Tuỳ bút - Biên khảo NC-17 Thi ca bình dân Việt Nam - Tòa lâu đài văn hóa dân tộc - Quyển I <Phan Canh – Nguyễn Tấn Long>

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi 4DHN, 15/7/15.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    201. Mành treo chiếu rách cũng treo,

    Hương xông nghi ngút, củi dều cũng xông.

    202. Mấy đời sấm trước có mưa?

    Mấy đời dì ghẻ có ưa con chồng.

    203. Mấy đời bánh đúc có xương,

    Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng.

    204. Mất trâu thì tại tậu trâu,

    Những quân cướp nợ có giàu được ai.

    205. Mẹ để đồ thì mát,

    Con để đồ vừa phát, vừa đánh.

    206. Mẹ em ra đi, dặn em ở nhà.

    Đừng ra chơi biển mà hà ăn chin,

    Ăn chin thì mặc ăn chin,

    Em ra chơi biển để cho ghin mẹ thầy.

    207. Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,

    Con nuôi mẹ, con kể từng ngày.

    208. Mèo khoe mèo dài đuôi,

    Chuột rằng nhỏ mình dễ chạy.

    209. Mình dối ta mình chửa có con,

    Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.

    Con mình những trấu cùng tro,

    Ta đi xách nước rửa cho con mình.

    210. Mình về, ta chẳng cho về,

    Cầm tay kéo lại mình thì ở đây.

    211. Mình nói dối ta mình chửa có chồng,

    Ta đi qua ngõ mình bồng con ra.

    Con mình khéo giống con ta,

    Con mình bảy rưỡi con ta ba phần.

    212. Mồ cha con bướm trắng,

    Đẻ mẹ con ong xanh.

    Khen ai uốn lưỡi cho ranh nói càn,

    Mồ cha con bướm trắng,

    Đẻ mẹ con ong vàng,

    Khen ai uốn lưỡi cho nàng nói chua.

    213. Một người làm xấu cả bọn mang nhơ,

    Một người làm tốt cả bọn được nhờ.

    214. Một vũng nước trong, mười dòng mước đục,

    Một trăm người tục, một chục người thanh.

    Biết ai tâm sự gởi mình,

    Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân.

    215. Một tay đun chín bếp rơm,

    Một tay nạo mướp chị nhường chồng cho.

    216. Một lời nói quan tiền thúng thóc.

    Một lời nói dùi đục cẳng tay.

    217. Mới hay giải cấu tương phùng,

    Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao.

    Sông sâu còn có kẻ dò,

    Lòng người ai biết mà đo cho cùng.

    Ai mua dưa hấu biết lòng,

    Để tôi xin ngỏ trong lòng tôi ra.

    278. Muốn lấy chồng mà chồng chẳng lấy,

    Biết giá chồng đáng mấy mà mua.

    219. Mướp đắng đã có mạt cưa,

    Bố bây hay lừa lại gặp mẹ bây.

    220. Nào là cá lớn đi đâu,

    Để cho cá nhỏ cần câu thế này?

    221. Nào ai nhắn nhủ mi ra,

    Mà mi lại kể con cà, con kê.

    222. Năm quan tiền tốt bó mo,

    Làm tờ ký chỉ, chị cho chuộc chồng.

    Măng non nấu với gà đồng,

    Chơi nhau một trận, xem chồng về ai.

    Già gan cướp được chồng người,

    Non gan hết vía rụng rời chân tay.

    223. Nín náu mồng chín, đụn địn mồng mười,

    Sợ chị em cười, ở đến ngày mười một.

    224. Nôm na là cha mách qué.

    Mách qué là mẹ quách siêu,

    Ta cho đồng tiền mách nữa ta nghe.

    225. Nói lời phải nhớ lấy lời,

    Đừng như con bướm đậu rồi bay đi.

    226. Nói đẩy đưa cho vừa lòng bạn,

    Cái sông Giang-hà chỗ cạn chỗ sâu.

    227. Nói người chẳng gẫm đến ta,

    Cái gương tày liếp để mà soi chung.

    228. Nói với người khôn không lại

    Nói với người dại không cùng.

    229. Núi kia ai đắp nên cao,

    Sông kia bể nọ ai đào nên sâu?

    Một lòng sầu năm bảy lòng sầu?

    Đấy vui có biết đây sầu cùng chăng.

    Muốn sao tháng đôi tuần trăng,

    Muốn sao đấy ở cho bằng lòng đây.

    230. Nước trong khe suối chảy ra,

    Mình chê ta đục, mình đà trong chưa.

    231. Nước chảy xấp xấp cột chòi.

    Anh đen như mọi mà đòi vợ xinh.

    Nước chảy xấp xấp mặt mâm,

    Em như chó má mà đòi chồng xinh.

    232. Nước sông còn đỏ như vang,

    Nhiều người lịch sự hơn chàng, chàng ơi.

    233. Ngày xưa quỉ mọc đằng đông,

    Bấy giờ quỉ mọc trong lòng trẻ con.

    234. Ngày nay tôi nói với mình,

    Anh đã phụ em, em kiếm chốn gởi mình liễu mai.

    235. Ngày thì cười đứng cười câm,

    Tối thì lẩm bẩm chửi thầm người ta.

    236. Ngày ngồi cửa Hữu bán cau,

    Muốn xin chút vú sợ đau dạ nàng.

    257 Ngồi buồn kể ruốc nhau ra,

    Ruốc ông cũng thối, ruốc bà cũng thơm.

    238. Ngỡ rằng ông thử, ông thương,

    Ai ngờ ông thử trăm đường ông thôi.

    259. Người ta đánh chú, tôi chẳng tha người,

    Chú đánh cha tôi, tôi chẳng tha chú.

    240. Người dưng có ngãi, thì đãi người dung,

    Anh em vô ngãi thì đừng anh em.

    241. Người khôn không nỡ roi đòn,

    Một lời nhè nhẹ hãy còn đắng cay.

    242. Người sao một hẹn mà nên,

    Tôi sao chín hẹn mà quên cả mười.

    243. Người trên ở chẳng chính ngôi.

    Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào.

    Người trên ở chẳng được cao,

    Khiến cho kẻ dưới lộn nhào lên trên.

    244. Nghĩ rằng chị ngã em nâng,

    Hay đâu chị ngã, em bưng miệng cười.

    245. Nhà em có bụi mía mung,

    Có con chó dữ anh đừng có vô.

    246. Nhà anh lợp những mo nang,

    Nói láo với nàng nhà ngói năm căn.

    247. Nhạn về biển bắc nhạn ơi,

    Bao thuở nhạn hồi để én đợi trông.

    248. Những người ti hí mắt lươn,

    Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người.

    249. Những người chép miệng thở dài,

    Chỉ là sầu khổ bằng ai bao giờ.

    250. Nhứt nhựt vãng lai thường ngày kiến diện,

    Muốn phân một lời sợ miệng thế gian.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/1/16
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  2. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    251. Ông chết thì thiệt thân ông,

    Bà tôi sắp sửa lấy chồng nay mai.

    Bà chết thì thiệt thân bà.

    Ông tôi sắp sửa lấy ba nàng hầu.

    252. Ông trăng mà bảo ông trời,

    Những người hạ giới là người như tiên.

    Ông trời mới bảo ông trăng,

    Những người hạ giới mặt nhăn như tườu.

    253. Ở xa anh tưởng là tiên,

    Lại gần mới biết gái thuyền quyên lộn chồng.

    254. Ở đời tôi chẳng sợ ai,

    Sợ người say rượu nói dai như thừng.

    255. Ở cho phải phải, phân phân,

    Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.

    256. Ở sao vừa lòng người,

    Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.

    257. Phấn dồi mặt nọ tốt tươi,

    Thuyền em chở được mấy mươi anh hùng.

    Thuyền tôi đáy rộng lườn dài,

    Xưa kia có chở quan tài cha anh.

    258. Phỉ hổ, lấy rổ mà che, lấy nong mà đè,

    Lấy đấu mà đưa, lấy ngọn rau dừa chấm cứt mà ăn.

    259. Quân tử ư hự đã đau,

    Tiểu nhân dùi dục đập đầu như không.

    260. Quân tử nhất ngôn là quân tử dại,

    Quân tử nói đi, nói lại là quân tử khôn.

    261. Quân tử ngồi buồn rung chống gối,

    Tiểu nhân đắc chí gẩy đàn môi.

    262. Quân tử cố cùng quân tử cố,

    Tiểu nhân đắc ý tiểu nhân hay.

    263. Rồng vàng tắm nước ao tù.

    Người khôn ở với người ngu bực mình.

    264. Rồng nằm bể cạn phơi râu,

    Mấy lời anh nói giấu đầu lòi đuôi.

    265. Ru em, em hãy nín đi,

    Kẻo mà mẹ đánh em thì em đau.

    Em đau chị cũng buồn rầu,

    Bé mồm bé miệng kêu đâu bây giờ.

    266. đầu giả dại làm ngây,

    Khôn kia dễ bán dại này mà ăn.

    267. Sa chân bước xuống ruộng dưa,

    Kẻ kia tám lạng, người này nửa cân.

    268. Sấm bên đông, động bên tây,

    Tuy rằng nói đấy, nhưng đây động lòng.

    269. So ra ai dễ kém ai,

    Kẻ kia tám lạng, khôn nầy nửa cân.

    270. Sông sâu sào ngắn khôn dò,

    Người khôn ít nói, người đo tấc lòng.

    271. Sông sâu còn có kẻ dò,

    Lòng người ai biết mà do cho cùng.

    Ai mua dưa hấu biết lòng,

    Để tôi xin ngỏ trong lòng tôi ra.

    272. Sông sâu còn thể bắc cầu,

    Lòng người nham hiểm biết đâu mà dò.

    273. Sông sâu ngựa lội ngập kiều,

    Dù anh cứ phụ cũng nhiều nơi thương.

    274. Sớm mai đi chợ Gò-vấp,

    Mua một xấp vải.

    Đem về con hai nó cắt,

    Con ba nó may,

    Con tư nó đột.

    Con năm nó viền,

    Con sáu đơm nút,

    Con bảy vắt khuy,

    Anh bước cẳng ra đi,

    Con tám nó kéo, con chín nó trì,

    Ớ mười ơi! Sao em để vậy còn gì áo anh.

    275. Tằm sao tằm chẳng ăn dâu,

    Tăm đòi ăn ruộng, ăn trâu, ăn nhà.

    276. Tết đến sau lưng,

    Ông vãi thì mừng, con cháu tôi lo.

    277. Tiếc tiền mua lấy cá ươn,

    Mua rau, rau héo, mua người lẳng lơ.

    278. Tiền trinh để lẫn tiền vàng,

    Ở trong khăn gói đố nàng biết chi.

    Tiền trinh để lẫn tiền chì.

    Ở trong khăn gói đố gì hỡi anh!

    279. Tiền Đường hậu Tống, Tam quốc Châu Do.

    Anh với em nói chuyện đưa đò,

    Cứ như Đát-Kỷ theo phò Trụ-vương.

    280. Tiếng đồn cô bảy hồ lanh,

    Ngày nay mới biết mặt xanh như chàm.

    281. Tiếng đồn chị Bốn có duyên,

    Anh Bốn đi cưới một thiên cá mòi.

    Chẳng tin giờ quả ra coi,

    Mít non ở dưới cá mòi lên trên.

    282. Tình cờ bắt gặp nàng đây,

    Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.

    Rồng gặp mây bán văn bán vũ,

    Cá gặp nước con ngược con xuôi.

    Chồng Nam, vợ Bắc anh ơi,

    Sao anh chẳng lấy một người như em.

    283. Tính sao như thể nước cờ,

    Một vừa, hai phải hai bề thì thôi.

    284. Tò vò ngồi khóc tỉ ti,

    Ta nuôi con nhện nó đi đằng nào.

    285. Tôi yêu anh vạn, tôi mến anh nghìn,

    Anh có ăn thuốc đưa tiền tôi mua.

    286. Tôm tép vũng chân trâu be bé,

    kinh nghê bãi bể dong chơi.

    287. Tôm tép thì nhảy lên bờ,

    Bụng mình cô thế mới ngờ cho ta.

    288. Tới đây thủ phận đưa đò,

    Trước đưa quan khách, sau dò ý em.

    289. Tôi đây sở cậy cùng dì,

    Dì đem lòng giận, tôi thì cậy ai.

    290. Tới đây dầu đói giả no,

    Dầu khôn giả dại đặng dò ý anh.

    291. Tới đây lạ xứ quen người,

    Trăm bề nhẫn nhịn đừng cười tôi quê.

    292. Tới lui không biết làm sao,

    Khách gào như thể cáy vào hang cua.

    294 Tham thanh, chuộng lạ, tham thanh,

    Chê đây quán nát lều tranh không ngồi.

    295. Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,

    Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời!

    Cha còn cắt cỏ trên trời,

    Mẹ còn cỡi ngựa đi mời quan viên.

    Quan thì cầm bút cầm nghiên,

    Quan thì cầm tiền đi chuộc lá đa.

    296. Thân em như miếng cau khô,

    Kẻ thanh ưa mỏng, kẻ thô ưa dày.

    297. Thân em như đóa hoa rơi,

    Phải chăng chàng thật là người yêu hoa.

    298. Thân em như giếng giữa đường,

    Người khôn rửa mặt, người thường rửa chân.

    299. Thẩn thơ đứng gốc cây mai,

    Bóng tôi, tôi nghĩ bóng ai tôi lầm.

    300. Thật vàng chẳng phải thau đâu,

    Đừng nung thử lửa cho đau lòng vàng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/1/16
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  3. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    301. Thật thà là cha quỉ quái,

    Quỉ quái còn phải rái thật thà.

    302. Thấy anh hem cũng muốn theo,

    Em sợ anh nghèo, anh bán em đi.

    Lấy anh em biết ăn gì?

    Lộc sắn thì chát, lộc si thì già.

    303. Thấy chồng đần, xỏ chân lỗ mũi,

    Đã nhổ lại liếm làm sao cho đành.

    304. Thề rằng sẩm chẳng thấy gì,

    Sẩm mà nói dối sẩm thì cũng đui.

    305. Thế gian còn mặt mũi nào,

    Đã nhổ lại liếm làm sao cho đành.

    306. Thôi tôi chẳng lấy ông đâu,

    Ông đừng cạo mặt nhổ râu tốn tiền.

    307. Thối tai hôi nách rình rình,

    Chẳng ai hỏi đến cậy mình chính chuyên.

    308. Thông gia là bà con tiên,

    Ăn ở không hiền là bà con chó.

    309. Thơm thảo bà lão ăn thừa,

    Bà ăn chẳng được bà lừa cho tôi.

    310. Thứ nhất cung voi ra na,

    Thứ nhì đất đỏ, thứ ba khoa tràng.

    Rủ nhau lên núi đốt than,

    Anh trèo Tam-điệp em mang nón giành.

    Ăn chanh ngồi gốc cây chanh,

    Lấy anh thì lấy, về Thanh không về.

    311. Thứ nhất sợ kẻ anh hùng,

    Thứ nhì sợ kẻ bần cùng cố thây.

    312. Thua kiện mười bốn quan năm,

    Được kiện mười lăm quan chẵn,

    313. Thức lâu mới biết đêm dài,

    Ở lâu mới biết là người cố nhân.

    314. Thương trò may áo cho trò,

    Thiếu bâu, thiếu vạt, thiếu hò, thiếu đinh.

    315. Thương nhau cởi áo cho nhau,

    Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay.

    Con ơi con nói trớ trêu,

    Áo mặc trong mình đến nỗi gió bay.

    316. Thương thì củ ấu cũng tròn,

    Không thương thì quả bồ hòn cũng méo.

    317. Trai mồng một gái hôm rằm,

    Nuôi thì nuôi vậy còn căm dạ nầy.

    318. Trách thân chẳng dám giận trời,

    Trách thân lắm lắm giận trời bao nhiêu.

    319. Trách người phơi lúa nống xưa,

    Chèo thuyền tiến động khéo lừa duyên em.

    320. Trách ai đặng cá quên nơm,

    Đặng chim bẻ ná, quên ơn vội thù.

    521. Trách người quân tử vụng suy,

    Vườn hoa thiên lý chồng che mành mành.

    322. Trách lòng quân tử vô danh,

    Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.

    323. Trách người một, trách ta mười,

    Trách thân lắm lắm, giận trời bao nhiêu.

    524. Trách cha trách mẹ tôi nay,

    Sinh tôi sao chẳng chọn ngày mà sinh.

    525. Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn,

    Sao trăng tại phải chịu lòn đám mây.

    Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng,

    Đèn ra trước gió được chăng hỡi đèn!

    326. Trăng tròn thì mặc trăng tròn,

    Bậu xinh mặc bậu bận xằng anh chê.

    327. Trăng trong gió mát, em hỏi thử đôi lời:

    Chẳng hay quân tử vợ thời có chưa?

    - Có vợ mà cũng như chưa,

    Vợ ngày, vợ bữa nắng mưa qua thời.

    328. Trâu cột thì ghét trâu ăn,

    Quan võ thì ghét quan văn dài quần.

    329. Trầu không ăn sao ngon sao béo.

    Nghĩa nhơn không mến sao đem lòng phiền?

    Chờ chàng bóng ngả trăng nghiêng,

    Bao nhiêu vui về bạn, bấy nhiêu phiền về ta.

    330. Trèo lên cây khế chua le,

    Vợ thì muốn lấy, chồng e mất tiền.

    331. Trèo lên cây bưởi hái hoa,

    Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân.

    Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc,

    Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay,

    332. Trèo tên cây khế nửa ngày,

    Ai làm chua xót lòng này khế ơi!

    333. Trong nhà đã có hoàn cầm.

    Song le còn muốn nhân sâm nước người.

    334. Trong làng chẳng có ai vì,

    Vậy nên em phải ra đi nước người.

    335. Trong nhà đã có vàng mười,

    Song le lại muốn của người nhân sâm.

    336. Trong nhà đã có đồ chơi,

    Song le còn muốn của người thêm xinh.

    357. Trọng người, người lại trọng thân,

    Khinh đi, khinh lại như lần trôn quan.

    358. Trông lên mình chẳng bằng ai,

    Trông xuống dễ đã có ai bằng mình.

    359. Trông anh như thể sao mai,

    Biết rằng trong có như ngoài hay không,

    340. Trời mưa nước chảy qua hè,

    Tôi chẳng lấy nó, đè lấy tôi.

    341. Trời mưa nước chảy qua đình,

    Tôi chẳng lấy nó, nó dình lấy tôi.

    342. Trời mưa nước chảy qua ngòi,

    Tôi chẳng lấy nó, nó đòi lấy tôi.

    343. Truyện mình giấu đầu hở đuôi,

    Chuyện xấu chi người vạch lá tìm sâu.

    344. Vàng mười, bạc bảy, thau ba,

    Đồng đen trinh tiết lại pha lộn chì.

    345. Vào thì bẩm bẩm thưa thưa,

    Ra thì văng tục có chừa ai đâu.

    346. Vẽ rồng ai vẽ được vi,

    Biết người biết mặt, biết chi tấm lòng.

    347. Ví dầu, ví dẩu, ví dâu,

    Ăn trộm bẻ bầu tôi chẳng dám la.

    348. Ví dầu tình bậu muốn thôi,

    Tình qua muốn nữa, bậu thôi sao đành.

    349. Vô duyên chửa nói đã cười.

    Có duyên gọi chín mười lời không thưa.

    350. Vợ chồng hàng sáo chúng ta,

    Bách niên giai lão được vài trống canh.

    351. Vườn xuân hoa nở đầy giàn,

    Ngăn con bướm lại kẻo tàn nhị hoa.

    352. Sá chi một khúc thịt bò,

    Ba tô gạo lứt mà anh xô tôi hoài.

    353. Xem lên hòn núi Thái-sơn,

    Hòn trăng hòn trở thiếp cũng muốn thương.

    Chàng thương đỡ, đỡ không dám thương lâu,

    Nghĩ thân phận chàng như áo vá hai bâu.

    Đêm chung tình với vợ, ngày thì lưới buông câu cho thiếp lầm.

    354. Xưa nay có thế này đâu,

    Bởi chưng sợ vợ nên râu quặp vào.

    355. Yêu ta, ta cũng thế này.

    Ghét ta, ta cũng như ngày mình yêu.

    356. Yêu nhau bốc bãi dân sàng,

    Ghét nhau đũa ngọc mâm vàng chẳng ăn.

    357. Yêu nhau cũng chẳng cho vàng,

    Ghét nhau cũng chẳng tránh đàng mà đi.

    358. Yêu nhau chị em gái, rái nhau chị em dâu,

    Đánh nhau lổ đầu là anh em rể.

    359. Yêu nhau xin quyết một lòng.

    Đậu ngâm ra giá đãi đằng nhau chi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/1/16
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  4. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    C. Ý THỨC THỰC TIỄN TRONG LẼ SỐNG

    Khác với mọi lớp người trong xã hội, lớp người bình dân không đem lý trí của họ khám phá thiên nhiên, tìm hiểu cơ cấu vũ trụ, hoặc sáng tạo một tổ chức xã hội để chế ngự cuộc sống loài người. Họ là lớp người bị trị, thấp cổ bé miệng, chỉ lo chống chọi với những bất công luôn luôn vây phủ lấy đời sống họ.

    Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là họ không có những suy tư, cảm nghĩ về cuộc sống. Đã là con người, có một khối óc, dù ở tầng lớp nào, khi đã hòa mình vào lẽ sống, không thể không có những ước vọng. Ước vọng chính là sản phẩm của tâm tư, của sự đòi hỏi về nhân tính. Sự đòi hỏi ấy va chạm với mâu thuẫn của cuộc sống đem lại cho người bình dân những khắc khoải, suy tư, và đó chính là nguồn sống trong tâm hồn họ, mà chúng ta gọi là nhân sinh quan.

    Điều thiệt thòi đối với họ là những suy tư, cảm nghĩ ấy không được đúc kết thành hệ thống mạch lạc để dựng lên một ngôi nhà tư tưởng của họ.

    Ngôi nhà tư tưởng của họ không tạo dựng trong đơn thuần lý trí. Nó xuất phát ở lãnh vực tâm tư, bởi vì họ là những người chịu đựng trực tiếp với cuộc sống. Họ là con người hiện thực, sống bằng cuộc sống thiết thực, không bị bức màn giả dối của đạo lý bao phủ. Họ gần gũi, va chạm, đương đau với tất cả mọi khía cạnh vật chất cũng như tinh thần mà lẽ sống con người bắt buộc phải có.

    Vì họ sống bằng thực trạng nên tâm hồn họ trở nên thực tế, và những tâm tư của họ chính là những ý thức thực tiễn phát sinh từ trạng thái đích thực của lẽ sống mà ra.

    Ở đây, chúng ta tìm hiểu ý thức thực tiễn của người bình dân thời xưa trong lẽ sống, nhưng chúng ta không đi vào những tuế toái của tâm tư họ, vì như thế chúng ta sẽ lạc vào một thế giới phức tạp mà không thể tìm thấy đâu là phương hướng.

    Nếu ở những tiêu mục trước đây chúng ta đã đi sâu vào từng khía cạnh của tâm giới người bình dân, thì ở mục này chúng ta thử trèo lên đỉnh núi cao, nhìn chung vào những gì chúng ta đã đào xới được trong lĩnh vực tâm tư họ, để đúc kết thành một quan niệm nhân sinh. Như vậy, cũng có nghĩa là chúng ta sẽ làm công việc tổng kết của nhà khảo cứu trong phần đầu của bộ sách này.

    Trước hết chúng ta đặt vấn đề con người với lẽ sống.

    Con người với lẽ sống, dù tự ngàn xưa, hay ngay trong thế hệ chúng ta, tâm tư vẫn nằm trong hai trạng thái phát triển xã hội. Hai trạng thái ấy là năng lực vật chất và năng lực tinh thần.

    Năng lực vật chất phát sinh do khả năng tranh đấu của loài người với thiên nhiên để bảo tồn lẽ sống. Vũ trụ sinh ra loài người, nhưng loài người phải làm mới có ăn. Muốn sống, con người phải dùng đến sức lao động của mình. Cho nên, cuộc sống con người luôn luôn phải kể đến sức lao động, và sức lao động trở thành yếu tố thiết thực của cơm áo.

    Tuy nhiên, sức lao động cũng chỉ mới là một phần quan trọng của lẽ sống, mà chúng ta còn phải kể đến trí khôn của con người nữa. Trí khôn con người lần lần xen vào sức lao động, làm cho sức lao động biến đổi năng suất. Đó chính là kỹ thuật lao động.

    Kỹ thuật lao động mỗi ngày một tinh vi, thì đời sống vật chất con người mỗi ngày một đổi mới.

    Nhưng, nếu trí khôn con người luôn luôn cải tiến kỹ thuật lao động để tranh đấu với thiên nhiên, thì trí khôn con người lại cũng luôn luôn cải tiến mọi liên hệ giữa con người và con người để đem lại cho xã hội nguồn tinh thần tốt đẹp với ý sống.

    Bởi vậy, chúng ta có thể qui kết mọi nỗ lực con người với lẽ sống chỉ là hai năng lực tranh đấu nằm trong hai chiều hướng trên, mà ngày nay chúng ta chia thành hai ngành học thuật, đạo học và khoa học.

    Đạo học là ngành học về tinh thần, tìm trong khả năng nhân loại mối liên hệ mật thiết, đúc kết thành hệ thống tâm tư, hướng dẫn ý thức loài người theo một căn bản nhân nghĩa cao đẹp. Vậy đạo học là cái học dùng để cải tiến giữa con người và con người.

    Khoa học là ngành học cải tạo vật chất, đào xới trong bộ óc những kỹ thuật lao động, đúc kết và phổ biến để giúp cho nhân loại đạt được một khả năng tranh đấu với thiên nhiên, đem lại cho loài người một sức sống phong phú. Vậy khoa học là cái học dùng để tranh đấu giữa con người với thiên nhiên.

    Xét về sự tiến hóa loài người thì xưa nay chúng ta vẫn căn cứ trên hai lãnh vực khoa học và đạo học mà thôi. Khoa học và đạo học lại không thể tách rời. Bởi vì cả hai đều phụng sự cho lẽ sống con người, nếu thiếu một trong hai yếu tố ấy con người sẽ trở nên bi đát.

    Qua những thế hệ gần đây, Tây phương tiến nhanh về khoa học, còn Đông phương lại duy trì những căn bản đạo học để làm nền tảng cho lẽ sống. Sự tiến bộ không cân xứng giữa hai nền học thuật Đông Tây gây cho thế giới loài người một trạng thái chênh lệch và mâu thuẫn. Những điều đó chúng ta có dịp bàn đến ở một quyển sách khác, ở đây chúng ta thử phân tích xem xã hội bình dân Việt-nam thời xưa có dựa trên hai ngành học thuật ấy mà tiến triển không?

    Khi nói đến học thuật, chúng ta thường dựa trên một hệ thống giáo dục, có chương trình, có trường ốc, có tổ chức. Nghĩa là chúng ta chỉ thừa nhận một nền học thuật khi đã được hệ thống hóa và một cơ sở giáo dục. Nếu quan niệm như thế, chúng ta sẽ đi đến sự phủ nhận xã hội bình dân Việt-nam thời xưa chưa có một nền học thuật nào cả. Nhưng nếu chúng ta quan niệm nền học thuật của dân gian không nhất thiết phải lệ thuộc vào hệ thống tổ chức, thì chúng ta ta thấy xã hội bình dân Việt-nam thời xưa vẫn phát triển theo hai chiều hướng khoa học và đạo học.

    Về khoa học, khả năng sáng kiến của họ là những cải tiến kỹ thuật lao động thường ngày trong công việc làm ăn từ một nhát cuốc, đến một luống cày, họ đem kinh nghiệm của họ đúc kết thành những bài học không cần ghi chép bằng sách vở, mà chỉ phổ biến trong gia đình, con cái, truyền đạt những kinh nghiệm, sáng kiến ấy từ đời nọ qua đời kia. Tuy những sáng kiến và kinh nghiệm ấy không được đúc kết thành hệ thống giáo dục qua các trường đào tạo chuyên viên, song lối truyền đạt kinh nghiệm trong dân gian, chúng ta không thể phủ nhận giá trị học thuật của họ được.

    Về đạo học, tuy họ không có những học thuyết minh định loài người đối với lẽ sống, trong cuộc sống của họ hàng ngày va chạm với thực tại, khiến tâm tư họ phát sinh không biết bao nhiêu cảm nghĩ khác đúc thành những tiếng lòng, di truyền từ đời nọ sang đời kia, qua các điệu hò, câu hát, để phản ảnh lẽ sống con người trước nhân đạo. Như vậy, chúng ta càng không thể phủ nhận giá trị học thuật của họ được.

    Xem thế thì hai nền đạo học và khoa học của loài người đã có từ ngàn xưa, không phải đến ngày nay chúng ta mới tìm thấy. Tuy nhiên, dù chúng ta có phân chia thành hai nền học thuật, song mục đích cũng vẫn là một, tức là cùng phụng sự cho lẽ sống con người: lẽ sống vật chất và lẽ sống tinh thần.

    Mà lẽ sống con người không thể đứng độc lập, tách rời mọi biến chuyển của vũ trụ. Do đó, con người muốn cải tiến khoa học, muốn cải tiến đạo học, lại phải dựa vào những qui luật của vũ trụ để phù hợp với trạng thái thiên nhiên. Không một phát minh khoa học nào thành công mà không nhờ tìm hiểu qui luật vũ trụ. Cũng không một đạo lý nào áp dụng được vào cuộc sống loài người, nếu đạo lý ấy không căn cứ vào qui luật diễn biến chung của vạn hữu.

    Vậy, chúng ta vượt lên trên hai lãnh vực đạo học và khoa học, trở vào thế giới tâm tư của người xưa, xem lớp người bình dân quan niệm thể nào đối với thân phận con người trước lẽ sống. Tìm được điều đó tức là chúng ta tìm được nền móng của ngôi nhà tư tưởng của họ, mà trong các phần trước đấy chúng ta đã có dịp mổ xẻ.

    Chúng ta cũng không gán cho họ những ý thức xa lạ, không phải là tư tưởng của họ, mà ở đây chúng ta chỉ gạn lọc những chiều hướng suy tư của họ, đúc kết chành những quan điểm căn bản của họ mà thôi.

    Thân phận con người trước lẽ sống!

    Đó là một vấn đề phức tạp và khó khăn mà từ trước đến nay loài người đã tốn không biết bao nhiêu công phu của khối óc để tìm tòi, nghiên cứu. Chúng ta hiện có một khối óc của người bình dân. Khối óc ấy đã hình thành qua bốn ngăn năm lịch sử. Tại sao chúng ta không tìm hiểu họ, tìm hiểu cả một khối óc vĩ đại của một dân tộc mà chỉ đi tìm tòi những bộ óc của từng cá nhân? Không, theo chúng tôi nghĩ, nếu bỏ quên khối óc khổng lồ ấy, không tìm hiểu họ, không để họ đóng góp vào sự nghiệp tinh thần của nhân loại thì quả là chuyện thiếu sót.

    Bởi vậy chúng tôi muốn khai thác ở khối óc vĩ đại ấy, khối óc của hai mươi lăm triệu người, hay nói một cách thực tế hơn, khối óc của phần đông dân chúng sống gần gũi với thực tế, với thiên nhiên, trong khung cảnh âm thầm, trầm lặng ấy. Ai đảm bảo là họ không có một cảm nghĩ, một nhận xét đúng đắn mà ngày nay, trước cuộc sống tao loạn, loài người không thế nào có được!

    Hỡi tiền nhân của dân tộc! Tại sao chúng tôi, người con của thế kỷ hai mươi này, lại phải viện dẫn đến những cảm nghĩ, suy tư của tiền nhân, mà từ trước đến nay mọi người bỏ quên, chỉ đi bới móc, tìm tòi những gì của ngoại lai, của cá nhân, đã dùng làm căn bản cho lẽ sống?

    Thưa tiền nhân, chỉ vì từ trước đến nay, những gì họ ca tụng và được loài người trọng vọng, thì ngày nay chỉ là những đổ nát, hoang tàn.

    Thử hỏi, qua dòng lịch sử nhân loại, loài người đã tìm thấy thân phận con người trước lẽ sống chưa? Thế giới loài người ngày nay tự hào văn minh, tiến bộ, nhưng họ vẫn chưa giải đáp được câu hỏi ấy. Và khi chưa tìm ra giải đáp, họ vẫn lao mình vào những cuộc xâu xé, chém giết rừng rực, đê hèn.

    Ngoài kia, tiếng súng đang nổ! Những tạc đạn đang sát hại hàng loạt người! Bên tai chúng tôi, họ đang chửi bới nhau qua các kỹ thuật truyền hình, phát thanh, trong lúc họ ca tụng những thành công rực rỡ của khoa học về khả năng chinh phục không gian!

    Thưa tiền nhân, loài người của thế hệ hai mươi chúng tôi có tiến bộ về khoa học thực. Họ có thể du hành lên nguyệt điện, phá núi lấp sông, nhưng khối óc thông minh tuyệt đỉnh của họ vẫn không sao hiểu nổi thân phận con người trước lẽ sống!

    Con người phải làm thế nào trước lẽ sống để cho họ có một cuộc đời tươi đẹp? Những tiến bộ khoa học không đáp ứng nổi điều đó. Hàng ngày bom đạn vẫn tiếp tục tước đoạt mạng sống con người. Vành khăn trắng vẫn tìm ngự trị trên mái đầu xanh, và thảm họa của lẽ sống đưa tâm tư con người tiến dần đến bờ vực thẳm, ở đó bóng tối đen ngòm, khiến chúng tôi, lớp người của thế giới văn minh trở nên hoài nghi tất cả những gì mà thế giới chúng tôi ngày nay đang tôn thờ, theo đuổi.

    Nhưng mảnh tâm hồn của chúng tôi, những con người hôm nay, đang quằn quại với đau thương, không phải vì yếu đuối, mà vì không tìm thấy thân phận con người trước lẽ sống.

    Chúng tôi xin ghi lại ở đây một trong muôn ngàn trạng thái tâm hồn của lớp người trẻ trung trong thế hệ chúng tôi để xác định điều đó:
     
    Last edited by a moderator: 13/9/15
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  5. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    “Vùng đêm đen đang vây phủ tôi, ngọn đèn dầu leo lét không làm sáng đủ trang giấy trắng mở trước mặt. Tôi cúi mặt ru hồn mình trong niềm đớn đau cùng tận, nghe thương nhớ vô vàn khép chặt đôi mi. Vùng bóng tối trước mặt, vùng bóng tối chung quanh, vùng bóng tối trong linh hồn em gái. “Can đảm lên con”. Mẹ tôi đã dặn mỗi lần bắt gặp tôi gục đầu trên hai trang giấy trắng hay mở to mắt nhìn trừng vào khoảng hư vô trước mặt. “Can đảm lên con”, lời nói như một cơn bão ngân dài thành điệp khúc vang vang trong linh hồn tôi từ mấy hôm nay. Tờ điện tín màu xanh nhàu nát trong tay, tôi giương mắt đọc lại trăm nghìn lần đến thuộc lòng sau từng cơn mê sảng: “Đợi anh nha Linh Thương. Xong cuộc hành quân, anh về ngay”.

    11 chữ, 11 lời nói tràn trề hy vọng nuôi sống tôi qua những tháng năm dài mòn mỏi đợi chờ. Cuộc hành quân chấm dứt, các anh lính đã trở về đây tràn đầy những hàng nước, những sạp báo gần nhà tôi. Họ thả hồn theo khói thuốc trên những chiếc xe Lam toàn áo lính mà tôi vẫn bơ vơ, bóng dáng anh vẫn biền biệt phương nào. Một ngày sau khi tiểu đoàn về hậu cứ mới có một người lính đến đây, nhìn nét mặt anh, tôi đã hiểu ngay chuyện anh muốn nói. Nỗi đau đớn tê buốt cả tâm hồn, tôi gật đầu mời anh lính ngồi và yêu cầu anh đừng nói gì cả, tôi chỉ hỏi:”Bây giờ tôi phải làm sao?” Anh lính cúi đầu: “Chị đi theo tôi”.

    Chiếc xe Jeep chở tôi đi đến gặp anh, bóng dáng đó, hình hài đó nằm yên nơi đây. “Hai giờ nữa chúng tôi liệm đi”, giọng nói của anh lính làm tôi nghẹn ngào. Tôi quì xuống gục mặt bên cạnh anh. Thế là hết. Niềm đớn đau chai cứng trong linh hồn. Tiếng bật khóc của em anh, của mẹ anh làm tôi lịm đi”.

    Tôi quì thẳng lên, hôn vào trán anh lần cuối cùng rồi lùi ra. Thời gian này không phải là thời gian để khóc, còn phải lo nhiều giấy tờ thủ tục... Mẹ nhìn tôi: “Can đảm lên con”. Vâng, con sẽ can đảm, con sẽ cố gắng hết sức.

    Quan tài đã đưa về, hai hàng nến trắng, hai người lính bồng súng hai bên, người ta đến chia buồn, ai cũng khuyên tôi can đảm, ai cũng khuyên tôi nên chấp nhận một sự đã rồi.

    Vâng, tôi gục đầu van lơn, đừng nói gì cả, đừng nói gì cả, tôi đã chấp nhận, và ngàn đời tôi sẽ chấp nhận mọi khốn khổ, bất hạnh, xót xa đến trong đời tôi. Tôi mang tang, vành tang ngạo nghễ trên đầu xiết chặt mọi niềm vui trong lòng tôi. Vùng đêm đen khốn khổ của tuổi trẻ, của một đứa con gái sinh ra đời mang tên thật nhỏ nhoi, hèn mọn: Linh Thương! Chiếc quan tài nằm đó, nước mắt vây phủ chung quanh, vành tang trắng sáu mái đầu, tôi cúi mặt thẫn thờ. Tình yêu tôi ngàn đời xin chôn theo anh, xin chôn theo di hài người lính màu mũ đỏ kiêu sa, ngạo nghễ, nhưng đầy thương yêu. Mẹ nhìn tôi, nhìn anh, mắt mẹ buồn héo hắt xót thương cho tình yêu đứa con gái đầu lòng đã gãy đổ.

    Tôi lịm dần theo từng cơn mê sảng, trong giấc hôn mê, anh hiện về đẹp như một thiên thần, tôi gào thét, bám víu vì anh lại bay xa. Từng nắm đất buông rơi vội vã, từng nhát xẻng phũ phàng vùi sâu hình hài anh vào lòng đất. Tôi gào tên anh, tôi thét gọi hồn anh, từ cõi bên kia trở về cho những hiện tượng đang tiếp diễn trước mắt tôi đừng bao giờ là sự thật. Anh đi rồi, tràng đạn nào bay đến kết liễu đời anh! Ai đã giết anh!

    *

    Thân phận hôm may, tuổi trẻ hôm nay là đó, toàn những nước mắt bi thương, toàn những đổ vỡ xót xa, toàn những vành tang góa phụ. Nỗi ray rứt thống khổ không nguôi trong lòng tôi, trong lòng những người dân cùng một niềm đau thời chinh chiến dày xéo quê hương hàng đấm, màn đêm phũ phàng bao lấy tôi, bao vây lấy cuộc đời tôi. Tiếng gọi nào không thoát nổi từ tiềm thức còn hằn sâu những đau buồn. Tôi chỉ biết gạục đầu, cúi đầu, nấm mộ đùn cao như nỗi đớn đau dâng tràn trong lòng tôi.

    Tôi cào cấu những nấm đất, xới tung ngôi mộ mới lấp để tìm lại di hài anh, tìm lại những thương yêu trong thoáng chốc bay đi, vùi chôn vào lòng đất. “Can đảm lên con”, dư âm tiếng nói của mẹ còn vang lại đó. Niềm đau trong linh hồn tôi còn chất ngất lên cao. Tôi làm gì? Làm gì để quên đi thực trạng phũ phàng trước mắt!

    “Nín đi Thương, mỗi người đều có một số mệnh, tất cả đã an bài. Rồi Thương sẽ quên, sẽ quên”, lời Trâm, bạn tôi vang bên tai. Ừ, tôi sẽ quên, nhung bao giờ tôi quên được? Bao giờ tôi không còn nhớ gì nữa? Hàng me già vẫn rũ buồn bên vệ đường, thảm cỏ trước mặt tôi vẫn xanh như xưa, nhưng còn tôi, tôi có quên được để yên lặng như vậy không? Chiều bên giáo đường với tháp chuông cao lồng lộng, với hình ảnh Chúa đau khổ cứu chuộc nhân loại, hình ảnh đức Mẹ dịu hiền tuyệt vời chỉ làm ấm linh hồn tôi trong thoáng chốc rồi quên đi. Tôi yếu kém đức tin quá rồi, chiến tranh đã cướp của tôi cả niềm tin tưởng bên chân giáo đường.

    Tôi quá nhỏ bé hèn mọn đến nỗi đã để đánh mất tất cả. Tôi cố gắng vươn lên, vươn lên nhưng niềm tin đã bay vụt thật xa, tôi ngơ ngác nhìn theo, hai bàn tay bỗng thành bất lực. Tuổi trẻ hôm nay là đó, không có niềm tin để bám víu vươn lên. Người mình yêu thương nhất, trong mệt thoáng súng đạn tàn bạo cướp đi ngôi thần tượng bơ vơ, lạc loài, khốn khổ.

    *

    Giảng đường chiều thứ năm chỉ gợi lại trong tôi thật nhiều ray rứt. Tôi ngồi đây mà hồn tôi đi đâu? Đó, những bạn sinh viên chung quanh tôi đó: Trăm, Anh, Ngọc với vầng trán cao vô tư và Triệu với đôi kính trắng kiêu sa vời vợi. Họ đều hãnh diện với hai chữ sinh viên gắn trước hàng tên. Họ đều cao ngạo với những tình yêu mà người ta đang quỳ xuống dưới chân.

    Tôi ngồi đây thu hình thật nhỏ nhoi, tầm thường. Tôi van xin cho tôi được quên, cho đừng nhìn gì cả, đừng nghĩ gì cả, cả tiếng giảng dạy sang sảng trên kia. Ngòi bút buông xuôi không vẽ vời được hàng chữ nào. Con Trâm nhìn qua tôi ái ngại, không, đừng nhìn, nhìn vành khăn trên đầu tôi, trên áo tôi hay nhìn cho tôi một chút thương hại! Không, quay đi, nhìn tôi, niềm đau của tôi sẽ bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ.

    7g tối, tôi đứng lên rời khỏi giảng đường, những quyển sách trên tay, hai vạt áo dài trắng lê thê, tôi lách khỏi đám đông đó và đi thật nhanh về nhà. Chiếc Vespa đứng đợi bên kia đường, vẫn bộ mặt ấy, vẫn màu treillis ấy. Người lính thường đứng đây đợi ai, tôi không biết, nhưng có điều tôi biết người ấy không quen ai trong khu này, hình như anh đứng câm lặng nhìn một hình ảnh, một tà áo nào thì phải, vì mỗi lần đi được nửa đoạn đường tôi thường gặp xe anh chạy vượt qua, yên sau trống. Tự nhiên tôi nghe thương nhớ vô vàn. Anh ơi, sao người lính đó không là anh, không là anh đứng đợi em trìu mến đưa đón em về để bóng tối cô đơn không quyện lấy chân em, xoắn lấy tà áo em, ngập tràn đôi mắt em. Cơn lốc xoáy đau đớn lại bùng dậy trong bóng tối.

    Tôi chạy thật mau, hai hàng nước mắt rơi lả tả... đường vắng, đèn lên hiu hắt. Duy, thằng em tôi trờ tới: “Chị, em chở chị về...”. Tôi lặng lẽ ngồi vào băng sau.

    Hai chị em tôi yên lặng suốt một quãng đường. Từ ngày anh chết, tôi và cả gia đình tôi, cả gia đình anh đều lặng lẽ âm thầm. Bóng tối, bóng đêm đang chụp phủ lấy người yêu anh, gia đình anh. Tuổi trẻ hôm nay là đó. Chiến tranh tàn phá gãy vụn tất cả. Anh nằm yên nghỉ, những người còn lại ngớ ngẩn mất hồn, ai cũng phải chấp nhận số phận cay nghiệt của mình. Cái chết thật phi lý, người kiêu sa thì cứ kiêu sa, người hèn kém gục mặt, cúi đầu thì cứ gục mặt cúi đầu. Tuổi trẻ hôm nay đố: một thoáng có, một thoáng quên, một thoáng bùng dậy nhưng cơn đau sẽ còn hành hạ đến khi nào khâm liệm được mình trong lòng đất sâu thẳm mịt mùng.

    *

    Tôi bỏ buổi học thực tập năm nay. Đến nghĩa trang vuốt ve trong tay những đóa hoa màu trắng, màu tang tóc nghẹn ngào, màu thê thảm của tuổi trẻ của tôi. Tôi quỳ xuống đốt cho anh hai cây nến, nước mắt tôi thấm ướt những đóa hoa nằm im trong tay. Linh hồn rã rời, mệt màỏi. Anh nằm đây, tôi quỳ trên này cách xa nhau vài thước đất mà sẽ chẳng bao giờ được gặp nhau, chẳng bao giờ được nắm tay nhau dìu nhau trọn đường trần. Máu anh đã đổ ra, cuộc chiến thêm một người hy sinh, anh đi trọn đường anh, nhưng còn em: em mọn hèn, xót xa với vành tang trong linh hồn. Nhưng mà thôi... ngủ đi anh, ngủ đi anh.

    Buổi chiều hôm nay thật êm và thật mát, em khẳông nghe súng nổ, không nghe bom đạn reo vang trên quê hương, lòng đất thật yên, anh ngủ đi, anh ngủ đi anh, ngủ yên và trong giấc ngủ đó anh nhớ cầu nguyện cho quê hương mình được an lành, được hiền hòa. Ngủ đi anh, và cầu nguyện cho Nghĩa trang Quân đội này đừng bao giờ có thêm một nấm mộ nữa, cho quê hương thôi hết chiến chinh. Em ở lại, em sẽ cố gắng, em sẽ đi vào con đường lý tưởng anh đã đi và cầu nguyện cho mãi mãi được ngủ yên, cho những người lính sẽ không còn gục ngã nữa. Để những đứa em, đứa cháu của em sau này đừng mang vành tang góa phụ khi tuổi vừa 19, để tuổi trẻ ngày sau tìm được sự chân thành, hòa đồng và tươi đẹp không như tuổi trẻ hôm nay mà anh, mà em đang lãnh nhận.”

    Thắp hương cho người quá cố.

    NHẬT LINH THƯƠNG

    (Trích Nhật báo Công Luận số 419, 420, 421, 422)

    *

    Những tâm tư đau khổ trên đây không phải dành riêng cho con người sống trên đất nước Việt-nam, mà là những đổ vỡ cho tất cả nhân loại. Cho nên, phần lớn các nhà nghiên cứu triết học sử của thế hệ hai mươi đã phải thở dài, than: “Hiện tình thế giới loài người là một cảnh hỗn mang tao loạn!...”

    Nhưng, cảnh hỗn mang tao loạn ấy là gì? Phải chăng loài người không tìm thấy thân phận con người đối với lẽ sống, và họ đã dùng những hiểu biết sai lầm của họ để đưa thế giới loài người vào những đổ vỡ, tang thương.

    Nếu vậy, thật đau buồn! Và, chúng tôi tìm tiền nhân, soát xét lại những tâm tư, những cảm nghĩ mấy trăm thế kỷ về trước để tìm xem ở đấy có một tia sáng nào có thể giúp ích cho loài người mà bị thời gian che khuất, tưởng cũng không phải là chuyện vô ích.

    Người bình dân với tinh thần thực tiễn, tâm tư họ gần gũi với lẽ sống, nên những cảm nghĩ của họ luôn cọ xát với thiên nhiên. Lẽ sống và thiên nhiên phải phù hợp thì mới có thể đạt được trạng thái ổn định trong xã hội loài người.

    Bởi vậy, chúng ta đi tìm nhân sinh quan, mà nhân sinh quan là gì? Nói một cách dễ hiểu thì nhân sinh quan chỉ là một ý thức dung hợp giữa lẽ sống cá nhân với lẽ sống tập thể, nằm trong trạng thái ổn định xã hội.

    Cho nên, nhân sinh quan không phải là ý thức tham vọng cá nhân, nó phải tách rời ra ngoài tính chất ích kỷ của bản ngã, vươn lên mọi tranh chấp cá biệt, kết thành một hệ thống tổ chức xã hội, dung hòa mọi quyền lợi và mọi chi phối giữa vật chất lẫn tinh thần. Với ý thức ấy, người bình dân thời xưa cũng đi tìm thấy nhân sinh quan của họ trong trạng thái sinh hoạt giữa con người với vũ trụ.

    Đến đây chúng ta thử đi vào nhân sinh quan của người bình dân bằng những ý thức đã biểu lộ qua ca dao.

     
  6. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    1) Ý thức xem lẽ sống con người là một trạng thái biến dịch:

    Người bình dân xem cuộc sống con người cũng như mọi sinh tồn của vạn hữu, không thể đặt ra ngoài quy luật biến dịch của thời gian. Nếu thời gian là yếu tố sinh diệt của vạn hữu thì cuộc sống loài người cũng như trong định lệ ấy.

    Họ bảo:

    Đời người chỉ được gang tay,

    Những ai ngủ ngày thì được nửa gang.

    Xem đời bằng khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy nên họ rất chán ghét những hành vi bạo ngược, sát phạt. Tước đoạt giữa con người và con người. Tại sao chúng ta chỉ sống trong cái khoảnh khắc ấy mà chúng ta lại không biết mưu cầu cho chúng ta những gì tươi đẹp hơn?

    Nỗi chán ghét của họ đã bộc lộ qua ý niệm như:

    Một đời đánh sáp đeo hoa,

    Một đời lây lắc cũng qua một đời!

    Họ lấy cái chết định giá cái sống. Bởi vì họ quan niệm chết là hết, không được gì cả.

    Tuy nhiên, dù lấy cái chết làm đích cho con người, họ không lấy thế làm bi quan, cho thân phận con người là một hiện hữu bi đát như cảm nghĩ của một lớp người trong thế hệ chúng ra ngày nay. Họ thấy phải phấn đấu, phải tự mình đem lại cho con người một cái gì trọn vẹn với ý sống. Vì thế mà họ không đặt đời sống của họ trong ý thức chán đời, yếm thế. Tinh thần tranh đấu của họ rất mạnh mẽ như:

    Có thân phải khổ lấy thân,

    Không dưng ai dễ mang phần đến cho,

    Còn trời, còn nước, còn mây,

    Còn ao rau muống, còn đầy chum tương

    Tinh thần tranh đấu của họ đã vươn lên trên ý thức yếm thế của đạo giáo. Nhưng tinh thần ấy cũng không nên trong trạng thái cướp đoạt, xâu xé một cách thô bạo, ác liệt như những gì chúng ta hiện thấy trong cuộc sống ngày nay. Ý thức tranh đấu của họ là ý thức tranh đấu ôn hòa, xây dựng, tự tôn nằm trong trạng thái chung của vạn hữu, tách bỏ mọi mánh khóe khôn ngoan, xảo quyệt do bộ óc con người nảy sinh.

    Vũ trụ tạo ra con người ai cũng như ai. Họ bảo:

    Hơn nhau tấm áo manh quần,

    Cởi ra bóc trần ai cũng như ai.

    Họ từ chối giá trị “tiền định” của con người. Như vậy, con người sở dĩ có khác nhau là do cuộc sống tạo cho họ, mà cuộc sống tạo cho họ là do ý thức xấu xa của con người không quan niệm đúng với thân phận con người trước lẽ sống. Đáng lẽ những gì khôn ngoan hiểu biết là tài nguyên của nhân loại phải đem dùng vào việc xây dựng xã hội ngày ngày một đẹp thêm, thì họ lại dùng để phụng sự cá nhân, phá hoại xã hội, đưa đến chỗ chênh lệch, bất công.

    Nếu quan niệm đúng thân phận con người trước lẽ sống nghĩa là hiểu rõ vũ trụ sinh ra loài người không phải để xâu xé lẫn nhau, chỉ có bộ óc con người đi ngược lại vũ trụ, thì bộ óc con người sẽ trở về đúng với nghĩa sống của của nó. Bộ óc con người sẽ thấy trong quãng thời gian ngắn ngủi kia con người sẽ không được gì cả. nếu họ xâu xé nhau, tiêu diệt nhau để nhận lấy cái chết - dù cho cái chết bằng cách nào.

    Nhưng làm thế nào để bộ óc con người nhận rõ thân phận con người?

    Đó là một điều khó, nhưng không phải không làm được, sở dĩ con người dần dần xa rời ý thức con người là do tự tiến triển giữa hai lãnh vực đạo học và khoa học không đồng đều. Khoa học và đạo học lúc nào cũng phải thăng bằng, nếu chênh lệch thì cuộc sống con người trở nên bi đát.

    Khoa học biểu tượng cho cuộc sống vật chất, đạo học biểu tượng cho cuộc sống tinh thần. Vật chất và tinh thần bao giờ cung phải cân đối thì đời sống con người mới có nghĩa.

    Lấy con người làm ví dụ. Nếu đời sống con người chỉ chú trọng về vật chất mà không chú trọng về tinh thần thì con người họ trở nên độc ác đê hèn. Nếu kẻ nào chỉ chú trọng về tinh thần mà không chú trọng về vật chất thì đời sống họ sẽ bi quan, yếm thế, cả hai trạng thái đều bị chênh lệch.

    Cuộc sống loài người cũng vậy. Những gì loài người khám phá được trong lãnh vực khoa học, mà chúng ta gọi là văn minh, không thể thay thế cho đạo học được. Cũng như vật chất không thể thay thế cho tinh thần. Chúng ta ngày tuy đã bị ánh sáng văn minh vật chất làm áp đảo nguồn văn minh tinh thần mà căn bản của cuộc sống loài người đã để lại. Chúng ta phải thằng bằng hai bên học thuật ấy bằng cách chú trọng về đạo học, nâng cao tinh thần đạo học lên để tránh mọi cực đoan trong lẽ sống.

    Nên đạo học của người bình dân không phải là những giáo điều độc tài, uốn nắn tư tưởng con người để phụng sự cho một cá nhân, hay một nhóm người nào trong xã hội. Nó phát xuất từ ý sống thực tiễn, thừa nhận căn nguyên chênh lệch của xã hội và tranh đấu đưa những chênh lệch ấy đến chỗ thăng bằng tự tại.

    2) Ý thức xem lẽ sống con người là một trạng thái chênh lệch:

    Người bình dân lúc nào cũng nhìn thấy xã hội loài người hàm chứa những chênh lệch, bất công.

    Tại sao xã hội loài người sinh ra những chênh lệch ấy?

    Nguyên nhân là tại lòng tham vọng, ích kỷ. Tuy nhiên, tham vọng, ích kỷ chỉ mới là cảm giác tự tồn, mà cái nguy hiểm đưa con người đến chỗ tai hại ấy là bộ óc con người. Nếu bộ óc con người có thể hun đúc cho cuộc sống một khả năng tự tại, thì bộ óc con người lại hun đúc cho xã hội một khả năng hủy diệt. Như vậy, chính bộ óc con người làm cho cuộc sống chênh lệch chứ không phải lòng tham vọng. Bộ óc con người không tẩy được thân phận con người trước lẽ sống, nên đã đồng lõa với tham vọng, đẩy tham vọng vào vòng tranh chấp tự diệt.

    Sự chênh lệch trong cuộc sống đã tạo cho loài người những mâu thuẫn mà người bình dân đã nói đến rất nhiều trong cảnh giàu nghèo sang hèn.

    Ý thức chống đối mọi chênh lệch bất công trong xã hội bình dân chính là ý thức thăng bằng mâu thuẫn mà chúng ta có thể đúc kết và quan niệm sau đây bằng câu hát:

    Ở cho phải phải phân phân,

    Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.

    Như vậy người bình dân không chủ chương phá vỡ mâu thuẫn xã hội, chỉ chủ trương thăng bằng mâu thuẫn xã hội mà thôi.

    Giàu nghèo sang hèn chính là biểu tượng phát triển của vật chất. Cho nên, khi nói đến điều hòa những mâu thuẫn ấy cũng có nghĩa là người bình dân muốn kêu gọi ảnh hưởng tinh thần. Họ muốn dùng trí khôn của con người trong phạm vi phát triển khả năng vật chất để điều hòa phạm vi phát triển khả năng tinh thần. Khi hai lãnh vực ấy được điều hòa thì giầu nghèo không còn chênh lệch trong cảm nghĩ khinh trọng nữa.

    3) Ý thức xem lẽ sống con người là một trạng thái chịu ảnh hưởng:

    Người bình dân chẳng những thấy rằng ảnh hưởng vật chất trong cuộc sống con người là một sức mạnh, biến con người trở thành một sinh vật xa rời với bản ngã thiên nhiên. Bộ óc con người có thể giúp cho loài người khả năng phát triển về sinh hoạt vật chất, nhưng lại rất yếu đuối đối với khả năng sáng tạo tinh thần. Do đó muốn loại bỏ ảnh hưởng vật chất để kiến tạo tinh thần, cuộc sống loài người phải có một tổ chức điều hòa mâu thuẫn. Guồng máy xã hội chính là phương tiện để thăng bằng hóa cuộc sống, mà người bình dân bao giờ cũng cảm thấy có bổn phận tranh đấu để loại bỏ những chênh lệch bất công.

    Tất cả những gì chúng ta đã khảo sát qua trong những tiểu mục trước đây đều nhằm vào mục đích ấy.

    Tóm lại, nhân sinh quan của người bình dân hướng vào mục đích thăng bằng mâu thuẫn để cải tạo xã hội con người. Yếu tố thăng bằng mâu thuẫn bắt nguồn từ sự phát triển hai lãnh vực đạo học và khoa học (tinh thần và vật chất) phải thăng bằng nhau, dùng guồng máy tổ chức xã hội làm phương tiện.
     
  7. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    PHẦN TUYỂN TẬP CA DAO TIÊU BIỂU CHO Ý THỨC THỰC TIỄN TRONG LẼ SỐNG

    1. Ai ơi! đừng lấy làm lo,

    Dương xuân rồi cũng soi cho âm hàn.

    2. Ai ơi! chớ vội cười nhau,

    Ngắm mình cho tỏ trước sao hãy cười.

    3. Ai ơi! Trẻ mãi ru mà,

    Càng so sắn lắm, càng già mất duyên.

    4. Ai ơi xin chớ cười nhau,

    Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

    5. Ai lên nhắn chị hàng cau.

    Chiếu buồm dấp nước giữ màu cho tươi.

    6. Ai ơi! Đừng lấy làm lo,

    Bóng son rồi cũng soi cho gương mờ.

    7. Ai ngờ mặt sứa gan hầm.

    Rắp loan gà luộc rượu tăm thỏa lòng.

    Khác nào như nhện đánh vòng.

    Ếch kia trong giếng còn trông kẻ dò.

    Đói thì đầu gối biết bò,

    No cơm ấm cật còn lo lắng gì.

    8. Ai đem con kéc vô vườn,

    Cho nên con kéc ăn buồng chuối tiêu.

    9, Ai ơi! chớ vội cười nhau,

    Cây nào mà chẳng có sâu chạm cành.

    10. Anh đừng chê thiếp xấu xa,

    Bởi chưng bác mẹ sinh ra thế này.

    11. Áo người mặc đoạn cởi ra,

    Chồng người ấp mượn canh ba lại hoàn.

    12. Áo cũ để vận trong nhà,

    Áo mới để vận đi ra ngoài đường.

    13. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

    Ăn gạo nhớ kẻ đâm, say, giần, sàng.

    14. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

    Nào ai vun quén cho mày được ăn.

    15. Ăn được, ngủ được là tiên.

    Không ăn không ngủ là tiền vứt đi.

    16. Bàn tay còn có ngón dài ngón vắn,

    Con một nhà đứa trắng đứa đen,

    Hễ ăn vóc học quen,

    Dẫu họ chê mình vụng, tập rèn phải hay.

    17. Bầu già thì ném xuống ao,

    Bí già đóng cửa làm cao lấy tiền.

    18. Bầu già thì mướp cũng tơ,

    Nạ dòng trang điểm, gái tơ mất chồng,

    19. Bồ cu mà đổ nóc nhà,

    Mấy đời đàn bà đi hỏi đàn ông.

    20. Bông bổng bồng bồng,

    Trai ơn vua chầu chợt sân rồng,

    Gái ơn chồng ngồi võng ru con,

    Ơn vua xem nặng bằng non,

    Ơn chồng đội đức tổ tôn dõi truyền.

    Làm trai lấy được vợ hiền,

    Như cầm đồng tiền mua được của ngon.

    Phận gái lấy được chồng khôn,

    Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng.

    Bông bổng bồng bồng,

    Bông bổng bồng bồng,

    21. Bờ ao lại lở xuống sông,

    Đàn bà mà lấy đàn ông thiệt gì.

    22. Bớt đồng, thì bớt cù lao.

    Bớt ăn, bớt uống, thì tao bớt làm.

    23. Cá tươi, thì xem lấy mang,

    Người khôn xem lấy đôi hàng tóc mai.

    24. Cách sông nên phải lụy dò,

    Bởi chưng về tối lụy cô bán hàng.

    25. Cách sông nên phải lụy đò,

    Tối trời nên phải lụy o hàng dầu.

    Hàng dầu cất gánh làm cao,

    Khi mua chẳng bán, khi no chẳng màng.

    26. Cách sông mới phải lụy thuyền,

    Những như đường liền ai phải lụy ai.

    27. Cái vòng danh lợi cong cong,

    Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.

    Sự đời nghĩ cũng nực cười,

    Một con cá lội mấy người buông câu.

    28. Cấm người giả lịnh giả thị,

    Chẳng ai cấm người mang bị nói khoác.

    29. Cạn đầm thì uống nước khe,

    Hết người lịch sự thì ve người đần.

    30. Càng thắm thì lại càng phai,

    Thoang thoảng hoa lài, càng được thơm lâu.

    31. Cây khô chưa dễ mọc chồi,

    Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta.

    Non xanh bao tuổi mà già,

    Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu.

    32. Cây cao thì gió càng lay,

    Càng cao danh vọng càng dày gian truân.

    33. Có tiền mua tiên cũng được,

    Không tiền mua lược cũng không.

    34. Có lòng thì trả ơn lòng,

    Xa xôi chi lắm đèo bòng được sao.

    35. Có cây mới có dây leo,

    Có cột, có kèo mới có đòn tay.

    Có ai ta cũng thế này,

    Không ai ta cũng như ngày có ai.

    36. Có cha có mẹ thì hơn,

    Không cha không mẹ như đờn đứt dây,

    37. Có hát thì hát cho bổng, cho cao,

    Cho gió lọt vào, cho chúng chị nghe.

    Chị còn ngồi võng ngọn tre,

    Gió đưa cút kít không nghe thấy gì.

    38. Có khó mới có miếng ăn,

    Không dưng ai dễ mang phần đến cho.

    39. Có thóc thì rốc gạo ra,

    Có gạo thì nạo ra cơm.

    40. Có phúc thợ mộc, thợ nề,

    Vô phúc thầy đề, thầy thông,

    4i. Có tiền khôn như mày mạy,

    Không tiền dại như đòng đong.

    42. Có khổ thì mới có sang,

    Bỗng dưng ai võng Ba-Hoàng đến cho.

    43. Có không mùa đông mới biết,

    Giàu khó ba mươi tết mới hay.

    44. Có răng thì để răng nhai,

    Không răng, lợi gặm chẳng sai miếng nào.

    45. Có ăn vất vả đã cam,

    Không dưng ai dễ cầm tàn che cho.

    46. Có trầu chẳng để môi thâm,

    Có chồng chẳng dễ ôm lầm cối xay.

    47. Có chồng mà chẳng có con,

    Khác gì hoa nở trên non một mình.

    48. Có thì có tự mảy may,

    Không thì cả thế gian này cũng không.

    49. Có ai nước cũng đứng bờ,

    Không ai nước cũng đứng cơ mực này.

    50. Có cô thì chợ cũng đông,

    Cô đi lấy chồng, thì chợ cũng đông.

    Có cô thì dượng cũng già,

    Vắng cô, thì dượng cũng qua một thì.
     
  8. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    51. Có của thì khôn như mạy,

    Không của thì dại như lú.

    52. Con vua thì lại làm vua,

    Con nhà thầy chùa lại quét lá đa.

    53. Con cóc mày trèo cây nho,

    Anh kia không vợ hay mò đi đêm.

    54. Con mèo con mẻo con meo,

    Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà.

    55. Con có cha mẹ đẻ,

    Không ai lỗ nẻ mà lên. 

    56. Con gái chơi với con trai,

    Rồi sau cái vú bằng hai sọ dừa.

    57. Con ai mà chẳng con cha,

    Cháu ai là chẳng cháu bà cháu ông.

    58. Con quan thì lại làm quan,

    Con nhà kẻ khó đốt than tối ngày.

    59. Con người có tổ có tông,

    Như cây có cội, như sông có nguồn.

    60. Con sâu bỏ rầu nồi canh,

    Một người làm đĩ xấu danh đàn bà.

    61. Con gà tốt mã về lông,

    Răng đen về thuốc, rượu nồng về men.

    62. Con vua lấy thằng bán than,

    Nó đem lên ngàn, cũng phải đi theo.

    Con quan Đô-đốc, Đô-tài,

    Lấy thằng thuyền chài cũng phải lụy mui.

    63. Còn cha gót đỏ như son,

    Đến khi cha chết gót con đen sì.

    64. Còn duyên kén cá, chọn canh,

    Hết duyên dẫu nắm chày hành cũng xoay.

    65. Còn duyên như tượng tô vàng,

    Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa.

    66. Còn duyên buôn cậy, bán hồng,

    Hết duyên buôn mít cho chồng nhặt sơ.

    Còn duyên kén cá, chọn canh,

    Hết duyên rốc đực, cua kềnh cũng vơ.

    67. Còn trời, còn nước, còn mây,

    Còn ao rau muống, còn đầy chum tương.

    68. Còn trời, còn nước, còn non,

    Còn trăng, còn gió hãy còn đó đây.

    69. Cong môi hay hớt,

    Mỏng môi hay hờn, dầy môi ăn vụng.

    70. Còng còng dại lắm ai ơi,

    Uổng công xe cát, sóng dồi lại tan.

    71. Cô kia má đỏ hồng hồng,

    Cô chửa lấy chồng còn đợi chờ ai.

    Buồng không lần lữa hôm mai,

    Đầu xanh mấy chốc da mồi tóc sương.

    72. Cố công sống mấy nghìn năm,

    Thử xem thửa ruộng mấy trăm người cày.

    73. Cồng cộc bắt cá dưới bàu,

    Cha mẹ mầy giàu dám giỗ đầo heo.

    Cồng cộc bắt cá dưới song,

    Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ,

    74. Cờ đến tay ai người ấy phất,

    Đèn nhà ai người ấy rạng.

    75. Cờ bạc là bác thằng bần,

    Áo quần bán hết ngồi trần tô hô,

    76. Cờ đến tay ai người ấy phất,

    Đất đến tay ai người ấy nên,

    77. Cơm ăn chẳng sớm thì trưa,

    Nón đội trên đầu chẳng mưa thi nắng,

    78. Của làm ra để trên gác,

    Của cờ bạc để ngoài sân,

    Của phù vân để ngoài ngõ.

    79. Của rẻ của ôi,

    Tôi rẻ tôi trốn, vợ rẻ tôi lộn.

    80. Cười người phải nghĩ đến thân,

    Thử sờ lên trán xem gần hay xa.

    81. Cha mẹ giàu thì con thong thả,

    Cha mẹ nghèo con vất vả gian nam.

    Sáng ngày lên núi đốt than,

    Chiều về xuống biển đào hang cua còng.

    82. Chẳng nên tình trước, nghĩa sau,

    Có con, ta gả cho nhau thiệt gì.

    83. Chẳng gì tươi tốt bằng vàng,

    Chẳng ai lịch sự nỏ nang bằng tiền.

    84. Chẳng chùi để vậy lu li,

    Chùi ra tỏ rạng thua gì thủy tinh.

    85. Chẳng thiêng, ai gọi là Thần,

    Lối ngang, đường tắt chẳng gần ai đi.

    86. Chẳng đẻ, chẳng thương,

    Chẳng mất tiền cưới chẳng thương cái đì.

    87. Chi ngon bằng gỏi cá nhồng,

    Chi vui bằng được tin chồng vu qui.

    88. Chị em rủ đi tắm đầm,

    Của em thời trắng, chị thâm thế này?

    - Chị thâm bởi tại anh mày,

    Khi xưa chị cũng hạt chay đỏ lòm.

    89. Chị dại đã có em khôn,

    Lẽ đâu mang giỏ thủng trôn đi mò.

    Em khôn, em ở trong bồ,

    Chị dại chị ở Kinh đô mới về.

    - Kinh đô thì mặc Kinh đô,

    Chị đi cho lắm thì đồ chị tan.

    90. Chim khôn, tránh lưới, tránh dò,

    Người khôn tránh chốn xô bồ mới khôn.

    91. Chim khôn ăn nhịn ăn xoài,

    Em khôn ngồi đợi tú tài cử nhân.

    92. Chim khôn kêu tiếng rình rang,

    Người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe.

    93. Chim khôn, chưa bắt đã bay,

    Người khôn chưa nói, dang tay đỡ lời.

    94. Chó cắn chẳng cắn chỗ không,

    Chẳng thằng ăn trộm thì ông đi đường.

    95. Chó khôn tứ túc huyền đề,

    Tai thì hơi cúp, đuôi thì hơi cong.

    Giống nào mỏ nhọn đít vồng,

    Ăn càn cắn bậy ấy không ra gì.

    96. Chớ vội ăn nóng mà hư.

    Để lâu càng nguội, càng nhừ, càng ngon.

    97. Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu,

    Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn.

    98. Chơi thì chơi chốn thập thành,

    Lời ăn tiếng nói nhẹ mình như tên.

    99. Chơi hoa cho biết mùi hoa,

    Hoa lê thì trắng, hoa cà thì xanh.

    100. Chơi thì thơi chốn cho thênh,

    Tuy rằng tộ tiết, nhưng danh để đời.
     
  9. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    101. Chơi trăng từ thuở trăng tròn,

    Chơi hoa từ thuở hoa còn trên cây.

    102. Chơi hoa cho biết mùi hoa.

    Cầm cân cho biết cân già, cân non.

    103. Chuông có gõ mới kêu,

    Đèn có khêu mới rạng.

    104. Chữ nhân là chữ tương vàng,

    Ai mà nhìn được thì càng sống lâu.

    105. Chửa chồng nón thúng quai thao,

    Chồng rồi, nón rách quai nào thì quai.

    Chửa chồng, yếm thắm đeo hoa,

    Chồng rồi, hai vú bỏ ra tày giành.

    106. Dã tràng xe cát bể đông,

    Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

    107. Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng,

    Trăm khôn nghìn khéo không chồng cũng hư.

    Con trai chưa vợ đã xong,

    Con gái chưa chồng buồn lắm em ơi.

    108. Dễ dàng là thói hồng nhan,

    Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều.

    109. Dì ruột thương cháu như con,

    Rủi mà không mạ, cháu còn cậy trông.

    110. Dù rách mới ra thân tàn,

    Xưa kia nó cũng hồng nhan hơn người.

    111. Đã có con mắt thì xem đàng,

    Có phải cận thị mà ngó quàng ngó quơ.

    112. Đã giàu thì lại giàu thêm,

    Đã khó lại khó cả đêm lẫn ngày.

    113. Đàn bà yếu chân mềm tay,

    Làm ăn chẳng được lại hay nỏ mồm.

    114. Đàn đâu mà gảy tai trâu,

    Đạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi.

    115. Đàn ông quan tắt thì chày

    Đàn bà quan tắt nửa ngày nên quan.

    116. Đàn ông kia hỡi đàn ông,

    Nửa đêm trở dậy cắm chông đàn bà.

    Đàn bà kia hỡi đàn bà,

    Nửa đêm trở dậy rút ruột già đàn ông.

    117. Đàn ông miệng rộng thì sang,

    Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà.

    118. Đàn ông nông nổi giếng khơi.

    Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

    119. Đàn ông vượt bể, có chúng, có bạn,

    Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình.

    120. Đàn ông miệng rộng thì tài.

    Đàn bà miệng rộng điếc tai láng diềng.

    121. Đàn bà như cánh hoa tươi,

    Nở ra chỉ được một thời mà thôi.

    122. Đàn ông không râu mất nghì,

    Đàn bà không vú lấy gì nuôi con.

    125. Đàn bà lanh lảnh tiếng đồng,

    Một là sát chồng, hai lại hại con.

    124. Đàng dài hay sức ngựa,

    Nước loạn biết tôi ngay.

    125. Đào liễu em ơi một mình,

    Đôi vai tình tang gánh chữ chung tình xa là đường xa.

    Tấm áo nâu sồng xếp nếp em để trong nhà,

    Ba vuông khăn tím phất phơ em đội đầu.

    Tấm yếm đào sao em khéo giữ màu,

    Răng đen rưng rức, mái tóc đầu em hãy còn xanh.

    Ấy thế sao em ở vậy cho nó đành.

    Sao em chẳng kiếm chút chồng lành kẻo thế mỉa mai?

    Sách có chữ rằng: “Xuân bất tái lai”.

    126. Đất tốt trồng cây rườm rà,

    Những người thanh lịch nói ra quí quyền.

    127. Đất xấu trồng cây ngẳng nghiu,

    Những người thô tục nói điều phàm phu.

    128. Đánh giặc mà đánh tay không,

    Thà về xó bếp giương cung bắn mèo.

    129. Đầu làng có bụi chuối khô,

    Trông về xóm bắc đôi cô chửa chồng.

    Cây cao gió đập đùng đùng,

    Ai về đàng ấy, nhắn cùng đôi cô.

    130. Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng,

    Đèn ra chỗ gió được chăng hỡi đèn.

    Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn,

    Cớ tao trăng phải chui luồn đám mây?

    131. Để hơi mà tát nước bè,

    Hoài lời mà nói với bè trẻ ranh.

    152. Đến ta mới biết của ta,

    Nghìn trăm năm trước biết là của ai.

    135. Đi lâu mới biết đường dài,

    Ở lâu mới biết con người phải chăng.

    134. Đi đâu mà vội mà vàng,

    Mà vấp phải đá mà quàng phải chân.

    Thủng thỉnh như chúng anh đây,

    Chẳng đá nào vấp, cũng dây nào quàng.

    135. Đi cho biết đó biết đây,

    Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.

    136. Đi đâu mà vội vàng,

    Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây.

    Đi đâu mà vội mà vàng,

    Ngã năm, bảy cái lại càng thêm lâu,

    137. Đói thì đầu gối phải bò,

    No cơm ăm cật, chẳng đổ đi đâu.

    158. Đói lòng ăn trái khổ qua,

    Nuốt vô thì đắng, nhổ ra bạn cười.

    139. Đói thời ăn ráy, ăn khoai,

    Chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng.

    140. Đòng đòng đi dạo đòng đòng,

    Trẻ vui đạo trẻ, già đong đạo già.

    141. Đố ai lặn xuống vực sâu,

    Mà đo miệng cá uốn câu cho vừa?

    142. Đố ai biết món chi ngon,

    Gà lộn, trái vải, cu con ra ràng.

    143. Đố ai bắt trạch đằng đuôi,

    Bắt chim đầu cánh, bắt người trong trăng.

    144. Đố ai nằm võng không đưa,

    Ru con không hát, tôi chừa rượu tăm,

    145. Đồng tiền không phấn không hồ,

    Đồng tiền khéo điểm, khéo tô mặt người.

    146. Đồng tiền chì mua mớ tôm tươi.

    Mua rau mới hái, mua nàng đảm đang,

    Tiếc thay đồng tiền trinh mua vội mua vàng,

    Mua rau muống héo, mua nàng ngẩn ngơ.

    147. Đời xưa kén những con dòng.

    Đời nay ấm cật, no lòng thì thôi.

    148. Đời cha cho đến đời con,

    Có muốn nặn tròn, thời phải nặn vuông.

    149. Đừng chê tôi xấu tôi đen,

    Kìa như nước đục đánh phèn lại trong.

    150. Đường về Kiếp-bạc bao xa.

    Đường về Kiếp-bạc có cây đa bồ đề,

    Có yêu anh cắp nón ra về,

    Giàu ăn, khó chịu, chớ hề hở hang.
     
  10. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    151. Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua,

    Gà trắng chân chì, mua chi giống ấy.

    152. Gái một con trông mòn con mắt,

    Gái hai con vú quặt đằng sau.

    Gái ba con thì đâu ngồi đấy.

    155. Gái mà chi, trai mà chi!

    Sinh ra có ngãi có nghì là hơn.

    154. Gái không chồng như nhà không nóc,

    Trai không vợ như cọc long chưn.

    155. Gái khôn tránh khỏi đò đưa,

    Trai khôn tránh khỏi vợ thừa người ta.

    156. Giàu cha giàu mẹ thì mừng,

    Giàu cô giàu bác thì đừng có trông.

    157. Giàu thì cũng chẳng có thèm,

    Khó khăn ta liệu ta làm, ta ăn,

    158. Giàu ba mươi tuổi chớ mừng,

    Khó ba mươi tuổi em đừng vội lo,

    159. Giàu nhân ngãi hãy giữ cho giàu,

    Khó tiền bạc mưa lo rằng khó.

    160. Gần sông quen tính cá,

    Gần núi không lạ tiếng chim.

    161. Gần thì rày viếng, mai thăm,

    Xa xôi cách trở một năm vài lần.

    162. Gần nhà giàu đau lưng ăn cốm,

    Gần nhà kẻ trộm ốm lưng chịu đòn.

    163. Giúp lời không ai giúp của,

    Giúp đũa không ai giúp cơm.

    164. Gỗ nghiến anh để đóng cày,

    Gỗ lim gỗ sến anh nay đóng bừa.

    Răng bừa tám cái còn thưa,

    Lưỡi cày tám tấc đã vừa luống tơ.

    165. Gươm linh sút cán còn trành,

    Bình hương dẫu bể miểng sành còn thơm.

    166. Hay quần, hay áo, hay hơi,

    Mà chẳng hay người là của bỏ đi.

    167. Hèn mà làm bạn với sang,

    Chỗ ngồi chỗ đứng có ngang bao giờ.

    168. Hoa thơm mất nhị đi rồi,

    Dù rằng trang điểm cũng người vô duyên.

    169. Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi,

    Người khôn ai nỡ nặng lời đến ai.

    170. Hoa sen mọc bãi cát lầm,

    Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen.

    Thài lài mọc cạnh bờ sông,

    Tuy rằng xanh tốt vẫn tông thài lài.

    171. Hoa thơm mất nhị đi rồi,

    Còn thơm đâu nữa mà người ước ao.

    172. Hoa thơm ai chẳng muốn đeo,

    Người khôn ai chẳng nâng niu bên mình.

    173. Hoa thơm ai chẳng nâng niu,

    Người khôn ai chẳng kính yêu mọi bề.

    174. Học hành thì ích vào thân,

    Chức cao quyền trọng dần dần theo sau.

    175. Hoài tiền mua thuốc nhuộm răng,

    Để tiền mua bánh đúc mà quăng vào mồm.

    176. Hoài tiền mua pháo đốt chơi,

    Pháo nổ ta xác, tiền ôi là tiền!

    177. Học trò học trẹt ỉa phẹt ra mo,

    Chó chẳng liếm cho, học trò liếm vậy.

    178. Hơi đâu mà giận người dưng,

    Bắt sao được cái chim rừng nó bay.

    179. Hơn nhau tấm áo manh quần,

    Thả ra bóc trần ai cũng như ai.

    180. Kẻ có tình thì rình trong bụi,

    Kẻ vô tình lủi thủi mà di.

    181. Kiến leo cột sắt bao mòn,

    Tò vò xây ồ bao tròn mà xây.

    182. Khen ai khéo đúc chuông chì.

    Dạng thì có dạng, đánh thì không kêu.

    183. Khế xanh nấu với ốc nhồi,

    Tuy nước nó xám nhưng mùi nó ngon.

    184. Khi ăn chẳng nhớ đến tai,

    Đến khi phải bỏng, lấy tai mà rờ.

    185. Khôn ngoan hiện ra mặt.

    Què quặt hiện ra chưn tay.

    186. Khôn từ trong trứng khôn ra,

    Dại dẫu đến già cũng dại.

    187. Khôn thì trong trí lượng ra,

    Dại thì học lỏm người ta bề ngoài.

    188. Khôn ngoan chẳng lọ là nhiều,

    Người khôn mới nói nửa điều đã khôn.

    189. Khôn ngoan tâm tính tại lòng,

    Lọ là uống nước giữa dòng mới khôn.

    190. Khôn thì ăn trước ngồi trên,

    Dại thì đứng dựa cột đình đánh trống cầm canh.

    191. Khôn cho người dái, dại cho người thương,

    Dở dở ương ương, tổ người ta ghét.

    192. Không tiền ngồi gốc cây đa,

    Có tiền, thì sẽ lân la vào hàng.

    193. Lạc đàng nắm đuôi chó,

    Lạc ngõ nắm đuôi trâu.

    194. Làm người ăn tối lo mai,

    Việc mình hồ dễ để ai lo lường.

    195. Làm người có miệng, có môi,

    Khi buồn thì khóc, khi vui thì cười.

    196. Làm ruộng thì phải đắp đìa,

    Vừa để giữ nước, vừa đi đi về.

    197. Làng ta mở hội vui mừng,

    Chuông kêu, trống gióng vang lừng đôi bên.

    198. Lật đật cũng đến bến giang,

    Anh nay thong thả cũng sang bến đò.

    199. Lấy khách thì khách về Tàu,

    Lấy nhà giàu, thì nhà giàu phải tội tiêu sưng,

    Trở về lấy chú tửng tưng,

    Tốt bền cố hỉ,

    200. Lênh đênh chiếc bách giữa đồng,

    Thương thân góa bụa phòng không lỡ thì.

    Gió đưa cây trúc ngã quì,

    Ba năm trực tiết còn gì là xuân?
     
  11. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    201. Liệu cơm mà gắp mắm ra,

    Liệu cửa liệu nhà em lấy chồng đi.

    Nữa mai quá lứa lỡ thì,

    Cao thì chẳng tới, thâp thì chẳng thông.

    202. Lo chi việc ấy mà lo,

    Kiến trong miệng chén có bò đi đâu.

    203. Lòng đá thắm, dạ vàng phai,

    Hơi đâu theo đuổi đường dài uổng công.

    204. Lòng vả cũng như lòng sung,

    Một trăm con lợn cũng chung một lòng.

    205. L… tốt về lụa, lúa tốt phân,

    Chân tốt về hài, tai tốt về hoản.

    206. Lộng che sương đầu sườn cũng lộng,

    Cái ô bịt vàng dầu trọng cũng ô.

    207. Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo,

    L… không cạp, l… méo làm ba.

    208. Máu gà lại tẩm xương gà,

    Máu người đem làm xương ta bao giờ.

    209. Mạch trong nước chẩy ra trong,

    Thế nào đi nữa, con dòng vẫn hơn.

    210. Mạnh về gạo, bạo về tiền,

    Lắm tiềm nhiều gạo là tiên trên đời.

    211. Mấy đời sấm trước có mưa,

    Mấy đời dì ghẻ có ưa con chồng.

    212. Mẹ gà con vịt chắt chiu,

    Mấy đời dì ghẻ nưng niu con chồng.

    213. Mèo lành ở mả bao giờ,

    Của yêu ai có bày ra ở ngoài.

    Mèo lành ai nỡ cắt tai,

    Gái hư chồng để, kêu nài ai thương.

    214. Mình đẹp cha mẹ mình lo,

    Đêm nằm lắm kẻ rình mò ước ao.

    Xấu xí như mẹ con tao,

    Đêm nằm ngỏ cửa mát tao, mát mày.

    215. Mồ côi cha ăn cơm với cá,

    Mồ côi mẹ liếm lá đầu chợ.

    216. Mỗi người thì có một nghề,

    Làm cốt thì ngáp, làm nghéê thì chầu.

    217. Mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi,

    Cái già sồng sộc nó thì theo sau.

    218. Mỗi năm mỗi tuổi mỗi qià,

    Chẳng lo liệu trước ắt là lụy sau.

    219. Mồng bốn cá đi ăn thề,

    Mồng tám cá về, cá vượt Vũ-môn.

    220. Một lần cho tởn tới già,

    Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân.

    221. Một tay em víu hai cành,

    Quả chín thì bẻ, quả xanh thì đừng.

    272. Một quan có giấy một quan,

    Năm tiền không giấy, mất oan đừng nài.

    223. Một mai, mai một, một mai,

    Giàu sang cũng chết, xạc xài cũng xong,

    Thông minh tài trí anh hùng,

    Ngu si dại dột cũng chung một gò.

    224. Một cái rắm bằng nắm thuốc tiêu, bằng liều thuốc gió, bằng lọ thuốc viên.

    275. Một năm là mấy tháng xuân,

    Gái kia có lẽ mấy lần đưa dâu.

    226. Một cây làm chẳng nên non,

    Ba cây giụm lại nên hòn núi cao.

    227. Một nhà hai chủ khôn hòa,

    Hai vua, một nước ắt là không yên.

    228. Một con tằm cũng phải hái dâu,

    Một con trâu cũng phải đứng đồng.

    229. Một năm được mấy mùa xuân,

    Một ngày được mấy giờ dần sớm mai.

    Em đừng cậy sắc, khoe tài,

    Khéo thay nồi thủng cũng tay thợ hàn.

    Trời kia Khôn cũng thờ Càn,

    Nước kia Tấn cũng hợp Tần mới xong.

    Ngồi trong cửa sổ chạm rồng,

    Chăn loan, gối phượng, không chồng ra chi.

    Thơ đào nghĩ chữ vu qui,

    Hôn nhân lễ đạt, gặp thì đào yêu.

    Trăm sông díu dít thư cưu,

    Thục nữ, quân tử hảo cầu đẹp duyên.

    Tục rằng: Tiên lại tìm Tiên,

    Phú lại tìm quý, bạn hiền tìm nhau.

    230. Mua cau chọn những buồng sai,

    Mua trầu chọn những trăm hai lá vàng.

    Con tiện ngang t trĩu vẳng ngđt ngọn, thời huồi này kén chọn làm ch',

    Sao em chẳng lấy chồng di!

    231. Muốn ăn cơm trắng nước trong,

    Em lên Phố-cát Đại-Đồng cùng anh.

    Ai lên Phố-cát Đại-đồng,

    Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa?

    - Có chồng năm ngoái năm xưa,

    Năm nay chồng để, nên chưa có chồng

    232. Muốn tắm mát lên ngọn sông Đào,

    Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.

    233. Muốn may thì phải có kim,

    Muốn hay thì phải ắt tìm người xưa.

    234. Muốn ăn hét pha đào giun,

    Phá bờ xông bụi nào còn biết e.

    235. Muốn ăn đậu phụ, tương tàu,

    Mài dao, đánh kéo gọt đầu đi tu.

    236. Muốn giàu nuôi trâu cái,

    Muốn lụn bại nuôi chim bồ câu.

    237. Muốn cho có đó có đây,

    Sơn lâm chưa dễ một cây nên rừng.

    238. Muốn đánh thì đẻ con ra,

    Muốn ăn thì thổi cơm nhà mà ăn.

    239. Mượn màu một chút làm duyên,

    Mấy đời gỗ mục đóng nên thuyền rồng.

    240. Mưu toan thì dễ,

    Sự thành thì khôn dễ làm nên.

    241. Nào lời chàng dặn nàng hay,

    Ăn nhịn qua bữa, chớ vay đổ lời.

    242. Nắm lại thì chắc như cua,

    Mở ra thì lại được rùa mà thôi.

    243. Nắng mưa, nắng tốt lúa đường,

    Nắng đi, nắng lại xem thường xem khinh.

    244. Nên ra trên kính dưới nhường,

    Chẳng nên đạp hết bên đường mà đi.

    245. Nồi nát lại về Cầu Nôm,

    Con gái nỏ mồm về ở với cha.

    246. Nồi tròn thì úp vung tròn,

    Đừng úp vung méo, nữa con người cười.

    247. Nông thì vén áo xắn quần,

    Sâu thì phải dấn cả thân ướt đầm.

    248. Nuôi con chẳng biết tính con,

    Hễ vú gai gạo thì l... chớp đông.

    249. Nỡ nào mèo lại ăn than,

    Bởi chưng có mỡ đổ tràn lên trên.

    250. Nứa trôi sông chẳng dập thì gãy,

    Gái chồng rẫy chẳng chứng nọ thì tật kia.
     
  12. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    251. Nước trong múc lấy một xanh,

    Hoa thơm bẻ lấy một nhành cầm tay.

    252. Nước chảy hòn đá lăn cù,

    Con chị có chết thì bù con em.

    253. Nước lên rồi nước lại ròng,

    Có ai bắt được con còng trong hang.

    254. Nứng c… thì vặc đến nhà,

    L… còn đau mắt không ra đến ngoài.

    255. Ngáp đói hay là ngáp no?

    Có phải ngáp ngủ thì cho lên giường.

    256. Ngày đi, trúc chửa mọc măng,

    Ngày về, trúc đã cao bằng ngọn tre.

    Ngày đi, lúa chửa chia vè,

    Ngày về, lúa đã đỏ hoe ngoài đồng.

    Ngày đi, em chửa có chồng,

    Ngày về, em đã có con quấn, con dắt, con bồng, con mang.

    257. Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần,

    Làm thân con nhện mấy lần vương tơ.

    Biết đâu trong dục mà chờ,

    Hương thơm hết tuyết nương nhờ vào ai?

    258. Ngọt mật càng tổ chết ruồi,

    Những nơi cay đắng là nơi thật thà.

    259. Ngữ là nước chảy đá mòn,

    Chẳng là nước chảy, đá còn trơ trơ.

    Chờ cho nước cạn phơi bờ,

    Xem con người ấy nương nhờ về đâu.

    260. Ngựa long cong ngựa cũng đến bến,

    Voi thủng thỉnh voi cũng đến đò.

    261. Người đời ai có dại chi,

    Khúc sông eo hẹp phải tùy khúc sông.

    262. Người khôn con mắt đen sì,

    Người dại con mắt nửa chì, nửa thau.

    263. Người mặc người, ta mặc ta,

    Mình chưa giữ được, lọ là lo ai.

    264. Người đời khác nữa là hoa,

    Sớm còn tối mất, nở ra lại tàn.

    265. Người ta bắt trạch đằng đầu,

    Mẹ em tham giàu bắt trạch đằng đuôi.

    266. Người trời lại bến chợ trời,

    Hễ ai biết của, biết người thì mua.

    267. Người đời hữu tử, hữu sanh,

    Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm.

    268. Người khôn ăn miếng thịt gà,

    Tuy rằng ăn ít nhưng mà ngon lâu.

    Người dại ăn trái bồ nâu,

    Am no bĩnh bầu chẳng biết mùi ngon.

    269. Người đẹp như tiên,

    Tắm nước Đông-triều cũng xấu như ma.

    Người xấu như ma, Tắm nước Đông-trà cũng đẹp như tiên.

    270. Người đời phải xét thiệt hơn,

    Đừng nghe tiếng sáo, tiếng đờn mà sai.

    271. Người khôn đón trước rào sau,

    Để cho người dại biết đâu mà dò.

    272. Người có lúc vinh, cũng có lúc nhục,

    Nước có lúc đục, cũng có lúc trong.

    273. Nhà giàu yêu kẻ thật thà,

    Nhà quan yêu kẻ vào ra nịnh thần.

    274. Nhất trong là nước giếng Hồi,

    Nhất béo, nhì bùi là cá rô câu.

    275. Nhẹ bằng lông quăng chẳng đi,

    Nặng bằng chì quăng xa lăng lắc.

    276. Ong kiến còn có vua tôi.

    Huống chi loài người chẳng có nghĩa ru.

    277. Ơn ai một chút chớ quên,

    Oán ai một chút để bên này.

    278. Ở sao cho vừa lòng người,

    Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.

    279. Phong lưu là cạm trên đời,

    Hồng nhan là bả những người tài hoa.

    280. Phòng khi sấm sét bất kỳ,

    Cá ao rây họa nữa thì làm sao.

    281. Phượng hoàng đậu chốn cheo leo,

    Sa cơ thất thế phải theo đàn gà.

    282. Quân tử thời oán tam niên,

    Tiểu nhân thời oán nhãn tiền mà thôi.

    283. Quần hồ áo cánh làm chi,

    Quần hồ áo cánh có khi tồi tàn.

    284. Ra vời mới biết cạn sâu,

    Ở trong lạch hói, biết đâu mà mà dò.

    285. Ra đồng chiêm có liềm thì cắti,

    Ra đồng mùa, có mắt thì trông.

    286. Răng đen chẳng lọ là nhăn,

    Người dòn chẳng lọ vấn khăn mới dòn.

    287. Rộng đồng mặc sức chim bay,

    Biển hồ lai láng mặc bầy cá đua.

    288. Rượu ngon bất luận be sành,

    Áo rách khéo vá, hơn lành vụng may.

    289. Rượu lạt uống lắm cũng say,

    Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm.

    290. Rừng có mạch, vách có tai,

    Người trong chưa tỏ, người ngoài đã hay.

    291. Sao ba (tua rua) đã đứng ngang đầu,

    Em còn ở mãi làm giàu cho cha.

    Giàu thời chia bảy chia ba,

    Phận em là gái được là bao nhiêu.

    292. Sáo đói thì sáo ăn đa,

    Phượng hoàng lúc đói cứt gà cũng ăn.

    293. Sông sâu còn có kẻ dò,

    Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.

    294. Sông sâu nước đục lờ đờ,

    Cắm sào mà đợi bao giờ cho trong.

    295. Sông sâu có thể bắc cầu,

    Lòng người nham hiểm biết đâu mà dò.

    296. Tay tiên rót chén rượu đào,

    Bỏ ra thì tiếc uống vào thì say.

    297. Tằm vương tơ, nhện cũng vương tơ,

    Mấy đời tơ nhện được như tơ tằm.

    298. Tằm sao, tằm chẳng ăn dâu,

    Tằm đòi ăn ruộng, ăn trâu, ăn nhà.

    299. Tậu voi chung với đức ông,

    Vừa phải đánh cồng, vừa phải hốt phân.

    300. Tiền của là chúa muôn đời,

    Người ta là khách vãng lai một thì.
     
  13. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    301. Tiền buôn tiền bán thì để trong nhà,

    Tiền cờ tiền bạc thì ra ngoài đồng.

    Tiên ở trong nhà tiền chửa,

    Tiền ra khỏi cửa tiền đẻ.

    302. Tin bợm mất bò,

    Tin bạn mất vợ, nằm co một mình.

    303. Tình thân bất luận khó, giàu,

    Vải to khó nhuộm cau màu cũng xinh.

    304. Tôi quyết lên non chọn đá thử vàng,

    Thử cho đúng lượng mấy ngàn cũng mua.

    305. Từ rầy buộc chỉ ngang lưng,

    Hễ thấy người ấy thì đừng làm quen.

    306. Tưởng rằng nước chảy đá mòn,

    Ai ngờ nước chảy đá còn trơ trơ.

    Chờ cho nước xuống phơi bờ,

    Xem con người ấy nương nhờ vào đâu!

    307. Thà rằng biệt tích chi đồ,

    Càng trông thấy cảnh, thấy chùa càng thương.

    308. Thà rằng ăn nửa quả hồng,

    Còn hơn ăn cả chùm sung chát lè.

    309. Thắp đuốc tìm giàu, giàu chẳng thấy,

    Cầm gươm chém khó, kho theo sau.

    310. Thay quần, thay áo, thay hơi,

    Thay dáng, thay dấp, nhưng người khôn thay.

    311. Thằng Bờm có cái quạt mo,

    Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu.

    Bờm rằng, Bờm chẳng lấy trâu,

    Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.

    Bờm rằng, Bờm chẳng lấy mè,

    Phú ông xin đổi, một bè gỗ lim.

    Bờm rằng, Bờm chẳng lấy lim,

    Phũ ông xin đổi con chim đồi mồi.

    Bờm rằng, Bờm chẳng lấy mồi,

    Phú ông xin đổi hòn xôi, Bờm cười.

    312. Theo ma mặc áo giấy,

    Ở với ai bắt chước người ấy.

    313. Thè lè lưỡi trai, chẳng ai thời nó,

    Khum khum gọng vó, chẳng nó thời ai.

    314. Thế gian lắm kẻ mơ màng,

    Thấy hòn son thắm, ngỡ vàng chắt chiu.

    315. Thế gian chẳng ít thì nhiều,

    Dưng không ai dễ đặt điều cho ai.

    316. Thế gian chuộng của chuộng công,

    Nào ai có chuộng người không bao giờ.

    317. Thế gian còn dại chửa khôn,

    Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành.

    518. Thế gian giúp miệng lao xao,

    Ai cho đồng nào mà đỡ khó khăn.

    319. Thế gian được vợ hỏng chồng,

    Có phải như rồng mà được cả đôi.

    320. Thổi lửa phùng mang mau nhẽ cháy,

    Đòi nợ hung bạo mới nhạy tiền.

    321. Thứ nhất sợ kẻ anh hùng,

    Thú nhì sợ kẻ cố càng liều thân. 

    322. Thứ nhất vợ dại trong nhà,

    Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.

    325. Thứ nhất thì gỗ vàng tâm,

    Thứ hai gỗ nghiến, thứ năm bạch đàn.

    324. Thừa tiền thì đem mà cho,

    Đừng có xem bói thêm lo vào mình.

    325. Trai chê vợ mất của tay không,

    Gái chê chồng một đồng trả thành bốn.

    326. Trai ba mươi tuổi đang xoan,

    Gái ba mươi tuổi đã toan về già.

    327. Trai tân gái góa thì chơi,

    Đừng nơi có vợ, chớ nơi có chồng.

    328. Trăm năm bia đá thì mòn,

    Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

    329. Trăm hoa đua nở mùa xuân,

    Cớ sao cúc lại muộn tuần tiết thu?

    Vì hoa tham lấy sắc vàng,

    Cho nên hoa phải muộn màng tiết thu.

    330. Trăm thức hoa đua nở trên cành,

    Thung dung tam bảo chúng sinh đôi đường.

    Chớ hoa từ bi kia còn dãi nắng dầu sương.

    Hoa lan, hoa huệ anh thương hoa nào?

    Anh còn thương hoa mận hoa đào,

    Hoa cam, hoa quít biết vào tay ai?

    Hoa đào kia chửa thắm đã phai,

    Thoang thoảng hoa lài mà lại thơm lâu.

    Ai ơi chớ phụ hoa ngâu,

    Hoa bí, hoa bầu cũng gọi là hoa.

    Chơi hoa cho biết mùi hoa.

    331. Trăm năm như cõi trời chung,

    Trăm nghề cũng phải có công mới thành.

    Cứ trong gia nghiệp nhà mình,

    Ngày đêm xem sóc giữ gìn làm ăn.

    Chữ rằng: “Tiểu phú do cần”,

    Còn như “dại phú” là phần “do thiên”.

    Đừng trễ nải, chớ ghét ghen,

    Còn như lộc nước có phen dồi dào.

    332. Trăng khuyết rồi lại trăng tròn,

    Mụ già kén rể con còn góa lâu.

    333. Trăng mờ còn tỏ hơn sao,

    Dẫu rằng núi lở còn cao hơn đồi.

    334. Trâu năm sáu tuổi còn nhanh,

    Bò năm sáu tuổi, đã tranh cõi già.

    Đồng chiêm xin chớ nuôi bò,

    Mùa đông tháng giá bò rò làm sao?

    335. Trẻ thì bé dại thơ ngây,

    Già thì lẫn lộn biết ngày nào khôn.

    336. Trong đời có bốn thứ ngu,

    Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.

    337. Trong đầm gì đẹp bằng sen,

    Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.

    Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,

    Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

    338. Trông mặt mà bắt hình dong,

    Con lợn có béo thì lòng mới ngon.

    339. Trời nắng rồi lại trời mưa,

    Chứng nào tật ấy có chừa được đâu.

    340. Trời cao đất rộng thênh thênh,

    Cái đường phú quý còn dành cho ta.

    Có công mài sắt những là,

    Khi nhờ lộc nước rồi ra dồi dào.

    Công của nó có là bao,

    Ra tay tháo vát thể nào cũng xong.

    341. Trời còn khi nắng khi mưa,

    Ngày còn khi sớm, khi trưa nữa người.

    342. Trời cao bể rộng bao la,

    Việc gì mà chẳng phải là may ta.

    Trong việc nhà, ngoài thì việc nước,

    Giữ làm sao sau trước vẹn tuyền,

    Lọ là cầu Phật, cầu Tiên.

    343. Trời sinh đã ra làm người,

    Hay ăn, hay nói, hay cười, hay chơi.

    Khi ăn thời phải lựa mùi,

    Khi nói thì phải lựa lời chớ sai.

    Cả vui chớ có vội cười.

    Nơi không lễ phép chớ chơi làm gì?

    344. Trời nào có phụ ai đâu,

    Hay làm thì giàu, có chí thì nên.

    345. Trứng rồng lại nở ra rồng,

    Liu điu tại nở ra dòng liu điu.

    346. Trứng rồng lại nở ra rồng,

    Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.

    347. Vay chín thì trả lên mười,

    Phòng khi túng lỡ có người cho vay.

    348. Văn hay chẳng luận đọc dài,

    Vừa mở đầu bài đã biết văn hay.

    349. Vất vả có lúc thanh nhàn,

    Không dưng ai dễ cầm tàn che cho.

    350. Vàng thì thử lửa thử than,

    Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.

    351. Vàng sa xuống giếng khôn chìm,

    Người sa lời nói như chim sổ lồng.

    352. Vợ đẹp càng tổ đau lòng,

    Chè ngon tức bụng, điếu thông quyện đờm.

    353. Vua Ngô băm sáu tàn vàng,

    Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì.

    Chúa Chổm uống rượu tì tì,

    Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô.

    354. Vua chúa còn có khi lầm,

    Nữa là con trẻ mười lăm tuổi đầu.

    355. Vừa đi, vừa đợi, vừa chờ,

    Nhanh chân thì kịp, lờ đờ thì thôi.

    356. Vườn rộng chớ trồng tre ngà,

    Nhà rộng chớ chứa người ta ở cùng.

    357. Xấu thì bác mẹ sinh ra,

    Xấu an phận xấu, xấu hòa đổi ai.

    358. Yêu cây mới nhớ đến hoa,

    Yêu dì thằng đỏ, mua quà nó ăn.

    Kiến leo cột sắt bao mòn,

    Tò vò xây tổ bao tròn mà xây.

    Viết xong tại Sài-gòn ngày 1 tháng 7 năm 1969


    NGUYỄN TẤN LONG - PHAN CANH
     
    dongtrang and tducchau like this.
  14. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    HẾT

    THI CA BÌNH DÂN VIỆT NAM

    QUYỂN I - Phần: Nhân sinh quan

    Xin xem tiếp:

    THI CA BÌNH DÂN VIỆT NAM

    QUYỂN II - Phần: Xã hội quan

     
    dongtrang and tducchau like this.
Moderators: galaxy, teacher.anh
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này