngày đã biến mất, bóng tối len lỏi vào mọi ngóc ngách. Từ tận con ngõ phía dưới, tiếng hát vọng đến tai ông ấy; các cô cậu bé đi từ nhà này đến nhà khác, hát các bài hát giáng sinh. Chúng đến trước cửa mọi ngôi nhà; ông ấy đứng lắng nghe. Không có ai đến trước cửa nhà ông ấy sao? Nhưng ông ấy biết rõ là chính ông ấy đã xua đuổi chúng; không ai gõ, chẳng ai lay cánh cửa nhà khóa kín. Chúng kéo nhau đi qua; và dần dần, con ngõ trở nên yên lặng, yên lặng như tờ. Ông ấy thử chạy trốn lần nữa; ông ấy muốn dùng vũ lực; ông ấy vật lộn với hai con vật, ông ấy để cho mình bị cào chảy máu mặt cùng hai bàn tay. Rồi ông ấy lại chuyển sang dùng mưu; ông ấy gọi chúng bằng những cái tên cưng nựng trước đây, ông ấy vuốt ra những tia lửa điện từ bộ lông của chúng và thậm chí còn dám gãi gãi cái đầu phẳng bẹt cùng đám răng trắng to đùng của chúng. Chúng cũng nằm bẹp xuống trước mặt ông ấy, vừa kêu gừ gừ vừa lăn qua lăn lại dưới chân ông ấy; song, hễ khi ông ấy tin rằng thời cơ đã đến và lẻn ra khỏi cửa thì chúng sẽ bật dậy, đứng trước ông ấy và bật ra tiếng rống khàn đặc. Đêm qua đi, ngày lại đến, ông ấy vẫn cứ mãi chạy qua chạy lại giữa cầu thang và cửa sổ phòng mình, vặn vẹo bàn tay, thở hổn hển, vò rứt mái tóc bạc. Ngày và đêm còn luân phiên nhau thêm hai lần nữa; cuối cùng, ông ấy ném mình lên chiếc ghế bành, hoàn toàn kiệt sức, co giật toàn thân. Hai con mèo ngồi đối mặt với ông ấy, chớp chớp những con mắt khép hờ nhìn ông ấy một cách ngái ngủ. Dần dà, cơ thể ông ấy làm việc ít đi, và cuối cùng ngừng lại hoàn toàn. Một màu trắng nhợt trùm phủ gương mặt ông ấy từ bên dưới những cọng râu bạc; thở hắt ra một lần nữa, ông ấy duỗi hai cánh tay, xòe những ngón tay dài qua đầu gối; sau đó, ông ấy không cử động nữa.
     
    amylee and lynx like this.
  5. bianlukasz

    bianlukasz Mầm non

    Trong khi đó, ở bên dưới, trong các phòng trống, mọi sự lại không hề yên tĩnh. Bên ngoài cánh cửa gian nhà sau dẫn ra khoảng sân chật hẹp, một cuộc gặm nhấm và đánh chén cần mẫn đang diễn ra. Cuối cùng, một lỗ hổng cũng xuất hiện phía trên ngưỡng cửa, lỗ hổng đó cứ to dần, to dần ra; một cái đầu chuột xám chui qua, rồi chẳng mấy chốc, một đàn chuột vụt qua hành lang và cầu thang lên tầng thứ nhất. Tại đây, công việc lại tiếp tục bắt đầu từ cửa phòng, và sau khi cánh cửa này đã bị gặm thủng, tới lượt các tủ lớn tích trữ số tài sản bị bỏ lại của bà Anken. Cuộc sống ở đấy hệt như trong Vùng đất khỉ lười; kẻ nào muốn đi qua phải tự đánh chén để mở đường. Và những con vật hiến tế chén đẫy bụng; tới khi không còn muốn ăn nữa, chúng cuộn đuôi lại và đánh một giấc trong những cái bánh mì lúa mì đã bị ăn rỗng ruột. Đêm đến, chúng bò ra, túa ra sàn hoặc ngồi liếm láp tứ chi trước cửa sổ và nhìn xuống con ngõ - khi có ánh trăng - bằng những con mắt nhỏ sáng trưng. Tuy nhiên, cảnh hưởng thụ sung sướng này sẽ sớm phải đến hồi kết. Vào đêm thứ ba, khi ông Bulemann đã khép mắt ở tầng trên, tiếng bình bịch vang lên trên các bậc cầu thang. Hai con mèo to lớn phóng xuống, mở cửa căn phòng bằng một cú táp mạnh và bắt đầu cuộc đi săn của mình. Đó là lúc mọi điều tuyệt diệu đều chấm dứt. Những con chuột béo rít ré chạy quanh, cuống cuồng bò lên tường. Đều vô tác dụng; chúng lần lượt lặng tiếng giữa những cái răng đang cắn xé tan nát của hai con thú ăn thịt. Theo sau đó là im lặng, và rồi chẳng mấy chốc, người ta đã không còn nghe thấy tiếng gì khác ở trong ngôi nhà ngoài tiếng gừ gừ khe khẽ của hai con mèo to lớn đang nằm duỗi dài bốn chân trước phòng ông chủ của chúng ở trên tầng và liếm láp máu ở ria. Bên dưới, trên cánh cửa nhà, ổ khóa han gỉ, vòng gõ cửa bằng đồng thau bị phủ gỉ xanh, và giữa các bậc thềm đá, cỏ bắt đầu mọc.

    Thế nhưng, ở bên ngoài kia, thế giới vẫn vô tư lự chảy trôi. Mùa hè tới, trên mộ của cậu bé Christoph tại nghĩa trang nhà thờ St. Magdalene có một bụi hồng trắng nở hoa; và không lâu sau, một tấm bia mộ nhỏ xuất hiện bên dưới bụi hồng. Bụi hồng do mẹ cậu bé trồng cho con mình; còn tấm bia thì bà ấy không có khả năng làm ra. Tuy nhiên, Christoph đã từng có một người bạn; ấy là một nghệ sĩ trẻ tuổi, con trai một người buôn đồ cũ, sống trong ngôi nhà đối diện với nhà của hai mẹ con. Hồi đầu, cậu bé thường rón rén đến đứng dưới cửa sổ, mỗi khi chàng nghệ sĩ ngồi chơi dương cầm ở trong phòng; về sau, chàng nghệ sĩ thi thoảng lại đưa cậu bé đến nhà thờ St. Magdalene, nơi anh hay tập luyện đàn đại phong cầm vào các buổi chiều. Ở đó, cậu bé ốm yếu ngồi trên một cái ghế đẩu con dưới chân anh, vừa lắng tai nghe, vừa tựa đầu vào băng ghế anh ngồi và ngắm nhìn những tia nắng nhảy múa qua các ô cửa sổ nhà thờ. Nếu khi nào chàng nghệ sĩ trẻ, bị cuốn đi bởi việc luyện tập, để cho các nhóm ống đàn lớn, trầm hùng nổi sóng âm vang khắp trần vòm nhà thờ hay thỉnh thoảng khi anh kéo phím rung và các âm chảy tràn ra như đang run rẩy trước Đức Chúa trời, thì có thể cậu bé sẽ khẽ bật khóc, và rồi người bạn của cậu bé sẽ phải khó khăn lắm mới trấn an cậu bé được. Có lần, cậu bé bảo: "Em thấy đau lắm, anh Leberecht ạ; anh đừng để âm thanh lớn thế!" Chàng nghệ sĩ đại phong cầm lập tức liền đóng các nhóm ống đàn lớn lại, sử dụng thanh âm của tiếng sáo cùng những thanh âm êm dịu khác; và rồi thật dịu ngọt, thật lay động, khúc nhạc yêu thích của cậu bé ngân vang trầm bổng khắp nhà thờ yên ắng: "Hãy giao phó cuộc đời bạn." Khẽ khàng và bằng giọng yếu ớt, cậu bé bắt đầu hát theo. "Em cũng muốn học chơi đàn.", cậu bé nói, lúc cây đại phong cầm lặng tiếng; "anh sẽ dạy em chứ, anh Leberecht?" Chàng nghệ sĩ trẻ tuổi đặt bàn tay lên đầu cậu bé, vuốt mái tóc vàng của cậu bé, anh đáp: "Hãy thật sự khỏe mạnh đã, Christoph à, lúc ấy anh sẽ rất muốn dạy em." Nhưng Christoph đã không khỏe lên.

    Theo sau cỗ quan tài của cậu bé, bên cạnh người mẹ còn có chàng nghệ sĩ đại phong cầm trẻ. Ở đây, lần đầu tiên hai người trò chuyện với nhau; và người mẹ kể cho anh giấc mơ nọ mà bà ấy đã ba lần mơ, giấc mơ về chiếc cốc được thừa kế. "Chiếc cốc đó", Leberecht nói, "lẽ ra cháu đã có thể trao cho hai người; bố của cháu, người đã mua nó cùng nhiều thứ khác từ em trai của bác nhiều năm trước, từng tặng cháu món đồ xinh xắn đó làm quà giáng sinh." Người phụ nữ thốt lên những lời than van cay đắng nhất. "Ôi trời ơi", bà ấy lặp đi lặp lại, "lẽ ra thằng nhỏ chắc chắn đã khỏe lên rồi!" Chàng trai trẻ lặng im đi bên bà ấy một lát. "Dù vậy, Christoph của chúng ta vẫn nên có chiếc cốc đó", cuối cùng anh lên tiếng. Và đúng là như thế. Một vài ngày sau, anh bán chiếc cốc cho một người sưu tập các món đồ quý như vậy với giá tốt; nhưng số tiền có được, anh dùng để thuê người làm bia cho mộ của cậu bé Christoph. Anh cho gắn một phiến đá cẩm thạch mang hình chạm khắc của chiếc cốc vào bia mộ. Bên dưới có khắc dòng chữ: "Chúc sức khỏe!" Nhiều năm qua đi, dù là lúc tuyết phủ trên mộ hay khi bụi hồng tắm trong ánh mặt trời tháng sáu, vẫn thường xuyên có một người phụ nữ sắc mặt nhợt nhạt đến và trầm ngâm, thành kính đọc dòng chữ trên bia mộ. Thế rồi vào một mùa hè, bà ấy không tới nữa; song, thế giới vẫn vô tư lự chảy trôi. Chỉ đúng một lần, sau nhiều năm trời, là có một người đàn ông rất già đến thăm ngôi mộ, ông ấy ngắm nhìn tấm bia mộ nhỏ và ngắt một đóa hồng trắng từ bụi hồng già. Ấy là người chơi đàn đại phong cầm đã về hưu của nhà thờ St. Magdalene.

    Nhưng chúng ta phải rời ngôi mộ nhỏ yên bình thôi và, nếu câu chuyện kể cần đi đến hồi kết rồi, thì còn phải ngó qua ngôi nhà cũ có ban công vịnh ở phố Tăm Tối trong thành phố kia nữa.

    Ngôi nhà vẫn cứ đứng đó câm lặng và bị khóa kín. Trong khi bên ngoài, cuộc sống không ngừng chảy tràn qua, ở bên trong các phòng khóa trái, nấm sinh sôi từ kẽ hở giữa các tấm gỗ lát sàn, thạch cao vỡ vụn ra từ trần nhà và rơi xuống, tạo ra một tiếng vọng đáng sợ chạy khắp hành lang và các bậc cầu thang trong những đêm vắng lặng. Những đứa trẻ hát trên đường vào đêm giáng sinh nọ giờ đã là những ông bà già sống trong các ngôi nhà hoặc đã từ bỏ cuộc sống của mình và qua đời; những người hiện đang đi lại trên con ngõ đã mặc những bộ đồ khác, và ngoài nghĩa trang ngoại ô thành phố, cây gậy đen mang số trên nấm mộ không tên của bà Anken từ lâu đã mục nát. Rồi đến một đêm, như vẫn thường hay thế, mặt trăng tròn đầy lại chiếu ánh sáng qua ngôi nhà hàng xóm vào cửa sổ ban công vịnh ở tầng thứ ba, vẽ nên những đĩa tròn nhỏ sáng xanh trên sàn phòng. Căn phòng trống vắng; chỉ có một dáng người nhỏ cỡ chừng đứa bé một tuổi ngồi co ro trên ghế bành, tuy nhiên, gương mặt lại già cỗi và có râu, cái mũi gầy gò thì lớn một cách không cân xứng; dáng người đó cũng đội một chiếc mũ chóp dài rũ xuống và mặc một chiếc áo ngủ dài rõ ràng là dành cho một người đàn ông trưởng thành, dáng người đó thò hai bàn chân ra dẫm lên đuôi vạt sau chiếc áo. Đó là ông Bulemann.

    Cái đói đã không giết chết ông ấy, song cơ thể ông ấy teo tóp, khô quắt đi vì thiếu dưỡng chất, và thế là theo năm tháng, ông ấy cứ nhỏ dần, nhỏ dần lại. Thảng hoặc trong các đêm trăng tròn, như đêm nay, ông ấy thức dậy và tìm cách chạy trốn khỏi những kẻ canh gác, dẫu là với sức lực ngày một yếu ớt hơn. Khi ông ấy đã ngã xuống chiếc ghế bành hoặc bò lên đó do kiệt sức vì những cố gắng không thành, Chộp và Ria Mép sẽ đứng duỗi người bên ngoài, trước cầu thang, quất đuôi của chúng lên sàn và nghe ngóng xem liệu số tài sản của bà Anken có hấp dẫn thêm những đàn chuột mới di cư vào trong ngôi nhà hay không. Hôm nay thì khác; hai con mèo không có trong phòng cũng chẳng ở ngoài hành lang. Khi ánh trăng rọi qua cửa sổ rời khỏi sàn phòng, dần dần đậu lại nơi dáng hình nhỏ bé kia, dáng hình đó bắt đầu cử động; đôi mắt to, tròn mở ra, và ông Bulemann nhìn đăm đăm vào căn phòng trống vắng. Sau một hồi, ông ấy trượt xuống khỏi chiếc ghế bành - đồng thời khó nhọc xắn hai tay áo dài lên - rồi chầm chậm bước về phía cửa, trong khi phần đuôi rộng của chiếc áo ngủ quét đất phía sau. Đứng nhón chân với lấy tay nắm, ông ấy đã thành công trong việc mở cánh cửa phòng và bước đến bên lan can cầu thang. Ông ấy đứng lại thở dốc một lúc; đoạn, ông ấy rướn cổ và gắng sức gọi: "Bà Anken, bà Anken!" Song, giọng ông ấy chỉ như lời thì thầm của một đứa trẻ đang ốm. "Bà Anken, tôi thấy đói; bà nghe rồi đấy!" Tất cả vẫn im ắng; chỉ lũ chuột là hiện giờ đang ré lên dữ dội trong các phòng bên dưới mà thôi. Ông ấy liền nổi giận: "Mụ phù thủy, đồ đáng nguyền rủa kia, bà huýt ré cái gì thế?" Rồi một tràng những câu chửi thề thì thào khó hiểu tuôn ra từ miệng ông ấy, cho tới khi một cơn ho dữ dội tấn công ông ấy và lưỡi ông ấy tê dại. Ở bên ngoài, dưới cửa nhà, có người đập cái vòng gõ cửa bằng đồng thau, khiến tiếng vang lan lên đến tận nóc ngôi nhà. Đó hẳn phải là anh bạn cú đêm được nhắc đến ở đầu câu chuyện. Ông Bulemann đã lấy lại được sức. "Bà mở cửa đi chứ!", ông ấy thì thào; "là thằng nhỏ đấy, thằng Christoph; nó muốn lấy cái cốc." Đột nhiên, giữa tiếng rít của lũ chuột ở các tầng dưới, người ta nghe thấy tiếng nhảy và tiếng gừ gừ của hai con mèo to lớn. Ông ấy có vẻ như đã nhớ ra; lần đầu tiên khi ông ấy thức mà chúng lại rời bỏ tầng nhà cao nhất và để mặc ông ấy một mình.

    Một cách vội vã, kéo lê chiếc áo ngủ dài theo sau, ông ấy lặn lội quay trở vào phòng. Ông ấy nghe thấy tiếng người đi tuần hô to dưới con ngõ ngoài kia. "Một con người, một con người!", ông ấy lẩm bẩm; "đêm dài quá, mỗi lần mình tỉnh giấc đều vậy, và trăng thì vẫn cứ chiếu sáng." Ông ấy leo lên cái ghế bọc đệm ở cửa sổ ban công vịnh. Ông ấy miệt mài xoay sở với cái móc cửa sổ bằng hai bàn tay nhỏ khô quắt; vì ông ấy nhìn thấy người đi tuần đang đứng dưới con ngõ sáng ánh trăng. Thế nhưng, các bản lề cửa đã han gỉ hết cả; ông ấy hoài công gắng mở chúng ra. Đúng lúc đó, ông ấy thấy người đàn ông đã đứng nhìn lên chằm chằm một hồi lâu kia đang bước lùi lại vào trong bóng của những ngôi nhà. Một tiếng hét yếu ớt bật ra từ miệng ông ấy; ông ấy run run đập hai nắm tay vào kính cửa sổ; song, sức lực của ông ấy không đủ để làm vỡ kính. Ông ấy liền bắt đầu thì thào những lời cầu xin và hứa hẹn rối tung; dần dà, trong lúc bóng dáng người đàn ông đang đi bên dưới cứ xa dần, nỗ lực thì thào của ông ấy biến thành một tràng ré khàn đặc; ông ấy muốn chia sẻ số tài sản của mình với người đàn ông kia; giá mà ông ta nghe được, ông ta có thể lấy tất cả, bản thân ông ấy không muốn giữ lại cái gì cả, không một chút gì cho riêng mình, chỉ trừ chiếc cốc, nó là món tài sản của thằng nhỏ Christoph. Vậy nhưng, người đàn ông vẫn dửng dưng bước đi bên dưới, và chẳng mấy chốc, ông ta đã biến mất vào một ngõ bên.

    Trong tất cả những lời ông Bulemann nói ra vào đêm đó, không lời nào đến được tai một con người. Cuối cùng, sau mọi nỗ lực không thành, dáng người nhỏ đó co mình lại trên cái ghế bọc đệm, chỉnh lại chiếc mũ chóp dài và vừa lẩm bẩm những câu khó hiểu, vừa ngước lên bầu trời đêm trống trơn. Cho đến tận bây giờ, ông ấy vẫn ngồi như vậy, chờ mong lòng nhân từ của Chúa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/4/17
    amylee and lynx like this.
: cổ tích

Chia sẻ trang này