Tin tức Phụ huynh sốc với bản dịch mới của bài thơ Sông núi nước Nam trong SGK lớp 7

Thảo luận trong 'Tin tức - Sự kiện' bắt đầu bởi Heoconmtv, 7/11/15.

  1. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Bàn lại cách dịch bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ

    NGUYỄN THIẾU DŨNG
    Thứ tư, 20 Tháng 4 2011 09:18

    Sách sử Việt nam còn đầy dẫy những nghi vấn, những sai sót kinh khủng cần phải đính chính lại, đây là điều hiển nhiên, nhưng chúng ta chưa đủ can đảm, chưa đủ trách nhiệm, chưa đủ khả năng để giải quyết những vấn nạn đó. Nếu có ai vì chân lý đề xuất cách viết lại lịch sử cho đúng với sự thật là chuyện đáng hoan nghênh.

    Trong tinh thần đó việc GS. Nguyễn Tài Cẩn trăn trở về việc dịch lại bài thơ “Nam quốc sơn hà” rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên qua bài “Cần dịch lại bài thơ Nam quốc sơn hà…”, Nguyễn Hùng Vĩ (Văn hoá Nghệ An số 193 25/3/2011 và vanhoanghean.com.vn) muốn đi tiếp đề tài này đã có những đề xuất không ổn cần phải bàn lại.

    Theo Nguyễn Hùng Vĩ: “Văn bản bài thơ ở bản ghi Đại Việt sử kí toàn thư (bản xưa nay vẫn được coi là bản thông dụng nhất), phải được phiên và dịch là:

    Nam quốc sơn hà nam đế cư
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

    Dịch nghĩa là:

    Sông núi nước Nam, Nam đế quản trị
    Hiển nhiên đã định phận tại thiên thư
    Cớ làm sao bọn giặc ngỗ ngược đến xâm phạm
    Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư?!

    Rõ ràng là lời của Thần Trương Hống Trương Hát nói với quân ta. Thần nêu ra chân lí hiển nhiên, thần nhận rõ tình thế hiện tại, thần khích lệ, kích động quân ta chiến đấu vì độc lập dân tộc. Ở đây hoàn toàn không phải hướng đến quân giặc để phát ngôn. Ta hãy xem Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Tục truyền rằng Thường Kiệt đắp lũy làm rào ở dọc sông để cố giữ. Một đêm các quân sĩ chợt nghe trong đền Trương tướng quân có tiếng ngâm to rằng: Nam quốc...”. Việt điện u linh cũng ghi về hoàn cảnh tương tự như vậy.

    Quả nhiên có sự nhất quán giữa hoàn cảnh và phát ngôn. Đền ở bên này sông. Người nghe là quân sĩ của chúng ta. Người phát ngôn là Thần, người tiếp nhận là quân sĩ. Tính chất của lập luận cũng sáng rõ nếu ta so nó với Tì tướng hịch văn của Trần Hưng Đạo, hướng về nỗi nhục của thất bại, nỗi nhục của vong quốc để khích lệ tì tướng.

    Nói thêm rằng, hai chữ "nhữ đẳng" có thể dịch là chúng người, các ngươi, các người, chúng mày, chúng bay… đều được cả. Trong ngôn ngữ cổ, nó không có ý miệt thị để chỉ quân giặc như tiếng Việt hiện đại, mà đó là cách xưng hô thường tình của bậc trên với hạng dưới. Trích một đoạn sau đây trong bức thư chữ Nôm của Lê Lợi gửi quần thần thì sẽ rõ:

    Kẻ làm công thần cùng Trẫm bấy nhiêu! Chúng bay chịu khó nhọc mà được nước ta. Chúng bay đã chịu khó công, cùng Trẫm đói khát mà lập nên thiên hạ, đến có ngày rày mà được phú quý. Chúng bay cũng phải nhớ công Lê Lai hay hết lòng vì Trẫm mà đổi áo cho Trẫm, chẳng có tiếc mình cùng Trẫm, chịu chết thay Trẫm". (La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Tập 2. Trang 600). Lê Lợi gọi công thần khai quốc là chúng bay được thì ắt hẳn Thần cũng có thể gọi như vậy với tướng sĩ phía quân ta. Chúng tôi vẫn chọn chúng bay để dịch nhữ đẳng là vì thế.

    Tập hợp sự nhất quán nhiều yếu tố:

    - Hoàn cảnh phát ngôn: Chiến trận trong tình thế giằng co quyết liệt.

    - Không gian phát ngôn: Trong (hoặc trên như dị bản khác) đền ở phía quân ta.

    - Chủ thể và tư cách phát ngôn: Thần Trương Hống Trương Hát hiển linh giúp quân ta.

    - Hướng phát ngôn: Cho quân ta.

    - Đối tượng tiếp nhận phát ngôn: Quân ta.

    Lẽ hằng nhiên, hai câu thơ cuối trong bài được chúng tôi dịch như trên là hữu lí”. (hết trích)

    Từ trước bài thơ đều được dịch ở tư thế nói với quân Tống là quân xâm lược:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận ở sách Trời
    Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm
    Chúng bay sẽ thất bại tơi bời.

    Đến nay Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng đối tượng tiếp nhận bài thơ là quân ta nên hai câu cuối phải dịch là:

    Cớ làm sao bọn giặc ngỗ ngược đến xâm phạm
    Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư?!
    Đấy là do hai cách nhìn đối nghịch nhau mới tạo nên sự khác biệt như thế.
    Vậy thì bài thơ được tiếp nhận bởi đối tượng nào là đúng, quân thù hay quân ta, với Nguyễn Hùng Vĩ chỉ được chọn một, thế nhưng bài thơ có thể thích hợp với cả hai đối tượng cho cả quân thù và cho cả quân ta được không?

    Bài thơ thuộc dạng chiến tranh tâm lý tác động phải chính xác, vì chuyển tải bằng thơ nên phải ngắn, gọn người nghe phải trực nhận vấn đề được đặt ra không cần phải giải thích vòng vo đánh đố đối tượng, nếu để hiểu bài thơ mà phải mất nhiều năm trường để thấu triệt thì nhiệm vụ của bài thơ quá thất bại. Về trường hợp xuất hiện bài thơ Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh. Đến sông Như Nguyệt, đánh tan địch. Quân Tống bị chết đến hơn ngàn người…(tục truyền rằng Thường Kiệt đắp lũy làm rào ở dọc sông để cố giữ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng ngâm to rằng:

    Nam quốc sơn hà nam đế cư
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
    Rồi sau quả nhiên thế”. (trích ĐVSKTT)

    Hiệu quả của bài thơ đã được xác nhận “sau quả nhiên thế”. Thế là thế nào?

    - Nếu đối tượng bài thơ là quân thù mà hiểu câu cuối khẳng định chúng thất bại, bị đánh tơi bời thì “quả nhiên thế” là thích hợp.

    - Nếu đối tượng là quân ta mà hiểu câu cuối là: “Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư?!” thì không thể “quả nhiên thế” được, quân ta thắng trận chứ đâu có chịu chuốc lấy thất bại. Nếu “quả nhiên” “chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư ?!” thì chúng ta lại phải chịu Bắc thuộc lần nữa rồi. Không ai lại khích tướng bằng câu tiêu cực “chúng nó sang xâm lấn, chúng mày chịu thua” chí ít cũng phải nói “chúng nó sang xâm lược, chúng mày chịu thua à?!” mới có chút ngữ khí để kích động chứ, câu “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” là câu khẳng định phải dịch “chúng mày xem ra chịu chuốc bại hư”, không có? không có!, các dấu?! là do Nguyễn Hùng Vĩ thêm vào để làm rõ ý đồ thông dịch của mình, chứ bản thân câu thơ không có ngữ khí đó. Giữa chiến trường tác dụng tâm lý phải tạo hiệu ứng tức thì như mũi tên buông ra là phải trúng ngay đích, thì giờ đâu mà lật ngang lật ngửa câu chữ.

    Nếu câu “Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư?!” để nói với quân ta thì chắc là tinh thần quân ta lúc bấy giờ hẳn là bạc nhược lắm, họ ngần ngại, e dè, sợ sệt không dám đánh. Nhưng có phải thế không?
    Trận Như Nguyệt xảy ra vào tháng 3 năm Bính Thìn (1076), một năm trước đó (Ất Mão, 1075) Lý Thường Kiệt cùng Tôn Đản đã điều 10 vạn tinh binh đánh chiếm các châu Khâm, châu Liêm, châu Ung khiến nhà Tống lao đao khiếp đảm, phải nói là quân ta thời đó rất thiện chiến, họ lập nhiều chiến công oai hùng khó có triều đại nào sánh kịp, vậy thì tinh thần chiến đấu của binh lính thời Lý rất là kiên cường, họ đâu ngại đoàn quân xâm lược của Quách Quỳ, nếu dùng câu "Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” để khích tướng “Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư” nói với quân ta thì rất phi lý.

    Hơn nữa dịch theo lối hiểu truyền thống thì toàn bài mới nhất quán, câu 1 và 2 khẳng định chủ quyền tuyệt đối, câu 3 tố cáo tội ác quân xâm lược, câu 4 tất nhiên phải liên ý với 3 câu trên đương nhiên là phải cảnh cáo, răn đe kẻ thù, như thế mới gọi là đánh đòn tâm lý mượn âm phù để làm rối loạn quân địch hầu đưa đến thắng lợi nhất định. Bài thơ vừa gây niềm tin cho quân ta vừa đe nạt quân thù, chứ không nhất thiết chỉ nói với quân ta.

    Trong một trận chiến trước khi đánh nhau bao giờ người ta cũng cho gián điệp trà trộn vào phía đối phương để thu thập tin tức cho nên đòn tâm lý đó cũng nhằm tạo khiếp đảm nơi kẻ thù là ta có thần nhân hộ trợ.

    Theo Nguyễn Hùng Vĩ “Hành khan" được sử dụng với 2 nghĩa chính:

    - Nghĩa 1: Tương tự như thả khan, có thể hiểu sang tiếng Việt là vả xem, xem ra. Hàn Dũ (768 – 824), nhà thơ đời Đường trong bài Lâm Châu kỳ vũ viết: Hành khan ngũ mã nhập/ tiêu táp dĩ tùy hiên. Có thể dịch là Xem ra năm ngựa vào/ Xơ xác dựa theo xe.

    - Nghĩa 2: Tương tự như hựu khan với nghĩa Việt là lại xem. Giả Đảo (779 – 843), nhà thơ đời Đường trong bài Tống khứ Hoa pháp sư viết Mặc thính hồng thanh tận/ Hành khan diệp ảnh phi. Có thể dịch là Lặng nghe tiếng ngỗng dứt/ Lại xem bóng lá bay”. (hết trích)

    Với nghĩa 1: Có lẽ nên dịch thả khan = hành khan là hãy trông hoặc thử xem thì chính xác hơn là xem ra, câu “hành khan ngũ mã nhập” nên dịch “hãy trông năm ngựa vào”.

    Với nghĩa 2: hai câu “Mặc thính hồng thanh tận/ Hành khan diệp ảnh phi” là hai câu đối nhau nên mặc thính (lặng nghe) ở dạng tịnh thì hành khan phải ở dạng động không thể dịch lại xem (tương đương với hựu khan, phục khan) mà chỉ có thể dịch là ngó xem hay rán nhìn. (Lặng nghe tiếng ngỗng dứt/ rán nhìn bóng lá bay).

    Vậy nên không thể quả quyết như Nguyễn Hùng Vĩ đã kết luận.

    Thời Nguyên, thiền sư Liễu Am Thanh Dục có hai câu thơ:

    Thụy khởi hữu trà cơ hữu phạn, 
    Hành khan lưu thủy tọa khan vân


    (Thức dậy có trà, đói có ăn,
    Đi xem nước chảy, ngồi xem mây)


    Câu “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” cũng có dạng như vậy:

    “Hành khan xâm phạm, thủ khan hư”
    (Nhữ đẳng hành khan (xâm phạm), (nhữ đẳng) thủ khan bại hư)

    Có thể nên dịch là “chúng bay cứ thử gây hấn đi, chúng bay sẽ chuốc lấy bại hư (thất bại ,xôi hỏng bỏng không).

    Bài này còn có dị bản, Lĩnh Nam chích quái cho biết bài này đã có trước sự kiện xảy ra ở trận sông Như Nguyệt:

    “Năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời Lê Đại Hành, Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cầm đầu đạo quân xâm lược nước Nam. Đến sông Đại Than, hai bên đối lũy, cầm cự với nhau. Lê Đại Hành được mộng báo của thần Trương Hống - Trương Hát: “Nay quân Tống phạm cõi, làm khổ sinh linh nước ta, cho nên anh em thần đến yết kiến, xin nguyện cùng nhà vua đánh giặc để cứu sinh linh”. Canh ba đêm sau, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng... hai đạo âm binh áo trắng, áo đỏ cùng xông vào trại giặc mà đánh. Quân Tống kinh hoàng. “Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng:

    Nam quốc sơn hà Nam đế cư
    Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
    Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm
    Bạch nhẫn phiên thành phá trúc dư
    ”​

    Dịch là:

    "Núi sông nước Nam, vua nước Nam ngự trị
    Điều ấy trời đã định rõ trong sách trời
    Cớ sao giặc Bắc sang xâm lược
    Bay sẽ bị lưỡi gươm sắc chém tan như chẻ tre

    (trích theo Bùi Duy Tân).​

    Tạm dịch:

    "Sông núi nước Nam, Nam đế cư
    Hoàng thiên đã định tại thiên thư
    Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm
    Gươm bén phanh thây bay nát nhừ
    ".
    (Nguyễn Thiếu Dũng dịch)​

    Hai bài tuy khác nhau câu cuối nhưng nội dung cả hai câu cũng cùng một ý “đe dọa làm quân Tống rối loạn”. Bài này bài kia làm rõ tính nhất quán toàn bài.

    Với tinh thần như vậy thiết nghĩ cách dịch bài Nam Quốc Sơn Hà theo truyền thông vừa chính xác vừa dễ hiểu hơn, thuận lý hơn.
    Sai thì nên sửa là điều hay, nhưng đúng rồi thì chẳng nên cách tân làm gì.

    Để kết thúc lời lạm bàn, xin tạm dịch bài Nam quốc sơn hà như sau:

    I- Bản dịch 1:

    Sông núi nước nam,nam đế cư
    Rành rành phận định tại thiên thư
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay rồi sẽ chuốc bại chừ

    II- Bản dịch 2:

    Vua Nam riêng ngự nước Nam
    Sách trời định vậy dễ làm khác đâu
    Bọn người xâm lược mưu sâu
    Chúng bay rồi sẽ chuốc sầu bại vong

    (Nguyễn Thiếu Dũng dịch)​


    Tài liệu tham khảo:

    1) Nguyễn Hùng Vĩ: “Cần dịch lại bài thơ Nam quốc sơn hà…” (vanhoanghean.com.vn);

    2) Bùi Duy Tân “Nam quốc sơn hà và quốc tộ - hai kiệt tác văn chương chữ Hán ngang qua triều đại Lê Hoàn” (nguyenxuandien.blogspot.com);

    3) Đại Việt sử ký toàn thư;

    4) Hán ngữ đại từ điển.



    Nói cho cùng, thì cũng chỉ là khơi lại chuyện, có để mà nói, cãi lui cãi lại cũng đã lắm mùa lá rơi.
     
    Last edited by a moderator: 10/11/15
    vqsvietnam and Heoconmtv like this.
  2. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7


    VÀI ĐIỀU CẦN TRAO ĐỔI VỀ BÀI NAM QUỐC SƠN HÀ - GS Nguyễn Khắc Phi


    I. NAM QUỐC SƠN HÀ là một bài thơ có vị trí đặc biệt, không chỉ của nền văn học trung đại Việt Nam mà cả trong đời sống tinh thần, tâm linh của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng quanh bài thơ ấy đang còn có không ít ý kiến khác nhau, đã từng diễn ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi mang tính chất học thuật nghiêm túc.
    II. Về thời điểm ra đời, mặc dầu một vài tài liệu như Thiên Nam vân lục liệt truyện, Lĩnh Nam chích quái chép việc khi Lê Đại Hành đi đánh Tống có hai anh em ông Trương (Trương Hống, Trương Hát) – hai vị tướng của Triệu Quang Phục sau khi chết được Thượng đế phong cho làm thần - hiển linh giúp vua ngâm một bài thơ khiến quân Tống bại trận, nhiều công trình nghiên cứu vẫn gần như mặc nhiên thừa nhận bài thơ ra đời vào năm 1077, dưới thời Lý Nhân Tông, khi quân Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy kéo vào xâm lược nước ta.

    Về địa điểm xuất hiện bài thơ, cũng có những cách trình bày khác nhau. Ở đền thờ Trương tướng quân, nhưng Trương tướng quân nào? (vì có hai Trương tướng quân: Trương Hống ,Trương Hát và đền thờ hai vị ở hai nơi khác nhau). Nếu dựa vào Đại Việt Sử kí toàn thư (N.K.P nhấn mạnh), thì đúng như PGS. Nguyễn Đăng Na đã chứng minh, đó là đền thờ người em, Trương Hát. (CON ĐƯỜNG GIẢI MÃ Văn học trung đại Việt Nam. NXB Giáo dục. Hà Nội. 2006, trang 87). Cách đây hơn 60 năm, GS. Hoàng Xuân Hãn đã chỉ ra điều ấy trong cuốn LÝ THƯỜNG KIỆT in từ năm 1949 tại NXB Sông Nhị, sau được đưa vào bộ sách La Sơn Yên Hồ HOÀNG XUÂN HÃN (NXB Giáo dục. Hà Nội, tập II, trang 251 –563).

    Về tác giả bài thơ, trong khi bức sơn mài ở Viện Bảo tàng Lịch sử đề rõ là Lý Thường Kiệt, GS. Nguyễn Tài Cẩn cũng mặc nhiên công nhận là Lý Thường Kiệt, GS. Hoàng Xuân Hãn nói là “Lý Thường Kiệt sai người giả làm thần nhân… đọc thơ mắng giặc. và báo trước rằng giặc sẽ thua” (La Sơn Yên Hồ HOÀNG XUÂN HÃN, Sách đã dẫn, trang 427), thì một vài nhà khoa học gần đây, đặc biệt là cố PGS. Bùi Duy Tân, đòi hỏi phải khẳng định dứt khoát Lý Thường Kiệt không phải là tác giả. PGS. Bùi Duy Tân đã ghi hẳn tác giả bài thơ trong các công trình nghiên cứu của mình là Vô danh thị, cho rằng việc xác định tác giả cần gắn liền với việc xác định thời điểm ra đời của bài thơ. Theo ông, bài thơ không chỉ đã xuất hiện lúc Lê Đại Hành chống Tống (vào khoảng năm 981) mà còn có thể sớm hơn: “Không có một tư liệu nào trong khoảng 30 văn bản Hán Nôm hiện còn, in ấn hoặc ghi chép bài thơ là do Lý Thường Kiệt hoặc tương truyền Lý Thường Kiệt viết ra. Lý Thường Kiệt có lẽ sai người nấp trong đền Thần ngâm to bài thơ đã có sẵn trong thần tích, để khích lệ tướng sĩ. Việc làm đó rất phù hợp với tín ngưỡng và tâm lí sĩ dân đương thời. Bài thơ đã gọi là của thần thì có thể gọi là thơ thần, thực chất cũng do con người (chắc là trí thức dân tộc: thiền sư, cư sĩ, nho sĩ, đạo sĩ) ở đầu thời tự chủ (thế kỉ X, XII…) sáng tác, lưu truyền rồi đưa vào truyền thuyết, thần tích về Trương Hống, Trương Hát. Đã là thơ thần, nằm trong một truyền thuyết, huyền tích, thần phả, thì bài thơ rõ ràng mang tính chất tập thể, truyền miệng, tính chất của một tác phẩm văn học dân gian, và tác giả của bài thơ, giống như các tác phẩm dân gian khác, là: Vô danh thị” (BÙI DUY TÂN. Tuyển tập. NXB giáo dục. Hà Nội, 2007, tr. 61). Ở một chố khác, ông còn nói mạnh mẽ hơn: “Dựa vào tư liệu trên (chỉ Lĩnh Nam chích quái) và nhiều truyền thuyết thần tích khác, có thể dự đoán: bài thơ xuất hiện dưới một hình thức nào đó từ thế kỉ VI thời Lý Nam Đế (hầu hết văn bản bài thơ còn lại đều có chữ Nam đế cư ở dòng thơ đầu). Rồi cứ tiếp tục lưu truyền, nhập thân vào truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát. Đến thời tự chủ thì bài thơ mới đủ điều kiện xuất hiện như một quốc thi chính thống” (Bùi Duy Tân. Sách đã dẫn, tr.54). Câu chuyện xuất xứ của bài thơ thần không chỉ là một đề tài khoa học phức tạp mà còn là một vấn đề chính trị, lịch sử tế nhị, nhạy cảm. Các tác giả sách giáo khoa (SGK), sau khi cân nhắc kĩ về nhiều mặt, đã chọn giải pháp mềm và mở như ở Từ điển Bách khoa Việt Nam , xem “bài thơ tứ tuyệt Nam quốc sơn hà tương truyền là của Lý Thường Kiệt”. (NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002, trang 804).

    Về văn bản, theo PGS. Nguyễn Đăng Na, “hiện còn ít nhất từ 25 đến 35 văn bản về Nam quốc sơn hà”, nhưng văn bản “đáng tin cậy nhất” là “văn bản trong Đại Việt sử kí toàn thư” (Sách đã dẫn, trang 82 – 83): Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên phận định tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

    Về cơ bản, chúng tôi đồng ý với ý kiến trên, tuy nhiên, chỉ riêng về câu thứ hai, cũng còn những ý kiến khác nhau cần tiếp tục trao đổi. Chữ 分 (chữ thứ ba trong câu) trong tiếng Hán cổ trung đại cũng có hai cách đọc ứng với hai cách đọc ở âm Hán Việt là phân và phận. Nên phiên là phân hay phận? Trong chuyên khảo Thử xác lập văn bản bài thơ “Nam quốc sơn hà” viết năm 1986, PGS. Trần Nghĩa, sau một quá trình khảo cứu rất công phu, đã đề nghị phiên âm câu thứ hai là Tiệt nhiên phân định tại thiên thư. Bản dịch lần thứ nhất cuốn Đại Việt sử kí toàn thư phiên là phận định (ĐVSKTT, Tập I, NXB Khoa học xã hội, H., 1967, tr.238) song không phải ngẫu nhiên mà trong bản dịch lần thứ hai, dịch giả lại phiên là phân định và cả câu thứ hai được dịch nghĩa là: “(Ranh giới) đã phân định rạch ròi ở sách trời” (ĐVSKTT, Tập I. Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính. NXB Khoa học xã hội. H.,1983, tr.291). Tôi tán thành cách phiên âm và dịch nghĩa câu này ở bản dịch lần thứ hai cuốn ĐVSKTT, song ở SGK, chúng tôi lại dùng bản phổ biến nhất, bản mà PGS. Bùi Duy Tân thường gọi là bản quen, phiên âm chữ này là phận và đảo vị trí hai từ phậnđịnh thành định phận. Bức sơn mài trong Viện Bảo tàng Lịch sử, các GS. Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Xuân Hãn, các cuốn Từ điển văn học, kể cả Từ điển Văn học - Bộ mới của NXB Thế giới in năm 2004, đều dùng bản này. Chính tác giả Bùi Duy Tân, trong tất cả các bài viết của mình, cũng đều dùng bản quen này, tức bản có phiên âm câu thứ hai là “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (BÙI DUY TÂN - Tuyển tập. NXB Giáo dục, H., 2007. Xin xem các trang 33, 35, 59, 60…). Nếu phiên âm là phận thì từ đó có nghĩa là gì? Địa phận hay danh phận? Nếu hiểu là địa phận thì khi dịch nghĩa, nội dung cơ bản không khác gì khi chọn phương án Tiệt nhiên phân định tại thiên thư. Bởi vậy, gần đây, PGS. Nguyễn Đăng Na đã đưa ra một cách lí giải mới: “Phận định là “xác định danh phận”. Trong câu, phận định “chỉ sự xác định địa vị của bậc đế vương”. Nếu dịch phận định là “địa phận đã định” thì vô tình chúng ta đã biến cụm từ Hán ngữ phận định thành cụm từ Việt ngữ định phận” ( Nguyễn Đăng Na. Sách đã dẫn, tr. 85). Chữ 分nếu đọc là phận quả có nghĩa là danh phận, trong đó có “danh phận đế vị”.

    Hán ngữ đại từ điển cũng có chỗ giải thích phận định là “xác định đế vị”. Trao đổi chuyện này là điều lí thú, tuy nhiên, trước hết phải thống nhất được nên phiên âm chữ 分 là phân hay phận đã.

    Về nghĩa của không ít chữ trong văn bản cũng đang còn những cách lí giải khác nhau, chúng tôi sẽ đề cập kĩ hơn ở phần dưới. Ở đây, chúng tôi chỉ bàn về một cách hiểu về chữ lỗ (虜) ở câu thứ ba. Mới đây, PGS. Nguyễn Đăng Na đã đưa ra một cách lí giải có phần khác trước: “Trong Hán ngữ, để chỉ về giặc đã có các chữ tặc (賊), khấu (寇). Trên chiến trường, khi đối phương bị bắt sống thì gọi là lỗ, tương đương với chữ “tù binh” trong tiếng Việt. Tại sao tác giả Nam quốc sơn hà không gọi bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết là tặc, là khấu mà gọi là lỗ? Ấy là vì có sự kiện năm Ất Mão 1075, người Tống gây hấn với nước ta. Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng, Lý Nhân Tông sai Thường Kiệt và Tôn Đản đem mười vạn binh đi đánh, lấy các châu Khâm, Liêm, Ung…Thường Kiệt bắt sống người của ba châu này đem về. Nhà Tống thua trận. Do đó, quân Tống bấy giờ thực chất chỉ là “tù binh” - lỗ của ta. Thế mà, chỉ một năm sau – năm 1076, chúng lại đến lấn nước ta. Đấy là lí do tại sao tác giả Nam quốc sơn hà lại gọi quân Tống là lỗ… Có hai khái niệm gần nghĩa nhau nhưng khác về sắc thái biểu cảm. Đó là nghịch tặcnghịch lỗ. Đối với kẻ phản loạn, phản bội, hoặc kẻ dưới chống lại bề trên, nếu tỏ ý ghét thì gọi chúng là nghịch tặc, còn có ý miệt thị, khinh bỉ thì gọi là nghịch lỗ. Như vậy, từ nghĩa gốc tù binh, sau này, lỗ còn được dùng với nghĩa miệt thị bọn giặc nói chung. Vì thế trong thơ cổ xuất hiện các cụm từ “thoái lỗ thi” – thơ đuổi giặc thù. Tuy nhiên, trong văn cảnh cụ thể của bài Nam quốc sơn hà, nghịch lỗ vẫn hàm cả nghĩa gốc và nghĩa phái sinh. Cho nên, ta có thể dịch nghịch lỗ là bọn hạ lưu phản chủ, hoặc lũ tù binh phản chủ (N.K.P nhấn mạnh) ” (Nguyễn Đăng Na. Sách đã dẫn, tr. 88 – 89).

    Theo chúng tôi, cách lập luận trên chưa thoả đáng vì mấy lẽ sau:

    1. Những người bị Lý Thường Kiệt bắt sống năm 1075 không phải tất cả là quân lính nên không thể gọi chung là lỗ.

    2. Nếu “quân lính được thả về” (mới có điều kiện sang đánh ta) thì thân phận họ không còn là lỗ nữa.

    3. Chưa tài liệu nào cho biết trong số tù binh được thả về có bao nhiêu trong số đó “phản chủ” quay sang đánh lại ta. Tất nhiên, xác định quan hệ giữa bọn này với ta là “chủ tớ” cũng không ổn. Xác định “quân Tống bấy giờ thực chất chỉ là tù binh của ta” lại càng không đúng.

    4. Lập luận như vậy cơ bản chỉ là bàn trên chữ nghĩa, chưa căn cứ vào thực tiễn lịch sử. Rất nhiều sử liệu đã cho ta biết đội quân do Quách Quỳ, Triệu Tiết đưa sang nước ta, đặc biệt là chủ lực kị binh, phần lớn đều lấy từ miền tây bắc của Trung Quốc xuống chứ không phải là những kẻ đã từng mang thân phận “tù binh” của ta, và nếu có, hẳn cũng không nhiều: “Bộ binh phần lớn lấy ở các doanh trại đóng gần biên thuỳ Liêu, Hạ. Một phần là quân mới mộ ở các lộ Hà bắc, Kinh đông. Lại thêm quân mộ dọc đường từ Kinh tới Ung Châu và quân khê động (chỉ các dân tộc thiểu số của Trung Quốc đương thời ở vùng biên giới. N.K.P). Tổng số hơn mười vạn, chia ra chín đạo”(La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Sách đã dẫn, tr.379).

    5. Tác giả có nêu nghĩa phái sinh của từ lỗ nhưng lại xác định trong văn cảnh cụ thể ở đây, nó vẫn “hàm cả nghĩa gốc và nghĩa phái sinh”. Theo tôi, không nên nói chung chung như vậy. Như đã phân tích ở trên, chữ lỗ ở đây chủ yếu, nếu không muốn nói là chỉ được dùng với nghĩa phái sinh, tức nghĩa đã được Từ nguyênTừ hải xác định một cách đơn giản mà sáng tỏ là đối địch phương đích miệt xưng (“cách gọi khinh miệt đói với kẻ địch”) . Lỗ, với nghĩa phái sinh này được dùng rất phổ biến, thậm chí còn phổ biến hơn nghĩa gốc. Từ điển Từ nguyên, sau khi giải thích như trên, đã nêu ra một dẫn chứng rất tiêu biểu ở Cao tổ bản kỉ trong Sử kí của Tư Mã Thiên: 項武大怒,伏弩射漢王,漢王傷匈,乃捫足曰:虜中吾指! (Hạng Vũ đại nộ, phục nỗ xạ Hán vương, Hán vương thương hung, nãi môn túc viết: lỗ trúng ngô chỉ!, nghĩa là: Hạng Vũ cả giận, ngầm bắn Hán vương, Hán vương bị thương ở ngực nhưng lại sờ vào chân mà nói: “Thằng giặc bắn trúng ngón chân tao rồi!”). Hạng Vũ đang bắt giữ cha và vợ của Hán vương (Lưu Bang), Hán vương lại đang bị Hạng Vũ đánh cho tơi bời nhưng ông ta vẫn gọi Hạng Vũ một cách khinh miệt là lỗ!

    Trên đây, chúng tôi chỉ mới nêu lên sơ bộ vài ý kiến về một số vấn đề mà các tác giả làm SGK đã phải trăn trở để tìm cách xử lí khi viết bài Nam quốc sơn hà. Dưới đây, chúng tôi sẽ tập trung bàn về bài viết CẦN DỊCH LẠI BÀI THƠ NAM QUỐC SƠN HÀ của Nguyễn Hùng Vĩ vừa đăng trên Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 3 (11) – ra tháng 5 năm 2011.

    III. Lẽ ra, tên bài báo - Cần dịch lại bài thơ Nam quốc sơn hà - đòi hỏi người góp ý xét xem vì sao tác giả bài báo đề nghị “cần dịch lại” và lí do đề nghị dịch lại có xác đáng hay không, đánh giá những đóng góp của tác giả bài báo qua những kiến nghị sửa chữa những bản dịch hiện có như thế nào… nhưng tiếc thay, chúng tôi không thể làm được điều ấy vì bài báo viết rất lan man, không bám vào chủ đề.

    Tuy đặt ở phần trên nhưng có thể xem những dòng dưới đây là kết luận khoa học và cũng là kiến nghị của Nguyễn Hùng Vĩ:

    “Đến đây,văn bản bài thơ ở bản ghi Đại Việt sử kí toàn thư (bản xưa nay vẫn được coi là bản thông dụng nhất) phải được phiên và dịch là:

    Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư,

    Dịch nghĩa là:

    Sông núi nước Nam, Nam đế quản trị/ Hiển nhiên đã định phận tại thiên thư/ Cớ làm sao bọn giặc ngỗ ngược đến xâm phạm/ Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư?!”

    Có thể chỉ ra nhiều điều bất ổn ở đoạn văn dẫn trên. Hãy khoan bàn chuyện chữ 南 trong 南帝 nên viết hoa hay không, song viết thế nào thì cũng cần thống nhất trong một văn bản. Đã công nhận là “bản thông dụng nhất” sao lại nêu vấn đề “phải được phiên…là…”?

    Đây là kiến nghị về dịch nghĩa (về những vấn đề khoa học khó như thế này, rất nên tránh dùng chữ “phải”). Còn dịch thơ thì sao? Nếu chỉ đặt vấn đề cần dịch lại “nghĩa” thì có lẽ nên đặt tiêu đề bài báo theo hướng như bài viết của PGS. Nguyễn Đăng Na: NAM QUỐC SƠN HÀ - định hướng một cách hiểu văn bản (Nguyễn Đăng Na. Sách đã dẫn, trang 81 – 90). Cần lưu ý thêm, như trên đã đề cập, ở Đại Việt sử kí toàn thư, nguyên văn chữ Hán là 分定, có thể phiên âm là phân định hoặc phận định chứ không phải như ở bản quen dùng đã đảo lại vị trí hai từ ấy. Dẫn nguyên văn như trên là chưa chính xác. Dẫu sao, đây cũng là căn cứ để cho chúng tôi bàn luận,

    1.Về từ quản trị ở câu thứ nhất.

    Phần lớn các bản dùng trước đây cũng như bản dịch nghĩa ở SGK hiện hành đều dịch chữ cư (居) là ở. Đúng đây là chỗ đáng bàn nhưng tác giả bài báo lại coi như đã được thống nhất khẳng định. Bởi vậy, chúng tôi kết hợp nêu lên những ý kiến tương tự để cùng trao đổi. Trong chữ Hán, cư, ngoài nghĩa cơ bản và phổ biến nhất là ở, quả còn có nghĩa là trị lí nghĩa là cai quản, cai trị, quản lí, song trong văn cảnh của bài thơ này, nên hiểu theo nghĩa nào? GS. Hoàng Xuân Hãn thiên về nghĩa “trị lí” khi dịch câu thứ nhất thành “Sông núi nước Nam vua Nam coi” (La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Sách đã dẫn, trang 427). Nhà thơ Ngô Linh Ngọc cũng có phần thiên về nghĩa này khi dịch câu thơ đầu thành “Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự” (SGK Ngữ văn 7, Tập Một. NXB Giáo dục Việt Nam. H., 2010, trang 65) . Người có quan điểm rõ ràng nhất về điểm này là PGS. Nguyễn Đăng Na. Sau khi phân tích tự dạng ban đầu của chữ 居 (cư), ông chỉ ra rằng, “cư là người có địa vị được tôn thờ”, mang ý nghĩa “người làm chủ”, “ở cương vị đứng đầu, người làm chủ phải xử lí mọi công việc”, “bởi vậy, “Nam đế cư” là Nam đế xử lí mọi công việc mà bậc (hoàng) đế nước Nam phải đảm nhiệm”. “Nếu dịch cư là “ở” thì đế còn ý nghĩa gì nữa? Vì bất cứ ai, kể cả cỏ cây chim muông đang tồn tại trên Nam quốc, lẽ đương nhiên đều phải “ở” Nam quốc. Thế thì, ngôi vị (hoàng) đế với thường dân khác gì nhau?”. Ông luận giải tiếp: “Cũng có người cho rằng: Nam quốc sơn hà Nam đế cư “là một câu thơ rất sang, song cái sang nó nằm ở chữ đế…”. Vâng, đúng vậy! Song đế mới chỉ là “danh”. “Danh” phải đi đôi với “thực”! Hữu danh vô thực là điều xưa nay người Việt không ưa; Họ coi đó là hư danh. Giữa “danh” với ‘thực” nếu chỉ được chọn một, người Việt sẵn sàng hi sinh”danh” để giữ “thực”. (Nguyễn Đăng Na. Sách đã dẫn, tr. 84).

    Chúng tôi cho rằng giữa nghĩa “ở” và nghĩa “ trị lí” không có gì mâu thuẫn nhau, song trong văn cảnh, “ở” vẫn là nghĩa bao trùm vì chữ cư ở đây đi với sơn hà, đi với phân định ( hoặc phận định hay định phận), đi với xâm phạm nên điểm nhấn là khẳng định chủ quyền lãnh thổ, ý cũng giống như câu 山川封域既殊 (Sơn xuyên phong vực kí thù, nghĩa là “Núi sông bờ cõi đã chia” ) trong phần mở đầu của bài Đại cáo bình Ngô vậy. Một khi đã làm chủ sơn hà với cương vị đế rồi thì có thể tự chủ làm tất cả mọi việc, tất nhiên trước hết và chủ yếu là trị vì đất nước. Chính vì quan niệm như trên nên tác giả SGK, bên cạnh việc cho học sinh tiếp xúc văn bản dịch của Lê Thước và Nam Trân trong đó câu thứ nhất được dịch là Sông núi nước Nam vua Nam ở, còn cho đọc thêm văn bản dịch của Ngô Linh Ngọc. Mặt khác, cũng không nên quan niệm nếu hiểu chữ cư là “ở” thì sẽ tầm thường hoá ý nghĩa của câu thơ. Đúng là không chỉ “cỏ cây chim muông” mà “con ong cái kiến” cũng đều phải “ở” (cư) Nam quốc (như trong câu “điểu cư sào, sào cư tri phong, nghị cư huyệt, huyệt cư tri vũ”, nghĩa là: “Chim ở tổ, làm tổ mà ở nên biết gió; kiến ở hang, đào hang mà ở nên biết mưa”), song cư cũng có thể dùng cho vua chúa với nghĩa là “ở” như trong câu “Vô vi cư điện các, Xứ xứ tức đao binh” ( “Vô vi ở cung điện, Nơi nơi dứt chiến chinh”) trong bài Quốc tộ ( “Vận nước”) của thiền sư Pháp Thuận, thậm chí trong cả những mệnh đề mang tính triết lí cao như “Cư trần lạc đạo” ( “Ở cõi trần, vui với đạo”, tên một bài phú Nôm của Trần Nhân Tông). Xét về một phương diện nào đó, khi hiểu chữ cư trong Nam quốc sơn hà là “ở” thì giá trị tố cáo của câu thơ lại còn cao hơn: Đến chân lí sơ đẳng, con ong cái kiến cũng còn có chỗ ở không dễ bề “xâm phạm” (hãy thử xâm phạm vào tổ ong bò vẽ hay hang kiến lửa xem sao!), mà bọn “ nghịch lỗ” cũng không hiểu!

    2. Về từ thiên thư trong câu thơ thứ hai.

    Nguyễn Hùng Vĩ không nêu ra một kiến nghị nào hết về việc dịch hai câu thứ hai và thứ ba, ngoại trừ việc lí giải không thể nào chấp nhận về hai chữ thiên thư. Tác giả đã dùng đến khoảng một nghìn chữ để giải thích hai chữ này nhưng chính ở đây lại bộc lộ rất nhiều sơ hở . Mở đầu phần này, tác giả khẳng định và nhận xét một cách võ đoán: “Hai chữ này vốn gây tranh luận từ dăm năm nay trên các diễn đàn, rất tiếc và cũng lạ là, các ý kiến đều chủ yếu dựa trên suy luận mà rất yếu về sở cứ. Hán ngữ đại từ điển cho ta ngữ liệu về 6 cách dùng và cũng là 6 nghĩa của thiên thư. Nghĩa 1:…Nghĩa 2:… Nghĩa 3:… Nghĩa 4:…Nghĩa 5:…”. Người đọc ngạc nhiên vì không thấy nghĩa 6 ở đâu! Có lẽ tác giả chưa đọc bài viết đã nêu trên của PGS. Nguyễn Đăng Na đăng trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số 2 năm 2002, sau đó đã được đưa vào tuyển tập CON ĐƯỜNG GIẢI MÃ Văn học trung đại Việt Nam. Ở đây, PGS. Nguyễn Đăng Na cũng đã dựa vào Hán ngữ đại từ điển để trình bày một cách chính xác, rõ ràng ba nghĩa của thiên thư, đồng thời cũng chỉ ra tương đối thoả đáng nên hiểu hai chữ thiên thư trong Nam quốc sơn hà theo nghĩa nào. Chúng ta hãy xem tác giả Nguyễn Hùng Vĩ đã dựa vào “sở cứ” là Hán ngữ đại từ điển để giải thích nghĩa của hai chữ thiên thư ra sao.

    “Nghĩa 1: chiếu thư của Hoàng Đế”. Dịch như vậy là sai vì Hán ngữ đại từ điển ghi là: “帝王的詔書” (Đế vương đích chiếu thư , nghĩa là “chiếu thư của các bậc đế vương” Hán ngữ đại từ điển. Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1998, Tập 2, trang 1432). Để minh hoạ cho nghĩa này, ngay dưới đó có ba ví dụ, một của Vương Bột đời Đường, một của Vương An Thạch đời Tống và một của Chu Lượng Công đời Thanh, trong đó, thiên thư đều chỉ chiếu thư của những ông vua cụ thể trong lịch sử Trung Quốc. Vì hiểu nhầm (hay đọc nhầm) đế vương (không viết hoa) là (thành) Hoàng Đế (viết hoa), nên tác giả bài báo đã bình luận: “Rất có thể nghĩa 1 là nghĩa chính mà tác giả bài thơ đã sử dụng. Hoàng Đế là vị vua thời cổ trong truyền thuyết có công ổn định địa bàn, phát minh nhiều phương pháp chế tạo xe thuyền lễ phục, đo đạc tính toán. Các sách cổ như Hệ từ truyện, Sơn hải kinh, Đại Đái lễ kí, Sử kí của Tư Mã Thiên đều nhắc đến. Vậy chiếu của Hoàng Đế là căn cứ dĩ định, là chân lí tiên thiên cho mọi biện luận, biện giải, trong đó có vấn đề chủ quyền các quốc gia”. Đúng là cái sai này kéo theo cái sai khác. Nếu đúng như thế thì hoá ra một vị vua trong truyền thuyết của Trung Hoa cổ đã xác định danh phận đế hoặc ranh giới lãnh thổ cho đất nước ta tự ngàn xưa!

    “Nghĩa 2: Đạo gia gọi kinh do Nguyên thuỷ Thiên Tôn (vị thần tối cao theo tín ngưỡng Đạo giáo. N.K.P) nói ra hoặc sách gửi gắm những lời các thiên thần ban xuống là thiên thư”. Về nghĩa thứ hai, tác giả đã dịch đúng, tuy nhiên , ngay sau đó, tác giả lại tuỳ tiện lấy hai dẫn chứng minh hoạ cho nghĩa thứ hai làm nghĩa thứ ba và nghĩa thứ tư.

    “Nghĩa 5 (ứng với nghĩa thứ 3 ở Hán ngữ đại từ điển. N.K.P): Dùng để tỉ dụ thứ văn tự khó đọc hoặc thứ văn tự khó hiểu”. Dịch như vậy là chưa thật đúng. Nguyên văn ở Đại Hán ngữ từ điển là: 比喻難認的文字或難懂的文章 (tỉ dụ nan nhận đích văn tự hoặc nan đổng đích văn chương, nghĩa là: tỉ dụ thứ sách khó đọc - hiểu theo nghĩa là khó nhận ra mặt chữ - hoặc văn chương khó hiểu). Không nên tuỳ tiện đổi “văn chương” thành “văn tự”. Thật khó giải thích thế nào là Văn tự khó hiểu! Từ điển Từ nguyên cũng nêu ra 3 nghĩa y như Hán ngữ đại từ điển và cũng sắp xếp theo trình tự như vậy, chỉ thay từ “chiếu thư” bằng ‘chiếu sắc” (Từ nguyên.Thương vụ ấn thư quán. Bắc Kinh, 1979, trang 373). Không thể xếp nghĩa thứ ba lên trên nghĩa thứ hai vì đó là nghĩa đẫn thân của nghĩa thứ hai: vì là tác phẩm của thần linh nên khó đọc, khó hiểu! Chính vì vậy, từ điển Từ hải chỉ nêu hai nghĩa trên và nghĩa thứ hai cũng được giải thích một cách dung dị:迷信者謂天神寫的書或文字 (Mê tín giả vị thiên thần tả đích thư hoặc văn tự, nghĩa là: “ Người mê tín gọi sách hoặc chữ do thiên thần viết ra là thiên thư”. Từ hải – Súc ấn bản. Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1989, trang 1379). Mặc dầu tán thành cách giải thích của PGS. Nguyễn Đăng Na về mối quan hệ giữa từ Thiên thư với Đạo giáo song người làm SGK không thể đưa truyền thuyết về Nguyên thuỷ Thiên Tôn vào để giải thích một cách dài dòng được. Nam quốc sơn hà là một bài thơ giàu tính biểu ý, cũng có thể gọi là một bài thơ giàu tính chính luận, trong đó hai câu đầu là hai luận cứ, một dựa trên chân lí đời thường, một mang màu sắc tâm linh phù hợp với đặc điểm tâm lí và tín ngưỡng của người đương thời. Chỉ cần làm cho học sinh nắm được như thế là đủ. Chính với quan niệm trên, những người làm SGK đồng tình với cách dịch Thiên thư một cách nôm na là Sách trời mà cho rằng không nên giữ nguyên là Thiên thư như đề nghị của Nguyễn Hùng Vĩ. PGS. Nguyễn Đăng Na không chỉ dùng Hán ngữ đại từ điển mà cả Đạo giáo đại từ điển nữa để giải thích từ Thiên thư song cũng chưa đề nghị giữ nguyên hay dịch như thế nào. Vả lại, nghĩa của “Thiên thư” trong thư tịch Trung Hoa là như vây song khi qua Việt Nam, nhất là khi đã hoà nhập với tín ngưỡng dân gian bản địa thì có giữ như nguyên nghĩa hay không là chuyện khác. Ở đây, muốn giải quyết được rốt ráo vấn đề, lại còn phải tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng nữa. Nếu giữ nguyên từ Thiên thư thì phải chú thích, mà như trên đã trình bày, sẽ rất khó chú thích để cho học sinh ở lứa tuổi 12 - 13 có thể hiểu được một cách tường tận.

    3. Về cách hiểu câu thơ cuối cùng: 汝等行看取敗虛 (Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư).

    Đây là vấn đề cần trao đổi ý kiến nhiều nhất với tác giả Nguyễn Hùng Vĩ.

    Thật ra, trước đây gần như mọi người đều thống nhất về cách hiểu nội dung câu cuối của bài thơ, mặc dầu vẫn còn đôi chổ khác biệt trong việc giải thích một vài từ cụ thể, đặc biệt là hai chữ hành khan. Cuộc tranh luận diễn ra quanh câu thơ cuối bắt đầu từ khi GS. Nguyễn Tài Cẩn đưa ra cách hiểu mới về hai chữ “hành khan” vào năm 1979. Giáo sư cho rằng cần ngắt nhịp câu thơ này theo mô hình ¾ (Nhữ đẳng hành / khan thủ bại hư) và cho rằng cần hiểu hành là từ chỉ số nhiều (theo Giáo sư, nhữ đẳng hành nghĩa là chúng bay ). Ở Hán ngữ đại từ điển, chữ 行, với cả ba cách đọc ứng với ba cách đọc Hán Việt (hành, hạnh, hàng) có tất cả là 63 nghĩa. Quả thật, với cách đọc hàng (cũng đã có người góp ý với GS. Nguyễn Tài Cẩn, nếu hiểu là từ chỉ số nhiều thì phải đọc là hàng), chữ 行 có 10 nghĩa, trong đó nghĩa thứ 9 “指人,表示複數” (chỉ nhân, biểu thị phức số, nghĩa là: “chỉ người, biểu thị số nhiều”, giống như “們, 等” (môn, đẳng). Bởi vậy, PGS. Phan Văn Các, nguyên viện trưởng Viện Hán Nôm, đã cho rằng không thể hiểu chữ hành như vậy vì sau hai chữ 汝等 (nhữ đẳng), vốn đã có thể dịch là “chúng bay” rồi thì không thể có một chữ cũng mang nghĩa là đẳng nữa.

    Vấn đề vẫn chưa được giải quyết ngả ngũ, thì 19 năm sau, trong cuốn Ảnh hưởng HÁN VĂN LÍ TRẦN qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, GS. Nguyễn Tài Cẩn lại đưa ra một cách hiểu mới về câu thơ cuối qua một đoạn văn dài mà Nguyễn Hùng Vĩ đã trích một cách đầy đủ, xin miễn dẫn lại. Nhân buộc phải bàn về đoạn văn này, xin phép bạn đọc được tâm sự đôi điều để tránh hiểu nhầm. GS. Nguyễn Tài Cẩn là một nhà khoa học lớn của đất nước, một người thầy tài năng, và với riêng tôi, anh còn là một người đồng hương rất gần gũi với cả gia đình . Trong các bài viết của mình, nhất là các bài về Thơ Đường và Truyện Kiều, tôi đã trích dẫn không ít ý kiến của anh, xem đó là những luận cứ đáng tin cậy. Tôi không chỉ kính phục mà còn bái phục anh, đặc biệt khi thấy anh giải mã bài thơ Vũ trung sơn thuỷ ( “Sông núi trong mưa”) của vua Thiệu Trị để đọc được 128 cách theo kiểu xáo trộn chữ của một bài thơ viết theo thể hồi văn. Chính tôi là một trong ba người được Giáo sư “ra lệnh” buộc đọc góp ý cho cuốn sách nghiên cứu về Nguyễn Trung Ngạn nói trên. Biết trình độ không phải là người có thể góp ý công trình của Giáo sư, tôi một mực từ chối, Giáo sư liền rút trong túi ra bản in sẵn Lời nói đầu, trong đó đã có lời cảm ơn các anh Vương Lộc, Ngô Đức Thọ và tôi. Tôi hết sức cảm động và kinh ngạc về tinh thần khiêm tốn và tác phong thực sự cầu thị của anh khi tiếp nhận những điều góp ý rất không đáng kể của mình. Cuối cùng, vì mối quan hệ thân tình, vừa giở trang bản thảo có đoạn văn dài mà tác giả Nguyễn Hùng Vĩ đã trích, tôi đành bạo nói: “ Riêng chỗ này thì thú thực là em chưa thông song tự thấy là chưa đủ sức để trao đổi ý kiến với anh”. Anh trầm ngâm suy nghĩ và không thấy phản ứng gì. Thấm thoắt 13 năm đã trôi qua và từ đó tôi cũng không có dịp gặp lại anh. Cho đến nay, lại có dịp đọc đoạn văn của anh được trích trong bài báo của Nguyễn Hùng Vĩ…

    Mở đầu bài báo, tác giả viết: “Một đề xuất mới của GS. Nguyễn Tài Cẩn về việc dịch câu cuối trong bài thơ Nam quốc sơn hà…rất cần được tiếp tục triển khai. Nhiều khi, một kiến giải khoa học hữu lí nhưng vì phương tiện truyền thông ít thuận lợi nên không đến được với nhiều người và không được góp phần nâng cao trí thức cộng đồng, để cho những ý kiến chưa chính xác tồn tại lâu dài, cái sai này nối tiếp cái sai khác. Tôi viết bài này trong niềm nhớ thương người thầy vừa đi xa, đồng thời nối gót làm rõ ý của thầy hơn dù biết kiến thức của mình vẫn hết sức nông cạn. Tôi sẽ trích dài một đoạn viết của thầy mà khi đọc thấy rất tâm đắc trên nhiều mặt…”

    Tôi “chưa thông” chủ yếu là vì hai câu thơ dịch ở cuối mà Giáo sư đưa ra;

    “Cớ sao lúc bọn giặc ngang ngược đến xâm phạm

    Các người lại chịu nhận lấy sự thua thiệt?!”

    Đã hơn mười năm, hai câu thơ dịch này cứ như một ám ảnh đối với tôi. Tôi cứ miên man suy nghĩ: Tại sao lại thêm chữ “lúc” vào câu hỏi làm cho ngữ khí yếu hẳn đi? Tại sao lại chuyển bộ phận chủ chốt của một câu cật vấn nguyên nhân với hai chữ như hà đanh thép thành một đoạn ngữ chủ yếu mang tính chất tường thuật? Tại sao hai chữ bại hư có sắc thái biểu cảm mạnh mẽ lại dịch thành “thua thiệt”? Và cuối cùng, điều quan trọng nhất, các người ở đây là chỉ ai? Quân ta hay quân địch?...

    Đọc câu dịch nghĩa trúc trắc, tối nghĩa của Nguyễn Hùng Vĩ : “Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư?!”, tôi lại càng băn khoăn hơn. Dẫu sao, đọc bài báo, tôi cũng hiểu rõ hơn vì sao Giáo sư Cẩn lại thay đổi ý kiến, từ chỗ cho nhữ đẳng là chỉ quân địch chuyển thành cho là chỉ quân ta. Dĩ nhiên là lập luận của Nguyễn Hùng Vĩ chưa hẳn đã hoàn toàn trúng với ý của Giáo sư.

    Nguyễn Hùng Vĩ viết:

    “Tập hợp sự nhất quán nhiều yếu tố:

    - Hoàn cảnh phát ngôn: Chiến trận trong tình thế giằng co quyết liệt.

    - Không gian phát ngôn: Trong (hoặc trên như dị bản khác) đền ở phía quân ta.

    - Chủ thể và tư cách phát ngôn:Thần Trương Hống, Trương Hát hiển linh giúp quân ta.

    - Hướng phát ngôn: Cho quân ta.

    - Đối tượng tiếp nhận phát ngôn: Quân ta.

    Lẽ hằng nhiên, hai câu thơ cuối trong bài được chúng tôi dịch như trên là hữu lí”

    (Lẽ ra, tác giả ít nhất còn có thể nêu một dòng nữa:

    Mục đích phát ngôn: khích lệ quân ta!).

    Tất cả những điều trên đều tuyệt đối chính xác, song vấn đề giao tiếp trong thực tiễn không hề đơn giản. Ở đây, tôi chỉ nêu lên ý kiến riêng của mình, coi như tự giải đáp một thắc mắc đang tồn tại bấy lâu.

    Người xưa đã có câu chỉ tang mạ hoè. Trong giao tiếp gián tiếp, người nhận trực tiếp phát ngôn hoặc người có địa chỉ nhận phát ngôn chưa hẳn đã là người nhận đích thực theo ý muốn của người phát ngôn. Ở hai câu sau của Nam quốc sơn hà, không phải là chỉ tang mạ hoè mà là mạ tang kích hoè. Chất vấn - nói là lăng mạ cũng đúng và cũng đáng- nghịch lỗ là để kích động quân ta. Hiểu như vậy thì cho rằng nhữ đẳng là quân địch không có gì là sai trái và phi lôgic.

    Vì cứ đinh ninh nhữ đẳng là quân ta nên người viết đã giải thích không đúng chử hành trong cụm từ hành khan do cứ chăm chăm đi tìm nghĩa của cả cụm như một chỉnh thể. Tác giả khẳng định hành khan cũng như 且看 (thả khan) rồi dịch thả khan thành và xem, xem ra (dịch thế là chưa ổn), rồi lại liên hệ với rất nhiều câu thơ của Việt Nam có từ xem ra, sau đó lại quay về liên hệ với nghĩa trong Nam quốc sơn hà. Cứ lòng vòng giải thích như thế nên càng giải thích càng rối.

    Như đã nói trên, theo Hán ngữ đại từ điển, chữ 行 có 63 nghĩa; riêng chữ đọc là hành đã có 38 nghĩa. Ở nghĩa thứ 29, lại có 4 nghĩa nhỏ mang những sắc thái khác nhau. Cụ thể là:

    - 29a)將,將要 (tương, tương yếu, nghĩa là sẽ)

    - 29b)又, 也, 再(hựu, dã, tái nghĩa là lại, cũng, một lần nữa)

    - 29c) 輒, 即 (triếp: nhất định là, thì; tức: liền, ngay lập tức)

    - 29d) 正,當 (chính, đương, nghĩa là đúng lúc, đang lúc).

    PGS. Nguyễn Đăng Na cho nghĩa 29b là phù hợp với văn cảnh của Nam quốc sơ hà vì quân Tống đã thua một keo rồi, chắc chắn sẽ có keo thứ hai. Riêng tôi, tôi thấy chữ hành có hàm nghĩa cực kì phong phú và súc tích, có thể tích hợp được cả 3 nghĩa 29a, 29b và 29c: Quân Tống, “nghịch lỗ”, gieo gió (“lai xâm phạm”) thì phải gặt bão (“thủ bại hư”). GS.Lê Trí Viễn đã rất tinh tế khi dịch ý ba chữ “thủ bại hư” là tự rước lấy thất bại không còn mảy nào (LÊ TRÍ VIỄN - Một đời dạy văn, học văn – TOÀN TẬP. NXB Giáo dục. Hà Nội, 2006, Tập 1, tr.415). Đó là việc đã từng xẩy ra và lại tái diễn (nghĩa 29b), ắt sẽ xẩy ra (nghĩa 29a), là việc trông thấy nhãn tiền (nghĩa 29c).

    Thật ra, trong Hán ngữ đại từ điển, có mục từ 行看 và hành khan có nghĩa là 且看 thật, song thả khan không có nghĩa là và xem, xem ra mà cũng có thể dịch thành các nghĩa như chúng tôi đã trình bày ở trên vì Hán ngữ đại từ điển cũng giải thích 且 (thả) có nghĩa là 復(phục: lại một lần nữa), 又(hựu: lại); Từ hải ( Sách đã dẫn) cũng giải thích thả có nghĩa là 將要 (tương yếu: sẽ).

    IV.Qua bài viết của Nguyễn Hùng Vĩ, bạn đọc có thể nghĩ không đúng về trình độ cũng như tinh thần, thái độ của các nhà nghiên cứu văn học nước ta, trước hết là những nhà biên soạn SGK. Dù quanh bài Nam quốc sơn hà vẫn có thể còn xẩy ra tranh luận, song về cơ bản đã có “định luận” về nó, và việc đưa bài thơ ấy vào chương trình Ngữ văn cấp THCS là hoàn toàn đúng đắn. Người biên soạn SGK sẵn sàng tiếp thu tất cả ý kiến của mọi người, song phải có chủ kiến, phải tìm cách trình bày dung dị, đơn giản về những vấn đề nhất thiết phải học mà có những khía cạnh không dễ và không đơn giản để các em học sinh có thể tiếp thu được cái cốt lõi.
     
    Last edited by a moderator: 29/11/15
    tducchau, sannyas60 and Heoconmtv like this.
  3. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Đấy, các Bác thấy đấy, người trong cuộc có, người ngoài cuộc có, trẻ có già có, học ít nói nhiều có, học nhiều nói ít cũng có. "chiến từ năm 2010/2011 đến này vẫn chưa có hồi kết, mà công nhận mấy chú nhà báo nước ta quả là thiên tài.
     
    tducchau, sannyas60 and Heoconmtv like this.
  4. notrinos

    notrinos Lớp 5

    Gieo vần trắc có thể vẫn giữ được ý nghĩa bài thơ nhưng khi đọc lên như một tuyên ngôn thì thất bại vì vần trắc không thể phát âm kéo dài vang vọng như vần bằng được. Các cụ chữ nghĩa đầy đầu cứ thích mổ xẻ từ ngữ để làm gì trong khi chữ nghĩa mà không thể truyền được cảm hứng tới người nghe, không khơi dậy được khí thế bừng bừng chống giặc thì có nên cho mấy ông nhiều chữ im mồm đi không? Những bài diễn văn người ta gieo vần bằng nhiều thì lúc đọc lớn lên mới hùng hồn, âm vang, lôi kéo người nghe. Ai nghe bài diễn văn "I have a dream" của Martin Luther King rồi thì thấy, toàn gieo vần bằng, nhất là đoạn cuối.
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/11/15
    tducchau thích bài này.
  5. thomas

    thomas Lớp 8


    Anh bạn này nhầm hay tôi nhầm, trong tiếng Anh làm gì có vần bằng vần trắc?
     
    tducchau thích bài này.
  6. Sakura2k7

    Sakura2k7 Banned

    Nói về "cãi" Cách giáo dục thì các vị to đầu ăn tiền thuế của dân cứ việc Cãi. Chỉ xin các vị nhớ cho là quả báo nhãn tiền...à mà quên, con cháu các vị toàn là hạng zu học cả...??? Chỉ thương con cháu nhà thứ dân. Có câu: Tre già, măng mọc...Rồi sau này khi tre già thì thứ mọc ra là gì...Lồ ô...Giang...ô hô...ai tai...
     
  7. thomas

    thomas Lớp 8

    Đúng ra thì cái này mấy ông ấy không "cãi" mà là phụ huynh với mấy ông nhà báo "cãi" ấy chứ. :confused: Cho học sinh biết thêm 1 bản dịch thì xét cho cùng đâu có hại gì.
     
  8. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Càng "cải" thì càng "cách" thôi.
     
  9. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    'Bản dịch cũ Nam quốc sơn hà không đáp ứng tiêu chuẩn cao'

    GS Nguyễn Khắc Phi cho rằng, bản dịch cũ bài thơ "Nam quốc sơn hà" có ưu điểm nghe êm tai, nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất.

    GS Nguyễn Khắc Phi, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 đã trao đổi với Zing.vn về việc đưa bản dịch bài thơ Nam quốc sơn hà (của Lê Thước và Nam Trân) thay cho bản cũ.

    Theo GS Phi, Nam quốc sơn hà tương truyền của danh tướng Lý Thường Kiệt, ngay cả văn bản chữ Hán cũng có nhiều dị bản khác nhau.

    Khi làm sách, chúng tôi phải cân nhắc ngay từ bản chữ Hán, nên dùng bản nào. Cuối cùng, chúng tôi chọn bản theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng có đảo chữ Tiệt nhiên phận định thành Tiệt nhiên định phận. Phiên âm chữ Hán trong bức tranh sơn mài ở Viện Bảo tàng lịch sử cũng sửa lại là định phận”, GS Phi nói.

    [​IMG]
    Phần chú thích về bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 7, tập 1.

    GS Phi cho rằng, hiểu được cặn kẽ bài thơ không đơn giản. Không có văn bản nào dịch hoàn thiện cả. Vì thế, những người biên soạn sách đã chọn ba văn bản, đúng theo phương châm giảng dạy mới của Bộ GD&ĐT, không trói buộc vào văn bản nào.

    Trong SGK Ngữ văn lớp 7, có đến 3 bản dịch chữ quốc ngữ của bài thơ Nam quốc sơn hà. Đó là bản dịch của Lê Thước và Nam Trân: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”. Lê Thước và Nam Trân đều là những nhà Hán-Nôm học nổi tiếng.

    GS Trần Đình Sử, thành viên nhóm chủ biên, cho biết, bản của Lê Thước và Nam Trân dịch theo vần trắc, rắn rỏi và gân guốc hơn, còn dịch theo vần bằng thì nghe êm ái.

    Tôi nghĩ rằng, một vài người hiểu chưa đúng nên phản ứng. Khi chọn bản dịch nào, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ”, GS Phi nói.

    Ngoài bản dịch trên, sách giáo khoa lớp 7 còn in hai bản dịch khác (in trên bức sơn mài ở Viện Bảo tàng Lịch sử): Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Sách trời phân định đã rạch ròi/ Cớ sao giặc cướp xâm phạm tới/ Chúng bay thất bại hãy chờ coi.

    Bản dịch của nhà thơ, dịch giả Ngô Linh Ngọc: “Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự/ Sách trời định phận rõ non sông/ Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?/ Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong".

    GS Phi cho rằng, văn bản mọi người biết lâu nay có ưu điểm là nghe êm tai nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất.

    Bản dịch Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời, từ định phận để nguyên không dịch, đó là từ khóa. Vì chữ phận có hai nghĩa, phận là địa phận, ranh giới, biên giới và phận có nghĩa là số phận, cho nên nếu không dịch thì định phận là số phận đã định. Nó gợi lên liên tưởng tiêu cực, dễ gây hiểu lầm”, Tổng chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 nói.

    GS Phi nhấn mạnh, bản dịch nói lên vấn đề bờ cõi, biên giới nên đã cân nhắc rất nhiều. Thứ nữa, dùng từ vằng vặc vừa sáng vừa rõ ràng, nó cụ thể và ý nghĩa hơn rành rành.

    Chúng tôi không thể đưa tất cả các bản dịch. Ngoài ra hiện nay sách, Internet rất thuận tiện để mọi người tham khảo, đọc thêm các tài liệu ở ngoài”, GS Phi nói.
     
    tducchau thích bài này.
  10. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Những bản dịch bài thơ 'Nam quốc sơn hà'

    Việc sách giáo khoa (SGK) ngữ văn lớp 7, tập 1 dịch bài thơ tứ tuyệt Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) khác với bản dịch trước đây khiến nhiều người không đồng tình. Thực tế, có rất nhiều bản dịch khác nhau trước đây của những vị học giả, nhà Nho, nhà Hán học... và cũng đã gây nhiều tranh cãi trong giới học giả.

    1. Bản dịch của sách "Hợp tuyển thơ văn Việt Nam..."

    Nam quốc sơn hà

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định rõ ở sách trời
    Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!


    (
    Nguồn: "Hợp tuyển thơ văn Việt Nam... thế kỷ X đến giữa thế kỷ XVII" (NXB Văn học, Hà Nội, 1976).

    [​IMG]

    Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


    2. Bản dịch của Hoa Bằng

    Sông núi nước Nam

    Sông núi nước Nam vua Nam coi.
    Rành rành phân định ở sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Bay sẽ tan tành chết sạch toi.


    Học giả Hoa Bằng tên thật là Hoàng Thúc Trâm (1902 - 1977).

    (
    Nguồn: Văn Lang, Danh nhân đất Việt, NXB Thanh Niên, 1995).

    3. Bản dịch của nhà sử học Trần Trọng Kim

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!


    [​IMG]
    Nội dung của bài thơ Sông núi nước Nam.


    4. Bản dịch của Ngô Linh Ngọc


    Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự
    Sách trời định phận rõ non sông
    Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
    Bay hãy chờ coi chuốc bại vong.


    Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Linh Ngọc (1922-2004), tên thật Ngô Văn Ích.

    (Trích: Ngô Linh Ngọc, Tổng tập văn học Việt Nam, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980).

    [​IMG]

    [​IMG]
    Phần dịch thơ trong sách ngữ văn lớp 7 tập 1 mới đây.

    [​IMG]
    Sách ngữ văn 7 đăng ba bản dịch Nam quốc sơn hà nhưng cả ba bản dịch đều không giống với bản dịch được phổ biến lâu nay.


    5. Bản dịch gây nhiều tranh cãi trong SGK ngữ văn lớp 7 tập I

    Ở trang 62, sách ngữ văn lớp 7 dịch như sau:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Vằng vặc sách trời chia xứ sở
    Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
    Chúng mày nhất định phải tan vỡ.


    Đây là bản dịch do học giả Lê Thước (1891-1975) và nhà thơ Nam Trân (1907-1967), tên thật là Nguyễn Học Sỹ đã có từ lâu. Bản này đang được dùng trong sách giáo khoa Trung học và Đại học và hiện đang dùng trong SGK ngữ văn lớp 7, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam.


    (Nguồn: Nhóm giáo sư ĐH Huế, Tinh tuyển thơ văn Hán Nôm, NXB Giáo dục, 2001).


    Bài thơ Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) còn được gọi là bài thơ Thần được cho là của Lý Thường Kiệt (1019-1105) chống quân Tống năm 1077 và được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta đã có nhiều bản dịch nhưng với 5 bản dịch trên, từ trước đến nay, học sinh, sinh viên cùng những người yêu văn học đều thông thuộc và đi vào tâm trí mỗi người là bản dịch thứ 3 bằng vần bằng của cụ Trần Trọng Kim (1883-1953). Còn bản dịch trong SGK lớp 7 dịch bằng vần trắc nên đọc trúc trắc, trục trặc... đến líu lưỡi, không quen thuộc.

    Một bài thơ chữ Hán, Hán Nôm được phiên âm, dịch nghĩa rồi dịch thơ có nhiều văn bản, dị bản nhưng bài thơ dịch nào hay sẽ sống mãi trong lòng người đọc và trường tồn mãi với thời gian...

    Nguồn: phapluattp.vn
     
  11. atuanmetallica

    atuanmetallica Mầm non

    Ko biết sao nhưng mình đọc bài dịch mới được in này lại thấy hào hùng hơn. Nhất là từ vằng vặc. Từ đó dùng rất hay
     
    Last edited by a moderator: 29/11/15
    tducchau thích bài này.
  12. canlu2005

    canlu2005 Mầm non

    Vậy bản trước đây - " nam quốc sơn hà ... có gì sai không mà lại đổi chi cho lùm xùm vậy?
     
    Last edited by a moderator: 29/11/15
    vqsvietnam thích bài này.
  13. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Một câu hỏi lớn không lời đáp
    Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
     
    vqsvietnam thích bài này.
  14. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Có cần thay bản dịch bài Nam quốc sơn hà?

    [​IMG]
    Bìa cuốn Ngữ văn lớp 7 tập 1 và trang sách in bài thơ Nam quốc sơn hà - Ảnh: H.P.

    Tuổi Trẻ giới thiệu những thông tin bổ ích của PGS-TS Đoàn Lê Giang để góp thêm một cái nhìn gợi mở về một bài thơ đã quá thân quen với mọi người dân Việt.

    Bản dịch của hai nhà Hán học Lê Thước, Nam Trân in trong Thơ văn Lý Trần, tập 1 (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977) đã được các tác giả cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 (NXB Giáo Dục VN) chỉnh sửa một chút ở câu 1, như sau:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Vằng vặc sách trời chia xứ sở
    Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
    Chúng mày nhất định phải 
tan vỡ.

    Tại sao người ta ồn ào vì nó? Là vì đây không phải là bản dịch quen thuộc trong SGK lớp 7 trước kia. Thực ra với người am hiểu thì chẳng có gì phải ồn ào lên như thế, vì một bài thơ chữ Hán có nhiều dị bản, nhiều cách hiểu, nhiều bản dịch thơ khác nhau là chuyện bình thường.

    Để góp phần làm rõ hơn vấn đề này, tôi xin đưa ra một số thông tin và nhận định thế này.

    1) Bài Nam quốc sơn hà có vấn đề về văn bản chữ Hán. Hiện nay có ít nhất 35 dị bản khác nhau, điều này đã được các nhà nghiên cứu có uy tín khảo sát nghiêm cẩn: GS Trần Nghĩa, GS Nguyễn Tài Cẩn, PGS Bùi Duy Tân, PGS Nguyễn Thị Oanh, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ... Việc này thì học trò lớp 7 không nên biết làm gì cho rắc rối.

    2) Bài thơ này có nhiều bản dịch, nhưng kỳ lạ thay không ai dịch hay được - kể cả các bậc túc nho, các dịch giả cổ thi trứ danh như Nguyễn Đổng Chi, Lê Thước, Nam Trân, Bùi Duy Tân, Ngô Linh Ngọc, Đinh Gia Khánh...

    Tất cả các bản dịch đều chưa đạt đến trình độ tín, đạt, nhã như mong muốn của nhiều người. Gần đây vài người mạo muội đưa ra bản dịch thử nghiệm của mình, nhưng chỉ đọc qua người ta đã thấy ngay là một “thảm họa dịch thuật”!

    3) Bản dịch dùng cho SGK lớp 7 hiện nay do Lê Thước - Nam Trân dịch thực ra là một bản dịch không nổi tiếng, dù đã được dịch bởi hai bậc túc nho tài hoa trong việc dịch thơ và đã được hành thế khá lâu (công bố từ năm 1977, đưa vào SGK lớp 7 từ năm 2003).

    - Câu 1: Các cụ dịch là “Núi sông Nam Việt vua Nam ở” (đúng niêm luật) được các tác giả SGK lớp 7 chỉnh lại thành: Sông núi nước Nam vua Nam ở.

    Thuận tai hơn, nhưng thất niêm luật (chữ Nam thứ sáu đáng lý phải trắc).

    - Câu 2: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Các cụ dịch là: Vằng vặc sách trời chia xứ sở. Như vậy là khác cách hiểu thông thường (rõ ràng, dứt khoát phân định trong sách trời - sách mà trời giáng xuống như một mặc khải). Trong khi đó Lê Thước - Nam Trân hiểu từ “thiên thư” không phải là sách trời ban xuống, mà là vị trí các chòm sao trên trời chia các nước, mỗi nước ở một vị trí các chòm sao khác nhau như chúng ta thường đọc thấy trong “Phân dã” của các sách địa lý cổ.

    Vì vậy mới dịch chữ Tiệt nhiên thành Vằng vặc (Vằng vặc phân định bởi các chòm sao trên trời).Cách hiểu ấy là có cơ sở, nhưng cũng không tuyệt đối đúng hơn cách hiểu truyền thống.

    - Câu 3: “Giặc dữ cớ sao phạm đến đây” thì dịch bình thường.

    - Câu 4: “Chúng mày nhất định phải tan vỡ”. Dùng từ “tan vỡ” thì non quá, không hay bằng chữ “tơi bời” của bản dịch cũ, dù chữ “tơi bời” cũng không thật hay.

    4) Kết luận: Các tác giả SGK thay cho bản dịch cũ bằng một bản dịch khác có cách hiểu lạ hơn, mà chưa hẳn đúng, đồng thời lại non hơn, dở hơn, thế thì thay làm gì?! “Vẽ rắn thêm chân”, bài học xưa đến nay chưa bao giờ cũ!

    Theo tôi, tốt nhất là dùng lại bản dịch cũ và đề tên tác giả là “tương truyền của Lý Thường Kiệt”. Bài thơ này rất linh thiêng, bản dịch truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức nhiều thế hệ nên cũng không nên thay đổi làm gì, nhất là không chứng minh được tính cần thiết của sự thay đổi.

    Lưu ý thêm: theo khảo sát của GS Trần Nghĩa thì câu 2 (âm Hán Việt) cần sửa lại chính xác thế này: “Tiệt nhiên phân định tại thiên thư”. Hơn nữa những ai ca ngợi bản dịch quen thuộc này cũng để ý một chút là nó bị thất niêm luật ở câu 1, 2, dù ngày nay thì niêm luật cũng không phải là vấn đề quan trọng nữa.

    Vài ý kiến như vậy, mong các tác giả SGK thật sự cầu thị để kịp thời dùng lại bản dịch quen thuộc trong dịp tái bản tới đây.

    Theo Đoàn Lê Giang (Tuổi trẻ)
     

Chia sẻ trang này