1B2W W Thành phố tửng của anh chàng tỉnh

Thảo luận trong 'Hai tuần một tác phẩm' bắt đầu bởi Ban Tang Du Tử, 21/1/16.

  1. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Bình Nguyên Lộc là một nhà văn nhạy cảm và giàu chất thơ. Bởi vậy nên ở ông có sự tỉnh táo khủng khiếp đối với cuộc sống trần trụi, nhưng lại được diễn tả một cách tinh tế, đôi khi là hài hước.

    1.1.png
    Đọc “Những bước lang thang trên hè phố” ta bắt gặp ở đó một hình ảnh Sài Gòn “tửng tửng”, một Sài Gòn có chút “điên điên” dù không kém phần thi vị. Cái “tửng” đó có lẽ là vì cái “tỉnh” quá tỉnh của giọng văn Bình Nguyên Lộc tạo nên.

    Thành phố này điên cuồng, từ hàng cây vô tri đến con người xô bồ chộn rộn dễ dàng lạc mất chính mình.

    Ví dụ như những hàng me xanh tươi dịu dàng. Những hàng me chia sẻ chút hương đồng nội cho người từ những miền quê xa xôi lạc về đây mưu sinh. Vậy mà những hàng me ấy, với cái tên me rất đỗi thân thuộc, vào tai Bình Nguyên Lộc bỗng trở nên thành một cái tên quê mùa chẳng sáng giá như anh đào, thanh tùng; mà “thô lỗ, cục mịch”. Có lẽ ông đã gọi hàng trăm lần, lẩm nhẩm, lầm thầm cái tên: me, me, me… để rồi phát hiện ra điều đó chăng.

    Mà cái rạch Ông Lãnh, trong mắt ông bỗng cũng trở nên yểu điệu, nhỏng nhẽo bất thường khi đóng cái vai “kể lể” câu chuyện của người, của đất xứ này; mà còn “gợi tình” với cái màu nước “trong xanh biến ra vàng sậm vì từ lòng cạn vẩn lên phù sa gợi nhớ Thủy Chân Lạp hoang vu”. Con sông con ấy “thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lỏng vào thành phố”. Và dù “dơ” mà lại “dễ thương biết bao nhiêu”.

    Hay như cái cách ông thổi sự sống vào những cánh diều, thổi luôn cả sự sống vào những xác diều. Trên bầu trời bị cắt thành từng khoảnh của thành phố xa hoa nhộn nhịp với những tòa nhà cao tầng, những cánh diều vẫn tìm thấy tự do, sự kiêu hãnh và lẽ sống của chúng. Bởi vậy mà ông hân hoang với cánh diều lộng gió, ông xót thương cho những xác diều vật vờ vẫn giữ cho mình linh hồn.

    Tâm hồn nhạy cảm Bình Nguyên Lộc cũng xúc động sâu xa với những cánh chim. Những cánh chim khờ dại bị bẫy, bắt, tù nhốt bởi con người chỉ còn biết đến cái lợi ích của kim tiền. Những cánh chim lạc lối đến chốn “tội lỗi”. Chốn mà cuộc tranh sống khiến cho người còn chẳng thể dung nhau, nên chẳng thể dung thêm một điều gì, dẫu chỉ là cánh chim. Đau xót là vậy, nhưng ông lại nói một cách rất “hồn nhiên”, rất “thờ ơ” cái kiếp chim thành thị là chỉ để “xèo xèo trong chảo mỡ”. Sự đối lập giữa một hồn thơ mộng và một cái bao tử rỗng, quả thật khiến ta phải cười một cách bất lực, có chút chua xót cho chính cả mình.

    Kiểu nói tỉnh tỉnh ấy, dễ làm cho người ta bật cười. Mà nói cười vì cái gì, lại chẳng thể nói cho rõ ràng được, một cái cười ý vị cứ day dứt ở trong lòng khó tản đi.

    Người Sài Gòn trong mắt Bình Nguyên Lộc cũng ngồ ngộ. Chỉ “một ngôi mộ xưa chừng nửa thế kỷ cũng được ta mừng rỡ liệt vào hạng di vật lâu đời.” hay phải mang tội trộm cắp vào mình vì cái tính ưa thích đồ xưa, món đồ xưa lại đơn giản là hòn giả sơn nhỏ nhỏ không đáng mấy tiền, vậy mà ai cũng bỗng thấy nó quá quan trọng. Người ở xứ này quyến luyến chút xưa cũ trong mảnh đất mới toanh, mới vì chỉ có mấy trăm năm, chưa được ngàn năm như các thủ phủ khác của nước Việt. Rồi để khi không tìm được cái xưa cũ trong di tích, đền đài, họ đi tìm cái xưa cũ trong tiếc nuối phong vị cuộc sống. Đó là tiếng rao dài ngoằng ngoẵng đủ thành phần của một món ăn, đó là kiểu nấu đúng chất món bánh canh cá lóc đủ thì là, tiêu, cá…, là tiếng của người hành khất xin cơm có vần có điệu nay đã thất truyền.

    Sài Gòn đó con người ta dễ lạc lối giữa sở thích chơi hoa đến thói háo danh phù phiếm. Nhưng thành phố này cũng là xứ lòng người biết lựa chọn để yêu sách vở lề đường kể câu chuyện dân tộc hơn là văn chương phù phiếm của giới trí giả. Và đó cũng lại là một thành phố hội nhập đủ bề nhưng cuối cùng nghĩa trang vẫn chia tỉnh thành để được an ủi chút phần hồn hướng về cố hương.

    Cả cuốn sách là những hình ảnh đan xen: hỗn độn một cách có trật tự vi tế. Tựa như bức tranh trừu tượng vì muôn điều muốn nói cứ vùi lấp sau một cái cười khó tả.

    Bình Nguyên Lộc lang thang, người đọc cũng lang thang cùng ông. Ai đã ở thành phố ấy nhiều năm, những bước chân đồng điệu sẽ khiến người ta cười, khiến người ta khóc với cảnh với người đã quen, đã xa. Ta thấy một thành phố tửng của một anh chàng tỉnh hoặc là thành phố tỉnh của một anh chàng tửng. Có cái gì đó điên loạn ở đây! Dù sao những bước chân lang thang ấy cũng chẳng thể nào bình thường được. Nó gợi những nổi day dứt khôn nguôi về đất về người.

    Hết.

    {:Bang Tang Du Tu 1:}{:Bang Tang Du Tu 1:}
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/1/16
    Ngọc Sơn, tamchec and teacher.anh like this.

Chia sẻ trang này