Lịch sử - Dã sử Tây du ký - Ngô Thừa Ân <Thụy Đình dịch, Chu Thiên hiệu đính>

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học Trung Quốc' bắt đầu bởi tamchec, 1/8/14.

  1. Nguyen Gia Luu

    Nguyen Gia Luu Mầm non

    Bản đẹp mà không có mục lục bạn ơi. Tiếc quá
     
  2. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    File nào thiếu vậy bạn?
    1587796288478.png
     
  3. Nguyen Gia Luu

    Nguyen Gia Luu Mầm non

    Cuốn đầu tiên đó bạn
     
  4. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Có 2 định dạng cho cuốn đó. Cái nào thiếu mục lục?
     
  5. nhat1395

    nhat1395 Lớp 7

    Cả 2 bản epub và mobi #1 đều có mà bạn.
     
  6. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Quá thừa mục lục là khác. Có thể không cần cái này mà dùng mục lục ẩn cũng đủ. :D 1587807628077.png
     
  7. cavoixanh99

    cavoixanh99 Lớp 2

    Cuốn sách này rất hay
     
  8. Cảnh1711

    Cảnh1711 Lớp 3

    Không biết bản dịch này với bản dịch Như Sơn Mai Xuân Hải bản nào hay hơn ạ
     
  9. vinaguy

    vinaguy Lớp 11

    Các bác cho em hỏi tí. Con yêu tinh dưới đây là con nào? Xuất hiện ở Hồi nào và trong Tây Du Ký thì nó tên gì vậy các bác?
    TMHP178-Chua Thay.jpg
     
    Cảnh1711 thích bài này.
  10. Dr. No

    Dr. No Không không thấy

    Bản của Như Sơn, Mai Xuân Hải chi tiết hơn và có chêm vào rất nhiều bài thơ hay. Nếu không ưa sự rườm rà thơ thẩn thì đọc bản ở topic này.
     
    Dat1952 and Cảnh1711 like this.
  11. kid3712

    kid3712 Lớp 1

    Tùy gu từng người, như mình thì mình thích bản này hơn do hồi nhỏ đọc bản này trước. Còn có người đọc bản kia trước lại thấy bản kia hay hơn
     
    Cảnh1711 thích bài này.
  12. GiacVien

    GiacVien Lớp 3

    Đang nghỉ mắt thư giãn cho đỡ mỏi nên tìm gì đó nghe, chọn mở audiobook Tây du ký tự dưng thấy hay thế. Xong muốn đọc lại Chương 1 vừa nghe nên tìm đến đây.

    Hồi nhỏ xíu có được đọc trọn bộ nhưng k biết là bản dịch nào. Con nít chỉ thích đọc tới mấy đoạn Tôn Ngộ Không ra tay chứ chưa biết thưởng thức.

    Cám ơn mọi người đã dành tâm sức làm bộ này. :D

    (post 2 lần ở 2 bản dịch ^^)
     
  13. mình đang đọc bộ này, mới đọc xong 2 chương đầu mà nhiều lỗi chính tả quá, sang hồi 1 (chương thứ 3) thì ít lỗi chính tả hơn :(
     
  14. xversion1

    xversion1 Lớp 3

    Đọc bản dịch mới ít lỗi hơn.
     
  15. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Con này là con báo (tên nó bên cạnh đó còn gì), không phải con ông cháu cha ô dù che đỡ nên bị Ngộ Không tiêu diệt. Còn hồi chính xác thì không nhớ.
     
  16. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Chắc không phải đâu, đây có lẽ là sao Cơ trong nhị thập bát tú, có vật chủ là con báo.
     
    Caruri Tlkd thích bài này.
  17. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Nếu tìm kiếm "Báo tử tinh" cũng sẽ ra một số thông tin bác ạ. Tinh đây có lẽ là yêu tinh chứ không phải tinh tú.

    Tìm lại đó là yêu quái ở hồi 85-86. Một số hình ảnh trong phim

    [​IMG]

    Tạo hình yêu quái

    [​IMG]

    Tiểu yêu mang đầu giả ra lừa ba anh em
     
    vinaguy and quang3456 like this.
  18. jun276

    jun276 Lớp 4

    Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Trong các bản dịch Tây du ký thì bản của Thụy Đình và của nhóm Như Sơn là hai bản phổ biến nhất, nhiều người đọc nhất. Gần đây thêm bản của Bùi Hạnh Cẩn, cũng là một dịch giả lão thành. Ba bản này khả dĩ có đủ tư cách để so với nhau. Còn hai bản Mai Kiều Chi và Đỗ Lan Phương thì thôi bỏ qua không nói đến nữa.
    Trước khi so sánh thì thiết tưởng nên bàn sơ về hai điểm:
    1. Giá trị văn chương
    Có lẽ một phần vì bộ phim truyền hình 1986, và cả vì nhân vật chính là một con khỉ, mà Tây du ký trong mắt nhiều người Việt, cũng giống như Truyện Andersen, thường được coi là truyện trẻ con. Dân ta khoái ngồi quán nước vỉa hè nói chuyện quốc gia đại sự với anh hùng hảo hán nên Tam quốc và Thủy hử thường được chuộng hơn. Hồng lâu thì hay được chị em yêu thích vì yếu tố ái tình lãng mợn. Trước giờ đi lang thang trên mạng mình thấy nhiều người bảo Tam quốc Hồng lâu là sách gối đầu giường nhưng chưa thấy ai khoe với Tây du ký cả.
    Tất nhiên, giá trị tư tưởng của mỗi bộ mỗi khác nên khó có thể nói là bộ nào hay hơn bộ nào, song nếu chỉ xét văn chương thuần túy thì kỹ pháp của Tây du có nhiều điểm đặc biệt.
    Đông Chu, Tam quốc, Thủy Hử văn phong đều có điểm chung, cơ bản là trần thuật. Thơ từ nếu có chủ yếu là vịnh lại sự việc. Nếu bỏ hết những bài vịnh ấy đi thì cốt truyện cơ bản không bị ảnh hưởng. Một câu điển hình thường gặp là “đời sau/vậy nên có thơ rằng…”
    Riêng với Tây du, biền văn và thơ, từ là một phần không thể tách rời của câu chuyện. Trong Tam quốc, khi hai bên giao đấu, tác giả dùng văn xuôi để tả. Đẹp như Triệu Tử Long “một ngọn thương của Vân múa, khi lên khi xuống, lấp loáng như cánh hoa lê bay, lộn trước lộn sau, tơi bời như hạt mưa tuyết tỏa” vẫn là văn xuôi, tuy còn chút dấu ấn biền văn. Và những đoạn như thế này rất hiếm. Nhưng trong Tây du, mỗi khi thần tiên hay yêu quái xuất hiện, mỗi khi có đoạn giao đấu hay thi triển pháp thuật, đến nơi núi non hiểm trở hay phố thị phồn hoa, tác giả lại đặc tả bằng một bài thơ/từ/phú dài, thủ pháp này trở thành thương hiệu của Tây du. Trong quá trình kể chuyện, Ngô Thừa Ân kết hợp và chuyển đổi hết sức linh hoạt giữa các thể loại, từ văn xuôi sang thơ, từ bạch thoại sang văn ngôn. Cho nên dịch Tây du rất khó, đòi hỏi bút pháp rất uyển chuyển, linh hoạt, và nếu không giỏi dịch thơ từ thì coi như hỏng.
    2. Ưu thế và hạn chế của việc dịch trước/dịch sau
    Khi dịch từ các ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, hai bản dịch sang tiếng Việt có thể khác nhau rất xa. Nhưng khi dịch từ Trung văn, nhất là từ cổ văn, hai bản tiếng Việt khó mà khác nhau quá nhiều, vì sự gần gũi giữa Hán văn và Việt văn quá lớn. Do vậy nếu bản dịch trước đã tốt thì bản sau rất khó thoát ra khỏi cái bóng ấy, nhất là nếu dịch có đối chiếu và tham khảo. Nhiều khi một câu thơ cổ hoặc tên một hồi truyện chỉ có một hướng xử lý tối ưu, mà người trước đã chọn rồi thì người sau rất khó xử. Lấy lại thì khó tránh tiếng sao chép, còn cố sửa đi thì kiểu gì cũng không hay bằng bản cũ. Dĩ nhiên nếu bản trước có khuyết thiếu thì bản sau lại có thể lấy cái đó làm thế mạnh của mình, nhưng cái đó thì chả cứ Hán văn, thứ tiếng nào cũng vậy thôi.
    Giờ đi vào từng bản dịch.
    Bản Thụy Đình
    a. Nhược điểm (nói nhược điểm trước cho khách quan)
    Những bản dịch cũ thường có nhược điểm khá giống nhau, bản Thụy Đình cũng không là ngoại lệ. Một là vì tài liệu hạn chế, nhiều chỗ hóc hiểm dịch giả không có điều kiện tra cứu, có sao dịch vậy, nên lắm khi bỏ qua những chỗ chơi chữ, điển cố sâu xa, hoặc ẩn tàng nhiều lớp nghĩa. Hai là quan điểm dịch thuật thời xưa khác với ngày nay, dịch giả tự cho phép mình lược bỏ các phần thấy rườm rà.
    Trong bản dịch này Thụy Đình bỏ qua không dịch một số thơ từ. Kiểm tra thử hai hồi khá nhiều thơ từ (Hồi 10, ngư tiều vấn đáp, và Hồi 64, xướng họa ở Mộc Tiên am) thấy ngay điều đó. Ở Hồi 10 Thụy Đình bỏ đến chục bài từ, chỉ tóm tắt bằng một câu: “Hai người đọc những bài từ, rồi lại cùng nhau làm thơ liên cú, đi tới chỗ rẽ, chào nhau từ biệt.”
    Ở Hồi 64 do tâm điểm câu chuyện là Tam Tạng ngâm vịnh với tứ lão, nên đương nhiên phải dịch không thể bỏ. Nhưng đoạn cuối cùng dịch giả vẫn bỏ mất bốn bài của tứ lão họa lại bài Đường luật của Tam Tạng. Những bài này bản Như Sơn đều dịch đủ. Thực ra nếu ai muốn chê bản Thụy Đình mà khen bản Như Sơn thì riêng một điểm này cũng đủ nói rồi. Nhưng muốn chê cho đúng thì trước hết phải đọc đã, mà cái đó thì chẳng phải ai cũng làm được.
    P.S: Rà kỹ thêm thì thấy hầu như hồi nào Thụy Đình cũng lược bỏ một vài bài, quả là điều rất đáng tiếc.
    b. Ưu điểm
    Một là văn Thụy Đình rất duyên dáng. Bản Thụy Đình là một thứ tiếng Việt rất tự nhiên, giàu hình ảnh, đầy chất hoạt kê. Đây là cái không bản dịch nào bì được.
    Có ý kiến cho rằng bản Như Sơn nôm na gần gũi hơn. Thực ra nếu nói về độ dân dã, dùng từ thuần Việt thì Thụy Đình mới gọi là tay tổ. Đọc bản Thụy Đình nhiều chỗ cảm thấy như nghe ông bác ở quê nói chuyện, vì đấy chính là chữ họ thường dùng. Nhưng đến những chỗ cần Hán thì Thụy Đình không hề cố thuần Việt, mà vẫn dùng thoải mái. Để tiêu hóa được cái đó, cũng đòi hỏi độc giả phải có một chút học vấn.
    Đối chiếu với bản Như Sơn có thể thấy rất rõ nhóm Như Sơn nhiều khi bị ngợp trước cách xử lý tiếng Việt xuất thần của Thụy Đình. Để nguyên thì không ổn vì là sao chép quá rõ ràng, đành phải sửa đi. Nhưng sửa thì lại tước mất của độc giả cái khoái cảm đọc được một câu hay. Ví dụ:
    Bản Thụy Đình: Công chúa ở trong cung dức lác om sòm nói, “Tôi không uống thuốc, đây có phải nhà tôi đâu, nhà tôi là nhà ngói mát mẻ, không giống cái nhà ôn dịch này, cánh cửa vẽ những cáo cộ lòe loẹt thế kia! Buông tôi ra! Buông tha tôi ra! (Hồi 12)
    Bản Như Sơn: Lúc ấy, ở trong cung, công chúa la hét om sòm, “Cho tôi uống thuốc gì thế này! Không phải nhà tôi ở đây! Nhà tôi lợp ngói mát mẻ, không giống cái nhà bề bộn này. Cửa giả sao lại lòe loẹt thế kia? Buông tôi ra! Buông tôi ra!
    Nội mấy chữ “dức lác,” “ôn dịch,” “cáo cộ” đã đủ cho thấy sự khác biệt.
    Bản Thụy Đình: Trư Bát Giới ở bên cạnh, chẩu mõm heo, giương mắt chẫu, ngắm nghía nữ vương... Chú Ngốc ngắm nghía đến nỗi mê đi, miệng thèm rỏ dãi, bụng tựa hươu lồng, tê tái cả người. (Hồi 54)
    Bản Như Sơn: Trư Bát Giới đứng cạnh dẩu mõm, giương mắt ngắm nhìn nữ vương... Chú ngốc nhìn ngắm hồi lâu, miệng thèm rỏ dãi, bụng muốn cồn cào, gân cốt mềm nhũn.
    Chỉ riêng chữ “heo,” chữ “chẫu” đã đủ phân cao thấp. Chưa kể đến bốn chữ “bụng tựa hươu lồng,” gợi lên ý lòng hươu dạ vượn, vừa sinh động, vừa hài hước.
    Đây là một ví dụ khác, thiết tưởng chỉ cần để đây và không nói gì thêm:
    Thụy Đình: Không làm gì hết! Ta chỉ ăn cho hết gan phổi liền sáu lá, quả tim bảy lỗ ba lông, ngũ tạng sạch lâng lâng, để cho mi chỉ còn như cái mõ. (Hồi 82)
    Như Sơn: Chẳng làm gì cả! Ta chỉ muốn xơi sạch sáu lá gan phổi, quả tim bảy lỗ và lục phủ ngũ tạng để nhà ngươi chỉ còn là yêu tinh vỏ thôi!
    Còn đây là một đoạn dài: Hồi 48, đoạn đồng nam và đồng nữ giả, là một đoạn đối thoại rất kịch tính và đầy chất hoạt kê, tiêu biểu cho phong cách dịch của Thụy Đình. Những chữ như “sửa lễ,” “nhà lềnh,” “bở vía,” “thưa thốt” rất dân dã, toát lên phong vị nông thôn. Riêng chữ “nhà lềnh” hơi cổ chắc không nhiều người biết:
    Quái vật đứng chặn cửa miếu hỏi to: “Năm nay nhà nào sửa lễ?”
    Hành Giả tủm tỉm cười trả lời: “Ngài đã hỏi đến, nhà lềnh trong thôn là Trần Trừng và Trần Thanh.”
    Yêu quái thấy trả lời, trong lòng nghi hoặc nghĩ: “Đồng nam này to gan, nói năng linh lợi. Những đứa thường đem đến cúng hiến, hỏi một tiếng không nói ra lời, hỏi tiếng nữa sợ bở vía, lấy tay sờ đã chết cứng rồi. Tại sao đồng nam năm nay thưa thốt rõ ràng làm vậy?”
    Quái vật không dám đến bắt lại hỏi: “Đồng nam đồng nữ tên gọi là gì?”
    Hành Giả cười nói: “Đồng nam là Trần Quan Bảo, đồng nữ là Nhất Xứng Kim.”
    Quái vật nói: “Lễ cúng này theo thể lệ năm trước, đã đem hiến cúng ta, ta sẽ ăn thịt chúng mi.”
    Hành Giả nói: “Không dám kháng cự, mời ngài cứ xơi đi cho!”
    Quái vật nghe nói, càng không dám mó tới, đứng chặn cửa quát to: “Mi đừng bẻm mép, những năm trước ta ăn thịt đồng nam trước, năm nay ta muốn ăn thịt đồng nữ trước.”
    Bát Giới phát hoảng nói: “Đại vương cứ theo lệ cũ, không nên làm trái lệ!”

    Đoạn này Thụy Đình dùng 212 từ. Cũng đoạn này bản Như Sơn dùng 233 từ, nghĩa là dài hơn 10%. Ngôn ngữ ở đây khá đơn giản, không có gì phức tạp. Có điều cái hay nằm ở tính cao trào, hồi hộp của câu chuyện, không khí bị nén lại vì căng thẳng. Bản Như Sơn diễn giải dài dòng làm mất cái kịch tính ấy. Chỉ xét riêng một câu đáp của Hành Giả đã thấy kém xa: “Chúng tôi không dám chống cự, xin mời ngài cứ việc ăn thịt.”
    Điểm thứ hai, đương nhiên là chất lượng dịch thơ từ.
    Tây du hồi ít cũng hai ba bài thơ, hồi nhiều thì cả chục bài. Một trăm hồi phải 5, 600 bài. Thể thơ thì đủ cả, từ thất ngôn bát cú đến ngũ ngôn cổ phong, thậm chí có cả lục ngôn. Từ cũng có cả tiểu lệnh lẫn mạn từ. Tuyển tập thơ Đường phổ biến nhất là Đường thi tam bách thủ cũng chỉ hơn 300 bài. Nghĩa là dịch một bộ Tây du, riêng phần thơ thôi đã tương đương một tập thơ dày dặn. Cho nên nói công phu dịch bộ này hơn các bộ khác là ở chỗ đó.
    Dĩ nhiên đã dịch nhiều như thế thì không thể bài nào cũng hay, cũng toàn bích được. Trau chuốt kỹ từng bài thì chả biết bao giờ mới xong. Cũng phải nói luôn rằng thơ trong Tây du ký cũng chả phải là cực phẩm ý tứ cao kỳ gì, phần nhiều là vịnh cảnh tả sự. Song nét đẹp đẽ sinh động là có, thú vị và đáng đọc. Đọc Tây du mà chỉ cốt đọc lấy tình tiết, không đọc thơ từ thì coi như mới đọc một nửa.
    Các hồi đầu Thụy Đình hay chọn thể lục bát, nhưng về sau thường giữ nguyên thể. Ai từng dịch cổ thi đều biết dịch lục bát dễ mà dịch nguyên thể khó. Vì lục bát chỉ cần có vần, mà cứ ba câu lại đổi vần một lần. Còn dịch nguyên thể vừa phải đối thanh, đối ý, lại phải giữ một vần duy nhất cho cả bài.
    Bài thơ vịnh Tây Lương nữ quốc là một ví dụ tiêu biểu cho sự ổn định lẫn những giây phút xuất thần trong phong độ dịch thơ của Thụy Đình. Niêm luật, vần điệu chuẩn chỉnh, thậm chí còn giữ được vần của bản gốc, chữ dùng rất Việt (cô yếm trắng, chị khăn hường, kén rể, mò trai), hai cặp thực, luận đều đối bằng màu sắc, hoa quả rất sinh động (trắng/ hường, đào non/chanh cốm), nhưng vẫn bảo tồn khá trọn vẹn nghĩa gốc. Câu thứ ba bản gốc dùng Nông sĩ công thương, nếu giữ nguyên vẫn không ảnh hưởng gì đến niêm luật, nhưng dịch giả chủ động đổi thành Công cổ sĩ nông để có một nhịp điệu tốt hơn, cho thấy độ nhạy cảm cao về tiết tấu, cũng là sự phân biệt giữa một bản dịch hay và một bản dịch bình thường.
    Thánh tăng bái phật đáo Tây Lương
    Quốc nội chuân âm thế thiếu dương.
    Nông sĩ công thương giai nữ bối
    Ngư tiều canh mục tận hồng trang.
    Kiều nga mãn lộ hô nhân chủng
    Ấu phụ doanh nhai tiếp phấn lang.
    Bất thị Ngộ Năng thi xú tướng
    Yên hoa vi khốn khổ nan đương
    Thánh tăng cầu Phật đến Tây Lương.
    Toàn gái không trai nước lạ thường
    Công cổ sĩ nông cô yếm trắng,
    Ngư tiều canh độc chị khăn hường.
    Đào non kén rể ngồi đầy chợ,
    Chanh cốm mò trai đứng chật đường.
    Chẳng có Ngộ Năng người xấu tướng,
    Yên hoa vây chặt khó mà đương!

    Một cái thú nữa khi đọc Tây du là Ngô Thừa Ân luôn luôn đặc tả các đoạn giao đấu. Đọc những đoạn này cảm giác như xem tranh minh họa rất khoái trá, và Thụy Đình dịch những đoạn ấy hình ảnh sinh động, vần điệu uyển chuyển, có thể nói là hết sẩy:
    Đánh miếng đại tứ bình, đá ngón song phi cước. Lách sườn giọi ngực bồi, lẩy mật moi gan ngược. Người tiên chỉ đường, Lão tử cưỡi hạc. Hổ đói vồ ăn rất hại người, giao long đùa nước thực hung ác. Ma vương đánh miếng trăn lượn mình, Đại thánh đi bài hươu trút ngọc. Úp bát bắt vòm trời, nghển gót dìm rồng đất. Sư tử há miệng chồm, cá chép quật mình trước. Trên đầu tán hoa, quanh mình buộc chạc. Gió to quạt tung bay, mưa giật hoa lác đác. Miếng Quan Âm Chưởng của yêu ma, Hành Giả đi bài La Hán Cước. Quyền dài đánh mạnh phải co về, so với quyền ngắn còn kém bước. Hai kẻ giữ nhau mấy mươi hồi, tài tình chưa hẳn ai thua được! (Hồi 51)
    Chỉ đáng tiếc là ông không dịch đủ. Có thể kể ra một số bài bị bỏ qua như cảnh đánh nhau với con yêu bọ cạp ở động Tỳ Bà, với Như Ý chân tiên, hay với Ngưu Ma Vương. Hận a, hận a.
    Bản Như Sơn
    Ưu điểm của bản dịch này là đủ hơn đáng kể, không lược bỏ thơ từ, bổ khuyết những chỗ thiếu ở bản Thụy Đình. Nếu muốn một bản Tây du hoàn chỉnh nhất, dịch thuật cũng chỉn chu, thì có thể tìm đến bản này. Một điểm cộng nữa là chú thích kỹ lưỡng hơn.
    Nhược điểm: đơn giản là dịch không hay bằng. Cái hạn chế và cái khó mà bản Như Sơn phải đối mặt thì mình đã đề cập khá kỹ ở trên, nên ở đây chỉ nói thêm mấy ý:
    - Vì bản Thụy Đình dùng chữ rất đắt nên bản Như Sơn buộc phải tránh những chỗ đó, thành thử văn phong có kiểu đi đường vòng. Xu hướng diễn ý khiến câu cú không gọn gàng, chặt chẽ bằng, nhưng từ ngữ hiện đại hơn, dễ tiêu hơn với độc giả trẻ hoặc người có vốn từ hạn hẹp. Bản Như Sơn là 198x, bản Thụy Đình là 1960, nhưng thực chất ngôn ngữ của Thụy Đình có lẽ phải cỡ 194x, nên nhiều chỗ để thẩm thấu được độc giả phải quen với thứ tiếng Việt cũ. Một ví dụ:
    Như Sơn: Thật là nhà sư chân chính! Thật là nhà sư chân chính! Thân giữa vòng gấm vóc mà lòng không tơ tưởng, chân bước chốn quỳnh dao mà ý chẳng mê lầm! (Hồi 95)
    Thụy Đình: Hòa thượng giỏi thay! Hòa thượng giỏi thay! Mình quàng gấm vóc lòng không thích, chân dạo quỳnh dao dạ chẳng mê.
    Hai câu cuối vốn là thơ thất ngôn (nguyên văn: Thân cư cẩm tú tâm vô ái, túc bộ quỳnh dao ý bất mê) Bản Như Sơn diễn ý ra, tuy vẫn giữ cấu trúc đối, nhưng lời lẽ dài dòng hơn nhiều.
    - Về thơ từ, bản Như Sơn dịch lục bát khá nhiều. Cái hay ở bản gốc là sự đa dạng trong thể thơ. Thất ngôn bát cú có cái đẹp đẽo gọt chuẩn tắc, ngũ ngôn cổ phong có cái đẹp dung dị chất phác, lục ngôn có cái mới mẻ về nhịp điệu, những bài trắc vận có khi thì gai góc, lắm lúc lại tinh kỳ. Nếu có vài bài thì dịch thành lục bát cả cũng không sao lắm. Nhưng nhiều quá thì bao nhiêu cái đẹp đa dạng kia đều bị gọt nhẵn thín vào một khuôn, đọc rất chán.
    Tất nhiên có những người vẫn thích lục bát và bảo tôi vẫn thấy hay, thôi thì cũng là khẩu vị của mỗi người. Nhưng về tổng thể, dù chuyển thành lục bát hay giữ nguyên thể thì dịch thơ, từ vẫn không bằng Thụy Đình, chỉ tròn trịa chứ không xuất sắc. Những bài dịch lục bát còn khá, những bài nguyên thể vì nhiều ràng buộc nên hạn chế thể hiện rõ hơn, nhất là vần điệu, nhạc tính. Cái này muốn chứng minh cụ thể phải phân tích từng câu, so sánh từng bài, sợ là quá rườm. Chỉ nêu một ví dụ bài tả tiểu tam của Ngưu Ma Vương:
    Bản Như Sơn: Thướt tha đẹp nghiêng nước, yểu điệu gót sen rời. Mặt Vương Tường xinh tươi, đẹp như con gái Sở. Hệt bông hoa hé nở. Khác nào ngọc đưa hương. Tóc mây rủ mịn màng; mắt long lanh thu thủy. Quần là hé lộ đôi hài thủy; áo bay trắng muốt ánh vân thêu. Nói làm chi mưa gió sớm chiều; Thật đúng hạng môi son má phấn. Mày ngài mượt một đường cong sẫm, hơn cả Văn Quân, cả Tiết Đào. (Hồi 60).
    Bản Thụy Đình: Dịu dàng nghiêng nước đẹp, lững thững gót sen đi. Xinh tựa Vương Tường, nền hơn Sở nữ. Bông hoa biết nói, viên ngọc đưa hương. Một món tóc mây đuôi hạc rủ, đôi con mắt phượng sóng thu tình. Ống quần để hé đôi hài phượng, tay áo không trùm nửa cổ tay. Chi sá kể mưa chiều mây sớm, thực vào hàng má phấn môi son. Cẩm giang mườn mượt mày ngài đẹp, hơn cả Văn Quân, cả Tiết Đào.
    Đọc lên có thể thấy rõ bản Thụy Đình văn chương hay hơn hẳn, nhất là những câu như “một món tóc mây đuôi hạc rủ, đôi con mắt phượng sóng thu tình.” Ngoài ra cái đáng nói là nhóm Như Sơn không nhận ra một điển cố rất cơ bản của văn học cổ điển Trung Quốc, đặc biệt là ở bốn câu cuối. Mộ vũ triêu vân là điển về Vu sơn thần nữ, chỉ có thể dịch là mưa chiều mây sớm, dịch thành mưa gió sớm chiều là sai hẳn đi.

    Bản Bùi Hạnh Cẩn: vì ở nước ngoài nên mình chỉ có cơ hội tiếp xúc với tập một trong ba tập qua bản PDF online. Xem vài chương, ấn tượng cũng không có gì đặc biệt, nhưng do chưa có đủ văn bản nên tạm chưa bàn đến, vì chưa xem hết đã phê bình thì không công bằng cho lắm. Khi nào có dịp xem toàn văn, và thấy đáng bàn, thì sẽ nói thêm sau.
     
    Lamani, Dimsumpham, Ktc_nt and 7 others like this.
  19. kid3712

    kid3712 Lớp 1

    @jun276 bạn phân tích hay lắm. Nhưng mà nói chung ai đọc bản nào trước thì sẽ quen với bản đó hơn. Như mình đọc bản Thụy Đình trước nên đọc bản kia không thấy hay bằng. Nhưng có người lại đọc bản Như Sơn trước thì lại thấy bản Thụy Đình không hay.
    Cũng nói thêm là hồi đầu mới đọc thơ phú mình bỏ sạch chỉ đọc nội dung, sau này đọc lại mới thấy mấy đoạn thơ phú rồi mấy đoạn tả đánh nhau cũng hay thật
     
  20. VuDaiLang

    VuDaiLang Mầm non

    Nhìn như em ấy đang hút thuốc lào?
     
    vinaguy thích bài này.

Chia sẻ trang này