Xin nói lại 3 ý: MỘT là mày ngài của Từ Hải, được khắc họa là "râu hùm", "hàm én", râu hùm rõ là rậm lông, thì mày cũng sẽ rậm lông, vậy mày ngài = mày rậm lông. Từ đó suy ra HAI: dùng ngài để chỉ mày lá liễu của Vân và sau đó là mày sâu róm của Hải, 2 điểm đối lập nhau như thế lại có thể dùng chung một từ ngài để miêu tả hay sao đúng không? Và BA, trong tiếng Việt, từ NGÀI và NGƯỜI đều là đại từ nhân xưng. Trùng hợp thay từ NGÀI lại là phương ngữ Nghệ-Tĩnh của từ NGƯỜI. Mà trong xuyên suốt tác phẩm, cụ dùng nhiều từ địa phương lắm. Vậy nét người nở nang - thân hình nở nang có cơ sở rất vững chắc, có ai nói chân mày nở nang bao giờ đúng không??
'Chân mày nở nang' mình hiểu, theo cách sách tướng hiểu, là mày cao, đánh một vòng cung rộng trên mắt, chứ không phải bề dày rộng của lông mày , sách xưa vẫn hay có từ đại loại vậy, như: mày phương phi, mày dóng dang, mày đoạn,... Về đôi mày ngài của Từ Hải mình cũng thắc mắc lâu rồi, vì sách tướng cũng nhắc nhiều kiểu mày của võ tướng, như mày ngang, mày kiếm, mày xoăn,...không hiểu sao cụ Nguyễn không chọn mà lại chọn 'mày ngài' nên mình mới giả thuyết vậy. Về cách dùng NGÀI/NGƯỜI ở bình luận #21 của bạn rất bất ổn, vì ngày xưa từ Ngài là rất tôn quý, bộ cụ Nguyễn không hiểu, hay sợ mạo xưng, kị húy sao. Dùng cho một thường dân như Vân, rồi dính ngục văn tự lại nói là phương ngữ ai tin Còn vài điểm nữa... ...Nhưng thôi mình xin dừng tại đây nhé, nói vui mà, bàn sâu nữa lại hết vui, dù sao đến đây cũng đủ 'Mua vui cũng được một vài trống canh' rồi . À mà người râu rậm lông mày thưa là có thật đó nha
Thì bàn vui mà có sao! Về phương ngữ thì đâu phải chỉ mỗi cụ Nguyễn Du dùng, không tin thì về Nghệ-Tĩnh xem người ta nói chuyện như thế nào là rõ chứ gì bạn ơi. Còn chuyện bạn nói từ ngài là kị húy mình thấy vô lý lắm. Nó là đại từ nhân xưng thông thường không thể kị húy được, kị húy là kị tên vua tên chúa; ví dụ miền Nam phải đổi chữ phúc thành phước vì kị tên chúa. Xưng hô ngài, người, cũng như kêu ông với bà, ví dụ ngài chánh thanh tra hay ông chánh thanh tra. Kị húy hết mấy đại từ nhân xưng thì chắc gặp quan gặp vua gọi bằng mầy tao luôn chứ còn từ gì để gọi nữa đâu Song ở trên mình muốn nhấn vào cái nét ngài, nét người mục đích là mô tả dáng béo ú của Vân chứ không khẳng định từ ngài của câu đó là một đại từ nhân xưng. Cũng như xin nói lại nếu muốn dùng nét ngài để chỉ đôi mày, ít nhất cũng phải đặt ngài và mày đi chung như trường hợp của Từ Hải thì người ta mới biết mình đang so đôi mày với hình dáng con ngài. Còn ở đây nét ngài không đi chung với mày hay một bộ phận nào để so sánh cả. Nét ngài nở nang sẽ hoá ra là tả "một con ngài mập ú" chứ không phải tả Vân đâu
Nét ngài của Thúy Vân là nga mi, còn mày ngài của Từ Hải là ngoạ tàm mi. Chữ Nôm, ngài là người viết khác hẳn, nhầm sao được, bảo nét ngài là nét người để tán cho vui thôi. Đọc truyện Kiều các bản Nôm sẽ thấy ngay. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
Link này báo CAND có nói về cái chép ẩu của mấy bản Nôm rồi nè. Mọi người tham khảo: Trở lại “nét ngài nở nang” của Thúy Vân và tiếng nghệ Tĩnh trong ... Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
Bản Liễu văn đường 1866. Chữ người và chữ ngài khác hẳn nhau. Nét ngài nở nang theo tôi là tả đôi lông mày dài và rậm. Có đẹp hay không thì cũng tùy người nhìn nhưng đó là 1 trong 4 đặc điểm tốt của phụ nữ mà người xưa đã tổng kết: Hồng kiểm đa dâm thủy Thậm mi hộ tố mao Chiết yêu chân đại huyệt Trường túc bất tri lao
Mình không biết chữ Nôm nên có gì bỏ quá cho. Mình trích vài đoạn từ báo CAND (tác giả Vương Trọng của Vannghequandoi.vn) như sau:
Đọc đoạn này thì tôi có mấy thắc mắc: - Hình ảnh những bản mà ông VT cho là khắc đúng chữ "ngài" là "người" như thế nào? Nếu cũng như chữ "người" ở các câu khác thì sao ở các câu khác không đọc là "ngài" - Trong truyện Kiều còn chỗ nào khác dùng chữ "ngài" chỉ người đó không?
Trong chữ Nôm, 1 chữ có thể đọc là người hay ngài nhưng nghĩa vẫn là người. Nếu đọc theo tiếng Nghệ - Tĩnh thì tất cả các chữ đó trong truyện Kiều cũng phải đọc là "ngài" hết. Khác với chữ "nghĩ" và "nghỉ" viết giống nhau nhưng đọc khác nhau thì nghĩa khác nhau.
Mỗi chỗ đó thôi chứ không áp hết toàn truyện được. Vả lại cụ rất hạn chế dùng phương ngữ, đó là may mắn của chúng ta.
Một lập luận khác dựa trên nghiên cứu ngôn ngữ: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Bút pháp ước lệ là đặc trưng của văn học cổ nước ta, được du nhập từ văn học cổ Trung Quốc, mang vẻ đẹp cổ điển trang nhã. Vì vậy khi đã dùng bút pháp ước lệ thì không thể chen vào bút pháp tả thực được. Nguyễn Du rất sành khi sử dụng bút pháp ước lệ để tả người mà tiêu biểu là đoạn thơ tả sắc đẹp của chị em Thúy Kiều, trong đó có 3 câu thơ tả Thúy Vân: Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang Hoa cười, ngọc thốt đoan trang Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Ta thấy hiện lên một Thúy Vân với vẻ đẹp đoan trang (chứ không phải vẻ đẹp khỏe mạnh như có người đã nói) nhưng không thể thấy được Thúy Vân đẹp cụ thể như thế nào? Bởi tất cả đều là ước lệ: khuôn mặt đẹp như trăng, miệng cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc, tóc đẹp hơn mây, da trắng hơn tuyết. Nếu trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết đều tả theo bút pháp ước lệ, thì ngài cũng phải tả theo bút pháp ước lệ, không thể chen bút pháp tả thực vào đây được. Cho rằng nét ngài là nét người thì đó là tả thực, và thiên tài Nguyễn Du sẽ không bao giờ chen bút pháp tả thực vào đoạn thơ tả giai nhân theo bút pháp ước lệ này. Vậy theo bút pháp ước lệ thì ngài chỉ có thể là con ngài tằm để tả vẻ đẹp của lông mày Thúy Vân. Ta có thể dùng ngôn ngữ thi ca của Nguyễn Du để kiểm chứng lại điều này. Bút pháp ước lệ thường dùng ẩn dụ để tăng hiệu quả so sánh; còn câu thơ Nguyễn Du lại hay dùng tiểu đối để tạo nên vẻ đẹp cân xứng, hài hòa. Truyện Kiều có đến 647 tiểu đối, trung bình cứ đọc 5 câu Kiều thì gặp 1 tiểu đối (theo Vương Trọng, Truyện Kiều Nguyễn Du ở trong còn lắm điều hay, Nxb Hội nhà văn, 2017, tr.229). Câu thơ trên là tiểu đối 4/4: Khuôn trăng đầy đặn / nét ngài nở nang Tiểu đối của Nguyễn Du thường rất chỉnh, cả về ý, từ, thanh cho đến biện pháp tu từ. Trong hai vế đối này, mỗi vế đều có 4 tiếng nhưng chỉ có 3 từ đối nhau: khuôn đối với nét, trăng đối với ngài, đầy đặn đối với nở nang; trong đó từ trăng ở vế 1 được dùng như một ẩn dụ để tả mặt Thúy Vân. Vậy nếu trăng đã là ẩn dụ ở vế 1, thì theo luật đối, ngài nhất định phải là ẩn dụ ở vế 2, không thể nào khác được. Mà đã là ẩn dụ thì ngài phải là vật để so sánh nên không thể là tiếng địa phương Nghệ Tĩnh mang nghĩa “người”. Cho nên, ngài ở đây chỉ có thể mang nghĩa con ngài tằm như một ẩn dụ để so sánh với lông mày đẹp của Thúy Vân.
Các bác bình bàn hay quá. Đọc thích ghê. P.S: Cảm nhận cá nhân mình thì Truyện Kiều đọc từng đoạn thì hay (vì cái tài dùng chữ chọn ý của cụ Nguyễn Du), nhưng tổng thể lại hơi chán (vì cốt truyện dựa trên Kim Vân Kiều Truyện, dù cụ Nguyễn Du cũng đã có 'kiểm duyệt' và 'biên tập' ít nhiều.)
Lập luận này đã thuyết phục được mình. Song trong bài viết ở link báo CAND mình đã trích, đăng lại từ bài cũng của cụ Vương Trọng với lập luận ngài = người.
Quan điểm của bác chắc cũng giống cụ Ngô Đức Kế: Truyện “Thanh tâm tài nhân” (tức là truyện Kiều) là một bộ tiểu thuyết tầm thường không có giá trị gì. Xem bộ “Tình sử” của Tàu, biết bao nhiêu chuyện li-kỳ hơn nữa. Và dù sự tích ấy mà có thiệt đi nữa, thì một đôi thiếu niên nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hóa đạo-đức là việc bất chính, mở đầu quyển sách như thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa gì đâu nữa, cũng không đủ làm gương tốt cho đời. Nói về văn chương quốc âm của ông Nguyễn Du, thì vẫn là hay thiệt, song cái lối văn vận, ngâm nga ngợi hát, chỉ là một lối trong đạo văn chương. Văn tuy hay, mà truyện là truyện phong tình, thì có vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi, tám chữ ấy không tránh đàng nào cho khỏi. Cái bản ý ông Nguyễn Du làm truyện “Đoạn-Trường tân-thanh” ấy (tức là truyện Kiều) chỉ là mượn văn chương mà ngụ chút tâm sự mình; cho nên ông đã có câu: “Lời quê góp nhặt nên bài, mua vui cũng được một vài trống canh”. Xem thế thì biết truyện ấy chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển, chứ không phải một thứ văn chương chính đại theo đường chính học, mà đem ra dạy đời được đâu.
Thế là cái ông chép bị sai chính tả rồi. Chắc ông ấy cũng nhớ thuộc lòng rồi chép lại thôi. Và chắc ông ấy mới là người Nghệ Tĩnh gốc, nghe chữ ngài là tưởng là chỉ người. Mà nếu chép thế thì cứ đọc là "người", cần chi phải đọc là "ngài" Bây giờ học sinh chỉ chép bài trên bảng vào vở mà còn chép sai nữa là... Lại có chuyện cán bộ phường sáng tạo ra những họ mới như họ Đổ, Vỏ... nên cô tiếp viên hay hoa hậu gì đó có tên Vỏ Thị Mỷ Hạnh. Ba trăm năm nữa sẽ có người khăng khăng là VN có họ Vỏ, bằng chứng trên giấy trắng mực đen của công an hẳn hòi...
Người chép bản Nôm đó đâu phải học sinh lớp 9-10 mới học Kiều bằng quốc ngữ mà chép sai chính tả, chép chữ nôm cơ mà, nói thế thì mình cũng chịu luôn . Nhưng nghĩ cụ Trương Vĩnh Ký cũng phiên là "khuôn lưng đầy đặn, nét ngài nở nang" cũng là sai chính tả hay sao bạn?
Cái chữ Nôm ấy nếu là bộ nhục thì phiên âm là "lưng" nếu là bộ nguyệt thì phiên âm là "trăng". Mà 2 bộ này lại rất giống nhau, viết tay càng giống. Khi nào rảnh tôi sẽ chụp hình ảnh 2 chữ ấy để minh hoạ. Phiên âm sai là thường, chữ Hán và nhất là chữ Nôm nhiều chữ giống nhau. Bây giờ người ta vẫn không biết gọi Hùng vương hay Lạc vương mới đúng, vì chữ Hùng và chữ Lạc rất giống nhau. Thử nghĩ cái ông cán bộ phường viết giấy khai sinh ấy có khi có bằng đại học nhưng vẫn viết sai chính tả đấy thôi.
2 bộ đó y hệt nhau thôi, ở đây có viết, mình đọc xong hồi nãy rồi nè. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Cuối bày viết này cũng lập luận giống bạn rằng ngài là con ngài không thể là phương ngữ người, nói chung mình cũng chấp nhận chỗ này không nghĩ gì thêm. Song chỉ là các luận điểm đều có chỗ đối nhau, có chỗ vẫn thiếu chắc chắn, mà đó đều là các học giả đó nha. Người thường như chúng ta càng thêm mơ hồ.
Đoạn này mình nhầm chữ ngài, cụ Ký phiên chính xác là chữ người: Khuôn LƯNG đầy đặn, nét NGƯỜI nở nang.