Truyện kiều

Thảo luận trong 'Tủ sách Thi ca' bắt đầu bởi whatcsvt100, 4/10/13.

Moderators: Ban Tang Du Tử
  1. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Phục nguyên cho Truyện Kiều

    Về Truyện Kiều thì hiện nay bản nguyên văn của Nguyễn Du không tìm thấy nữa. Chỉ còn hai bản khác nhau là bản Phường, in ở Hà Nội, và bản Kinh của vua Dực Tông bản Triều đã được chữa lại.

    Như vậy là về việc tầm nguyên cho Truyện Kiều, chúng ta có hai giòng, một dựa theo bản Phường, và một đi theo bản Kinh. Các vị học giả nghiên cứu về Truyện Kiều do đó mà cũng có hai hướng, mà đều có những lý lẽ thuyết phục, hoặc hạn chế cả. Như trong lời tựa Truyện Kiều Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo,(cuốn này theo tôi là dựa theo cuốn Truyện Kiều của Kiều Oánh Mậu in năm 1902 là bản Phường) in năm 1927 nói rằng:
    "Bản Phường là bản của ông Phạm Quý Thích đem khắc và in ra trước hết cả. Ông hiệu là Lập Trai, người làng Huê Đường (nay là làng Lương Đường), phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến sĩ cuối đời Lê, cùng với Nguyễn Du là bạn đồng thanh tương khí, cho nên khi quyển truyện này vừa làm xong thì tác giả có đưa cho ông xem, chắc có sửa đổi một vài câu, nhưng xem lời văn thì chỗ nào cũng một giọng cả. Vậy nên chúng tôi thiết tưởng là lấy bản Phường làm gốc, thì có lẽ cũng không sai lầm là mấy. Còn những chỗ mà bản Kinh đổi khác đi, hoặc những câu mà về sau người ta sửa lại thì chúng tôi phụ lục cả ở dưới, để độc giả có thể xem mà cân nhắc hơn kém. Lại có một vài chữ mà người ta muốn đổi đi, không đúng với các bản Nôm cũ, thì chúng tôi cũng thích xuống dưới, chứ không tự tiện mà đổi nguyên văn đi."

    Còn bản Kinh là bản được cho là của vua Tự Đức sửa chữa lại bản Truyện Kiều của Nguyễn Du để đưa in vào năm 1871. Tuy nhiên theo ông Đào Thái Tôn thì thực ra không có bản Kinh này.

    Theo ông, gọi là bản Kinh vì là bản mang từ trong Kinh Đô ra, và có năm ba bản, cũng như có năm ba bản Phường khác nhau: "Cho nên theo tôi, các bản Kinh như bản Kinh của Kiều Oánh Mậu chỉ là bản chép tay của một công tử họ ngoại nhà vua tặng Đào Nguyên Phổ vào năm 1895, bản Kinh của Nguyễn Doãn Cử (1821 - 1890) - một ông quan trong phủ Tôn nhân triều Tự Đức (1848 - 1883) mang từ Kinh về năm 1880 khi hưu quan, cũng chính là một bản Kinh đáng chú ý. Đó là bản Kiều ở Thái Bình.

    Có một vấn đề là: Theo thống kê của Nguyễn Văn Hoàn (1965) rồi Nguyễn Thạch Giang (1972) thì: "Cho đến nay, chúng ta chỉ bằng vào các lời chú trên một số bản Kiều (chủ yếu là bản Kiều Oánh Mậu) mà biết được tổng số câu bản Kinh khác bản Phường là 152 câu - không kể dị đồng giữa các bản Phường. 152 câu này có ghi chú là bản Kinh. Bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim chỉ chú 146 câu" (Thạch Giang Sách đã dẫn. tr.95).

    Sự thống kê ở đây cho chúng ta thấy rằng dù có nhiều loại bản Phường, thậm chí có nhiều loại bản Kinh khác nhau chăng nữa thì, sau hàng trăm năm các nhà biên khảo so sánh giữa bản Kinh và bản Phường - tính từ Kiều Oánh Mậu đến nay, họ chỉ tìm ra được 152 trường hợp sai khác để khảo dị (mà thực ra, phần lớn chỉ một vài chữ khác nhau trong một câu thơ cũng được tính là một trường hợp (như "cổ lục" hay "có lục", "Tiết vừa con én đưa thoi" hay "Ngày xuân con én đưa thoi"... "hội là đạp thanh" hay "gọi là đạp thanh" v.v...).
    Thế thì Truyện Kiều, theo bản Kinh, là 3.258 câu; bản Phường là 3.254 câu. Nếu làm một phép tính tam suất, ta sẽ thấy: cả Truyện Kiều là 22.778 chữ thì, tính về số chữ sai khác, con số 152 chỉ bằng hơn 0,6% (!). Mà theo tôi thống kê, con số 152 này là chưa đúng, nhiều lắm, chỉ là 150 hoặc còn ít hơn nữa)!"
    Do vậy, tài liệu thì nhiều, mà ý kiến cũng lắm, nên xác định cho được nguyên bản, hoặc càng gần nguyên bản Truyện Kiều là một việc cực kỳ khó khăn.
    Về việc này cũng có bài viết, cũng là ý kiến trên VietNamNet:

    Tìm nguyên tác Truyện Kiều: Không tưởng!
    Năm 1962, Viện Văn học đề ra việc đi tìm nguyên tác Truyện Kiều. Trong một vài năm rộ lên phong trào đi tìm nguyên tác Truyện Kiều, nhưng chẳng bao lâu người ta biết ngay là việc không tưởng nên lại quay về con đường hiệu đính, tức là mỗi người sửa một cách theo ý mình. Thế cũng gần giống như việc sửa Kiều, nhưng ngày xưa các nhà Nho sửa cho hay hơn, thì nay các nhà 'Kiều học' sửa để cho gần với Nguyễn Du hơn.

    Nửa thế kỉ tranh cãi và rắc rối...

    Để bắt đầu tìm nguyên tác Truyện Kiều, việc đầu tiên của chúng ta phải là tìm được một bản gần với thời Nguyễn Du sống nhất. Nhưng hiện nay vấn đề này rất là 'bung bét'. Cứ ít lâu người ta lại tìm được một bản in Kiều Nôm "cổ nhất". Ban đầu bản "cổ nhất" là bản in năm 1872, ít lâu sau lại có kỳ phùng địch thủ: bản 1871, rồi hiện nay, ngôi vô địch thuộc về bản 1866. Năm 1866, nghĩa là sau khi Nguyễn Du nằm xuống những 46 năm, vậy thì nó khó mà là cổ nhất được! Với đà này, chưa biết bao giờ mới có bản gọi là cổ nhất thật sự, mà chỉ là 'cổ nhất được tìm thấy đến thời điểm này'.

    Quan niệm của các nhà 'sửa Kiều' về bản đáng tin cậy nhất cũng khác nhau. Cụ Nguyễn Tài Cẩn rất tin vào bản Duy Minh Thị 1872, Nguyễn Khắc Bảo hay lấy bản 1879 làm chuẩn, còn Đào Thái Tôn đầu tiên tin vào bản năm 1871, nhưng gần đây lại đang đi tìm một bản khác mà theo Hoàng Xuân Hãn thì đó mới là bản đáng tin hơn cả, và ĐàoThái Tôn cũng thực tâm tin vậy... Với ngần ấy bản để làm quy chuẩn, đủ biết là cuộc tranh luận về nguyên tác Truyện Kiều rắc rối đến chừng nào. Đấy là vấn đề thứ nhất.

    Vấn đề thứ hai. Họ căn cứ vào đâu để sửa? Mỗi người một cách, Nguyễn Khắc Bảo mỗi khi thấy một chữ có nhiều dị bản, liền đem mấy chục bản ông ta có trên tay ra so, rồi thì chọn lấy chữ nào thích hợp nhất - tức là theo ông là thích hợp nhất đối với Nguyễn Du. Đào Thái Tôn thì đôi khi lại bác bỏ hẳn đa số, mà theo thiểu số. Ví dụ, câu "Nghĩ rằng trong... vợ chồng", tất cả các bản đều chép là "đạo vợ chồng", trừ Duy Minh Thị chép "sự vợ chồng", nhưng ông lại theo bản Duy Minh Thị. Rồi ông nghĩ ra những cách lí giải rất hay cho chữ 'sự', hay đến nỗi ai nghe cũng phải sướng cái lỗ tai, nghĩ rằng chắc là Nguyễn Du thật rồi. Với cái lối 'tán' ấy, ông đã cho đăng rất nhiều báo, diễn đàn và mới đây nhất, tại Hội thảo quốc tế về chữ Nôm, ông cũng vẫn nói thế. Nhưng một tháng sau gặp, ông lại ngậm ngùi bảo với chúng tôi: "Có lẽ tôi nhầm mất rồi" - Tại sao? - "Bây giờ nghĩ lại thì hình như tôi đã mắc phải cái điều mà Cụ Hoàng Xuân Hãn đã dè chừng, đó là sự chữa khéo của người đời sau, khéo đến mức mà tôi mê, tôi tán. Bản Duy Minh Thị là bản đầy những chữ lạ mà như ta đã thấy nhiều chữ vẫn có thể tìm thấy cái lý, vẫn chạy nghĩa nhưng không ít những chữ nước đôi ỡm ờ cho nên có lẽ mình phải ngờ. Mà nghĩ cho cùng thì chữ 'đạo' cũng có cái lý riêng. Nó lại thanh nhã hơn".

    Nhưng vấn đề là Nguyễn Du sử dụng chữ nào?- Nếu mà lí luận như ông Đào Thái Tôn thì phải lấy một cái căn cứ mặc định, đó là mọi câu chữ của Nguyễn Du phải hay nhất có thể, tinh tế nhất có thể, đúng nhất có thể, uyên bác nhất có thể, và Nguyễn Du không được mắc một sai lầm nào. Liệu chúng ta có thể mặc định điều này không?
    Các bạn có thể xem ở đây:
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Và các nhà học giả, nghiên cứu Nguyễn Du, khi đề nghị chữ này, chữ kia, hoặc câu này câu nọ cho Truyện Kiều, cũng chỉ nói "tham khảo…", "chú thích có bản ghi là…", chưa ai dám nói đến "Phục nguyên".

    Vậy nên khi đọc "PHIÊN ÂM CHÍNH XÁC TRUYỆN KIỀU ĐỂ BẢO TỒN TỪ NGỮ CỔ CỦA TIẾNG VIỆT của Ông Nguyễn Khắc Bảo là người tự nhận là "chả giáo sư, tiến sĩ chi cả, chỉ là một thày lang, yêu Nguyễn Du, và Truyện Kiều", và giữ trong tay hơn 40 bản Kiều Nôm cổ, mà phục nguyên không những 21 câu chữ, mà theo ông nói thì ông sẽ cho in Truyện Kiều có sửa chữa đến gần 700 câu, chữ! Tôi chưa đọc truyện của ông cho in có sửa chữa đến gần 700 chữ này. Nhưng đọc vài câu trong 21 câu giới thiệu của ông để gọi là chào mừng bước vào thế kỷ 21, như câu 1135: ông viết "hưng hành" sửa lại thành "hung hăng" là do công lao chữa Kiều của Kiều Oánh Mậu, hay ở câu 2004:"Đàn bà thể ấy", sửa lại là "đàn bà thế ấy" là "công" chữa Kiều của Kiều Oánh Mậu, ấy vậy mà các nhà biên khảo đương đại lại chấp nhận và chép theo…" thì quả ông có tự tin quá.
    Chúng ta trân trọng những nghiên cứu của các nhà biên khảo, các vị học giả, của ông, để ngày càng có thể đi gần đến nguyên bản Truyện Kiều. Nhưng nếu chỉ có tình yêu Nguyễn Du, yêu Truyện Kiều, và 40 bản Kiều cổ thì với riêng ông, cũng chỉ nên gọi là khảo dị hoặc có bản chép…, chứ chưa nên, chưa thể gọi là phục nguyên. Vậy đàng sau chữ phục nguyên, hay hoàn nguyên của ông, ta phải đánh vài cái dấu hỏi.
     
  2. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    NGUYỄN DU ĐÃ ĐỔI CHỮ "HOA" THÀNH " TRÂM"? [1]

    Hoa Thịnh Ðốn ngày 14 tháng 4 năm 2000

    Bạn ta,

    Bạn không phải là người duy nhất cho rằng câu 70 của truyện Kiều phải là "HOA" thay vì "TRÂM" (thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ) mà các bản Kiều vẫn chép.

    Dương Quảng Hàm trong Quốc Văn Trích Diễm (trang 115) ghi là "trâm" nhưng không chú thích. Ðào Duy Anh trong cuốn Hiệu khảo và chú giải Truyện Kiều do nhà xuất bản Văn Học Hà Nội xuất bản năm 1984 ở trang 22 cũng chép là "trâm" và giải thích "cái trâm gẫy, cái bình bị rơi vỡ là tỷ dụ về người đàn bà chết."

    Trong Kim Túy Tình Từ do Phạm Kim Chi phiên chú, phủ Quốc Vụ Khanh Ðặc Trách Văn Hóa tái bản năm 1972, nơi trang 21 ghi là "trâm", và giải thích bằng câu "bình truy trâm chiếc (sic) thị hà như (sic)" [2] của Bạch Cư Dị.

    Nhưng Vân Hạc ở trang 21 Truyện Kiều Chú Giải viết rõ rằng "phải chép là hoa gẫy bình rơi mới đúng." Rồi Ðào Duy Anh trong Từ Ðiển Truyện Kiều ở trang 412 cũng cho rằng "Nguyễn Du đổi hình tượng bình chìm hoa gẫy thành trâm gẫy bình rơi." Hà Như Chi trong Việt Nam Thi Văn Giảng Luận trang 350, thì viết ở phần chú thích rằng "nếu đổi chữ trâm thành chữ hoa thì đúng với ý câu thơ Ðường: nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thời."

    Như vậy, câu 70 của Nguyễn Du trong tất cả các bản đều chép là trâm gẫy, nhưng ít nhất có ba người cứ muốn đổi "trâm" thành "hoa", cho rằng "trâm" là không đúng, Nguyễn Du đã đổi "hoa" thành "trâm" vì một lý do nào đó.

    Tất cả đều dẫn hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn/ bình trầm hoa chiết dĩ đa thì", nghĩa là một mảnh thuyền tình đã đến bờ, bình chìm hoa gẫy đã lâu rồi, để nói đến sự muộn màng, khi người khách phương xa đến tìm, thì người phụ nữ đã ra đi vĩnh viễn. Bông hoa bị gẫy, cái bình kéo nước từ giếng lên, chưa lên đến nơi thì đứt dây rơi xuống. Hai hình ảnh đều là những đứt đoạn ở giữa lưng chừng, là cái chết khi còn thanh xuân, tuổi trẻ.

    Nhưng có thể Nguyễn Du không định dùng chữ "hoa", mà ông đích thực chỉ muốn dùng chữ "trâm" thì sao?

    Sở dĩ có những ý kiến cho rằng Nguyễn Du đã đổi chữ "hoa" thành " trâm" có thể là vì trong câu 69 ở ngay dòng trên, ông đã dùng hình ảnh một con thuyền ghé bến. Các nhà chú giải cho rằng vì Nguyễn Du dùng con thuyền trong câu 69, nên chắc chắn ông phải mượn ý của hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thì". Vì thế, nên câu 70 không thể là "trâm" được, mà phải là "hoa" mới hợp lý và mới đúng như chữ dùng trong nguyên bản hai câu chữ Hán.

    Ðồng ý "hoa" mang nhiều hình ảnh của một người đàn bà hơn là "trâm" và chính Nguyễn Du, ở câu 66 cũng đã dùng bông hoa để nói về người đàn bà: "nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương". Cành thiên hương gẫy, người đàn bà đẹp chết.

    Nhưng cũng chính vì thế, Nguyễn Du không muốn nhắc lại chữ "hoa" ở câu 70 nữa. Ông dùng "trâm" lấy từ một điển khác trong thơ Bạch Cư Dị: "bình trầm, trâm chiết, trị [3] nại hà, tự thiếp kim triêu dữ quân biệt" nghĩa là bình chìm, trâm gẫy biết làm sao, tựa thiếp sáng nay cùng chàng từ biệt. Hai câu của Bạch Cư Dị đại ý nói việc sắp thành mà hỏng, có làm mà cũng như không, như một người đẹp chết non yểu.

    Trong cổ nhạc phủ có những câu này cũng nói về trâm gẫy, bình rơi: "thạch thượng ma ngọc trâm, ngọc trâm dĩ thành trung ương chiết. Tỉnh thượng văn ngân bình, ngân bình vị thượng ty thằng tuyệt" nghĩa là trên đá mài trâm ngọc, trâm ngọc vừa thành, bị gẫy ở chỗ chính giữa, trên giếng kéo bình bạc, bình bạc chưa lên đến nơi, dây tơ đứt.

    Cây trâm đang mài gần xong thì bị gẫy ở giữa, chiếc bình bằng bạc thả xuống giếng múc nước lên chưa tới miệng giếng thì dây đứt. Toàn là những chuyện dang dở, giữa đường đổ vỡ, gẫy nát.

    Trong câu 69, Nguyễn Du đưa ra hình ảnh người khách phương xa tới bằng thuyền, nên các nhà chú thích suy luận cho rằng ông mượn ý hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thì" nên câu 70 phải là "hoa" chứ không thể là "trâm" được. Nhưng giả sử Nguyễn Du cho người khách viễn phương đi ngựa, mà không dùng thuyền để đi tìm người đẹp thì chắc chắn sẽ không có chuyện "hoa" hay "trâm" nữa.

    Hơn nữa, ở câu 749, đoạn Kiều mộng thấy Ðạm Tiên, Nguyễn Du cũng lại dùng "trâm" chứ không dùng "hoa": "bây giờ trâm gẫy, gương tan". Hình ảnh cái trâm gẫy lại được đem dùng để chỉ người đàn bà (Ðạm Tiên) chết. Và ở câu này thì không thể là "hoa" được. Nó phải là trâm (gẫy) vì nó đi cạnh tấm gương (tan), hai món trên bàn trang điểm của người phụ nữ.

    Vậy nên tôi tin chắc rằng Nguyễn Du không đổi, không thay, không dùng sai chữ "hoa" thành "trâm", mà ông đã cố ý dùng như vậy, và điển mà ông mượn có phần chắc là mấy câu của Bạch Cư Dị và cổ nhạc phủ chứ không phải là hai câu có thuyền ghé bến, hoa gẫy như Vân Hòe, Ðào Duy Anh và Hà Như Chi đã giải thích.

    Bùi Bảo Trúc

    (Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)

    --------------------------
    Chú thích của Goldfish:
    [1] Nhan đề do chúng tôi tạm đặt.
    [2] Câu thứ năm trong bài Tỉnh để dẫn ngân bình của Bạch Cư Dị: 瓶 沉 簪 折 知 奈 何 (Bình trầm, trâm chiết, tri nại hà: Bình chìm, trâm gẫy biết làm sao). Xem thêm bài thơ này tại Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    [3] Chữ “tri” bị gõ lầm thành “trị”.
     
  3. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    “CÂU’ VÀ “CHỮ” CỦA NGUYỄN DU


    Tác giả: Ngu Minh

    Đã có nhiều ý kiến hoài nghi về cách dùng từ của Nguyễn Du trong hai câu Truyện Kiều: “Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân” (c.2192) và “Tuy rằng vui chữ vui qui” (c.2843). Một ấn bản Truyện Kiều xuất bản gần đây đã sửa hai câu thành: “Khiến lòng lại nhớ đến Bình Nguyên Quân” và “Tuy rằng vui chữ phu thê” (1). Với việc làm này, những người biên tập đã biến các ý kiến hoài nghi trở thành hiện thực: Nguyễn Du đã dùng từ sai (!)

    Các bản Kiều nôm đều giống nhau trong cả hai câu (2). Người xưa cho là đúng hay tôn trọng cái sai của Nguyễn Du? Nguyễn Du đã viết sai hay chúng ta đang hiểu lầm? Truyện Kiều không có các câu tương đồng để đối chiếu. Lý giải bằng suy luận khó được đồng thuận. Bàn về hai câu này chỉ có tính cách trao đổi, nhằm cùng tìm hiểu xem Nguyễn Du muốn nói gì trong hai câu?

    Câu “Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân”

    Nhiều ý kiến cho rằng câu Kiều này dịch từ thơ Đường và Nguyễn Du đã dịch không chuẩn!

    Bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, hiệu khảo ghi: “Đường thi: Bất tri can đảm hướng thùy thị. Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân. Chẳng biết gan mật cùng ai tỏ, khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân. Bình Nguyên Quân là tướng nước Triệu đời Chiến quốc…”. Hiệu khảo không xác định câu Kiều được dịch từ “Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân” nhưng với cách dẫn và dịch Đường thi, hai ông đã gợi ý.

    Trong bản Vương Thúy Kiều, tác giả Tàn Đà phân tích: “Nhân ở trên, lời Kiều có câu “Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu? Cho nên đây có câu này lời Từ Hải, là lấy bởi hai câu thơ Đường: Bất tri can đảm hướng thùy thị. Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân”. Song mà nhận ra hơi ngang nghĩa, chỗ ngang ở một chữ “câu”. Phân tích và nhận xét như vậy, thi sĩ Tàn Đà đã khẳng định: câu Kiều đã được dịch từ thơ Đường!

    Nếu là dịch thơ, Nguyễn Du đã dịch thừa chữ “câu”! Hay cho cụm từ “câu Bình Nguyên Quân” là dịch thoáng của “câu Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân”, thì câu Kiều quả là ngang nghĩa: Khiến người lại nhớ câu “Khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân”. Hai trong một!

    Thế nhưng nếu Nguyễn Du đã viết được “Khiến nguời lại nhớ câu Bình Nguyên Quân” lại không dịch được “Khiến người lại nhớ đến Bình Nguyên Quân” thì thật là phi lý: Nôm được truyện lớn mà không dịch được truyện nhỏ! Đại thi hào khác gì tiểu thi sĩ?

    Phân tích câu lục bát:

    “Từ rằng: Lời nói hữu tình,
    Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân”

    Chúng ta thấy trong câu này, Nguyễn Du đã để Từ Hải ví lời Vương Thúy Kiều với câu Bình Nguyên Quân. Lời và câu đối xứng nhau về từ, qua lại nhau về ý. Lời khiến nhớ câu, không nhớ người. Nội dung câu Kiều khác câu thơ Đường. Vậy câu bát ở đây không thể là thơ dịch.

    Lời đã rõ, câu còn kín: ẩn ý nằm ở câu. Dù chưa biết “câu Bình Nguyên Quân” là câu gì, nhưng câu này phải phù hợp với lời Kiều và được nhiều người biết. Nguyễn Du không thể đưa ra một câu một mình mình biết, một mình mình hay! Không câu thơ nào của Bình Nguyên Quân được lưu truyền, đây phải là câu nói.

    Tìm hiểu câu Bình Nguyên Quân nói, chúng ta cần xem lại đoạn Kiều và Từ Hải đối đáp và cả tìm hiểu về Bình Nguyên Quân.

    Lần đầu khi Từ Hải xuất hiện, Nguyễn Du đã giới thiệu bằng miêu tả. Sau đó tác giả để Từ Hải hỏi Kiều (xin tóm ý, tránh làm loãng phần trích nguyên văn): Thật lòng dạ với nhau, không phải miệng lưỡi. Nghe tiếng nàng từ lâu, chưa ai nàng nghĩ tới? Anh hùng hiếm nên tìm, mạc hạng nhiều đừng kiếm. Kiều đáp:

    …Nàng rằng: “Người dạy quá lời,
    Thân này còn dám xem ai là thường!
    Chút riêng chọn đá thủ vàng,
    Biết đâu mà gởi can tràng vào đâu?
    Còn như vào trước ra sau,
    Ai cho kén chọn vàng thau tại mình?
    Từ rằng: “Lời nói hữu tình,
    Khiến người nhớ lại câu Bình Nguyên Quân…

    Bình Nguyên Quân Triệu Thắng người thời Chiến Quốc, ba lần làm tể tướng nước Triệu. Tân khách trong nhà đông đến vài ngàn người. Khi quân Tần vây kinh đô Hàm Đan, vua Triệu sai ông sang Sở bàn kế hợp tung đánh Tần. Bình Nguyên Quân chọn hai mươi tân khách trong nhà cùng đi. Mỗi tân khách phải giỏi cả văn lẫn võ, với quyết tâm dùng văn không xong, liều chết dùng võ, định cho được kế hợp tung. Ông chọn được mười chín người, ngoài ra không ai đáng lấy. Mao Toại làm tân khách trong nhà đã ba năm, xin theo cho đủ số. Bình Nguyên Quân nói: Ở nhà Thắng ba năm, không ai khen hay tiến cử, Thắng chưa từng nghe tiếng. Thế tức tiên sinh không có tài, tiên sinh nên ở lại! Mao Toại đáp (tóm ý): Tài lộ phải đúng lúc, nếu không có khi hư việc. Đây chính là lúc để lộ! Bình Nguyên Quân cho Mao Toại theo. Trong số hai mươi tân khách – cảm tử quân – đi theo, chỉ có tình nguyện quân Mao Toại cầm kiếm bước lên bệ rồng, thuyết được vua Sở nghe. Kế hợp tung thành công. Trở về, Bình Nguyên Quân nói: Thắng này từ nay không dám xét người nữa! Thắng từng xét: nhiều thì có ngàn người, ít cũng phải vài trăm. Tự cho mình không bỏ sót thiên tài trong thiên hạ. Thế mà nay bỏ sót Mao tiên sinh. Thắng không dám xét người nữa! (theo Sử Ký – Tư Mã Thiên). “Không dám xét người nữa!” là câu nổi tiếng của ông, được nhắc hai lần trong Sử Ký.

    Trong các câu Bình Nguyên Quân nói, phù hợp với lời Kiều chỉ có thể là câu: “không dám xét người nữa!”

    Thi sỉ Tản Đà đã phát hiện việc Nguyễn Du tách hai câu thơ Đường, làm hai lời đối đáp giữa Kiều và Từ Hải. Tuy thi sĩ chịu khó với từ “câu” thêm vào ở câu dưới, lại không thắc mắc chữ “cam đảm” bị sửa đi trong câu trên. Nguyễn Du đã sửa cam đảm (gan mật: dũng cảm) thành can tràng (gan ruột: nỗi lòng). Nguyên nhân không phải để… vần, chỉ để thích hợp với lời kiều nữ. Kiều không thể nói: Không biết can đảm (dũng cảm) cùng ai tỏ! Nên Kiều mượn và sửa Đường thi: Không biết can tràng (nỗi lòng) cùng ai tỏ! Từ Hải cũng theo đó mà sửa câu tiếp theo: Khiến người lại nhớ câu: không dám xét người nữa! của Bình Nguyên Quân.

    Kiều không dám xét người tìm hôn phu, lời kẻ đã… Sở Khanh! Như Bình Nguyên Quân không dám xét người tìm hào kiệt, câu người chê Mao Toại! Kẻ xét lầm phải vào thanh lâu, người chê lầm chỉ suýt chết. Hai người cảnh ngộ khác nhau, làm sau Nguyễn Du có thể viết: Khiến người lại nhớ đến Bình Nguyên Quân?

    “Câu Bình Nguyên Quân” là câu: không đám xét người nữa! Tuy đã rõ ý, nhưng dó chưa phải là ẩn ý của Nguyễn Du.

    Trong tiểu thuyết Thanh Tâm Tài Nhân, Từ Hải nói: Nàng nói như thế cũng đúng với câu Vị tri can đảm hướng thùy thị - Linh nhân khước ước Bình Nguyên Quân (Biết đâu gửi gan óc mình? Khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân). Vậy bỉ nhân đây có thể sung vào một trong số muôn người của Bình Nguyên Quân chọn lọc đó không? (các phần trích tiểu thuyết đều theo bản dịch của Tô Nam – Nguyễn Đình Diệm).

    Từ Hải của nguyên tác đã dẫn nguyên văn hai câu thơ Đường để nói, bổ sung bằng ý kiến của mình khiến Từ Hải… thất lễ! Từ Hải ví Kiều với Bình Nguyên Quân: gái lầu xanh với… ngài tướng quốc! May mà Mao Toại không còn, nếu còn chắc đã có: chiến tranh giữa các… vì sao! Phần bổ nghĩa của Từ Hải thật đáng xấu hổ: mong được Kiều… tuyển lựa tài tử!

    Lỗi của Từ Hải là do tác giả Kim Vân Kiều truyện, cứu Từ Hải là bởi tác giả Đoạn Trường Tân Thanh, chỉ với một chữ “câu”.

    Học giả Đào Duy Anh nhận xét: “… Nguyễn Du đã hoán cốt đoạt thai Kim Vân Kiều truyện mà tạo thành một tác phẩm hoàn toàn mới” (Khảo luận về Kim Vân Kiều). Nguyễn Du ngại gì không hoán cốt đoạt thai hai câu thơ Đường? Đây không phải là trường hợp duy nhất Nguyễn Du sửa thơ Hán. Ông sửa nhiều lần, bằng nhiều cách, với nhiều lý do khác nhau. Xin được nêu ra để bổ sung ý kiến.

    Thuyền tình vừa ghé đến nơi – Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ (c.70). Bản Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim hiệu khảo ghi: “Đây theo các bản cũ mà đề chữ trâm gãy, nhưng đề hoa gãy thì đúng với ý câu thơ Đường như sau: Nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, Bình trầm hoa chiết dĩ đa thời: Một chiếc thuyền tình mới tới bến, cái bình đã chìm, cành hoa đã gãy tự bao giờ”. Hai ông cho rằng sửa chữ của nguyên tác là thiếu tôn trọng tác giả chăng? Nguyễn Du thay hoa gãy bằng trâm gãy chỉ vì trong tiếng Việt không có… hoa gãy! Hoa chỉ tàn, rụng hay rơi: Hoa tàn mà lại thêm tươi (c.3123), Đầy thềm hoa rụng biết người ở đâu (c.272), Vội vàng lá rụng, hoa rơi (c.361). Chỉ có cành hoa gãy: Nữa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương (c.66). Ngay trong hiệu khảo, hai ông không dịch “hoa chiết” là “hoa gãy” lại dịch “cành hoa đã gãy”, nhưng lại đưa ý kiến: đề hoa gãy thì đúng với ý câu thơ Đường! Bám sát chữ nghĩa, quá đôi khi dịch là diệt! Trong thơ Đường có “bình trầm, trâm chiết”, Nguyễn Du thay hoa gãy bằng trâm gãy để… Nôm ra Nôm!



    Thôi Hộ: Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Hoa đào như cũ còn cười gió đông). Nguyễn Du: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (c.2748). Nếu là dịch thơ thì Nguyễn Du đã dịch thừa năm ngoái! Đây là một ẩn ý của Nguyễn Du. Với Thôi Hộ, người và hoa tương đồng về sắc: Nhân diện đào hoa tương ánh hồng (mặt người và hoa cùng sắc hồng), nhưng tương khắc về thân: Nhân diện bất tri hà xứ khứ - Đào hoa y cựu tiếu đông phong (người khuất hoa còn). Nguyễn Du khác Thôi Hộ (hay phát hiện sai của Thôi Hộ?): Đào hoa không thể y cựu tiếu đông phong: Nhân diện đã khuất, đào hoa cũng đã rụng! Cả hai tương đồng về thân: cùng tồn tại, cùng mất đi. Người cũ, hoa mới xa lạ nhau. Nguyễn Du dùng thủ pháp đoạn chương thủ nghĩa, cắt lấy năm ngoái ở đầu câu (Năm ngoái ngày này, giữa cổng đây: Khứ niên, kim nhật, thủ môn trung) ghép vào câu cuối. Biến hoa ngày nay thành hoa năm ngoái. Tuy hoa đào năm ngoái không còn cười (nở) cùng gió đông-xuân: hoa đã kết quả, chín rụng hay ăn hết từ mùa thu, còn chăng là cái… hột để cười gió đông! Nhưng người và hoa tương đồng cả về thân. Hoa đào năm ngoái còn cười thì người năm xưa còn gặp! Còn tôi, tôi gặp nàng mới thôi (c.2818). Để: Tình nhân lại gặp tình nhân – Hoa xưa, ong cũ mấy phân chung tình (c.3144).

    --------------------
    (1) Truyện Kiều. Vũ Hữu Tiềm bình giải, chú thích. Nxb Thanh Niên – 2005.
    (2) Bản Truyện Kiều (1886) cũ nhất được phát hiện gần đây, chữ “vu qui” (c.2843) viết là “thủ qui”. “Vu” và “thủ” chỉ khác nhau một nét ngang, “thủ qui” lại không có nghĩa. Đây là lỗi của bản thảo khắc in hay của thợ khắc chữ
     
  4. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Hoàng Sào: Bán kiên cung kiếm bàng thiên túng – Nhất trạo giang sơn tận địa duy. (Nữa gánh kiếm cung, trời buông thả - Một chèo sông núi, đất hết vây). Nguyễn Du: Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo. Nguyễn Du đã sửa cung tên thành cung đàn, khiến Từ Hải gần Thúy Kiều, xa Hoàng Sào!

    Nguyễn Du sửa Hán thi là chuyện có thật, không phải vì túng vận! Lý tùy người luận!

    Từ Hải là nhân vật đặc biệt được Nguyễn Du trao chuốt trong từng câu chữ, trân trong trọng từng giọng văn. Kiều tỏ ra kẻ dưới trước Từ Hải (khác với Kim Trọng), các nhân vật trong Truyện Kiều khi nhắc đến Từ Hải đều dùng những lời cung kính. Lời Đô lão kể: Bỗng đâu gặp lại một người – Hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh. Lời Thúc Sinh: Đại vương tên Hải họ Từ - Đánh quen trăm trận, sức dư muôn người. Ngay cả Nguyễn Du cũng tôn trọnh Từ Hải, khi ông viết: “Khí thiêng khi đã về thần” để nói về cái chết của Từ Hải. Sinh vi tướng, tử vi thần!

    Nếu đọc lướt trích đoạn Từ và Kiều đối đáp, giống như phần rời trong tác phẩm, không có cũng… được! Nhưng đây là đoạn nằm trong phần giới thiệu nhân vật. Nguyễn Du giới thiệu trực tiếp Từ Hải bằng miêu tả: đấng anh hào, võ nghệ cao, binh pháp thạo, văn nghệ… máu! Sau phần giới thiệu trưc tiếp, tác giả đã để Kiều sửa thơ Đường thử can tràng Từ Hải. Khi Từ sửa câu tiếp theo đáp lại, Kiều nhận ra tài trí của Từ nên …Thưa rằng: Lượng cả bao dong – Tấn dương được thấy mặt rồng một phen. Nguyễn Du gián tiếp cho biết: nếu Kiều học cao, thì Từ… cao học! Tác giả đã biến Từ tặc thành Từ công, văn võ song toàn!

    Trong Truyện Kiều, nếu không có trích đoạn trên thì Từ Hải chỉ là một hảo hán giang hồ. Giới thiệu nhân vật gián tiếp như vậy, nếu theo sát hai câu Đường thi, vô tình đã đơn giản hóa Nguyễn Du: chỉ còn nhà thơ… cần chỉnh sửa!


    Câu: “Tuy rằng vui chữ vu qui”

    Các từ trong câu đều đơn giản đễ hiểu, dễ đọc lướt và dễ hiểu lầm!

    Trước đây trong trà đình tửu điếm, khi trà dư tửu hậu, câu này hay được các… tao đàn mày hát đem ra mổ xẻ để vui đùa: Kim Trọng… về nhà chồng (vu qui)! Tiếc thay, ngày nay nó đã nằm trong sách báo.

    * Phân tích các câu trong Truyện Kiều

    Câu này không phải là nguyên nhân mà là kết quả của sự hiểu lầm. Hiểu lầm đầu tiên do chính Nguyễn Du! Tác giả đã để Kiều - thay mình – coi Kim Trọng là… nhi nữ thường tình! Khi Kiều sang nhà Kim Trọng: Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông (cũng kiểu miêu tả: Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa), sau đó Kiều: Xắn tay mở khóa động đào – Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai. Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường – Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa! Khi Kiều bán mình: Lỗi thề, thôi đã phụ phàng với hoa! Với cái đại nạn của Kiều, Kim Trọng đã hành động như một thục nữ. Ngoài chuyện tìm kiếm thụ động (sai người đi tìm), còn lại là… khóc! Hiểu lầm tiếp theo là các chi tiết trong truyện. Cha mẹ Kim Trọng không xuất hiện trong tác phẩm, chàng lại kiếm nhà để …Lấy điều du học hỏi thuê. Chú mất …Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang. Khi Kim Trọng trở lại …Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang – Thần hôn chăm chút lễ thường – Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa. Khi Kim Trọng bệnh nặng …Xuân huyên lo sợ biết bao, Duyên Vân đã sớm xe dây cho chàng. Không rõ cha mẹ Kim Trọng ở đâu, đám cưới lại vội. Với hai chữ xuân huyên nhiều người cho đó là ông bà Vương viên ngoại. Đám cưới được tổ chức tại chỗ, Kim Trọng vu qui là… có lý!

    Lần theo chữ nghĩa của thiên tài. Cha mẹ của Kim Trọng dù không được trực tiếp giới thiệu, như – qua Kim Trọng – cũng gián tiếp cho biết: Nguyên người quanh quất đâu xa – Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh – Nền phú hậu, bậc tài danh, Chung quanh vẫn đất nước nhà, Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân – Vẫn nghe thơm phức hương lân. Gia đình Kim Trọng đồng hương với gia đình Kiều: quanh quất đâu xa, vẫn đất nước nhà, đồng thân, hương lân. Gia đình thuộc giòng dõi nhà quan, rất giàu và nổi tiếng: nhà trâm anh, nền phú hậu, bậc tài danh. Gia đình như vậy sao Kim Trọng lại thuê nhà trọ học? Suy ở ngày nay, ta biết con nhiều gia đình khá giả xin phép thê nhà ở ngoài, để tiện học hành và… ăn chơi! Công tử Kim Trọng không thể kém. Trong khi Kiều cùng hai em …sắm sửa bộ hành chơi xuân thì chàng Kim ngồi bạch mã …Theo sau có một vài thằng con con hầu chuyện lên xuống ngựa. Ông bà, cha mẹ và chị em Kim Trọng nếu không ngồi kiệu cũng ngồi xe. Kiệu phu, xa phu, tiểu đồng, tỳ nữ theo hầu không ít. Thê thiếp của Kim đại gia ít ra cũng phải năm ba bà. Một đại gia đình giàu có quây quần trong một đại gia trang. Các lễ tiệc náo nhiệt là chuyện thường ngày ở Kim gia trang. Công tử Kim Trọng …lấy điều du học hỏi thuê là biện bạch với song thân chứ không phải với chủ nhà thuê – với lý do cần yên tĩnh để học hành. Được chấp nhận mới có thể: Túi đàn, cặp sách, đề huề dọn sang. Khi chú mất, cha mẹ Kim Trọng cho …Gia đồng vào gửi thư nhà mới sang, chứng tỏ: nhà thì gần, tin thì gấp. Nếu nhà ở xa, ông bà không thể sai trẻ giúp việc trong nhà (gia đồng) chạy thư, mà phải là lão bộc hay tráng đinh đi đường dài đem thư tới. Càng rõ ý hơn khi Kim Trọng trở về: Từ ngày muôn dậm phù tang – Nửa năm ở đất Liêu Đông lại nhà – Vội sang vườn Thúy dò la (c.2743). Gia đình Kim Trọng không thể nghìn trùng xa cách gia đình Thúy Kiều. Kim Trọng sửa vườn hoa, rước hai ông bà cùng sang không có nghĩa Kim Trọng cùng ở! Lễ nghĩa Nho giáo ngày xưa rất nghiêm, Kim Trọng có thể sáng tối (thần hôn) ghé thăm, chăm sóc cha mẹ Kiều. Nhưng ở chung thì không thể, vì trong nhà có… kiều nữ chưa chồng! Gia đình Vương ông ở đó, Kim Trọng phải về nhà cha mẹ mình. Khi Kim Trọng …Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao – Xuân huyên lo sợ biết bao. Xuân huyên (cha mẹ) không thể chỉ ông bà Vương viên ngoại vì khi đó Kim Trọng còn độc thân, chưa có… xuân huyên vợ!

    Xuân huyên Kim Trọng tổ chức đám cưới, chàng kim không thể vu qui!

    * Phân tích từ trong câu

    Với câu “Tuy rằng vui chữ vu qui” nếu cho là Kim Trọng vu qui thì câu đó phải đồng nghĩa với câu “ Tuy rằng vui lễ vu qui”. Cụ thể hơn: “chữ vu qui” đồng nghĩa với “lễ vu qui”. Chữ cần phân tích ở đây, không phải vu qui mà là chữ.

    Trong tiếng Việt từ chữ có nhiều nghĩa. Riêng trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng từ chữ với ba nghĩa: Chữ là danh từ chỉ tên người (tên chữ), như: Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia. Thứ nhì chữ là mỹ từ dùng thay mạo từ “cái”, khi mạo từ “cái” đứng trước danh từ trừu tượng. Như: Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau (cái tài, cái mệnh khéo là ghét nhau), Chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng (c.1570) (cáitài càng mặn, cái duyên càng nồng), Chữ trinh đáng giá ngàn vàng (c.3096) (cái trinh đáng giá ngàn vàng), Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (c.3252) (Cái tâm kia mới bằng ba cái tài)… Thứ ba: Chữ là danh từ, có nghĩa là từ. Như trong các câu: Mừng thần hôn ấy chữ bài (c.281), Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề (c.1210). Chữ tài liền với chữ tai một vần…

    Vu qui là tên một lễ hội, không phải danh từ trừu tượng. Từ “chữ” đứng trước “vu qui” không thể thay danh từ “lễ”. Người Việt nói: vui lễ Vu qui, vui lễ Vu lan, vui lễ Phật đản. Không ai nói: vui chữ Vui qui, vui chữ Vu lan, vui chữ Phật đản. Suy ra: “chữ vu qui” khác khác “lễ vu qui”. Kim Trọng không vui lễ vu qui, không về nhà… chồng!

    Chữ ở đây thuộc trường hợp thứ ba: danh từ có nghĩa là từ. Kim Trọng nhìn bảng trước nhà Thúy Vân, nên vui với chữ vui qui. Thúy Vân không vui với chữ mà vui với lễ.

    Do thắc mắc với “chữ vui qui” đã khiến độc giả vô tình bỏ qua chữ “vui”. Cái thắc mắc đáng ra phải có là ở chữ “vui”. Sao Kim Trọng lại vui? Dù có tuy rằng, nhưng vui thật: Vui này đã cất sầu kia được nào? Tương tự Kiều nặng Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao, nhưng lấy vợ… cũng vui! Lại một ẩn ý nữa của tác giả.

    Có thắc mắc: “Tuy rằng vui chữ vu qui” sẽ khiến chúng ta bất ngờ khi đọc: “Mừng thầm chốn ấy chữ bài”. Hai câu ở… hai đầu nỗi nhớ (c.281 và c.2843). Cả hai lần Kim Trọng đều vui khi nhìn bảng có chữ đề: Lãm thúy và Vu qui.

    Trong bản Nôm, chữ lãm trong Lãm thúy không phải chữ Hán lãm 覽 (ngắm, xem) mà là chữ lãm (gom hết, nắm cả). Kim Trọng không quan tâm đến chuyện gom hết 攬 cái màu xanh (thúy) của cây cỏ, mà chỉ muốn… nắm cả hai nàng Thúy. Theo tiểu thuyết, lần đầu gặp hai nàng, Kim Trọng nghĩ: Nếu không lấy được hai cô gái này thì trọn đời quyết chẳng lấy ai! Khi thuê nhà: Cái nhà ấy là Lãm Thúy Viên. Chàng nghe nói cái tên đó thì mừng thầm và lẩn nhẩm: Vườn tên là Lãm Thúy thì việc hai Thúy ắt sẽ xong xuôi! Ngày xưa lấy hai chị em là chuyện thường tình, thậm chí Thúy Vân còn nói: Chị đã vừa mắt và hợp ý, chi bằng lấy quách chàng ta và kéo luôn cả em đây nữa, cũng chẳng tốt sao? Kẻ thiên tài thề với một nàng, rồi lấy nàng còn lại: Muốn gì được nấy, sao không vui?

    Với “Tuy rằng vui chữ vui qui” Nguyễn Du đã tả thực can tràng Kim Trọng lúc lấy vợ. Thanh Tâm Tài Nhân quên chuyện này, nhưng Nguyễn Du không thể bỏ qua!


    Kết

    Với “câu” và “chữ”, Nguyễn Du đã ngầm chỉ tính cách hai nhân vật. “Nhớ câu Bình Nguyên Quân”: Từ Hải đậm chất anh hùng. “Vui chữ vu qui”: Kim Trọng nặng tình chồng vợ. Hai chi tiết nhỏ trong một tác phẩm lớn.

    Albert Camus cho rằng: Người ta sống vì yêu, không phải chết vì yêu để phản kháng lại chuyện tự tử. Bản thân Kim Trọng… hiện sinh đúng bài bản như triết gia này đã nói. Kiều hai lần tự tử, vẫn… em phải sống! Chỉ riêng Từ Hải, ghét của nào trời trao của đó: chết vì… yêu!

    Truyện Kiều đọc thoáng thì hay, ngẫm thì sợ!


    (Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 659, ngày 01.12.2008)
     
  5. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Về chuyện tuổi tác ba chị em
    Thuý Kiều, Thuý Vân, Vương Quan



    1. Trong đa số các bản Kiều hiện có, chúng ta chỉ thấy nói chung chung :
    – về niên đại là : “ Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh ”
    – và về tuổi tác hai chị em Kiều, Vân là :
    “ Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê ”
    Nếu hiểu theo Đào Duy Anh, thì tới tuần cập kê xưa có nghĩa là “ đến tuổi 15, tuổi cài trâm ” có thể lấy chồng. Nhưng như vậy người đọc có thể có mấy thắc mắc :
    – Về quan hệ, nếu Vân, Kiều 14-15 hay 15-16 tuổi thì Vương Quan mới khoảng 13-14, sao một người tuổi trạc 20 như Kim Trọng lại có thể coi Vương Quan là một bạn đồng song chí thiết, thậm chí ― trong nguyên văn bằng chữ Hán của TTTN ― còn chào bằng tên hiệu là “ Hải Vọng huynh ” và xưng hô đối đãi bằng “ nhân huynh ” – “ tiểu đệ ” ?
    – Về tâm lí, sao Kiều mới 15, 16 mà đã có thể giải quyết việc nhà trong cơn gia biến, như tự quyết định bán mình, khuyên bảo Vương Ông, dặn dò em út một cách chững chạc như vậy ?

    2. Duy các bản Kiều miền Nam là có nâng tuổi chị em họ Vương lên một bậc :
    Xuân xanh xấp xỉ trên tuần cập kê
    (Bản Duy Minh Thị không dùng “ tới tuần, đến tuần ” mà dùng “ trên tuần ”, tuy khắc nhầm trên thành lên, nhưng Abel des Michels đã đính ngoa lại thành trên)
    Trước đây chúng tôi phỏng đoán việc nâng tuổi này đưa Kiều lên 18-19, đưa Vân lên 17-18 và đưa Vương Quan lên 16-17 : từ khoảng tuổi đó trở lên thì các thắc mắc trên kia đều có thể giải quyết được ổn thoả.

    3. Nhưng có cơ sở tư liệu nào cho phép chúng ta phỏng đoán theo hướng tăng tuổi như vậy không ? Xin thưa rằng có !
    * Trong Thanh Tâm Tài Nhân, trước khi nói chuyện đi chơi Thanh minh, tác giả đã giới thiệu hai chị em Kiều, Vân “ tuổi đều đang độ thanh xuân ” và Kim Trọng “ tuổi trạc đôi mươi ”.
    * Trong bản KIM VÂN KIỀU LỤC in năm Đồng Khánh tam niên (1888), ký hiệu AC.561, cũng như trong bản cùng tên KVKL, kí hiệu là VHv-1898 (mà Bộ DI SẢN HÁN NÔM đều cho là do Hoa Đường Phạm Quí Thích sọan (?)), chúng ta lại thấy thêm mấy chi tiết như sau :
    Mở đầu truyện, sọan giả viết :
    – Năm Gia Tĩnh TAM NIÊN Triều Minh (1524) thiên hạ thái bình ;
    ** Vợ Vương Viên ngọai đi cầu đảo, mộng thấy một cụ già cho 3 cành đào : 1 cành đã ra quả , 1 cành mới nở hoa, 1 cành hoa đã chớm héo. Vương Viên ngọai đoán trời sẽ cho 1 trai 2 gái.
    ** Vì vậy ông thôi lo chuyện sản nghiệp mà chuyển sang lo chuyện học vấn trong gia đình.
    – Non 1 năm sau (không rõ sau sự việc nào nêu trên đây, nhưng chắc vẫn là trong năm 1524) quả nhiên bà Viên ngọai bắt đầu lần lượt sinh con : đầu tiên là 2 gái rồi 1 trai.
    Rồi về Thúy Kiều, Thúy Vân soạn giả lại viết :
    ** Khoảng 12 tuổi hai cô đều đã rất đẹp. Ba chị em cùng học với nhau. Riêng cô Kiều đủ tài, nhất là tài về âm nhạc ;
    ** Và suốt khoảng hơn 20 năm lúc trẻ, tuy có nhiều người nhắm nhe, nhưng Kiều và Vân đều vẫn chưa chịu nhận lời ai ;
    ** Đến năm Gia Tĩnh 24 (1545) xẩy ra chuyện đi chơi Thanh Minh, chị em Kiều thăm mộ Đạm Tiên rồi gặp Kim Trọng. Và sau đó là bắt đầu nẩy sinh mối tình Kim-Kiều rồi bắt đầu gặp chuyện gia biến.

    4. Bản KIM VÂN KIỀU LỤC theo ý chúng tôi, rất quan trọng (1). Ở đây nó không những ủng hộ dị bản TRÊN TUẦN CẬP KÊ của Duy Minh Thị và Abel des Michels mà nó còn cho những con số rất cụ thể như :
    ** Kiều sinh khoảng 1524, đi chơi Thanh minh năm 1545, vậy gặp Kim Trọng vào lúc 21 tuổi, chứ không phải vào lúc mới tới tuần cập kê !
    ** Chuyện để cho “ tường đông ong bướm đi về mặc ai ” rõ ràng là chuyện đã kéo dài HƠN 20 năm (“ nhị thâp niên dư ”) chứ cũng không phải chỉ là chuyện của thời kì mới cài trâm !

    5. Chắc sọan giả bản KVKL có nhiều căn cứ Trung Quốc trong tay :
    ** Những chi tiết như chuyện Vương Bà nằm mộng thấy được cho 3 cành đào, chuyện Kiều sinh năm 1524 (Gia Tĩnh tam niên) đều đã được ghi trong tác phẩm của Từ Văn Trường, một người đời Minh, đã theo Hồ Tôn Hiến đánh đông dẹp Bắc (2) ;
    ** Chi tiết Từ Hải sau khi thắng trận đã gặp lại Kiều và tôn Kiều lên hàng “ phu nhân ” (vào khoảng năm Gia Tĩnh thứ 35, tức năm 1556) cũng đã có trong Vương Thuý Kiều Truyện của Dư Hoài (3).

    6. Nhưng theo Dương Quảng Hàm, nhìn trên đại thể, KVKL lại là một bản dịch lại từ tác phẩm Nôm của Cụ Nguyễn Du (4). Vậy soạn giả KVKL là một người đã có công tra cứu để tìm hiểu Nguyễn Du khi dịch Đoạn trường tân thanh và có phần chắc là ông đã hiểu vấn đề tuổi tác của ba chị em Thúy Kiều chính xác hơn đa số các nhà biên khảo Truyện Kiều về sau này.
    ** Cụ thể là ông đã tán thành dị bản trên tuần cập kê hơn là dị bản tới/đến tuần cập kê ;
    ** Vì Ông đã có cứ liệu là khi gặp Kim Trọng Kiều đã 21 tuổi, sau hơn 20 năm chưa nhận lời cầu hôn của ai.
    Ông đọc các truyện Tàu nhưng chỉ chọn những cứ liệu nào thật sát tác phẩm của Nguyễn Du ; ông không theo cả các cứ liệu bên sử : như cho Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường năm1560 (chứ không phải năm 1554), và cho Kiều đã lưu lạc đúng 15 năm (chứ không phải chỉ khoảng 10 năm ) !


    CHÚ THÍCH :


    (1) Bản KIM VÂN KIỀU LỤC có những đặc điểm đáng chú ý như sau :
    – Đây là một bản rút gọn chỉ còn 62 trang, lại viết theo lối Văn Ngôn của Việt Nam;
    – Đây là một bản tuy in đời Đồng Khánh nhưng in theo một bản gốc chép tay rất cổ, chưa kị huý theo lệnh 1803 triều Nguyễn.
    – Đây là một bản rõ ràng có dụng ý bảo vệ Nguyễn Du :
    ** Khi Gia Long lên ngôi năm 1802, có lẽ gia đình cụ Nguyễn Du rất sợ, không muốn phổ biến bản Kiều Nôm của mình, nhưng xã hội đã nghe phong thanh lại có đòi hỏi rât cao, rất nhiều người muốn đọc để biết chuyện. Sọan giả KIM VÂN KIỀU LỤC muốn gỡ khó cho Gia đình cụ Nguyễn Du, nên phải viết một bản tóm tắt bằng Văn Ngôn, cho phổ biến, để thoả mãn yêu câu đó ;
    ** Nếu Gia Long được đọc trực tiếp bản tiểu thuyết Tàu vẫn có thể bắt tội Nguyễn Du sao lại đem một bản như vậy mà diễn Nôm : Tú Bà thì dạy toàn những chuyện tục tĩu của thanh lâu ; Từ Hải thì là một tên giặc chuyên chống triều đình ! Trong KIM VÂN KIỀU LỤC soạn giả đã tóm tắt lại, không còn gì để bắt tội nữa : Những chuyện dạy “ 7 chữ 8 nghề ” trong lầu xanh đều bị xoá bỏ hết. Những câu có tính phản nghịch nói về Từ Hải cũng không còn bóng dáng.

    (2) Xin xem bài của Giản Chi (Tạp chí Văn, số 43, Sài Gòn, 1964)

    (3) Xin xem Phạm Quỳnh (Nam Phong số tháng 12 năm 1919)

    (4) Xin xem Dương Quảng Hàm (Tạp chí Tri Tân, số 4, năm 1941)

    Nguyễn Tài Cẩn
    __________________
     
  6. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Nàng Kiều nhất định ở tuổi teen !
    Nguyễn Lê - San Jose



    Cò kè bớt một thêm hai
    Chữ teen còn một chút này ...

    Đọc bài của giáo sưNguyễn Tài Cẩn Về chuyện tuổi tác ba chị em Thuý Kiều, Thuý Vân, Vương Quan (xem số Xuân Kỷ Sửu Diễn Đàn) thật thú vị nhưng.. tức anh ách ! Vì giáo sư suy ra nàng gặp chàng Kim năm 21 tuổi !
    Ở tuổi đó, tôi sợ rằng nàng hơi bị già ! Chỉ thế hệ các cụ đầu thế kỷ 20, mười tám lấy chồng cũng đã là trễ ! Tuổi cập kê là 15, đến tuổi trăng tròn 16, giai nhân tài sắc như nàng Kiều thì hẳn vương tôn, công tử đã dập dìu đầy nhà, Vương bà đuổi đi không kịp ! Năm, sáu năm sau nàng vẫn còn kén, thì hẳn các cụ Vương lo quay lo quắt cho cô con gái rượu.. ế chồng !
    Không !

    Quyết chẳng phải thế ! Hãy thử.. mặc cả với giáo sư Nguyễn Tài Cẩn về tuổi tác nàng Kiều xem nào !

    Này nhé : giáo sư căn cứ trên Kim Vân Kiều Lục « Năm Gia Tĩnh TAM NIÊN Triều Minh (1524) thiên hạ thái bình... Vợ Vương Viên ngọai đi cầu đảo, mộng thấy một cụ già cho 3 cành đào... Vương Viên ngọai đoán trời sẽ cho 1 trai 2 gái... Non 1 năm sau (không rõ sau sự việc nào nêu trên đây, nhưng chắc vẫn là trong năm 1524) quả nhiên bà Viên ngọai bắt đầu lần lượt sinh con : đầu tiên là 2 gái rồi 1 trai. ».

    Tôi nghĩ chưa chắc nàng sinh vào năm 1524 ! Nếu Vương bà cầu đảo từ tháng 4 trở đi thì sao ? Cộng chín tháng mười ngày thì nàng Kiều hẳn sinh vào năm sau ! Vả lại, năm Gia Tĩnh thứ ba (1524) là năm Giáp Thân. Làm thế nào có thể chấp nhận người đẹp của chúng ta sinh vào năm.. con khỉ ! Vậy tôi quả quyết rằng nàng sinh ra năm Ất Dậu (1525), năm con gà hẳn dễ thương hơn biết chừng nào. Như thế, chúng ta đã bớt cho nàng được một tuổi. Tức là 20..

    Vẫn còn già !

    Vậy nàng gặp chàng Kim năm nào ? Cũng căn cứ trên Kim Vân Kiều Lục « Đến năm Gia Tĩnh 24 (1545) xẩy ra chuyện đi chơi Thanh Minh, chị em Kiều thăm mộ Đạm Tiên rồi gặp Kim Trọng. »

    Chết thôi ! Viết rõ thế ! « Gia Tĩnh 24 » thì làm thế nào bây giờ ? Tôi chợt nhớ rằng các tiết trong âm lịch du di khoảng chừng 15 ngày. Tiết Thanh Minh có khi là trong tháng hai, có khi trong tháng ba. Lại nhớ câu Kiều :

    « Thanh Minh trong tiết tháng ba,
    Lễ là tảo mộ hội là đạp xuân ».

    A ha ! Mấu chốt ở đây rồi ! Tôi lục âm lịch trên internet (mạng Lịch Trung Quốc) xem tiết Thanh Minh ở tháng nào ? Vừa lục vừa khấn như các cụ bói kiều ngày xuân :

    Lạy vua Từ Hải,
    Lạy vãi Giác Duyên,
    Lạy tiên Thúy Kiều...
    Cho con một quẻ

    A đây rồi ! Quả nhiên ! Linh thế ! Năm Gia Tĩnh 24 tiết Thanh Minh là ngày 24 tháng hai ! Năm này là năm nhuận, có hai tháng giêng ! Muốn « Thanh Minh trong tiết tháng ba », ta phải lùi lại : Năm 1544, Gia Tĩnh 23, ngày 14 tháng ba. Năm 1543, Gia Tĩnh 22, ngày 2 tháng ba. Như thế, chắc hẳn Kim Vân Kiều Lục in lầm ! Thế là, ta bớt cho nàng thêm ít ra được một tuổi.
    Như thế : Nàng gặp chàng Kim vào ngày 14 tháng ba, Gia Tĩnh 23, năm Giáp Thìn (1544, năm con rồng !), lúc nàng 19 chín tuổi, đầy mộng mơ ! Mười chín ! Tức tuổi teen !

    Và tôi thầm khấn :

    Lạy tiên Thúy Kiều,
    Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn quên câu « Không bao giờ đoán tuổi một người đàn bà » và bảo cô những 21 tuổi.
    Con ăn bớt được cho cô những hai tuổi !
    Năm mới, cô phù hộ cho con nhé... và đừng giận bác Cẩn !
    San Jose, 23.1.2009
    Nguyễn Lê
    __________________
     
  7. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    muoithang said :

    * Bác xem lịch ở đâu vậy ?
    Tôi dùng lịch của bác Hồ Ngọc Đức (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) thì thấy năm 1544, Tiết Thanh Minh rơi vào ngày 26 tháng 3 năm 1544 dương lịch (nhằm ngày 4 tháng 3 năm Giáp Thìn âm lịch)

    *Theo cách tuổi ta thì tuổi bắt đầu tính từ khi thụ thai, cho nên tuổi ta lúc nào cũng tính bằng cách cộng 1 so với tuổi tây.

    Trích:
    Năm này là năm nhuận, có hai tháng giêng !
    * Không biết trước 1645 thì sao (cần xem thêm), chứ từ năm 1645 thì theo cách tính mới, tháng nhuận không bao giờ rơi vào tháng 11, 12 và tháng giêng.

    * Tra lẫn lịch của bác Hồ Ngọc Đức và lịch của Academia Sinica Computing Center ở Đài Loan (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) thì thấy năm 1544 đâu phải là năm nhuận.
     
  8. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Những nhân vật đặc biệt trong Truyện Kiều

    Có thể nói tuyệt đại đa số người Việt Nam trong suốt cuộc đời nếu không từng đọc Truyện Kiều thì cũng đã nghe nói đến Truyện Kiều, hoặc đã nghe nói đến một số nhân vật trong Truyện Kiều. Truyện Kiều là một đại tác phẩm văn học của Việt Nam mà như Pham Quỳnh đã đánh giá là: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Ngoài ra các cụ ta xưa cũng còn có câu: “Làm trai biết đánh tổ tôm, uống trà Chính Thái xem nôm Thuý Kiều” để nói về một người con trai muốn được kể là tài tử, phong nhã tất phải biết đánh tổ tôm, biết thưởng thức trà ngon và biết đọc Truyện Kiều. Từ đó mà suy ra Truyện Kiều giá trị như thế nào?!

    Khi viết bài này chúng tôi không dám có cao vọng phê bình, mổ xẻ hay bàn sâu về Truyện Kiều, vì Truyện Kiều đã có quá nhiều các vị học cao hiểu rộng bàn tới rồi. Chúng tôi chỉ xin nói tới một số nhân vật điển hình trong Truyện Kiều mà nay tên riêng của họ đã trở thành tên gọi chung cho một hạng người đặc biệt nào đó trong xã hội.

    Nói đến nhân vật trong Truyện Kiều thì chúng ta thấy cả “ảo” lận “thật” có đến mấy chục người.
    Chúng tôi xin tạm dùng chữ “Ảo” để chỉ những nhân vật chỉ được nói lướt qua, hoặc danh tánh và hành động của những nhân vật này không rõ nét cũng như không để lại một ấn tương lâu dài hay đặc biệt nào cho người đọc, như:

    Bọn sai nha, Ðạm Tiên, Mã Kiều, Thúc ông (thân phụ Thúc sinh), Phủ đường (hay Quan Phủ?), Khuyển, Ưng, Ả hoàn, Quản gia, người Ðàn Việt, người Thổ Quan, Tam Hợp đạo cô, lại già họ Ðô v.v...

    Còn chữ “thật” là những nhân vật: Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, vãi Giác Duyên, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến. Mà trong số này có những “tên riêng” đã trở thành tên gọi chung cho một hạng người đặc biệt trong xã hội ngày nay mà bài này chúng tôi xin được đặc biệt đề cập tới:

    Ðể chỉ về một người đàn bà đẹp, nếu chỉ muốn nói chung chung thì ta có thể gọi họ là mỹ nhân hay giai nhân, như:

    “Giai nhân tự cổ như danh tướng
    Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”

    Còn nếu là người “quá đẹp” hay “đẹp hết sức” thì bảo là: “Chim sa, cá lặn” hoặc “khuynh quốc, khuynh thành” như:

    “Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
    Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa,
    Hương trời đắm nguyệt say hoa (Cung Oán ngâm khúc)

    Riêng hai chị em nàng Kiều, Nguyễn Du đã tả sắc đẹp của họ bằng những câu thơ:

    “Mai cốt cách tuyết tinh thần
    Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”

    Cả hai chị em đều đẹp, nhưng Thuý Kiều lại:

    “Kiều càng sắc sảo mặn mà
    So bề tài sắc lại là phần hơn
    Làn thu thủy nét xuân sơn
    Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”

    Như thế là nàng Kiều đẹp lắm, đẹp đến nỗi “hoa phải ghen, liễu phải hờn”. Có lẽ vì thế mà ngày nay người ta cũng gọi những người đàn bà đẹp là “Kiều nữ”. Tuy vậy mà khi nghe hai tiếng “Kiều nữ” tự nhiên ta lại nẩy sinh ra hai ý. Một ý chỉ về người đàn bà đẹp, ý kia ngầm nói về một người trong giới “buôn hương bán phán”! Sở dĩ khi nghe nói đến Kiều Nữ người ta lại liên tưởng đến một người đàn bà trong giới buôn hương bán phấn vì người ta hầu như chẳng ai nghĩ đến một nàng Kiều 15 năm lưu lạc, “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”, mà chỉ nhớ đến một nàng Kiều là gái lầu xanh.

    Ðàn bà, con gái thì thế, còn đàn ông, con trai ra ngoài mà đầu tóc bù xù, râu ria lởm chởm, quần áo bèo nhèo xốc xếch thì dĩ nhiên là chẳng ai muốn và chắc chắn là sẽ bị khinh khi, coi thường. Thế nhưng nếu lại trau chuốt quá để được khen là “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” như chàng Mã Giám Sinh thì thấy nó cũng làm sao ấy:

    “Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
    Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
    Trước thày sau tớ lao xao,
    Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang,
    Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”

    Hách xì xằng thế mà cụ Nguyễn Du lại tả:

    “Chẳng ngờ là Mã Giám Sinh,
    Vẫn là một đứa phong tình đã quen.
    Quá chơi lại gặp hồi đen,
    Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.
    Lầu xanh có mụ Tú Bà,
    Làng chơi đã trở về già hết duyên.
    Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
    Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường
    Chung lưng mở một ngôi hàng”

    Tưởng là ngon lành, hoá ra cũng một phường lưu manh! Vì thế mà được ví như Mã Giám Sinh “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” thì ai cũng nhột.

    “Má mì” là tiếng người ta thường gọi các bà “mẹ” của giới “chị em ta” ngày nay. Còn ngày xưa “Má Mì” của nàng Kiều chính danh là Tú Bà. Từ đó về sau già trẻ gì mà làm nghề “nuôi em út” thì người ta đều kêu là Tú Bà cả. Ta hãy đọc những câu tả Tú Bà của cụ Nguyễn Du sau đây:

    “Xe châu dừng bánh cửa ngoài,
    Rèm trong đã thấy một người bước ra.
    Thoắt trông lờn lợt mầu da,
    Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao?
    Trước xe lơi lả han chào”

    Tướng tá của Tú Bà thì thế, rồi trong khi nàng Kiều hì hục lạy trước bàn thờ “ông thần mày trắng“ thì Tú Bà lầm rầm khấn khứa:

    “Cửa hàng buôn bán cho may,
    Ðêm đêm Hàn thực ngày ngày Nguyên tiêu
    Muôn nghìn người thấy cũng yêu
    Xôn xao anh yến dập dìu trúc mai
    Tin nhạn vẫn lá thơ bài
    Ðưa người cửa trước rước người cửa sau.”

    Và khi đã “Lễ xong hương hỏa gia đường” rồi thì:

    “Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay,
    Dạy rằng:”Con lậy mẹ đây,
    “Lậy rồi sang lậy cậu mày bên kia.”

    Nàng Kiều cứ tưởng Mã Giám Sinh mua mình về làm vợ, và cũng đã “ăn nằm” với mình rồi, hoá ra...!
    Phải nhận chân một điều là Tú Bà chẳng những đã dữ dằn mà lại còn điêu ngoa, xảo quyệt, khi biết được Mã Giám Sinh đã “hưởng” nàng Kiều trước rồi thì mụ điên lên:

    “Con kia đã bán cho ta,
    Nhập gia phải cứ phép nhà tao đây.
    Lão kia có giở bài bây,
    Chẳng văng vào mặt sao mày lại nghe.
    Cớ sao chịu tốt một bề,
    Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!
    Phải làm cho biết phép tao!”
    Giật bì tiên rắp sấn vào ra tay”.

    Thế nhưng khi thấy Kiều rút dao giấu trong tay áo tự đâm mình tự tử thì Tú Bà khiếp vía:

    “Nàng thì bằn bặt giấc tiên
    Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay.
    Vực nàng vào chốn hiên tây,
    Cắt người coi sóc rước thày thuốc men.”

    Khi đã cứu tỉnh được nàng Kiều rồi thì mụ ngọt ngào, hứa hẹn, khuyên lơn và khi thấy Kiều còn tỏ ra nghi ngờ mụ lại xoen xoét thề thốt:

    Mụ rằng:”Con hãy thong dong
    Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi!
    Mai sau ở chẳng như lời,
    Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi.”

    Ðến khi mọi sự đã yên ổn cả rồi Tú Bà mới lại nghĩ cách đưa nàng Kiều vào bẫy.

    Thân gái dặm trường, mấy tháng trước đây còn là một tiểu thư đài các, có ai ngờ đất bằng nổi sóng, đang từ trên chín tầng mây rớt xuống đến tận cùng địa ngục, còn buồn nào hơn cái buồn này:

    “Buồn trông gió cuốn mặt dềnh,
    Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
    Chung quanh những nước non người,
    Ðau lòng lưu lạc nên vài bốn câu.
    Ngậm ngùi rủ bức rèm châu,
    Cách lầu nghe có tiếng đâu hoạ vần.

    Buồn quá Kiều buông rèm ngồi làm thơ than thở một mình, ngờ đâu buồng bên cạnh có tiếng thơ hoạ lại, thì ra cũng là một một chàng trai trẻ tuổi vào hàng tài tử phong lưu:

    Một chàng vừa trạc thanh xuân
    Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng
    Nghĩ rằng cũng mạch thư hương
    Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.

    Sở Khanh là tên riêng của một người con trai, có lẽ khi chưa gặp nàng Kiều thì cái tên ấy nó cũng vô tội vạ và tầm thường như trăm ngàn những cái tên khác. Nó chỉ nổi tiếng và trở thành tên chung để gọi đám lưu manh, dâm đãng, chuyên lường gạt ái tình đàn bà con gái sau khi anh Sở Khanh âm mưu với mụ Tú Bà để đưa nàng Kiều vào bẫy. Ta hãy nghe cụ Nguyễn Du tả:

    “Bóng nga thấp thoáng dưới mành
    Trông nàng chàng cũng ra tình đeo đai:

    “Ðeo đai” là quyến luyến, vấn vương, ý như là thấy người đẹp thì thương lắm nên mới than vắn thở dài:
    “Than ôi sắc nước hương trời,
    Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?”

    Than thở, thương hương tiếc ngọc chán đi rồi mới tỏ ra ta đây là tay anh hùng hào kiệt, ra tay tháo cũi sổ lồng cho nàng dễ như trở bàn tay:

    “Sốt gan riêng giận trời già,
    Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng?
    Thuyền quyên ví biết anh hùng
    Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi!”

    Trước còn thư đi thư lại, sau chàng lẻn hẳn vào phòng nàng. Mặt đối mặt, nghe Kiều than thở, chàng “nổ” tưng bừng:

    Lặng nghe tủm tỉm gật đầu:
    “Ta đây nào phải ai đâu ma rằng!
    Nàng đà biết đến ta chăng,
    Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!”

    Ưỡn ngực khoe khoang rồi rủ Kiều bỏ trốn và hứa hẹn, bảo đảm:

    “Rằng ta có ngựa truy phong
    Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi
    Thừa cơ lẻn bước ra đi,
    Ba mươi sáu chước chước gì là hơn?
    Dù khi gió kép mưa đơn
    Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì
    còn tiếp nha.....
     
  9. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    các bạn ơi coi tiếp nhá.

    “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” nhưng đừng sợ, đã có anh đây. Thoạt đầu Kiều cũng có nghi ngờ, nhưng sau đành chặt lưỡi, còn đường nào nữa đâu mà chọn, thôi thì:

    Cũng liều nhắm mắt đưa chân
    Mà xem con tạo xoay vần đến đâu.

    Thế là:

    Cùng nhau lẻn bước xuống lầu
    Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn.

    Lầm lũi đi cho tới gần sáng thì xẩy ra:

    Tiếng gà xao xác gáy mau,
    Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng
    Nàng càng thổn thức gan vàng,
    Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào

    Chết rồi, Sở Khanh lủi mất tiêu rồi, bỏ mặc nàng Kiều:

    Một mình không biết làm sao,
    Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng!

    Liền sau đó thì:

    Tú Bà tốc thẳng đến nơi,
    Hăm hăm áp điệu một hơi lại nhà.
    Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,
    Ðang tay vùi liễu dập hoa tơi bời!

    Ðến nước này thì Kiều chỉ còn biết khóc, lạy van, năn nỉ xin tha và hứa từ nay xin chừa không dám bỏ trốn nữa. Ban đầu Tú Bà còn không chịu, sau Kiều khóc lóc, năn nỉ quá mụ mới tha cho nhưng bắt phải có người làm tờ bảo lãnh. Bấy giờ mới có người (Mã kiều) nói cho Kiều biết là nàng đã gặp bợm rồi. Ở đây còn ai không biết tên Sở Khanh:

    Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
    Một tay chôn biết mấy cành phù dung.

    Mọi người còn đang nói qua nói lại, bàn tán xôn xao thì người “anh hùng Sở Khanh” xuất hiện, quát mắng đùng đùng:

    Còn đương suy trước nghĩ sau
    Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào
    Sở Khanh lớn tiếng rêu rao:
    “Nọ nghe rằng có con nào ở đây,
    Phao cho quyến gió rủ mây
    Hãy xem có biết mặt này là ai?”

    Ðã quát mắng đùng đùng thì chớ lại còn muốn “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” nữa cơ:

    Sở Khanh quát mắng đùng đùng,
    Bước vào vừa rắp thị hùng ra tay.

    “Con giun xéo lắm cũng quằn”, tức nước vỡ bờ không chịu được nữa, Kiều cãi lại và còn trưng cả ám hiệu (tích việt) Sở Khanh viết cho nàng ra làm bằng chứng. Chứng cớ rành rành ra như thế còn cãi vào đâu được nữa. Người cười kẻ chê khiến Sở Khanh ê mặt lủi mất:

    Lời ngay đông mặt trong ngoài,
    Kẻ chê bất nghĩa người cười vô lương
    Phụ tình án đã rõ ràng,
    Dơ tuồng nghĩ mới kiếm đường tháo lui.

    Từ đấy cái tên Sở Khanh được dùng chung cho tất cả những người đàn ông có máu dê, quyến rủ, lừa phỉnh đàn bà con gái, đến khi chán rồi thì “quất ngựa truy phong.” Sau cú sập bẫy của Tú Bà khiến Kiều đành an phận:

    Kiếp xưa đã vụng đường tu,
    Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi
    Dẫu sao bình đã vỡ rồi,
    Lấy thân mà trả nợ đời cho xong.

    Thế là Tú Bà có dịp tỉ tê:

    “Này con thuộc lấy làm lòng,
    Vành ngoài bẩy chữ vành trong tám nghề.
    Chơi cho liễu chán hoa chê,
    Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời!”

    Do đấy mà Kiều mới gặp được Thúc Sinh tên tục là Thúc Kỳ Tâm:
    Thúc Sinh theo bố từ huyện Tích Châu Thường sang Lâm Tri mở một ngôi hàng. Nghe tiếng nàng Kiều, Thúc mò tới chơi. Cũng tưởng phất phơ cho vui thôi không ngờ càng ngày càng lậm:

    Sớm đào tối mận lân la
    Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.

    Sẵn dịp ông bố có việc phải về quê nên ngày nào Thúc cũng đến với Kiều, yêu đương, thề thốt đủ điều. Tình sâu, nghĩa nặng quá rồi không rời nhau ra được nữa, Thúc bèn đem giấu Kiều một nơi rồi mới nhờ người bắn tin cho Tú Bà xin chuộc. Lúc này Kiều đã trở thành “cái máy in tiền” của mụ Tú, nhưng kẹt, nó đã giấu kín Kiều một nơi biết đâu mà tìm, sợ làm găng quá, chúng nó dẫn nhau trốn biệt thì mất trắng, mụ Tú đành phải bằng lòng cho chuộc, thế là Thúc chuộc được Kiều ra, có giấy tờ đàng hoàng hợp pháp.
    Bắn tin đến mặt Tú Bà
    Thua cơ mụ cũng cầu hoà dám sao!
    Rõ ràng của dẫn tay trao
    Hoàn lương một thiếp thân vào cửa công.

    Lúc này hai người ở với nhau công khai như vợ chồng:

    Một nhà sum họp trúc mai,
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.
    Hương càng đượm lửa càng nồng,
    Càng xôi vẻ ngọc càng lồng mầu sen.

    Nếu đem so sánh Thúc Sinh với Sở Khanh chúng ta thấy hai người khác nhau như nước với lửa, như trắng với đen. Cũng với một nàng Kiều mà Sở Khanh giả vờ dẫn nàng đi trốn rồi đến lúc cần hắn nhất thì hắn “quất ngựa truy phong”. Còn Thúc Sinh lại đem Kiều giấu một nơi làm áp lực buộc Tú Bà phải cho chàng chuộc Kiều ra rồi hai người công khai sống với nhau như vợ chồng.

    Thúc Sinh quen thói bốc rời,
    Trăm nghìn đổ một trận cười như không.

    Rõ ràng Thúc Sinh tốt hơn Sở Khanh cả trăm lần. Nhưng kẹt một cái chàng có bà vợ Hoạn Thư mà chàng lại là người sợ vợ, phải nói là sợ một cách quá sức. Dĩ nhiên: “Vôi nào là vôi chẳng nồng, gái nào là gái có chồng chẳng ghen!” Hoặc: “Ớt nào là ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng!”. Thời bây giờ có nhiều người đàn bà ghen tương một cách quá “nguy hiểm”. Vậy mà lại không để lại một ấn tượng lâu dài và cũng không được nổi danh như Hoạn Thư, chỉ vì họ bồng bột, làm cho hả giận trong nhất thời chứ không có sự tính toán, chuẩn bị một cách sâu sắc như Hoạn Thư. Thí dụ như vợ một ông Trung Tá tạt át xít vũ nữ Cẩm Nhung độ nào, hoặc những vụ vợ cắt đứt “của quý” của chồng mà các báo mới đăng sau này. Những vụ ấy chỉ ồn ào một lúc rồi chìm vào quên lãng chứ để chỉ một người “ghen chồng” không ai nói: “Ghen như vợ Trung Tá Thức” hoặc “Ghen như người vợ cắt của quý của chồng” mà chỉ nói: “con mẹ ấy có máu Hoạn Thư” hoặc: “lấy phải mụ vợ Hoạn Thư”.

    Hoạn Thư là tên tục của vợ Thúc Kỳ Tâm tức là Thúc Sinh, con quan Lại Bộ hay Bộ Lại là một trong sáu Bộ của triều đình phong kiến ngày xưa cũng như Bộ Trưởng bây giờ. Hoạn Thư nghe tin chồng mèo mỡ, vợ nọ con kia đã lâu và mặc dù đã toan tính mưu sâu kế hiểm ở trong lòng nhưng ngoài mặt vẫn tỉnh bơ, lại còn quở phạt những ai nói đến tai mụ là chồng mụ lăng nhăng nữa cơ:

    Tuần sau bỗng thấy hai người
    Mách tin ý cũng liệu bài tân (tâng) công.
    Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
    “Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
    Chồng tao nào phải như ai,
    Ðiều này hẳn miệng những người thị phi!”
    Vội vàng xuống lệnh ra uy
    Ðứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng.
    Trong ngoài kín mít như bưng
    Nào ai còn dám nói năng một lời!

    Khiếp chưa?!
    Hoạn Thư thì thế, còn về phía Kiều và Thúc Sinh thì Thúc Sinh nghe lời Kiều khuyên về thăm vợ, để:
    Trước người đẹp ý sau ta biết tình.

    Rồi sau đó thì liệu mà thú hết ra:
    Ðến nhà trước liệu nói sòng cho minh
    Dù khi sóng gió bất tình
    Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi
    Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,
    Lại mang những việc tầy trời đến sau.
    Thương nhau xin nhớ lời nhau
    Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.”

    Phải công nhận Kiều là một người đàn bà biết điều, biết trước biết sau, nhưng tất cả đều không qua khỏi cái số. Thế cho nên:
    Chàng về xem ý tứ nhà,
    Sự mình cũng rắp lân la giải bầy.
    Mấy phen cười nói tỉnh say,
    Tóc tơ bất động mảy may sự tình.
    Nghĩ là bưng kín biệng bình,
    Nào ai có khảo mà mình lại xưng!

    Ừ, “Nào ai có khảo mà mình lại xưng”, nghĩ thế nên đã mấy lần định nói ra nhưng sau chàng lại thôi. Giả như Thúc Sinh thú tội hết với vợ biết đâu sự tình lại khác, bởi Hoạn Thư khi nghe phong thanh chồng mình này nọ cũng đã có lần tự nghĩ:
    Từ nghe vườn mới thêm hoa,
    Miệng người đã lắm tin nhà thì không.
    Lửa tâm càng dập càng nồng,
    Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.
    Ví bằng thú thật cùng ta,
    Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.
    Dại chi chẳng giữ lấy nền,
    Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?

    Cũng chì vì “Nào ai có khảo mà mình lại xưng” nên nàng Kiều mới phải bao phen điên đảo và tên Hoạn Thư mới trở thành tên gọi chung cho những người đàn bà có máu ghen về sau. Phải chăng âu cũng là cái số?

    Nhất định là cái số nó phải như thế thì Nàng Kiều mới trở thành vãi Trạc Tuyền ra chùa giữ kinh ở góc vườn hoa nhà Hoạn Thư và sau đó mới có cơ hội:
    Nghĩ đi nghĩ lại quanh co,
    Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân,
    Bên mình dắt để hộ thân

    Và sau đó thì:
    Cất mình theo ngọn tường hoa
    Lần đường theo bóng trăng tà về tây.

    Kiều trốn khỏi chùa lận theo chuông vàng khánh bạc, và cũng chính bởi chuông vàng khánh bạc này mà Kiều mới lại lọt vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh rồi trở lại lầu xanh lần thứ hai. Ở đây Kiều lại gặp được Từ Hải, một tay giang hồ hảo hớn hay gọi là một anh hùng hào kiệt cũng được:
    Giang hồ quen thói vẫy vùng,
    Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.

    Cũng giống như Thúc Sinh độ nào. Thúc thì:
    Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi,
    Thiếp hồng tìm đến hương khuê gởi vào
    Trướng tô giáp mặt hoa đào,
    Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa.

    Còn Từ Hải thì:
    Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
    Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng,
    Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
    Hai bên cùng liếc hai lòng cũng ưa.

    Sau đó là thề non hẹn biển:
    “Một lời đã biết đến ta,
    Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.”

    Chẳng bao lâu sau, già nửa năm chứ mấy, Từ Hải trở thành gần như một ông vua:
    Triều đình riêng một góc trời,
    Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.

    Lúc đó Kiều nghiễm nhiên trở thành một mệnh phụ phu nhân quyền uy ngất trời, mặc sức báo ân báo oán:
    Từ rằng ân oán hai bên,
    Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh.

    Lập tức một mẻ lưới được tung ra:
    Nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng
    Dưới cờ một lệnh vội vàng ruổi sao.
    Ba quân chỉ ngọn cờ đào,
    Ðạo ra Vô Tích đạo vào Lâm Tri.

    Rồi thì kẻ ân người oán đều được gom về hết. Ân như Thúc Sinh và vãi Giác Duyên dĩ nhiên là được báo đền. Thúc Sinh thì: “Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân”, còn vãi Giác Duyên thì: “Nghìn vàng gọi chút lễ thường, mà lòng Phiếu Mẫu mấy vàng cho cân.” Sau đó là báo oán:
    Trước là Bạc Hạnh Bạc Bà,
    Bên là Ưng Khuyển bên là Sở Khanh,
    Tú Bà với Mã Giám Sinh.

    Tất cả đều “đi đứt” hết:
    Lệnh quân truyền xuống nội đao
    Thề sao thì lại cứ sao gia hình,
    Máu rơi thịt nát tan tành,
    Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời.

    Ðặc biệt chỉ có Hoạn Thư là người đã làm cho Kiều điên đảo, khổ sở hơn ai hết thì lại được tha chỉ nhờ ba tấc lưỡi. Nói ra nghe cũng có lý:
    Rằng tôi chút phận đàn bà,
    Ghen tương thì cũng người ta thường tình.
    Nghỉ cho khi gác viết kinh,
    Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
    Lòng riêng riêng những kính yêu,
    Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
    Trót lòng gây việc chông gai,
    Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.

    Chỉ biện bạch van xin bấy nhiêu thôi mà được khen là: “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời” sau đó thì:
    Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.

    Xưa nay đàn ông luỵ vì đàn bà hoặc đàn bà làm nghiêng ngửa giang sơn cũng nhiều. Có người đàn bà giúp cho chồng thêm vinh hiển thì cũng có người đàn bà làm cho chồng thân bại danh liệt. Từ Hải thật sự là một đấng anh hùng, Từ Hải cũng đã dư biết:
    Bó thân về với triều đình,
    Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
    Áo xiêm buộc trói lấy nhau,
    Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
    Sao bằng riêng một biên thuỳ,
    Sức này đã dễ làm gì được nhau!

    Ấy thế mà cũng chỉ vì sự nỉ non của nàng Kiều khiến Từ Hải xiêu lòng:
    Nghe lời nàng nói mặn mà,
    Thế công Từ mới trở ra thế hàng.

    Và sau đó thì:
    Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng,
    Việc binh bỏ chẳng giữ giàng

    Ðể đưa đến hậu quả cuối cùng là:
    Ðang khi bất ý chẳng ngờ,
    Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn,
    Tử sinh liều giữa trận tiền,
    Dạn dầy cho biết gan liền tướng quân.
    Khí thiêng khi đã về thần,
    Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.

    Từ Hải chết đứng! Cho tới ngày nay mỗi khi có người nào bị bất ngờ đến thẫn thờ vì không trở tay kịp thì người ta bảo: “Y như Từ Hải chết đứng!”

    Trong cả Truyện Kiều đếm được 25 nhân vật mà chúng tôi tạm chia ra làm 2 loại gồm 12 “ảo” và 13 “thật”. Trong 13 nhân vật thật này chúng tôi lại lựa ra được 7 nhân vật cho là độc đáo mà tên riêng hay hành động của họ đã trở thành tên gọi chung cho một giới người trong xã hội sau này, như:

    - Kiều: Ả Kiều, Kiều Nữ chỉ người đàn bà đẹp hay người đàn bà trong giới buôn hương bán phấn.
    - Mã Giám Sinh: Một tên lái buôn gái lừa lọc, đểu giả.
    - Tú Bà: Mụ chủ chứa “làng chơi đã trở về già hết duyên” dữ dằn, nham hiểm, xấu xí.
    - Sở Khanh: Một gã lưu manh, dâm đãng, chuyên gạt gẫm đàn bà con gái rồi “quất ngựa truy phong”.
    - Thúc Sinh: Mê gái, liều nhưng sợ vợ.
    - Hoạn thư: Ghen tương, mưu kế, nham hiểm nhưng khôn ngoan.
    - Từ Hải: Anh hùng nhưng dễ mềm lòng, không quyết đoán.

    Thú thật, khi làm việc phân tích này chúng tôi cũng ngại lắm vì nghĩ rắng có khi là mình làm quá cái khả năng củ mình chăng? Tuy nghĩ vậy nhưng vẫn cố gắng góp một chút gió hy vọng làm vui bạn đọc trong chốc lát, đó là hoài bão lớn nhất của chúng tôi.
     
  10. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    . Lâu lắm,... mới lại có dịp "ngẫm Kiều"!... Xin có vài ý vị:

    - Trước nhất vẫn là mong mỏi hai bác: mọt già và đentịt nhuận sắc lại các bản "Truyện Kiều" hiện có - Bác Cá đã góp ý rất chuẩn: Bản trên TVE còn thiếu sót quá!!...

    - Thứ là, cũng xin các bác kiến giải thêm cho tducchau về một cái vụ "... đã lỡ đa mang..." như vầy:

    Chả là..., đã "trót lỡ" hứa với bác vvn (!) chuyện bổ xung về vụ "Điển tích truyện Kiều" (25 - 75). Nay thì tuy cũng hòm hòm rồi, nhưng ba cái vụ bổ túc hiệu đính lại một số điển hơi bị... có vấn đề, nhứt là ở tích "Tơ lòng đã dứt dây đàn Tiểu Lân" (!) tducchau tui đang... ngắc ngứ tệ, về chuyện



    TỪ HẢI CHẾT ĐỨNG...?...



    Từ Hải chết đứng, cần có vài kiến giải, thiết tưởng cần ghi ra đây.


    Theo lời học giả Lê Văn Hòe, tác giả quyển “Truyện Kiều chú giải”, thì:

    “Tác giả tả Từ Hải chết đứng có lẽ để nói kín đáo cho ta biết mấy điều sau đây:

    “Người anh hùng sống khác người thì chế cũng khác người, sống hiên ngang thì chết cũng hiên ngang – Từ Hải chết một cách bất ngờ. Ta thường dùng chữ “chết đứng” để nói bị oan ức mà không thể nói ra được – Từ Hải vì phẩn uất, căm hờn vì ngón lừa gạt tiểu nhân của Hồ Tôn Hiến mà chết, chớ không chết vì tên đạn bắn phải người”.


    Và khi Kiều phủ phục xuống thì xác Từ Hải ngã xuống, “Lạ thay oan khí tương triên, Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra”, hiện tượng này được giải thích:

    “Oan khí là cái khí oan thù uất hận của Từ Hải và cái oan thù uất hận của Thúy Kiều hình như quyện với nhau, hòa hợp nhau, thông cảm nhau, cho nên Kiều vừa phục xuống bên cạnh Từ Hải, thì xác Từ Hải chết đứng cũng ngã ra. Nỗi oan kết đọng trong lòng đã làm Từ lịm đi, chết đứng giữa vòng vây. Nay nỗi oan ấy hình như đã được Kiều chia xẻ một phần, nó không còn đủ sức chôn chân Từ nữa, nên xác chàng ngã xuống theo Kiều – Tác giả cố ý đưa chi tiết này là để diễn đạt ý “khí thiêng về thần” ở trên.

    “Từ Hải chết rồi song vẫn cảm thông được với lòng dạ tri kỷ của Kiều. Đồng thời để tả tấm lòng thành thực thương xót của Thúy Kiều đối với cái chết bất ngờ của Từ Hải. Lòng thành của Kiều đã cảm kích đến linh hồn Từ. Bản tâm Kiều không định khuyên Từ vào chỗ chết, nàng không hề thông đồng với Hồ Tôn Hiến lập mưu lừa gạt Từ.

    “Một mặt khác, đã tả cái chết hiên ngang phi thường (chết đứng) của Từ như trên, thì ở đây phải đưa ra chi tiết này ra để giải kết”.


    “Thác là thể phách còn là tinh anh”, giải thích trên có phần có lý – cũng như chủ ý của tác giả “Truyện Kiều” xây dựng nhân vật Từ Hải với quan điểm thần bí duy tâm tuy có giá trị của một thời đại nhất định nhưng có tính phổ biến. Đặc biệt là tình cảm, tư tưởng của người sống và của người chết còn có một hỗ tương hấp dẫn, mà tình sâu nghĩa nặng của con người được xây dựng trên căn bản đạo lý về ân nghĩa, ân tình, oan tình… được tác giả diễn tả bằng một cái chết phi thường của người anh hùng Từ Hải. Và, quan niệm này vẫn được phổ trong dân gian, cũng như phần Hình nhi thượng của triết lý đạo Nho cho rằng: “Chết rồi thì hài cốt chôn xuống đất dần dần tan nát, còn khí tinh anh thì lên trên khoảng không gian sáng rực rỡ” (Tử tất qui thổ, cốt nhục tệ ư hạ, âm vi dã thổ, kỳ khí phát dương ư thượng vi chiêu minh. – Lễ Ký: Tế nghĩa, XXIV).


    *

    Sự việc trên (Từ Hải chết đứng) qua ngòi bút diễn tả của tác giả “Truyện Kiều” và theo kiến giải của học giả Lê Văn Hòe, sự thực Từ có chết đứng như thế không? – Còn vài điểm căn bản cần được đề cập đến. Chúng ta hẳn nhận biết:


    – Cuộc quật khởi của Từ Hải là một cuộc quật khởi lớn mạnh và lan rộng và Từ đã chiếm cứ một miền Giang Nam làm chấn động cả triều đình, cho nên đối với nhà vua hay cả triều đình – đâu chịu cho ai “rạch đôi sơn hà” bao giờ mà cần phải tiêu diệt. Với cái chức Tổng đốc trọng thần, Đổng Nhung “vâng chỉ đặc sai”, và khi làm lễ xuất quân, nhà vua đưa tay “đẩy xe” tiễn Hồ Tôn Hiến ra khỏi thành, đã cho ta biết cuộc xuất quân chống giặc này cực kỳ quan trọng, và cũng đặt trên vai của Hồ một nhiệm vụ trọng đại cần phải hoàn thành.


    – Riêng về Hồ Tôn Hiến, nhận biết Từ Hải là một anh hùng có tài thao lược, lòng phải lo, phải sợ nhưng không dám từ chối để trái lệnh vua nên nỗ lực chỉnh tu binh mã, quyết diệt trừ lực lượng này bất cứ hình thức nào.


    – Giết cho kỳ được Từ Hải là một quyết định trong tâm não của Hồ. Chiêu hàng chỉ là một mưu mẹo giả trá. Vì chỉ có giết được một tướng anh hùng chỉ huy lực lượng quật khởi như Từ, bất cứ bằng hình thức biện pháp nào mới thỏa lòng kiêu căng với một chiến công to của một tên quân phiệt.


    – Trong tay đã sẳn có một đội quân tinh nhuệ thiện chiến, nhưng Hồ Tôn Hiến còn nhát sợ, không dám đối chiến với Từ ở chiến trường, nên dùng quỷ kế chiêu hàng (dâng phẩm vật nhờ Kiều), rồi phục quân ám toán. Ngày xưa, quân mai phục thường sử dụng cung nỏ rất có hiệu lực từ xa bắn đến. Tất nhiên, Hồ tuyển quân thiện xạ tay mạnh, cung cứng, tên cần tẩm thuốc độc. Loại tên thuốc độc này, Hồ đã học tập được ở hai chiến trường Bắc Liêu và Tây Hạ đời Tống, nhất là Mông Cổ khi đội quân này chuyên sử dụng cung tên trên đường xâm lược sang châu Âu, một thời làm khiếp đảm các đội quân của các nước ở nơi này, vì có tác dụng cực mạnh làm ngưng ngay mạch máu, khiến người bị tên dù nặng nhẹ bất cứ nơi nào cũng chết ngay tại chỗ.


    – Từ Hải khi biết mình bị quỷ kế, lửa uất hận căm hờn bốc tận trời cao. Vốn là một võ tướng anh hùng giữa vòng vây, Từ vận dụng tất cả nội lực trực lộ giữa thế chững chạc, cứng chắc... để chống lại. Nhưng trước trận mưa tên tẩm thuốc độc như thế, Từ phải chết ngay với tư thế hiên ngang sẵn có.

    Xác Từ Hải ngã xuống lúc Kiều đến lạy khóc là thi thể của Từ đã đến lúc các mạch máu dãn dần... (Cái vụ nầy, nhờ cậy riêng bác Huy (PCS) giải thêm một chút).


    Như vậy cái oán khí uất ức, căm hờn tột độ, mối tình nghĩa nặng sâu, thế đứng của một võ tướng dũng mãnh anh hùng và trận mưa tên tẩm thuốc độc của kẻ thù đã tạo cho vị anh hùng Từ Hải chết đứng được người nhắc nhở.


    Nhưng riêng ở đây, tác giả “Truyện Kiều” không nói tên bắn mà là súng bắn “Hồ công ám hiệu trận tiền, Ba bề phát súng bốn bên kéo cờ” (Câu 2514 và 2515). Vậy đạn có tẩm thuốc độc chăng? Vả lại, “ba bề phát súng” cứ nhằm vào một mục tiêu thân Từ thì phỏng hỏi thân xác Từ ra thế nào? Điều nầy có thể để người đọc thêm nghi vấn.


    Từ Hải đã nghe lời Kiều giảng giải, thuyết phục nên “Nghe lời nàng nói mặn mà, Thế công Từ mới chuyện ra thế hàng” (Câu 2499 và 2500). Tiếng “hàng” ở đây cho là không ổn. Đúng hơn là “hòa”. Vì Từ đã “Triều đình riêng một góc trời, Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà” (Câu 2441 và 2442); và Từ bằng lòng “hòa” của một kẻ đương ở vào một tư thế thắng. Rồi khi định hàng hay hòa sao Từ lại “Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng. Việc binh bỏ chẳng giữ giàng,” (Câu 2504 và 2505); để do đó “Hồ công quyết kế thừa cơ, Lễ tiên binh hậu khắc cờ lập công” (Câu 2507 và 2508). Như vậy, Từ không còn được danh “lược thao gồm tài” như tác giả đã trang trọng giới thiệu ở đoạn khi Từ xuất hiện.


    Mâu thuẫn, sơ suất hay gượng gạo để Từ Hải hàng?


    Nếu là “hàng” của một kẻ “Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài” (Câu 2170) thì khi Hồ Tôn Hiến âm mưu sâu độc đê hèn như thế tất Hồ cũng khó thắng nổi Từ. Hay dầu có thắng cũng phải đổi nhiều xương máu, và Từ cũng hẳn khó chết. Tuy nhiên dầu là thế nào cũng phải để Từ Hải chết.

    Chết vì Từ tin mình ở tư thế của một kẻ chiến thắng, vì mình thực tâm hòa, vì lời hứa một trọng thần của triều đình… Nhưng phải chết một cách oanh liệt, phi thường để trả lời sự âm mưu tiểu nhân của một trọng thần, một Đổng nhung “vâng chỉ đặc sai” đớn hèn không dám đối chiến với địch. Vậy chỉ còn cách thần hóa nhân vật này ở giờ phút cuối cùng để kết thúc cuộc đời của một anh hùng chết vẫn hiên ngang, vẫn vẹn thủy toàn chung mà được đời cho “bất tử”.


    Tuy có mâu thuẫn, gượng ép hay mang phải tiếng sơ suất, nhưng thần hóa nhân vật Từ Hải phải chăng để nói lên một ý nghĩa sâu sắc. Tuy nhiên những kiến giải trên còn là một tư liệu để được tham khảo thêm...


    ...!?!
     
  11. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    . Lỡ!!... Nên - Thêm!...!...


    NHỮNG ĐIỂM CÒN THẮC MẮC...



    ... Trước đã giới thiệu nhà họ Vương. Gia tư Viên ngoại bực trung, chị em Kiều thì “Êm đềm chiếu rủ màn che”, “kín cổng cao tường”…, vậy mà chỉ trong thời gian 6 tháng sau lại “vách mưa rã rời” ?


    Trong quyển “Truyện Kiều chú giải”, ông Lê Văn Hòe nêu lên ý kiến:


    – Trở lên 10 câu tả phong cảnh nhà Thúy Kiều sau 6 tháng Kim Trọng đi Liêu Dương trở lại. Chúng tôi thấy đoạn này, tác giả xếp đặt chưa được khéo:

    a) – Nhà Vương Viên ngoại tuy là “thường thường bực trung”, song không phải nghèo. Riêng chức Viên ngoại đã chứng tỏ điều đó. Nhà giàu thời xưa là nhà có nhiều ruộng, vì bấy giờ nền tảng kinh tế xã hội là nông nghiệp. Trong khi cấp bách cần tiền thì Kiều đã bán mình lấy tiền lo chuộc Vương ông ra khỏi tù ngục rồi. Vậy nhà Vương Viên ngoại vì lý do gì mà sa sút chóng như vậy? Chẳng lẽ lại vì mất Kiều mà sinh ra mất cả cơ nghiệp?

    b) – Nếu Vương Viên ngoại phải bán ruộng và bán cả nhà thì mới đủ tiền lo kiện, thì nhà tất phải sang chủ khác, chớ lẽ nào lại bỏ hoang?

    c) – Nhà Vương Viên ngoại có đủ vườn hoa và lầu cao bỏ hoang như vậy, mà cả nhà di trú đến một nhà nhỏ bé tồi tàn khác là vì lý do gì? Cứ ở lại nhà thì đã làm sao? Hay là nhà bị tịch biện? Nhưng Kiều bán mình đã chuộc được tội rồi kia mà?...

    (Xin phụ thêm: đoạn nầy trong “Truyện Kiều” có câu:

    “Láng giềng có kẻ sang chơi,
    Lân la sẽ hỏi một hai sự tình.
    Hỏi ông ông mắc tụng đình,
    Hỏi nàng nàng đã bán mình chuộc cha.
    Hỏi nhà nhà đã đi xa,
    Hỏi chàng Vương vời cùng là Thúy Vân.
    Đều là sa sút khó khăn,
    May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi”.
    (Câu 2755 đến 2762)

    d) – Cứ như cái cảnh “sa sút khó khăn” của nhà họ Vương (may thuê viết mướn kiếm ăn) thì chắc chắn gia nghiệp, phần lớn là ruộng nương – đã bị khánh kiệt vì vụ kiện. Nếu vậy, mấy trăm lượng bán mình của Kiều không có nghĩa lý gì trong vụ nầy. Sự hy sinh của nàng không cần thiết cho lắm. Nàng cứ ở nhà cũng xong!


    – “Ông mắc tụng đình”, tụng đình là nơi xử kiện, mắc tụng đình là mắc phải vụ kiện. Nhưng Kiều đã nhờ Chung lão chạy chọt và nàng đã bán mình lấy tiền chuộc Vương ông. Có lý nào nửa năm sau, Kim Trọng tới mà Vương ông còn mắc tụng đình. Vậy Kiều bán mình để làm gì?

    (Xin phụ chú: Điểm thắc mắc nầy e không đúng. Hai câu: “Hỏi ông ông mắc tụng đình, Hỏi nàng nàng đã bán mình chuộc cha” theo lời người láng giềng kể lại: Vì Vương ông mắc phải tụng đình, nên Kiều đã bán mình… theo người ta đi mất rồi, và theo mạch văn chỉ việc đã qua, chớ không phải ở hiện tại).


    – Tại làm sao đâm ra sa sút khó khăn chóng thế? Chả lẽ vì mất Kiều?


    – Vương Quan, Thúy Vân cũng như Thúy Kiều trước đây có phải làm việc tăng gia sản xuất đâu. Họ là con nhà Viên ngoại tức là nhà giàu phong kiến, sống về hoa lợi ruộng đất. Nay Vương Quan, Thúy Vân phải viết mướn may thuê kiếm ăn, nghĩa là hoa lợi ruộng đất không còn nữa. Kiều đã bán mình chuộc cha, khi chưa kịp thu hoa lợi ruộng đất. Sau khi nàng đã bán mình, Vương ông đã thoát nạn, vì lẽ gì hoa lợi ruộng đất không còn? Nếu bảo rằng nhà Vương Viên ngoại không có ruộng đất thì:
    a). – Ông đã chả là Viên ngoại.
    b). – Gia tư không thể “thường thường bực trung”.
    c). – Kiều, Vân, Vương Quan trước đây tất phải làm để mà sống, chớ không được học chữ học đàn, có thì giờ chơi xuân như vậy?
    Thúy Vân, Vương Quan phải may thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi, tức là kiếm bữa nay lo bữa mai – thì Vương ông, Vương bà lấy gì mà sống? Và trước kia họ Vương trông vào nguồn lợi gì để nuôi con?

    Sau một vụ kiện mà hết sạch nguồn lợi sinh sống của cả một gia đình, đó là điều khó tin, nhất là đối với một nhà Viên ngoại. Cho nên nói rằng trong “Đoạn trường tân thanh”, tình tiết sắp đặt chưa được khéo, còn để nhiều kẽ hở có thể phê bình được.


    (“Truyện Kiều chú giải” – Lê Văn Hòe, Ziên Hồng xuất bản, Sài Gòn, in lần thứ hai, năm 1956).
     
  12. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    TRUYỆN KIỀU

    một di sản của nhân loại

    Kieu_Dic.jpg
    Nguyễn Phan Quang – Thanh Hà

    (dịch, giới thiệu)


    Bộ “Từ điển các tác phẩm của tất cả các thời đại và các xứ sở” của Hiệp hội biên soạn Từ điển và Bách khoa toàn thư, xuất bản ở Paris năm 1953 (Dictionnaire des œuvres de tous les temps et de tous les pays – Société d’édition de dictionnaires et encyclopédies, Paris 1953).



    Bộ Từ điển gồm 4 tập, dày hơn 3.000 trang (khổ sách 22x30cm), với 16.000 tác phẩm (tiểu thuyết, thơ ca, kịch, triết, luật, khoa học, nghệ thuật và âm nhạc…), từ những tác phẩm xưa nhất của Ai Cập và Trung Hoa cho đến những kiệt tác thời hiện đại. Bộ Từ điển cung cấp rất nhiều ảnh tư liệu về các tác phẩm nghệ thuật, hội hoa, kiến trúc, điêu khắc… nổi tiếng thế giới qua các thời đại, có thể bổ sung hiệu quả cho các bộ Bách khoa toàn thư.

    Giới thiệu bộ này, André Maurois (Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp) viết: “Đây là một công trình biên soạn công phu, kiên trì trải qua nhiều năm, là kết quả xuất phát từ ý tưởng hợp tác Pháp-Ý, với một tập thể các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà dịch thuật…, tập hợp xung quanh Valentino Bompiani, chủ nhiệm một nhà xuất bản lớn của nước Ý”.

    Trong số 16.000 tác phẩm các loại, bộ Từ điển giới thiệu hơn 10 tác giả Việt Nam, chủ yếu từ cuối thế kỷ XIX trở về trước[1].

    *

    KIM-VÂN-KIỀU

    “Tác phẩm thơ của Nguyễn Du, một quan chức và nhà thơ Việt Nam (1765-1820). Tác phẩm gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát, là kiệt tác của nền thơ ca cổ điển Việt Nam. Tên tác phẩm cũng là tên các nhân vật chính (Kim Trọng, Thuý Vân, Thuý Kiều). Tác phẩm còn được xuất bản với những tên khác (Truyện Thuý Kiều, Đoạn trường tân thanh…).

    “KIM VÂN KIỀU dựa theo một tiểu thuyết Trung Hoa, nhưng với thiên tài, nghệ thuật kỳ diệu và ngôn từ xuất chúng, Nguyễn Du đã biến cải hoàn toàn tác phẩm gốc và tái tạo một tác phẩm khác với một linh hồn mới, một bản sắc riêng.

    “Ở vào thời kỳ người Việt Nam đang thoát dần ra khỏi sự lệ thuộc ngôn ngữ (Hán) để trở về tiếng mẹ đẻ, thì công lao vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã biết phát huy bí quyết nghệ thuật chỉ riêng ông có. Ngôn ngữ dân tộc vốn đã phong phú, giàu chất nhạc, được Nguyễn Du nâng lên tột đỉnh của nghệ thuật, mà trước đó và đến cả hôm nay, chưa có một tác giả nào vươn tới được[2].

    “Với KIM VÂN KIỀU, Nguyễn Du muốn thử chứng minh một luận đề do chính tác giả đặt ra: những người cao thượng, siêu phàm, tài sắc… thường là nạn nhân của số mệnh nghiệt ngã và hình như đó cũng là lẽ đương nhiên của trời đất: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…”.

    “Người ta muốn nghĩ rằng kiệt tác của Nguyễn Du bắt nguồn từ thân thế của ông: hồi đầu, ông bị ràng buộc với triều Lê thời mạt vận, sau đó ông lại phải phục vụ triều đại mới (triều Nguyễn). Ông có mặc cảm tội lỗi, trái với truyền thống “trung quân”; cũng như Thuý Kiều đã trót nặng thề với Kim Trọng, cuối cùng đành khuất phục số phận, tan nát mối tình đầu…

    “Một sự xác tín như vậy có phần nào hàm chứa sự thật hay không? Chỉ biết rằng Nguyễn Du đã gửi gắm trọn vẹn trái tim, nhiệt huyết, kỳ tài vào tác phẩm của mình và đạt đến thành công trước nay chưa từng có…”.

    (Tiếp theo là phần tóm lược nội dung Truyện Kiều)

    “(…) KIM VÂN KIỀU được sáng tác từ đầu thế kỷ trước [thế kỷ XIX], vậy mà đến nay vẫn nguyên vẹn chất tươi mát kỳ lạ, vẫn là kiệt tác ở đỉnh điểm của nền văn học Việt Nam. Nghệ thuật tuyệt vời của Nguyễn Du đã khắc hoạ được những nhân vật điển hình có giá trị vĩnh cửu (Tú Bà, Sở Khanh…), với ngôn từ đặc biệt trong sáng và dáng dấp tuyệt mỹ của từng câu thơ.

    “Tuỳ theo từng hoàn cảnh, từng số phận, người ta dễ dàng tìm được một câu Kiều hay một đoạn Kiều để bình giải, cho dù đó là một người bình dân hay một nhà trí thức…

    “Hẳn rằng trong kho tàng ngôn ngữ của nhân loại, chưa hề có hoặc hiếm có một tác phẩm nào lại rất đỗi thân quen và sống mãi với dân gian như KIM VÂN KIỀU của Nguyễn Du. Bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc lòng nhiều câu lục bát, thậm chí nhiều chương đoạn KIM VÂN KIỀU, và trên thực tế nhiều câu Kiều đã trở thành ngạn ngữ[3]”.

    *

    Có thể nói, đến bây giờ - ở thời điểm hiện tại, những nhận xét đánh giá trong bộ Từ điển chúng tôi giới thiệu trên đây không có gì quá bất ngờ để gây sửng sốt đối với bạn đọc. Nhưng tính khách quan và ý nghĩa thời điểm xuất bản bộ Từ điển thì vẫn còn nguyên vẹn, rất đáng để “khen cho con mắt tinh đời” của tập thể tác giả ở tận bên trời Âu, hơn nữa thế kỷ trước.

    Xin được lưu ý: bộ Dictionnaire des œuvres de tous les temps et de tous les pays hoàn thành và xuất bản năm 1953, ở thời điểm mà chỉ trước đó bốn năm (1949) trong tác phẩm “Quyền sống của con người qua Truyện Kiều của Nguyễn Du”, nhà phê bình tài danh và nhạy cảm Hoài Thanh phải “mời” Nguyễn Du vào “Mặt trận Liên Việt” để giúp ông né tránh một vài suy nghĩ cực đoan nào đó. Và cả một thời gian dài sau này, có không ít học giả Trung Hoa đã không chịu công nhận nghệ thuật sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Du, muốn xem Truyện Kiều chẳng qua chỉ là một cuốn sách phóng tác từ gia tài văn chương Thanh Tâm tài nhân.

    Ấy vậy mà ngay giữ lòng nước Pháp, nước Ý, chúng ta bắt gặp một nhận định công bằng, trân trọng: “Với thiên tài nghệ thuật kỳ diệu và ngôn từ xuất chúng, Nguyễn Du đã hoàn toàn biến cải hoàn toàn tác phẩm gốc và tái tạo một tác phẩm khác với một linh hồn mới, một bản sắc riêng”.

    Quý giá biết nhường nào một nhận định hiếm hoi từ thế giới phương Tây, ở cái thời văn nghệ của ngay chúng ta đang sôi nổi tranh luận về “hiện thực xã hội chủ nghĩa” trong văn học nghệ thuật.

    Điều bất ngờ thú vị là trong số hơn 10 tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu trong bộ Từ điển, thì Nguyễn Du được ưu ái đặc biệt… Những mục từ về Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Án, Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay ngay cả các bậc thi hào thi bá Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu chỉ được dành một dung lượng vừa phải thì với Nguyễn Du, Từ điển đã dành hơn một trang khổ lớn với gần 2.500 từ để giới thiệu, tóm tắt, nhận định và đánh giá Truyện Kiều (xin xem các bản sao chụp kèm theo). Cũng không có quá nhiều tác gia văn học nghệ thuật được “ưu tiên” như thế, nếu so với khuôn khổ và quy cách biên soạn của bộ từ điển.

    Nhận định sau đây cũng thật hàm súc, đặt Truyện Kiều ở vị trí xứng đáng trong di sản văn hóa, văn học tầm cỡ thế giới: “Vào thời kỳ người Việt Nam đang thoát dần ra khỏi sự lệ thuộc ngôn ngữ (Hán) để trở về tiếng mẹ đẻ, thì công lao vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã biết phát huy bí quyết nghệ thuật chỉ riêng ông có. Ngôn ngữ dân tộc vốn đã phong phú, giàu chất nhạc, được Nguyễn Du nâng lên tột đỉnh của nghệ thuật, mà trước đó và đến cả hôm nay, chưa có một tác giả nào vươn tới được”.

    Một thời gian dài trước đây, xu hướng nghiên cứu phê bình văn học theo quan điểm xã hội học rất phổ biến trong chúng ta. Do cách suy nghĩ ít nhiều ảnh hưởng điều kiện lịch sử và hoàn cảnh khách quan, nên cũng đã có người nhìn hình ảnh Từ Hải là hồi quang của những phong trào nông dân hoặc của “người hùng” áo vải cờ đào Nguyễn Huệ. Lại có khi người ta quá nhấn mạnh thân thế Nguyễn Du (hoài cựu, không chấp nhận thực tại…), do vậy đã có phần nào làm giảm giá trị thẩm mỹ, tính nghệ thuật của thi phẩm.

    Cách nhìn trong từ mục KIM VÂN KIỀU hẳn rằng cận nhân tình hơn, chừng mực hơn:

    “Người ta muốn nghĩ rằng kiệt tác của Nguyễn Du bắt nguồn từ thân thế của ông: hồi đầu ông bị ràng buộc với triều Lê thời mạt vận, sau đó ông lại phải phục vụ triều đại mới (Nguyễn). Ông có mặc cảm tội lỗi, trái với truyền thống trung quân; cũng như Thuý Kiều đã trót nặng thề với Kim Trọng, cuối cùng đành khuất phục số phận, tan nát mối tình đầu… Một sự xác tín như vậy có phần nào hàm chứa sự thật hay không? Chỉ biết rằng Nguyễn Du đã gửi gắm trọn vẹn trái tim, nhiệt huyết, kỳ tài vào tác phẩm của mình và đạt đến thành công trước nay chưa từng có…”.

    Và đọc đến những đoạn cuối của mục từ KIM VÂN KIỀU thì thiết tưởng những nhận định trong bộ Từ điển rất đáng được chúng ta cảm phục:

    “Nghệ thuật tuyệt vời của Nguyễn Du đã khắc hoạ được những nhân vật điển hình có giá trị vĩnh cửu (Tú Bà, Sở Khanh…), với ngôn từ đặc biệt trong sáng và dáng dấp tuyệt mỹ của từng câu thơ. Tuỳ theo từng hoàn cảnh, người ta dễ dàng tìm được một câu Kiều hay một đoạn Kiều để bình giải, cho dù đó là một người bình dân hay một nhà trí thức…

    “Hẳn rằng trong kho tàng ngôn ngữ của nhân loại, chưa hề có hoặc hiếm có một tác phẩm nào lại rất đỗi thân quen và sống mãi với dân gian như KIM VÂN KIỀU của Nguyễn Du. Bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc lòng nhiều câu lục bát, thậm chí nhiều chương đoạn KIM VÂN KIỀU, và trên thực tế nhiều câu Kiều đã trở thành ngạn ngữ”.

    Có lẽ không thể có một nhận định nào chính xác hơn về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Bộ Từ điển đã quá “hiểu” Tố Như, quá hiểu Truyện Kiều, cũng như vị trí của tác gia – tác phẩm này trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam.

    Năm 2010, năm kỷ niệm lần 245 ngày sinh Nguyễn Du (1765-2010) và Truyện Kiều bất hủ, chúng tôi xin giới thiệu mục từ KIM VÂN KIỀU trong Dictionnaire des œuvres de tous les temps et de tous les pays để thấy rằng sức sống của những tài năng lớn, những tác phẩm vĩ đại bao giờ cũng vượt không gian thời gian và thời gian, trở thành tài sản chung của nhân loại.

    (Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 695, ngày 01.12.2009)


    --------------------
    [1] Theo thứ tự ABC: Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Án, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Trãi, Phạm Đình Hổ, Phan Huy Chú, Trần Hưng Đạo…

    [2] “C’est le mérite de Nguyễn Du d’avoir su, par un art dont il possédait seul le secret, donner à la langue national une richesse et une musicalité inconnu…, et s’élèver d’emblée à des sommets jamais encore atteints, même de nos jous”.

    [3] “Il n’est pas ou peu exemple, dans aucune langue, d’une œuvre aussi connue et aussi populaire (…). Par une langue extrêmement pure et la forme impeccable des vers, à tel point que des distiques et même des strophes entières du Kim Vân Kiều sont sur les lèvres de tous les Vietnamienes…, et quel beaucoup des vers en sont passés à l’état de proverbes”.
    Nhiều bản dịch Kim Vân Kiều ra tiếng Pháp đã được xuất bản. Vài ví dụ:
    - Histoire de Kim, Vân et Kiều của Edmond Nordemann – Leroux, 1904.
    - Poème du Kim-Vân-Kiều của Trương Vĩnh Ký.
    - Histoire de Kim-Vân-Kiều của Abel des Michels – Ernest Leroux, Paris 1884-1885.
    - Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh – Alexandre de Rhodes, Hanoi 1942.
    - Kim Vân Kiều, le célèbre proème annamite de Nguyễn Du của René Crayssac, Hanoi 1927 v.v…
     
  13. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    ĐỌC BA TRANG ĐẦU CUỐN
    CHỮ NGHĨA TRUYỆN KIỀU

    CỦA NGUYỄN QUẢNG TUÂN (NXB KHXH, 1994)


    Tác giả: Lê Xuân Lít
    Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay số 709, ngày 20-04-2010


    Ba trang đầu của cuốn sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân dành riêng góp ý cho cuốn Truyện Kiều Trương Vĩnh Ký.

    Nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là một trong 18 vị bác học thế giới được giới khoa học châu Âu bình chọn; Trung Quốc gọi là “thập bát toàn cầu danh gia”. Ông có công rất lớn trong buổi đầu phổ biến chữ Quốc ngữ, và đặc biệt là ông là người đầu tiên làm việc chuyển tự từ bản Kiều chữ Nôm thành bản Kiều chữ Quốc ngữ. Trong buổi sơ khai một thứ chữ, lại là người đầu tiên làm việc chuyển tự, nên rất dễ hiểu bản Truyện Kiều của ông có nhiều sai sót. Bây giờ (cách thời Trương Vĩnh Ký biên soạn Truyện Kiều dễ chừng đã 130 năm), với tiến bộ khoa học nói chung, ngành ngôn ngữ học nói riêng, với hàng chục bản Kiều in ra đặt trước mắt ta, nhà phê bình ngày nay có quá nhiều lợi thế. Vậy, trước hết điều gì đặt ra khi ta bàn chuyện đúng sai với bản Kiều Trương Vĩnh Ký? Chúng tôi cho rằng, phải có thái độ tôn trọng bậc tiền nhân, có thái độ thể tất (đặt vấn đề trong bối cảnh lịch sử) và cuối cùng là rất khách quan để đánh giá đúng, sai.

    Trong Chữ nghĩa Truyện Kiều (Sđd), ông Nguyễn Quảng Tuân có nhiều đóng góp quý báu cho việc nghiên cứu Truyện Kiều. Tuy vậy, trong mấy trường hợp sau đây, kiến giải của ông Về chính tả (giới hạn trong ba trang đầu của sách), theo tôi chưa có sức thuyết phục.

    Ông Nguyễn Quảng Tuân viết: Trước hết về chính tả, ông (Trương Vĩnh Ký – LXL chú) đã viết sai về chính tả và các vần cuối chữ.

    1. Thí dụ về dấu giọng: Trương Vĩnh Ký đã viết “giả” (tức trả lại – LXL chú) là “giã” (giã từ) trong câu 2722:

    -----Đoạn trường phải đến để mà giã nhau

    Sau khi dẫn chuyện một ông Tây dịch sai Truyện Kiều (Abel des Michels), ông Nguyễn Quảng Tuân kết luận: Đúng ra thì câu 2722 phải phiên âm là:

    -----Đoạn trường thơ phải đem mà giả nhau.

    Chúng tôi đọc lại, thấy học giả Trương Vĩnh Ký chẳng sai gì cả khi cụ viết Đoạn trường phải đến để mà giã nhau. Cụ Nguyễn Du đã cho bạn đọc hai khái niệm khác nhau: Hội Đoạn trường và Thơ Đoạn trường; Thuý Kiều và Đạm Tiên cùng ở trong một Hội. Trong sổ hộ tịch của Hội có ghi tên Thuý Kiều (Mà xem trong sổ đoạn trường có tên), Đạm Tiên đã khẳng định: Cùng người một hội một thuyền đâu xa… Vậy, khi Thuý Kiều đã được Ông xanh cất đi nỗi đoạn trường (không còn trong Hội ấy nữa), Đạm Tiên với tư cách đồng hội, đồng thuyền đến giã từ Thuý Kiều. Giống như chúng ta cùng ở trong một hội nào đấy, nay phải đi xa, ta đến từ giã bạn bè. Như vậy Trương Vĩnh Ký không sai chính tả.

    Và, ông Nguyễn Quảng Tuân cũng không sai chính tả: Đoạn trường thơ phải đem mà giả (trả - LXL chú) nhau. Ấy là vì Đạm Tiên có nhận 10 bài thơ do chủ Hội đề ra, Thuý Kiều đã làm xuất sắc (Ví đem vào sổ đoạn trường/ Thì treo giải nhất chi nhường cho ai). Nay Thuý Kiều hết kiếp đoạn trường, Đạm Tiên phải đem 10 bài thơ ấy trả lại cho Thuý Kiều.

    Xem lại hai câu:

    -----Đoạn trường phải đến để mà giã nhau

    -----Đoạn trường thơ phải đem mà giả nhau

    Câu sau thêm chữ thơ, đổi đến thành đem, nên ý nghĩa đã hoàn toàn khác. Có nghĩa là trước mắt chúng ta hai câu thơ ngữ nghĩa hoàn toàn khác nhau, với những hành động và chủ thể hành động khác nhau. Không bàn câu nào đúng, sai (với nguyên tác của Nguyễn Du), câu nào hay hơn, chỉ biết rằng kết luận Trương Vĩnh Ký sai chính tả là oan cho Cụ!

    2. Thí dụ về vần cuối chữ “ang” viết sai thành “an”.

    Trong câu 1310:

    -----Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa[1]

    Trương Vĩnh Ký đã viết sai chữ thang thành than, ông lại chép sai câu ấy như sau:

    -----Than hương nưng bức trướng hồng rạch hoa

    Mặc dù đời sau có điều kiện tra cứu và cho rằng phải là thang lan (Dục lan thang hề, mộc phương hoa, lấy trong Sở Từ, Tản Đà dịch “tắm bằng nước hoa lan và gội bằng hoa thơm”). Chữ thang này giống như thang thuốc (Kẻ thang người thuốc bời bời. T.K).

    Ông Nguyễn Quảng Tuân nói chữ thang có g là theo nghĩa này. Ông Nguyễn Quảng Tuân đúng.

    Nhưng cụ Trương Vĩnh Ký không hiểu theo nghĩa ấy. Chính ông Nguyễn Quảng Tuân cũng nhắc lại chú thích của Trương Vĩnh Ký: “Bỏ than hương xông, ngồi mà thêu” (than hương: loại than có mùi thơm). Vậy “than” đây là vật để đốt. Than để đốt viết không có g là đúng, sao ông Nguyễn Quảng Tuân cho là sai chính tả? Còn thang hay than, thuộc lãnh vực khác chứ không phải chính tả. Mà muốn kết luận đúng hay sai, một điều quan trọng là ta phải có trong tay bản Kiều mà cụ Trương Vĩnh Ký dựa vào đấy để chuyển tự.

    3. Thí dụ về âm bị sai: “ư” thành “ơ”:

    Trương Vĩnh Ký đã viết sai chữ dư thành chữ dơ trong câu 2612:

    -----Còn ngày nào cũng dơ ngày ấy thôi

    …Đúng ra là câu 2612 phải viết là:

    -----Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi.

    Chúng tôi không thấy ông Nguyễn Quảng Tuân đưa ra lý do vì sao phải viết chữ dư chứ không phải dơ. Ông chỉ nêu vấn đề rồi đưa ông Tây này dịch, ông An Nam nọ dịch ra tiếng Pháp. Đấy không phải là lý lẽ.

    Chúng tôi cho rằng chữ dư và chữ dơ, chữ nào cũng có lý. Trong khi chưa có bản gốc, có lẽ chỉ nêu vấn đề đời sau cùng suy nghĩ.

    Khi nào thì dùng dư? Có nhiều rồi, có đủ rồi, có nhiều nữa thành ra thừa, thành dư. Riêng với Thuý Kiều, có thể có hai cách nghĩ : Một là, hiểu theo nghĩa đời một con người bình thường thì Thuý Kiều không dư. Ngược lại, Thuý Kiều thiếu tình yêu, thiếu quê hương, gia đình… Hiểu theo nghĩa này, không có việc Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi. Nhưng nếu hiểu đời Kiều quá nhiều ô uế, đau đớn, ê chề, nếu sống thêm nữa cũng dư thôi. Theo nghĩa này chữ dư có chỗ đứng.

    Còn cụ Trương Vĩnh Ký dùng chữ dơ, còn ngày nào cũng dơ ngày ấy thôi. Phải đặt câu thơ trong mạch nghĩ của Thuý Kiều lúc ấy. Đấy là lúc Thuý Kiều khuyên Từ Hải ra hàng, Hồ Tô Hiến lại giở trò, lại ép Thuý Kiều lấy tên thổ quan. Hồ Tôn Hiến đã đẩy Thuý Kiều vào cuộc sống nhơ bẩn: hết giết chồng lại phải hầu tên giết chồng mình, hết hầu quan to lại làm vợ quan nhỏ. Với Từ Hải, một cánh chim bằng không ai bì kịp, nay lại phải làm vợ một tay vô danh tiểu tốt (chắc lại phải ăn nằm với nó), trong khi chàng là đấng anh hùng; chính Kiều đã đưa Từ vào chỗ chết, giết chồng mà lại lấy chồng… Tiếp tục sống là tiếp tục cuộc đời bẩn đục! Nghĩa là cuộc đời mình như vậy, Thuý Kiều đau đớn kêu lên: Thân sao thân đến thế này/ Còn ngày nào cũng dơ ngày ấy thôi. Riêng chuyện chiếu giường này, không dưới hai lần Nguyễn Du dùng chữ dơ. Khi Mã Giám Sinh làm xong một cơn mưa gió nặng nề, Nguyễn Du viết: Đêm xuân một giấc mơ màng/ Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ/ Giọt riêng tầm tả cơn mưa/ Phần căm nỗi khách phần dơ nỗi mình. Khi Kim – Kiều tái hợp, nói đến chuyện chung chạ ấy, Kiều nói: Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời. Phải chăng, còn ngày cũng dơ ngày ấy nằm trong một mạch nghĩ của Kiều? Hiểu như vậy, chữ dơ có giá trị biểu đạt cao hơn. Đúng hay sai là chuyện khác, quyết không phải là lỗi chính tả.


    -----------
    [1] Có lẽ “tắm hoa” bị in sai mà thành “tẩm hoa”. Trong bài Hoa trong Truyện Kiều, tác giả Đức Nghĩa chép câu 130 và giảng như sau: Thang lang rủ bức trướng hồng tắm hoa (Câu này nói nấu nước thơm và buông màn để tắm. Nhưng chữ thang lan, tắm hoa lấy từ câu trong Sở từ: Dục lan thang hề, mộc phương hoa (tắm bằng nước hoa lan và gội bằng hoa thơm). (Goldfish).
     
  14. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Mạn phép làm lại eBook: Tôi lấy phần chữ từ một trang nước ngoài (có đúng 3254 câu), đánh số lại (đánh số ở câu lẻ: 1, 3, 5, ...) và đang tạo liên kết cho các phần chú thích.
    Nếu có gì không phải mong mọi người bỏ qua!

    Tôi thấy ngay phần các câu và cả chú giải đều có lỗi (chính tả, đánh dấu sai, ...)
    Sau khi tải về, bỏ ".zip" và chỉ chừa ".prc" trong tên file. Nó không phải là file nén dạng zip, mà chỉ là eBook dạng prc.
    Nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ chỉnh sửa các lỗi (hơi khó ) và làm tiếp các liên kết đến chú giải.

    24/04/2010: Cuối cùng tôi cũng đã tạo đủ các liên kết tới chú thích (phần ghi chú tôi dùng của VVN, có nhiều chỗ đánh số bị sai), có bổ sung, chỉnh sửa thêm một ít.
    Mọi người tải file "Kieu_Full.prc.zip" về và sửa tên thành "Kieu.prc".
    Lẽ ra tôi nên đưa file .DOC lên cho mọi người, nhưng để tập trung một chỗ cho việc sửa chữa sẽ tốt hơn:
    Rất hoan nghênh ý kiến chỉnh sửa trên eBook này.
     

    Các file đính kèm:

    namphuong.hqh thích bài này.
  15. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    BA NHÀ SƯ trong ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

    (Bài này viết để tặng Anh Nguyễn Văn Phú, nguyên hiệu trưởng tư thục Hưng Đạo, Sài Gòn, hiện nay là một Chuyên gia nghiên cứu Phật học ở Montréal, Canada.)

    Ðoạn Trường Tân Thanh (quen gọi là Truyện Kiều) là một đại tác phẩm của nền Vàn học Việt Nam. Không một người Việt Nam nào là không biết Truyện Kiều. Có nhiều người thuộc lòng cả cuốn gồm 3.254 câu, còn nhớ lõm bõm hoặc thuộc từng đoạn thì hầu như ai cũng nhớ, cũng thuộc những đoạn hay, những đoạn hợp với tâm trạng của riêng mình. Tác giả Ðoạn Trường Tân Thanh là thi hào Nguyễn Du mà nhiều nhà nghiên cứu về Kiều đã khẳng định rằng ông lấy triết lý đạo Phật làm tư tưởng căn bản cho tác phẩm bất hủ đó. Họ khẳng định như vậy vì vai chính trong truyện là nàng Vương Thúy Kiều đã phải sống để trả nghiệp kiếp trước. Nhưng cũng lại có nhiều nhà nghiên cứu khác không đồng ý với khẳng định đó vì trong truyện có nhiều tình tiết trái với giáo lý nhà Phật.

    Đế tìm hiếu, chúng ta thử khách quan nhận xét và phân tích ba nhân vật có liên quan mật thiết đến Phật giáo. Đó là ba nhà sư được tác giả mô tả trong truyện : Tam Hợp đạo cô, Giác Duyên sư trưởng và ni cô Trạc Tuyền.

    * Về Tam Hợp đạo cô, tác giả đã mượn lời Giác Duyên nói với Thúy Kiều Sau khi nàng trả ân báo oán để giới thiệu như sau:

    "Nhớ ngày hành cước phương xa,
    "Gặp sư Tam Hợp vôn là tiên tri"

    Rồi khi Kiều đã gieo mình xuống sông Tiền đường, chấm dứt mười lăm năm luân lạc, tác giả lại nhắc đến vị đạo cô này để luận về cái nghiệp của nàng :

    Sư rằng: "Phúc họa đạo Trời,
    Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.
    Có Trời mà cũng có ta,
    Tu là cỗi Phúc, Tình là dây Oan.
    Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
    Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
    Lại mang lây một chữ Tình,
    Khư khư mình buộc lấy mình vào trong...

    Chỉ một đoạn ngắn vừa trích dẫn, người ta đã thấy Tam Hợp đạo cô không phải là một Phật tử thuần thành, chưa nói tới một nhà chân tu đắc đạo. Thuyết căn bản của giáo lý nhà Phật là Nhân Quả và Luân Hồi. Con người ta sống ở đời là để trả cái nghiệp gây nên từ kiếp trước hoặc nhiều kiếp trước. Ðó là những cái Nhân mình đã gieo để ngày sau mình hái quả. Nhân tốt thì quả tốt, Nhân xấu, tất nhiên quả phải xấu. Người đời thường có câu : "Gieo gió thì gặt bào!" Kiếp trước, mình làm lành, làm tốt, kiếp này mình sẽ được hưởng cuộc đời sung sướng, hạnh phúc. Kiếp trước mình cướp của giết người thì kiếp này mình phải trả những cái nợ đó. Một kiếp trả chưa hết, mình sẽ phải trả thêm nhiều kiếp khác. Vì thế mới có Luân hồi. Trong khi trả nợ, tức là trả những cái nghiệp gây nên từ kiếp trước, con người phải tu để không gây thêm nghiệp nữa thì mới có thể ra khỏi vòng Luân Hồi. Như Vậy, rõ ràng Phật giáo chủ trương con người có tự do tuyệt đối. Nếu có Định Mệnh thì cái định mệnh đó do chính mình tạo nên, không phải do bất cứ ai khác. Trời không có một quyền hạn gì trong thế giới nhà Phật. Vậy mà Tam Hợp đạo cô đã coi Trời là đấng tối cao điều khiến mọi vật, mọi chuyện trong vũ trụ nầy. Hay ít ra ông Trời cũng là một trọng tài cho mọi việc xảy ra ở cõi đời.

    Vậy nếu chúng ta là người muốn nghiên cứu về đạo Phật, chắc chắn không thể tin ở đạo cô Tam Hợp.

    * Nhà sư thứ hai mà chúng tôi muốn nói tới là Giác Duyên sư trưởng. Nhà Sư này có nhiều liên hệ mật thiết với Vương Thúy Kiều. Giác Duyên Xuất hiện lần đầu khi Thúy Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư với chuông vàng, khánh bạc vừa đánh cắp được trên bàn thờ Phật ở Quan Âm Các.

    "Chùa đâu trông thấy nẻo xa,
    "Rành rành Chiêu An Am ba chữ bài.
    "Xăm xăm gõ mái cửa ngoài,
    "Trụ trì nghe tiếng rước mời vào trong
    "Thấy màu ăn mặc nâu sồng,
    "Giác Duyên sư trưởng lành lòng liền thương. "

    Sau đó, Giác Duyên tin lời nói dối của Thúy Kiều, cho nàng tạm trú trong chùa để chờ Sư huynh tưởng tượng của nàng. Nhưng rồi, một hôm vào ngày cuối Xuân, một "người đàn vỉệt lên chơi cửa chùa" phát giác chuông vàng, khánh bạc là bảo vật của nhà họ Hoạn. Sư trưởng Giác Duyên hoảng sợ tìm cách đuổi khéo Thúy Kiều:

    "Giác Duyên nghe nóỉ rụng rời,
    "Nửa thương nửa Sợ, bồi hồi chẳng xong.
    "Rỉ tai mới kể sự lòng.
    "Ở đây cửa Phật là không hẹp gì.
    "E chăng những sự bất kỳ,
    “Ðể nàng cho đên thế thì cũng thương.
    "Lánh xa trước liệu tìm đường,
    "Ngồi chờ nước đến nên dường còn quê. “

    Liền sau đó, Giác Duyên giới thiệu Bạc bà:

    "Có nhà họ Bạc bên kìa,
    "Am mây quen lối đi về dầu hương.
    "Nhắn sang dặn hết mọi đường,
    "Dọn nhà hãy tạm cho nàng trú chân."

    Kiều là người lạ đối với địa phương này, không biết Bạc bà đã đành, chính ngay Giác Duyên cũng không rõ mụ là loại người nào trong Xã hội.

    "Nào ngờ cũng tổ bợm già,
    “Bạc bà học với Tú bà đồng môn.”

    Nhưng điều đó chúng ta có thể coi là hợp lý vì một nhà tu chân thật thường dễ tin người, như đã tin ngay lời nói dối của Thúy Kiều, và cũng không thể có đôi mắt tinh đời để nhận xét người khác. Có điều đáng lấy làm lạ là Giác Duyên Sau khi trao Kiều cho Bạc bà đã không theo dõi Xem nàng sống ra sao ở nhà người lạ, nghĩa là bà phủi tay luôn. Cho mãi đến khi Thúy Kiều trả ân, báo oán, mời bà tới chứng kiến thì bà mới gặp lại. Dù có dễ tính đến mấy, chúng ta cũng phải nghĩ rằng Giác Duyên là một người vô trách nhiệm. Như vậy, ta thấy rằng Giác Duyên Còn quá nhiều tình cảm, lại vô trách nhiệm mà chỉ mấy năm sau đã trở thành một người đắc đạo.

    Sau khi gặp lại Kim Trọng và sống với chàng như đôi bạn, Thúy Kiều đã lập một cái am nhỏ, rồi cho người đi tìm Giác Duyên về cùng tu :

    "Nhớ lời lập một am mây,
    "Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên,
    "Đến nơi đóng cửa cài then,
    “Rêu trùm kẽ ngạch, cỏ lên mái nhà.
    “Sư đà háỉ thuốc phương xa,
    “Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu. ”

    Nhưng hai câu cuối cũng khiến chúng tôi nghĩ đến chuyện tu tiên. Ngày xưa, nhiều nhà Nho chịu ảnh hưởng tư tưởng của Lão-Trang thường có khuynh hướng xuất thế bằng con đường tu tiên, mà người ta cũng gọi là Đạo. Có người vào rừng hái thuốc rồi không trở về nữa hoặc có người cưỡi hạc bay lên trời. Giã Ðảo, một thi sĩ đời Đường có bài thơ "Tầm Ân Giả, Bất Ngộ" như sau :

    "Tùng hạ vấn đồng tử.
    "Ngôn sư thái dược khứ.
    "Chỉ tại thử sơn trung.
    "Vân thâm bất tri xứ. "

    (Tam dịch xuôi : Dưới cây thông, hỏi thăm chú bé. Chú trả lời thầy đã đi hái thuốc. Chỉ trong núi này thôi,nhufng mây dày đặc nên chả biết ở đâu.)

    Cũng đời Ðường, Thôi Hiệu có bài "Hoàng Hạc Lâu". Xin trích bốn câu đầu như sau :

    "Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khú;
    "Thử địa không dư Hoàng hạc lâu.
    "Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
    "Bạch vân thiên tải không du du... "

    Thi sĩ Tản Đà dịch ra thơ như sau :

    "Người xưa cưỡi hạc dỉ đâu ?
    "Mà nay Hoàng hạc riêng lầu còn trơ.
    "Hạc vàng bay mất từ xưa,
    "Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay. "

    Chính Tản Đã cũng tự nhận mình là một Trích Tiên (tiên bị đày xuống trần).

    Vậy không hiểu Giác Duyên thành tiên hay trở thành một vị chân tu đắc đạo của nhà Phật ?

    * Nhà Sư thứ ba, ni cô Trạc Tuyễn, tục danh là Vương Thúy Kiều.
    Chúng ta biết rằng Thúy Kiều đi tu chỉ vì hoàn cảnh bó buộc.
    Sau khi được quan phủ ở Lâm Truy se duyên, Thúy Kiều sống với Thúc Sinh được một năm thì khuyên Thúc về Vô Tích thú thật với Hoạn Thư đã có vợ nhỏ.

    "Nàng rằng: “Non nước xa khơi,
    ”Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm.
    "Dễ lòa yến thắm trôn kim,
    "Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng.
    "Đôi ta chút nghĩa đèo bòng;
    "Đến nhà trước hãy nói sòng cho minh.
    "Dù khi sóng gió bất bình,
    "Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi.
    "Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,
    "Lại mang những việc tày trời đến sau. "

    Nhưng khi về đến Nhà, gặp Hoạn Thư , Thúc Sinh lại tưởng vợ chưa biết chuyện mình lén lút có vợ lẽ, nên quên lời khuyên của Kiều :

    "Nghĩ đà bưng kín miệng bình,
    "Nào ai có khảo mà mình lại xưng. "

    Trong khi đó, Hoạn Thư đã ngấm ngẩm lập mưu bắt cóc Kiều để hành hạ cho bõ giận, và nàng đã thành công. Thúy Kiều phải làm con hầu cho nhà họ Hoạn. Khì biết mình bị vợ cả đánh ghen mà chàng Thúc không làm sao cúu nổi, Kiều xin được đi tu :

    "Cúi đầu quì trước Sân hoa,
    "Thân cung nàng mới dâng qua một tờ.
    "Điện tiền trình với tiểu thư,
    "Thoắt xem dường có ngẩn ngơ chút tình. "

    Sau đó, Hoạn Thư cho biết :

    "Tiểu thư rằng: "Ý trong tờ,
    "Rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa không.
    "Thôi thì thôi cũng chiều lòng,
    "Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra. "

    Hoạn Thư cho Kiều tu ở Quan Âm các trong vườn nhà :

    "Đưa nàng đến trước Phật đường,
    "Tam qui, ngũ giới cho nàng xuất gia.
    "Áo xanh đổi lấy cà sa,
    "Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.”

    Nhưng Kiều không tu được vì lòng còn thương nhớ Thúc Sinh. Một hôm, nàng và chàng Thúc đang lén lút than thở thì bị Hoạn Thư bắt gặp. Hoạn là người thâm hiểm, chỉ đứng núp một nơi mà nghe lén, không làm lớn chuyện. Sau đó, khi ra mặt, nàng vẫn cười nói ngọt ngào. Không những thế, nàng còn:

    "Khen rằng: “Bút pháp đã tinh,
    "So vào với thiếp Lan đình nào thua!
    "Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
    "Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài. "

    Chính những lời nói ngọt ngào và khen tặng của nàng Hoạn đã khiến Kiều hoảng sợ, quyết định phải trốn đi. Trước khi "Cất mình qua ngọn tường hoa" ni cô Trạc Tuyền đã lấy cắp chuông vàng, khánh bạc để phòng thân. Rồi, Thúy Kiều lại thêm một lần nữa sa chân vào lầu xanh và gặp Từ Hải để được Từ giúp phương tiện trả ân báo oán.

    Theo giáo lý nhà Phật, Trả Nghiệp tức là trả những món nợ mình mắc từ kiếp trước hoặc nhiều kiếp trước. Thúy Kiều bị "thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần" cũng chỉ vì kiếp trước nàng mắc nợ nên kiếp này phải trả. Khi biết mình rơi vào lầu Xanh lần thứ nhất, Kiều đã quyên sinh. Nhưng :

    "Nào hay chưa hết trần duyên,
    "Trong mê dường đã đứng bên một nàng.
    "Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang,
    "Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao?"

    Nghĩa là nàng chưa trả hết nợ thì chưa mãn kiếp. Sau đó, khi nàng bị Khuyển, Ưng bắt về Vô Tích, nhưng lại tráo một cái thây vô chủ, khiến Thúc ông tướng nàng đã chết cháy nên làm ma chay cẩn thận. Thúc Sinh nhờ một thầy phù thủy đánh đồng thiếp xuống cõi âm tìm nàng. Thầ̀y đi rôi trở về báo cáo :


    "Người này nặng kiếp oan gia,
    "Còn nhiều nợ lắm, sao đà thác cho. "

    Như vậy, rõ ràng cuộc đời luân lạc của Kiều bắt nguồn từ những món nợ tiền kiếp, bắt buộc phải trả cho hết. Những tên hại nàng ở kiếp này có thể là những "chủ nợ" kiếp trước. Trả nợ chưa xong, nàng đã lại "Vỗ nợ" bằng cách giết hết "chủ nợ" tức là nàng đã gây thêm một cái NGHIỆP khác cho kiếp sau và nàng sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng LUÂN HỒI.

    Chúng ta đã tìm hiểu ba nhà sư trong Ðoạn Trường Tân Thanh , thì thấy rằng họ không hãnh xử và nói năng đúng với giáo lý nhà Phật. Tam Hợp đạo cô còn tin vào Trời, tức là tin vào thuyết Thiên Mệnh của Nho giáo. Mọi việc đều do Trời sắp đặt và quyết định :

    "Ngẫm hay muôn sự tại trời,
    “Trời kia đã bắt làm người có thân.
    "Bắt phong trần phải phong trần,
    "Cho thanh cao mới được phần thanh cao. "

    Trong khi đó, Giác Duyên tuy đã là Sư trưởng mà tình cảm của bà vẫn không khác một người đàn bà tầm thường, vẫn có cảm tình riêng ("Phải ni Hằng Thủy là ta hậu tình"), vẫn dễ dàng xúc động bồi hồi ("Gỉác Duyên nghe nói rụng rời, nửa thương nửa sỢ, bồi hồi Chẳng xong”). Còn Trạc Tuyền thì chẵng thấm nhuần chút giáo lý nhà Phật nào. Nàng đã phạm đủ mọi điều giới : nói dối, ăn trộm, giết người...

    Như vậy, chúng tôi thắc mắc có phải Nguyễn Du lấy giáo lý Nhà Phật làm tư tưởng căn bản cho Đoạn Trường Tân Thanh không ? Điều này, chúng ta cần xét lại.

    Chúng ta không nên quên rằng Nguyễn Du là một nhà Nho. Cả dòng họ của ông theo đạo Nho. Nếu Sau này ông có nghiên cứu hoặc tìm hiểu thêm về đạo Phật chỉ là chuyện phụ hoặc do thời thế đưa đẩy. Ông đã sống trong thời vô cùng nhiễu loạn của lịch sử Việt Nam cận đại, cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Vua Lê, Chúa Trịnh bị Tây Sơn diệt, rồi Tây Sơn bị Nguyễn Gia Long dứt. Các bậc thang giá trị cũ không còn được tôn trọng. Sự thay đổi quá nhanh chóng, xảy ra liên tục, khiến người ta đâm nghi ngờ. Cuộc đời mình đang sống có thực hay chỉ là hư ? Đó là một yếu tố làm người ta tìm tới triết lý nhà Phật. Riêng với Nguyễn Du, cuộc sống của ông cũng nhiều chìm nổi, gian truân. ông chống Tây Sơn, nhưng thất bại, rồi về quê vợ ẩn náu. Cuối cùng, khi Gia Long thống nhất đất nước, ông được mời ra làm quan, nhưng lòng vẫn thương nhớ nhà Lê như nhiều sĩ phu Bắc hà cũng thời với ông.

    Những gian lao, cực khổ của đời mình, những đổi thay nhanh chóng của thời cuộc có thể đã khiến Nguyễn Du gần gũi với đạo Phật hơn. Nhưng, dù trong hoàn cảnh nào, đạo Nho vẫn ngự trị trong ông, nghĩa là ông vẫn tin ở thuyết Thiên Mệnh. Trời định đoạt mọi chuyện ở thế gian này, con người chỉ cúi đầu tuân theo, không thể sửa đổi bất cứ quyết định nào của Trời. Ðại diện cho Trời có con Trời, Thiên Tử, tức là vua. Vì thế, khi viết Đoạn Trường Tân Thanh, ông vẫn coi Thiên Mệnh là chính và chuyện nghiệp báo, luân hồi chỉ là phụ. Đó cũng là nhân sinh quan chung của người dân Việt thời xưa.

    Trong dân gian, người ta thường nói :"Trẻ vui nhà, già vui Chùa". Lúc trẻ, con người đều hoạt động bình thường, ai làm quan thì cứ làm quan, ai phải cầy sâu cuổc bẫm thì cứ ngày ngày dắt trâu ra đồng. Nhưng đến khi về già, cuộc đời đã trải nhiều "biển đâu", nhà nho thì "nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo", nhà nông thì không còn sức để dầm mưa dãi nắng nữa, truyền lại việc đồng áng cho con cháu, người ta mới có thì giờ nghĩ tới chùa chiền. Cũng trong dân gian, người ta lại có câu :"Trốn việc quan đỉ ở Chùa." (1)

    Về trường hợp Nguyễn Du, có thể ông đã gặp nhiều gian truân, thất bại trên đường đời, rồi mới tìm đến đạo Phật mong tìm một nguồn an ủi, chứ không coi Thiền môn là tư tưởng chính của ông. Vì thế, Ðoạn Trường Tân Thanh là tác phẩm đã pha trộn cả Phật lẫn Nho. Ngay cả Lão giáo cũng được ông đưa vào tác phẩm của mình. Vì thế, chúng ta có thể coi Đoạn Trường Tân Thanh là nơi ba tôn giáo đã "sống chung hòa bình" mà người ta quen gọi là "Tam giáo đồng lưu".

    Khi đã không coi đạo Phật là tư tưởng căn bản cho tác phẩm, Nguyễn Du cũng cấu tạo các nhà sư theo quan niệm riêng của mình. Ðó là quan niệm coi Thiên Mệnh của Nho giáo là chính.

    TẠ QUANG KHÔI

    (1) "Trốn việc quan đi ở chùa” ngụ ý chê trách những người tu theo đạo Phật là trốn tránh việc đời, vô trách nhiệm, không chịu dấn thân (theo lối nói ngày nay). Nếu trong một xã hội ai cũng "trốn việc quan đi ổ chùa" thì xã hội đó sẽ bị suy vi và sụp đổ vì không ai chịu gánh vác việc đời. Nhưng lịch sử nước ta đã chứng minh ngược lại. Ðời nhà Trần, các vua đã "trốn triều đình đi ở chùa". Các Ngài chỉ làm vua một thời gian ngắn, rồi truyên ngôi cho thái tử để lên làm Thượng hoàng và đi tu ở núi Yên Tử. Thế mà xã hội đời Trần không suy vi, không sụp đổ, mà vua quan nhà Trần đã hướng dẫn nhân dân ta ba lần phá tan quân xâm lược Nguyên Mông, giữ vững bờ cõi, bảo tôn được nền độc lập vẹn toàn cho non sông, đất nước. Trong khi đó, ai cũng biết rằng Nguyên Mông là giống "cường bạo" xua quân sang cả Âu Châu mà không dân tộc nào kháng cự nổi và đặt nền thống trị lên Trung nguyên của dân tộc Hán, lập nên triều đại nhà Nguyên.
     
  16. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Cần công bằng với Thanh Tâm Tài Nhân

    Hồi nhỏ tôi thường nghe mẹ tôi đọc Kiều, vì thương mẹ nên tôi gần như thuộc lòng luôn truyện Kiều, nhưng không mê. Lớn lên chút nữa, đọc Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn” cũng không thấy mê món “quốc hồn quốc túy” này, dù tôi chưa bao giờ ghét cụ Phạm Quỳnh, cũng như không ghét cụ Ngô Đức Kế khi cụ kịch liệt bài bác Truyện Kiều.



    Khi nghe ông Tố Hữu gọi “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều” thấy hay hay, nhưng lúc ông bảo “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều” thì thấy ông không hẳn là thành thật.


    Nói chung, khi người lớn đem Kiều ra làm chính trị, con nít không thấy hấp dẫn. Học Kiều ở trường phổ thông, bị buộc phải hiểu theo ý thầy cô, cũng không thấy thích.


    Cho đến khi đọc Bùi Giáng, tôi mới thực sự thấy thích Kiều. Có lẽ vì tôi thích cái điên điên khùng khùng của Bùi Giáng nên thích luôn Kiều. Ngó tới ngó lui thì thấy người viết về Kiều vô tư hồn nhiên nhất là Bùi Giáng.


    Khi thích Kiều rồi, tôi vẫn thấy lợn gợn một chuyện nhưng không sao tìm được lời giải đáp. Từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Du phóng tác thành Truyện Kiều, ai cũng biết điều đó, nhưng giáo trình dạy cho học trò cũng như hầu hết các sách vở viết về Truyện Kiều đều nói rằng, Truyện Kiều của Nguyễn Du mới là kiệt tác văn chương bất hủ, còn Kim Vân Kiều truyện củaThanh Tâm Tài Nhân chỉ là một tác phẩm “tầm thường thô thiển”.


    Tôi biết chắc những người nói điều này chưa bao giờ đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đơn giản là tác phẩm đó đã bị “thất truyền”. (Thực ra năm 1925 Nhà xuất bản Tân Dân có in thành sách một bản dịch Kim Vân Kiều truyện, sau đó có một vài bản dịch khác nữa, nhưng nói chung những sách này rất ít người biết, mãi đến năm 2005 nhiều người mới biết đến qua một bản dịch do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Nghe nói bản chép tay bằng chữ Hán đang được lưu giữ tại Viện Viễn Đông bác cổ Paris).


    Khoảng 13-14 năm trước, một lần nói chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân ở Đà Nẵng, ông bất ngờ đề cập đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Ông bảo, Kim Vân Kiều truyện hoàn toàn không phải là “tác phẩm tầm thường” như người ta nói. Lúc đó tôi đang giúp Báo Nông thôn ngày nay làm tờ Nguyệt san, tôi quá hào hứng chuyện này nên đề nghị cụ Nguyễn Văn Xuân viết luôn một bài phân tích. Bài đó đã được đăng ngay.


    Trước đây khi ca ngợi Truyện Kiều của Nguyễn Du, một số nhà nghiên cứu thường dẫn lời hai ông vua Minh Mạng và Tự Đức. Đúng là Minh Mạng – một minh quân trong lịch sử, và Tự Đức – một trong hai ông vua “hay chữ” nhất (người kia là Lê Thánh Tôn), đã hết lời ca ngợi Truyện Kiều. Nhưng cụ Nguyễn Văn Xuân đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy Minh Mạng và Tự Đức ca ngợi Kiều là ca ngợi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, chứ không phải ca ngợi Nguyễn Du. Có lẽ đây là bài nghiên cứu đầu tiên đặt ngược vấn đề lâu nay được số đông nhắm mắt thừa nhận. (Tôi hiện không có bài báo đó trong tay, nhưng chắc chắn tôi sẽ nhờ người tìm được).


    Gần đây, một bài viết của cụ Vũ Quốc Thúc công bố tại Pháp năm 2006, có đề cập đến những tác phẩm của Minh Mạng và Tự Đức liên quan đến Truyện Kiều mà cụ thân sinh của cụ Thúc còn lưu giữ. Bài viết của cụ Vũ Quốc Thúc hoàn toàn không đề cập đến việc so sánh hơn kém giữa Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du, nhưng chỉ riêng tên gọi của những tài liệu này cũng phát ra một thông báo quan trọng. Từ thời vua Minh Mạng đến đầu thế kỷ 20 đã có ba thế hệ thi gia Việt Nam viết về Kiều, tập hợp lại thành một bộ với cái tựa chung là “Thanh Tâm Tài Nhân thi tập”. Tập đầu tiên soạn khi Minh Mạng mới lên ngôi (1820) gồm những bài thơ xướng và họa bằng chữ Hán dựa theo từng hồi của Kim Vân Kiều truyện, do Phụ chính đại thần Hà Tôn Quyền chủ xướng, đến năm Minh Mạng thứ 11 (1830), đích thân nhà vua viết một bài Tổng thuyết cho thi tập, cũng bằng chữ Hán. Vào năm 1871, tập tiếp theo do Tự Đức chủ xướng, đích thân nhà vua làm các bài thơ xướng cho mỗi hồi và viết lời tựa (Tổng từ)chung cho thi tập. Tập thứ ba ra đời vào cuối thế kỷ 19, có Chu Mạnh Trinh và Nguyễn Khuyến tham gia. Những bản chép tay các tập thời Minh Mạng và Tự Đức mang tên "Thanh Tâm tài tử cổ kim minh lương đề tập biên" hiện lcũng được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Hà Nội, ký hiệu VNV 240.


    Nói tóm lại, dù Truyên Kiều của Nguyễn Du có ra đời trước, sau hay cùng lúc với “Thanh Tâm Tài Nhân thi tập” thì, như chính tên gọi của công trình này, nó chỉ có thể là sự hưởng ứng với chính tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân.


    Trên tạp chí Văn học số 2, 1998, trong bài viết "Không có "Bản Kinh" Truyện Kiều do vua Tự Đức sửa chữa đưa in", tuy không phải là bài đánh giá so sánh tác phẩm, nhưng nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn sau khi phân tích, đã khẳng định : "Chắc chắn là : trong khi cầm bút viết Tổng thuyết hay Tổng từ, Minh Mệnh và Tự Đức đều viết về Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, chứ không phải viết về Truyện Kiều của Nguyễn Du".



    Như vậy là trong suốt 4/5 thế kỷ 19 và mấy năm đầu của thế kỷ 20, ba thế hệ thi gia xuất sắc nước ta, trong đó có hai ông vua có học vấn uyên thâm là Minh Mạng và Tự Đức, dấy lên một cuộc xướng họa vô cùng tâm đắc với tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, thì liệu nó có phải là một tác phẩm “tầm thường thô thiển” ? Lại nữa, qua lời của Tự Đức và ngày nay nhiều người đã biết, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có lời bình của Kim Thánh Thán. Nhà phê bình tài giỏi và kiêu ngạo đệ nhất Trung Hoa này liệu có để tâm đến một thứ phẩm văn chương ?


    Nhưng vì lý do gì mà từ lâu văn học sử Trung Hoa không hề nhắc đến Kim Vân Kiều truyện ? Nó đã bị thất truyền ? Nhưng vì sao nó bị thất truyền ? Tôi không biết được. Chỉ biết rằng cho đến năm 1981 người Trung Quốc mới phát hiện ra nó.


    Nguyên do là Truyện Kiều của Việt Nam quá nổi tiếng được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Trong giáo trình văn học nước ngoài dạy cho sinh viên Trung Quốc, Truyện Kiều của Nguyễn Du được coi là “viên ngọc sáng” của văn học phương Đông. Giới nghiên cứu Trung Quốc đánh giá Truyện Kiều của Nguyễn Du là “tác phẩm lớn vạch thời đại”, là “toàn vẹn không khuyết”. Và khi biết rằng cái truyện đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, họ bắt đầu “nóng mặt” lao đi tìm kiếm. Năm 1981, một nhà nghiên cứu nước này tên là Đổng Văn Thành bất ngờ phát hiện một bản Kim Vân Kiều truyện tại Thư viện Đại Liên. Năm 1983, Nhà xuất bản Xuân Phong văn nghệ ấn hành tác phẩm này, từ đó nó mới được biết đến ở Trung Quốc. Giáo sư Đổng Văn Thành đã tiến hành một loạt các nghiên cứu chuyên sâu về Kim Vân Kiều truyện, trong đó có nghiên cứu “So sánh truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”. Bài so sánh này được nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu dịch, sau 10 năm “lưu hành nội bộ”, đã in trong cuốn “200 năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều” (NXB Giáo dục, 2005).


    Bài nghiên cứu của ông Đổng Văn Thành được thực hiện công phu, đề cao cả Thanh Tâm tài Nhân lẫn Nguyễn Du, tuy nhiên ông lại lấy quan điểm giai cấp pha thêm một chút tư tưởng Đại Hán để chê những chuyện không đáng chê của Nguyễn Du và đề cao những chuyện không đáng đề cao của Thanh Tâm Tài Nhân. Bởi vậy mà những phân tích của Đổng Văn Thành không có sức thuyết phục, khiến người đọc lại định kiến với Thanh Tâm Tài Nhân. Tôi đọc cũng thấy choáng. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi không im lặng được, đã tức khí viết một bài dài “Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành” đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học tháng 12-2005, “đấu” trực diện với quan điểm lệch lạc của ông này, để bảo vệ Nguyễn Du.


    Thành ra câu chuyện về giá trị thật của Kim Vân Kiều truyện cuối cùng vẫn … để đó, dù cả hai tác phẩm đã được in ra phổ biến rồi. Lẽ đời là vậy, phải bảo vệ “người nhà” trước đã, công bằng với “người ngoài” tính sau. Trăm sự đều do thói hồ đồ của cái ông Đổng Văn Thành này cả, ông ta lại một phen làm hại đến uy tín của Thanh Tâm Tài Nhân. Cũng cần ghi nhận là đã có một số tác giả đã cho giới thiệu song song hai tác phẩm của Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Nhân trong một công trình để người đọc tự đối chiếu, mở đầu cho việc đánh giá công bằng đối với Thanh Tâm Tài Nhân.


    Tôi tay ngang trong văn chương, chỉ có thể nói leo tới đó.

    Hoàng Hải Vân
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
  17. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Không thể có chuyện Vua Minh Mạng và Tự Đức làm thơ ca ngợi Truyện Kiều được, vì những lẽ :

    - Nguyễn Du là người phò Lê, nên việc ông ra làm quan thời Nguyễn cũng là bất đắc chí. Và tâm sự của Thúy Kiều cũng thể hiện tâm sự của một người bất đắc chí (như ý kiến của Trần Trọng Kim : Truyện Kiều chứa đựng một tâm sự tha thiết nhất của Nguyễn Du, ấy là cái tâm sự của kẻ hàng thần nhớ chúa cũ (hoài Lê). Nên không thể có chuyện nhà Nguyễn ca tụng tác phẩm này được. Thậm chí, tác phẩm này còn được khuyến cáo không nên đọc, như thể hiện ở câu truyền miệng :
    Đàn ông chớ đọc Phan Trần,
    Đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều.

    - Tác phẩm Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, thế thì không có lý gì khi ca tụng, làm thơ xướng họa theo từng hồi (ở dưới thời vua Minh Mạng và Tự Đức) lại dùng chữ Hán được.

    - Bản khắc đầu tiên của Truyện Kiều được cho là vào khoảng 1820-1825, tức là vào đầu đời Minh Mạng (1820-1941). Còn bản khắc nôm cổ nhất còn lưu giữ là bản Liễu văn Đường vào đời Tự Đức năm thứ 19 (1866). Nếu các vị vua ca tụng tác phẩm thì không thể không cho khắc in rộng rãi được.
     
Moderators: Ban Tang Du Tử

Chia sẻ trang này