Đang dịch G Những ngày niên thiếu - Friedrich Hebbel

Thảo luận trong 'Góc dịch các tác phẩm tiếng Đức' bắt đầu bởi bianlukasz, 21/4/17.

  1. bianlukasz

    bianlukasz Mầm non

    Tác phẩm: Aus meiner Jugend (Những ngày niên thiếu)
    Tác giả: Friedrich Hebbel
    Người dịch: @bianlukasz
    Phân loại: G

    Tự truyện ngắn về thời thơ ấu của nhà thơ, nhà viết kịch người Đức Friedrich Hebbel (1813- 1863). Tác phẩm kể lại những tháng ngày ông sống cùng gia đình ở thị trấn Wesselburen thuộc bang Schleswig-Holstein bằng giọng văn gợi nhắc hài hước pha lẫn trầm tư.
     
  2. bianlukasz

    bianlukasz Mầm non


    1

    Hồi tôi ra đời, cha tôi có một ngôi nhà nhỏ nằm liền bên một khu vườn con trồng vài loại cây ăn trái, nổi bật là một cây lê sum suê, tươi tốt. Ngôi nhà có ba căn hộ, gia đình tôi sống trong căn hộ rộng rãi và dễ chịu nhất; lợi thế chính của nó là vị trí đón ánh nắng mặt trời. Hai căn hộ còn lại chúng tôi cho thuê; căn hộ đối diện chúng tôi có ông thợ xây già Claus Ohl cùng bà vợ gù thấp bé sinh sống, còn căn hộ thứ ba - nơi lối đi sau chạy qua khu vườn và dẫn vào - là của một gia đình lao động tự do. Những người thuê nhà không bao giờ chuyển đi, đối với bọn trẻ chúng tôi, họ cũng thuộc về ngôi nhà giống như cha và mẹ, cũng gần như hoặc tuyệt đối không khác gì cha mẹ chúng tôi, trong cách giao tiếp đầy thương mến với chúng tôi. Vườn của gia đình tôi được bao bọc bởi những khu vườn khác. Một bên là vườn của bác thợ mộc vui tính hay thích trêu chọc tôi, người mà cho đến ngày hôm nay tôi vẫn không tài nào hiểu nổi làm sao lại có thể tự sát - một hành động về sau này bác đã thực hiện. Có lần, khi còn là một cậu nhóc bé xíu, tôi chìa bộ mặt già đời của mình qua hàng rào và nói với bác: “Hàng xóm này, trời lạnh lắm đấy!” và bác đã không tiếc hơi sức nhắc đi nhắc lại câu đó với tôi, đặc biệt trong những tháng hè nóng nực.

    Vườn nhà bác thợ mộc giáp ranh vườn của vị linh mục. Khu vườn này được rào bởi hàng rào ván gỗ cao nhằm ngăn trẻ con bọn tôi ngó sang, nhưng không ngăn được việc chúng tôi nheo mắt nhìn qua các khe hở và kẽ nứt. Chúng tôi hay làm thế vào mùa xuân, lúc mà những đóa hoa xinh đẹp lạ lẫm hiện diện khắp vườn vươn mình tỉnh giấc, một nguồn vui thật bất tận; chỉ có điều, chúng tôi luôn run rẩy lo sợ vị linh mục sẽ nhận ra mình. Chúng tôi mang trong lòng nỗi kính sợ vô bờ bến đối với người này, một nỗi kính sợ có lẽ hình thành nên vừa từ gương mặt u uất, khô cứng, nghiêm nghị cùng ánh mắt lạnh lùng của ông ấy, vừa từ dáng đứng cũng như những công việc khiến chúng tôi rất đỗi ấn tượng của ông ấy, ví như chuyện ông ấy đi đằng sau những xác người chết vẫn cứ luôn diễu ngang qua nhà chúng tôi. Hễ lần nào ông ấy nhìn sang phía chúng tôi, chúng tôi cũng lập tức ngừng chơi đùa và lủi vào nhà.

    Ở một bên khác, ranh giới giữa vườn nhà chúng tôi với vườn nhà hàng xóm chính là một cái giếng cũ. Giếng bị phủ bóng bởi cây cối và còn sâu nữa, phần nắp đậy rạn vỡ đầy rêu xanh thẫm, tất cả khiến tôi không tài nào không lạnh người khi quan sát nó. Cuối cùng, khu vườn dài mảnh nhà tôi được bao kín nhờ vườn nhà một người bán sữa rất được cả khu nể trọng vì đàn bò cái người đó nuôi, cùng với khoảng sân nhà một người làm nghề thuộc da trắng - người khó ưa nhất trong cả xã hội -, mẹ tôi luôn bảo người này trông cứ như vừa xé xác một ai đó và muốn chộp đầu người còn lại rồi cắn xé. Bầu không khí tôi hít thở thời thơ ấu chính là như vậy đấy. Không thể nào chật chội hơn được, tuy nhiên, những ấn tượng nó để lại trải dài mãi đến tận những tháng ngày hiện tại. Bác thợ mộc hài hước vẫn nhìn tôi qua hàng rào, vị linh mục cau có vẫn nhìn tôi qua rào gỗ cao. Tôi vẫn trông thấy người bán sữa vạm vỡ, thô kệch, sung túc đủ đầy đứng ở cửa nhà với hai tay đút túi nhằm thể hiện rằng túi mình không hề rỗng, vẫn trông thấy người làm nghề thuộc da trắng có khuôn mặt vàng ệch, cái người mà chỉ đôi má đỏ hồng của một đứa trẻ cũng đã khiến ông ta phật ý, cái người trong mắt tôi còn ghê rợn hơn nữa khi ông ta bắt đầu nở nụ cười. Tôi vẫn ngồi trên băng ghế nhỏ bên dưới cây lê tán rộng và kiên nhẫn chờ đợi nơi bóng râm thảnh thơi, dễ chịu của nó xem từ trên ngọn cây tắm ánh nắng có rụng xuống trái chín sớm nào vì bị sâu đục hay không; cái giếng với phần nắp đậy luôn phải có vật gì đó đóng đinh lên vẫn không ngừng khơi gợi trong tôi một cảm giác rờn rợn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/4/17
  3. bianlukasz

    bianlukasz Mầm non


    2

    Tính tình cha tôi ở nhà rất nghiêm nghị, nhưng khi ra ngoài lại vui tươi và hay nói; cha được ca ngợi hết mực có khiếu kể chuyện cổ tích, song phải mất nhiều năm trời, chúng tôi mới được biết tận tai cái khiếu ấy. Cha không thích khi chúng tôi cười và để người khác nghe thấy rõ; ngược lại, trong ánh chạng vạng của những tối đông dài, cha hay hát các bài thánh ca cùng những khúc hát thế tục, cha rất thích chúng tôi hòa giọng cùng. Mẹ tôi cực kì tốt bụng và hơi dễ xúc động; từ đôi mắt xanh dương của mẹ bừng tỏa ra sự dịu dàng thân thương nhất; những khi cảm xúc dâng đầy, mẹ thường khóc. Tôi là đứa con mẹ thân thiết nhất, còn cậu em trai nhỏ hơn hai tuổi là người thân thiết nhất với cha. Lí do không phải bởi tôi giống mẹ, còn em trai có vẻ giống cha, vì như sau này đã chứng minh, điều đó hoàn toàn không đúng.
    Cha mẹ tôi sống rất đỗi hòa thuận với nhau, chừng nào trong nhà vẫn đủ cái ăn; những lúc thiếu thốn, điều hiếm khi xảy ra vào mùa hè mà thường trong thời điểm mùa đông khan hiếm việc làm, thỉnh thoảng trong nhà lại có một cuộc cãi vã đáng sợ. Tôi không nhớ nổi quãng thời gian đó, cái hồi mà những cuộc cãi vã này đối với tôi dường như kinh khủng hơn mọi thứ trên đời - dù cho chúng không bao giờ bị đẩy đi quá xa -, và cũng chính bởi thế, tôi không cho phép mình bỏ qua chúng trong câm lặng.

    Tôi nhớ có một vụ xung đột theo kiểu khác dạo tôi còn rất rất nhỏ. Đó là vụ đầu tiên tôi nhớ đến, hình như nó xảy ra năm tôi ba tuổi, thậm chí còn có khả năng là hai tuổi nữa. Tôi có thể kể lại mà không hề làm hỏng đi sự tưởng nhớ thiêng liêng của mình dành cho cha mẹ, bởi nếu ai nhìn thấy trong sự vụ đó có gì bất thường thì người ấy quả chẳng hiểu gì về con người thuộc các tầng lớp dưới cả. Hồi cha tôi làm lao động thủ công, cha chủ yếu ăn ở chỗ những người chủ của mình. Chúng tôi ăn ở nhà, giống mọi gia đình khác, vào cái giờ thường nhật buổi trưa. Đôi khi, để đổi lấy một khoản đền bù cho tiền công, cha phải tự lo liệu chuyện ăn uống. Rồi bữa trưa bị dời sang giờ khác, và nhằm chống đói, nhà tôi ăn bánh mì phết bơ đạm bạc lúc mười hai giờ. Đó là một bữa phụ tiết kiệm trong những gia đình ít nhân khẩu không có điều kiện lo hai bữa chính mỗi ngày. Vào một hôm như vậy, mẹ làm bánh nướng chảo, chắc chắn để giúp các con vui nhiều hơn là để chiều theo mong muốn của chính mình. Chúng tôi thưởng thức những chiếc bánh hết sức ngon lành và hứa rằng tối đến sẽ không kể gì với cha. Lúc cha về nhà, chúng tôi đã được đưa vào giường và đang say ngủ. Liệu cha có quen với việc vẫn thấy chúng tôi khỏe mạnh bình thường và nay nhận ra điều trái ngược nên nảy sinh ngờ vực rằng quy tắc sinh hoạt trong nhà đã bị phá vỡ hay không thì tôi không rõ; lần này, cha đánh thức tôi dậy, âu yếm vuốt ve, bế tôi lên và hỏi tôi đã ăn món gì. “Bánh nướng chảo ạ!”, tôi lơ mơ đáp. Lát sau đấy, cha liền trách mắng mẹ, người chẳng có gì để nói lại và đang bận dọn bàn ăn ra cho cha, song cũng ném về phía tôi ánh nhìn cảnh báo tai họa sắp giáng xuống. Hôm sau, khi chỉ có mấy mẹ con, mẹ đã giảng cho tôi một bài học cực kì rõ ràng, rành mạch về việc phải giữ im lặng, sau khi đã thể hiện điều ấy qua cây roi. Còn những lúc khác, mẹ vẫn tiếp tục củng cố tình yêu sự thật không thể lay chuyển trong tôi. Người ta sẽ cho rằng hai cách dạy mâu thuẫn này có thể đã gây ra hậu quả xấu nào đó chăng. Nhưng không phải vậy, và sẽ không bao giờ là vậy cả, vì cuộc sống vốn còn làm phát sinh nhiều xung đột hoàn toàn khác nữa, bản tính con người thích nghi được với những mâu thuẫn này. Tuy vậy, tôi đã phải trải nghiệm một tình huống mà một đứa con không bao giờ hoặc chỉ nên trải nghiệm khi đã lớn thì tốt hơn, chính là chuyện thỉnh thoảng cha muốn điều này trong khi mẹ lại muốn điều khác. Tôi không nhớ rõ những năm đầu đời mình có bị thiếu ăn thực sự như về sau hay không, nhưng tôi nhớ hình ảnh mẹ có những lúc phải tự bằng lòng với việc quan sát nhưng đồng thời cũng rất vui khi nhìn chúng tôi ăn, bởi nếu không, chúng tôi sẽ chẳng được no bụng.
     
  4. bianlukasz

    bianlukasz Mầm non


    3


    Sức hấp dẫn lớn nhất của tuổi thơ hình thành trên nền tảng thực tế rằng tất cả mọi người, mọi vật xung quanh - cho đến cả những con vật nuôi trở xuống - đều cư xử hòa nhã và đầy thiện ý đối với những đứa trẻ, bởi vì từ đó sinh ra một cảm giác của sự an toàn, thứ cảm giác sẽ thoát đi ở bước chân đầu tiên tiến vào thế giới thù địch và không bao giờ quay trở lại nữa. Điều này đặc biệt đúng đối với những người thuộc các tầng lớp dưới. Không đời nào có chuyện đứa trẻ chơi đùa trước cửa nhà mà không được chị giúp việc nhà hàng xóm đang được cử đi mua đồ hoặc lấy nước ở bên đường tặng cho một bông hoa; bác bán trái cây sẽ ném cho đứa trẻ một quả anh đào hay một quả lê từ trong giỏ của mình, một người thuộc tầng lớp tư sản giàu có nào đó thậm chí cho nó cả đồng xu nhỏ có thể mua được một cái bánh mì con con; người đánh xe quất roi đen đét trong lúc chạy xe qua, người nhạc công vừa đi vừa tấu lên vài nốt nhạc, nếu có ai không làm bất cứ điều gì kể trên thì ít nhất người ấy cũng sẽ hỏi han tên tuổi hoặc mỉm cười với nó. Đứa trẻ đó tuy nhiên trông phải sạch sẽ. Những thiện ý như thế này cũng được dành rất đỗi nhiều cho tôi và em trai tôi, trên hết từ những người sống cùng nhà - những người được gọi là hàng xóm đặc biệt - mà trong mắt chúng tôi thân thuộc gần như mẹ và gần gũi hơn người cha nghiêm khắc.
    Trong mùa hè, họ phải làm việc và ít có thì giờ chơi với chúng tôi, song chuyện đó cũng không cần thiết, vì từ sáng đến tối, từ lúc cầu nguyện đến lúc đi ngủ, chúng tôi đều vui đùa trong vườn và đã cảm thấy thỏa mãn với sự bầu bạn của lũ bướm rồi. Còn vào mùa đông trời mưa, tuyết rơi, khoảng thời gian chúng tôi bị giới hạn mọi hoạt động trong nhà, hầu như mọi niềm vui, mọi trò chơi chúng tôi có được đều đến từ họ. Vợ của bác lao động tự do là một người phụ nữ tên Meta, có vóc dáng cực kì cao lớn và hơi chút đổ về phía trước, cùng gương mặt sắt đá theo kiểu kinh Cựu ước mà bức họa Nhà tiên tri của Cumae do Michelangelo vẽ trong nhà nguyện Sistine đã gợi nhắc tôi nhớ đến một cách sống động, bác thường hay đi vòng sang chỗ chúng tôi với tấm vải đỏ quấn quanh đầu trong những tối đông dài, lúc trời đương buổi hoàng hôn và ở lại tới khi ta phải thắp đèn lên. Bác kể cho chúng tôi những câu chuyện phù thủy, hồn ma, chúng luôn gây ấn tượng mạnh hơn khi được thốt ra từ chính miệng bác chứ không phải ai khác; chúng tôi được nghe về núi Blocksberg, về ngày Sabbat ma quỷ; cái cán chổi có vẻ ngoài rất tầm thường đã đón nhận một ý nghĩa mới đáng ghê sợ, cái ống khói tối tăm có thể bị những thế lực dưới địa ngục cùng tôi tớ của bọn chúng sử dụng theo một cách thức hết sức độc địa trong mọi ngôi nhà, do đó kể cả nhà chúng tôi, thì khiến chúng tôi kinh khiếp. Tôi vẫn nhớ như in ấn tượng mà câu chuyện kể về bà chủ cối xay xấu xa đêm đêm hóa thân thành mèo đã tác động lên mình, nhớ rằng tôi đã trấn an bản thân là bà ta cuối cùng cũng bị trừng phạt thích đáng vì trò đùa tệ hại này; bởi con mèo đã bị cậu thợ học việc sẵn mối nghi ngờ chặt mất một bàn chân trong một bận đang bắt đầu cuộc dạo chơi ban đêm của nó, rồi ngày hôm sau, bà chủ cối xay nằm trên giường với cánh tay phải dính đầy máu và thiếu mất bàn tay. Thời điểm đèn được thắp lên, chúng tôi hay sang căn hộ của ông Ohl, ở trong phòng ông, dĩ nhiên chúng tôi cảm thấy ấm cúng hơn lúc ở bên bác Meta. Ông hàng xóm Ohl là một người tôi không bao giờ thấy cáu bẳn, dù cho ông có lí do để mà như thế. Với cái dạ dày rỗng - phải, cụm từ đó chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn khi ta nói về ông -, với ống tẩu rỗng, ông nhảy, ông hát, ông huýt sáo cho chúng tôi nghe, khuôn mặt luôn vui vẻ, hài lòng của ông soi sáng cho tôi, dù ông có cái mũi ửng đỏ một cách đáng chú ý, cái mũi tôi đã từng khao khát sở hữu theo như lời kể của mẹ, hồi tôi được đung đưa trong lòng ông và ngước nhìn lên ông, và dẫu bị chiếc mũ chóp dài gập xuống mà ông thường xuyên đội phủ bóng thì cái mũi ấy đến giờ vẫn sáng tựa một vì sao. Có một thời, ông từng là thợ xây duy nhất trong khu, là chủ của hai mươi cho tới ba mươi lao động, nhiều người trong số đó về sau đã trở thành thợ cả và lấy mất công việc của ông; lẽ ra hồi xưa ông đã có thể tạo dựng cho mình một tương lai sáng lạng - người ta nhắc lại lời ông thế -, nếu ông không quá thường xuyên đến chỗ chơi ky cũng như không quá yêu thích mấy ly rượu ngon. Tuy nhiên, với người nào từng phải nếm trải những tháng ngày gian khó như ông, ta không thể trách cứ được chuyện họ quá vô tư tận hưởng những thứ tốt lành. Tôi không thể nào nghĩ đến ông mà không cảm thấy xúc động; làm sao được cơ chứ? Ông từng cố hết sức vay mượn của người bán đồ chơi cái dùi của trống định âm và cây kèn trôm-pét, những thứ ông đem tặng cho tôi với em trai tôi trong một dịp đi chợ phiên hàng năm, và khiến bản thân sau nhiều năm - khi tôi đã cao ráo và già dặn đi cạnh ông - vẫn còn bị người ta nhắc nhở, bởi chỉ mãi sau này, hoàn cảnh nghèo khó mới giúp ông được xóa món nợ nhỏ ấy. Ông không bao giờ cạn kiệt ý tưởng trong việc đem đến niềm vui cho chúng tôi, và vì đối với con trẻ, chuyện đó không cần gì khác ngoài thành ý, nên ông chẳng khi nào thất bại. Một trong những điều khiến chúng tôi thích thú nhất là khi ông cầm lấy viên phấn, cùng chúng tôi ngồi xuống bên cái bàn tròn của ông rồi bắt đầu vẽ: nhà cửa, cối xay, những con vật và nhiều nhiều thứ khác. Trong những lúc như thế, ông hay nảy ra những ý tưởng hài hước nhất mà đến giờ vẫn còn vang lên bên tai tôi. Ngay cả cảm giác hạnh phúc tột cùng ông cảm nhận được đối với ông cũng chẳng tồn tại, nếu không có chúng tôi sẻ chia. Cảm giác ấy xuất hiện lúc ông chậm rãi uống một phần gọi là nửa Plank rượu brandy và hút tẩu vào sáng chủ nhật, sau buổi thuyết giảng - trước bữa ăn, nhằm hồi tưởng lại những tháng ngày tươi đẹp. Mỗi đứa chúng tôi cũng phải nhấp một ngụm xíu xiu bằng mức cái đê, không thì ông sẽ chẳng buồn động đến nó. Thứ đồ uống này dù không phải loại phù hợp nhất dành cho chúng tôi nhưng nó vừa đủ ít để giúp tránh những tác động xấu có thể xảy ra; tuy nhiên, cha tôi đã cấm tiệt màn ăn mừng ngày chủ nhật này khi biết được chuyện. Việc này khiến ông già tốt bụng rất buồn phiền, song không ngăn được ông - tôi phải nói thêm thế - tiếp tục cho chúng tôi uống cùng, tuy nhiên, mọi sự diễn ra trong yên lặng tuyệt đối và ông khẩn thiết yêu cầu chúng tôi hãy tránh mặt cha sau đó, để cha không có cơ hội hôn ai trong chúng tôi và rồi phát hiện ra vụ vi phạm lệnh cấm; bởi chính một nụ hôn lên môi em trai tôi đã lần đầu tiên tiết lộ cho ông về trò chơi của ba ông cháu chúng tôi. Thi thoảng, một trong hai người anh em không lập gia đình của ông - những người chủ yếu đi lang thang và có lẽ không có nghề ngỗng gì - lại đến ở nhà ông trong mùa đông. Họ luôn nhận được sự đón tiếp vô tư của ông, họ lưu lại cho đến khi mùa xuân hoặc cái đói thôi thúc; ông không xua đuổi họ, mặc cho bản thân thiếu thốn ra sao, ông luôn vui vẻ vượt qua những ngày ấy, song, khi ông không có gì ăn, dĩ nhiên ông cũng chẳng thể cho họ được.

    Mỗi dịp chú Hans hay chú Johann đến chơi đều là một ngày hội, vì các chú luôn thả một mẩu mới mẻ của thế giới vào chiếc tổ của chúng tôi. Các chú kể cho chúng tôi nghe về những khu rừng cùng những cuộc phiêu lưu trong rừng của các chú, về những tên kẻ cướp và giết người hầu như các chú không thể tránh đụng đầu, về món súp tiết đen đã ăn trong những quán rượu đơn độc giữa rừng, và về những ngón tay, ngón chân người tìm thấy sau cùng ở đáy tô. Bà chủ nhà rất không hoan nghênh sự có mặt của hai người anh em chồng ăn bám khoác lác, vì gánh nặng cuộc sống đối với và không đơn giản như cách người chồng cảm nhận, bà biết hai người kia sẽ không rời đi chừng nào còn một mẩu thịt xông khói treo nơi ống khói, tuy vậy, bà tự bằng lòng với việc chỉ bí mật cằn nhằn, rồi sau đấy đi tâm sự với mẹ tôi chẳng hạn. Bà cũng quí mến hai đứa chúng tôi nữa, luôn tặng những quả lý chua màu trắng, màu đỏ cho chúng tôi trong dịp hè mỗi khi có thể, những quả ấy bà đích thân năn nỉ xin được từ một bà bạn keo kiệt. Nhưng tôi tránh tiếp xúc quá gần bà, tại bà luôn rất bận tâm đến chuyện cắt móng chân móng tay tôi những lúc chúng bị dài, việc ấy tôi cực kì ghét, tại cái cảm giác tê nhói ở đầu mút các dây thần kinh do nó gây ra. Bà rất chăm đọc kinh thánh, ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên, phải nói là khủng khiếp của tôi về quyển sách buồn thảm này xuất phát từ bà, rất lâu trước khi tôi tự mình đọc được nó, bởi bà đã đọc tôi nghe cái đoạn rợn người trong phần về ngôn sứ Jeremiah, chỗ mà nhà tiên tri đang đùng đùng giận dữ phán rằng vào thời kì đói kém cực cùng, các bà mẹ sẽ giết chết và ăn thịt chính con của mình. Tôi còn nhớ rõ nỗi kinh hoàng ghê gớm đoạn kinh thánh này đã gieo vào lòng tôi, chắc có lẽ vì tôi không hiểu nó liên quan tới quá khứ hay tương lai, tới Jerusalem hay Wesselburen, hơn nữa, bản thân tôi cũng là một đứa con, cũng có một người mẹ.
     
    Dễ Cưng 1 thích bài này.
  5. bianlukasz

    bianlukasz Mầm non


    4


    Năm bốn tuổi, tôi được gửi vào học ở một cơ sở giáo dục tư nhân. Một cô giáo đứng tuổi chưa lập gia đình tên Susanna, dáng cao và giống nam giới, đôi mắt xanh dương thân thiện như hai ngọn đèn sáng tỏa ra từ gương mặt xám nhợt nhạt, phụ trách đứng lớp. Trẻ con chúng tôi được xếp tụm lại cạnh tường trong căn phòng rộng rãi và khá tối dùng làm phòng học của trường, con trai ngồi một bên, con gái ngồi một bên. Cái bàn để sách dạy học của cô Susanna ngự giữa phòng, bản thân cô ngồi sau bàn, trên chiếc ghế tay tựa xưa cũ mang ấn tượng đầy tôn kính, với một tách trà đặt phía trước và miệng ngậm tẩu đất sét trắng. Trước mặt cô để một cây thước dài không phục vụ cho việc kẻ dòng mà để phạt chúng tôi, khi cô không còn kiểm soát được chúng tôi bằng những cái nhăn trán hay hắng giọng nữa; bên cạnh cây thước là một túi đựng đầy nho khô dùng để thưởng cho những việc làm, cách cư xử đặc biệt gương mẫu. Tuy nhiên, hình ảnh thước vụt xuống thì xuất hiện thường xuyên hơn mấy quả nho khô, mặc dù vậy, dẫu cho cô Susanna đã rất dè xẻn với số nho bên trong, cái túi đôi lúc vẫn sạch trơn; nhờ thế, chúng tôi đã làm quen với mệnh lệnh tuyệt đối của Kant đủ sớm.
    Học sinh trong lớp tất cả đều lần lượt được gọi lên đứng cạnh bàn, ấy là các học sinh lớn tuổi trong giờ học viết, là một hàng những học sinh phải lên đọc thuộc bài, và tiếp nối theo sau sẽ nhận nhát thước vụt lên ngón tay hoặc những quả nho khô. Có một chị giúp việc cau có, người cứ lúc này lúc khác lại tự cho phép bản thân can dự vào vấn đề trách phạt, đi qua đi lại và thỉnh thoảng bị thành viên mới nhất của lớp chọc giận theo cách rất không dễ chịu gì, dẫn đến việc chị ta sẽ canh chừng nghiêm ngặt đặng học sinh này không thể ăn quá nhiều kẹo bánh mang theo. Đằng sau ngôi nhà là khoảng sân nhỏ liền với mảnh vườn của cô Susanna; chúng tôi chơi đùa trên sân vào các giờ trống tiết. Mảnh vườn bị khóa kín khỏi học sinh chúng tôi. Trong vườn trồng toàn những loài hoa có dáng hình tuyệt diệu mà tới tận bây giờ, tôi vẫn thấy hình ảnh chúng đung đưa trong gió hè oi bức. Khi tâm trạng vui vẻ, cô Susanna thỉnh thoảng có hái cho chúng tôi mấy bông, nhưng chỉ trong trường hợp những bông ấy sắp tàn. Còn trước đấy, cô sẽ không ngắt đi bất cứ bông hoa nào khỏi các luống đất vườn được vun xới sạch sẽ và nhổ cỏ cẩn thận, với những lối đi trải dọc giữa chúng dường như không cả đủ rộng cho mấy con chim nhảy nhót. Ngoài ra, cô Susanna còn chia quà theo kiểu rất thiên vị. Những đứa trẻ con nhà khá giả nhận được phần tốt nhất và được phép nói ra hết mọi mong muốn thường chẳng giản đơn gì của chúng mà không hề bị trách mắng; những đứa nhà nghèo hơn phải bằng lòng với phần còn sót lại và sẽ không có gì cả, nếu không biết ngồi yên lặng chờ đợi cử chỉ nhân từ đó của cô. Điều này được thể hiện lộ liễu nhất vào dịp giáng sinh. Khi đó, sẽ có một cuộc đại phân phát bánh ngọt với quả kiên, nhưng trung thành tuyệt đối theo câu phúc âm: ‘Kẻ nào có, kẻ đó sẽ được!’. Các con gái của người viết kịch cho nhà thờ - một nhân vật rất đỗi được nể trọng -, các con trai của vị bác sĩ,… sẽ ôm đầy tay sáu cái bánh ngọt, cả túi quả kiên; trong khi lũ nhóc nghèo hèn mà triển vọng đêm giáng sinh của chúng hoàn toàn dựa vào bàn tay nhân từ của cô Susanna thì chỉ được cho chút phần còm cõi. Nguyên do bởi cô Susanna còn tính đến cả phần quà được tặng ngược lại nữa, mà có lẽ cũng buộc phải thế, và sẽ chẳng ai lại đi trông đợi gì ở những vị phụ huynh vất vả mới xoay xở trả nổi tiền học cho con. Tôi không bị bỏ mặc hoàn toàn, vì trong mùa thu, cô Susanna thường xuyên nhận quà biếu có xuất xứ từ cây lê nhà tôi, ít nhiều gì, tôi cũng được hưởng một dạng ưu tiên nào đấy trước mặt nhiều học sinh nhờ vào ‘đầu óc thông minh’ của mình, song tôi vẫn cảm nhận thấy sự khác biệt kia, đặc biệt vẫn phải khổ sở với chị giúp việc - người cay nghiệt hiểu sai ngay cả hành động vô tội nhất của tôi, chẳng hạn như coi chuyện rút một chiếc khăn tay ra là dấu hiệu cho thấy tôi có ý định lấy bánh kẹo cho vào khăn, điều ấy khiến hai má tôi đỏ tưng bừng vì xấu hổ, còn mắt thì đong đầy nước. Thời khắc nhận thức được sự thiên vị nơi cô Susanna cùng sự bất công của chị giúp việc, bản thân tôi cũng tự bước ra ngoài vòng tròn bảo vệ màu nhiệm của tuổi thơ. Việc này xảy ra từ rất sớm.
     

Chia sẻ trang này