Sinclair Lewis, Nobel Văn học 1930

Thảo luận trong 'Tủ sách tác giả đoạt giải Nobel' bắt đầu bởi Foli, 30/9/13.

  1. Foli

    Foli Lớp 11

    Sinclair Lewis (7/2/1885 - 10/1/1951), Nobel Văn học 1930

    Sinclair Lewis một trong những nhà văn dũng cảm nhất, sắc sảo nhất và đầy mâu thuẫn của nước Mỹ.
    ==================================

    Sinclair Lewis được trao giải vì nghệ thuật kể chuyện mạnh mẽ, truyền cảm và vì khả năng trào phúng, hài hước hiếm có trong việc xây dựng những mẫu người và tính cách mới. S. Lewis được đánh giá là một trong những nhà văn dũng cảm nhất, sắc sảo nhất và đầy mâu thuẫn của nước Mỹ. Các tiểu thuyết Babbitt, Phố chính được gọi là những tài liệu xã hội cấp cao. Ông là nhà văn Mỹ đầu tiên được nhận giải Nobel.

    Harry Sinclair Lewis là con trai út trong gia đình, mẹ là người Canada, bị bệnh lao mất khi ông mới 5 tuổi, bố là bác sĩ tại thị trấn nhỏ vừa mới xây dựng sau cuộc nội chiến Bắc - Nam (1861-1865); nơi đây chính là một môi trường ghê tởm điển hình cho lối sống tư bản. Từ nhỏ S. Lewis rất thích đọc thơ, ông học tiểu học tại Minnesota, sau đó học Đại học tổng hợp Yale; tại đây S. Lewis in thơ và tham gia vào ban biên tập tạp chí văn học của trường.

    Trong kì nghỉ hè rảnh rỗi, S. Lewis viết cuốn tiểu thuyết Virus nhà quê (The village virus), mười lăm năm sau được phát triển thành tác phẩm danh tiếng Phố chính. Sau khi tốt nghiệp, năm 1907 ông đến New York làm phóng viên, biên tập viên cho nhiều tờ báo và bán các ý tưởng cốt truyện cho nhà văn danh tiếng Jack London (vì truyện S. Lewis viết ra không được đăng). Năm 1912, cuốn sách đầu tiên của S. Lewis Cuộc dạo bộ và chiếc máy bay được in dưới bút danh Tom Grame. Năm 1914, ông in tiểu thuyết Ngài Wren của chúng ta và tiếp tục viết nhiều truyện giải trí nhưng không được chú ý.

    Trong 15 năm ông lang thang qua 40 bang nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới như Canada, Mexico, Anh, Pháp, Italia, Thụy Sĩ, Đức, Czechoslovakia, Hy Lạp, Thụy Điển, Tây Ban Nha... để kiếm sống, tìm việc làm và thu thập tài liệu viết văn. Nguồn cảm hứng sáng tạo thực sự của S. Lewis được khơi dậy chính là từ những ngày tháng sống trong toa xe ngủ tại nông trại Vermont ở Minnesota và các nhà trọ ở thành phố Kansas hoặc Savannah. Tất cả sự phong phú của cuộc sống qua các câu chuyện kể và sự tiếp xúc với giới bình dân và nhiều tầng lớp xã hội khác đã mang lại cho nhà văn nguồn tư liệu vô tận để miêu tả cuộc sống thật sinh động.

    S. Lewis trở nên nổi tiếng thật sự bắt đầu từ tiểu thuyết Phố chính (1920) - cuốn sách gây nên hai luồng dư luận trái ngược nhau: một bên ca ngợi hết lời, một bên phê bình kịch liệt. Tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông là Babbitt (1922). Với hai cuốn tiểu thuyết này S. Lewis đã tạo ra hai hình tượng điển hình trong văn học cận đại Mỹ: Babbitt điển hình cho người Mỹ tiểu tư sản tầm thường, nhạt nhẽo, ba hoa, và hám lợi; Phố chính điển hình cho cuộc sống tỉnh lẻ, hẹp hòi, ngột ngạt ở các thị trấn, thành phố nhỏ của nước Mỹ.

    Năm 1925 cuốn Arrowsmith được trao giải thưởng Pulitzer nhưng ông không nhận. Còn giải Nobel năm 1930 dành cho S. Lewis bị một số báo chí Mỹ phản ứng, coi là không xứng đáng vì cho rằng S. Lewis bôi nhọ nước Mỹ trong các tác phẩm của mình. Tiểu thuyết Thế giới quả là rộng lớn (1951) là tác phẩm cuối cùng của ông. Cuối đời nhà văn nghiện rượu nặng và mất tại Roma ở tuổi 65.



    * Tác phẩm: (những tác phẩm có dấu '+' là tác phẩm có thể tìm thấy trên mạng internet, ghi chú của tuanz)

    - Cuộc dạo bộ và chiếc máy bay (Hike and the aeroplane, 1912), truyện thiếu nhi.
    + Ngài Wren của chúng ta (Our Mr. Wrenn, 1914), tiểu thuyết.
    + Đường bay chim ưng (The trail of the hawk, 1914-1919), tiểu thuyết.
    + Công việc (The job, 1914-1919), tiểu thuyết.
    + Những kẻ ngây ngô (The innocents, 1914-1919), tiểu thuyết.
    + Không khí tự do (Free air, 1914-1919), tiểu thuyết.
    + Phố chính (Main street, 1920), tiểu thuyết.
    + Babbitt (1922), tiểu thuyết.
    + Arrowsmith (1925), tiểu thuyết.
    - Bẫy người (Mantrap, 1926), tiểu thuyết.
    + Elmer Gantry (1927), tiểu thuyết.
    - Người đàn ông biết Coolidge (The man who knew Coolidge, 1928), tiểu thuyết.
    + Dodsworth (1929), tiểu thuyết.
    - Ann Vickers (1933), tiểu thuyết.
    + Tác phẩm nghệ thuật (Work of art, 1934), tiểu thuyết.
    + Điều đó không thể có được ở đây (It can't happen here, 1935) tiểu thuyết phản giả tưởng.
    + Bethel Merriday (1940), tiểu thuyết.
    + Các bậc cha mẹ hào phóng (The prodigal parents, 1938), tiểu thuyết.
    + Gideon Planish (1943), tiểu thuyết.
    + Cass Timberlane (1945), tiểu thuyết.
    + Dòng máu hoàng gia (Kingsblood royal, 1947), tiểu thuyết.
    - Kẻ đi tìm Chúa (The God - seeker, 1949), tiểu thuyết.
    + Thế giới quả là rộng lớn (World so wide, 1951), tiểu thuyết.

    + Selected Short Stories [1935] : Let’s Play King — The Willow Walk — The Cat of the Stars — Land — A Letter From the Queen — The Ghost Patrol — Things — Young Man Axelbrod — Speed — The Kidnaped Memorial — Moths in the Arc Light — The Hack Driver — Go East, Young Man

    * Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

    - Cuộc đời bác sĩ Arrowsmith (nguyên tác: Arrowsmith, tiểu thuyết), Bảo Sơn dịch, NXB Quốc Bảo, 1970.
    - Ông trẻ Axelbrod vào đại học, Phạm Quang Định dịch, in trong Truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn Học, 2000.
    - Enmơ Gântơri, Nguyễn Vĩnh dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1988. (bổ sung của tuanz).

    Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Tây

    Ghi chú của tuanz :
    - Tác phẩm Arrowsmith còn có một bản dịch nữa, với tựa "Cuộc đời ly kỳ của bác sĩ Arrowsmith", không ghi dịch giả (nhưng dịch hay hơn bản của Bảo Sơn), Nxb Tân Á, Saigon, 1952. Chắc ít người có được bản dịch này.
     
    Phạm Việt Hoàng and Celesta like this.
  2. Foli

    Foli Lớp 11

    Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển trong buổi lễ trao giải Nobel
    ==========================
    Erik Axel Karlfeldt, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển


    Năm nay, đoạt giải Nobel Văn học là một người chôn nhau cắt rốn tại vùng đất châu Mĩ vốn từ lâu đã có mối bang giao với Thụy Điển. Ông sinh ra ở Sauk Centre, nơi có khoảng hai, ba ngàn cư dân sinh sống trên những cánh đồng ngô bao la thuộc tiểu bang Minnesota. Ông đã mô tả về nơi này lấy tên là Gopher Prairie trong cuốn tiểu thuyết Main Street (Đường phố chính, 1920).

    Thị trấn nhỏ nằm giữa thảo nguyên mênh mông lô xô với những hồ nước và cánh rừng sồi, vẻ ngoài của nó hệt như vô vàn những thị trấn khác. Những người đầu tiên đến đây cần một nơi để bán ngũ cốc, cần cửa hiệu để mua sắm vật dụng, cần nhà băng để vay thế chấp, cần bác sĩ để chăm sóc thể xác và cần mục sư cho tâm hồn của họ. Giữa nông thôn và thành thị có sự hợp tác, nhưng đồng thời cũng có xung đột. Thành thị tồn tại vì lợi ích của nông thôn hay nông thôn vì thành thị ?

    Vùng đồng cỏ mênh mông này luôn chứng tỏ được sức mạnh của nó. Suốt mùa đông dài đằng đẵng và lạnh lẽo, những cơn bão khủng khiếp trút đầy tuyết lên những đường phố rộng, giữa những căn nhà thấp lè tè, xiêu vẹo. Mùa hạ nóng thiêu đốt với cái nắng chói chang nồng nực khủng khiếp, những mùi vị khó chịu của một thị trấn thiếu các phương tiện xử lí nước thải và làm sạch vệ sinh đường phố. Nhưng thị trấn này vẫn kiêu hãnh tự coi mình là trung tâm của thảo nguyên. Nó nắm trong tay các đầu mối kinh tế và là tiêu điểm của nền văn minh một nước Hoa Kì cô đặc, hãnh diện trước số phận làm thuê của những kẻ mang nguồn gốc nước ngoài, Đức hay Bắc Âu.

    Cứ như thế, thị trấn nhỏ này sống hạnh phúc trong sự tự mãn và niềm tin vào nền dân chủ thực sự của mình, một nền dân chủ không loại trừ việc phân tầng xã hội. Người ta tin vào những giá trị đạo đức lành mạnh trong kinh doanh cũng như niềm hạnh phúc được cơ giới hoá, bởi vậy có rất nhiều ô tô mang nhãn hiệu Ford chạy trên đường phố chính.

    Một thiếu phụ có những suy nghĩ nổi loạn đã đến thành phố này. Bà muốn làm thay đổi thị trấn này một cách triệt để, nhưng đã thất bại hoàn toàn gần như ngay từ khi mới bắt tay vào việc.

    Nếu để mô tả cuộc sống ở một thành phố nhỏ, Main Street chắc chắn là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất. Đương nhiên, thị trấn này trước hết là một đô thị Hoa Kì, nhưng đời sống tinh thần ở đây thì cũng tương tự châu Âu. Giống như Lewis, nhiều người trong số chúng ta đã chán ngán sự xấu xa và hẹp hòi cố chấp của thành phố này. Tính châm biếm mạnh mẽ trong tác phẩm của ông đã gây ra nhiều phản đối ở địa phương, nhưng bất cứ ai, chẳng cần phải thật sáng suốt, cũng nhận ra được thái độ ôn hoà trong bức phác họa của Lewis về thị trấn và con người quê hương ông.

    Tuy nhiên, đằng sau cái vẻ dương dương tự đắc của Gopher Prairie là lòng ghen tị. Ở vùng giáp ranh với đồng cỏ đã xuất hiện những thành phố như Paul và Minneapolis, những siêu đô thị đang trên đà hình thành với những khung cửa sổ của các những toà nhà cao chọc trời lấp lánh trong ánh mặt trời hay ánh điện buổi chiều hôm. Gopher Prairie cũng muốn được như thế và cảm thấy thời cơ đã chín muồi để thực hiện một chiến dịch tăng tốc phát triển dựa trên việc tăng giá lúa mì thời chiến.

    Một chính trị gia đi diễn thuyết tranh cử đã đến đây, một người kích động quần chúng thuộc loại hăng hái nhất đã chứng minh rằng đối với Gopher Prairie không gì dễ hơn là giành lấy vị trí đứng đầu.

    Ngài Babbitt - George Follansbee Babbitt - là một công dân hạnh phúc của một thành phố như thế (Babbitt, 1922). Thành phố ấy được gọi là Zenith nhưng người ta sẽ không tìm thấy cái tên đó trên bản đồ. Thành phố với chân trời rộng mở của nó trở thành điểm xuất phát cho những cuộc oanh kích phê bình của Lewis vào lối sống Hoa Kì. Thành phố này rộng hơn Gopher Prairie một trăm lần, giàu có hơn Gopher Prairie gấp một trăm lần và cũng thoả mãn hơn về mình một trăm lần. George. F. Babbitt là hoá thân của sự lạc quan mê hoặc và niềm tin vào tiến bộ của cư dân thành phố.

    Thực tế, Babbitt là một người Hoa Kì tiêu biểu thuộc tầng lớp trung lưu. Đối với ông ta, tính tương đối của đạo đức kinh doanh cũng như các qui tắc sống cá nhân là một tín điều được công nhận. Không chút phân vân, ông ta tin rằng Chúa muốn con người phải lao động, phải được tăng thu nhập và thụ hưởng những tiện nghi hiện đại. Ông ta cảm thấy mình luôn tuân theo những giáo huấn ấy, và nhờ vậy, sống hoàn toàn hòa hợp với chính mình và xã hội.

    Nghề nghiệp kinh doanh bất động sản đối với Babbitt là cao quí nhất. Ngôi nhà của ông ta ở ngoại ô với cây cối xung quanh cùng thảm cỏ là một mẫu mực từ trong ra ngoài. Ông ta đặt mua một chiếc xe hơi tương xứng với địa vị của mình, và rong xe vòng vèo bát phố, hãnh diện như một gã tay trai hào hùng, bất chấp nguy hiểm giao thông. Cuộc sống gia đình của ông ta tương đương với mức trung bình của tầng lớp tư sản. Người vợ trở nên quen dần với cung cách ồn ào đầy nam tính của ông chồng ở nhà, với bọn trẻ thì xấc láo bởi đó là cái mà người ta mong đợi.

    Ông có một sức khoẻ tuyệt vời, được ăn uống đầy đủ, giàu có, linh lợi và vui tính. Ngày nào cũng như ngày nào, ông dùng bữa trưa ở câu lạc bộ để khuấy động mọi người với những cuộc trao đổi làm ăn bổ ích và những giai thoại thú vị. Ông rất hoà đồng và nói chuyện có sức thuyết phục. Babbitt còn hơn một người có khiếu nói năng. Ông đã nghiên cứu tất cả những khẩu hiệu quốc gia và đem nó ra tung hứng trước những cuộc họp ở câu lạc bộ hay các buổi mit tinh trong sự tán thưởng của mọi người. Ông chiếm được thiện cảm kể cả khi đề cập đến những vấn đề tâm linh cao siêu nhất. Ông sưởi ấm cho mình trong tình bạn với nhà thơ nổi tiếng Cholmondeley Frink, người đã tập trung tài năng vào việc biên soạn các mẩu quảng cáo có vần hết sức hấp dẫn cho nhiều công ti và do đó, mỗi năm kiếm được một khoản thu khá bẫm.

    Cứ như thế, Babbitt sống cuộc sống của một công dân không thể chê trách, ý thức được sự khả kính của mình. Nhưng rồi các vị thần thánh trở nên ghen tị với hạnh phúc không ngừng tăng lên của một người trần mắt thịt. Dĩ nhiên, một linh hồn như của Babbitt không thể lớn lên mãi vì nó là một sản phẩm đã được làm sẵn từ đầu. Rồi Babbitt phát hiện ra rằng ông ta có xu hướng mắc phải những thói xấu mà ông ta đã lờ đi - mặc dù không phải tất cả. Khi đến tuổi 50, ông ta vội vàng tìm cách bù đắp cho sự xao lãng đó. Ông bắt đầu một mối quan hệ bất thường và tham gia vào một nhóm thanh niên phù phiếm, trong đó ông đóng vai một "ông bố" hào phóng. Bởi thế, ông ta không còn kiểm soát được hành vi của mình. Các bữa ăn trưa ở câu lạc bộ ngày càng nặng nề trong sự im lặng và thái độ xa lánh của bạn bè. Họ nói bóng nói gió rằng ông ta đang dần làm mất cơ hội được trở thành thành viên của một nhóm tiến bộ. Đến đây, cố nhiên là New York và Chicago hiện ra lờ mờ trước mắt ông ta. Ông ta thành công trong việc tìm lại bản chất cao thượng của mình và kinh ngạc thay, người ta thấy ông quì qùi trong văn phòng mục sư, ở đó, ông được xá tội. Và rồi một lần nữa, Babbitt lại hiến mình hơn nữa cho hoạt động ngoại khoá của nhà trường cũng như các hoạt động xã hội hữu ích khác. Câu chuyện kết thúc như khi nó bắt đầu.

    Như Lewis đã nói, thông qua các biểu tượng, ông muốn đả kích những quan điểm sai lầm chứ không phải đả kích cá nhân. Babbitt, một nhân vật trớ trêu theo chủ nghĩa vị lợi khắc khổ nhưng đồng thời lại khoa trương, gần như đáng yêu, là một thành công nghệ thuật, thành công gần như độc nhất vô nhị trong văn chương.

    Babbitt rất ngây thơ, một tín đồ dám nói thẳng ra niềm tin của mình. ở cuối truyện, không có tai hại nào xảy đến với nhân vật và ông ta lúc nào cũng hăng hái với tâm trạng vui vẻ như trong ngày hội, đến nỗi ông trở thành biểu tượng cho sức sống Hoa Kì. ở nước nào cũng có nhiều kẻ khoác lác, phàm tục, người ta chỉ có thể mong ước rằng một nửa trong số đó thú vị bằng một nửa Babbitt mà thôi.

    Đóng góp vào sự lí thú của nhân vật này cũng như các nhân vật khác được nhắc tới trong tác phẩm là tài năng ngôn ngữ vô song của Lewis. Thí dụ, hãy lắng nghe một cuộc nói chuyện của những người chào hàng đang ngồi với nhau trên một chuyến tàu tốc hành New York. Một vầng hào quang không thể ngờ bao trùm lên nghề bán hàng: "Đối với họ, người anh hùng lãng mạn từ nay không còn là chàng hiệp sĩ, nhà thơ lãng du, người chăn bò, phi công hay Ngài công tố viên trẻ tuổi dũng cảm của hạt ta nữa, mà đó phải là Ngài giám đốc bán hàng vĩ đại, người có Bản Phân tích Mại vụ trên chiếc bàn mặt kính, với tước hiệu cao quí, người dám nghĩ dám làm, người đã dâng hiến bản thân và tất cả các samurai trẻ trung của mình cho mục đích bán hàng hoàn vũ - không phải bán cái gì đó cho người nào đó mà chỉ là bán hàng thuần tuý."

    Arrowsmith (1925) là một tác phẩm mang tính nghiêm túc hơn. Lewis đã cố gắng mô tả nghề y học và khoa học dưới mọi khía cạnh. Như ta đã biết, những nghiên cứu của người Hoa Kì về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, vật lí, hoá học và y học được xếp vào hàng ưu tú nhất thời nay và nhiều lần được thừa nhận tại chính Viện Hàn lâm này. Những nguồn lực khổng lồ đã được Hoa Kì huy động để phục vụ cho khoa học. Những cơ sở nghiên cứu được trang bị dồi dào không ngừng hoạt động.

    Thậm chí ở đây cũng có những kẻ đầu cơ muốn lợi dụng các thành quả nghiên cứu, điều này coi như không tránh khỏi. Giới doanh nghiệp tư nhân săn đón những khám phá khoa học và muốn ứng dụng chúng để thủ lợi trước khi có kiểm nghiệm và công nhận chính thức. Trong truyện, một nhà vi khuẩn học đã nghiên cứu hết sức cẩn thận trong việc tìm ra các loại vắc xin để chữa trị những căn bệnh lây lan, nhưng nhà hoá học sản xuất lập tức muốn vội vàng cướp lấy để đưa vào sản xuất hàng loạt.



    tuanz
     
    Phạm Việt Hoàng thích bài này.
  3. Foli

    Foli Lớp 11

    Dưới sự dìu dắt của một giáo viên tài giỏi và tận tâm, Martin Arrowsmith trở thành một trong các nhà khoa học theo chủ nghĩa lí tưởng. Bi kịch cuộc đời của nhà nghiên cứu là sau khi tìm ra một khám phá quan trọng, ông đã trì hoãn thông báo phát hiện này vì muốn kiểm tra đi kiểm tra lại cho tới khi ông ta nhận ra rằng nó đã được một người Pháp công bố trước ở Viện Pasteur.

    Cuốn sách là bộ sưu tập phong phú các loại nhân vật trong y giới. Chúng ta như nghe thấy tiếng vọng từ giảng đường y khoa, nơi các giáo sư đang tranh luận thú vị với nhau. Rồi cả người bác sĩ nông thôn khiêm nhường trong tác phẩm Main Street, lấy việc hoà nhập với các bệnh nhân của mình làm vinh dự và trở thành chỗ dựa, niềm khuây khỏa cho họ. Chúng ta cũng bắt gặp cả con người khôn ngoan đã tổ chức nên hệ thống y tế cộng đồng và phúc lợi xã hội, người có được uy tín trong nhân dân cũng như giới chính trị. Tiếp đó, chúng ta bắt gặp những học viện lớn, ở đó đội ngũ nghiên cứu làm việc có vẻ như cực kì độc lập, nhưng kì thực lại dưới sự quản lí mà ở một mức độ nào đó phải tính đến những lợi ích của các nhà tài trợ, buộc các nhân viên phải làm việc vì danh dự của viện.

    Trong số các nhân vật tiêu biểu này, nổi bật lên hình ảnh người thầy Gottlieb của Arrowsmith, một người lưu vong Do Thái gốc Đức. Nhân vật này được miêu tả một cách nồng nhiệt và ngưỡng mộ, khiến ta nghĩ răng đó là một mẫu người có trong đời thực. Ông là người phục vụ hết sức trung thành cho khoa học nhưng đồng thời cũng là một phần tử vô chính phủ bi phẫn và ghét đời, kẻ luôn luôn ngờ vực rằng liệu loài người có đáng để ông ta giết chừng ấy con vật thí nghiệm hay không. Ngoài ra, chúng ta gặp vị bác sĩ người Thụy Điển tên là Gustaf Sondelius, một người khổng lồ luôn rạng rỡ nụ cười. Với lời ca tiếng hát và lòng dũng cảm, ông truy đuổi căn bệnh dịch hạch trên khắp thế giới tới tận hang ổ của chúng, tiêu diệt những con chuột độc, đốt trụi những ngôi làng lây nhiễm và giảng giải nguyên tắc của ông ta rằng: vệ sinh định ra để tiêu diệt nghệ thuật y học.

    Được triển khai song song là câu chuyện về Martin Arrowsmith. Lewis quá thông minh để tạo ra một nhân vật không bợn tì vết nào. Martin phạm những lầm lỗi mà dường như đôi khi trở thành vật cản cho bước tiến của ông với tư cách một nhà khoa học hay một con người. Là một thanh niên làm việc không biết mệt mỏi nhưng lại thiếu quả quyết, ông ta đã tìm được sự giúp đỡ hết mình từ một người phụ nữ nhỏ bé mà ông ta gặp ở một bệnh viện, nơi cô chỉ làm một y tá tầm thường. Khi anh bắt đầu cuộc sống lang bạt khắp đất nước như một sinh viên y khoa không thành đạt, ông đã đến thăm cô tại một ngôi làng nhỏ mãi tận miền Viễn Tây và cô đã trở thành vợ ông. Ấy là một tâm hồn giản dị và tận tuỵ, không bao giờ đòi hỏi điều gì mà chỉ nhẫn nại chờ đợi trong nỗi cô đơn khi người chồng bị nữ thần khoa học cuốn hút và đã lạc lối vào mê cung sự nghiệp.

    Sau này, cô theo chồng và Sondelius đến một hòn đảo bị bệnh dịch, nơi Arrowsmith muốn thử nghiệm loại huyết thanh do ông tìm ra. Trong khi người chồng mải mê chạy theo một nữ thần khác trần tục hơn nữ thần khoa học thì cái chết của cô trong một túp lều hoang giống như hồi kết đầy chất thơ của một cuộc đời đàn bà chỉ biết đến hi sinh. Tác phẩm tràn đầy những kiến thức đáng khâm phục, được các chuyên gia đánh giá là chính xác. Mặc dù là bậc thầy của những lời văn hết sức bay bổng, nhưng Lewis không bao giờ tỏ ra hời hợt khi nói về nền tảng nghệ thuật của ông. Ông nghiên cứu các chi tiết luôn luôn cẩn thận và tỉ mỉ giống hệt như cách nghiên cứu của một nhà khoa học, như Arrowsmith hay Gottlieb. Trong tác phẩm này, Lewis đã xây dựng một đài tưởng niệm cho nghề nghiệp của cha mình, nghề thầy thuốc, mà đại diện không phải là một tên lang băm hay một kẻ giả mạo nào đó.

    Tiểu thuyết lớn của ông, Elmer Gantry (1927), giống như cuộc phẫu thuật lên một trong những bộ phận phức tạp nhất trên cơ thể xã hội. Chẳng nên tầm nã đạo đức Thanh giáo ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng ta có thể thấy ở một vài vùng đất cổ của Hoa Kì, tàn dư của một giáo phái cho rằng tái hôn là một tội lỗi, một khi Chúa đã thích người ta phải ở góa, và rằng cho vay lấy lãi là độc ác. Nhưng mặt khác Hoa Kì không hề nghi ngờ rằng cần làm dịu niềm tin tôn giáo cứng nhắc của họ.

    Những nhà truyền giáo như Elmer Gantry phổ biến đến mức nào thì chúng ta không biết. Lối rao giảng hung hăng gà chọi ("Hello, ông Quỷ sứ") hay cách quyên tiền rất hiệu quả của ông ta ở nhà thờ cũng không thể che dấu được sự thật đáng buồn: ông ta là kẻ lập dị đáng ghét. Lewis không muốn mà cũng không thể tạo cho nhân vật này những nét hấp dẫn. Nhưng xét về nghệ thuật miêu tả thì cuốn sách là một kì công về sức mạnh, tính chân thực và hùng tráng. Lối trào phúng u sầu và đầy hương vị đạt tới hiệu quả chết người. Không cần thiết phải chỉ ra rằng thói đạo đức giả đang lấn lướt hơn ở vài nơi và bất cứ ai muốn tấn công nó sẽ phải đối mặt với một con quái vật nhiều đầu hết sức nguy hiểm.

    Tác phẩm gần đây nhất của Sinclair Lewis là Dodsworth (1929). Trong tác phẩm này, chúng ta được ghé mắt nhìn vào một gia đình thuộc loại quí tộc bậc nhất ở Zenith - giai cấp mà những người như Babbitt không bao giờ được chấp nhận. Ở Hoa Kì, "quí tộc bậc nhất" thường có nghĩa là "giàu có nhất", nhưng Sam Dodsworth thì vừa quí tộc lại vừa giàu. Thậm chí sau 300 năm ông vẫn cảm thấy dòng máu Anh chảy trong huyết quản của mình và muốn biết về mảnh đất của tổ tiên. Ông ta là một người Hoa Kì chứ không phải một phần tử sôvanh hiếu chiến. Đi cùng với ông là cô vợ Fran. Cô hơn 40 tuổi trong khi ông 50. Cô có một vẻ đẹp lạnh lùng, "trong trắng như gió mùa đông" mặc dù sinh nở nhiều lần. Trong bối cảnh châu Âu, cô nở rộ như một đoá hoa rực rỡ sang trọng, bộc lộ mình trong thói phù phiếm, lạc thú và tính vị kỉ. Cô đã đi quá đà khiến người đàn ông lặng lẽ yêu cô đành phó thác cô cho định mệnh.

    Khi còn lại một mình, ông ngẫm ngợi vấn đề "châu Âu-châu Mĩ" và vì là một nhà kinh doanh thực thụ, ông muốn thanh toán nợ nần với cả hai phía. Ông nghĩ nhiều chuyện, trung thực và không định kiến. Một trong những điều ông nhận xét là đất châu Âu có một cái gì đó thật yên tĩnh của thuở xa xưa mà những người suốt đời săn đuổi kỉ lục của Hoa Kì coi rẻ. Còn Hoa Kì là đất của tuổi trẻ và những cuộc thử nghiệm táo bạo. Và khi ông trở về đó, chúng ta hiểu rằng trái tim của Sinclair Lewis cũng đi theo.

    Vâng, Sinclair Lewis là một người Hoa Kì. Ông viết bằng thứ tiếng mới - tiếng Hoa Kì - giống như 120.000.000 đồng bào mình. Ông yêu cầu chúng ta đừng coi dân tộc này là hoàn thiện hay đồng nhất, mà nó vẫn đang trong những năm tháng của thời thanh niên hăng hái.

    Nền văn học mới vĩ đại Hoa Kì bắt đầu bằng sự tự phê bình dân tộc. Đó là dấu hiệu lành mạnh. Sinclair Lewis có may mắn được khai phá mảnh đất của mình không chỉ bằng đôi tay vững chãi mà còn bằng nụ cười luôn nở trên môi và tuổi trẻ luôn ở trong tim. Ông có phong cách của một người mới lập nghiệp, đưa những mảnh đất mới vào canh tác. Ông chính là một người tiên phong.

    Thưa Ngài Lewis! Tôi đã nói về Ngài với cử toạ bằng một ngôn ngữ mà Ngài không hiểu. Tôi có thể lạm dụng cơ hội này để nói xấu Ngài, nhưng tôi không làm như vậy. Tôi nói về Ngài như một thủ lĩnh trẻ trung, sung sức của nền văn học Hoa Kì vĩ đại. Hơn thế nữa, Ngài là một nhân vật đặc biệt đối với trái tim Thụy Điển. Ngài đã được sinh ra giữa những đồng bào của chúng tôi ở Hoa Kì và Ngài đã thân ái nhắc đến họ trong những cuốn sách nổi tiếng của Ngài. Chúng tôi sung sướng được thấy Ngài ở đây ngày hôm nay và vui mừng được tặng Ngài vòng nguyệt quế của dân tộc chúng tôi. Bây giờ tôi xin kính mời Ngài lên nhận nó từ tay Hoàng thượng.

    Trần Việt Hưng và Tân Đôn dịch

    tuan
    z
     
  4. Foli

    Foli Lớp 11

    Diễn từ Nobel của Sinclair Lewis
    =============


    Nỗi e sợ văn chương của người Mỹ


    Nếu phải bày tỏ sự vui sướng và vinh dự của mình khi nhận giải Nobel Văn học, tôi nên tỏ ra kiêu ngạo hoặc có thể hờ hững, nhưng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi chỉ bằng một câu nói đơn giản "Xin cảm ơn các vị".

    Trong bài phát biểu này, tôi muốn xem xét một số xu hướng, một số nguy cơ cũng như những triển vọng xán lạn của nền văn học Hoa Kì đương đại. Để bàn về vấn đề này một cách thật sự thẳng thắn - dù thế nào, tôi cũng không được xúc phạm quý vị nếu không tuyệt đối trung thực, dẫu lời của tôi có khó nghe thế nào đi nữa -, tôi sẽ cần phải đôi chút khiếm nhã đối với một số thể chế và cá nhân nhất định của chính đất nước vô vàn yêu quí của tôi.

    Nhưng tôi mong quí vị tin, rằng trong bất kì trường hợp nào, tôi cũng không [viết để] thỏa mãn một nỗi oán hận. Số phận dường như luôn mỉm cười với tôi. Tôi chẳng biết gì lắm về đấu tranh, chẳng mấy khi chịu cảnh nghèo khó, luôn luôn gặp được những con người hào phóng. Đôi khi, người ta lên án những quyển sách tôi viết hay bản thân tôi một cách có phần cuồng nhiệt – có một mục sư mẫu mực ở California, sau khi đọc tác phẩm Elmer Gantry của tôi, đã muốn cầm đầu một đám đông để xử tử tôi theo kiểu lynch.

    Một người mộ đạo khác ở bang Maine thì băn khoăn chẳng lẽ lại không có cách nào đúng đắn và chính đáng để tống tôi vào khám. Và càng khó chịu đựng hơn bất cứ sự chỉ trích dữ dội nào khi một nhóm người quen cũ trong đám nhà báo, những người mà tiếng lóng Mỹ của chúng tôi goị là "I Knew Him When Club" (Tôi biết anh ta từ những ngày đầu lập hội) đã viết rằng do họ biết tôi với tư cách cá nhân, cho nên tôi chỉ là một phường thấp kém và chắc chắn không phải là nhà văn. Nhưng nếu thỉnh thoảng tôi vẫn bị ném gạch vào mặt để cổ vũ như vậy thì tôi, kẻ cũng đã tự mình ném đi không ít gạch, sẽ là ngu ngốc nếu cho rằng người ta sẽ không ném trả lại tôi cũng một số gạch kha khá.

    Không, tôi không có gì phải phàn nàn về bản thân. Nhưng đối với văn học Hoa Kì nói chung và vị thế của nó trong một đất nước nơi mà khoa học, tài chính và quá trình công nghiệp hoá đang bùng nổ còn những môn nghệ thuật duy nhất được coi là thiết yếu và được tôn trọng là kiến trúc và phim ảnh, tôi có không ít điều phải phàn nàn Tôi có thể minh hoạ bằng một sự việc tình cờ liên quan đến Viện Hàn lâm Thuỵ Điển và bản thân tôi xảy ra cách đây vài ngày, ngay trước khi tôi lên tàu tại thành phố New York để tới Thuỵ Điển. Có một quí ông người Hoa Kì cao tuổi nhã nhặn và uyên bác, từng là mục sư, giáo sư đại học và nhà ngoại giao. Ông là thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Hoa Kì và không ít trường đại học đã trao bằng danh dự cho ông. Ông còn là một nhà văn được biết đến chủ yếu qua các bài luận ngắn khôi hài về thú câu cá. Tôi không cho rằng những ngư dân chuyên nghiệp, người sống nhờ vào những đàn cá tuyết hay cá trích, lại thấy nghề của mình là một công việc đầy thú vị. Nhưng khi còn nhỏ, tôi đã đọc những bài tiểu luận này và học được rằng thú câu cá có cái gì đó rất quan trọng và có tính tinh thần, nếu bạn không có một nhu cầu cụ thể nào để [buộc phải] làm việc đó.

    Vị học giả này công khai nói rằng việc trao giải Nobel cho một người đã nhạo báng các học viện của Hoa Kì như tôi chẳng khác nào Hội đồng Nobel và Viện Hàn lâm Thụy Điển sỉ nhục Hoa Kì. Tôi không biết liệu ông ta, nguyên là một nhà ngoại giao, có định tổ chức một xì căng đan quốc tế không, hay có thể yêu cầu chính phủ Hoa Kì đổ lính thủy quân lục chiến lên Stockholm để bảo vệ quyền văn chương của Hoa Kì, song tôi hi vọng là không.

    Lẽ ra tôi có thể cho rằng đối với một người uyên bác từng nhận bằng tiến sĩ thần học, tiến sĩ văn chương và nhiều bằng cấp cao quí khác mà tôi chưa được biết, vấn đề lẽ ra có thể khác; lẽ ra tôi có thể cho rằng ông ta sẽ lập luận: "Mặc dù về mặt cá nhân, tôi không thích những cuốn sách của người này, tuy nhiên, khi chọn ông ta, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã làm rạng danh Hoa Kì và hiểu rằng người Hoa Kì không còn là một bộ lạc hẻo lánh và khờ khạo, thấp kém đến mức sợ những lời chỉ trích, mà là một quốc gia đã trưởng thành và có thể nhìn nhận một cách bình tĩnh và chín chắn bất kì sự mổ xẻ nào về đất nước của họ, cho dẫu là nhạo báng".

    Thậm chí, lẽ ra tôi có thể cho rằng một học giả có tầm cỡ quốc tế như ông phải tin là xứ Scandinavie, từng quen thuộc với các tác phẩm của Strindberg, Ibsen và Pontoppidan sẽ không bị sốc chỉ bởi một nhà văn khẳng định theo lối vô chính phủ rằng Hoa Kì, với tất cả sự giàu có và quyền lực của nó, vẫn chưa sản sinh được một nền văn minh đủ tốt để làm hài lòng những mong muốn sâu kín nhất của con người.

    Tôi tin rằng Strindberg hiếm khi hát ngợi ca "Ngọn cờ lấp lánh vì sao" hay viết về Rotary Clubs , nhưng ông vẫn sống mãi trong lòng người dân Thuỵ Điển.

    Tôi quá dài dòng khi bàn luận về lời chỉ trích của một người câu cá có học thức không phải vì bản thân nó có tầm quan trọng đáng kể, mà bởi lẽ nó minh chứng một thực tế là ở Hoa Kì hầu hết mọi người - không chỉ độc giả mà cả nhà văn - vẫn còn e ngại loại văn học không ca tụng tất cả những gì là Hoa Kì, ca tụng cả những lỗi lầm lẫn đức hạnh của người Mỹ chúng tôi. Để không chỉ là một nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất mà còn được thật sự yêu mến, nhà tiểu thuyết phải khẳng định rằng tất cả đàn ông Hoa Kì đều cao lớn, đẹp trai, giàu có, trung thực, và chơi gôn giỏi; rằng các thị trấn ở nông thôn chỉ toàn những người hàng xóm ngày này qua ngày khác không làm gì ngoài việc đối xử tốt với nhau; rằng mặc dù các cô gái Hoa Kì có thể hoang dã, họ luôn thay đổi để trở thành những người vợ hiền, người mẹ tốt; và về mặt địa lí, Hoa Kì chỉ bao gồm New york, mảnh đất của những triệu phú; rằng miền Tây vẫn giữ nguyên chủ nghĩa anh hùng dữ dội của năm 1870, còn ở miền Nam mọi người sống trong những đồn điền lúc nào cũng ngập tràn ánh trăng dịu mát và thơm mùi hương nồng nàn của hoa mộc lan.


    tuanz
     
    Phạm Việt Hoàng thích bài này.
  5. Foli

    Foli Lớp 11

    Ngày nay, những tiểu thuyết gia của chúng tôi mà các vị đã được đọc ở Thuỵ Điển như Theodore Dreiser và Willa Cather chắc chắn là nổi tiếng và có ảnh hưởng ở Hoa Kì hơn nhiều so với hai mươi năm trước đây. Cũng theo vị viện sĩ Hàn lâm đáng kính có thú câu cá mà tôi đã nhắc đến, chúng tôi vẫn kính trọng các nhà văn viết cho các tạp chí nổi tiếng hơn cả, họ hát trong dàn hợp xướng bài thánh ca khai trí đầy nhiệt huyết rằng Hoa Kì với 120 triệu dân vẫn giản dị mộc mạc - như bức hoạ đồng quê, y như khi chỉ có 40 triệu dân; rằng ở một nhà máy công nghiệp với mười ngàn công nhân, mối quan hệ chủ thợ vẫn thuận hoà và đơn giản như trong một nhà máy vào năm 1840 có năm công nhân; rằng mối quan hệ cha con, vợ chồng trong một căn hộ ở toà nhà ba mươi tầng ngày nay, với ba chiếc ô tô luôn túc trực ở tầng trệt, năm quyển sách trên giá trong thư viện và tuần tới hai vợ chồng sẽ li hôn, vẫn giống hệt mối quan hệ trong một túp lều năm buồng được trang trí bằng hoa hồng vào năm 1880; rằng Hoa Kì đã trải qua một sự đổi thay mang tính cách mạng từ một nước thuộc địa quê mùa trở thành nước bá chủ thế giới mà không cần thay đổi chút gì trong sự mộc mạc đồng quê nhưng khắt khe Thanh giáo của Chú Sam.

    Thật sự tôi rất biết ơn Ngài viện sĩ Hàn lâm có thú câu cá về việc đã chỉ trích tôi. Bởi lẽ, là thành viên hàng đầu của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Hoa Kì, ông đã giải thoát cho tôi, đã cho tôi được quyền nói một cách thẳng thắn về Viện Hàn lâm đó đúng như cách ông ta nói về tôi. Và trong bất cứ nghiên cứu nghiêm túc nào về giới trí thức Hoa Kì ngày nay, người ta không thể không xét đến cái học viện kì dị đó.

    Tuy nhiên, trước khi đánh giá Viện Hàn lâm đó, cho phép tôi được phác hoạ một hình ảnh tưởng tượng mà tôi rất lấy làm hài lòng trong vài ngày qua, trong thời giờ nhàn rỗi tất yếu của chuyến đi đầy trắc trở trên Đại Tây Dương. Tôi tin chắc rằng giờ đây quí vị đều biết giải thưởng Nobel được trao cho tôi chẳng có một vị thế gì trên đất Hoa Kì. Hiển nhiên, điều này chẳng có gì mới đối với quý vị. Tôi đồ rằng khi quí vị trao giải thưởng cho Thomas Mann, tác giả cuốn Zauberberg mà với tôi dường như bức tranh toàn diện về châu Âu trí thức, cả khi các vị trao giải cho Kipling, người có ảnh hưởng sâu rộng đến mức người ta từng nói có phần trịch thượng rằng ông đã sáng tạo ra Đế quốc Anh, thậm chí khi các vị trao giải cho Bernard Shaw, đã có rất nhiều người đồng hương của các tác giả này phàn nàn vì các Ngài đã không chọn người khác. Và tôi đã tưởng tượng liệu người ta sẽ nói gì nếu các vị chọn một người Hoa Kì khác chứ không phải tôi. Giả dụ các vị chọn Theodore Dreiser.

    Giờ đây đối với tôi, cũng như đối với nhiều nhà văn Hoa Kì khác, Dreiser hơn tất cả, một mình đi trên đường, thường xuyên bị đánh giá thấp, nhiều khi bị ghét bỏ, đã xoá sạch dấu vết nỗi nhút nhát và quí phái nửa mùa của thời đại Victoria và Howellsia trong tiểu thuyết Hoa Kì để hướng tới sự trung thực, táo bạo và lòng đam mê cuộc sống. Nếu không có sự tiên phong của ông, tôi nghi ngờ liệu có ai trong [người Mỹ] chúng tôi dám tìm cách diễn tả cuộc sống, cái đẹp và nỗi khiếp sợ, trừ khi chúng tôi thích bị tống vào tù.

    Người đồng nghiệp vĩ đại của tôi, Sherwood Anderson đã tuyên bố vai trò tiên phong của Dreiser. Tôi vui sướng đồng tình với ông. Tiểu thuyết lớn đầu tiên của Dreiser, Sister Carrie (Chị Carrie) mà ông dám xuất bản cách đây 30 năm và tôi đọc cách đây 20 năm, đã thổi tới nước Hoa Kì gò bó và ngột ngạt một làn gió phương Tây thoáng mát tự do, nó cũng thổi vào ngôi nhà thiếu khí của chúng tôi một luồng không khí trong lành đầu tiên kể từ thời Mark Twain và Whitman.

    Nếu các vị trao giải cho Dreiser, các vị có thể sẽ nghe thấy những lời lầm rầm phản đối từ Hoa Kì, các vị có thể nghe thấy rằng phong cách của ông - tôi không chắc lắm cái từ "phong cách" kì bí này là cái gì, nhưng tôi hay gặp từ này trong bài viết của các nhà phê bình tép riu đến nỗi tôi cho tin là nó phải có thật - các vị có thể nghe được rằng phong cách đó hết sức vụng về, rằng cách ông chọn từ không được tinh tế lắm, rằng sách của ông quá dài dòng. Và các học giả đáng kính chắc chắn sẽ phàn nàn rằng trong thế giới của ông Dreiser, đàn ông và đàn bà thường đầy tội lỗi, bi thảm và tuyệt vọng, thay vì họ luôn luôn tươi cười, ngập tràn baì hát và đức hạnh, đúng như những người Hoa Kì thứ thiệt.

    Và nếu quí vị chọn trao giải cho ông Eugene O’Neill, người chẳng làm gì nhiều cho sân khấu kịch của Hoa Kì ngoài việc chuyển đổi nó hoàn toàn, trong vòng mươi mười hai năm, từ một thế giới giả dối đầy xảo xá, lừa lọc tinh vi thành một thế giới rực rỡ, đáng kính sợ và vĩ đại; các vị hẳn không quên ông còn làm một việc thậm tệ hơn nhạo báng nhiều - ông đã nhìn thấy cuộc sống không được sắp đặt gọn gàng như công trình nghiên cứu của một học giả mà đầy khiếp sợ, tráng lệ, và thường là một điều khủng khiếp na ná cơn sóng thần, trận động đất, vụ hoả hoạn có sức tàn phá ghê gớm..

    Và nếu các vị trao Giải Nobel cho ông James Branch Cabell, người ta sẽ nói với quí vị rằng ông ấy quá đỗi hiểm độc. Cũng vậy, người ta sẽ nói với các vị rằng cô Willa Cather, dẫu từng mô tả bao nhiêu đức tính giản dị trong các tiểu thuyết về những nông dân ở Nebraska, [nhưng] trong tiểu thuyết The Lost Lady (Thiếu nữ mất tích) đã dối trá về cái đức hạnh hiển nhiên, bất diệt và có lẽ là nhạt nhẽo của nước Mỹ khi cô vẽ nên một phụ nữ bị ruồng bỏ nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng, quyến rũ lạ kì ngay cả với những người đức hạnh, trong một câu chuyện hoàn toàn vô đạo đức; rằng ông Henry Mencken là người tồi tệ nhất trong tất cả những kẻ chuyên nhạo báng; rằng ông Sherwood Anderson đã mắc sai lầm tai hại khi coi tình dục là một động lực sống cũng quan trọng như câu cá; rằng ông Upton Sinclair, với tư cách một người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, đã phạm tội chống lại tính hoàn hảo của nền sản xuất tư bản đại trà của Hoa Kì; rằng ông Joseph Hergesheimer không phải là người Hoa Kì khi ông coi phong thái trang nhã cũng như vẻ đẹp bề ngoài là ít nhiều quan trọng trong sự kéo lê cuộc sống hàng ngày; và rằng ông Ernest Hemmingway không chỉ quá trẻ, mà, tồi tệ hơn, ông sử dụng những ngôn từ hoàn toàn xa lạ đối với quí ông lịch sự; rằng ông coi việc say rượu là một trong những phương cách vĩnh cửu để đạt được hạnh phúc và khẳng định rằng một người lính có thể thấy tình yêu có ý nghĩa hơn nhiều so với chuyện tàn sát con người trong chiến trận.

    Vâng, họ xấu xa, những đồng nghiệp của tôi. Các vị chọn họ hay chọn tôi đều phạm sai lầm cả, và là một người Hoa Kì sô vanh - tôi nhắc để các vị nhớ lại, chỉ như một người Hoa Kì của năm 1930 chứ không phải của năm 1880, tôi rất tự hào vì họ là những người đồng hương của tôi, và tôi có thể nói về họ với niềm tự hào giống như châu Âu hãnh diện nhắc đến những cái tên Thomas Mann, H.G.Wells, Galsworthy, Knut Hamsun, Arnold Bennett, Feuchtwanger, Selma Lagerlửf, Sigrid Undset, Verner von Heidenstam, D’Annunzio, Romain Rolland.

    Trong bài viết này, tôi không thể tránh khỏi việc chuyển liên tục từ bi quan sang lạc quan và ngược lại, đó là điều mà bất kì ai viết và nói về Hoa Kì đều gặp phải - vùng đất nghịch lí nhất, gây thất vọng nhất, sôi động nhất trên thế giới ngày nay.

    Như vậy, sau khi đọc cả một danh sách những người mà với tôi là tác giả vĩ đại trong nền văn học Hoa Kì đương đại với niềm tự hào không giấu giếm, và cũng đã bỏ qua hàng chục tên tuổi khác mà đáng lẽ tôi đã khoe khoang về họ nếu có đủ thời gian, tôi phải quay trở lại một lần nữa và tái khẳng định rằng trong nền văn học Hoa Kì đương thời, và trong tất cả các bộ môn nghệ thuật của Hoa Kì, trừ kiến trúc và phim ảnh, chúng tôi - vâng, chúng tôi, những kẻ có những chuẩn mực quan trọng và mạnh mẽ trong thương mại và khoa học - lại chẳng có chuẩn mực gì, chẳng có phương thức giao thiệp nào khả dĩ chữa lành [những vết thương], không một anh hùng nào làm gương sáng để noi theo, cũng chẳng có một kẻ bất lương nào để kết tội, không có phương hướng để đi, cũng chẳng có con đường nguy hiểm nào cần tránh.

    tuanz
     
    Phạm Việt Hoàng thích bài này.
  6. Foli

    Foli Lớp 11

    Các tiểu thuyết gia, các thi sĩ Hoa Kì, nhà soạn kịch, nhà điêu khắc hay các hoạ sĩ tự mình làm việc trong bối rối, không có sự trợ giúp nào ngoại trừ sự chính trực của bản thân.

    Tất nhiên, đó là số mệnh của nghệ sĩ. Kẻ phạm tội lang thang cầu bất cầu bơ Francois Villon chắc chắn không thể có một nơi trú ẩn tiện nghi để mà mãn nguyện, bên cạnh là những quí cô tao nhã cầm tay và an ủi tâm hồn đói khát cũng như cơ thể còn đói khát hơn của anh ta. Anh ta, một người thực sự vĩ đại, đuợc số trời định đoạt sẽ sống thọ hơn tất cả các công tước và các đức hồng y trong lịch sử, những người có những bộ áo choàng mà anh bị coi là không xứng đáng chạm tay vào, cuối cùng lại phải chịu gắn chặt số mệnh vào chốn bùn lầy nước đọng và những mẩu bánh khô.

    Sự nghèo đói như vậy không phải dành cho một nghệ sĩ Hoa Kì. Thực sự, người ta trả cho chúng tôi quá nhiều. Nhà văn nào không có quản gia, ô tô và nhà lầu ở bãi biển Palm nơi anh ta có thể trà trộn bằng vai phải lứa với những ông vua tư bản ngân hàng, đích thị là một nhà văn thất bại. Nhưng anh ta sẽ bị dằn vặt bởi một điều còn tồi tệ hơn cả nghèo đói - bởi cái cảm giác rằng những gì anh ta sáng tạo ra chẳng có ý nghĩa gì, rằng độc giả chờ đợi anh ta chỉ là một tay thợ trang trí hay một anh hề, hoặc rằng anh ta được mọi người chấp nhận một cách độ lượng là một kẻ chuyên nhạo báng mà tiếng sủa nguy hiểm hơn miếng cắn và có lẽ anh ta là một người vốn dĩ hiền lành, người mà trong bất kì trường hợp nào cũng không màng đến những mảnh đất nơi cho ra những toà nhà tám mươi tầng, những chiếc ô tô hàng triệu đô la, và hàng tỉ thùng lúa mì nữa. Và anh ta chẳng có một tổ chức nào, một hội nhóm nào để có thể dựa vào tìm cảm hứng, một tổ chức hay hội nhóm có thể phê bình để anh ta tâm phục và đưa ra những lời ngợi khen quý báu đối với anh ta .

    Chúng tôi có những tổ chức gì?

    Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Hoa Kì thuộc loại tổ chức đó, cùng với một vài hoạ sĩ, kiến trúc sư và các chính khách xuất chúng, hiệu trưởng trường đại học danh tiếng như Nicholas Murray Butler, vị học giả đáng kính và dũng cảm Wilbur Cross, vài nhà văn hạng nhất như nhà thơ Edwin Arlington Robinson và Robert Frost, nhà quảng cáo có tư tưởng tự do James Truslow Adams, và các tiểu thuyết gia Edith Wharton, Hamlin Garland, Owen Wister, Brand Whitlock, và Booth Tarkington.

    Nhưng nó không bao gồm Theodore Dreiser, Henry Mencken hay George Jean Nathan, nhà phê bình sắc sảo nhất của chúng tôi, tuy còn trẻ nhưng chắc chắn là người đứng đầu trong các nhà phê bình kịch của chúng tôi, Eugene O'Neill, một nhà viết kịch xuất sắc có một không hai, một thi sĩ độc đáo và có nhiều đóng góp quan trọng, Edna St. Vincent Millay và Carl Sandburg, Robinson Jeffers và Vachel Lindsay, Edgar Lee Masters, người có tác phẩm Spoon River Anthology (Hợp tuyển về dòng Spoon) với phong cách hoàn toàn khác so với các tác phẩm thơ từng xuất bản, rất mới mẻ, đầy quyền uy, thoát khỏi mò mẫm rụt rè, giống như một sự khám phá và tạo ra một trường phái mới trong thơ ca Hoa Kì. Nó cũng không bao gồm những nhà văn viết tiểu thuyết và truyện ngắn Willa Cather, Joseph Hergesheimer, Sherwood Anderson, Ring Lardner, Ernest Hemingway, Louis Bromfield, Wilbur Daniel Steele, Fannie Hurst, Mary Austin, James Branch Cabell, Edna Ferber và cũng không có Upton Sinclair - người mà các vị phải thừa nhận, dù các vị ngưỡng mộ hay ghê tởm chủ nghĩa xã hội hiếu chiến của ông ta, họ vẫn là những người nổi tiếng trên thế giới hơn bất kì một nghệ sĩ Hoa Kì nào khác, dù là tiểu thuyết gia, thi sĩ, hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ hay kiến trúc sư.

    Tôi đáng lẽ không nên mong đợi một Viện Hàn lâm nào may mắn có được tất cả những con người như vậy, nhưng một viện không có được người nào như thế sẽ tự cắt rời mình khỏi những gì sống động, mãnh liệt và độc sáng trong văn chương Hoa Kì, Viện đó sẽ không còn có mối liên hệ nào với cuộc sống và khát vọng của chúng tôi. Nó không đại diện cho văn học Hoa Kì đương đại - nó chỉ đại diện cho Henry Wadsworth Longfellow. Cuối cùng, ta có thể trả lời rằng Viện Hàn lâm bị hạn chế trong số lượng năm mươi thành viên nên đương nhiên nó không thể có được tất cả những người xứng đáng. Nhưng thực tế là trong số hầu hết những con người vĩ đại ít ỏi bị gạt ra ngoài, Viện Hàn lâm lại có chỗ dành cho ba nhà thơ tồi phi thường, hai nhà soạn kịch ướt át, tầm thường, hai quí ông được mọi người biết đến chỉ vì họ là hiệu trưởng các trường đại học, một người cách đây ba mươi năm được biết đến là khá thông minh, là một người vẽ thiết kế hài hước, và một vài người khác - tôi phải đau buồn thú nhận sự thờ ơ của mình - tôi chưa bao giờ được nghe nói về họ.

    Một lần nữa hãy để tôi nhấn mạnh một thực tế - vì đó là thực tế - rằng tôi không đả kích Viện Hàn lâm Hoa Kì. Đó là một tổ chức thân thiện, hào phóng và dứt khoát có phẩm cách. Viện Hàn lâm cũng chẳng có lỗi gì khi nó không có được những con người danh tiếng trong văn chương nước nhà. Đôi khi đó là lỗi của chính các nhà văn này. Tôi không thể tưởng tượng được rằng con gấu xám bắc cực Theodore Dreiser lại có thể thoải mái tại những bữa tối thanh bình kiểu Athens của Viện Hàn lâm, và nếu họ mời Mencken, anh ta có thể làm cho họ nổi khùng lên với những lời giễu cợt chua cay. Không, tôi không đả kích - tôi đang miễn cưỡng phải xét đến Viện Hàn lâm vì đó là một ví dụ hoàn hảo của sự tách rời đời sống trí thức của người Hoa Kì khỏi những chuẩn mực thực thụ về tầm quan trọng và tính hiện thực.

    Các trường đại học và cao đẳng của chúng tôi, hoặc các trường trung học, phần lớn đều cho thấy sự tách rời tương tự. Tôi có thể nghĩ tới bốn trường: trường Cao đẳng Rollins ở Florida, trường Cao đẳng Middlebury ở Vermont, trường Đại học Michigan và trường Đại học Chicago - trường đã có các sinh viên tiêu biểu như tiểu thuyết gia xuất sắc Robert Herrick và nhà phê bình dũng cảm Robert Morss Lovett theo học. Cả bốn trường này đều thể hiện mối quan tâm đích thực tới nền văn học sáng tạo hiện đại.

    Nhưng ở Hoa Kì, các trường đại học, cao đẳng, các nhạc viện và các trường giảng dạy về thần học, về hệ thống giao thông công chính và thiết kế biển quảng cáo cũng dày đặc như mạng lưới giao thông vậy. Bất cứ khi nào các vị nhìn thấy một toà nhà công cộng với kiểu kiến trúc gô-tic dựa trên phần bề mặt vững chắc bằng bê tông kiểu ấn Độ, các vị có thể chắc rằng đó lại là một trường đại học khác, với khoảng từ hai mươi tới hai trăm ngàn sinh viên đang hăng hái như nhau trong việc né tránh những bất lợi của việc trở thành người có học vấn và trong việc giành lấy uy tín xã hội có được nhờ một tấm bằng cử nhân.

    tuanz
     
    Phạm Việt Hoàng thích bài này.
  7. Foli

    Foli Lớp 11

    Ôi! về mặt xã hội, các trường đại học của chúng tôi cũng gần giống như những đám đông dân chúng, và chúng cũng giống như trong lĩnh vực thể thao. Một trận đấu bóng đá lớn giữa các trường cao đẳng được khoảng tám ngàn khán giả cổ động cuồng nhiệt, những khán giả này đã phải trả năm đô la cho một chiếc vé và đã đi ô tô từ những vùng cách nơi thi đấu khoảng từ mười đến một ngàn dặm chỉ để tận hưởng niềm vui sướng ngây ngất khi được xem hai mươi hai con người rượt đuổi nhau khắp một khu vực sân được đánh dấu một cách kì quặc. Trong suốt mùa bóng, một cầu thủ có năng lực cũng được xếp hạng tương đương với những anh hùng vĩ đại nhất và được ngưỡng mộ nhất - thậm chí với Henry Ford, Tổng thống Hoover và Đại tá Lindbergh.

    Và trong một ngành học, các ông vua của các ngành thương mại, những người thống trị chúng ta, sẵn sàng tỏ lòng kính trọng đối với những người say mê học hành. Cho dù một trong số các vị quí tộc trong giới kinh doanh đó có cau mày chán chường trước thơ ca hay trước bức tranh của một hoạ sĩ đến mức nào, ông ta vẫn nhã nhặn vui lòng chịu đựng một Millikan, một Michelson, một Banting hay một Theobald Smith.

    Nhưng nghịch lí là ở chỗ trong nghệ thuật, các trường đại học của chúng tôi lại bị tách biệt khỏi hiện thực và những tạo vật sống ở một khoảng cách cũng giống như chúng gần với chúng tôi về mặt xã hội, thể thao và khoa học vậy. Đối với một giáo sư văn học buồn chán trong một trường đại học ở Hoa Kì, văn học không phải một thứ mà một con người ngây thơ chất phác sống ở thời đại này có thể ngồi trong đau đớn buồn phiền viết ra. Không, văn học là một thứ gì đó chết, được tạo ra một cách kì diệu bởi những con người siêu phàm, những người mà nếu họ được coi là những nghệ sĩ, chắc hẳn họ đã phải qua đời hàng trăm năm trước khi có phát minh thần kì của chiếc máy chữ. Đối với bất cứ người lỗi lạc đích thực nào, dường như có điều gì đó đáng ghê tởm trong ý nghĩ rằng văn học có thể được tạo ra bởi những con người bình thường mà chúng ta vẫn nhìn thấy đi bộ trên đường phố, mặc những chiếc quần dài và áo khoác cũ rích và trông không khác gì một tài xế hay một nông dân. Các giáo sư Hoa Kì của chúng tôi muốn văn chương nhất định phải rõ ràng, lạnh lùng, tinh khiết và hoàn toàn chết.

    Tôi không cho rằng chỉ có các trường đại học Hoa Kì mới như vậy. Tôi nhận thấy ý nghĩ đó ở cả các giáo sư của trường đại học Oxford và trường Cambridge. Có lẽ hơi khiếm nhã khi cho rằng Wells, Bennett, Galsworthy và George Moore - trong khi họ đang phạm một sai lầm là vẫn tiếp tục sống - được đem so sánh với bất kì ai đã chết một cách cao đẹp và an toàn như Samuel Johnson. Tôi cho rằng trong các trường đại học của Thuỵ Điển, Pháp và Đức có rất nhiều vị giáo sư thích mổ xẻ hơn là thấu hiểu. Nhưng trong một vùng đất mới mẻ, sống động và mang tính thử nghiệm như Hoa Kì, người ta nên mong đợi các giảng viên văn học bớt nghiêm trang hơn, nhiều tính người hơn so với những cái bóng truyền thống của châu Âu cổ kính.

    Họ không như vậy.

    Gần đây, bên ngoài các trường đại học ở Hoa Kì đã xuất hiện một trào lưu đáng kinh ngạc mang tên "Chủ nghĩa nhân văn mới". Tất nhiên hiện nay, "chủ nghĩa nhân văn" bao hàm nhiều ý nghĩa đến nỗi nó chẳng có nghĩa gì. Nó có thể gợi ra mọi thứ, từ niềm tin rằng tiếng Hi Lạp và tiếng Latinh gây nhiều cảm hứng hơn là thổ ngữ của những người nông dân hiện đại tới niềm tin rằng bất cứ người nông dân đang sống nào cũng thú vị hơn một xác chết Hi Lạp. Nhưng có một chút công bằng tinh tế khi ngôn từ tối nghĩa này được chọn để gán cho một sự sùng bái cũng không kém mờ mịt.

    Theo như hiểu biết của tôi về chúng - vì dĩ nhiên trong một thế giới sôi động và đầy hứa hẹn như thế giới của chúng ta ngày nay, một cuộc sống rực rỡ với những khinh khí cầu Zeppelins, với những cuộc cách mạng của Trung Quốc, công cuộc công nghiệp hoá nông nghiệp và tàu biển của người Bônsêvích, với Grand Canyon và các trẻ em, nạn đói khủng khiếp và cuộc tìm kiếm đơn độc của các nhà khoa học tìm kiếm Chúa trời, không một nhà văn giàu sáng tạo nào lại có thời gian để theo đuổi sự nhiệt tình lạnh lẽo của những nhà nhân văn chủ nghĩa mới - trường phái mới nhất này tái khẳng định tính nhị nguyên của bản chất con người. Nó sẽ bó hẹp văn chương trong cuộc giằng xé giữa linh hồn con người và Chúa, hoặc giữa linh hồn con người với quỷ dữ.

    (còn tiếp)

    Tân Đôn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính
     
    Phạm Việt Hoàng thích bài này.
  8. Foli

    Foli Lớp 11

    (tiếp theo)

    Nhưng, kì lạ thay, cả Chúa và quỷ dữ đều không thể mặc trang phục hiện đại, cả hai đều phải duy trì các lễ phục kiểu Hi Lạp. Oedipus là một hình tượng bi ai cho những nhà Nhân văn chủ nghĩa mới; con người, trong khi cố gắng duy trì bản thân mình như hình ảnh của Chúa dưới mối đe doạ của máy phát điện, trong một thế giới của nghệ thuật bán hàng dưới áp lực cao, thì không. Và sự an ủi nghèo nàn của họ, đó là xem mục đích của cuộc đời là để phát triển kỷ luật tự thân - cho dù có ai đã từng thành tựu được một cái gì đó chăng với cái kỷ luật tự thân ấy. Và như vậy, toàn bộ phong trào này đã cho ra đời một học thuyết chẳng lấy gì làm mới rằng cần phải từ bỏ và phủ nhận cả nghệ thuật lẫn cuộc sống. Đó là học thuyết của cái phản ứng hắc ám nhất từng được đưa vào một thế giới cách mạng đầy sôi động.

    Thật kì lạ, cái học thuyết này về sự chết, cái lối thoát này ra khỏi sự phức tạp và hiểm nguy của cuộc sống để náu mình vào sự trống rỗng an toàn của tu viện, lại trở nên phổ biến trong các giáo sư của một đất nuớc nơi người ta lẽ ra chỉ có thể trông đợi sự táo bạo và những cuộc phiêu lưu trí tuệ, và, hơn bao giờ hết, nó đã đẩy những nhà văn giàu tính sáng tạo ra khỏi bất cứ ảnh hưởng tốt đẹp nào mà người ta có thể mong đợi từ các trường đại học.

    Nhưng nó luôn diễn ra như vậy. Hoa Kì chưa từng có một Brandes, một Taine, một Goethe hay một Croce.

    Với một kho tàng tài năng sáng tạo ở Hoa Kì, hầu hết hoạt động phê bình của chúng tôi đều tẻ nhạt và vô nghĩa, được tiến hành bởi những bà cô đầy ghen tị, những cựu phóng viên bóng rổ và những vị giáo sư chua cay. Những Erasmus của chúng tôi từng làm hiệu trưởng trường làng. Làm sao có thể có bất kỳ chuẩn mực nào khi không ai có khả năng thiết lập ra chúng?

    Nhóm Cambrigde - Concord vĩ đại của những năm giữa thế kỉ XIX - Emerson, Longfellow, Lowell, Holmes, Alcotts - là những phản ánh uỷ mị của châu Âu, và họ không để lại bất kì một trường phái hay ảnh hưởng nào. Whithman, Thoreau, Poe và ở một chừng mực nào đó, Hawthorne là những người bị xã hội ruồng bỏ, những con người cô đơn và tuyệt vọng, bị những người theo chủ nghĩa nhân văn mới cùng thời với họ nhiếc móc. Chính nhờ sự xuất hiện của William Dean Howells mà chúng tôi mới bắt đầu có một cái gì đó giống như một chuẩn mực, và đó mới chỉ là một chuẩn mực rất tồi. Ông Howells là một trong những người lịch lãm nhất, đáng yêu nhất và trung thực nhất, nhưng ông có những nguyên tắc của một cô gái già ngoan đạo chưa chồng, kẻ mà niềm vui lớn nhất là được uống trà ở nhà cha xứ. Ông ta không chỉ căm ghét những hành động, lời nói báng bổ, tục tĩu và tất cả những gì mà H. G. Wells gọi là "những thô tục thú vị của cuộc sống". Trong quan điểm không tưởng của ông về cuộc sống, mà ông cho một cách ngây thơ là thực tại, các nông dân, thuỷ thủ và công nhân nhà máy có thể tồn tại, song người nông dân không bao giờ được lấm phân chuồng, người thuỷ thủ không được nghêu ngao những bài hát tục tĩu, còn các công nhân nhà máy phải biết ơn những ông chủ tốt bụng, và tất cả những người này đều phải mong cơ hội được đến thăm Florence và khẽ mỉm cười trước vẻ ngồ ngộ của những kẻ hành khất.

    Howells cảm nhận cái triết lí Nhân văn Mới cầu kỳ này một cách mạnh mẽ tới mức ông đã có thể gây ảnh hưởng lớn lao tới những người cùng thời, thậm chí cho tới tận năm 1914 và giai đoạn hỗn loạn của cuộc Đại chiến.

    Trên thực tế, ông đã qui phục được Mark Twain, nhà văn có lẽ là vĩ đại nhất của chúng tôi, và đã khép con người hoang dã hung hăng này vào khuôn khổ chiếc áo khoác và chiếc mũ chóp của thầy tu trí thức. Cho tới tận ngày nay, ảnh hưởng của ông không hẳn đã mất hoàn toàn. Ông vẫn được tôn sùng bởi Hamlin Garland, một nhà văn mà về mọi mặt có lẽ là vĩ đại hơn Howells, nhưng dưới ảnh hưởng của Howells đã thay đổi từ một nhà hiện thực chủ nghĩa khắt khe và kỳ vĩ thành một giảng viên đại học ôn hoà và tầm thường.

    Ông Garland có thể tạm coi là vị trưởng lão của văn chương Hoa Kì hiện nay, và, với tư cách trưởng lão, ông luôn bị những nhà văn trẻ tuổi, những người không có khiếu thẩm mĩ nhắc nhở rằng đàn ông và đàn bà không phải bao giờ cũng yêu theo đúng lời kinh thánh và rằng những người bình thường đôi khi sử dụng thứ ngôn ngữ dường như không thích hợp tại một câu lạc bộ văn học của phụ nữ trên phố Main Street. Tuy nhiên cũng chính Ngài Hamlin Garland thời trẻ, trước khi tới Boston, được khai hoá và đi theo chủ nghĩa Howells, đã viết hai tác phẩm hiện thực đầy quả cảm và đầy phát hiện: Main-Traveled Roads (Tuyến đường chính) và Rose of Dutcher’s Coolie (Bông hồng của anh cu li làm cho Dutcher).

    Tôi đã đọc chúng khi còn là một cậu bé sống trong một ngôi làng trên thảo nguyên bang Minnesota, một môi trường giống hệt như được miêu tả trong truyện của ông Garland. Những câu chuyện này làm tôi hết sức thích thú. Khi đọc những tác phẩm của Balzac và Dickens, tôi đã nhận ra rằng có thể miêu tả những con người bình thường của nước Pháp và Anh y như ta nhìn thấy họ trong đời thực. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy người ta có thể viết về những con người của vùng Sauk Centre, Minnesota y như ta cảm nhận về họ.

    tuanz
     
    Phạm Việt Hoàng thích bài này.
  9. Foli

    Foli Lớp 11

    Truyền thống tiểu thuyết của chúng tôi, như các vị đều thấy, đó là tất cả mọi người ở các làng quê miền Trung Tây Hoa kỳ đều cao quí và hạnh phúc; và không ai trong chúng tôi muốn đổi niềm hạnh phúc được sống hoà thuận với xóm giềng ở Main Street lấy cuộc sống xa hoa ngoại đạo ở New York, Paris hay Stockholm. Nhưng trong cuốn Main-Traveled Roads của ông Garland, tôi phát hiện rằng có một người tin rằng những nông dân miền Trung Tây đôi khi cũng hoang mang, đói khát, xấu xa và cũng anh hùng. Với cách nhìn này, tôi đã được giải thoát, tôi có thể viết về cuộc sống đúng như nó đang diễn ra.

    Tôi e rằng ông Garland sẽ không hài lòng, thậm chí còn bực mình nếu biết rằng ông ấy đã khiến tôi viết được về nước Mĩ đúng như tôi nhìn thấy, chứ không như ông William Dean Howells nhìn thấy nó huy hoàng rực rỡ. Và thực tế là, trên mảnh đất tự do của chúng tôi, những người như Garland, những kẻ đầu tiên mở những con đường đến tự do, chính họ lại trở thành những kẻ bị trói buộc hơn ai hết. Đó chính là bi kịch của ông, hoàn toàn là một bi kịch mang tính phát hiện của nước Mĩ.

    Nhưng trong suốt lúc này, trong khi những người như Howells hăng hái tìm cách hướng nước Mĩ trở thành một bản sao mờ nhạt của một thành phố thánh đường ở Anh, thì những người cáu kỉnh và chân thực, Whitman và Melville, sau đó là Dreiser cùng James Huneker và Mencken luôn tin tưởng rằng mảnh đất của chúng tôi còn có những thứ khác ngoài cái vẻ phong lưu tao nhã bàn trà.

    Và như vậy, không có các chuẩn mực, chúng tôi vẫn sống. Và đối với những người trẻ khỏe và cường tráng, chúng tôi chẳng cần có chuẩn mực nào có lẽ lại hơn. Bởi vì, sau khi tỏ ra bi quan về mảnh đất rất đỗi thương yêu của tôi, tôi muốn kết thúc khúc ca buồn thảm này bằng một âm thanh lạc quan tươi sáng.

    Về tương lai văn học Hoa Kì, tôi có đầy hi vọng và niềm tin. Tôi tin rằng chúng tôi đang thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt của chủ nghĩa địa phương thận trọng, đúng mực và trì trệ đến không thể tin được. Ngày nay có những thanh niên Hoa Kì đang tiến hành những công việc đầy nhiệt huyết và đích thực đến nỗi tôi đau lòng nhận ra mình đã quá già để có thể gia nhập đội ngũ của họ.

    Có Ernest Hemingway, một chàng trai cay đắng, được giáo dục bởi những trải nghiệm mạnh mẽ nhất, rèn luyện bởi những chuẩn mực cao của chính mình, một nghệ sĩ đích thực lấy toàn bộ cõi đời làm nhà; có Thomas Wolfe, một chàng trai mà tôi tin mới chỉ khoảng ba mươi tuổi hoặc trẻ hơn, người mà cuốn tiểu thuyết duy nhất - Look Homeward, Angel (Hãy nhìn về nhà, hỡi thiên thần) - xứng đáng ngang hàng với những sáng tác hay nhất trong lịch sử văn học của chúng tôi, một tạo vật khổng lồ với niềm ham sống tràn trề; có Thornton Wilder, người mà trong thời đại của chủ nghĩa hiện thực vẫn mơ những giấc mơ xưa cũ và đẹp đẽ về những câu chuyện tình bất tử; một John Dos Passos, với nỗi căm ghét những chuẩn mực ôn hoà và an toàn của Babbitt và sự tán dương lộng lẫy của ông về cách mạng; một Stephen Benét, kẻ làm sống lại thiên sử thi với hồi ức huy hoàng về John Brown đối nghịch với sự buồn tẻ Hoa Kì; một Michael Gold, kẻ khám phá ra biên giới mới vùng bờ Tây của người Do Thái, và William Faulkner, người đã giải phóng miền Nam khỏi những chiếc váy bồng; và còn có hàng chục nhà thơ và tiểu thuyết gia trẻ khác, hầu hết đang sống tại Paris và phần lớn trong số họ ít nhiều bị coi là điên rồ theo truyền thống của James Joyce, những người mà, dù có thể điên rồ đến đâu chăng nữa, vẫn chối từ khuôn phép truyền thống, chối từ trau chuốt trưởng giả và trì độn.

    Tôi đón chào họ, với niềm vui sướng bởi mình vẫn chưa quá xa với quyết tâm của họ muốn đem lại cho nước Mĩ, đất nước với những dãy núi và thảo nguyên bất tận, với những thành phố khổng lồ và những túp lều hẻo lánh, một đất nước có bạc tỉ và hàng tấn lòng trung thành, cho một nước Mĩ kì lạ như nước Nga và phức tạp như Trung Quốc, một nền văn học xứng đáng với tầm cỡ to lớn của nó.

    Tân Đôn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính

    tuan
    z
     
    Phạm Việt Hoàng thích bài này.
  10. Foli

    Foli Lớp 11

    Tặng các bác hình bìa của bộ "Cuộc đời ly kỳ của bác sĩ Arrowsmith" do NXB Tân Á in năm 1952

    [TABLE="class: ncode_imageresizer_warning, width: 640"]

    [TD="class: td1, width: 20"][​IMG][/TD]
    [TD="class: td2"]Ảnh này đã được co lại. Bấm vào thanh này để xem với kích cỡ đầy đủ. Ảnh gốc có kích thước 1024x768.[/TD]
    [/TABLE]
    [​IMG]


    [TABLE="class: ncode_imageresizer_warning, width: 640"]

    [TD="class: td2"]Ảnh này đã được co lại. Bấm vào thanh này để xem với kích cỡ đầy đủ. Ảnh gốc có kích thước 768x1024.
    [/TD]
    [/TABLE]
    [​IMG]


    tuanngo
     
  11. phienhong

    phienhong Mầm non

    Gửi đến các bạn quyển sách “Cuộc đời bác sĩ Arrowsmith”-Nxb Quốc Bảo năm 1970. Số trang 495, 5,06 Mb dạng PDF, được sưu tầm trên mạng, không có trang bìa và được thêm hình bìa từ bạn Foli đã đăng ở trên.

    Link: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Storm, amylee, phamtuyetmai and 3 others like this.

Chia sẻ trang này