Thơ dịch Pushkin tuyển tập

Thảo luận trong 'Tủ sách Thi ca' bắt đầu bởi whatcsvt100, 5/10/13.

Moderators: Ban Tang Du Tử
  1. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    [​IMG]

    Alêcxanđrơ Xecgâyevich Puskin (1799 - 1837) là một hiện tượng kỳ diệu vô song của văn học Nga và văn học thế giới. Ông được coi là "khởi đầu của mọi khởi đầu" (Gorki), là "nhà cải cách vĩ đại của văn học Nga" (Bielinxki), là "con người của tinh thần Nga" (Gôgôn), người đưa văn học Nga lên một tầm cao mới trong lịch sử phát triển của văn học nhân loại.

    A/ NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI 38 NĂM

    1. Dòng dõi và gia thế


    [​IMG]

    [​IMG]
    [​IMG]



    A.X.Puskin sinh ngày 6.VI.1799 tại Matxcva trong một gia đình dòng dõi quý tộc lâu đời và có truyền thống văn chương. Song thân của nhà thơ được lĩnh hội một nền văn hoá hoàn hảo, kỷ cương theo lối giáo dục quý tộc thế kỷ XIX, là những con người tài hoa, am hiểu và yêu thích nghệ thuật.

    Ngoài dòng máu quý tộc Nga, trong Puskin còn tiềm ẩn đôi chút khí chất của dòng máu Phi châu nóng bỏng, nhiệt thành: Mẹ ông - Nagiezđa Ôxinốpna, là cháu nội của viên tướng kỹ thuật lừng danh có nguồn gốc châu Phi Abram Pêtrôvích Ganiban, một sủng thần của Pi-e Đại Đế.

    Puskin tầm thước, mái tóc quăn bồng bềnh, có khuôn mặt khả ái với cặp mắt và những đường nét đầy nhậy cảm.

    Mang trong mình "dòng máu xanh"(1) thượng đẳng, giữ một vị thế cao sang trong xã hội, nhưng suốt đời Puskin không chịu chức sắc cung đình, không chịu ra luồn vào cúi của kiếp "chim hoạ mi hót vang, nhởn nhơ trong nô lệ" (2), không viết thơ thính phòng dành riêng cho độc giả thượng lưu như các bậc tiền bối Karamzin, Zucốpxki, Bachiuxcốp…

    Trải qua hai triều đại Nga hoàng, suốt đời bị truy bức, đày ải bất công, Puskin vẫn trọn vẹn là nhà thơ của nhân dân, là "ca sĩ của tự do", nguyện "Năm châu bốn bể đi liền, Mà đem lời nói đốt tim muôn người" (3). Ông là con người tiên tiến nhất của thời đại, một nhà thơ đem nghệ thuật "nhập thế", bước vào cuộc đấu tranh cho hạnh phúc con người.

    2. Thời thơ ấu và sự hình thành tài năng

    [​IMG]

    Tài năng của Puskin hình thành rất sớm. Nhà thơ hấp thụ sâu sắc truyền thống văn chương của dòng họ, gia đình ngay từ những ngày thơ bé.

    Cha ông am hiểu âm nhạc, thi ca, sân khấu, chú ông là nhà thơ có tên tuổi thời ấy. Thư viện gia đình rất lớn, có nhiều sách của các nhà văn, triết gia Khai Sáng Pháp thế kỉ XVIII.

    Phòng khách của họ là nơi gặp gỡ và đàm đạo văn chương thường kỳ của các văn nghệ sĩ lừng danh đưng thời.

    Puskin được tiếp nhận một nền giáo dục của con em dòng dõi trâm anh thế phiệt, thông thạo tiếng Pháp, Đức, Anh, La tinh, được dạy dỗ kỹ lưỡng về th-ca-nhạc-họa. Văn chương bác học sớm ngấm trong tâm hồn cậu bé xinh xắn có mớ tóc đen quăn tít, cặp mắt vừa hồn nhiên vừa ưu tư.

    [​IMG]

    Song mảnh đất thật sự vun trồng tài năng và nhân cách của nhà thơ tương lai là nền văn học dân gian Nga sống động, đẹp đẽ.

    Thủa thiếu thời Puskin ít nhận được sự chăm sóc trìu mến của cha mẹ. Mẹ phó mặc việc nuôi dạy con cho các gia sư, cha nghiêm khắc, có phần chuyên quyền, nghiệt ngã, cậu bé sớm độc lập suy tư, sớm gắn bó, quấn quýt với những người thuộc lớp bình dân.

    Những người đầu tiên dẫn Puskin về với thế giới ngôn ngữ và thơ ca dân tộc sống động, giầu đẹp là bà ngoại Maria Alecxâyepna, nhũ mẫu Arina Rôđiônốpna, lão bộc Nikita Côzlốp.

    [​IMG]

    Cậu bé cũng sớm gắn bó, hoà mình vào thiên nhiên hữu tình đầy chất hội họa vùng Trung Nga mà sau này sẽ là chất liệu, nguồn cảm hứng, tình yêu nồng thắm trong những bài thơ trữ tình đắm say.

    Những câu chuyện cổ tích, những khúc hát dân ca, lời ăn tiếng nói của tầng lớp bình dân lung linh màu sắc, thiên nhiên thơ mộng… là nhịp cầu nối nhà thơ tương lai với nhân dân Nga, với tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga kì diệu. Chính bởi vậy, ngay từ tấm bé, trong hồn thơ của Puskin đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương bác học sang trọng và văn chương bình dân bình dị, sống động. Điều đó làm cho tài năng của Puskin chín sớm, nở rộ sớm.

    3. Trường Lixê và vị thần đồng trẻ tuổi
    [​IMG]

    Năm 12 tuổi Puskin nhập học khoá đầu (1811-1817) trường Lixê (trường dành riêng cho con em quý tộc nhằm đào tạo những tài năng phụng sự Nga hoàng). Sáu năm học tại đây đã đem đến cho Puskin nhiều điều kiện phát triển tài năng. Câu thiếu niên hoàng gia được tiếp xúc với những giáo sư tài năng có tư tưởng tiến bộ, giao du với những học sinh có tâm huyết và hoài bão, được hoà mình trong các cao trào yêu nước.

    Những học sinh khoá I này từng tiễn đưa đoàn chiến binh Nga ra mặt trận năm 1812 (4), chào đón họ về trong khúc huy hoàn ca. Nhiều bạn bè của Puskin sẽ có mặt trong các tổ chức cách mạng những năm 20, trở thành những chiến sĩ của phong trào Tháng Chạp (5). Ở Litxê nảy nở rất nhiều tài năng thơ ca (Kiukhenbếcke, Đenvich, Iacốplép…), nhưng nổi bật hơn cả vẫn là Puskin. Với những hoạt động sáng tác và xã hội sôi nổi, cậu đã trở thành linh hồn của các tổ chức văn học nhà trường. Người ta dễ nhận thấy Puskin ngay thời kỳ này đã đi những bước xa hơn các đồng môn và các bậc tiền bối trong làng thi ca.

    Puskin đã tự tìm cho mình một con đường riêng độc đáo. Thơ của cậu thể hiện sự kết hợp một cách tài hoa thi ca cổ điển trang trọng với cuộc sống hiện thực sôi nổi, tràn ngập niềm mê say trần gian. Ngay từ năm 1815 nhà thơ lỗi lạc Zucốpxki đã tiên đoán về Puskin: "Người khổng lồ tương lai này sẽ vượt tất cả chúng ta."

    Giã biệt mái trường Litxê, Puskin cũng giã biệt thời niên thiếu "tuổi hoa cười", "những giờ vàng tư lự ", để lại những vần thơ mới mẻ và mãi trẻ trung, trong đó nổi bật nhất là bài Hồi ức ở Hoàng thôn, như một lời tổng kết chặng đường đầu đời của một thi nhân. Bài thơ được đọc trong buổi lễ ra trường. Bài thơ dạt dào cảm xúc về lòng ái quốc, niềm kiêu hãnh về nhân dân Nga. Nó báo hiệu một cánh én cho mùa xuân thi ca Nga. Đéczavin, nhà thơ cổ điển lão thành của thế kỷ XVIII, ngồi trên ghế Ban Giám kho hôm ấy không cầm được nước mắt khi nghe vị thần đồng đọc bài thơ. Ông hiểu mai này có thể yên lòng từ giã cõi đời vì đã có người kế tục xuất sắc trên thi đàn Nga.
    . Pêtécbua - "nơi tuổi trẻ đã sớm tàn trong những cơn bão dội" (6)

    Tốt nghiệp Litxê năm 1817, chàng trai 18 tuổi Puskin hăm hở bước vào đời với những cuộc kiếm tìm mới. Anh được bổ nhiệm về cơ quan Ngoại giao tại Pêtécbua. Thời kỳ này chính phủ Nga hoàng thi hành một chính sách đối nội và đối ngoại phản động: đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa nông dân, câu kết với các thế lực phản động nước ngoài dìm các cuộc cách mạng vào trong biển máu.

    Phong trào chống chế độ nông nô chuyên chế phát triển mạnh mẽ, cuốn hút cả tầng lớp quý tộc tiến bộ. Nhiều tổ chức cách mạng ra đời khắp nơi trong cả nước. Puskin bước vào đời khi tuổi trẻ đầy sung sức với những thành công và sự khích lệ đầy chất men say, đúng lúc con thuyền cách mạng đang căng buồm lộng gió, nhà thơ trải rộng lòng đón những luồng gió biển khi dào dạt. Chàng trai xao lãng công việc hành chính của một viên chức, trước mắt luôn chỉ thấy các vần thơ nhảy múa:

    Đối với tôi quan trường hay kị binh,
    Mũ quân nhân, luật hình như nhau c.
    Tôi không phóng lao lên hàng tướng tá,
    Mà hàng quan bát phẩm cũng không luồn.
    (Gửi các đồng chí - Thúy Toàn dịch)

    Các sáng tác thời kỳ này của Puskin đề cập đến những vấn đề xã hội lớn lao, thức tỉnh tinh thần chống chế độ nông nô chuyên chế: Tự do (1817), Gửi các đồng chí (1818), Gửi Trađaisep"(1818), Nô-en (1818), Làng (1819)… Ông đứng về phía nhân dân cần lao, nguyện làm người bạn của nhân quần, cất tiếng căm hờn tố cáo chế độ nông nô chuyên chế, đòi quyền tự do cho con người. Nhà thơ bày tỏ nguyện ước:

    Trong hy vọng giày vò ta trông ngóng
    Những phút giây giải phóng thiêng liêng
    Như chàng trai si tình trẻ tuổi
    Đợi phút giây hò hẹn trung thành.
    (Gửi Tsađaíep - Thúy Toàn dịch )

    Trong tháng ngày tràn ngập những nốt nhạc yêu đời ấy, Puskin hoàn thành bản trường ca đầu tiên của mình - trường ca Ruxlan và Luitmila (1820), là sự kiện "tạo nên một giai đoạn mới trong lịch sử văn học Nga" (Bielinxki), là một thách thức mới đối với chủ nghĩa cổ điển già nua, đánh dấu thắng lợi của chủ nghĩa lãng mạn Nga, làm xôn xao dư luận Nga bởi tính chất dân tộc thuần túy và độc đáo.

    Tác phẩm là ca khúc ngọt ngào đượm màu sắc dân gian thơ mộng và trong sáng, thể hiện niềm say mê cuộc sống trần gian, lòng tin vào chiến thắng của cái Thiện, lẽ Công bằng. Zucốpxki, vị tao đàn nguyên soái của chủ nghĩa lãng mạn Nga lúc bấy giờ phải thừa nhận Puskin là "người học trò chiến thắng" của mình.
    Cùng với Ruxlan và Luitmila, thời kỳ Pêtécbua chấm dứt, chấm dứt luôn cả thời kỳ lạc quan yêu đời nhất của Puskin.

    Hoảng sợ trước những vần thơ nổi loạn và những hoạt động xã hội của Puskin đang có tác dụng rõ rệt trong tầng lớp thanh niên quý tộc tiến bộ, Nga hoàng Alếcxanđr I đã ra lệnh đày nhà thơ đi Xibiri. Nhờ sự lo lắng và can thiệp của bạn bè cùng những người thầy có thế lực, bản án được giảm nhẹ hơn: đày về phương Nam. Thế là giữa lúc hạt giống tự do vừa được gieo xuống mảnh đất băng giá ngạt thở thì cũng là lúc người gieo hạt giống tự do trở thành người tù biệt xứ.

    Ngày 6.V.1820 Puskin bị buộc phi rời thủ đô, bắt đầu cuộc sống lưu đày của kẻ tha phương. Cuộc đời từ đây bắt đầu nhuốm màu sắc bi ai. Giã biệt thủ đô, giã biệt những ngày tháng vô tư, Puskin viết bài thơ nổi tiếng Ánh mặt trời ban ngày đã tắt (1820), tổng kết những suy tư về thời kỳ vừa qua trên "bờ bến thê lương", mở lòng chờ đón "dải bờ xa tăm tắp". Tâm hồn nhà thơ đầy khao khát tự do, được đối sánh với biển cả:

    Ánh mặt trời ban ngày đã tắt
    Sương chiều nhẹ đã trùm lên biển biếc.
    Hỡi buồm ngoan, hãy phần phật reo lên,
    Ngươi biển lam, hãy cồn sóng dưới thuyền.

    Bay đi con tầu, hãy đưa ta xa tắp,
    Trên sóng đổi dời của biển khơi huyền hoặc.
    Nhưng chớ đưa ta về bờ bến thê lương,
    Của tổ quốc còn mờ mịt hơi sương.

    Chớ về nơi bừng lửa nơi khát vọng,
    Nơi những nàng thơ dịu thầm cười mỉm cùng ta.
    Nơi tuồi trẻ đã sớm tàn trong cơn bão dội,
    Vui bay vèo, buồn ở lại trái tim ta.
    ( Thúy Toàn dịch)
     

    Các file đính kèm:

    Last edited by a moderator: 26/5/15
    utitgg thích bài này.
  2. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    5. Phương Nam chói ngời sắc nắng

    Rời Pêtécbua giữa mùa hè phương Bắc nhàn nhạt ánh mặt trời, Puskin đến với phương Nam chói ngời sắc nắng, với biển Ôđétxa bao la, với dãy núi Kapkaz hùng vĩ, với những vườn nho bát ngát xứ Mônđavia. Phong cảnh thiên nhiên và tình người phương Nam nồng ấm, giản dị giúp Puskin sớm nguôi ngoai nỗi nhớ nhà và bạn bè, tiếp thêm nguồn nghị lực , cảm hứng để nhà thơ sống và sáng tạo.

    Hoá ra phương Nam chính là mảnh đất cần cho tâm hồn đang khao khát tìm kiếm cái mới của nhà thơ. Nơi đây phong trào cách mạng trong nước đang lên cao, ươm nên nhiều tổ chức bí mật, nơi đây nước láng giềng Hi lạp đang làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

    Puskin lại cất cao giọng ca ngợi tự do, ca ngợi lòng yêu nước trong hàng loạt thi phẩm trữ tình: Gửi Ôvíđ, Người tù, Cô nàng Hy lạp thủy chung (1821), Thanh gươm, Người gieo giống tự do trên đồng vắng (1823)… Nhà thơ muốn rũ bỏ ách tù đày để đến với chân trời tự do:

    Bay lên về với đất trời
    Biển xanh núi thẳm cất lời vang ca
    Bay về với chốn bao la
    Nơi gió phóng khoáng chỉ ta với mình.
    (Người tù - Phạm Thị Phương dịch)

    [​IMG]


    Nhà thơ nhận thấy trọng trách tiên phong và thiêng liêng của mình:

    Là người gieo giống tự do trên đồng vắng
    Tôi ra đi từ sáng tinh mơ
    Bàn tay tôi trong trẻo ngây thơ
    Gieo mầm sống trên luống cày nô dịch.
    (Người gieo giống tự do trên đồng vắng - Thúy Toàn dịch)

    Phương Nam đem đến cho Puskin những xúc cảm mới, những đề tài lạ, những nhân vật khác thường để viết nên hàng loạt trường ca trữ tình: Người tù Cápcaz (1820), Lệ đài Bakhchixarai (1821), Anh em kẻ cướp (1822).

    Nổi bật lên trong những trường ca này là dáng vóc của những còn người miền núi phóng khoáng, ngang tàng, không chịu bất cứ ràng buộc nào của pháp luật, cho ta thấy rõ thái độ phản kháng chế độ cai trị hiện hành.

    Về phương pháp sáng tác, lúc này Puskin đã giã từ chủ nghĩa cổ điển, chuyển sang chủ nghĩa lãng mạn, bước đầu khám phá ra chủ nghĩa hiện thực. Từ năm 1823 trở đi, do hoàn cảnh khách quan có nhiều biến động (phong trào cách mạng ở Tây Âu thất bại, nhiều tổ chức cách mạng ở miền Nam bị vỡ), thế giới quan lãng mạn của Puskin bị xáo trộn. Một lần nữa thi sĩ nhìn nhận lại thực tế một cách tỉnh táo hơn. Chủ nghĩa hiện thực đang hình thành trong sáng tác của ông, ông bắt tay vào những chương đầu tiểu thuyết thơ Épghênhi Ônhêghin.

    Tóm lại, bốn năm lưu đày ở phương Nam, Puskin đã trưởng thành rất nhiều về nhận thức xã hội, đi những bước dài qủa quyết trong phương pháp sáng tác.

    Một lần nữa Nga hoàng muốn kìm hãm sự phát triển của nhà thơ trẻ, tách ông ra khỏi nhóm bạn bè phương Nam và không khí cách mạng, đã xuống chiếu buộc Puskin rời phương Nam chói ngời sắc nắng đến phương Bắc lạnh lẽo. Rời phương Nam, Puskin viết bài thơ Gửi biển (1824) như một lời giã biệt ánh mặt trời chói lọi, biển Ôđétxa ngời xanh sóng biếc, giã biệt chủ nghĩa lãng mạn, tổng kết một thời vừa mới trôi qua.

    Hỡi thiên nhiên tự do, thôi từ biệt
    Trước mắt ta đây là bữa cuối cùng
    Người xô ngọn sóng xanh bát ngát
    Chói lên vẻ đẹp tráng hùng.
    (Thúy Toàn dịch)

    6. Phương Bắc - "mảnh đất cô đơn" (7)

    Tháng VIII/1824 Puskin bị phát vãng lên phương Bắc, chịu sự quản thúc gắt gao ở Mikhailốpxcôe (trang ấp của cha Puskin), tách biệt khỏi bạn bè, thân quyến. Ông gọi nơi đây là "mảnh đất cô đơn".

    Những năm tháng này bên cạnh nhà thơ chỉ có nhũ mẫu Arina Rôđiônốpna vừa thay tình mẫu tử, vừa là bạn tâm tình và độc giả duy nhất. Thời gian đầu Puskin cảm thấy thật nặng nề, cô đơn, bao lần muốn ngã lòng trước thực tại chua chát. Chính tình cảm âu yếm săn sóc của nhũ mẫu đã vỗ về nhà thơ rất nhiều. Chưa có ai trong số người thân được Puskin miêu tả một cách xúc động và sâu sắc như nhũ mẫu, ông trìu mến gọi bà là "Bạn thân thiết trong những ngày cơ cực, Nguồn mến thương nâng bước đời con", là "Bạn lòng tri kỷ, Những ngày thơ cơ hàn" (8) . Chẳng bao lâu, do gần gũi với thiên nhiên, tiếp xúc với nhân dân, và bằng bản lĩnh của mình, Puskin đã vượt qua sự khủng hoảng tinh thần để đứng cao hơn hoàn cảnh, để lại ngạo nghễ cất tiếng ca yêu đời:

    Nào nâng lên, cùng nhau ta chạm cốc
    Chúc Nàng Thơ và Trí tuệ muôn năm,
    Mặt trời thiêng, người hãy cháy bừng lên.
    (Tửu thần ca- Thúy Toàn dịch)

    Thời kỳ Mikhailốpxcôie đánh dấu phát triển tột bậc về tư tưởng và nghệ thuật của Puskin. Do có điều kiện tiếp xúc và quan sát, thâm nhập lối sống, sinh hoạt, tập tục, ngôn ngữ, tinh thần nhân dân nên Puskin đã xây dựng cho mình một quan điểm đúng đắn về vai trò của nhân dân trong tiến trình phát triển xã hội.

    Từ 1825 trở đi, nhà thơ đã từ bỏ chủ nghĩa lãng mạn, chuyển hẳn sang chủ nghĩa hiện thực. Nổi tiếng trong thời kỳ này là những bài thơ phong cảnh Nga, thơ tình yêu, thơ trữ tình chính trị: Buổi tối mùa đông (1825), Con đường mùa đông (1825), Nhũ mẫu (1826), Gửi K...(1825), Nhà tiên tri (1826)… Trong những bài thơ đó chủ đề ca ngợi vẻ đẹp gắn liền với chủ đề về cảm hứng sáng tạo:

    Trái tim lại rộn ràng náo nức
    Vì trái tim sống dậy đủ điều:
    Cả thiên thần , cả nguồn cm xúc,
    Cả đời, cả lệ, cả tình yêu.
    (Gửi K… - Thúy Toàn dịch)

    Cũng chính những năm này, cùng với sự trưởng thành trong nhận thức về hiện thực, Puskin đến với một thể loại mới - Bi kịch lịch sử: ông viết Bôrix Gôđunốp. Trong tác phẩm Puskin có một tầm nhìn khái quát về vai trò, số phận của nhân dân trong lịch sử, trong đó nhấn mạnh sự phát triển ý thức của họ. Có thể liên tưởng thấy sự gắn bó mật thiết của tác phẩm với thực tại nước Nga, với phong trào Cách mạng Tháng Chạp, nhận thấy sự mâu thuẫn và đối kháng của nhân dân với chế độ quân chủ chuyên chế. Vở kịch được đánh giá cao bởi tinh thần cải cách về cả đề tài lẫn thi pháp, mở ra một kiểu mẫu của kịch hiện thực Nga.

    Puskin sống những tháng ngày cuối cùng ở Mikhailốpxcôie thật nặng nề, hàng ngày hàng giờ đợi tin về cuộc Cách mạng Tháng Chạp (14/XII/1825) của bạn bè mình ở Pêtecbua. Cuộc nổi dậy mau chóng bị dập tắt. Cách mạng thoái trào. Bắt bớ, khủng bố khắp nơi. Nước Nga nghẹt thở và tang tóc. Puskin cô đơn lại càng thêm cô đơn, bất hạnh lại càng thêm bất hạnh:

    Giữa sa mạc u sầu tôi tha thẩn
    Lòng dày vò một khát vọng vô biên
    (Nhà tiên tri - Thúy Toàn dịch)

    Trước thực tại phũ phàng, đen tối, Puskin nghĩ nhiều đến sứ mệnh của nhà thơ, ý nghĩa của cuộc đời, của sáng tác. Giữa những ngày tháng đau thương ấy, ông càng cảm nhận sâu sắc trọng trách của người nghệ sĩ trước số phận nhân dân, trước vận mệnh tổ quốc. Ông nguyện:

    Năm châu bốn bể đi liền
    Mà đem lời nói đốt tim muôn người
    (Nhà tiên tri - Xuân Diệu dịch)
     
    Last edited by a moderator: 26/5/15
  3. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    7. Trở lại thủ đô sau 6 năm -"Tôi lại hát chính khí ca thủa trước" (9)

    Để xoa dịu dư luận, mua chuộc danh tiếng Puskin, Nga hoàng Nicôlai I đã cho phép nhà thơ trở về Mátxcva, chấm dứt cuộc lưu đày 6 năm ròng. Nhà vua muốn biến Puskin thành nhà thơ cung đình, chỉ viết thơ "thính phòng" ca ngợi ân sủng Thánh hoàng, chịu kiếp "Chim hoạ mi hót vang, Nhởn nhơ trong nô lệ".

    Nhưng chẳng bao lâu Nicôlai I hiểu ra rằng không thể nào mua chuộc được ngòi bút cũng như tâm hồn kiêu hãnh của thi sĩ vĩ đại. Trong cuộc đối mặt lần đầu tiên với Nga hoàng, Puskin ngang nhiên tuyên bố nếu có mặt tại Pêtebua ngày 14/XII, ông sẵn sàng đứng bên cạnh bạn bè trong một đội ngũ. Ông cũng nhanh chóng hiểu rằng "sự bao dung", được "tự do" theo kiểu Nicôlai I còn tệ hơn sự hà khắc, sự "mất tự do" của Alecxanđr I. Ông viết bài thơ Cây Ansa (1828) lên án tội ác của lũ bạo chúa dùng chất độc giết chết nhân dân:

    Đem chết chóc gieo ra ngoài bờ cõi
    Qua biên thùy sang các nước lân bang
    (Thúy Toàn dịch)

    Bài thơ là lời thách thức công khai chính quyền phản động đang đà đắc thắng, thể hiện khí phách kiên trung của con người chịu 6 năm lưu đày. Bất chấp thời thế, bất chấp kiểm duyệt, Puskin cho ra đời hàng loạt thi phẩm ca ngợi chiến công của những chiến sĩ Tháng Chạp, nhắn nhủ họ giữ lòng kiên trung bất khuất nơi tù đày, thể hiện niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng cuối cùng: Ariôn (1827), 19 tháng Mười năm 1827 (1827), Gửi tới Xibiri (1929):

    Hãy giữ vững lòng kiên trung kiêu hãnh
    Trong đáy sâu mỏ quặng Xibiri
    Trí cao xa và công trình thê thảm của các anh chẳng uổng phí mất gì…
    Bên cửa ra đón các anh vui sướng
    Bạn bè xưa gươm kiếm sẽ trao đưa.
    (Gửi tới Xibiri - Thúy Toàn dịch)

    Bài Ariôn (10) (1827) là bản tuyên ngôn lập trường chính trị và nghệ thuật trước sau như một của Puskin: sẽ mãi trung thành và đi tiếp con đường đã lựa chọn từ thủa trẻ tuổi. Ông ví mình như một "người ca xướng diệu huyền, được dông tố ném lên bờ thoát chết" trong khi cả thủy thủ đoàn bị chìm xuống đáy bể khơi, nhưng không hề sợ hãi, chùn bước, vẫn khẳng khái ca vang:

    Tôi lại hát chính khí ca thủa trước.
    (Ariôn - Thuý Toàn và Việt Thưng dịch)

    Giờ đây Puskin càng thấm thía những năm tháng lưu đày, đó là những ngày tháng cô đơn, cay đắng nhưng cũng rất đỗi thân thương, đáng trân trọng, những ngày tháng nuôi dưỡng, chắt lọc hồn thơ trở nên nhậy bén, đằm thắm.

    Sống những ngày tháng cuối đời ở thủ đô, - "cuộc đời nhố nhăng ồn ĩ, Làm tôi buồn, cô đơn và đau"(11) , nhà thơ còn nhớ mãi những dư âm khó phai mờ đó. Tâm tình ấy sẽ được ông gửi gắm trong bài Tôi lại về thăm (1835)

    8. Chặng đường cuối - "Ta đã dựng cho ta đài kỷ niệm" (12)

    Từ tháng V/1827 Puskin trở về Pêtecbua. Ra đi là một chàng trai trẻ háo hức, yêu đời, trở về sau 7 năm, đã là con người ưu tư trầm lặng.

    Hoàn cảnh khác xưa, bạn bè không còn như cũ, Puskin biết mình vẫn tiếp tục bị mất tự do. Bất chấp tất cả, ông vẫn viết đều tay.

    Thời gian này ông gặt hái thành công nhiều hơn trong lĩnh vực văn xuôi. Các tập truyện ngắn, những bài chính luận, phê bình… đánh dấu thắng lợi mới của một thủ pháp mới mẻ, trẻ trung cho nền văn xuôi hiện thực Nga.

    Các cốt truyện Tập truyện của ông đều được xây dựng từ cuộc sống hiện thực phong phú nhiều màu vẻ, được kể lại hết sức giản dị, trong sáng và hàm súc, lôi cuốn người đọc bởi phép phân tích tâm lý tinh tế. Đó sẽ là những đặc tính cơ bản của những nhà văn thế hệ sau theo "trường phái Puskin".

    Puskin tiếp tục viết thơ tình. Nổi tiếng nhất là các bài: Ngài và anh, cô và em (1828), Bông hoa nhỏ (1828), Tôi yêu em (1829), Trên đồi Gruzia đêm xuống (1829), Một chút tên tôi đối với nàng (1830) … Trong hầu hết những bài ấy, ta không còn nghe thấy tiếng thổn thức đau đớn, thất vọng và cuồng nhiệt ban xưa, mà thấy tràn ngập những nốt nhạc mênh mông buồn xa vắng, một nỗi buồn trong sáng dịu êm của một con tim đã qua rồi thời xao xuyến bồi hồi, giờ đang lắng đọng, chiêm nghiệm và nghĩ suy:

    Trên đồi Gruzia đêm xuống
    Aragra dòng cuộn dưới chân.
    Lòng tôi trong trẻo vô ngần,
    Nỗi buồn tràn ngập trăm lần tình em.
    (Trên đồi Gruzia đêm xuống - Tế Hanh dịch)

    Và :
    Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
    Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.
    (Tôi yêu em - Thúy Toàn dịch)

    [​IMG]

    Tuổi đời mới chớm 30 mà nhà thơ luôn cảm thấy phiền muộn, tâm tư xáo trộn. Buồn và cô đơn, giã biệt tuổi trẻ, nhà thơ viết bài Bi ca (1830) với một cảm nhận về số phận và tương lai "ảm đạm với ai hoài". Điểm lại những chặng đường đi qua, nhiều lúc nhà thơ cảm thấy trống trải, lo người đời sau không hiểu hết cho mình:

    Sau mỗi âm thanh náo động,
    Là trong bầu không gian trống rỗng,
    Đều sinh ra một tiếng vang.
    Riêng tiếng người không ai buồn vọng cả,
    Số phận người cũng thế, hỡi thi nhân
    (Tiếng vọng - Thúy Toàn dịch)

    Thời kỳ này Puskin chú ý nhiều đến bi kịch: Nàng tiên cá (1832), Những cảnh từ thời hiệp sĩ (1835). Ông đi khai thác những đề tài lịch sử nước Nga và những vấn đề có tính triết học: Đubrốpxki (1832), Người con gái viên đại uý (1833), Kị sĩ đồng (1833), Con đầm pích (1833)… Ông đặc biệt quan tâm và thích thú tính cách của Piốt Đại đế. Nhà thơ nhận định rằng thời đại của Piốt là một bước ngoặt có tính chất quyết định của lịch sử nước Nga. Ông có những nhận định hết sức đúng đắn về vị Hoàng đế chuyên quyền và vĩ đại.

    Giữa lúc Puskin dốc tâm vào công việc sáng tạo vĩ đại của mình thì chính quyền Nga hoàng và nhiều kẻ trong đám quý tộc cung đình hằn học tức tối, tìm mọi kế bôi nhọ và bức hại ông. Họ không thể tha thứ cho ông vì ông quá tài năng và quá kiêu hãnh.

    Mùa hè 1835 Puskin xin Nga hoàng cho ông từ chức "thiếu niên thị tòng" (một chức sắc đầy nhạo báng với lứa tuổi ngoài 30 của một danh nhân văn hoá), nhưng Nicôlai I không chuẩn y, tỏ ý hết sức không hài lòng. Nhiều lần nhà thơ xin vua cho lui về trang ấp Mikhailốpxcôie để được yên tĩnh sáng tạo, nhưng mãi đến 1835 ông mới được phép về 4 tháng. Tại đây ông đã viết bài thơ trứ danh Tôi lại về thăm (1835) như sự hồi tưởng và tổng kết toàn bộ những năm tháng lưu đày trong một tâm trạng u hoài, dằn vặt. Vẫn như xưa, ông lại mơ về "một bờ xa", "những cồn sóng khác" (ngụ ý phong trào cách mạng những năm 20). Bên cạnh những ký ức còn tươi rói, thấp thoáng trong bài thơ hình bóng của thế hệ độc giả tương lai:

    Chào các bạn, thế hệ trẻ chưa quen!
    Ta không được thấy buổi mai sung sức,
    Các bạn sẽ mỗi ngày lớn vọt
    Vượt qua đầu lứa bạn cũ quen ta
    Che khuất đi những đỉnh ngọn cây già
    Không cho khách qua lại trông thấy.
    Nhưng cháu ta, lòng tràn đầy sảng khoái,
    Từ cuộc vui nhà bạn có về qua,
    Hãy cho nó được nghe trong đêm tối
    Tiếng các bạn niềm nở reo ca
    Và qua đây nó sẽ nhớ tới ta.
    (Thúy Toàn dịch)

    [​IMG]

    Dường như nhà thơ không còn bi quan như những tháng ngày ông viết Bi ca nữa, ông tin rằng người đời sau sẽ đánh giá đúng về ông. Puskin đang đi dần đến cây số cuối của chặng đường đời đầy bất hạnh và vinh quang.

    Không lâu trước khi đón nhận cái chết bi thương, Puskin đã viết bài thơ bất hủ Đài kỷ niệm (1836) như một lời di chúc cho muôn vàn thế hệ mai sau, như lời ca thiên nga bi tráng và bất diệt. Nhà thơ hiểu rằng cuộc đời mình không uổng phí, sự nghiệp của mình sẽ sống mãi trong trái tim nhân loại:

    Ta đã dựng cho ta đài kỷ niệm
    Không bởi sức tay người! Đường tới viếng
    Cỏ không trùm dấu bước thế nhân,
    Cao hơn cả trụ thờ Alếcxanđrơ bởi cái đầu bất trị.

    Và nhân thế còn yêu ta mãi
    Vì đàn thơ ta thức tỉnh thân ái
    Vì trong thủa bạo tàn ta ca ngợi tự do
    Và gợi từ tâm với kẻ sa cơ.
    (Đài kỷ niệm - Thúy Toàn dịch)
     
    Last edited by a moderator: 26/5/15
  4. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    [​IMG]

    Nhà thơ đã gọi đúng tên của thời đại - thế kỷ bạo tàn. Trong thời đại ấy ông đã nguyện suốt đời là "ca sĩ của tự do". Tiếng hát tự do của con người một đời bị cầm tù vang lên mới khát khao, mãnh liệt làm sao, như một tượng đài tư tưởng bất diệt !

    Chính quyền Nga hoàng, bọn quý tộc chủ nô căm ghét và sợ hãi tiếng hát ấy, tìm trăm phương nghìn kế buộc nó tắt ngang lời. Họ khiêu khích nhà thơ, gửi những lá thư nặc danh bỉ ổi dọn đường cho cuộc quyết đấu của Puskin với tên Pháp lưu vong Đăngtex (13).

    Lecmôntốp - người tiếp bước Puskin trên thi đàn Nga, lớn tiếng buộc tội chính quyền Nga hoàng đầu độc và hãm hại Puskin, cho rằng không phải viên đạn của Đăngtex mà chính bầu không khí nghẹt thở của chế độ Alecxanđrơ và Nicolai giết chết nhà thơ.

    A. X. Puskin đã ra đi lúc 14 giờ 45 phút ngày 10.II.1837, khi chưa tròn 38 tuổi, giữa lúc "tràn đầy sức lực, còn chưa hát hết những bài ca, còn chưa nói hết những điều có thể nói" (Ghecxen).

    Mặt trời thi ca Nga vụt tắt. Cái chết của nhà thơ là sự mất mát lớn của văn học Nga. Với hơn hai mươi năm sáng tạo nghệ thuật, Puskin đã kịp dựng cho văn học Nga những cột mốc chính, lát nên một đại lộ thênh thang để văn học Nga bước vào kỷ nguyên hoàng kim rực rỡ nhất của mình. Cuộc đời ngắn ngủi của ông từ nay trở thành bất tử.

    Gorki nói: "Đối với các nhà nghiên cứu lịch sử văn học thì không có đề tài nào nhiều ý nghĩa và huyền diệu hơn là thân thế và sự nghiệp của Puskin"(14) - một sự nghiệp có những cột mốc trọng đại của lịch sử nước Nga và rực rỡ diện mạo văn học Nga.

    PUSKIN VÀ NHỮNG CỘT MỐC TRONG VĂN HỌC NGA

    1. Văn học Nga thời kỳ trước Puskin

    Văn học Nga từ khi mới hình thành (thế kỉ XI) cho đến thời đại Puskin sống (thế kỉ XIX) đã đi được một chặng đường dài, đạt được những thành tựu đáng kể về nội dung, nghệ thuật cũng như phương pháp sáng tác, song tầm vóc của nó vẫn chưa thể vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Là một nền văn học trẻ tuổi so với văn học các nước châu Âu khác, văn học Nga trong những bước đi ban đầu không khỏi không chịu ảnh hưởng về đề tài, thể loại, phương pháp sáng tác và tư tưởng triết học của văn học Pháp, Anh, Đức. Thời kỳ này, nói như lời của Bielinxki, thơ ca Nga chỉ là người học trò thông minh, nhanh nhẹn của nàng thơ Tây Âu.

    Dòng văn học dân gian và dòng văn học bác học chảy riêng biệt, ít có chỗ thấm vào nhau. Ngay đến ngôn ngữ dùng để sáng tác cũng là một thứ ngôn ngữ cổ khô cứng dùng để dịch Kinh Thánh. Đến cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX xu hướng đổi mới và phát triển văn học Nga ngày càng bộc lộ. Những quy phạm truyền thống có những triệu chứng rạn vỡ, những mầm mống thể nghiệm mới trên nền tảng tính dân tộc đang manh nha.

    Zucốpxki (1783 - 1852) trở thành "một Crixtốp Côlông văn học của nước Nga, đã phát hiện cho nước Nga châu Mỹ của chủ nghĩa lãng mạn trong thơ ca" (Bielinxki). Ông đã đem đến cho thi ca chất lãng mạn mới mẻ, trẻ trung, say đắm, tính âm nhạc của thể th ba-lát và bi ca, làm cho chúng thấm đẫm màu sắc dân gian Nga trên phông nền thiên nhiên, nghi lễ, tập quán dân tộc.

    Tuy nhiên nội dung và tư tưởng trong sáng tác của ông vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa tình cảm Đức, xa lánh những vấn đề của đời sống xã hội, chìm đắm trong mầu sắc thần bí, tôn giáo. Thơ ngụ ngôn của Crưlốp (1769 -1844) cũng vậy, mặc dù đã mang tính dân tộc rõ rệt, nhưng vẫn là sự mô phỏng La-phông-ten. Thơ ca của Bachiuxcốp (1787 - 1855) thể hiện niềm vui trần tục, tự do cá nhân, niềm tin vào tương lai của tổ quốc, nhưng chỉ phản ánh đời sống tinh thần của một thiểu số quý tộc có học thức, xa lạ với cuộc đấu tranh xã hội.

    Puskin là người tiếp thu những mầm mống đổi mới của các bậc đàn anh, cải cách văn học và ngôn ngữ Nga một cách toàn diện.

    2. Puskin - nhà cải cách vĩ đại của văn học Nga

    Dường như lịch sử nước Nga đã lựa chọn để trao cho Puskin một sứ mệnh thiêng liêng vĩ đại: Tổng kết sự phát triển của toàn bộ văn học Nga trải qua 8 thế kỉ, đồng thời khai phá những đỉnh cao chói ngời nhất, đưa văn học Nga lên một trong những vị trí hàng đầu của văn học nhân loại.

    Tám thế kỉ danh tiếng văn học Nga chưa vượt ra khỏi phạm vi quốc gia; chỉ với Puskin, văn học Nga mới bừng dậy, trở thành những trang vàng rực rỡ nhất của văn học thế giới, làm cho các châu lục phải ngoái nhìn kinh ngạc, thán phục và mến yêu.

    Với cuộc đời sóng gió và ngắn ngủi, Puskin đã kịp làm cho nước Nga biết bao kỳ tích. Bằng những bước tiến nhanh chóng lạ thường ông đã thắng dây cương cho cỗ xe tam mã Nga phi những nước đại đáng kinh ngạc: Chỉ trong hai chục năm ông đã khai phá những con đường nghệ thuật mới mẻ mà ở các nước khác người ta phi đi hàng trăm năm, ông đã cách tân hàng loạt thể loại và đề tài văn học mà sức lực của nhiều người, nhiều thời gian cộng lại không dễ gì làm nổi.

    Con người Nga vĩ đại ấy bắt đầu sự nghiệp bằng cách vượt nhanh qua giai đoạn chủ nghĩa cổ điển (năm ông mới 18 tuổi), để đến với chủ nghĩa lãng mạn (năm 21 tuổi) và khai phá ra chủ nghĩa hiện thực (năm 26 tuổi).

    Với sự phát hiện vào năm 1820 và chính thức đặt nền móng vào năm 1825 cho chủ nghĩa hiện thực, Puskin đã trở thành ngôi sao mai hiếm hoi trên bầu trời Âu châu lúc đó. (ở các nước Tây Âu khuynh hướng này được hình thành muộn hơn, phải đến những năm 1830, trong các tác phẩm của Banzac, Xtăngđan, Đickinx…)

    Sáng tác của Puskin đã khi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ khuynh hướng bao quát hiện thực xã hội rộng lớn với nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, thể hiện nhiều vấn đề mang tính thời đại, đi sâu vào những ngõ ngách khuất kín, phức tạp của tâm lý con người mà sau này L. Tônxtôi, Ph. Đôxtôiepxki sẽ phát triển thành "phép biện chứng tâm hồn".

    Với Puskin, lần đầu tiên văn học Nga thể hiện trung thực và đầy đủ, sinh động thế giới tinh thần Nga, tính cách Nga, thiên nhiên Nga, ngôn ngữ Nga. Ông yêu thích những nhân vật lãng mạn có lý tưởng, có kích thước cao rộng, có chiều sâu tâm hồn của Bairn, nhưng luôn đặt chúng trong tầm vóc con người bình thường của hiện thực Nga đương thời.

    Về phương diện đổi mới, trong văn học thế giới hiếm có thiên tài nào như Puskin đem lại nhiều cách tân đến thế trong mọi lĩnh vực: Thơ trữ tình, trường ca, truyện kể dân gian, bi kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, văn chính luận, ngôn từ sáng tác, đề tài văn học…

    Lịch sử Nga sẽ mãi mãi ghi công người sáng tạo nên ngôn ngữ Nga văn học hiện đại, một thứ ngôn ngữ thoát khỏi sự vay mượn, những hình thức khoa trương, trống rỗng, một ngôn ngữ trong sáng, giản dị, sinh động, thuần khiết hơi thở Nga, tâm hồn Nga.

    Puskin sớm nhận thấy tính giả tạo, không tự nhiên của ngôn ngữ xa-lông quý tộc thượng lưu pha tạp Nga - Pháp đầy bay bướm, cầu kỳ, kiểu cách, xa lạ với tiếng nói của nhân dân.

    Viện sĩ Vinôgrađốp nhận định: "Quan điểm của Puskin trong cuộc đấu tranh giữa tiếng Pháp và tiếng Nga - Xlav là một quan điểm thiên tài. Đồng thời với việc tác động củng cố các hình thái tư duy kiểu châu Âu, Puskin đã vượt qua sự hạn chế trong ngôn từ của tầng lớp quý phái làm cho ngôn ngữ văn học gắn bó với văn phong sinh hoạt dân tộc" (15) .

    Theo lời Bielinxki, thơ ca Nga trước thời kỳ Puskin sáng tác là "một thứ cây được bứng từ nơi khác, chứ không phải là giống cây bản địa"(16) , thứ cây chỉ có cành lá mà không có gốc rễ và tư tưởng. Puskin đã đem đến cho nó cội rễ và tư tưởng, tinh thần và khí chất Nga, biến nó thành thứ cây bản địa. Trước Puskin, nhiều ý kiến cho rằng thi ca Nga chỉ có thể viết bằng loại ngôn ngữ Xlavian (ngôn ngữ dùng để dịch Kinh Thánh). Puskin chứng minh khác hẳn: Thơ ca Nga có thể và cần phải dệt bằng ngôn ngữ nói thường ngày hết sức sống động, giản dị, trong sáng và hàm súc của nhân dân. Tiếp thu những tinh hoa văn học truyền thống, Puskin nhìn thấy tương lai sáng sủa của việc kết hợp tiếng Nga văn học với từ ngữ bình dân. Ông đã hoà quện tuyệt vời hai dòng văn học vốn tồn tại tách bạch hàng bao thế kỉ nay ở Nga là văn học dân gian và văn chương bác học, xóa đi khoảng cách giữa "ngôn ngữ cao quý" và "ngôn ngữ thấp kém" như cách người ta phân chia lúc ấy.

    Ông nhận ra cái đẹp ở ngay trong những cái bình thường, cái "cao quý" ngay trong cái vẫn bị coi là "thấp kém". Trong thơ ông có bông hoa ép bị lãng quên, có tiếng hót của con chim sơn tước, có bầu trời "thoang thoảng hơi thu", có "con đường mùa đông" tuyết phủ trắng một nỗi buồn da diết khắc khoải, lại có cả những gì rất đỗi bình dị thân thương như túp lều tranh, đống rạ, tấm lưới dân chài…

    Thơ ông diễn tả những tâm tình sâu thẳm của trái tim đơn côi, nỗi quyến luyến một dáng hình, khoảnh khắc, lại cũng thể hiện chủ nghĩa ái quốc sâu thẳm nhất và tinh thần phản kháng chế độ nông nô chuyên chế gay gắt chưa từng thấy. Ngay từ lúc còn là cậu học sinh Lixê 15 tuổi, Puskin đã thể hiện rõ xu hướng thiên về đời sống tự nhiên, ca ngợi vẻ đẹp đồng nội tràn đầy sức sống của bông bách hợp, đặt nó trong sự tương phản với bông hồng quý tộc đài các dễ tàn úa.

    Bielinxki nhận xét rằng hơi thở của Puskin vô cùng độc đáo, thơ của ông xa lạ với tất cả những gì gọi là ảo tưởng, nó tràn ngập hiện thực, nó không rắc phấn hồng, phấn trắng lên cuộc sống mà miêu tả cuộc sống trong vẻ đẹp tự nhiên chân thật của nó, "trong thơ ca của Puskin có bầu trời, nhưng bầu trời bao giờ cũng hoà vào trái đất."

    Đến cuối thế kỉ XVIII văn xuôi Nga còn là mảnh đất hoang sơ chưa được khai phá. Trong văn học phương Tây khi chủ nghĩa hiện thực ra đời thì đã có một nền văn xuôi vững chắc, còn chủ nghĩa hiện thực Nga ra đời lại phải đứng trước một nhiệm vụ phát triển toàn diện các thể loại.

    Văn học Nga trước đó chủ yếu là thể loại thơ, Puskin làm phong phú và cân đối nó khi phát triển văn xuôi nghệ thuật. Đến với thơ ca, dẫu sao Puskin đã có những bậc thầy dìu dắt, còn trên lĩnh vực mới mẻ này ông phải tự mình khai phá những bước đi gần như đầu tiên.

    Ông được coi là người đặt những viên đá tảng cho nền móng mới mẻ và vững chắc của thể loại. Là một nghệ sĩ nhậy bén với thời cuộc, ông nhận ngay ra sự cấp thiết và thích hợp của thể loại trong việc phủ nhận cuộc sống muôn màu muôn vẻ đang diễn ra mỗi ngày xung quanh ông. Ông đã xây nên "yếu tố thứ nhất của văn học" - ngôn ngữ, làm cho ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật trở nên mới mẻ, phong phú, sinh động, chính xác, linh hoạt, thoát khỏi ảnh hưởng của tiếng Xlavian cổ, những từ ngữ vay mượn nước ngoài.

    Các nhà văn tình cảm trước Puskin thường không "nói" mà "hát" bằng một thứ văn xuôi đầy những tu từ hoán dụ, ẩn dụ, điệp ngữ và cảm thán, thứ văn xuôi êm dịu, kiểu cách của phòng khách quý tộc.

    Trong văn xuôi của mình Puskin không "hát" mà "nói" bằng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn, thể hiện rõ tư tưởng. Gorki nhận định: "Puskin đã đặt nền móng cho văn xuôi Nga hiện đại, mạnh dạn đưa vào văn học những đề tài mới và trong khi giải thoát nền văn học ra khỏi ảnh hưởng của tiếng Pháp, Đức, đồng thời cũng giải thoát nền văn học ra khỏi chủ nghĩa duy cảm nhạt nhẽo mà những tác giả trước Puskin đều mắc phải. Ngoài ra Puskin cũng là người đặt nền tảng cho sự hoà hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, sự hoà hợp cho đến nay vẫn là đặc trưng tiêu biểu của nền văn học Nga, làm nó có một âm hưởng riêng, một diện mạo riêng." (17)

    Truyện ngắn của Puskin được coi là khởi đầu của văn xuôi hiện thực Nga. Gôgôn đánh giá rất cao "sự trong sáng hồn nhiên, không chút tiểu xảo" của các tác phẩm Puskin. L. Tônxtôi hết sức thán phục cách kể chuyện gọn ghẽ, không có chi tiết thừa, giọng kể tự nhiên, giản dị, trong sáng của Puskin. Ngay từ bước đi ban đầu, truyện ngắn của Puskin dường như đã giải quyết xong nhiều vấn đề cơ bản của thể loại: chính xác, giản dị, ngắn gọn mà hàm súc tư tưởng - những gì mà sau này "bậc thầy truyện ngắn".

    Tsêkhôp sẽ kế thừa và hoàn tất mỹ mãn. Các truyện ngắn Người quản trạm, Đubrốpxki, Phát súng, Cô tiểu thư nông dân, Bão tuyết, Ông chủ hiệu đám ma và nhất là Con đầm pích thật sự là trở thành những mẫu mực của công thức "nội dung lớn trong hình thức nhỏ", trong đó những khám phá tâm lý nhân vật đã chuẩn bị cho nghệ thuật phân tích tâm lý sâu sắc của Lecmôntốp và cho "phép biện chứng tâm hồn" của L. Tônxtôi.

    Trong tiểu thuyết lịch sử Người con gái viên đại úy,dòng đời và dòng lịch sử chảy hoà vào nhau một cách tự nhiên, mạch truyện linh hoạt và liên tục, đậm đà phong cách dân gian. Với quan điểm lịch sử và nhân dân đúng đắn, Puskin đã xây dựng nên hình ảnh đầy chất hiện thực và huyền thoại về người anh hùng áo vải Êmiliên Pugatsốp, vừa bình dị hoà đồng như đứa con đẻ của nhân dân, vừa hào hùng khí phách như tráng sĩ Nga trong truyện cổ.

    [​IMG]

    Chặng đường viết văn xuôi xen kẽ với sáng tác thơ ca của Puskin chưa đầy 10 năm, di sản của ông tuy không đồ sộ, nhưng đã đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển của văn chương tự sự Nga, khai thông cho những đỉnh cao sau này của thể loại.

    Đến với sân khấu Nga thế kỷ XIX, Puskin cũng thực hiện một cuộc cách mạng, góp phần đưa kịch Nga vươn lên đỉnh cao của văn học nhân loại. Ông đã phát hiện và đưa vào tác phẩm của mình kịch tính của hiện thực châu Âu thế kỉ XIX. Sáng tác vở bi kịch Bôrix Gôđunốp bất hủ, Puskin tự bản thân nhận thức rằng mình đã đem đến thành công trong cuộc cải cách kịch trường Nga và châu Âu. Ông phát hiện ra và lý giải mối liên hệ giữa kịch tính trong tâm hồn con người với kịch tính của thời đại và số phận nhân dân.

    Puskin cắm những cột mốc lớn không chỉ cho các thể loại văn học mà còn cho hàng loạt đề tài mang nội dung hiện thực và nhân bản sâu sắc. Nhiều hình tượng nhân vật của ông trở thành bất hủ, được đưa vào danh sách văn học nhân loại nhờ tầm vóc triết học lớn lao xuyên suốt nhiều thế kỷ.

    Trước Puskin "con người nhỏ bé" đã có mặt trên trang văn học Nga, nhưng đó là những con người được nhìn từ cặp mắt thương hại, thái độ quan tâm hời hợt của kẻ bề trên ban ơn xuống, hoặc được rắc phấn hồng che đi ranh giới, mâu thuẫn với những kẻ quyền quý cao sang.

    Puskin đã thực sự đưa ra được hình tượng hết sức chân thực về "con người nhỏ bé" với một thái độ trân trọng, đồng cảm. Trong thi ca Nga trước Puskin chưa từng có ai trìu mến gọi người đàn bà xuất thân từ tầng lớp nông nô là "bạn thân thiết", "con bồ câu già", "mẹ" như Puskin. Và trong thơ ca thế giới xưa nay hiếm thấy những bài thơ đầy ắp ân tình, đằm thắm, chân thành và bình đẳng như những bài thơ viết về người vú nuôi trong Buổi tối mùa đông, Gửi nhũ mẫu, Tôi lại về thăm…

    Trong truyện ngắn Người quản trạm Puskin chân thành chia sẻ công việc, ước mơ, cảm thương sâu sắc cho những số phận nghiệt ngã của con người thuộc tầng lớp dưới, thể hiện lòng căm giận những bất công ngang trái ở đời.

    Hình tượng Con người thừa là đóng góp đáng kể của Puskin cho văn học Nga và thế giới. Với hình tượng này nhà thơ đã vẽ nên chân dung chân thực, sống động của một lớp thanh niên thời đại - một kiểu sản phẩm tất yếu của điều kiện xã hội lúc bấy giờ, dự báo những tính cách mới sẽ phát triển.

    Sự nghiệp vĩ đại của Puskin chính là niên biểu của nền văn học Nga. Ông đã nhanh chóng hoàn tất vẻ vang sứ mệnh của người đặt nền móng, cắm các cột mốc cho đại lộ văn học Nga. Gôgôn - môn đệ xuất sắc nhất của trường phái Puskin, phát biểu: "Puskin là một hiện tượng đặc biệt, có thể nói, duy nhất của tinh thần Nga: đó là người Nga trong sự phát triển của nó, con người, trong mức độ mà có thể, phải trải qua hai trăm năm sau mới xuất hiện. Trong ông, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga, tính cách Nga, được phản ánh thuần khiết đẹp tới mức giống như cảnh vật được soi trên mặt kính phóng đại." (18)

    Nguồn gốc của mọi nguồn gốc

    Puskin là "nguồn gốc của mọi nguồn gốc" (Gorki). Tất cả những nhà văn vĩ đại về sau đều ngưỡng mộ và chịu ơn ông. Thật thế, trường phái tự nhiên của Gôgôn, Nàng Thơ trữ tình và xu hướng tâm lý của Lecmôntốp, thế giới thi ca triết lý của Chutsép, trường phái hiện thực của Necraxốp, Tônxtôi, Đôxtôiepxki… đều bắt nguồn từ con sông lớn Puskin. Con sông đó chảy đến ngã ba ngã bảy chia ra thành nhiều lưu nhánh với dòng chảy đặc trưng của mình, nhưng chúng không bao giờ để mất hút dấu vết đầu nguồn.

    Gorki viết: "Không có Puskin, thì trong một thời gian rất dài sẽ không có Gôgôn, L.Tônxtôi, Tuốcghênhép, Đôxtôiepxki. Tất cả những con người vĩ đại này của nước Nga đều công nhận Puskin là bậc thủy tổ tinh thần của mình." (19) Tinh thần và trí tuệ chói sáng của nhà thơ đã mở đầu cho thời kỳ hoàng kim trong văn học Nga và rọi sáng đường đi cho nhiều lớp người kiệt xuất trên đất Nga.

    Gôgôn kế tục xuất sắc đề tài "con người nhỏ bé" trong Chiếc áo khoác, phát triển hình tượng "con người thừa" trong Những linh hồn chết, tiếp nối kiểu con người tư sản mới xuất hiện ở Nga cùng với những đặc tính của nó trong Bức chân dung, Những linh hồn chết. L. Tônxtôi tiếp tục câu chuyện về Tachiana nhưng với một kiểu xung đột khác, cách giải quyết khác trong Anna Carênhina. Raxcônnhicôp của Đôxtôiepxki là sự kế thừa Ghécman trong Con đầm pich và Xalêri trong Moza và Xalêri. Alêcxây Tônxtôi nhờ sự trợ giúp rất nhiều của Puskin trong Người kị sĩ đồng, Người da đen của Pi-e Đại đế để xây dựng bộ tiểu thuyết lịch sử hoành tráng Pie Đại đế. Quan điểm đúng đắn và mới mẻ về vai trò của nhân dân trong lịch sử trong Người con gái viên đại úy, Bôrix Gôđunôp đã mở đường cho thiên anh hùng ca bất hủ Tarax Bunba của Gôgôn và Chiến tranh và hoà bình của L. Tônxtôi. Blôc gọi Puskin là "tình yêu đầu tiên" của mình, là "cánh cửa mở ra sự khởi đầu và kết thúc trong sự chuyển động của tâm hồn"

    Thiên tài của Puskin tỏa sáng khắp các châu lục. Sáng tác của ông được dịch ra hàng trăm thứ tiếng và mỗi năm ông lại có thêm nhiều độc giả mới. Puskin được coi là một trong những nhà văn hiện thực đầu tiên ở châu Âu và trên thế giới. Ông không chỉ thuộc về nhân dân Nga mà đã trở thành một trong những thiên tài của thế giới.

    Nhà thơ Chi-lê Pablo Neruđa trân trọng gọi Puskin là "người anh cả của thơ ca và tự do", là "ngọn nến của tất cả các dân tộc trên toàn thế giới" (20). Vinh quang của Puskin sẽ tiếp tục tỏa sáng, bởi vì "Puskin thuộc về hiện tượng vĩnh viễn sống, vĩnh viễn vận động không ngừng" (Belinxki)

    CHÚ GIẢI

    1- "Dòng máu xanh" - cách gọi của giới thượng lưu Nga về dòng dõi và địa vị cao sang của mình.
    2- "Chim họa mi hót vang…" - trích bài thơ Bên đóa hồng kiêu kỳ (1824) - Trong cuốn Alexandr Puskin - tuyển tập tác phẩm, tập 3, Nxb Văn học, 1999.
    (Tất c các trích đoạn th trong bài viết này đều lấy từ cuốn sách trên)
    3- "Năm châu bốn bể…" - Trích bài Nhà tiên tri
    4- Năm 1812 - Năm nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của thống soái Cutudốp đã đánh tan hơn 60 vạn quân Napôlêông, giải phóng đất nước và một phần lớn châu Âu.
    5- Phong trào Cách mạng Tháng Chạp - Phong trào cách mạng đầu tiên ở Nga do những nhà quý tộc tiến bộ lãnh đạo kéo dài trong 10 năm (1816 -1825). Ngày 14/ 12/ 1825 nhân ngày lễ đăng quang của Nicôlai I, các nhà cách mạng ở Pêtécbua và ở một số thành phố đã phát động cuộc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa bị Nga hoàng dìm trong bể máu. Năm nhà lãnh đạo bị xử tử, nhiều người khác bị đày đi Xibiri. Người ta gọi họ là những người Cách mạng Tháng Chạp. Sự nghiệp của họ được Lê nin đánh giá cao.
    6- "Nơi tuổi trẻ chóng tàn…"- Lời bài thơ Ánh mặt trời ban ngày đã tắt (1820)
    7- "Mảnh đất cô đơn" - Lời bài thơ Tôi lại về thăm (1835).
    8- "Bạn thân thiết…" - Lời bài thơ Nhũ mẫu (1826) và Buổi tối mùa đông (1825)
    9- "Tôi lại hát chính khí ca…" - Lời bài thơ Ariôn (1827)
    10- Ariôn - Theo truyền thuyết, Ariôn là thi sĩ và nhạc sĩ Hy lạp nổi tiếng (thế kỉ VII tr.CN) trong một chuyến đi biển ông bị bọn cướp biển bắt và định giết. Ariôn xin được hát một bài trước khi chết. Nhà thơ choàng tấm áo kipha (áo của thi sĩ , nghệ nhân) cất lời hát bài chính khí ca của mình, dứt lời nhảy xuống biển, nhưng được một con cá heo cứu thoát.
    11- "Cuộc đời nhố nhăng…" - Lời bài thơ 26 tháng năm 1828.
    12- "Ta đã dựng cho ta…" - Lời bài thơ Đài kỷ niệm (1836).
    13- Tên Pháp lưu vong Đăngtex - tên quý tộc người Pháp sống lưu vong ở Nga, con nuôi của đại sứ Hà Lan Heckeren. Đăngtéc là kẻ ăn chơi trác táng, hay quyến rũ những người phụ nữ đẹp. Say mê vợ của Puskin, hắn cùng cha nuôi và bè lũ quý tộc ăn không ngồi rồi vạch kế hoạch từng bước để đầu độc cuộc sống lứa đôi của Puskin, buộc Puskin phải thách đấu súng để bảo vệ thanh danh gia đình.
    14- "Đối với các nhà nghiên cứu…"- Trích bài Về Puskin ( M. Gorki), trong tập Alecxandrơ Puskin - Tuyển tập tác phẩm, tập 5, Nxb Văn học, 1999, tr. 342.
    15- "Quan điểm của Puskin" - Dẫn theo Phùng Trọng Toản, Sđd, tr.63.
    16- "Một thứ cây…" - Trích từ Sáng tác của A.X. Puskin (Belinxki), sđd, tr.313
    17- "Puskin đã đặt nền móng…" -Trích từ bài Về Puskin (M.Gorki), sđd. Tr. 340.
    18- "Puskin là một hiện tượng…" -Trích từ Đôi lời về Puskin (Gôgôn), sđd, tr. 283
    19- "Không có Puskin…" - Trích từ bài Về Puskin (M.Gorki), sđd, tr.339
    20- "Người anh cả…" - Trong bài Anh là anh cả của thơ ca và tự do (P.Neruđa), sđd, tr.417
     
    Last edited by a moderator: 26/5/15
  5. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    [​IMG]

    NIÊN BIỂU

    về cuộc đời và sáng tác của A.X.Puskin

    1799 - Ngày 6.VI (lịch cũ: ngày 26.V) sinh ra tại Matxcva.
    1811 - Học trường Litxê tại Pêtecbua.
    1814 - Gửi bạn thơ - tác phẩm đầu tiên được đăng báo.
    1815 - Viết Ký ức Hoàng thôn - bài thơ sau đó được đọc trong buổi lễ ra trường.
    1817 - Tốt nghiệp trường Litxê
    - Làm việc ở Bộ Ngoại giao tại Petecbua, sống cùng gia đình.
    - Viết bài thơ Tự do và một số bài thơ lưu hành bí mật.
    1820 - Trường ca Ruxlan và Luitmila.
    - Nga hoàng Alếcxanđrơ I đày đi phương Nam, ngày 6.V rời Petecbua, có lão bộc Nikita Côzlốp đi theo.
    - Tháng IX đến Kisinhốp, làm việc trong văn phòng tướng Indốp.
    1821 - Trường ca Người tù Capcaz, Lệ đài Bakhchixarai.
    1822 - Trường ca Anh em kẻ cướp.
    1823 - Bắt đầu viết Épghênhi Ônhêghin.
    - Tháng VI thuyên chuyển đến Ôđétxa, làm việc ở văn phòng bá tước Vôrônxốp.
    1824 - Tháng VII bị cách chức, tháng VIII bị phát vãng về phương Bắc, sống ở làng Mikhailốpxcôie thuộc tỉnh Pxcốp, sống cùng nhũ mẫu Arina Rôđiônốpna dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương.
    -Trường ca Đoàn người Zigan, bài thơ Gửi biển.
    1825 - Bi kịch lịch sử Bôrix Gôđunốp, bài thơ Buổi tối mùa đông, Con đường mùa đông, Gửi K…
    -Nhận tin dữ về thất bại của cuộc Cách mạng Tháng Chạp (14.XII)
    1826 - Đến Matxcva gặp Nga hoàng Nicôlai I tại Cremli.
    - Các bài thơ Nhũ mẫu, Nhà tiên tri.
    1827 - Tháng V về Petecbua.
    - Bài thơ Ariôn, truyện Người da đen của vua Piốt Đại Đế.
    1828 - Arina Rôđiônốpna mất.
    - Trường ca Pôntava, bài thơ Cây Antsa.
    1829 - Tháng V đi Capcaz, tháng VIII quay về.
    - Bài thơ Trên đồi Gruzia đêm xuống, Tôi yêu em.
    1830 - Ba tháng mùa thu ở làng Bônđinô.
    - Hoàn thành Épghênhi Ônhêghin, Tập truyện của ông Benkin.
    - Những bi kịch nhỏ, Lũ quỷ.
    1831 - Tháng II cưới Natalia Gôntsarôva tại Matxcơva.
    - Tháng V về sống ở Hoàng Thôn.
    - Tháng X về Petecbua, làm việc ở Bộ Ngoại giao.
    1832 - Đubrôpxki.
    1833 - Đi Uran thu thập tài liệu về cuộc khởi nghĩa Pugatsôp.
    - Trường ca Người kị sĩ đồng, truyện ngắn Con đầm pich, bài thơ Mùa thu.
    1834 - Nhận chức "thiếu niên thị tòng".
    1835 - Về Mikhailôpxcôie 4 tháng. Bài thơ Tôi lại về thăm.
    1836 -Truyện Người con gái viên đại úy. Phát hành tạp chí Người cùng thời.
    - Mẹ mất, chôn tại tu viện Xviatôgo gần làng Mikhailốpxcôie.
    1837 - Ngày 8.II : quyết đấu với Đăngtex. Ngày 10.II (lịch cũ: 29.I) 14 giờ 45 phút, nhà thơ qua đời. Thi hài chôn cạnh mộ mẹ.


    PUSKIN TRONG ĐỜI THƯỜNG
    V.VÊRÊXAEP

    Lời người dịch: "Puskin trong đời thường" là tên gọi cuốn sách của nhà văn Nga Vikenti Vêrêxaep, biết từ những năm 1927 - 1928, chỉ tính đến năm 1984 đã tái bản 8 lần. Về đại thi hào Puskin người ta đã viết không biết bao nhiêu cuốn sách, vậy mà cuốn sách của Vikenti Vêrêxaep vẫn không ngập chìm trong cái núi tư liệu ấy, vẫn hấp dẫn từ các học giả bạc đầu uyên thâm đến mỗi cô cậu học trò mê thơ Puskin. Bí quyết thành công có lẽ chính ở chỗ ông không "nói hộ" Puskin mà để cho các dòng chữ của những người đã từng cùng sống và từng trực tiếp được thấy và nghe Nhà thơ, tự nói lên tất cả.

    Matxcva đón chào ngày sinh của nhà thơ tương lai bằng những hồi chuông lễ ngân dài. Thật ra, pháo hoa chúc mừng không phải là dành cho cậu bé mới sinh Alexanđrơ Puskin, mà là - ngày 26/V/1799 tin tức về sự ra đời cháu gái Maria của Nga hoàng Paven đã bay tới thủ đô thứ hai. Song lịch sử theo cách riêng của mình ghi nhận những sự kiện trọng đại: Tại Matxcơva, ở nước Nga xuất hiện một con người vĩ đại vô song.
    V.Vêrêxaep
    (Trích lời nói đầu cuốn "Puskin trong đời thường")


    Puskin (Alexanđrơ), 13 tuổi. Có năng khiếu hào hoa nhiều hơn là khả năng chắc chắn, một trí năng thiên về bồng bột và tinh tế hơn là sâu sắc. Nết chăm chỉ trong học tập chỉ ở mức trung bình, bởi lẽ đức cần cù còn chưa trở thành phẩm hạnh của em. Kiến thức của em nói chung hời hợt, tuy đã bắt đầu quen với nếp tư duy có căn bản. Một số đặc điểm: tính hay tự ái, hiếu thắng, tâm hồn nhạy cảm, nhiệt thành, bộc trực, vô tư và đặc biệt là lắm lời, dẫu khá sắc sảo.

    Tuy nhiên, em rõ ràng tốt bụng, tự biết mình có nhiều nhược điểm, luôn sẵn sàng nghe theo lời khuyên bảo, nên đã có một số tiến bộ. Thói lắm lời và óc sắc sảo của em đã bắt đầu có chiều hướng mới tốt hơn cùng với sự thay nếp tư duy, nhưng trong tính cách của em nói chung còn khí ít sự kiên định. M.C.Piletxki
    "Quản giáo trường nội trú về học tập và hạnh kiểm"

    Puskin đọc vô cùng hào hứng. Tôi lắng nghe những vần thơ quen thuộc mà xúc động đến sởn da gà. Khi Trưởng lão thi đàn nước ta G.Dezavin, mắt đẫm lệ vì hân hoan, đứng dậy ôm hôn tác giả và làm dấu thánh trên mái tóc xoăn tít, thì tất cả chúng tôi đều lặng đi bởi một xúc cảm khôn tả. Rồi chúng tôi cũng định ôm chầm lấy chàng thi sĩ của mình nhưng không thấy cậu ta đâu nữa; Puskin đã biến mất từ lúc nào.
    Ghi chép của Ivan Pusin (bạn cùng trường Litxê)


    "Thầy chiến bại tặng trò chiến thắng nhân một ngày trang trọng khi anh hoàn thành bản trường ca Puxlan và Liutmila, năm 1820, tháng Ba, ngày 26, thứ sáu vĩ đại."
    Lời đề tặng Puskin ghi trên tấm chân dung của V.A.Zucốpxki -
    (người chủ xướng phái lãng mạn trong văn học Nga)

    Vào một ngày đẹp trời nọ, quan cảnh sát trưởng mời Pusin đến trình diện bá tước Milôrađôvich - Tổng trấn kinh thành Petecbua thời đó. Người ta vừa mới đưa Puskin tới thì Milôrađôvich lệnh cho cảnh sát trưởng lập tức đến tư gia của Nhà thơ và niêm phong mọi giấy tờ. Nghe thấy lệnh ấy, Puskin nói với Tổng trấn: "Thưa bá tước, ngài chỉ hoài công thôi, vì sẽ chẳng tìm thấy ở đó những gì ngài cần đâu. Tốt hơn hết, xin ngài lệnh đem cho tôi giấy bút, tôi sẽ viết ra tất cả ngay tại đây". Milôrađôvich thực sự cảm kích trước sự bộc trực phóng khoáng như vậy, liền long trọng… bắt tay Nhà thơ. Puskin ngồi vào bàn và viết lại tất cả những bài thơ lưu hành bí mật của mình.
    Ghi chép của Ivan Pusin.

    [​IMG]

    Ngẫu nhiên được biết về hình phạt nghiêm khắc sắp giáng xuống đầu Nhà thơ, Tsađaiep giữa đêm hôm phóng ngựa tới gặp N.M.Caramzin, khiến ông ta hơi sửng sốt trước cuộc viếng thăm khuya khoắt như vậy. Tsađaiep đã thuyết phục được nhà sử gia tạm gác công trình lại và tức tốc đến bệ kiến Hoàng đế Alexanđrơ I đặng cầu xin cho Puskin.
    Hồi ký về Tsađaep của D.N. Xvecbeep

    Puskin đã được ân xá và được phép đến bán đảo Crưm. Tôi đứng ra cầu xin cho anh ta vì lòng trắc ẩn đối với tài năng và tuổi trẻ: may ra anh ta sẽ trở nên chín chắn hơn, chí ít là trong hai năm như đã hứa với tôi.
    N.M.Caramzin (nhà văn-sử gia, có uy tín với Alexanđrơ I)
    Thư gửi I.I.Dmitriep ngày 7/VI/1820

    Puskin yêu thích cưỡi ngựa; có những ngày ông hầu như không rời khỏi mình ngựa (…) Ông thường ăn vận khá độc đáo: khi thì mặc kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, ống quần rộng thùng thình, chân đi dép, đầu đội mũ nan rộng vành, miệng ngậm tẩu, khi lại mặc như người Hy lạp, hay như dân Zigan v.v… Trong lúc dạo chi khắp phố phường vào các ngày lễ, hễ bắt gặp những đoàn người Mônđavia hát múa là nhà thơ liền nhập bọn, không hề tỏ ra ngượng ngịu trước đám đông tò mò xúm quanh, chỉ cốt "xem Puskin".
    Theo lời kể của các bô lão thành Kisinhôp

    Chiếc nhẫn vàng của Puskin, mặt hồng ngọc bát giác chạm trổ, trên khắc dòng chữ Do thái: "Ximkha, con trai thầy tu Ioxif tôn kính, cầu cho vong linh Người được bằng an". Chiếc nhẫn của nữ công tước Vôrônxôva tặng Puskin (vì thế mà đã cảm tác bài thơ Lá bùa hộ mệnh). Puskin luôn đeo trên tay, trong giây phút hấp hối, Ông đã tặng lại cho nhà thơ Zucốpxki.
    Danh mục liệt kê của bảo tàng Puskin.

    Nhân đây tôi muốn nhắc lại lời thỉnh cầu của mình: xin hãy giải thoát tôi khỏi ngài Puskin, hắn, rất có thể, là một anh chàng tuyệt vời và một nhà thơ khá, song tôi vẫn không muốn anh ta hiện diện cả tại Ôđetxa lẫn Kisinhốp.
    Bá tước M.X. Vôrônxôp
    (Thư từ Kisinhôp gửi bá tước K.V.Nhexenrôt ngày 2/V/1824)

    Ở đây tôi trơ trọi một mình, sống y như một cậu ấm nửa mùa, suốt ngày nằm dài trên đệm mà nghe các câu chuyện thần thoại và ca khúc dân gian. Tứ thơ bí rì rì. Hình như tôi có viết cho anh rằng trường ca Đoàn người Zigan của tôi là đồ bỏ đi. Tôi nói dối đấy, anh đừng tin. Anh sẽ rất hài lòng cho mà xem.
    Puskin
    (Thư từ Mikhailôpxcôie gửi công tước P.A Viazemxki ngày 25 tháng Giêng 1825)

    Không biết Zucốpxki có dò hỏi được xem liệu tôi có thể hy vọng được Hoàng thượng chiếu cố hay không, đã sáu năm nay tôi bị thất sủng, vậy mà nói sao thì nói, tôi mới 26 tuổi. Năm 1824 đức cố Hoàng đế đày tôi về làng quê chỉ vì mấy dòng thơ bất kính giáo đường - tôi tự thấy chẳng có tội lỗi gì khác. Chẳng lẽ vị Nga hoàng trẻ tuổi của chúng ta không thể cho tôi lui về một nơi ấm áp hơn ư? - nếu như quả tôi không xứng đáng được ló mặt về thành Peterburg? Tha lỗi cho tôi nhé, anh bạn quý mến, buồn nản hết chịu nổi rồi.
    Puskin
    (Thư gửi từ Mikhailôpxcoie cho P.A.Pletnhiôp, hạ tuần tháng Giêng 1826)

    Lấm bê bết từ đầu đến chân, tôi bị điệu thẳng vào Ngự tiền văn phòng. Hoàng thượng dụ: "Chào Puskin! Ngươi hài lòng là được trở về chứ?". Tôi hồi đáp theo đúng nghi lễ. Hoàng thượng nói chuyện với tôi hồi lâu, rồi hỏi: "Này, Puskin, ví thử có mặt tại Peterburg, liệu ngươi có tham gia vụ 14 tháng Chạp không?" - Tâu Hoàng thượng, đương nhiên là có, tất cả bạn hữu của thần đều can dự vụ bạo nghịch này, nên thần không thể không tham gia. Chỉ sự vắng mặt tình cờ đã cứu thần, bởi vậy thần xin tạ ơn Chúa!" Đức Hoàng thượng phán bảo: "Ngươi càn quấy như vậy đủ rồi đó, ta hy vọng từ nay ngươi sẽ chín chắn hơn, và chúng ta sẽ không bất hoà với nhau nữa. Ngươi sẽ trình lên ta tất cả những gì ngươi sáng tác; từ nay ta trực tiếp làm kiểm duyệt viên của ngươi."
    Puskin
    (Theo lời kể lại của A.G. Khômutôva)

    Puskin ngồi xe trạm cùng đặc phái viên về Matxcva vào thẳng Hoàng cung. Ngay hôm đó, trong vũ hội tại bản doanh của Nguyên soái Macmôn, quận công xứ Raguzi và Sứ thần nước Pháp, Hoàng thượng gọi ngài Bluđốp lại gần và phán bảo: "Ngươi có biết mới rồi ta đã trò chuyện với một kẻ thông thái nhất nước Nga không?" Thấy vẻ mặt ngây ra thắc mắc của Bluđôp, Hoàng đế Nicôlai liền nói: "Puskin !"
    Nhà sử học P.I.Bartenhep. Lưu trữ Nga
    __________________
     
    Last edited by a moderator: 25/5/15
  6. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Việc Puskin lại xuất hiện ở xã hội thượng lưu cố đô đã thu hút sự chú ý của mọi người… Khi ông lần đầu tới Nhà hát lớn, khán giả không nhìn lên sân khấu nữa mà chỉ ngắm Nhà thơ yêu quý của mình.
    Nhà báo - nhà sử học N.A.Pôlêvôi

    Thế là tôi lại đang ở giữa làng quê… Bỗng có một cảm giác khoan khoái đầy thi vị khi được trở lại nhà tù xưa trong tư cách một con người tự do. Anh biết đấy, tôi không bao giờ chơi cái trò uốn éo đa cảm, thế nhưng cuộc đón tiếp của gia nhân và của nhũ mẫu tôi khiến con tim rung động hơn nhiều so với những bả vinh quang, khoái cảm hiếu thắng, hay nỗi ưu tư mông lung… Nhũ mẫu tôi đến nực cười. Anh có tưởng tượng được không: bảy chục tuổi đầu rồi mà bà vẫn học thuộc lòng bài kinh mới cầu nguyện Đấng Tối Cao lòng lành… Mồng 1 tới tôi sẽ đến thăm anh, bà lệnh cho tôi như vậy! Bạn yêu quý, Matxcơva để lại trong lòng tôi ấn tượng khó chịu, nhưng dẫu sao được gặp gỡ với anh vẫn hơn là thư từ qua lại.
    Puskin
    (Thư gứi công tước P.A.Viazemxki từ làng Mikhailôpxcôie ngày 9/I/1826.)

    Từ mùa đông 1828 - 1829 Puskin đã sững sờ trước nhan sắc của Natalia Gônsarôva. Theo lời của chính Nhà thơ, ông bắt đầu tính tới chuyện hôn nhân, mong kết thúc đời trai trẻ và thoát ra khỏi tình cảnh khi bất cứ trang thanh niên nào trong vũ hội cũng có thể vỗ vai ông mà rủ rê nhập những hội ba láp.
    Công tước Pav.P.Viazemxki

    … Một hôm vào buổi tối, - vừa vặn đúng hai ngày nữa là ngài làm lễ cưới - em đến thăm ngài Nasôkin với lại Ônga (cô gái Zigan sống với Nasôkin) Chúng em còn chưa kịp chào hỏi nhau thì một cỗ xe trượt tuyết đã đỗ xịch trước thềm và ngài Puskin bước liền vào hiên. Vừa nhác trông thấy em, ngài Puskin kêu toáng lên: "Ô! Nguồn vui của ta, ta rất mừng được gặp lại em, chào em, món quà vô giá!", đoạn hôn vào má em rồi ngồi phịch xuống ghế bành. Rồi bỗng nghĩ ngợi có vẻ lao lung lắm, tay chống cằm, nhìn em đăm đăm, đoạn bảo: "Tanhia, em hát một bài chúc phúc cho ta đi; em nghe nói rồi chứ: ta sắp lấy vợ đấy!" - "Chúng em biết quá đi chứ, cầu Thượng đế ban phước cho ngài, Alexanđrơ Xecgâyevich ạ" - "Thế thì em hát đi, nào hát đi!" Em bảo con bạn: "Ôlia, đưa cái đàn ghi ta đây, bọn mình hát hầu ngài Puskin chứ?" Con bạn lấy đàn ra, tay em lựa khúc dạo mà cái đầu vẫn chưa nghĩ ra được bài hát gì… Lòng em hôm ấy nặng trĩu, số là em phải lòng một anh chàng, nhưng mụ vợ lại vừa mới lôi hắn về quê, đâm ra em cứ rầu cả người. Mải nghĩ chuyện mình, đâm ra em hát hầu ngài Puskin bài dẫu gọi là bài khai vị, nhưng giá mà hôm ấy em không hát nó thì hơn, người ta bảo rằng em gở mồm gở miệng:

    Ôi mẹ, sao ngoài đồng bụi mịt mù bay?
    Ôi cô nương, sao bụi mù trời đất?
    Ngựa hý vang trời. Ngựa ai đó nhỉ, kìa ngựa ai?
    Ngựa của Alexanđr Xecgâyevich đó…

    Miệng em hát, mà lòng thì buồn quá chừng, nên có lẽ giọng rầu rĩ lắm… Bỗng em nghe ngài Puskin khóc rưng rức. Em ngẩng đầu lên thì thấy ngài đang hai tay bưng mặt khóc như đứa con nít. Ngài Nasôkin vội chạy lại: "Làm sao thế, Puskin, làm sao thế?" Ngài Puskin đáp: "Trời! Bài ca của con bé làm tan nát lòng tôi rồi, nó không hứa hẹn niềm vui, mà báo trước cho tôi một mất mát lớn đấy!" Lát sau, ngài Puskin bỏ về, không chào từ biệt một ai.
    Cô gái Zigan Tachiana Demianôpna


    Trong lúc làm hôn lễ ở nhà thờ, khi cặp tân hôn đi vòng quanh bục thánh thì ngẫu nhiên cây thánh giá và quyển kinh Phúc Âm bị rơi xuống đất. Puskin tái mặt đi. Sau đó cây nến trong tay nhà thơ lại bị tắt. Puskin lẩm bẩm: "Toàn điềm gở hết".
    Nữ công tước E.A.Dôngôrucôva

    [​IMG]


    Tôi đã lấy vợ và hạnh phúc. Tôi chỉ có một nguyện vọng là mong sao trong đời tôi không còn gì thay đổi nữa, tôi không ham muốn gì hơn. Tâm trạng tôi giờ đây thật mới mẻ, có cảm giác là tôi đã tái sinh.
    Puskin
    (Thư gửi Pletnhiôp từ Matxcva ngày 24/II/1831)

    Từ năm 1831 Puskin chọn sáng tạo một công trình vĩ đại, đòi hỏi phải dầy công nghiên cứu vấn đề, vô số những việc chuẩn bị và một sự thực hiện thiên tài. Ông bắt đầu viết tiểu sử Pi-e Đại đế… Ông quan tâm chủ yếu các công trình sử học. Sáng sáng nhà thơ đến một kho lưu trữ nào đó, được cái lợi là cuộc dạo chi bằng đi bộ từ đó về ăn bữa chiều ở nhà. Ngay cả giữa mùa hè ông cũng quốc bộ từ biệt thự ngoại ô về trung tâm để tiếp tục sự tìm tòi của mình.
    Pletnhiôp
    (Tác phẩm và thư từ)

    Anh cáo ốm và chỉ sợ gặp mặt Hoàng thượng. Anh sẽ ngồi lỳ ở nhà suốt những ngày lễ này. Cũng không có ý định đến yết kiến Hoàng thái tử để chúc mừng, còn lâu ông ta mới lên làm Nga hoàng, chắc anh chẳng được thấy ngày ấy. Anh từng chứng kiến ba vị Nga hoàng: vị thứ nhất mắng nhũ mẫu và bắt phải cởi bỏ lễ phục cho anh, vị thứ hai đày đọa anh, vị thứ ba dẫu tống anh vào hàng Thiếu niên - Thị tòng khi anh sắp lên lão, nhưng đánh đổi ông ta lấy vị thứ tư thì anh vẫn không muốn: tránh vỏ dưa sẽ gặp vỏ dừa mà. Để rồi xem cu Xasca của chúng mình sẽ khéo xử với người trùng tên nó trong hoàng bào ra sao, chứ cha nó thì đã luôn bất hoà với kẻ trùng tên mình. Lạy Chúa đừng để cho con trai chúng ta đi theo vết chân cha nó: làm thơ và gây sự với chư vị Nga hoàng.
    Puskin
    (Thư gửi cho vợ ngày 20/IV/1834 )

    … Hoàng thượng tỏ vẻ không hài lòng khi biết chuyện tôi phát biểu thiếu tôn kính về việc được tấn phong làm Thị tòng. Khốn nỗi, tôi có thể làm một thần dân ngoan ngoãn, thậm chí làm một kẻ nô lệ, nhưng không đời nào trở thành một tên gia nô và thằng hề ngay cả của Ngọc hoàng Thượng đế.
    Puskin
    (Nhật ký, ngày 10/V/1834)

    Bà mẹ tôi bị ốm nên tôi phải trở về thành phố (…) Cái gia đình tôi đang mỗi năm một đông ra, lớn lên, nô đùa ầm ĩ quanh tôi. Giờ đây có lẽ chẳng còn cớ gì để mà trách cuộc đời, và cũng chẳng việc gì phi lo ngại tuổi già. Kẻ độc thân thật đáng buồn ở đời: hắn lấy làm bực mình mỗi khi nhìn thấy thế hệ mới, tươi trẻ; chỉ có người cha của một gia đình mới ngắm nhìn không ghen tức lớp trẻ quây quanh ông ta
    Puskin
    (Thư gửi P.V.Nasôkin từ Petecbua, cuối tháng 10/1835)

    Sáng ngày 4/XI tôi nhận được ba bản, một bức thư nặc danh bôi nhọ danh dự của tôi và vợ tôi. Căn cứ loại giấy, lời lẽ trong thư, cách diễn đạt, tôi tức khắc xác định được rằng tác giả nó là một người ngoại quốc, thuộc xã hội thượng lưu, một quan chức ngoại giao. Tôi bắt đầu cuộc điều tra và phát hiện ra rằng cùng ngày có bảy - tám người nữa cũng nhận được mỗi người một bản của bức thư đó, dán kín trong hai lần phong bì và đề tên tôi. Đa số những người nhận được thư nghi ngờ chúng chứa đựng điều gì đó bỉ ổi nên đã không chuyển cho tôi.
    Puskin
    (Thư gửi Thủ trưởng mật thám - bá tước A.X. Benkendoocf ngày 21 tháng Giêng 1836.)

    Đantex mang đến Puskin thư trả lời. Puskin không đọc, nhưng nhận lời thách quyết đấu của con nuôi Heckeren (tức Đantex).
    Công tước P.A.Viazemxki
    (Thư gửi đại công tước Mikhain Paplôvich.)
     
    Last edited by a moderator: 25/5/15
  7. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Puskin tiến đến vị trí trước, dừng lại và giơ súng lên. Nhưng đúng lúc đó, Đantex, còn cách vị trí một bước nữa, đã nổ súng. Ngã gục xuống, Puskin còn nói: "Hình như tôi bị bắn vỡ đùi rồi".
    A. Ammôxôp.
    [​IMG]

    Nằm nghiêng trên mặt tuyết, Puskin ngắm vào Đantex đến hai phút, rồi nổ một phát, chính xác đến mức ví thử Đantex không đưa tay lên che ngực thì chắc chắn đã bị bắn chết: viên đạn xuyên thủng bàn tay, găm trúng chiếc khuy đồng trên quân phục và làm rạn hai xương sườn của Đantex.
    A.A. Secbinin
    (Ghi chép.)

    Họ về đến nhà lúc 6 giờ. Bác quản gia bế Puskin lên cầu thang. Nhà thơ hỏi: "Bác có buồn khi phải bế tôi thế này không?" Cô vợ đáng thương chạy ra đón chồng ở tiền sảnh, khuỵu xuống ngất đi. Người ta mang Puskin vào thư phòng; ông bảo mang đến một bộ đồ lót sạch sẽ, thay quần áo và nằm xuống cái đi-văng. Vợ ông tỉnh lại, định vào, nhưng ông thét to: "n'entrez pas !" (đừng vào), sợ Natalia trông thấy vết thương, vì tự ông biết vết thương nguy hiểm. Natalia chỉ được vào sau khi mọi việc đã xong.
    V.A. Zucôpxki.
    (Thư gửi cho cha của Puskin.)

    Puskin yêu cầu viên bác sĩ Arent nói thật: tình trạng vết thương ra sao, và khẳng định bất luận câu trả lời thế nào cũng sẽ không làm ông hoảng sợ, nhưng ông cần biết chính xác tình cảnh của mình để kịp ra một vài lệnh cần thiết. Arent đáp:

    - Nếu quả vậy thì tôi buộc phải nói rằng vết thương của ngài rất nguy hiểm và tôi hầu như không còn hy vọng ngài sẽ qua được.
    Puskin cám ơn Arent về câu trả lời thẳng thắn và đề nghị đừng nói cho vợ ông biết. Khi từ biệt nhà thơ, Arent tuyên bố rằng theo bổn phận của mình, ông phải báo cáo về mọi việc xảy ra với Hoàng thượng. Puskin không phản đối, chỉ đề nghị Arent thay mặt ông thỉnh cầu Hoàng thượng không trừng phạt người phò tá ông trong trận quyết đấu (Đanzax). Khi ra về, Arent nói với người tiễn ông ở tiền sảnh là Đanzax: "Chuyện vô cùng tồi tệ, ông ta sẽ chết".

    A. Ammôxôp

    Đanzax nói với Puskin rằng anh sẵn sàng trả thù kẻ thù đã giết ông. "Không, không, - Puskin đáp, - hoà giải, hoà giải"
    A.N. Venhevitinốpva nói với cha của Puskin, theo lời E.A. Caramzina.

    Arent, người trong đời đã thấy tận mắt nhiều cái chết cả trên bãi chiến trường, cả trên giường bệnh, rời nơi Puskin nằm và nói, hai mắt đẫm lệ, rằng ông chưa từng chứng kiến một sự chịu đựng phi thường như vậy. Ông còn nói và nhắc lại nhiều lần sau này một lời an ủi tuyệt vời về nỗi bất hạnh chung ấy:

    - Thật đáng tiếc cho Puskin là ông ta đã không bị bắn chết ngay tại chỗ, bởi vì những đau đớn của ông không lời lẽ nào tả xiết. Nhưng với thanh danh của vợ ông thì việc ông sống sót là một cái phúc. Không một ai trong chúng tôi được chứng kiến những ngày cuối cùng, lại dám nghi ngờ về sự vô tội của Natalia, cũng như về tình yêu Puskin vẫn giữ nguyên vẹn với nàng.

    Những lời này ở miệng Arent vô cùng quý giá, bởi ông là một người không có mối quan hệ riêng tư nào với Puskin, túc trực bên cạnh Puskin cũng như đối với bất kỳ ai khác trong tình cảnh tương tự. Phải là người biết Arent, với tính bàng quan của ông, cùng sự chai sạn của ông đối với những cảnh tương tự thì mới hiểu hết ấn tượng mạnh mẽ ông đã cảm nhận. Có nghĩa là điều ông được chứng kiến phải có sức thuyết phục lớn, phải đáng kinh ngạc lắm, phải chân thực lắm thì mới xâm chiếm nổi tâm trí ông.
    P.A Viazemxki
    (Thư gửi Đavưđốp, ngày 5/II/1837.)

    Trong những cơn đau khủng khiếp về thể xác (khiến ngay Arent, một người đã dạn dày với những cảnh tương tự, cũng phải rùng mình), Puskin chỉ nghĩ về vợ, về những điều nàng phải cảm nhận do lỗi của ông. Mỗi phút dịu giữa hai cơn đau, ông lại gọi nàng đến bên, cố an ủi, nhắc đi nhắc lại là ông cho rằng nàng hoàn toàn không có lỗi trong cái chết của ông, rằng không một giây phút nào ông ngừng tin tưởng và yêu quý nàng.
    Nữ công tước E.N. Mesecxcaia - Caramzina.

    Vĩnh biệt vợ, Puskin nói với nàng: "Em hãy về sống ở làng quê, để tang anh hai năm, rồi đi lấy chồng, nhưng phải lấy một người đứng đắn."
    P.I.Barenhep
    (Theo lời nữ công tước V.F. Viazemxcaia)


    Sau khi Puskin chết, mấy ngày liền vợ ông lên những cơn động kinh, khiến hàm răng đều đặn tuyệt đẹp của nàng bị lung lay hết.
    F.G. Toli
    (Theo lời nũ công tước E.A. Đôngôrucôva)
    [​IMG]
    Cái chết đã làm bộc lộ trong tính cách của Puskin tất cả những gì nhân hậu và tốt đẹp nhất. Nó đã soi sáng toàn bộ cuộc đời ông. Sinh thời, chẳng những kẻ bàng quan, mà ngay bạn bè cũng không hiểu hết Puskin. Thú thực, và cũng là tạ tội với hương hồn ông, chính tôi cũng không ngờ ông lại có tâm lực toàn năng đến như vậy. Có biết bao sự cao thượng, sức mạnh và lòng vị tha kín đáo, sâu sắc nhường ấy trong tâm hồn đau khổ đó! Tình cảm của Puskin đối với vợ đạt tới sự dịu dàng cao cả nhất hạng. Không một lời cay đắng, không nửa câu trách móc, không một chút bóng gió nào đến những chuyện đã xảy ra, chỉ toàn những lời dàn hoà và tha thứ cho địch thủ…
    P. A. Viazemxki
    (Thư gửi đại công tước Mikhain Paplôvich)

    Nhân dân đã chứng tỏ lòng yêu quý đối với Nhà thơ qua việc trong một ngày mà có 32.000 người đến nghiêng mình trước linh cữu ông.
    Ja.N.Nhevrôp
    ( Thư gửi T.N.Granôpxki.)
    [​IMG]

    Vầng mặt trời thi ca Nga lặn mất rồi ! Puskin đã từ trần, từ trần ở độ nở rộ, giữa chừng văn nghiệp vĩ đại của mình!.. Thật không còn đủ tâm trí viết gì thêm nữa, vả lại viết nữa mà làm gì: trái tim Nga nào mà chẳng hiểu thấu sự mất mát không gì bù đắp nổi này, có trái tim Nga nào mà không tan nát. Puskin! Thi hào của chúng ta! Nguồn vui của chúng ta, vinh quang của nhân dân ta!.. Chúng ta không còn Puskin nữa thật sao! Không tài nào quen được với ý niệm này!

    Trưa ngày 29 tháng Giêng, hồi 2 giờ 45 phút. Phụ trương văn học báo "Người tàn tật nước Nga" 30 tháng Giêng năm 1837

    Hà Minh Thắng dịch
    (Trích từ cuốn Alexanndr Puskin - Tuyển tập tác phẩm, tập IV - Nxb Văn học, Hà Nội, 1999)
    __________________
     
    Last edited by a moderator: 25/5/15
    Tiểu Thần Tiên thích bài này.
  8. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    EPGHÊNHI ÔNHÊGIN
    link: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Tui sẽ up dần lên các tác phẩm sau...
     
  9. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Đó là bài "Gửi":


    Алекса́ндр Серге́евич Пу́шкин
    Я помню чудное мгновенье:
    Передо мной явилась ты,
    Как мимолетное виденье,
    Как гений чистой красоты.
    В томленьях грусти безнадежной,
    В тревогах шумной суеты,
    Звучал мне долго голос нежный
    И снились милые черты.
    Шли годы. Бурь порыв мятежный
    Рассеял прежние мечты,
    И я забыл твой голос нежный,
    Твои небесные черты.
    В глуши, во мраке заточенья
    Тянулись тихо дни мои
    Без божества, без вдохновенья,
    Без слез, без жизни, без любви.
    Душе настало пробужденье:
    И вот опять явилась ты,
    Как мимолетное виденье,
    Как гений чистой красоты.
    И сердце бьется в упоенье,
    И для него воскресли вновь
    И божество, и вдохновенье,
    И жизнь, и слезы, и любовь.
    TO---
    Alexander Sergeyevich Pushkin
    I remember the marvellous moment
    you appeared before me,
    like a transient vision,
    like pure beauty's spirit.
    Lost in hopeless sadness,
    lost in the loud world's turmoil,
    I heard your voice's echo,
    and often dreamed your features.
    Years passed. The storm winds scattered,
    with turbulent gusts, that dreaming.
    I forgot your voice, its tenderness.
    I forgot your lovely face.
    Remote in my darkened exile,
    the days dragged by so slowly,
    without grace, without inspiration,
    without life, without tears, without love.
    Then my spirit woke
    and you, you appeared again,
    like a transient vision,
    like pure beauty's spirit.
    And my heart beats with delight,
    and ecstasy, inside me,
    and grace and inspiration,
    and tears, and life, and live.
    GỬI...
    Tác giả: Puskin (Alexander Sergeyevich Pushkin)
    Dịch giả: Thuý Toàn
    Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu:
    Trước mắt anh em bỗng hiện lên,
    Như hư ảnh mong manh vụt biến,
    Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.
    Giữa day dứt sầu đau tuyệt vọng,
    Giữa ồn ào xáo động buồn lo
    Tiếng em nói bên tai anh văng vẳng,
    Bóng dáng em anh gặp lại trong mơ.
    Tháng ngày qua. Những cơn gió bụi
    Đã xua tan mộng đẹp tuổi thơ,
    Lãng quên rồi giọng nói em hiền dịu,
    Nhoà tan rồi bóng dáng nguy nga.
    Giữa cô quạnh âm u tù hãm
    Dòng đời trôi quằn quại hắt hiu,
    Chẳng tiên thần, chẳng nguồi cảm xúc,
    Chẳng đời, chẳng lệ, chẳng tình yêu.
    Cả hồn anh bỗng dưng tỉnh giấc
    Trước mắt anh em lại hiện lên,
    Như hư ảo mong manh vụt biến,
    Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.
    Trái tim lại rộn ràng náo nức,
    Và trái tim sống dậy đủ điều
    Cả thiên thần, cả nguồn cảm xúc,
    Cả đời, cả lệ, cả tình yêu.
    __________________
     
  10. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    [​IMG]

    cô gái trong bức ảnh này chính là nguyên mẫu của nhân vật trữ tình trong bài thơ "lá thư bị đốt cháy" nôỉ tiếng của Puskin:


    Сожженное письмо

    Прощай, письмо любви! прощай: она велела...
    Как долго медлил я! как долго не хотела
    Рука предать огню все радости мои!..
    Но полно, час настал. Гори, письмо любви.
    Готов я; ничему душа моя не внемлет.
    Уж пламя жадное листы твои приемлет...
    Минуту!.. вспыхнули! пылают - легкий дым,
    Виясь, теряется с молением моим.
    Уж перстня верного утратя впечатленье,
    Растопленный сургуч кипит... О провиденье!
    Свершилось! Темные свернулися листы;
    На легком пепле их заветные черты
    Белеют... Грудь моя стеснилась. Пепел милый,
    Отрада бедная в судьбе моей унылой,
    Останься век со мной на горестной груди...

    Lá thư bị đốt cháy
    (Người dịch: Thuý Toàn)

    Vĩnh biệt lá thư tình! Thôi vĩnh biệt:
    Ý nàng đây. Sao ta mãi phân vân?
    Bàn tay ta sao mãi chẳng muốn buông
    Niềm vui sướng của ta cho ngọn lửa?...
    Nhưng đủ rồi! Phân vân làm chi nữa.
    Cháy đi thôi, thư ủ ấp yêu đương!
    Lòng ta yên rồi chẳng chút vấn vương.
    Này ngọn lửa tham tàn đang sắp cuốn
    Những trang giấy thư em... Xin chút gượm!
    Bốc lửa rồi! Làn khói nhẹ vẩn vơ
    Tan nhòa cùng lời cầu nguyện của ta.
    Hình chiếc nhẫn ước thề trên xi gắn
    Đã biến mất, xi chảy sôi... Ôi thần thánh!
    Thế là xong! Than giấy mỏng cuộn tròn,
    Trên tàn than trắng dấu nét thiêng liêng...
    Cả lồng ngực của ta dường thắt lại,
    Hãy lưu mãi giữa lòng ta quằn quại,
    Hỡi niềm vui chua xót của đời ta,
    Cuộc đời buồn, ôi thân thiết tàn tro.

    1825

    bản dịch khác cùng lời bình:

    Lá thư bị đốt cháy
    Puskin



    1. Thôi từ biệt, lá thư của tình yêu, từ biệt
    Nàng đã quyết sao ta còn luyến tiếc
    Sao bàn tay mãi chẳng chịu buông ra
    Cho lửa thiêu hết thảy niềm vui sướng của ta!
    2. Nhưng đã đủ. Hỡi tình thư bốc cháy!
    Tâm hồn ta không còn nghe, chẳng thấy
    Ngọn lửa tham đã nhận bức thư em…
    Gượm chút nào! Một làn khói nhẹ êm
    Quần quại, tan đi với lời ta cầu khẩn
    Vết xi cháy sủi lên, tan hình chiếc nhẫn
    Ôi trời đất, tất cả thế là xong!
    Những trang giấy đen còn hãy quăn xong,
    Tàn mỏng mảnh còn ghi trăng trắng chữ…
    3. Lòng thắt lại. Tàn thân yêu quý hỡi!
    Một niềm vui nghèo cực xót xa
    Còn lại đời đời trên ngực với ta
    Xuân Diệu dịch

    Dịch nghĩa

    Vĩnh biệt, lá thư của tình yêu, vĩnh biệt! Nàng đã ra lệnh…
    Sao tôi chần chừ lâu thế, sao bàn tay lâu chẳng chịu
    Giao cho ngọn lửa tất cả mọi niềm vui của tôi
    Nhưng đủ rồi, giờ đã đến. Cháy đi bức thư của tình yêu!
    Tôi đã sẵn sàng. Lòng tôi giờ chẳng còn lắng nghe gì nữa.
    Ngọn lửa tham lam đang nhận lấy từng trang thư của em.
    Khoan một phút thôi! Bùng lên… cháy rồi… làn khói nhẹ
    Cuộn quanh tan đi cùng với lời cầu nguyện của tôi.
    Vết xi gắn đã cháy sủi lên làm tiên tan mất
    Dấu ấn chiếc nhẫn thủy chung… Ôi thiên mệnh!
    Đã hoàn thành rồi! Những tờ giấy đen quăn cong lại
    Trên tàn mỏng mảnh còn trăng trắng nét chữ thân thương.
    Niềm nui nghèo nàn trong cuộc đời sầu bi của tôi
    Hãy còn lại mãi mãi cùng tôi trên tấm ngực đau thương.

    Phân tích

    Puskin (1799-1836) là “Mặt trời thơ ca của nước Nga”. Ngoài những trường ca “Người tù KapKaz”, “Kị sĩ đồng”…, ông còn để lại 800 bài thơ trữ tình, trong đó có nhiều bài thơ tình rất nổi tiếng. Bài thơ “Lá thư bị đốt cháy” được Puskin sáng tác vào năm 1825, khi nhà thơ còn bị chính quyền chuyên chế Nga hoàng lưu đầy và bị quản thúc tại làng Mikhailốpxkôiê - quê ngoại hẻo lánh thuộc miền Tây Bắc Nga. Mặc dù bị cách li với thế giới rộng lớn bên ngoài, nhưng ông vẫn được sáng tác, được in những tác phẩm của mình và trao đổi thư từ với bạn bè và người thân.

    “Lá thư bị đốt cháy” thể hiện nghệ thuật sử dụng chi tiết trong bút pháp trữ tình của Puskin để diễn tả cảm xúc và tâm trạng một cách nồng nàn nhất, say đắm nhất.

    “Lá thư” là của người yêu phương xa gửi tới, trên có gắn xi, có in “dấu ấn chiếc nhẫn thủy chung”. Người yêu của nhà thơ là một người đẹp đã “ngự trị” trong tâm hồn nhà thơ, đầy “quyền uy”. Phái là người đẹp được nhà thơ “tôn thờ” nên “Nàng đã ra lệnh” cho người tình đọc xong phải đốt thư ngay. Đó là mệnh lệnh của trái thu, của tình yêu. Mặc dù vậy, chàng trai vẫn “chần chừ”, vẫn giữ lại trong tay “lâu chẳng chịu” trao cho ngọn lửa. Bức thư tình của người đẹp quý giá biết bao nhiêu. Trong hoàn cảnh bị quản thúc mất tự do, sống trong cô đơn, thì bức thư tình của người yêu nơi xa xôi gửi đến là vô giá, vì nó là “tất cả mọi niềm vui” của Puskin. Nhà thơ thốt lên hai lần tiếng “vĩnh biệt” điều đó nói lên nỗi đau vô hạn của mình, khi phải đốt cháy bức tình thư! Không hiểu vì sao, thi sĩ Xuân Diệu thay bằng “từ biệt” trong bản dịch thơ?

    “Thôi từ biệt, lá thư của tình yêu, từ biệt
    Nàng đã quyết sao ta còn luyến tiếc
    Sao bàn tay mãi chẳng chịu buông ra
    Cho lửa thiêu hết thảy niềm vui sướng của ta!”

    Câu thơ trong nguyên tác viết dưới hình thức câu hỏi tu từ cực tả sâu sắc nỗi đau đớn, sự ngập ngừng luyến tiếc, phút chần chừ do dự của nhà thơ trước khi đốt cháy bức thư: “Sao tôi chần chừ lâu thế, sao bàn tay lâu chẳng chịu…”.

    Cuốc đấu tranh nội tâm diễn ra: đốt bức thư tình, làm theo điều “nàng đã ra lệnh” hay giữ lại kỷ vật thiêng liêng chứa đựng trong đó, nét chữ, giọng tâm tình, lời yêu thương nồng nàn say đắm… Đốt bức tình thư trong hoàn cảnh ấy đối với Puskin là một hành động cao thượng, tự hy sinh vì tình yêu. Một chút ngập ngừng và người con trai phải làm theo “mệnh lệnh” người yêu, châm lửa đốt. Dòng thơ bị cắt ra thành nhiều câu diễn tả sự ngập ngừng, thảng thốt:

    “Nhưng đủ rồi, giờ đã đến. Cháy đi bức thư của tình yêu!
    Tôi đã sẵn sàng. Lòng tôi giờ chẳng còn lắng nghe gì nữa.”
    Tâm hồn ta không còn nghe, chẳng thấy người con trai đau đớn, bàng hoàng nhìn ngọn lửa và bức thư bén lửa bốc cháy. Lời thơ run lên cùng nỗi lòng đau đớn, xót xa:
    “Ngọn lửa tham đã nhận bức thư em…
    Gượm chút nào! Một làn khói nhẹ êm”

    Puskin đã sử dụng và sáng tạo một hình ảnh ẩn dụ - nhân hóa để làm nổi bật nỗi lòng xót xa, tiếc nuối khi nhình bức tình thư đang cháy: “Ngọn lửa tham lam đang nhận lấy từng trang thư của em”. Nhà thơ cầu khẩn van lơn: “Gượm chút nào!...”. Những câu thơ tiếp theo tả làn khói, ngọn lửa, vết xi gắn trên bức thư in dấu ấn chiếc nhẫn… Ba tiếng: “Ôi thiên mệnh!” như một tiếng kêu rên. Thiên mệnh là mệnh trời. Một tình yêu đẹp do trời sắp đặt. Bức thư bị đốt cháy cũng là do ý trời. Hình ảnh bức thư bị đốt cháy đối với người con trai mang màu sắc cao cả thiêng liêng:

    “Quần quại, tan đi với lời ta cầu khẩn
    Vết xi cháy sủi lên, tan hình chiếc nhẫn
    Ôi trời đất, tất cả thế là xong!”
    Xuân Diệu không dịch được các từ ngữ: “Thủy chung”, “thiên mệnh!”. Việc dịch thơ là một sáng tạo nghệ thuật chẳng chút dễ dàng.

    Thương tiếc, đau đớn, nhìn đăm đăm vào mảnh tro tàn - như một vết thương lòng nhức nhối - người con trai đa tình vẫn còn tìm thấy “trăng trắng nét chữ thân thương” của người yêu. Những nét chữ ấy như linh hồn của lá thư tình bị đốt cháy. Đó là di bút của một thiên diễm tình. Cũng như hoa tàn, hoa rụng, nhưng hương hoa còn phảng phất trong không gian, lá thư bị đốt cháy rồi mà chàng trai vẫn còn lưu luyến nhìn những “nét chữ thân thương” in rõ trên mảnh tro tàn “trăng trắng”. Hình ảnh “Những tờ giấy đen quăn cong lại” tương phản với “trăng trắng nét chữ thân thương” khẳng định một tình yêu đẹp, trong sáng, thủy chung. Lá thư tuy bị đốt cháy nhưng tình yêu đôi lứa vẫn sống mãi trong trái tim nhà thơ. “Tờ giấy đen quăn cong lại” chỉ “thác là thể phách” còn tình yêu là mãi mãi “hồn còn tinh anh” như “trăng trắng nét chữ thân thương” ấy.

    Ba dòng cuối của bài thơ thể hiện nỗi đau đơn, thương tiếc của người con trai khi nhìn thấy mảnh tro tàn. Phải yêu tha thiết lắm, trân trọng, quý trọng, luyến tiếc lá thư của người yêu - kỉ vật thiêng liêng - thì tự đáy lòng mới cất lên lời thơ nghẹn ngào, như thắt lòng lại như thế:

    “Lòng thắt lại. Tàn thân yêu quý hỡi!
    Một niềm vui nghèo cực xót xa
    Còn lại đời đời trên ngực với ta”

    Trong hoàn cảnh bị quản thúc cách biệt với thế giới bao la, phải xa cách bạn bè và người yêu thì một lá thư tình nhận được, đúng là “niềm vui nghèo nàn trong cuộc đời sầu bi” của mình. Lá thư bị đốt cháy rồi, nhà thơ lẳng lặng, xót xa, đau đớn, buồn tủi. Nét chứ, giọng điệu, tâm tình và hình ảnh người yêu “hãy còn lại mãi mãi… trên tấm ngực đau thương” của người. Lá thư tình bị đốt cháy rồi nhưng tình yêu thủy chung của giai nhân vẫn đằm thắm, thiết tha trong trái tim chàng trai đa tình.

    Bài “Lá thư bị đốt cháy” thuộc thể loại bi ca trong sáng tác của Puskin. Bài thơ thể hiện một tình yêu sâu nặng, thiết tha, một tấm lòng quý trọng đến mức tôn thờ người yêu. Đốt bức thư tình trong cảnh ngộ nhà thơ là một hành động vô cùng cao thượng. Ngôn ngữ trong sáng. Câu cảm thán, câu hỏi tu từ liên kết nhau biểu đạt mãnh liệt cảm xúc đau đớn, xót xa khi nhìn lá thư tình bị đốt cháy. Hình ảnh lá thư bốc cháy trên “ngọn lửa tham” là một biểu tượng đầy ám ảnh.

    Xuân Diệu viết: “Yêu là chết ở trong lòng một ít” - câu thơ ấy giúp ta cảm nhận bài thơ tình “Lá thư bị đốt cháy” của Puskin.

    (nguồn bài bình này của “duamotchut”)
     
    Last edited by a moderator: 25/5/15
  11. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    [​IMG]
    [​IMG]
     
    hahoangkhanh thích bài này.
  12. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Đã 2 thế kỷ trôi qua, đọc lại tiểu sử của Puskin, cảm thấy đau buồn và tiếc nuối như câu chuyện hôm qua. ... Một nhà thơ, dù văn võ song toàn, mà đã là nhà thơ thì nên cầm bút chứ không nên cầm súng ... âu đó cũng là số phận đẩy đưa....
    Ngậm ngùi cho Puskin !!!
     
  13. totoro

    totoro Mầm non

    Bạn ơi, bạn up lại tuyển tập thơ được không? Mình vào down nó bảo ko được
     
    hahoangkhanh thích bài này.
Moderators: Ban Tang Du Tử

Chia sẻ trang này