Kinh điển Nỗi đau của chàng Werther - Johann Wolfgang von Goethe

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi coughgerm, 1/6/15.

  1. coughgerm

    coughgerm Lớp 7

    [​IMG]

    Nếu nói theo ngôn ngữ các bạn trẻ bây giờ, cuốn "Nỗi đau của chàng Werther" đích thực là một cuốn truyện thuộc loại Ngôn tình. Đặc sệt ngôn tình. Không những ngôn tình mà lại còn là loại SE. Chỉ có điều nó thuộc ngôn tình “tây” nên thấm đẫm tính lãng mạn kiểu tây thế kỷ thứ XVIII.

    Truyện mô tả tâm trạng một chàng trai trẻ yêu say đắm một phụ nữ đã có gia đình. Dĩ nhiên với tinh thần một quý tộc (của tây) tương tự như tính cách quân tử tàu của … Tàu, tự chàng nhận thấy không thể tồn tại được một mối tình tay ba như thế nên đã tự kết liễu đời mình để hẹn nàng kiếp sau.

    Goethe đã sử dụng một bút pháp cực kỳ tinh tế để miêu tả tình cảm nội tâm của chàng Werther, sự đấu tranh tình cảm của nàng Lotte giữa chồng là Albert và người tình, cũng như sự cao thượng của Albert đối với Werther tình địch của mình. Bên cạnh đó, với cách viết đan xen từ tự truyện qua những bức thư gửi bạn và từ những nhận định của người bạn, Goethe rất khéo léo trình bày thế giới nội tâm đầy xúc cảm của chàng Werther và nàng Lotte. Bàng bạc trong suốt cuốn sách là những dòng văn ca tụng cảnh thiên nhiên đến tuyệt vời của Goethe làm vơi bớt tâm trạng nặng nề của người đọc.

    Cuối cùng là phải kể đến cách dùng chữ rất trau chuốt của Quang Chiến để dịch cuốn sách này. Quang Chiến dịch thành công đến nỗi làm tôi tưởng mình đang đọc Goethe bằng tiếng Việt. Tóm lại “Nỗi đau của chàng Werther” không phải là loại sách đọc một lần. Nó thuộc loại mà có thể đọc đi đọc lại nhiều lần mà mình không cảm thấy phí thời gian.



    Tôi có rất nhiều, rất nhiều, nhưng tình yêu dành cho nàng đã cuốn đi tất cả. Tôi có rất nhiều, rất nhiều, nhưng không có nàng tất cả hóa hư không.”
    Johann Wolfgang von Goethe

    PS. Ngoài định dạng .prc và epub, tôi kèm theo định dạng .docx để các bạn có thể edit lại nếu cần.
     

    Các file đính kèm:

    Last edited by a moderator: 10/6/17
  2. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Nỗi đau của chàng Werther - Cuốn tiểu thuyết làm “điên đảo” châu Âu suốt 2 thế kỷ


    Được phát hành năm 1774, Nỗi đau của chàng Werther đã bùng lên như một cơn sốt, lan khắp châu Âu, đem lại sự nổi tiếng cho Johann Wolfgang von Goethe khi đang vô danh ở tuổi 25. Hơn 200 năm qua, tác phẩm vẫn giữ vị trí một kiệt tác kinh điển, liên tục được xuất bản trên toàn thế giới.

    Werther là một chàng thanh niên Đức, vốn con em thị dân, sinh ra trong bối cảnh xã hội có nhiều rối ren. Chán ngán thành thị nhiều ngang trái, sau khi tốt nghiệp đại học, Werther tìm đến làng quê Wahlheim. Ở nơi ấy, dưới bầu trời xanh, giữa những thung lũng tuyệt đẹp có lũ trẻ hồn nhiên và những nông dân chất phác, thuần hậu, tâm hồn của chàng Werther dường như đã trở nên lắng lại và thư thái.

    Trong một buổi vũ hội, chàng gặp Lothéa, một cô gái xinh đẹp, thuần khiết con gái lớn của viên quan tư pháp vùng đó, và trúng tiếng sét ái tình. Lothéa cũng yêu Werther nhưng không thể đến với chàng trọn vẹn vì cô đã hứa hôn với Albert, một con người có tri thức, trọng lý tính. Ba nhân vật rơi vào tình cảm tay ba, mối quan hệ phức tạp hơn khi Werther phó mặc bản thân cho sự xúi giục của tình cảm để gắn bó với Lothéa như hình với bóng.

    Werther sau đó đã tìm cách thoát ra, cố gắng rời Lothéa và tìm hạnh phúc trong công việc. Chàng làm thư ký công sứ, bộc lộ năng lực và triển vọng muốn thay đổi thói xấu, sự quan liêu của tầng lớp nha môn nhưng bất thành. Sự hợm hĩnh, khinh người của tầng lớp quý tộc khiến Werther đau đớn: "Ôi! Đã bao lần tôi với tay cầm dao, muốn chấm dứt sự ngột ngạt dồn nén trái tim tôi. Người ta nói có một loài ngựa quý, khi bị săn đuổi đến đường cùng thì lồng lên giận dữ, và theo bản năng, nó tự cắn vào động mạch của mình để được dễ thở hơn. Tôi cũng thường thấy như vậy, tôi muốn cắt đứt động mạch của tôi để đạt tới tự do đời đời!"

    Cũng trong thời gian này, chàng tìm hiểu một tiểu thư quý tộc tên Feng B nhưng bị cô này gây khó dễ. Bất bình với công việc và tình cảm, Werther rời bỏ nhiệm sở. Chàng theo một hầu tước thích nghệ thuật đến sống tạm ở một trang viên. Khi biết hầu tước này không hiểu gì về nghệ thuật, chàng định gia nhập quân đội, nhưng bị cản lại.

    [​IMG]
    Tranh vẽ Werther và Lothéa.

    Trái tim nồng nhiệt của chàng nghệ sĩ, dù trốn chạy nơi đâu cũng không thể nguôi quên một mối tình si chỉ biết tôn thờ và dâng tặng, để rồi tan vỡ bi thảm… Werther tìm đến thành phố nơi Lothéa cư trú sau khi kết hôn. Không có được người con gái mình yêu, chàng còn làm cho tình cảm vợ chồng của Lothéa và Albert sứt mẻ nặng nề. Lothéa cầu khẩn chàng hãy giữ khoảng cách với nàng, để nàng và chồng dịu đi căng thẳng. Werther hiểu rằng nơi lánh nạn cuối cùng của tâm hồn chàng đã không còn.

    Werther gặp Lothéa lần cuối, ngâm cho nàng nghe một bài ca, và không kìm được một nụ hôn trong sự xúc động. Mượn được cây súng của Albert, chàng đã tự kết liễu đời mình.

    Nỗi đau của chàng Werther đã đánh trúng tâm lý của độc giả trẻ thế kỷ 18. Cái chết của Werther không chỉ vì tình yêu, mà còn là kết cục của nỗi nhức nhối thế gian, khởi nguồn từ sự bất dung hòa giữa tư tưởng, tâm hồn và thực tại.

    Cuốn tiểu thuyết khi vừa ra đời đã gây tiếng vang trên văn đàn Đức. Những tình tiết của truyện khiến các cô gái bưng mặt khóc, còn các chàng trai thì đồng tình thương xót. Với nội dung chán ghét tầng lớp trên của xã hội bấy giờ, cuốn sách gặp nhiều cấm vận. Thành phố Leipzig của Đức ngay lập tức ra lệnh cấm bán, phạt nặng nếu ai cầm cuốn sách trong tay. Copenhagen của Đan Mạch cũng cấm người dân đọc sách, còn Milano của Italy thì tịch thu và tiêu hủy sách. Tuy vậy tác phẩm vẫn tiếp tục được in, truyền tay đọc và không ngừng được yêu thích.

    Bộ trang phục của Werther mà Goethe miêu tả là áo đuôi tôm xanh, nhiều khuy áo, áo gilet màu vàng, khóa nòng vàng, giày ốp gập nâu, mũ phớt trở thành trang phục thời thượng của quý ông trong những năm cuối thế kỷ 18. Trang phục được yêu thích và có cái tên "bộ đồ của Werther".

    Napoleon là người yêu thích Nỗi đau của chàng Werther. Ông mang theo mình cuốn sách khi viễn chinh Ai Cập và đọc tác phẩm tới 7 lần, rồi nghiên cứu bình luận về nó. Ông cũng triệu kiến Goethe vào tháng 10/1808 để bàn luận về cuốn sách.

    [​IMG]
    Tác phẩm đưa Goethe từ một người vô danh trở nên nổi tiếng khi mới 25 tuổi.

    Bản thân Goethe cũng đánh giá cao tác phẩm Nỗi đau của chàng Werther. Ông nói về đứa con tinh thần của mình: "Tất cả những gì tôi có thể tìm được từ câu chuyện của chàng Werther tội nghiệp, tôi đã chuyên cần thu góp lại và đem trình với các bạn dưới đây, và tôi biết rằng các bạn rồi sẽ cảm ơn tôi. Các bạn sẽ không sao ngăn được lòng ái ngộ và quý mến đối với tâm hồn và tư chất của Werther cũng như không thể không nhỏ lệ xót thương cho số phận của chàng. Còn bạn, hỡi tâm hồn nhân hậu, bạn vẫn hằng rung cảm những nỗi niềm khát vọng như Werther, xin bạn hãy tìm nguồn an ủi trong nỗi đau của chàng, và hãy coi cuốn sách nhỏ này như một người bạn đường - nếu như vì định mệnh hay vì lầm lỗi của chính mình, bạn không thể tìm được ai gần gũi, thân thiết với bạn hơn...".
     
  3. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    ‘Nỗi đau của chàng Werther’: Ngọn lửa vẫn cháy của chủ nghĩa lãng mạn

    Câu chuyện của Werther là một câu chuyện tình bi thảm xảy ra đúng vào thời điểm thích hợp trong bối cảnh văn hóa, nên ngay lập tức đã tạo nên một cơn sốt trong xã hội lúc bấy giờ.

    Được xuất bản trong năm 1774 và được tái bản lần thứ hai vào năm 1787. Cuốn tiểu thuyết cũng đã nhanh chóng được dịch ra tiếng pháp và tiếng Anh. Trong vòng 12 năm từ lần xuất bản đầu tiên, hai mươi ấn bản lậu đã xuất hiện. Napoleon đã từng đọc nó tới 7 lần. Khi Goethe viếng thăm Weimar năm 1775, tòa án mặc áo Werthertracht (áo choàng màu xanh, áo gile màu vàng, quần màu vàng).

    Sự phổ biến của cuốn sách cũng bắt đầu cho việc buôn bán văn chương rộng rãi ở Đức, bao gồm cả những hình ảnh của Werther yêu mến và thậm chí là một loại nước hoa có tên nhân vật chính (eau de Werther). Có một khoảng thời gian các nhà chức trách lo ngại rằng những người trẻ sẽ bắt chước cách tự tử mà Werther đã làm ở cuối cuốn sách, vì vậy cuốn sách đã từng bị cấm ở Ý và Copenhagne. Nhưng cuốn sách vẫn như một ngọn lửa, rực cháy và lan đi khắp mọi ngõ ngách của đời sống cũng như trong tâm tư của giới trẻ.

    Cuốn tiểu thuyết Nỗi đau của chàng Werther được tạo thành từ những bức thư của Werther viết cho người bạn thân nhất của chàng, bổ sung bởi các đoạn văn được viết bởi một “biên tập viên”.

    Werther là một chàng trẻ tuổi nhạy cảm đang đấu tranh với một thế giới không giống như hy vọng và mơ ước của mình. Chàng đối đãi tử tế với trẻ em và người nghèo, nhưng cũng từng bị nhạo báng trước đám đông đầy sự trưng trổ nhân danh. Chàng bắt đầu câu chuyện bằng cách thú nhận rằng chàng có thể phải chịu trách nhiệm dẫn dắt một cô gái mà chàng không quan tâm, và kết thúc bằng cách tự sát bằng khẩu sung lục mượn từ chồng của người phụ nữ mà chàng yêu nhưng không có được.

    Đây là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn, thể loại nổi bật của thời kỳ văn chương thế kỷ 18. Thời của những khái niệm tình cảm, trí tuệ tình cảm, chủ nghĩa tình cảm và nhạy cảm. Chủ nghĩa tình cảm khẳng định rằng cảm giác thế hiện không phải là một điểm yếu mà cho thấy người đó là một người đạo đức. Nó đưa ra một cái nhìn mới về bản chất con người với đầy những dịu dàng, nhân từ đối với các nghĩa vụ xã hội. Werther chính là một nhân vật điển hình mang đầy đủ những đặc tính của loại tiểu thuyết này.

    Hình thức viết tiểu thuyết dưới dạng những bức thư cũng là một hình thức tiểu thuyết phổ biến vào giữa thế kỷ 18, và tiếp tục được duy trì trong khoảng thời gian sau này. Chính những tác phẩm như Frankenstein(1818) và Dracula (1897) cũng sử dụng hình thức thư từ và tạo được hiệu ứng tốt.

    Goethe viết Nỗi đau của chàng Werther khi còn là một chàng trai trẻ. Một cuốn sách mang đậm dấu ấn tự truyện. Có thể xem, đây là tác phẩm để Goethe truy vấn cảm xúc của mình, che dấu cảm xúc của mình bằng sự hư cấu trong văn chương.

    Dù tác phẩm mang nhiều dấu ấn cá nhân, khẳng định phong cách của Goethe nhưng độc giả cũng có thể dễ nhận thấy, tác phẩm cũng chịu ảnh hưởng của câu chuyện tình Layla và Majnun, một câu chuyện tình yêu diễn ra tại Ả Rập vào thế kỷ thứ 7, chứa đựng những đặc điểm nổi bật của văn học lãng mạn: tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, tình yêu tay ba, tình yêu bị ngăn cản, lý tưởng hóa, đi lang thang, vỡ mộng, và kết thúc bi thảm. Không chỉ trong Nỗi đau của chàng Werther, những cảnh quen thuộc từ Layla và Majnun cũng đã xuất hiện trong hầu hết những câu chuyện tình tuyệt vời kinh điển của Phương Tây, từ Tristan và Isolde đến Romeo và Juliet.

    Nỗi đau của chàng Werther là một cuốn tiểu thuyết tuôn trào cảm xúc, được viết bằng một hệ thống ngôn ngữ trong sáng, điêu luyện và đậm chất thi ca, gần gũi với thiên nhiên hoang dã. Thứ ngôn ngữ mà Goethe đã tạo nên cũng giống như một cõi thơ mộng ôm ấp và dung dưỡng mối tình của chàng Werther. Đắm chìm trong cõi ấy là đắm chìm trong mê mộng ái tình.

    Dẫu câu chuyện chính là tình yêu. Dẫu mọi tâm cảm đều xoay quanh ái tình ấy. Nhưng điều khiến cuốn tiểu thuyết trở thành một cuốn tiểu thuyết được đọc giả bao thế hệ say mê, có lẽ chính là cách Goethe biến tình yêu thành một dạng tín ngưỡng của niềm đam mê. Tình yêu đã trở thành một niềm đam mê cực đoan dẫn đến sự hủy diệt bản thân. Cũng như Romeo và Juliet đã chết vì tình, hay nhà văn Aschenbach đã chết trên bãi biển của Venice... cũng là hiện thân của sự hủy diệt vì tình.

    Và chính cái cảm thức hủy diệt ấy, khiến cho cuốn sách được xem là khơi nguồn cho là xu hướng cho tự tử trong giới trẻ, người đã lấy Werther làm mẫu mực cho hành động chống lại một thế giới tham nhũng và không hưởng thụ. Bất kể sự thật chưa được xác định, “hội chứng Werther” vẫn được sử dụng để mô tả những vụ tự tử.

    Cùng với hệ quả này, sức quyến rũ mãnh liệt của Werther còn thể hiện ở những lĩnh vực sáng tạo, khi đã có rất nhiều những sáng tác khác được “bắt nhịp” từ “hội chứng Werther”. Có thể kể đến cuốn tiểu thuyết Lotte in Weimar của Thomas Mann, mô tả cuộc gặp gỡ giữa Goethe và Charlotte Buff – Kestner trong cuộc đời sau cùng và cuốn The New Sufferings of Young W của Ulrich Plenzdorf (1972), tái thiết câu chuyện của Goethe ở một vùng Đông Đức náo nhiệt. Và gần đây nhất, một bộ phim có tựa đề tiếng Anh, Young Goethe in Love (2010), lấy câu chuyện chính của tác giả viết tiểu thuyết chứ không phải là cuốn tiểu thuyết. Bộ phim cũng đã khá thành công trên thế giới, thu được 5,6 triệu đô la.

    Không thể phủ nhận rằng, tác phẩm tiêu biểu của Goethe là vở kịch thơ Faust nhưng có thể nói, cái đem lại danh tiếng trên văn đàn thế giới cho Goethe lại là tiểu thuyết Nỗi đau của chàng Werther. Và cho đến hôm nay, độc giả vẫn không khỏi ngẩn ngơ khi dấn bước vào nhìn ngắm tâm tư chàng trẻ tuổi Werther, người đã sống cách ta vài trăm năm. Bởi thế, Werther vẫn được nhớ đến, luôn được nhớ đến, cũng giống như ái tình vẫn là một cõi đầy si mê.

    Dạ Vũ
    ZING.VN
     
  4. Homo Sapiens

    Homo Sapiens Lớp 4

    Quang Chiến cũng là người dịch trọn bộ Faust sang tiếng Việt.
     
    Heoconmtv thích bài này.
  5. trung_luoc

    trung_luoc Lớp 3

    Bài giới thiệu cuốn sách hay quá. Mình rất ngại đọc chuyện tình vì sợ những kết thúc bi thương, ám ảnh. Mà chắc phải đọc cuốn này quá. Thật là lời giới thiệu cuốn hút. Cảm ơn các bạn nhiều
     
  6. cuoicaisudoi

    cuoicaisudoi Lớp 12

    mist, Dat1952, amylee and 1 other person like this.

Chia sẻ trang này