Thơ Việt Nhã Ca

Thảo luận trong 'Tủ sách Thi ca' bắt đầu bởi Samurai2017, 24/8/23.

Moderators: Ban Tang Du Tử
  1. Samurai2017

    Samurai2017 Lớp 2

    *Giới thiệu nhà văn Nhã Ca
    Nhã Ca tên thật là Trần Thị Thu Vân sinh 1939 tại Huế, là một nữ văn sĩ nổi tiếng cùng thời với các nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hòang… có nhiều tác phẩm văn học như truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, thơ xuất bản tại miền Nam trước 1975. Hầu hết các tác phẩm của Nhã Ca đều lấy bối cảnh Huế để xây dựng, cuộc chiến tranh Việt Nam ở thời kỳ cao điểm, nhất là cuộc Tổng Công kích của miền Bắc vào miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân 1968 để sáng tác, trong đó có một tác phẩm thuộc dạng hồi ký khiến bà bị “mang họa” sau sự kiện 30/4/1975 là quyển “ Giải khăn sô cho Huế”
    Theo một số nguồn tư liệu thì Nhã Ca đã “bỏ nhà” ở Huế vào Sài Gòn từ năm 1960 để đi theo “tiếng gọi của tình yêu” với nhà thơ Trần Dạ Từ, tác giả của bài thơ “Thủa làm thơ yêu em”…và bắt đầu viết văn, thơ tại Sài Gòn từ đấy.
    Cuối thập niên 1960, Nhã Ca là nhà văn làm chúng ta có những lúc khóc cười giữa thành phố. Khóc vì chiến tranh, vì những ước mơ hòa bình chẳng bao giờ tới. Hai mươi năm sau, bà không làm chúng ta cười được nữa vì những cảnh đổi đời từ 1975.
    Một số tiểu thuyết Nhã Ca đã được đưa lên màn ảnh. Hãng phim Việt của Đạo diễn Hà Thúc Cần đã dựng một phần "Giải khăn sô cho Huế" thành phim Đất Khổ. Hãng Lidac, với đạo diễn Lê Dân, đã đưa cuốn tiểu thuyết Cô Hippy lạc loài lên thành phim Hoa mới nở. Hai cuốn tiểu thuyết khác của Nhã Ca, Đoàn nữ binh mùa thu và Tình ca trong khói lửa đỏ, cũng đã được hãng Phim Việt mua bản quyền.
    Cũng vì nội dung trong những tác phẩm của bà, sau năm 1975, Nhã Ca bị chính quyền mới của “bên thắng cuộc” giam hai năm vì bị kết tội "biệt kích văn hóa". Chồng bà, nhà văn Trần Dạ Từ, thì bị giam 12 năm. Do sự can thiệp của hội Văn Bút Quốc tế phối hợp với hội Ân xá Quốc tế và thủ tướng Thụy Điển Ingvar Carlsson, bà được sang Thụy Điển tỵ nạn. Năm 1992 bà cùng gia đình sang California định cư và lập hệ thống "Việt Báo Daily News" tại Quận Cam.
    Là một người con gái Huế nên những vần thơ của Nhã Ca cũng mang những nét đặc trưng của miền đất thần kinh, cố đô cổ kính này.
    Ở miền Nam thời ấy, người ta biết đến Nhã Ca với bài thơ Nhã Ca Thứ Nhất ký tên Trần Thy Nhã Ca đầu thập niên 1960. Nhưng trước đó, giữa thập niên 1950, thuở học trò, Nhã Ca đã có thơ đăng trên các tuần báo văn nghệ học sinh, Văn Nghệ Tiền Phong ở Sài Gòn ký tên thật là Thu Vân. Năm 1964, thơ được in thành tập Nhã Ca Mới, được trao Giải Thi Ca Toàn Quốc năm 1965. Giải văn toàn quốc Giải Khăn Sô Cho Huế năm 1969. Tên tuổi Nhã Ca được yêu mến, bà nổi tiếng khắp miền Nam.
    Thiếu nữ thời thập niên 1960 nhất là các nữ sinh rất yêu truyện của Nhã Ca. Văn chương của Nhã Ca nhẹ nhàng và đẹp như một bài thơ. Nhân vật chính trong các truyện đa số là những cô bé học sinh mới lớn, nhiều mơ mộng. Khung cảnh trong truyện vẫn là một góc thành phố, một góc sân trường, một thế giới nhỏ bé, nhưng vẫn xảy ra những biến động quay quắt, những uẩn khúc bi thương
    Sau năm 1975, và thời gian sau này ở hải ngoại, Nhã Ca không còn làm chúng ta cười được nữa vì thời thế đã “vật đổi, sao dời” mà bà và gia đình cũng là những nạn nhân hàng đầu. Trong mỗi truyện có những đoạn làm người đọc rơi nước mắt và nếu có cười, chỉ là những nụ cười méo mó nở ra giữa khổ đau…
    Nhớ về một nữ văn sĩ có tài và nổi tiếng dòng văn học của miền Nam trước đây, tôi cố gắng sưu tầm và biên tập giới thiệu một số tác phẩm văn thơ của Nhã Ca mà có lẽ vẫn còn rất nhiều người hoài niệm …
    Hoài Nguyễn – 17/12/2015
    * Phụ lục những tác phẩm của Nhã Ca được xuất bản gồm nhiều thể loại như thơ, bút ký và tiểu thuyết.
    1. Nhã Ca mới (1964)
    2. Đêm nghe tiếng đại bác (1966)
    3. Đêm dậy thì (1966)
    4. Bóng tối thời con gái (1966)
    5. Khi bước xưống (1966)
    6. Xuân thì (1967)
    7. Người tình ngoài mặt trận (1967)
    8. Sống một ngày (1967)
    9. Mưa trên cây sầu đông (1968)
    10. Một mai khi hòa bình (1968)
    11. Tình ca cho Huế đổ nát (1969)
    12. Đoàn nữ binh mùa thu (1969)
    13. Phượng hoàng (1969)
    14. Giải khăn sô cho Huế (1969)
    15. Tình ca trong lửa đỏ (1970)
    16. Chiến tranh trong thành phố (1970)
    17. Dạ khúc bên kia phố (1970)
    18. Mùa hè rực rỡ (1970)
    19. Đời ca hát (1971)
    20. Lăn về phía mặt trời (1971)
    21. Đám tang cá voi (1971)
    22. Tan trong biển mặn (1971)
    23. Cổng trường vôi tím (1971)
    24. Tòa bin-đinh bỏ không (1971)
    25. Cô hippy lạc loài (1972)
    26. Thơ Nhã Ca (1973)
    27. Mộng ngoài cửa lớp (1973)
    28. Trưa áo trắng (1973)
    29. Trăng mười sáu (1973)
    30. Tuổi hồng vỗ cánh (1973)
    31. Yêu một người viết văn (1973)
    32. Hiền như mực tím (1973)
    33. Bầy phượng vỹ khác thường (1973)
    34. Vi ơi, bước tới (1973)
    35. Tình đầu (1973)
    36. Bé yêu (1974)
    37. Ngày thơ, tình thơ (1974)
    38. Sinh nhật (1974)
    39. Bước khẽ tới người thương (1974)
    40. Chuyện đôi ta (1974)
    41. Ngày đôi ta mới lớn (1974)
    42. Hoa phượng đừng đỏ nữa (1989)
    43. Saigon cười một mình (1990)
    44. Hồi ký một người mất ngày tháng (1990)
    45. Chớp mắt một thời (1992)
    46. Đường Tự Do Sài Gòn (2006)
     
  2. Samurai2017

    Samurai2017 Lớp 2

    *Giới thiệu thơ Nhã Ca - Thơ viết thời con gái
    1. Đêm xuân
    Những nàng tiên đến tuổi giã thiên đường
    Và cỏ cây đời đến tuổi xanh non
    Mắt cao rộng vừa trong trời ngọc bích
    Ai về đó mà thơm hồn lụa bạch
    Cổ chim xanh còn quấn quít tơ vàng
    Đêm không rằm sao vẫn mát hơi trăng
    Hoa bỗng nở giật mình tay mời mọc
    Vườn thơ dại nào, ngỡ ngàng tiếng khóc
    Đó u buồn trong giấc ngủ tàn phai
    Đó mùa xuân qua với bước chân người
    Hơi thở mùi hương nụ cười bóng lá
    Đêm bao dung hiền hòa mới lạ
    Đêm ngửa bàn tay đêm động làn môi
    Đêm dịu dàng đêm ngọt giấc mơ tôi
    Đêm trên núi cao đêm trong hồn nhỏ
    Đêm thơm nồng nàn mùi hương trí nhớ
    Khi những nàng tiên từ bỏ trần gian
    Em là nàng tiên ở lại yêu anh…
    2.Thanh xuân
    Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây
    Người đi chưa dạt dấu chân bày
    Bàn tay nằm đó không ngày tháng
    Tình ái xin về với cỏ may
    Rồi lá mùa xanh cũng đỏ dần
    Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân
    Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng
    Và nỗi tàn phai gõ một lần
    Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài
    Khuya chìm trong tiếng khóc tương lai
    Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối
    Tôi mất thời gian lỡ nụ cười
    Đời sống ôi buồn như cỏ khô
    Này anh, em cũng tợ sương mù
    Khi về tay nhỏ che trời rét
    Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ.
    3. Ngày tháng trôi đi
    Ngày cũng vừa xanh dáng tịch liêu
    Đường xa sầu tiếp với cây chiều
    Bầy chim én cũ qua thành phố
    Về gọi thời gian vỗ cánh theo
    Thôi trả cho dòng sông tối đen
    Trả cho người đó nỗi ưu phiền
    Còn đây chút tủi hờn thơ dại
    Rồi cũng xa vời như lãng quên
    Mắt dõi theo vừa ngút bóng cây
    Đời chia dăm bảy dấu chân bày
    Tôi hồn vẫn đứng yên như tượng
    Trông tháng ngày đi trên cánh tay.
    4. Bước tàn phai
    Rồi những chiều đi nuôi nhớ thương
    Mây mù chia dạt nắng tha phương
    Đường về chân lạnh sầu xa ngái
    Tôi thả hồn trôi giữa phố phường
    Mà phố chiều nay cũng vắng người
    Như lòng hoang vắng mãi không thôi
    Sầu xưa thức dậy trên vai nhỏ
    Về ướt lòng tay nửa tiếng cười
    Thôi thế thôi người đi quá xa
    Chiều hôm dòng nước cắt trong da
    Bờ cây dài những mùa đông trắng
    Sao nói rằng yêu tôi thiết tha
    Chân vẫn đi về trên lối xưa
    Hồn tôi như lạc giữa rừng mơ
    Rừng mơ sương khói pha mù lối
    Sương khói mù nâng những bước hờ.
    5. Chuyến xe đêm
    Thôi nhé hai bàn tay
    Và những ngày tháng cuối
    Một con dốc một đời
    Tiếng mây đều trôi nổi
    Nỗi buồn khi xuống tối
    Trùng điệp suốt hồn em
    Tủi hờn lên tiếng gọi
    Rừng núi còn mang tên
    Ôi chuyến xe về chậm
    Nửa đêm và nửa đời
    Ngả nghiêng hàng ghế trống
    Xiêu vẹo buồn như tôi.
    6. Bàn tay chàng
    Anh gửi bàn tay trên tóc em
    Những ngày xa mái tóc hao mòn
    Bàn tay báo hiệu mùa đông tới
    Năm ngón mềm ôm tuổi thiếu niên
    Quả phượng vừa khô trên nhánh cao
    Cây vừa hiu quạnh cổng trường sâu
    Tôi về ngó lại thời con gái
    Thành phố già nua những gốc sầu
    Tóc hết thời xanh, hết tuổi dài
    Hồn bưng bình mật đắng tương lai
    Xa chàng thức dậy khi chiều tối
    Những ngón tay mềm vuốt mặt tôi.
    7. Tiếng chuông Thiên Mụ
    Tôi lớn lên bên này sông Hương
    Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ
    Cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ
    Cửa từ bi vồn vã bước chân sông
    Mặt nước xanh trong suốt tuổi thơ hồng
    Tháp cổ chuông xưa sông hiền sóng mọn
    Những đêm tối bao la những ngày tháng lớn
    Những sáng chim chiều dế canh gà
    Tiếng chuông buồn vui dợn thấu trong da
    Người với chuông như chiều với tối
    Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi
    Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông
    Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn
    Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy
    Tiếng chuông đến và đi chỉ mình tôi thấy
    Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan
    Tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em
    Tiếng chuông tan rời như lệ mẹ hiền
    Tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố
    Tiếng chuông tan dài như đêm không ngủ
    Tiếng chuông tan tành như tiếng vỡ trong tôi
    Từ dạo xa chuông khôn lớn giữa đời
    Đổi họ thay tên viết văn làm báo
    Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo
    Cửa từ bi xưa mất dấu đứa con hư
    Tháp cổ chuông xưa, sông nhỏ sương mù
    Dòng nước cũ trong mắt nhìn ẩm đục
    Con đường cũ trong hồn nghe cỏ mọc
    Chuông cũ giờ đây bằn bặt trong da
    Tuổi hồng sa chân chết đuối bao giờ
    Ngày tháng cũ cầm bằng như nước lũ
    Nhưng sao chiều nay bỗng bàng hoàng nhớ
    Tiếng chuông xưa bừng sống lại trong tôi
    Tiếng chuông xưa kìa tuổi dại ta ơi
    Chuông òa vỡ trong tôi nghìn tiếng nói
    Những mảnh đồng đen như da đêm tối
    Những mảnh đồng đen như tiếng cựa mình
    Những mảnh đồng đen như máu phục sinh
    Những mảnh đồng đen kề nhau bước tới.
    Tôi thức dậy rồi đây chuông ơi chuông hỡi
    Tôi thức dậy đây tôi thức dậy rồi
    Thức dậy thực sự rồi
    Thức dậy cùng giông bão, thức dậy cùng tan vỡ
    Thức dậy cùng lịch sử
    Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay
    Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay
    Trên mặt nước trên mặt người mặt lộ
    Cho con trở về đừng mê sảng ngó.
    8. Bài Nhã ca thứ nhất
    Tôi làm con gái
    Buồn như lá cây
    Chút hồn thơ dại
    Xanh xao tháng ngày
    Tôi làm con gái
    Một lần qua đây
    Rồi không trở lại
    Ôi mùa xuân này
    Tôi làm con gái
    Đời như heo may
    Tình bằng cỏ dại
    Giận hờn không khuây
    Tôi làm con gái
    Một lần yêu người
    Một lần mãi mãi
    Bao giờ cho nguôi
    Tôi làm con gái
    Bao nhiêu tuổi đời
    Bấy lần thơ dại
    Buồn không ai hay.
    9. Bài Nhã ca thứ hai
    Cánh tay từ giã
    Vẫy trong hồn tôi
    Nỗi buồn quá khứ
    Phong phanh mắt người
    Một mùa đông ấy
    Tôi về xót thương
    Tiếng cười thức dậy
    Trong hồn khói sương
    Những cành hoa cũ
    Bao nhiêu tuổi rồi
    Mà lòng chợt nhớ
    Đã sầu quên thôi
    Một đời con gái
    Bấy nhiêu giận hờn
    Bài thơ để lại
    Mối sầu lớn khôn
    Thôi nhìn chi nữa
    Bàn tay héo hon.
    10. Ghé môi sầu
    Đêm chìm xuống khi tình yêu thức dậy
    Trăng mờ hơn cho sao biếc trao tình
    Em cũng sầu hơn vì quá xa anh
    Dù tiếng nói trong hồn ta đã sát
    Và đôi mắt uống hình nhau đã chật
    Tay nâng tay thương nhớ nuốt trong lời
    Đêm buồn sương làm mắt ướt xa xôi
    Và giá lạnh bao nhiêu lời tình tự
    Nghe ánh sáng dưới chân mình cách trở
    Với trăng sương mờ ngó bước chung đôi
    Bước khẽ nghe anh, bóng lấp ta rồi
    Cây gió lạ cúi đầu nâng tiếng gọi
    Anh cũng nâng em lên bằng cái nhìn gạch ngói
    Bằng hơi thở mềm còn quấn quít bên nhau
    Anh mời em nào ghé lại môi sâu
    Đêm chìm đắm và tình yêu trở giấc…
    11. Chuyện mùa đông
    Thôi nhắc làm chi những chuyện sầu
    Khi lòng chua xót trắng thương đau
    Bao nhiêu miền cũ vời xa ấy
    Buồn lắm tôi nào quên nổi đâu
    Lối ngõ người đi đã cỏ mòn
    Câu nguyền thu đã hẹp không gian
    Hồn nghe vừa dậy mùa vui cũ
    Định nói, lời xem quá ngại ngùng
    Ôi gió may về động dấu chân
    Trời xưa mây vẫn rộng như lòng
    Sân chiều chao nhẹ dăm tờ lá
    Và khói sương về cuộn cánh song
    Lá thư xanh mát hoen màu lệ
    Đôi cánh hoa vàng ép tả tơi
    Bấy nhiêu có đủ cho người nhớ
    Mà thấy lòng như muốn ngậm ngùi
    Đã bảo rằng không kể chuyện sầu
    Dối lòng cho dịu chút thương đau
    Nhưng ngày đông đó tôi còn thấy
    Nên cố quên mà quên được đâu.
    12. Bước tàn phai
    Rồi những chiều đi nuôi nhớ thương
    Mây mù chia dạt nắng tha phương
    Đường về chân lạnh sầu xa ngái
    Tôi thả hồn trôi giữa phố phường
    Mà phố chiều nay cũng vắng người
    Như lòng hoang vắng mãi không thôi
    Sầu xưa thức dậy trên vai nhỏ
    Về ướt lòng tay nửa tiếng cười
    Thôi thế thôi người đi quá xa
    Chiều hôm dòng nước cắt trong da
    Bờ cây dài những mùa đông trắng
    Sao nói rằng yêu tôi thiết tha
    Chân vẫn đi về trên lối xưa
    Hồn tôi như lạc giữa rừng mơ
    Rừng mơ sương khói pha mù lối
    Sương khói mù nâng những bước hờ.
    13. Nhã ca mùa hạ
    Xin giao trả, này một cành hoa trắng
    Với nửa vòng tay với nửa đời người
    Tôi trở về làm con gái hai mươi
    Hai mươi tuổi cộng thêm ngày sắp tới
    Nỗi buồn ấy tan biến như mây mù
    Mùa hạ đơn sơ một loài hoa rụng đỏ
    Trong hồn tôi từng giọt tango bleu
    Rơi rơi mãi rơi đều không thiết ngó
    Bài dạ khúc cắt đôi chiều thứ ba
    Chàng có giọng hát buồn như nước chảy
    Tôi ở lại gọi trăm lần nhã ca
    Tiếng gọi thê lương kéo suốt thời thơ dại
    Hai mươi tuổi thôi hết thời con gái
    Cành xanh xao với trái mùa thu
    Tuổi trẻ bị bỏ quên không bao giờ ngó lại
    Tôi với ngày qua biển xám mây mù.
    14. Đơn ca
    Bây giờ mỗi chúng ta
    Là nỗi buồn khốn kiếp
    Anh như loài rong
    Trên mặt dài lo sợ
    Em như loài rong
    Xanh mướt niềm ăn năn
    Khẽ cho dĩ vãng
    Sâu trong rừng hoang
    Với tuổi thơ cằn cỗi
    Với cây già ngã xuống
    Lá khô bồi đất đen
    Đứa con gái soi gương
    Vỡ mặt tôi thất vọng
    Thôi bây giờ đời em
    Lối đi về dưới mắt
    Cỏ lá sầu khô queo
    Dấu hao mòn thảo mộc
    Là vết mờ thanh xuân
    Em như loài rong
    Trôi mãi niềm ăn năn
    Thôi bây giờ chúng ta
    Trên mọi dòng hối tiếc
    Không bao giờ gặp nữa
    Hét tên vào thinh không
    Tên em cùng nỗi bi ai
    Nỗi bi ai tròn kiếp
    Thôi bây giờ hỡi anh
    Vết chém trên thân thể
    Tím bầm trong tiếng kêu
    Một đời tình hèn hạ
    Không còn nữa
    Thôi bây giờ nhã ca
    Chỉ còn là tiếng nói
    Buồn lỡ hết thời gian
    Bài đơn ca thú tội
    Với tuổi xuân một lần
    Tôi như loài rong
    Chìm dưới vùng ăn năn.
    15. Khi hai mươi tuổi
    Không còn một nàng tiên vỗ về ru giấc ngủ
    Không còn một lời ca làm dịu tâm hồn cô đơn
    Không còn thơ tình thơm nức mùi thuốc lá
    Không còn một bàn tay vuốt ve nỗi giận hờn
    Không còn gì không còn gì tất cả
    Mỗi buổi mai thức dậy tiếng còi tàu
    Đời tình ái cỏ rơm
    Cùng khoảng trống bên vai nơi nỗi buồn ở lại
    Với mặt trái bàn tay mặt phải linh hồn
    Anh đã tự do vào đời tôi đập phá
    Tôi cũng tự do xài phí hết đời tôi
    Cuối những sớm mai chiều tối của đời người
    Khi ngã xuống những tháng ngày mục rã
    Tôi cũng không cần ai nhớ ai quên
    Người con gái chết đi mang tên loài cỏ dại.
    Sài Gòn, 9-1963
    Nhã Ca - (Trích Phần 1 – Thơ viết thời con gái)
     
    totochan thích bài này.
Moderators: Ban Tang Du Tử

Chia sẻ trang này