Tâm sự Vượt Lên Chính Mình

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi langtu, 27/4/15.

Moderators: amylee
  1. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Không nên vội vàng khi nhận lời yêu!

    Em đang gặp một chuyện khúc mắc rất khó giải quyết, xin cho em một lời khuyên. Cách đây chưa đầy một tháng em có quen và kết bạn với một người qua mạng. Chỉ sau một buổi nói chuyện anh ấy đã gọi điện và hẹn gặp em.

    Em đã nhanh chóng chấp nhận và gặp anh ấy không hề suy tính gì vì nghe giọng nói anh ấy là người thật thà. Lần đầu tiên gặp gỡ em đã có cảm giác anh ấy có tình cảm với mình và là người đáng tin cậy. Chúng em đã đi chơi và anh ấy đã ngỏ lời yêu em. Anh nói với em xin phép được về gặp bố mẹ em. Em về nhà và kể mọi chuyện với bố mẹ em, bố mẹ em rất lo lắng vì đây là quen qua mạng, hơn thế nữa anh ấy có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ em không muốn em đến với người không đảm bảo được tương lai cho em sau này.

    Em là người học hành tử tế, ngoan ngoãn, là nhân viên trong cơ quan nhà nước có thể coi là có tiếng. Vì thế bố mẹ em luôn mong con cái mình có cuộc sống tốt và có sự lựa chọn đúng đắn. Bố mẹ đã ngăn cản và yêu cầu em phải chấm dứt mối quan hệ này. Em đã nói chia tay anh, nhưng sau một tuần không gặp, anh ấy ngỏ ý muốn gặp em, em nghĩ gặp để nói chuyện dăm ba câu thì cũng không sao nên em đã đồng ý.

    Nhưng ngay hôm đó bố mẹ em biết em lại tiếp tục đi chơi với anh ấy nên lo lắng và quyết định mời anh ấy về để nói chuyện trực tiếp. Anh ấy đã về và nói chuyện với bố mẹ em, anh ấy nói có ý tiến tới hôn nhân với em. Bố mẹ em nói nếu anh ấy có ý định tiến tới hôn nhân mà cả em và anh ấy đều quyết tâm thì hãy mời bố mẹ anh ấy đến để nói chuyện. Bố mẹ em ra hạn phải quyết định rõ ràng trong vòng 1-2 tuần.

    Trong lúc này em đang rất phân vân vì em chưa thực sự có ý muốn gắn bó với anh ấy cả đời, có lẽ vì em còn mong đợi một người có đủ điều kiện hơn anh ấy. Nhưng em cảm thấy bên anh ấy em được chăm sóc, cảm thấy rất hài hoà và phù hợp, em cũng muốn ở bên anh ấy tuy rằng em chưa yêu sâu sắc.

    Hiện tại em chưa có ai khác, nhưng ở cơ quan em có rất nhiều người có ý làm mối cho em. Chính điều này đã gieo vào em hy vọng khác. Em đang phân vân không biết phải làm sao. Có phải em đang mong đợi điều mà mình không có hay không? Em có nên quyết định yêu và lấy anh ấy hay không?

    Xin cho em lời khuyên em nên làm gì bây giờ... (V.T.)

    **************​

    - Trả lời tư vấn của Chuyên viên Thu Hiên, TS Tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình của Hội LHTN Việt Nam:

    V.T. thân mến,

    Thời hiện đại, có rất nhiều điều kiện để các bạn nam nữ quen nhau, đáp ứng nhu cầu tìm bạn, tìm bạn khác giới để tiến đến tình yêu và hôn nhân. Quen nhau qua Internet là một trong những điều kiện ấy. Nhưng mọi hình thức giúp các bạn quen nhau: tìm bạn bốn phương qua báo, câu lạc bộ làm quen, chat, email... chỉ được coi là chiếc cầu nối hai người chưa quen biết đến với nhau. Còn nên hay không là cả một quá trình: quen biết, gặp gỡ, hiểu biết... về nhau.

    Trường hợp của em "chưa đầy một tháng" quen và kết bạn với một người qua mạng. Cũng chỉ sau một tuần hẹn gặp, anh ấy ngỏ lời yêu em. Mọi việc diễn ra quá nhanh, chưa đủ thời gian để các em hiểu nhau. Việc ngỏ lời có vội vàng quá không? Có lẽ chính vì sự chấp nhận của em chưa có cơ sở nên bố mẹ không cho phép. Hiện nay em chưa thực sự có ý gắn bó với anh ấy cả đời, đó là suy nghĩ đúng. Hôn nhân là chuyện hệ trọng, phải có thời gian để hiểu nhau về gia cảnh, nghề nghiệp, đạo đức...

    Em nên chủ động cảm ơn lời tỏ tình này và đưa ra gợi ý: xem nhau là bạn nếu sau này thực sự hiểu và hợp nhau sẽ tiến đến. Em cũng thưa với bố mẹ về ý định của mình và không nên để gia đình anh đến gặp. Vì theo phong tục VN, khi hai bên gia đình đã nói chuyện với nhau, nếu sau này sự việc không thành thì rất nhiều phiền toái.

    Em nên bình tĩnh lại, giữ một khoảng cách cần thiết để có dịp cả hai người cùng tìm hiểu nhau. Mọi điều em "cảm thấy" chưa nên coi đó là tình yêu để rồi có những quyết định vội vàng. Nếu thực sự anh ấy yêu em, anh sẽ chấp nhận lời đề nghị hợp tình hợp lý này.


    Nguồn : Việt Báo
     
  2. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Những lời răn dạy của Lão Tử

    1. Tôi chỉ có ba điều để dạy: đơn giản, kiên nhẫn, lòng từ bi. Đó là 3 kho báu lớn nhất của bạn.

    2. Nếu bạn muốn có cái gì, hãy cho đi trước đã. Đó là khởi đầu của trí tuệ.

    3. Bắt đầu những việc khó khăn của bạn bằng từng bước nhỏ. Một cuộc hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước duy nhất.

    4. Trong chính tâm hồn bạn, bạn có câu trả lời, bạn biết bạn là ai và bạn biết những gì bạn muốn.

    5. Ai kiểm soát những người khác có thể là mạnh mẽ, nhưng làm chủ được chính mình mới là người có quyền năng hơn.

    6. Ai biết đủ là đủ thì sẽ luôn luôn có đủ.

    7.Người biết sẽ không nói, còn người nói sẽ không biết.

    8. Sức khỏe là sở hữu lớn nhất. Sự hài lòng là kho tàng lớn nhất. Tự tin là người bạn lớn nhất.

    9. Cuộc sống là một loạt các thay đổi tự nhiên và tự phát. Chống lại chúng chỉ tạo ra nỗi buồn. Hãy sống thực tế. Hãy để mọi thứ tự nhiên chảy về phía trước trong bất cứ cách nào họ muốn.

    10. Lấp đầy miệng bát, nó sẽ tràn. Dao mài suốt nó sẽ cùn.

    11. Được yêu thương sâu sắc bởi một người nào đó cung cấp cho bạn sức mạnh, trong khi yêu ai đó sâu sắc sẽ cho bạn sự can đảm.

    12. Tự chủ là cơ sở cho sự thành công, cho chính mình cũng như với những người khác.

    13. Nếu bạn không thay đổi hướng, bạn có thể kết thúc ở nơi bạn đang đi.

    14. Công việc lãnh đạo tốt nhất được thực hiện khi mọi người đều nói, "Chúng tôi đã làm điều đó như làm cho chính bản thân mình."

    15. Người trong cuộc xử lý các vấn đề của họ thường thất bại khi họ sắp thành công. Nếu họ vẫn cẩn thận ở vào phút cuối như đã làm ngay từ đầu, họ sẽ không có thất bại.

    16. Khi bạn hài lòng với việc chỉ đơn giản là chính mình và không so sánh hay cạnh tranh, tất cả mọi người sẽ tôn trọng bạn.

    17. Không có thiên tài lớn hơn mong muốn xa hoa. Không có cảm giác tội lỗi nào lớn hơn sự bất mãn. Và không có thảm họa nào lớn hơn sự tham lam.

    18. Đừng nghĩ rằng bạn có thể đạt được tất cả nhận thức và toàn bộ giác ngộ mà không có kỷ luật thích hợp và thực hành. Năng lượng cuộc sống của bạn ở phía ánh sáng . Nếu không có kỷ luật để thực hành chúng, bạn sẽ liên tục lùi vào bóng tối.

    19. Nổi tiếng hay toàn vẹn :cái nào quan trọng hơn? Tiền hay hạnh phúc : điều nào có giá trị hơn? Thành công hay thất bại : điều gì phá hoại hơn? Nếu bạn nhìn vào những người khác, bạn sẽ không bao giờ thực sự là chính mình. Nếu hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào tiền bạc, bạn sẽ không bao giờ hài lòng với chính mình. Hãy bằng lòng với những gì bạn có, hãy vui mừng trong mọi sự. Khi bạn nhận ra bạn không có gì là thiếu thốn, cả thế giới thuộc về bạn.

    20. Mạnh và cứng sẽ bị phá vỡ . Sự mềm mại và dẻo dai sẽ chiếm ưu thế.

    21. Suy nghĩ sẽ thành lời nói. Lời nói sẽ mang lại hành động. Hành động sẽ thành thói quen. Thói quen sẽ hình thành cá tính. Và cá tính tạo nên số phận của bạn.

    Sưu tầm
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/7/15
  3. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Tại sao phải sống lạc quan ?

    Chính vì thái độ sống lạc quan sẽ giúp chúng ta dễ dàng làm chủ được bản thân và nắm bắt mọi tình huống khó khăn để giải quyết kịp thời. Ta chỉ cần lạc quan yêu đời thì coi như mình nắm chắc 50% cơ hội thành công và phần còn lại là do sự cố gắng và thiện chí của chúng ta.

    [​IMG]

    Con người thường có cái nhìn đối với đời sống không ngoài hai vấn đề là bi quan và lạc quan. Bi quan là sao? Bi là buồn chán, thương xót. Bi quan là quan niệm nhìn đời sống trên thế gian này không có gì vui, tất cả đều chán chường, sầu thảm. Người bi quan lúc nào cũng có những nét suy tư, đăm chiêu, nản chí; có thái độ không muốn làm việc dấn thân đóng góp mà cũng không thích vui chơi, trác táng và họ trở nên thụ động, khép kín. Lạc quan là quan niệm thoải mái, vui vẻ, chấp nhận những gì có được trong hiện tại hoặc các việc đã qua, đang tới hay sắp đến. Đối nghịch với lạc quan là bi quan.

    Trong thực tế cuộc sống, ai làm người cũng không muốn mình là kẻ bi quan, chán đời vì người bi quan lúc nào cũng sống trong tâm trạng buồn chán. Người bi quan hay sống về nội tâm, họ cảm thấy mình kém may mắn, tự cho rằng mình được sinh ra dưới các vì sao xấu bởi một bàn tay vô hình nào đó đã sắp đặt và định đoạt số phận của họ.

    Con người hơn hẳn các loài vật nhờ có suy nghĩ, hiểu biết, nhưng cũng chính sự suy tư không đúng sự thật về cuộc đời sẽ giết chết lần mòn cuộc sống của người bi quan trong từng giây phút. Nhất là những con người sinh ra đời trong hoàn cảnh không được thuận lợi, tốt đẹp cho lắm về mọi mặt, họ thường suy nghĩ vẩn vơ mà không có hướng đi cùng mục đích rõ ràng. Họ mang lấy mặc cảm thua sút mọi người, do đó thường hay lẫn tránh đám đông hay ít tham dự vào sinh hoạt của cuộc sống cộng đồng xã hội.

    Cuộc sống của con người lúc nào cũng mang hai yếu tố thể xác và tinh thần. Người bi quan thường bắt đầu trong hoàn cảnh không được may mắn, cảm thấy thua sút mọi người nên hay mặc cảm, tự ti, tránh né. Nội tâm của họ hoạt động rất mạnh bởi những suy tư thiếu hiểu biết dẫn đến thái độ chán chường, bi quan và nản chí.

    Thái độ bi quan vì không nhìn thấy được lẽ thật nên họ cảm thấy bất an bởi những quan niệm đời người ngắn ngủi, mạng sống tạm bợ vì ai cũng sẽ chết, chính vì vậy mà họ ủ rũ, đăm chiêu, buồn thảm và lo lắng, sợ hãi.

    Người sống lạc quan là người luôn có thái độ sống tốt và tử tế với tất cả mọi người, luôn vui vẻ, yêu đời. Do đó, trong mối quan hệ giao tế làm ăn họ giao dịch rất dễ thành công và được nhiều người kính mến, yêu thương và tôn trọng.

    Chính thái độ sống lạc quan sẽ giúp chúng ta tự tin đối mặt với những khó khăn mà cố gắng tìm ra giải pháp để khắc phục hậu quả không tốt. Chính vì thái độ sống lạc quan sẽ giúp chúng ta dễ dàng làm chủ được bản thân và nắm bắt mọi tình huống khó khăn để giải quyết kịp thời. Ta chỉ cần lạc quan yêu đời thì coi như mình nắm chắc 50% cơ hội thành công và phần còn lại là do sự cố gắng và thiện chí của chúng ta.

    Chính vì vậy, chúng ta hãy luôn sống với tinh thần lạc quan để đón nhận niềm vui cuộc sống và hãy tìm cách chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau để được an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi, sẽ có lúc chúng ta vấp phải sai lầm và thất bại đó có thể làm chúng ta chùn bước mà bỏ mặc, phó thác số phận cho cuộc đời. Nếu quá bi quan thì chúng ta sẽ đánh mất niềm tin về nhân quả và rất có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt để làm mới lại chính mình. Khi con người luôn sống lạc quan sẽ không bao giờ thất vọng, buồn phiền mà cố gắng tìm cách khắc phục dù trong những lúc khó khăn nhất.

    Sự phát triển để nhân loại được tồn tại là một cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập nhau. Cuộc sống này luôn luôn tồn tại hai mặt tốt và xấu, có tích cực là phải có tiêu cực, có vui là phải có buồn, có sinh là phải có tử, có thiện là phải có ác,… Những mặt đối lập luôn tồn tại song song với nhau trên thế gian này, chúng ta hãy nhận thức sáng suốt để hiểu rõ điều đó mà vui vẻ lạc quan làm những gì có lợi ích cho nhân loại. Có những chuyện làm cho ta được hài lòng vừa ý, lại có những chuyện khiến cho ta đau buồn khổ sở nhưng đó là những điều không thể thiếu để tạo nên cuộc sống.

    Có nhiều người được thành công trong khoảng thời gian dài nhưng đến khi thất bại lại bị suy sụp tinh thần và sống trong tuyệt vọng. Trong cuộc sống sự thành công và thất bại là hai điều kiện luôn đồng hành với nhau, bởi nhân quả đã gieo trong quá khứ và hiện tại nên mới có người tốt-kẻ xấu.

    Mâu thuẫn là nguồn gốc của sự phát triển để thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện tại. Nếu không có mâu thuẫn đối kháng thì sẽ không có sự tiến bộ. Có nhiều khi vì những mâu thuẫn trong cuộc sống mà ta quyết tâm phải vươn lên vượt qua số phận tối tăm. Chính những mâu thuẫn đó lại giúp chúng ta mạnh mẽ hơn để đạt được thành công. Nếu nhìn nhận cuộc sống theo quan điểm đúng đắn thì sẽ thấy cuộc đời là một chuỗi nhân duyên đan xen chằng chịt diễn ra rất logic, không có gì là vô lý cả.

    Có một anh chàng nọ làm nghề lái xe sống rất lạc quan yêu đời, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào anh cũng không buồn lòng, nản chí. Trong một tai nạn bất ngờ anh bị cưa mất một chân, bạn bè đến thăm mới hỏi cuộc sống của anh lúc này ra sao, anh vui vẻ trả lời “bây giờ chỉ tốn tiền mua một chiếc giày mà thôi”. Rõ ràng, người lạc quan dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm cho họ thất chí, nản lòng mà sinh ra buồn khổ bởi mọi thứ đến với ta tốt hay xấu đều do nhân quả chi phối.

    Báo “Sức Khỏe” nói thái độ sống lạc quan yêu đời sẽ giúp chúng ta có thêm nghị lực sống, ý chí quyết tâm cũng như cách vượt qua stress và hơn thế nữa là tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Chắc bạn nghĩ đó là chuyện không thể phải không? Nhưng các nhà khoa học đã chứng minh thái độ sống lạc quan, tích cực sẽ kích thích việc sản sinh hormone Endorphin có tác dụng làm giảm đau và Serotonin giúp điều hòa tâm trạng. Hệ miễn dịch được tăng cường sẽ tăng sức đề kháng cho cơ thể và đây là một liều thuốc tự nhiên kỳ diệu. Ngược lại, thái độ bi quan, tiêu cực sẽ sản sinh Cortisol gây teo tế bào thần kinh và dẫn đến mất trí nhớ, kích thích tăng huyết áp và đường huyết, làm xơ cứng động mạch gây ra bệnh tim mạch. Bi quan tiêu cực thật sự là liều thuốc độc đối với cơ thể.

    Khi chúng ta là một người bình thường có cơm ăn áo mặc, có công ăn việc làm ổn định, có cuộc sống ấm no bên gia đình người thân và những người xung quanh thì chúng ta đã may mắn hơn nhiều người khác. Do đó, sống lạc quan với thái độ tích cực, yêu đời là chúng ta có cơ hội tốt để làm tròn bổn phận đối với gia đình và đóng góp lợi ích xã hội một cách nhiệt tình thì còn gì mà phải bi quan.

    Thay đổi tư duy và tin sâu nhân quả là quy luật sống. Những ai chỉ biết bám víu và tiếc nuối vào quá khứ sẽ đánh mất mình trong hiện tại. Chúng ta tư duy tích cực để nhận ra bản chất của cuộc đời, nhờ vậy chúng ta biết cách làm chủ bản thân để không bị rơi vào trạng thái bi quan, chán nản.

    Nếu chúng ta là người vui vẻ, lạc quan, yêu đời thì khi nhìn thấy những chiếc lá rơi ta biết đó là sự tuần hoàn sự sống của cây bởi chúng ta đang nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng. Còn nếu ta là người bi quan luôn than thân trách phận, nhìn cuộc sống bởi một màu xám xịt thì ta sẽ thấy u buồn, sầu khổ trước những hiện tượng tự nhiên đó.

    Khi chúng ta lạc quan thì cuộc sống của bản thân mình và người khác dễ dàng có sự cảm thông để giữ mối liên hệ thân thiết, càng sống lạc quan chúng ta càng có thái độ mạnh mẽ để vượt qua những vướng mắc của cuộc đời. Như chúng ta đã biết, thân và tâm của con người luôn có sự ảnh hưởng mật thiết với nhau, bất cứ một sự thay đổi nào về mặt tâm lý cũng sẽ ảnh hưởng đến thể chất và ngược lại.

    Khi chúng ta sợ hãi một điều gì đó thì tim sẽ đập nhanh và tay chân run lẩy bẩy. Khi chúng ta cảm thấy bối rối, e thẹn trước mặt người bạn khác phái thì hai má bỗng đỏ ửng, chân tay trở nên luống cuống và cảm thấy thừa thãi. Cũng vậy, khi chúng ta bi quan, buồn phiền, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng một phần nào. Trái lại, khi ta sống lạc quan, vui vẻ thì sức khỏe sẽ tốt hơn rất nhiều. Thường những người cô đơn dễ rơi vào bế tắc và hay bi quan, chán nản dẫn đến sức khỏe tiều tụy mà mau chết sớm.

    Cùng mang một căn bệnh như nhau nhưng người lạc quan có khuynh hướng mau lành bệnh hơn, trong khi đó kẻ bi quan dễ làm cho bệnh tật trở nên trầm trọng. Đó cũng là lý do vì sao bác sĩ luôn khuyến khích bệnh nhân phải cố gắng duy trì một thái độ lạc quan và không lo lắng, sợ hãi thì bệnh sẽ mau chóng hồi phục.

    Trong cuộc sống, thái độ bi quan dễ khiến chúng ta nhìn mọi sự việc trên đời với một màu đen tối. Người bi quan sẽ dễ dàng đánh mất chính mình sau những vất vả, khó khăn vì họ nghĩ rằng không còn lối thoát. Chúng ta vì sao mà cảm thấy buồn phiền, chán nản với cuộc sống? Vì chúng ta chỉ thấy mặt xấu mà không thấy mặt tích cực. Rất nhiều người vì không tin sâu nhân quả, không tin vào khả năng của chính mình nên cái thấy còn hạn hẹp bởi lòng tham lam, ích kỷ, do đó dễ sinh ra bất mãn rồi đổ thừa tại, bị, thì, là… Không có bất cứ sự việc nào xảy ra trong cuộc sống mà không có những nguyên nhân chính đáng của nó.

    Thái độ sống lạc quan là điều cần thiết để giúp chúng ta sáng suốt nhìn thấy bản chất của cuộc đời là luôn đối lập nhau. Thái độ bi quan có thể khiến chúng ta nhìn đời hoàn toàn với một màu xám xịt, nhưng thái độ sống lạc quan lại giúp chúng ta làm việc có hiệu quả cao. Người bi quan làm việc một cách lề mề, chậm chạp nên công việc khó đạt được kết quả tốt đẹp. Nhiều khi công việc không đến nỗi vất vả, nhọc nhằn cho lắm nhưng vì bi quan nên họ tự tạo thêm áp lực cho mình.

    Trong khi đó, những người sống lạc quan luôn hiểu rằng con người khó có thể làm nên những thành quả lớn lao nếu lúc nào cũng bi quan, chán nản về cuộc sống. Thái độ lạc quan của họ có ảnh hưởng hết sức tích cực đến tinh thần làm việc của nhiều người khác, nhờ vậy họ dễ dàng vượt qua những khó khăn, chướng ngại. Nói cách khác, chúng ta đừng bận tâm suy nghĩ quá nhiều đến những gì có thể xảy ra với mình mà hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp mình đang làm và hướng tới.

    Có một thực tế mà chúng ta cần phải thừa nhận là khi chúng ta vui thì những người xung quanh cũng sẽ dễ dàng cảm thấy vui theo. Trái lại, khi chúng ta buồn thì người xung quanh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Mỗi sáng thức dậy ta luôn tâm niệm ngày hôm nay sẽ cố gắng sống với thái độ lạc quan vì ta đã tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc.

    Trong cuộc sống, nếu chúng ta sống lạc quan là đã thể hiện một con người có nhân cách đạo đức biết san sẻ yêu thương, nâng đỡ người khác khi gặp bất hạnh. Sống giữa cuộc đời nhiều oan trái bởi những tâm niệm tham lam, ích kỷ, ganh ghét, tật đố, thù hận do người khác đem lại thì chỉ có những người biết mở rộng tấm lòng mới có thể sống lạc quan.

    Con người sống lạc quan là con người biết tự vươn lên vượt qua chính mình để ngày càng sống tốt hơn. Người sống bi quan sẽ dễ dàng làm nản lòng nhiều người khác nên sống lạc quan có thể giúp mọi người vượt qua mặc cảm tội lỗi và làm mới lại chính mình. Ngay cả những người đang chìm sâu trong cơn tuyệt vọng, thậm chí muốn tự tử để kết liễu cuộc đời vì cảm thấy không có lối thoát do bi quan, chán nản thì chính lạc quan là liều thuốc bổ giúp họ vượt qua số phận tối tăm.

    Sưu tầm
     
  4. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Không phải con đường nào cũng trải đầy hoa hồng

    Lạc quan là một đức tính cần thiết để xây đắp và nuôi dưỡng mối quan hệ hôn nhân. Nhưng chúng ta không chỉ có thể lạc quan với những mơ ước đẹp đẽ mà còn phải lạc quan trước những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Bởi sự thật là không phải tất cả các cuộc hôn nhân đều hoàn hảo.

    Hành trình tiến đến hôn nhân luôn đòi hỏi sự tận tụy cống hiến và hy sinh trong hiểu biết. Tin tưởng vào người bạn đồng hành của cuộc đời mình cũng như tin vào nỗ lực của bản thân, bạn sẽ có được tương lai như ý muốn.

    *****************​

    Diane Solle, nhà sáng lập Tổ chức tư vấn Hôn nhân, Gia đình và Tình yêu ở Washington, D.C, lo ngại về cách suy nghĩ của nhiều đôi bạn trẻ. Không ai trong số những cặp tình nhân trẻ tuổi nghĩ đến những khó khăn sẽ xuất hiện trong hôn nhân hoặc chuẩn bị tâm lý về giải pháp đối mặt với những vấn đề có thể xảy ra. Họ thường vẽ ra cho mình viễn cảnh về một cuộc sống gia đình hoàn hảo, một người bạn đời lý tưởng và một hạnh phúc viên mãn.

    Bà nói: “Một trong những kiến thức quan trọng nhất mà tất cả những cặp vợ chồng cần biết là sẽ có những khó khăn và trắc trở trên suốt đoạn đường họ đi. Kết hôn mới chỉ là giai đoạn bắt đầu, là cơ hội để làm cho mối quan hệ của chúng ta trở nên sâu sắc và gắn bó hơn. Hôn nhân là mối quan hệ cả đời, chúng ta không thể biến mọi việc trở nên êm đẹp và theo như ý muốn chỉ sau vài tuần chung sống. Mỗi người đều cần thời gian để đón nhận vai trò mới của mình. Các cặp vợ chồng đi được đến đích sẽ hiểu ra rằng sự khác biệt giữa hai người là một điều bình thường, thậm chí còn có ích nữa”.

    Trích từ "Bí mật hành trình tình yêu" - David Niven
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/7/15
  5. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Động lực thực sự luôn bắt nguồn từ bên trong

    “Dù bạn là ai hoặc bạn bao nhiêu tuổi, nếu muốn thành đạt, thì động lực cho sự thành đạt đó nhất thiết phải xuất phát từ chính bên trong con người bạn.” - Paul J. Meyer.

    I. Động lực là gì và xuất phát từ đâu ?

    Động lực là một khái niệm cụ thể nhưng dễ dẫn đến hiểu lầm. Nhiều người, khi nghe nói từ này thường liên hệ đến những câu như “Hãy chiến đấu và chiến thắng vì màu cờ sắc áo của Gipper”, câu nói của huấn luyện viên bóng đá bầu dục huyền thoại Knute Rockne khi nói với các học trò của mình; hoặc Vince Lombardi lên tinh thần cho các cầu thủ đội Green Bay Packers rằng “Ý chí chiến thắng là trên hết”. Nhưng đó không phải là động lực; đó chỉ là sự kích thích nhất thời. Trong thể thao thường đòi hỏi sử dụng năng lượng thể chất cao độ trong một quãng thời gian ngắn, sự kích thích là cực kỳ cần thiết, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, sự kích thích như thế sẽ không đi đến đâu. Dĩ nhiên là trừ khi luôn có ai đó bên bạn và cổ vũ: “Cố lên, cố lên! Chiến thắng! Phải chiến thắng! Chiến thắng!”.

    Có lẽ tôi không là tuýp người hét to “Cố lên! Cố lên” để khích lệ người khác. Làm như thế thoạt đầu nghe có vẻ phấn chấn song khi không còn hô vang những lời khích lệ thì động lực ấy cũng không còn hiệu lực nữa. Vì thế, thay vì cố gắng tạo động lực ở họ, tôi giúp họ hiểu động lực là gì, xuất phát từ đâu, làm thế nào để tự tạo động lực cho mình. Và chính mỗi người phải duy trì động lực cho bản thân bằng những lời khích lệ cần thiết.

    Các nhà tâm lý vẫn chưa thống nhất về lý do tại sao một số người tìm thấy động lực trong cuộc sống trong khi một số khác thì không. Theo tôi, khi nhìn lại những gì lịch sử đã viết về những người thành đạt, họ luôn tự tạo ra động lực cho bản thân mà không cần dựa vào những yếu tố bên ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên hiểu rằng “động lực” là cái đến từ bên trong mỗi cá nhân, hơn là do tác động từ bên ngoài, thúc đẩy chúng ta hành động. Nói cách khác, mọi hành động của chúng ta đều có động cơ, có lý do. Chúng xuất phát từ những nhu cầu sâu xa bên trong. Chúng ta cần phải nghĩ về chính chúng ta. Động lực nằm trong chính những suy tư ấy.

    Khi là một động lực thực sự, nó có thể thúc đẩy chúng ta đi đến thành công ngoài sức tưởng tượng.

    II. Ba yếu tố để tạo động lực

    Hãy suy nghĩ về mục tiêu quan trọng mà bạn muốn đạt tới – một mục tiêu mà bạn mong muốn đạt được trong tương lai và thử trả lời 3 câu hỏi sau:

    - Bạn có đủ khát vọng để vươn đến đích không?

    - Bạn có thực sự tin là bạn có thể đạt được mục tiêu đó không?

    - Bạn có hình dung rõ về mục tiêu mà bạn mong muốn đạt được không?

    Nếu các câu trả lời là “Có” thì đó chính là những chìa khóa giúp bạn tự tạo động cơ cho chính mình.

    III. Khát vọng

    “Động lực xuất phát từ những khát vọng thực sự…” - Denis Waitley

    Khát vọng là hạt giống mà từ đó mọi sự thành công nẩy nở và phát triển. Nó xác định bạn sẽ trở thành một con người bình thường hay thành đạt trong cuộc sống.

    Khát vọng khác với khả năng, là điểm khác biệt giữa người bình thường với người thành công. Chính khát vọng tạo nên điều kiện để người bình thường đạt được những điều phi thường. Tôi thích nhóm từ mà người xưa hay dùng là “khát vọng cháy bỏng” vì nó quá quá súc tích. Người có khát vọng hầu như không thể dừng lại, cả trong suy nghĩ lẫn hành động.

    Ngọn lửa khát vọng cháy càng mạnh, lòng quyết tâm càng lớn thì càng dễ đạt đến thành công.

    Một thí dụ về điều này là câu chuyện về Barbara, một phụ nữ theo học lớp của tôi ở trường đại học. Ở tuổi 45, cô trở lại trường sau một thời gian dài nghỉ học. Dễ hiểu là cô hơi lúng túng một chút lúc ban đầu. Cô nói chỉ muốn lấy bằng cử nhân, loại trung bình cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Nhưng sau đó, cô bắt đầu ấp ủ một khát vọng mạnh mẽ là không chỉ được học, được tốt nghiệp, mà phải học thật giỏi. Những kiểm tra đầu tiên của cô được xếp loại xuất sắc. Tôi gợi ý cô nên đặt mục tiêu cho mình cao hơn một chút nữa. Cô cười thật rạng rỡ! Barbara đã tốt nghiệp loại xuất sắc và nhận được học bổng tiếp tục học lên trình độ thạc sĩ.

    Một khía cạnh quan trọng của khát vọng là sự cam kết thực hiện lời hứa với chính mình. Điều này giúp chúng ta không nản chí khi theo đuổi con đường đã chọn cho dù gặp phải những trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua.

    IV. Niềm tin

    “Cơ hội dẫn đến thành công luôn được đo bởi niềm tin của chính bạn.” - Robert Collier

    Cách nay vài năm, tôi nhận thấy phần lớn sinh viên của mình bị tê liệt vì một chứng bệnh, khiến họ không sinh hoạt được như những người bình thường. Đúng là một chứng bệnh đáng sợ và dễ lây lan. Điều này lạ nhất là hầu như chẳng có sinh viên nào ý thức mình đang bị mắc bệnh. Thậm chí tôi cũng không biết gọi tên nó là gì, chỉ biết tạm gọi là “luôn bào chữa cho những việc làm không được”. Họ đáp lại bằng những cái nhìn ngạc nhiên và đồng thanh thốt lên “Thế à?”.

    Tôi mở một tập giấy và nói: “Trong ngày hôm nay, hễ ai có câu bào chữa nào, hoặc nghe người khác bào chữa, thì hãy viết những câu bào chữa đó vào một tờ giấy. Ngày mai, khi đến trường, hãy chép tất cả các câu bào chữa đó vào tập giấy này”.

    Sáng hôm sau, tập giấy của tôi đầy kín chữ, thậm chí tôi còn phải dùng thêm một tập giấy khác. Toàn bộ nội dung trong đó là những lời bào chữa cho lý do tại sao người ta nghĩ là mình không thể làm được điều này việc kia. Tôi hỏi các sinh viên rằng ai có thể giải thích tại sao tôi lại xếp thói quen “hay đưa ra lời bào chữa” là một chứng bệnh. Cậu sinh viên kín tiếng nhất lớp, lần đầu tiên giơ tay, nói những lời chí lý: “Nếu chúng ta luôn tìm kiếm lý do để bào chữa cho việc ta không làm được thì chúng ta cũng sẽ không bao giờ tìm ra biện pháp để thực hiện những việc đó”.

    Thật ra, chúng ta có nhiều khả năng hơn chúng ta tưởng và ít khi chúng ta sử dụng đến nguồn năng lực nội tại này. Bước đầu tiên để đánh thức những tiềm năng đó là gia tăng niềm tin vào chính chúng ta, ít nhất đủ để cố gắng, thậm chí để chấp nhận thất bại. Niềm tin ban đầu đó sẽ mang đến những thành tựu nho nhỏ và dần vun đắp sự tự tin của bạn.

    V. Biết tưởng tượng, hình dung ra trước kết quả

    “Bạn cần hình dung rõ kết quả mình sẽ đạt được trước khi bắt tay vào thực hiện.” - Alex Morrison

    Đầu những năm 1930, một kỹ sư tên Joseph Strauss thường đi công tác đến một công trường ở San Francisco, nơi ông có thể ngắm cảnh từ một phía của vịnh San Francisco hoang vu. Trong trí óc, ông luôn hình dung bức tranh về một chiếc cầu nối liền hai phía. Càng nghĩ, bức tranh về chiếc cầu càng hiện rõ trong ông. Và ông đã bắt đầu thực hiện việc xây dựng chiếc cầu trong mơ đó trong những điều kiện địa lý và thời tiết cùng biết bao khó khăn khác. Và đến năm 2005, người Mỹ kỉ niệm lần thứ 68 ngày khánh thành chiếc cầu nổi tiếng Golden Gate – niềm tự hào của người Mỹ.

    Năm 1961, Tổng thống John Kennedy nói rằng, người Mỹ nên hướng tới mục tiêu đưa con người lên mặt trăng và trở về trái đất an toàn trước khi thập niên chấm dứt. Hàng triệu người cho rằng điều đó là không thể được, nhưng tại NASA có một nhóm nhân viên đã hình dung trước viễn cảnh đó và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Khi chúng ta chứng kiến Neil Amstrong đi bộ trên mặt trăng và trở về trái đất vào năm 1969, thì nhóm người làm việc tại NASA đã từng “xem” những thước phim đó hàng ngàn lần trong trí tưởng tượng của họ rồi.

    Khi Bill Gates đang học tại trường Havard, chiếc máy vi tính cá nhân hãy còn ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Nhiều người xem chiếc máy vi tính như là một chiếc máy dùng để lưu trữ dữ liệu và để xử lí văn bản. Thế nhưng Gates đã nhận ra những khả năng khác nữa: Ông thường nghĩ về chúng khi ngồi nghe giảng những môn học mà ông không mấy thích thú. Ông còn hình dung ra những phần mềm mà sau này làm nên cuộc cách mạng trong cuộc sống của chúng ta. Bức tranh trong sự tưởng tượng đó được chuyển thành những bản thiết kế giấy, và ai trong chúng ta cũng đều biết rõ phần sau của câu chuyện.

    Tôi gọi tất cả những hành động trên là hình dung sự việc trong trí não. Khi hình dung hành động của chúng ta càng rõ ràng và càng thường xuyên bao nhiêu thì khả năng thực hiện càng nhiều bấy nhiêu.

    Hình ảnh trong trí óc của ta là động lực thúc đẩy chúng ta hành động để đi đến thành công. Nếu bạn ấp ủ một khát vọng cháy bỏng, một niềm tin sắt đá, và hình dung trong tâm trí rõ ràng về công việc mình sẽ thực hiện thì bạn đã có được động lực dẫn đến thành công.

    “Một khi bạn có một đam mê, một khát vọng cháy bỏng – Bạn sẽ thành công.” - Khuyết danh

    Trích từ "Những bài học cuộc sống" - Hal Urban
     
  6. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Nhường nhịn là thua thiệt ?

    Trong lớp, em là một sinh viên bình thường, không có điểm gì nổi bật. Tính em ít nói, hay nhường nhịn. Thỉnh thoảng thấy các bạn có vẻ lấn lướt, em hơi khó chịu nhưng cũng chỉ cười trừ rồi cho qua. Một số bạn cho rằng em cư xử như vậy là dại dột, vì nhường nhịn sẽ thua thiệt. Muốn thành công, mình phải chặn đầu, cản lối, đừng để ai vượt qua mình.

    Em không đồng tình với suy nghĩ đó của các bạn, nhưng cũng... chẳng tranh cãi làm gì. Bởi đôi lúc trên đường, em thấy người ta chẳng chịu nhường nhau một bánh xe, để rồi tất cả phải đứng lại giữa trời nắng, phải hao tốn xăng xe, hít khói bụi trong trạng thái hết sức bực bội... Đó chẳng phải là dại dột hay sao? Như vậy, nhường nhịn đâu hẳn là thua thiệt phải không cô?

    [email protected]

    ***************​

    - Trả lời tư vấn của Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng:

    Không ít người có tính cách ưa thích sự nổi trội, vượt hơn người khác và không chịu thua kém ai. Điều đó cũng có ý nghĩa tích cực, giúp họ có động lực mạnh mẽ để phấn đấu.

    Nhưng sự "bon chen" cũng khiến họ mệt mỏi, căng thẳng và day dứt khi "lực bất tòng tâm".

    Thông thường, người có thái độ nhường nhịn có vẻ thiệt thòi hơn, ít có cơ hội và ít được hưởng điều kiện tốt nhất so với những người có tính lấn lướt người khác. Nhưng không phải lúc nào sự nhường nhịn cũng gây thua thiệt, như em đã phân tích về hiện tượng giao thông trên đường phố.

    Chủ động nhường nhịn trước hết tạo sự bình an trong tâm trí, có thể giúp ta tìm ra cách giải quyết tốt đẹp cho cả đôi bên, hơn là sự đối đầu quyết liệt để giành phần hơn về mình.

    Tuy vậy, nhường nhịn quá mức có khi lại là sự nhu nhược, vô tình dung túng cho sự bất công, tạo ra phiền muộn, bất mãn trong quan hệ giữa người với người. Vì thế, thái độ nhường nhịn chỉ có ý nghĩa tích cực khi mang lợi ích cho nhiều người nhưng sự thiệt thòi không lớn đến mức gây tổn hại cho bản thân.


    Nguồn : Phụ Nữ Online
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/7/15
  7. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Cầu mong bạn sẽ…

    Cầu mong bạn sẽ tìm được sự thanh thản và yên bình trong một thế giới có nhiều điều mà bạn không thể hiểu được.

    Cầu mong nỗi đau mà bạn chịu đựng cũng như những xung đột mà bạn từng trải qua sẽ trao cho bạn sức mạnh để bạn vươn lên, đối diện những thử thách với lòng dũng cảm và sự lạc quan. Bạn hãy luôn biết rằng có một người nào đó hiểu và yêu bạn, người đó luôn ở cạnh bạn ngay cả khi bạn cảm thấy cô độc nhất.

    Cầu mong bạn sẽ khám phá sâu sắc lòng tốt của người khác để tin tưởng vào một thế giới yên bình.

    Cầu mong một lời tử tế, một cử chỉ làm yên lòng, một nụ cười nồng ấm sẽ được tặng cho bạn hằng ngày.

    Và, cầu mong, bạn hãy trao tặng những món quà như vậy cho người khác ngay khi bạn nhận được chúng.

    Hãy nhớ, mặt trời vẫn chiếu sáng khi cơn bão có vẻ như kéo dài vô tận. Bạn hãy hiểu rằng một người yêu thương bạn thật sự là khi họ không ở bên cạnh nhưng bạn vẫn cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm của người ấy.

    Hãy nhớ rằng trong cuộc sống những va chạm và đau khổ mà bạn gặp phải sẽ ít hơn nhiều so với những ước mơ và hạnh phúc mà bạn sẽ có.

    Cầu mong những điều mà bạn cảm thấy là khiếm khuyết trong hiện tại sẽ trở thành thế mạnh của bạn trong tương lai.

    Cầu mong bạn nhìn thấy tương lai của bạn như là một người đầy đủ sự hứa hẹn và những khả năng.

    Cầu mong bạn tìm thấy đầy đủ sức mạnh tinh thần để tự quyết định trong những tình huống tệ hại mà không bị bất cứ một người nào phán xử vì kết quả đó.

    Cầu mong bạn luôn luôn cảm thấy được yêu thương.

    Sưu tầm
     
  8. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Tự sự của Kỳ Duyên sau ly hôn

    Sự tan vỡ của đôi trai tài gái sắc Kỳ Duyên – Trịnh Hội làm bao người phải nuối tiếc. Sau những râm ran tin đồn, họ đã lịch sự ra một bản thông báo chung rằng “chúng tôi đã chia tay trong êm thấm”. Sau đớn đau, Kỳ Duyên đã tự rút ra cho mình những bài học quý giá về hôn nhân. Bài viết này của cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên được đăng tải trên website cá nhân.

    Trên một bờ biển thần tiên, khi ánh nắng cuối cùng nhuộm đỏ rực những áng mây in trên nền trời tím, tôi đã nhìn sâu vào mắt anh để trao đổi lời thề “trọn kiếp bên nhau.” Quanh tôi tiếng sóng rì rào những nốt nhạc tình êm ái nhất. Trong giây phút thiêng liêng đó tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự vĩnh cửu của tình yêu. Tại sao không? Tôi yêu anh. Anh yêu tôi. Như vậy là chúng ta đã học được bài học “quý giá nhất” rồi còn gì nữa?

    Hôm nay sau khi ký đơn ly dị, tôi bước ra khỏi văn phòng luật sư và chợt nhớ tới câu hát xưa. Tôi bùi ngùi tự hỏi “mình đã thật sự học được gì?” Có lẽ điều đầu tiên tôi học được (và chắc không phải là điều “quý giá nhất”) là “Love is not enough.” Có nghĩa là tình yêu một mình không đủ để đưa đến cuộc hôn nhân thành công. Thành công theo định nghĩa của tôi là mình sống hạnh phúc trong hôn nhân. Mình ở với người đó không phải vì bổn phận, con cái, tiền bạc, xã hội, gia đình, lễ giáo… nhưng vì người đó là nửa phần hồn của mình, là người bạn tri kỷ, là nơi để mình quay về và nương tựa. Một người hiểu mình sâu sắc để mình có thể trò chuyện, thủ thỉ, tâm sự, chia sẻ, cười đùa và nhất là cho mình cảm thấy mình được nâng niu, quý trọng và yêu thương.

    Tôi biết nhiều cặp ở với nhau vì họ không có sự lựa chọn nào khác, hoặc có, nhưng họ không đủ can đảm để quyết định ra đi, họ vẫn sống với nhau – sống trong sự thầm lặng bất mãn triền miên. Như vậy là ăn gian. Không kể! Thành công trong hôn nhân là khi nào mình có tất cả sự lựa chọn và điều kiện, nhưng mình vẫn ở với người đó vì “Tôi quyết định chọn anh. Tôi yêu anh. Tôi không thể tưởng tượng có thể sống bên ai khác ngoài anh”.

    Nhưng nếu hai người cùng yêu nhau, cùng là người tốt mà còn chưa đủ để đưa tới cuộc hôn nhân thành công thì thế nào mới đủ? Theo tôi, và đây là bài học thứ nhì (khá “quý giá”), là chúng ta cần thêm sự hiểu biết về tâm lý, vai trò vợ chồng và cách ứng xử trong quan hệ lứa đôi (tiếng Việt nói dài dòng vì tôi không biết dịch chính xác tiếng Anh gọi là “relationship skills”). Tại sao tôi nói như vậy? Vì tôi mới đọc xong cuốn sách mà tôi phải gọi là “Cửu Dương Chân Kinh” của tình yêu và hôn nhân, đó là cuốn “Men are from Mars, Women are from Venus” (“Đàn ông đến từ Mars, Đàn bà đến từ Venus”).

    Cuốn sách này nói về tâm lý, sự khác biệt giữa đàn ông/đàn bà và ảnh hưởng của sự khác biệt đó trong hôn nhân. Càng đọc tôi càng thấy tôi với tất cả ngu ngơ lầm lẫn. Tôi bừng tỉnh “Ủa?… tôi làm vậy vì tôi yêu anh…tôi tưởng làm cho anh vui… té ra chỉ làm anh thêm bực mình?”. Không phải vì anh khó chịu nhưng vì tôi cho anh những thứ anh không cần còn những cái anh cần tôi không biết để cho. Ngược lại tôi thấy anh với tất cả những cố gắng. Không phải anh không yêu tôi, nhưng anh không biết yêu tôi như cách tôi muốn được yêu. À há! Thì ra là vậy! Nhưng có lẽ khám phá hay nhất mà tôi thấy được là tôi và anh đều bình thường như mọi cặp khác. Bao nhiêu trường hợp tương tự, bao nhiêu ngàn người đã trải qua y hệt những gì chúng tôi đã đi qua. Không phải vì họ không yêu nhau, không muốn có cuộc hôn nhân bền vững, nhưng vì họ không biết cách diễn đạt tình yêu để đối tượng có thể cảm nhận được. Họ, như anh và tôi, đều là những đứa trẻ mồ côi lạc loài đáng thương trong tình yêu. Hiểu được điều này giúp tôi trút đi gánh nặng của tâm hồn. Tôi không còn trách anh, và quan trọng hơn… tôi tha thứ cho tôi.

    Thiết nghĩ nếu tôi nắm vững những bài học về tâm lý này trước khi bước vào hôn nhân thì có thể tôi tránh được những khúc gãy của cuộc đời hay ít ra cũng đi qua một cách nhẹ nhàng hơn. Nhưng làm sao tôi biết được? Có ai dạy tôi đâu? Có ai khuyên tôi nên học và nghiên cứu về vấn đề này đâu? Thường khi lấy nhau chúng ta chỉ được nghe những câu chúc phúc hoặc cùng lắm là những lời khuyên đại khái như “ráng giữ đạo vợ chồng” “thương yêu lo lắng cho nhau”, “tôn trọng nhau, nhường nhịn nhau”… Rồi! Biết như vậy là đủ rồi đó! Hãy đưa nhau đi đến cuối cuộc đời “dù cho mưa hay cho bão tố có kéo qua đây”… hèn chi tỷ lệ ly dị bây giờ hơn 50 phần trăm.

    Tôi chợt nghĩ trong bất cứ ngành nghề gì như là thư ký, kỹ sư, bác sĩ hay những nghề phục vụ như cắt tóc, làm móng tay, nấu ăn… nói chung là mọi ngành, chúng ta đều cần học tập và được hướng dẫn nhưng có hai việc làm quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta là “nghề” làm vợ/chồng và “nghề” làm cha/mẹ thì chúng ta chẳng học hỏi gì cả. Chúng ta “làm đại” theo kiểu “trial and error” (“thí nghiệm và sửa sai”) được thì tốt… không được thì thôi! Chúng ta chỉ biết đổ lỗi cho duyên số, định mệnh và nếu thành công là nhờ sự may mắn. Như vậy thì buồn quá phải không? Vì hơn nửa dân số ở Mỹ thuộc thành phần kém may mắn. Và sau khi thất bại lần đầu chúng ta lại gói ghém tất cả những tư tưởng sai lầm vốn có sẵn cộng thêm những kinh nghiệm đau thương vừa trải qua để dồn vào cuộc tình mới. Vì vậy không ngạc nhiên khi thống kê cho thấy rằng tỷ lệ ly dị của những cuộc hôn nhân lần thứ hai lên tới 60 phần trăm. Có nghĩa là “chuyển từ bại thành xụi.” Nhưng dù vậy con người bao giờ cũng sống trong hy vọng vì trong số người đã ly dị rồi thì 85 phần trăm sẽ tái hôn. Như đại văn hào Samuel Johnson đã nói “Remarriage is the triumph of hope over experience” (“Tái hôn nhân là sự chiến thắng của hy vọng vượt trên kinh nghiệm”).

    Còn về chức năng làm cha mẹ? Ai dạy cho ta cách dạy con? Ta có học hỏi, trao dồi, nghiên cứu không? Hay ta cứ lập đi lập lại và bắt chước cách thức của cha mẹ mình để lại? Ta có bao giờ dám tự hỏi cha me mình dạy có đúng không? Và cách dạy dỗ cũng như tư tưởng của thế hệ trước có còn thích hợp cho thế hệ sau không? Và nếu không đúng hoặc không còn thích hợp thì mình dạy con mình cái gì? Vì mình cũng chỉ biết bấy nhiêu đó thôi…

    Đối với tôi bài học quý giá nhất là yêu không chưa đủ, mà tình yêu (tình vợ chồng, tình con cái) cần thêm sự hiểu biết và công phu rèn luyện, như bao việc làm khác, để được thành công. Ví dụ một cô ca sĩ yêu hát, yêu với tất cả con tim và sự đam mê cuồng nhiệt, nhưng nếu cô không học hát, không luyện thanh, không học nhạc lý, thì chắc chắn cô sẽ không thành một người ca sĩ nổi tiếng. Và rất may cho tôi là những sách vở, tài liệu, nghiên cứu về hôn nhân, tình yêu, cách làm cha mẹ… có đầy rẫy trên thị trường để tôi học hỏi.

    Vì vậy lần sau (vẫn phải còn niềm tin chứ!) trước khi bước vào tình yêu tôi sẽ bước vào thư viện, bước vào tiệm sách, lướt trên internet… Tôi cần phải học hỏi thật nhiều, nhất là về giáo dục con cái. Trong vai trò làm vợ, tôi đã thất bại… hy vọng sẽ có cơ hội lần nữa. Nhưng trong vai trò làm mẹ tôi không thể thất bại vì tôi chỉ có một cơ hội duy nhất mà thôi.

    Nguồn : kyduyenhouse
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/7/15
  9. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Thế nào là tình yêu thật sự?

    Tình yêu là kiên nhẫn, tình yêu là tử tế. Tình yêu là không ghen tị, không khoe khoang; tình yêu là không tự mãn.

    Tình yêu là không thô bạo, tình yêu là không tự tư tự lợi, tình yêu không dễ bị nổi giận, tình yêu là không ghi nhớ về những sai lầm.

    Tình yêu không cổ vũ cái xấu mà hoan hỉ trước sự thật.

    Tình yêu là luôn luôn bảo vệ, luôn luôn tin tưởng, luôn luôn hi vọng và luôn luôn bền gan bền chí.

    Tình yêu không bao giờ thất bại.


    Trên đây là những đặc điểm của tình yêu thật sự. Những phẩm chất này có thể tìm thấy ở tất cả những mối quan hệ mà trong đó người ta thật sự yêu thương nhau. Vấn đề của việc cố gắng đi tìm tình yêu thông qua sự mai mối là chúng ta không tìm kiếm những phẩm chất này. Chúng ta chỉ chú ý đến vẻ bên ngoài hay sự giàu có.

    Biểu hiện của tình yêu là sự tận tụy và hành động, không phải là cảm giác.

    Tình yêu không chỉ dựa vào cách chúng ta cảm nhận. Tất nhiên, cảm giác cũng có mặt trong tình yêu, nhưng cảm giác không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đo tình yêu. Sự tận tụy thật sự luôn luôn dẫn đến tình yêu thật sự.

    Tình dục không phải là tình yêu! Tình dục và tình yêu không phải là một. Tình dục là một hoạt động đẹp đẽ nếu nó diễn ra trong ranh giới của hôn nhân. Tình dục là sự hoàn thiện của việc gắn bó giữa hai người trong một cuộc hôn nhân, tình dục như thể là một món quà của Chúa.

    Bởi vì tình dục tiền hôn nhân không phải là tình yêu cho nên nó chỉ dẫn đến những đau khổ và thất vọng cho những người đang muốn tìm kiếm tình yêu.

    Khi thật sự yêu một người, chúng ta thành tâm chuẩn bị để gắn bó cuộc đời với người đó.

    Chúng ta có thể nói rằng mình đang thật sự yêu khi chúng ta hoàn toàn thành thực với chính mình và hiểu mức độ cam kết mà một tình yêu thật sự sẽ mang đến.

    Hãy nhớ rằng tình yêu thật sự không đến từ sự lựa chọn, mà đến từ sự tình cờ.

    Trác Nhi (Theo Daily Guide)
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/7/15
  10. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Kết thúc có hậu?

    Em và người yêu đang học đại học năm thứ ba, chúng em yêu nhau gần hai năm nay.

    Nhưng có lần em nghe thầy cô nhận xét rằng, tình yêu thời sinh viên tuy đẹp nhưng thường không “kết thúc có hậu”.

    Từ đó em hơi lo lắng về tình yêu của mình, vì em thấy thầy cô nói cũng có lý, nhất là khi em và người yêu cùng tuổi, e rằng khi ra trường anh ấy sẽ không vội vã chuyện đám cưới… Mặc dù hiện nay giữa hai đứa chưa xảy ra chuyện gì, nhưng em đang do dự, không biết cần phải ứng xử thế nào với tình yêu của mình.

    Thu Hòa (Bình Dương)

    ****************​

    - Trả lời tư vấn của Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng :

    Thu Hòa mến,

    Ai cũng mong muốn tình yêu của mình đẹp và bền vững để cùng nhau tiến tới hôn nhân.

    Tình yêu thời sinh viên thường lãng mạn, dào dạt cảm xúc với nhiều ước mơ bay bổng.... nhưng chưa thể khẳng định sự bền vững vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Sinh viên đang trong quá trình rèn luyện nghề nghiệp, các đặc điểm nhân cách sẽ còn biến đổi, phát triển theo những yêu cầu của thực tế nghề nghiệp và những tác động của cuộc sống...

    Nhiều bạn chưa nhận thức rõ về bản thân nên dễ ngộ nhận, “tưởng rằng đã yêu”. Vì vậy, để có thể tìm thấy tình yêu đích thực, các bạn trẻ cần tích cực khám phá và nhận biết bản thân mình song song với việc tìm hiểu, nhận biết về đối tượng.

    Tình yêu cần được trải nghiệm qua những thử thách nên hai người đừng vội gắn kết hoặc ràng buộc sớm với nhau mà hãy để tình cảm phát triển tự nhiên. Em và bạn trai nên tiếp tục cư xử tốt đẹp với nhau để vun đắp tình cảm với hy vọng tình yêu sẽ “song hành” với sự trưởng thành của cả hai, em nhé!


    Nguồn : Phụ Nữ Online
     
  11. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Sống thử trước hôn nhân : nên hay không ?

    Tình cờ lướt mạng, langtu đọc được tâm sự của các bạn trẻ về một vấn đề nóng bổng hiện nay Sống thử trước hôn nhân : nên hay không ?. Đa số các bạn nam đồng ý với việc sống thử trước hôn nhân và xem đó là bình thường. Tuy nhiên, các bạn nữ vẫn luôn e dè.

    Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Công Vinh chia sẻ : “Việc sống chung trước hôn nhân không quan trọng. Điều quan trọng là phải biết cách tổ chức đời sống hôn nhân cho tốt và hiểu biết về vấn đề này”.

    Xin mời các bạn cùng đọc quan điểm của các bạn trẻ từ khắp miền đất nước để từ đó rút ra kinh nghiệm hửu ích và thích hợp cho bản thân.

    ***************​

    Sống chung đâu phải là sống thử

    * Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình Việt Nam truyền thống. Lại là con trưởng nên từ nhỏ tôi đi đâu làm gì cũng phải làm gương cho các em. Vấn đề học tập và nề nếp của tôi là niềm tự hào của ba mẹ tôi. Vì thế, khi bắt đầu một mối quan hệ với ai tôi đều cân nhắc thật kỹ lưỡng. Nhưng không vì thế mà tôi quá cứng nhắc với bản thân.

    Tôi có cơ hội đi nhiều nước, được tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau cho nên trong tư tưởng của tôi tình yêu là điều gì đó rất thiêng liêng mà tạo hóa đã ban cho con người...

    Tôi và người yêu quen nhau được hai năm. Cả hai chúng tôi đều đang ở Anh. Tôi chỉ mới sang du học được hai năm nhưng anh đã sống ở đây hơn bảy năm rồi nên tư tưởng và lối sống của anh ít nhiều cũng bị ảnh hưởng lối sống phương Tây, nhưng không vì thế mà anh mất đi nét văn hóa Việt Nam.

    Anh rất yêu tôi và nghiêm túc về vấn đề tình cảm với tôi. Anh muốn cùng tôi xây dựng tương lai và khi tôi học xong cả hai cùng quay về Việt Nam. Vì quá yêu anh nên trong hôm sinh nhật tôi, cả anh và tôi đều uống một ít rượu và tôi đã trao cho anh tất cả.

    Không phải vì tôi quá say mà mất đi lý trí. Tôi thấy thật hạnh phúc vì cả hai chúng tôi đều nghiêm túc yêu nhau. Anh là mối tình đầu của tôi và tôi nghĩ sẽ là duy nhất. Kỳ nghỉ hè này tôi không về Việt Nam mà dọn tới sống chung với anh. Tuy sống chung nhưng cả hai chúng tôi đều có những nội quy đặt ra cho từng người. Anh không bao giờ ép buộc tôi khi tôi không muốn.

    Càng ở gần tôi thấy anh càng có trách nhiệm với tôi hơn, yêu tôi nhiều hơn. Tôi nghĩ nếu sau này chúng tôi có tiến đến hôn nhân thì anh sẽ là người chồng rẫt mẫu mực và trách nhiệm. Tôi rất hạnh phúc vì tôi đang sống chung với anh, vì tôi được chăm sóc anh và tôi nghĩ rằng dù sau này chúng tôi có chia tay thi tôi cũng không bao giờ hối hận vì đã yêu anh.

    Tôi không bao giờ nghĩ chúng tôi đang sống thử vì tất cả mọi thứ đang diễn ra đều là thật. Chỉ thiếu một đám cưới linh đình và tờ hôn thú ràng buộc. Nhưng tôi tin nếu cả hai ràng buộc nhau bằng trái tim thì cho dù có hôn thú hay không thì đối với chúng tôi cũng không quan trọng.

    Sweetdream
    ===========​

    * Hiện tôi học ở Mỹ, một đất nước ai cũng biết vấn đề giới tính có phần thoáng, người ta yêu nhau và chia tay giống như... cơm bữa. Lối sống của nhiều bạn trẻ ở đây đã dẫn đến biết bao chuyện thương tâm xảy ra. Hằng năm có hàng ngàn ca phá thai, có quá nhiều bà mẹ trẻ trong độ tuổi đến trường...

    Quan niệm "sống thử" của tôi chắc không giống với nhiều người khác khi nghĩ rằng đối tượng mình đang yêu phải chăng là một nửa đích thực của đời mình? Vì muốn làm chắc chắn hay làm sáng tỏ vấn đề, họ chuyển về sống với nhau, sinh hoạt với nhau như những cặp vợ chồng thông thường. Tất nhiên cũng không ngoại trừ khả năng quan hệ tình dục, có thai và những vấn đề khác nảy sinh.

    Đối với tôi, cách sống thử cũng như thời gian đôi lứa tìm hiểu nhau, nếu có cơ hội sống gần nhau để chăm sóc, an ủi nhau những lúc buồn và cùng chia sẻ với nhau những niềm vui nho nhỏ cũng là điều tốt.

    Tôi không muốn dùng chữ sống thử, nghe qua có cảm giác... rất kỳ, và nhiều người khi nghe nói tới sống thử thì thế nào cũng nghĩ ngay trước tiên là vấn đề tình dục! Tôi không kịch liệt phản đối nhưng tôi cũng không ngăn cản. Nếu cả hai người nam và nữ thật sự trưởng thành, thật sự vững vàng về mọi mặt, nhưng vì vài lý do nào đó người ta chưa thể tiến tới hôn nhân, tôi nghĩ rằng người ta cũng có thể sống với nhau.

    Và nếu trường hợp có con với nhau thì cả hai cùng phải có trách nhiệm. Nói như thế có nghĩa nếu "anh, chị" nhắm chừng có thể đảm nhiệm được vai trò "vợ chồng trước hôn nhân" thì sống thử sẽ không còn là vấn đề lớn.

    Michael Tran

    ************​

    “Sống thử - tôi không muốn đánh cuộc”

    * Chúng tôi quen nhau từ thời cấp 3, là đồng hương và hiểu nhau sâu sắc, yêu nhau 6 năm, chỉ đợi ổn định mọi thứ để cưới nhau nhưng chúng tôi không sống thử.

    Tôi không hiểu tại sao phải "sống thử" trong khi chúng ta còn cả quãng thời gian dài phía trước để "sống thật"? Và tại sao chúng ta không sống đúng với tuổi của mình - lứa tuổi mà bạn sẽ hòa nhập cùng xã hội, giao lưu với bạn bè, dành thời gian cho riêng mình và khám phá những nhớ nhung, giận hờn, những cung bậc khác của tình yêu?

    Nếu sống thử tôi sẽ không bao giờ biết được giây phút háo hức chờ người yêu tôi sang đón đi chơi, hay nôn nóng sốt ruột khi đứng đợi, hay một tin nhắn chúc ngủ ngon và thôi thúc mong chờ buổi sáng mai nhìn thấy nhau. Hay chỉ một ánh mắt tiếc nuối khi phải chia tay nhau trong một buổi tối để ai về nhà nấy.

    Và hơn nữa, tôi biết không cha mẹ nào lại muốn con mình sống thử hay chấp nhận chuyện con mình sống thử. Nếu vừa phải giấu giếm gia đình, đối mặt với bạn bè, đối diện với những khó khăn của việc sống thử, tôi chọn cách chờ đợi để trân trọng hơn, gìn giữ hơn cái hạnh phúc mà mình đã ấp ủ.

    Tôi biết cha mẹ tôi không phải vì cổ hũ, lạc hậu mà phản đối chuyện chúng tôi sống thử (nếu tôi xin phép mẹ) mà là sẽ lo lắng không biết dường nào nếu cuộc sống thử không như ý muốn. Tôi không muốn đánh cuộc sự lo lắng của bà lẫn cuộc sống của tôi cho việc sống thử ấy.

    Minh Hằng

    =========​

    * Quan điểm sống thử không có gì đáng lên án. Tuy nhiên, truyền thống đạo đức không phải tự dưng mà có. Chẳng lẽ ông cha ta không từng cân nhắc giữa lợi và hại trước khi biến một quan điểm trở thành thuần phong mỹ tục?

    Cũng như các bạn, tôi không lên án việc sống thử, song phải chăng chúng ta chỉ đang tìm những lý lẽ để biện hộ cho việc chung sống trước hôn nhân?

    Chúng ta cho rằng việc sống chung là để dễ dàng chăm sóc lẫn nhau, sống với nhau không chỉ vì tình dục mà để gần nhau hơn - hiểu nhau hơn, sống thử không phải là thử sống mà là sống để thử trải nghiệm - để dễ dàng hòa hợp trong đời sống hôn nhân về sau... Hãy thử nghĩ kỹ xem những lý do ấy có thật sự chính đáng không?

    Chúng ta phải thừa nhận không cần sống thử chúng ta vẫn có rất nhiều cách khác để hiểu nhau, chăm sóc nhau, để hòa hợp nhau khi tiến đến hôn nhân. Nếu chúng ta có thể thu xếp để sống cùng nhau thì sao không đưa ra giải pháp sống gần nhau, ông cha ta chẳng đã có câu "hàng xóm làng giềng tối lửa tắt đèn có nhau" là gì?

    Theo tôi, sống gần nhau hoàn toàn không có gì hạn chế việc chăm sóc nhau so với cùng chung sống. Chúng ta hùng hồn tuyên bố sống thử không vì sex, thế sao chúng ta lại chỉ nghĩ đến có quan hệ tình dục trong đó thì mới gọi là sống thử? Chúng ta bảo sống thử giúp hai người giải quyết mâu thuẫn tốt hơn, vậy lấy gì đảm bảo là chúng ta có thể vượt qua những bất đồng trong thời kỳ sống thử?

    Tôi đồng ý rằng "cái ngàn vàng" không có nghĩa tầm thường là một cái màng mỏng hay một thứ gì đó vật chất hóa. Thế nhưng nếu bạn sống thử rồi nhận ra không hợp nhau, sau đó lại sống thử và lại nhầm lẫn... cứ như thế liệu bạn có thể còn là một cô gái trinh trắng, một cô gái tốt?

    Ngọn _Cỏ

    ************​

    Chẳng lẽ cứ thử mãi sao!

    Trong một dịp tham gia lớp học “Bảo vệ sự sống, chống phá thai”, tôi rất tâm đắc với câu nói của giảng viên “Chúng ta lên án tội phá thai chứ không lên án người mắc tội phá thai”. Tôi nghĩ từ “sống thử” cũng có thể hiểu tương tự.

    Khi xã hội càng hiện đại, người ta thường cho phép bản thân mình sống thoáng hơn, sống theo những gì mình cho là đúng và không ảnh hưởng đến ai. Bản thân là một người trẻ, tôi không đồng tình với trào lưu sống thử trong giới trẻ bây giờ nhưng cũng không áp đặt suy nghĩ cấm đoán người khác không được sống thử.

    Dù dư luận xã hội là một rào cản, có khi còn phi lý kìm hãm khao khát sống theo ý mình của nhiều người, nhưng điều gì cũng có nguyên nhân. Nếu sống thử nhưng không đủ bản lĩnh và nhận thức, bạn trẻ thường dễ rơi vào lối sống buông thả và dễ dãi, xem sex là chuyện bình thường hay thích thì sống chung với nhau, không thì chia tay.

    Xã hội đặt ra những quy định ràng buộc để con người sống với nhau hài hòa và có trật tự. Nếu trật tự đó đảo lộn một cách vô tội vạ, những giá trị đích thực cũng sẽ giảm dần ý nghĩa của nó. Thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó chúng ta đi chợ, thử hết món ăn này đến món ăn khác nhưng vẫn phân vân không biết nên chọn món nào để mua thì sẽ ra sao ?

    Quan hệ tình cảm được kết hợp hai yếu tố đan xen là tình yêu và sex. Có những người thử sex thấy được nhưng tình yêu thì không, có những người thử tình yêu được nhưng sex thì không. Người may mắn nhất là người tìm được sự đồng điệu của cả hai yếu tố, họ không thấy vấn đề gì vì biết không cứ nhất thiết buộc mình mắc kẹt giữa những quan điểm “có được phép như thế này hay như thế kia” mới là đúng chuẩn.

    Tôi nghĩ vấn đề ở đây là chúng ta không nên đánh đồng nghiêng hết về một phía “một đúng, hai sai” cho một vấn đề, nhất là chuyện sống thử. Vấn đề nào cũng có hai mặt, cũng có những khuyết điểm và ưu điểm riêng. Nếu chọn cách sống cho mình, bạn nên cân nhắc giữa ưu và khuyết để quyết định đúng đắn. Có những người thử được nhưng chưa chắc đã chọn đi theo mãi những gì mình đã thử qua, nếu chẳng may họ luôn luôn muốn thử thì sao (!?).

    Đó là chưa kể những hệ lụy không nhỏ trong quá trình thử mà chúng ta để lại : một vết thương trong tâm hồn hay ám ảnh cảm giác “phải chăng tình yêu chỉ là sự thỏa mãn hòa hợp về thể xác”, những đứa con vô tội ngoài kế hoạch phải điều hòa...

    Tôi không muốn đề cập đến những thiệt thòi về chữ trinh của người con gái vì tôi thấy nếu cứ bám vào đó để bàn luận, sớm muộn gì ta cũng lạc đề sang chuyện phân biệt và bất bình đẳng giới. Đã sống thử thì phải quên khoảng cách đó mà tập trung vào việc người sống thử bị ảnh hưởng tốt hay xấu hoặc đến mức độ nào. Câu trả lời còn tùy vào mỗi người.

    Riêng tôi, dù có thể bạn bảo tôi trẻ nhưng cổ hủ, tôi vẫn thích những gì danh chính ngôn thuận hay hợp thức hóa hơn. Bản thân tôi không được quyết đoán và cũng là dạng người hay phân vân nên tôi không muốn sau này giả dụ như mình sống thử nhưng không thành, khi bước ra ngoài thế giới tôi phải gặp những người mà tôi đã từng quan hệ. Cảm giác lúc đó sẽ thật lộn xộn và rối ren…

    LIM
    *************​

    Tại sao phải hái "trái xanh"?!

    * Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt mẹ tôi ngày biết tôi có ý định "sống thử". Tôi và anh hoàn toàn nghiêm túc trong mối quan hệ này nên tôi về thưa chuyện với mẹ, tôi dùng mọi lý lẽ và hiểu biết của tôi để bảo vệ chính kiến của mình "tụi con muốn sống với nhau trước khi kết hôn, mẹ cũng thấy đó, khi người ta đã không còn yêu nhau thì có cưới rồi cũng bỏ nhau như thường, con muốn mình có thời gian tìm hiểu và hòa hợp với nhau trước...".

    Mẹ tôi là người sống khá thoáng và bà chưa bao giờ ngăn cản tôi chuyện gì, nhưng lần đó bà không nói gì ngoài ánh mắt ngấn nước nhìn tôi rồi quay đi. Đến hôm sau bà gọi tôi vào và nói : "Không nhẫn, không hoa, không được gia đình và pháp luật bảo hộ, không được bạn bè đồng cảm mà còn có thể bị chỉ trích, con có vượt qua hết được những điều đó không khi cuộc sống thử của con thất bại? Có khó khăn lắm không nếu cả 2 đứa đợi đến chín muồi hơn một tí nữa, trái xanh hấp dẫn con hay con đang chưa chín chắn, con nói mẹ nghe?". Lần đâu tiên tôi bối rối hoàn toàn trước những lập luận của mẹ, bà đã đánh thức những lo sợ nơi tôi mà tôi đã gạt qua để háo hức bước vào giai đoạn mới: giai đoạn sống thử...

    Nghe những gì bà nói tôi bàng hoàng, ôm chầm lấy bà và khóc ngất. Chúng tôi đã gạt qua ý định đó và một năm sau chúng tôi cưới nhau. Khi tôi ngồi gõ những dòng chữ này thì mẹ tôi đang bế đứa con đầu lòng của chúng tôi. Và tôi tin rằng quyết định không sống thử của tôi vào lúc đó là hoàn toàn đúng và làm vui lòng tất cả mọi người.

    Tại sao phải làm phiền lòng phụ huynh để sống thử trong khi chúng ta có cả khoảng thời gian dài sau này để hòa hợp nhau, để sống thật cùng nhau?

    Crescent

    ===========​

    * “Sống thử” là một từ không đúng trong nhiều trường hợp. Như tôi và vợ tôi chẳng hạn. Khi yêu nhau, tôi 27 và vợ tôi 26, chúng tôi đã có công việc ổn định. Hai bên bố mẹ đều bảo “cưới đi”, nhưng vì chưa dành dụm đủ tiền làm đám cưới, lại không muốn nhờ vả bố mẹ nên chúng tôi quyết định để sau một năm.

    Thời gian này tôi dọn đến nhà trọ của cô ấy ở. Chúng tôi đều phải giấu bố mẹ vì cả hai gia đình đều là gia đình trí thức và gia giáo. Lúc đầu cô ấy nhất định không chịu, nhưng tôi cứ dọn đến. Cô ấy sợ bố mẹ cố ấy đau lòng, xấu hổ, sợ gia đình tôi sẽ không còn tôn trọng cô ấy nữa. Cô ấy còn bảo: “Anh cứ thử sinh một đứa con gái, rồi để nó “ăn cơm trước kẻng” như thế xem, lúc đó anh có còn thấy hay ho như bây giờ không”; thậm chí còn dọa tôi : “Bố mẹ anh mà biết thì em sẽ chia tay anh luôn!”...

    Thật ra tôi cũng hơi lo vì nhà tôi rất khó. Khi còn ở nhà với bố mẹ, tôi không được phép đi quá 22g, lý lẽ của các cụ là “những việc đàng hoàng người ta không làm sau 22g”. Nhưng tôi yêu cô ấy, tôi muốn được ở gần cô ấy mọi lúc, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc với cô ấy, mà cô ấy thì chẳng thể đuổi tôi ra đường được. Thế là chúng tôi sống chung…

    Nhưng sau đó cả nhà tôi đều biết. Tuy nhiên chẳng vì thế mà mọi người không còn yêu thương, trân trọng cô ấy nữa. Các cụ còn thấy yên tâm hơn ấy chứ! Tôi cũng thấy ngạc nhiên, hóa ra các cụ “tân tiến” nhỉ!... Một năm sau chúng tôi lấy nhau. Nhưng với bố mẹ cô ấy thì câu chuyện vẫn còn trong tầm bí mật. Tôi hiểu vì sao cô ấy làm thế!...

    Nói như thế để các bạn trẻ hiểu rằng cho dù có trưởng thành, có tự lập đi chăng nữa thì việc chung sống trước hôn nhân vẫn cần phải cân nhắc kỹ càng. Vì bạn không phải chỉ sống cho mình mà còn có bố mẹ, gia đình và cả những người yêu thương, quan tâm đến bạn.

    Nếu bạn quyết định không đúng, không phải chỉ bạn không hạnh phúc, mà họ cũng bị dằn vặt, tổn thương… Các bạn hãy đừng “sống thử”, mà hãy để cho hai bạn trưởng thành và quyết định chung sống với nhau. Chúc các bạn hạnh phúc!

    Minh Hiếu

    ************​

    Sống chung trước hôn nhân như một bước đệm?

    Tôi xin mạn phép đổi từ "Sống thử" thành "Chung sống trước hôn nhân”. Bởi ở đây cuộc sống là thật, những chung đụng, khó khăn là những điều có thật mà bất kỳ người nào chung sống trước hôn nhân đều gặp phải. Hơn nữa, những khó khăn ấy còn gay gắt hơn so với những người được danh chính ngôn thuận - một đám cưới.

    Việc chung sống trước hôn nhân (đám cưới nhiều khi chưa có giấy kết hôn vẫn được chấp nhận) có nhiều lý do. Tôi xin phép bỏ qua những nguyên nhân từ việc muốn trải nghiệm, tình dục hay sống nhờ. Tôi chỉ muốn nói đến việc những bạn thật sự yêu nhau nhưng chưa có điều kiện kết hôn.

    Phần lớn những bạn sống trước hôn nhân tôi gặp đều là sinh viên hoặc nhân viên ở tỉnh lẻ lên TP lớn lập nghiệp. Họ thật sự yêu nhau, muốn gần gũi chia sẻ cuộc sống nhưng chưa có điều kiện hợp thức hóa việc đó. Do vậy, không thể nói rằng họ không có ý thức cho việc chung sống trước hôn nhân của mình vì họ đều nhận thức được mọi việc và hơn nữa họ tự nguyện làm việc này.

    Những người trẻ ở TP lớn, ngoại trừ áp lực về kinh tế, họ còn dễ tổn thương về tinh thần khi phải một mình va chạm trong một cuộc sống phức tạp. Họ đứng giữa hai thái cực : một bên là sự thoáng và cảm thông về tiết hạnh của bạn nữ, một bên là nhu cầu được chia sẻ, gần gũi, tình cảm, thể hiện sự yêu thương, quan tâm.... Nhưng dù thế, các bạn trẻ ấy vẫn là người Á đông, với văn hóa, lề lối, quan niệm còn đậm nét truyền thống.

    Họ có thể yêu nhau, có thể trao cho nhau tất cả, nhưng vẫn cần một sự “danh chính ngôn thuận”. Sống chung trước hôn nhân như là một bước đệm, để có thể gần gũi, che chở và chia sẻ nhiều thứ, nhưng chưa phải công khai những lo lắng của mình đối với bà con, họ hàng và nhất là gia đình.

    “Cưới nhau thì dễ, sống chung mới là vấn đề”. Hơn hết như mọi gia đình khác, những bạn trẻ ấy chỉ mong muốn có một đám cưới chính thức để gia đình và họ hàng yên tâm, bản thân họ cũng yên tâm hơn cho cuộc sống ấy.

    Phải chăng những người ngoài cuộc chỉ thấy được sự thiếu trách nhiệm của những bạn trẻ sống thử, chứ chưa bao giờ thật sự tìm hiểu xem tại sao họ lại lựa chọn cuộc sống khó khăn hơn bình thường ấy...

    Với ý kiến cá nhân mình, tôi cảm thông và mong cho những bạn trẻ yêu nhau, mong muốn cưới được nhau, có đủ đầy sự kiên nhẫn, cảm thông và tình thương để có thể cưới được người mình đã - đang chung sống.

    Kusano

    ***************​

    Sống thử khi đủ sức tự chịu trách nhiệm!

    Gia đình tôi - một gia đình thuần Việt, ba mẹ luôn xem tôi là niềm tự hào vì tôi là chị lớn trong nhà, là đứa con thành đạt, là tấm gương của các em nhỏ trong xóm. Thế nên ba mẹ và mọi người không thể nào ngờ tôi đang sống cùng với người yêu (chúng tôi sắp tổ chức đám cưới).

    Tôi tự lập từ rất sớm, một mình lên thành phố học tập, tôi rất chăm chỉ học để có việc làm, trong suốt thời gian ấy tôi không hề nghĩ đến chuyện yêu đương. Ra trường, tôi làm việc ở một chi nhánh của công ty, nơi hoàn toàn cách xa bạn bè. Và tôi đã gặp anh, chồng sắp cưới của tôi. Anh đã chuyển đến sống cùng tôi để chăm sóc nhau.

    Cũng có lúc tôi thấy day dứt khi nghĩ đến ba mẹ, cũng buồn khi đọc những bài báo phê phán hiện tượng sống thử của giới trẻ. Nhưng tôi lại không nghĩ lối sống của chúng tôi nằm trong hiện tượng bị phê phán ấy :

    - Thứ nhất : tôi và người yêu tôi là những người thật sự đã trưởng thành (tôi 26 tuổi, người yêu tôi hơn tôi 7 tuổi). Tôi dùng từ thật sự trưởng thành ở đây vì chúng tôi đều đã có việc làm ổn định. Chúng tôi có khả năng nuôi sống bản thân và gia đình.

    - Thứ hai : Chúng tôi có đủ bản lĩnh và kỹ năng sống để không gây ra hậu quả ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

    - Thứ ba : Chúng tôi yêu nhau và nghiêm túc nghĩ đến chuyện cưới trong tương lai. Gia đình hai bên đã gặp nhau để tính chuyện hôn nhân.

    Xin đừng gán ghép hai từ sống thử cho những người yêu nhau chân thành và mong muốn sống cùng nhau đến hết cuộc đời. Đâu phải ai yêu nhau, sống chung mà chưa có hôn thú cũng là sống thử. Có lẽ các bạn sẽ cho rằng chúng tôi đang đánh mất chính mình và đánh mất thuần phong mỹ tục. Tôi không nghĩ vậy. Tôi luôn làm theo những gì con tim mách bảo một cách chân chính.

    Tôi không áp dụng cứng nhắc những định kiến xã hội khắt khe vào cuộc sống cá nhân của mình. Không phải dư luận xã hội bao giờ cũng đúng. Không phải làm một cái gì đó khác với tập thể là sai, chỉ trừ khi việc làm đó gây hậu quả ảnh hưởng tới mọi người.

    Tôi viết lên những dòng này để bày tỏ lòng mình và chia sẻ cùng những ai đang có hoàn cảnh sống như tôi và cũng mong nhận được những đồng cảm của mọi người.

    My Thao
    ***************​

    Quá khứ có là tì vết...

    1. Sống thử sẽ mang lại cho người ta kết cục : tốt đẹp hoặc bi kịch. Một kết cục tốt đẹp chỉ có thể khi hạnh phúc được đơm hoa kết trái; còn bi kịch, khi hai đối tượng đều trở nên chán nản, và sẽ có những con đường đến với đau khổ.

    Nếu sống thử có thể mang đến một kết quả tốt đẹp thì còn có thể tạm chấp nhận, nếu sống thử chỉ mang lại những đau buồn và bất hạnh thử hỏi có nên không? Kết quả của sống thử như thế nào (là tốt đẹp hay bất hạnh) phụ thuộc vào tình yêu, hoàn cảnh sống (ở đây là tuổi tác, nghề nghiệp, điều kiện về kinh tế) của hai người, cách đối diện và bản lĩnh cũng như trách nhiệm của hai người trước việc “sống thử”.

    Thế cho nên, tôi nghĩ nếu có sống thử phải xác định cho rõ và phải sẵn sàng đương đầu với những hệ lụy của nó.

    2. Người con gái không phải khi không còn trinh tiết là cánh cửa hôn nhân đóng lại và không tìm được hạnh phúc nếu tình yêu ấy tan vỡ.

    Sự thật nếu 100% các cô gái sống thử phải trả giá nghiệt ngã, tôi tin chẳng có thế hệ nào tiếp theo dám làm điều ấy. Hơn thế, trong xã hội hiện tại, việc sống thử không còn là điều kinh khủng.

    Vì người ta đã và đang dần làm cho việc ấy trở nên phổ biến và hiển nhiên; bên cạnh đó sự nhân ái luôn rộng mở bởi quá khứ không quan trọng, hiện tại và tương lai mới quan trọng, sao chỉ có đàn bà hư hỏng mà lại không có người đàn ông hư hỏng? Và không phải hậu sống thử, người con gái nào cũng đau khổ, tuyệt vọng và rơi vào bước đường cùng mà bản thân người con trai lại rơi vào tình trạng ấy khi cuộc tình tan vỡ (điều tôi từng chứng kiến).

    Thế nhưng liệu sau này bạn có chắc sẽ không mặc cảm với người sau trong trường hợp tình yêu hiện tại của bạn tan vỡ? Người yêu sau của bạn sẽ nhìn bạn như thế nào? Liệu quá khứ tì vết của bạn vẫn mang lại cuộc sống vẹn nguyên như một cô gái không tì vết?

    3. Tôi chắc rằng trong quá trình sống thử, cảm giác không an toàn, bất an sẽ có lúc ập đến ngay cả khi người con gái tự tin vào mối quan hệ ấy. Và mối tình ấy nếu không thể đơm hoa kết trái thì người con gái khi tìm đến một hạnh phúc mới, ít hay nhiều sẽ có những ám ảnh, mặc cảm và mang cảm giác có lỗi với người sau.

    Đây là điều tôi đã từng nghe từ người bạn của mình : coi sống thử là chuyện bình thường nhưng thời gian đầu luôn mặc cảm với chồng hiện tại khi không còn trinh trắng, khi đó cô bạn tôi nghĩ rằng nếu được bắt đầu lại, cô sẽ để thật chín chắn mới yêu và chỉ yêu một người.

    4. Sống thử, nếu có thể mang đến kết quả tốt, như tôi đã nói, còn có thể chấp nhận nhưng sống thử chỉ mang lại những bất hạnh thì không nên. Tôi không có ác cảm với sống thử bởi tôi từng chứng kiến việc ấy quanh tôi và vì hiện tại người ta coi chuyện đó dường như không có gì đáng ngại và vì đó là chuyện của người ta, chuyện không liên quan đến tôi. Bản thân tôi không thích sống thử, không muốn sống thử.

    Tôi rất thích ý kiến của bạn Minh Hằng. Tôi thích một tình yêu trong sáng trước hôn nhân hơn là sống thử với nhau. Cảm giác nếu phải sống thử với người mình yêu thế nào ấy. Có thể tôi là người cổ hủ, tôi cho đó là điều kinh khủng, tệ hại nhất của người con gái và vì tôi vốn vẫn thường không dám làm trái với lẽ thường.

    Thu Trang

    Nguồn : Tuổi Trẻ online
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/7/15
  12. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Khát vọng từ trong - Thèm khát từ ngoài

    Cả hai đều sống mãnh liệt, làm việc hết mình, quên ngày quên tháng, nhiều khi quên cả bản thân… Cả hai cùng đạt được kỳ tích, đều được người đời nhắc đến với những lời cảm thán bất hủ. Một sống bằng khát vọng từ bên trong, khát vọng dâng hiến tài năng để gia tăng giá trị cho đời. Một sống bằng thèm khát tiền tài danh vọng từ bên ngoài, bằng mọi giá chiếm đoạt cho mình để thỏa cơn khát. Bạn ủng hộ ai, bạn chính là người đó.

    Ngày xửa ngày xưa, một con sói sống ở sa mạc, sau những trận chiến sống còn để giành giật sự sống, với thương tích đầy người, sau nhiều ngày lê lết trên đường để tìm nguồn nước đã đến được ven bờ của một con suối. Con sói toan vục mặt xuống để uống nước, bỗng nó nhìn thấy dưới suối có một hình thù kỳ dị, lông lá dựng ngược, xác xơ, mắt trợn lên và răng nhe ra gầm gừ. Nó sợ quá vụt lùi lại bỏ đi. Nhưng vì khát quá, nó quay lại dòng suối mong rằng con vật kinh khủng kia đã đi rồi. Không ngờ, lần này, con vật kia nhìn còn kinh khủng hơn, vẫn lù lù dưới suối. Một lần nữa, nó giật lùi bỏ đi. Lần thứ ba, nó quay lại, đã quá khát, dùng sức lực cuối cùng nó lao thẳng xuống dòng suối. Cái bóng kinh khủng tan biến và nó đã thỏa mãn khát vọng!

    Cũng ở dòng suối đó, một người lái buôn trong chuyến đi dài của mình, vì sợ quãng đường tiếp theo sẽ thiếu nước nên mặc dù ông vừa cho ngựa ăn và uống no nê ở ngôi nhà gần đó, ông vẫn dắt chú ngựa đến dòng suối để nó uống thêm nước dự trữ. Chú ngựa ngoan ngoãn theo ông đến dòng suối, nhưng khi ông dí đầu chú ngựa xuống suối để chú uống nước thì chú hất tay của ông đi và nhất định không uống. Ông càng cố dí đầu chú xuống, chú càng vùng vằng hất tay ông mạnh hơn. Ông chủ đành đầu hàng.

    Sao lại thế? Tại sao lại thế? Thật đơn giản, đó là vì “cơn khát” của con sói từ bên trong nó ra còn “cơn khát” của chú ngựa bị áp đặt từ ngoài vào. “Bạn chỉ có thể dắt con ngựa ra bờ suối chứ không thể bắt nó uống nước”. Khi những thèm khát, ham muốn không từ trong ra mà bị áp đặt từ ngoài vào thì rất khó thành công và nếu làm được thì thành quả đạt được cũng không đáng kể. Quan trọng hơn, con người khi đó sẽ làm việc một cách rất khổ sở và không bao giờ có hạnh phúc.

    [​IMG]

    “Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích”. Con người cũng như mọi sinh linh khác, khi sinh ra trên đời đã có một mục đích, một sứ mệnh, một thiên mệnh, một định mệnh. Ta thực sự hạnh phúc và đạt được thành quả tối đa khi và chỉ khi ta thuận theo gen bố mẹ, ông bà và tổ tiên đã gieo trong ta, nghĩa là thuận theo tự nhiên, thuận theo đất trời. Luật nhân quả dạy ta rằng: Nhân nào quả nấy. Gieo gì gặt nấy. Người là nhân. Cái nhân, cái cốt lõi tinh tú nhất, mầm sống, thiên mệnh đã gieo trong ta là gì thì phải ra hoa kết quả đúng với nó. Lẽ đương nhiên, mầm bưởi phải ra quả bưởi, mầm xoài phải ra quả xoài… Nếu ta chỉ vì cái lợi trước mắt, vì muốn mau chóng có tiền sẵn sàng làm bất cứ cái gì miễn là có tiền. Ta quên mất gốc bẩm sinh, khác gì cuộc sống tầm gửi, lai ghép, ký sinh. Sự sống không theo mục đích từ tự nhiên sẽ không được tiếp tục sinh sôi mãnh liệt, không được truyền kiếp và vô phúc. Nhân văn nhất là sống đúng với nhân bản với cái mục đích cội nguồn của mình. Sống không theo nhân bản, không theo thiên mệnh là bất nhân.

    Hàn Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới. Một nơi mà ta có thể lướt Internet trên xe điện ngầm, khiêu vũ ở một câu lạc bộ salsa và mua một ly cà phê sữa thơm ngon trên đường đi làm không cần phải ra khỏi xe. Thế nhưng người dân ở đây dường như ít hạnh phúc hơn so với những năm tháng đói khổ sau Chiến tranh Triều Tiên. Ngày ngày, họ ganh đua vươn tới tiền bạc và danh vọng, áp lực lớn đó đã kéo dài triền miên nhiều năm nay. Vậy nếu tiền bạc và danh vọng thực sự giúp con người hạnh phúc thì lý do gì khiến hàng loạt các ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc thi nhau tự tử. Theo chính phủ Hàn Quốc, hiện nay có tới hơn 40 người dân nước này tự tử mỗi ngày - nhiều gấp 5 lần so với thời cha mẹ họ. Tại sao nạn tự tử lại tăng nhanh như vậy ở một nước đang ngày càng giàu hơn, có uy thế hơn so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử của họ?

    Chúng ta được dạy là “cứ đam mê đi rồi mọi thứ sẽ đến”, nhưng không ai dạy ta làm thế nào để đam mê? Bạn đam mê bền bỉ và mãnh liệt khi và chỉ khi bạn sống với khát vọng từ bên trong, khát vọng phụng sự, khát vọng được thể hiện tài năng để gia tăng giá trị cho đời. Nếu bạn sống bằng thèm khát từ bên ngoài thì sẽ trở thành một con nghiện. Mọi con nghiện đều ngày một nghiện ngập nặng hơn.

    Chúng ta như những con thiêu thân, dễ dàng sa ngã vào những chiếc bẫy của đời thường, lao vào làm việc ngày một nhiều hơn nhằm leo lên bậc cao nhất của chiếc thang danh vọng, tiền tài. Khi đến đỉnh của danh vọng, từ trên cao ta bỗng giật mình phát hiện ra rằng chiếc thang bắc nhầm bức tường. Hụt hẫng!

    Hơn nữa, so với nghiện ma túy, độ nghiện về tiền tài và danh vọng nặng hơn rất nhiều. Mỗi liều để thỏa mãn dục vọng là tiền tỉ, rất nhiều tỉ (con nghiện bình thường chỉ cần mấy nghìn đồng bạc lẻ đã có thuốc để đỡ lên cơn). Với những con nghiện bình thường, khi lên cơn, chỉ vì mấy nghìn bạc lẻ mà nó đã sẵn sàng cướp bóc, chặt xác ngay cả người sinh thành ra mình thì với con nghiện mà liều tính bằng nhiều tỉ đồng thì sẽ ra sao? Những con nghiện danh vọng không ngần ngại “nhúng chàm” với không ít những thủ đoạn của mình. Không chỉ có vậy, những con nghiện danh vọng thường thông minh và sung sức nên mỗi lần lên cơn sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều, họ bất chấp và sẵn sàng dùng tất cả các thủ đoạn như lừa đảo, giết người… để đạt được khát vọng của mình. Nhưng dù tầm cỡ khác nhau thì tất cả các loại nghiện dù là ma túy hay danh vọng đều có cùng kết cục: tù đày, thần kinh và thảm hại hơn là bị chính đồng bọn của mình hãm hại.

    Hạnh phúc thật sự của con người không hẳn là tiền bạc hay danh vọng. Có rất nhiều người hạnh phúc sung sướng, mà không cần những điều đó. Đức Phật, Mẹ Teresa, Nelson Mandela… không vì tiền tài danh vọng mà đều hạnh phúc và được lưu danh muôn đời! Khát vọng của họ từ tận tâm can, khát vọng phụng sự, làm theo sứ mệnh của đất trời.

    Đức Phật được sinh ra là thái tử và sống trong cảnh giàu sang nhung lụa. Tuy thế, sau bốn lần ra bốn cửa thành và thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị tu sĩ, ngài phát tâm rồi từ biệt hoàng cung, sống cảnh không nhà, cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau. Sau nhiều năm tu khổ hạnh gần kề cái chết, Đức Phật đã tìm ra lẽ sống của đời mình - giảng Pháp con đường giác ngộ và giải thoát. Đức Phật khất thực để thuyết pháp từ năm này qua năm khác, từ nơi này qua nơi khác. Đến 80 tuổi, Đức Phật Thích-ca tịch diệt trong sự bình an và hạnh phúc.

    Mẹ Teresa thì hạnh phúc khi chăm sóc những người khốn cùng, mẹ làm công việc đó mỗi ngày và luôn mặc trên người chiếc áo vải thô viền xanh đáng giá một đồng Ấn Độ cho đến khi rời khỏi thế gian này. Mẹ nhẹ nhàng vượt qua chửi bới, sỉ vả xua đuổi của những kẻ giàu miễn sao có mẩu bánh mì để cứu mạng những tâm hồn khốn cùng không nơi nương tựa.

    Nelson Mandela từng nói: "Tôi cống hiến cả đời tôi cho sự nghiệp đấu tranh của người dân châu Phi. Tôi yêu mến lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do và bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng sẽ sống vì nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó”. Trong 27 năm ngồi tù, đã rất nhiều lần chính phủ cai trị đề nghị ông bỏ khát vọng của mình để đổi lấy tự do, nhưng ông đều từ chối.

    Mỗi con người sinh ra đều có mầm sống, một sứ mệnh hay thiên mệnh. Khi ta thuận theo thiên nhiên, thuận theo thiên mệnh thì cuộc sống sẽ sung sướng, vô lượng, vô biên. Đa số chúng ta vì lợi ích trước mắt mà hy sinh cái gốc của mình, đó là sống tầm gửi và là nô lệ cho ý đồ của người khác. Trong những cái mất, sợ nhất là mất gốc!

    “Con người đi khắp nơi để kinh ngạc trước những ngọn núi cao ngất, trước những ngọn sóng thần của biển cả, trước những dòng sông dài nhất, trước sự hùng vĩ của biển khơi, sự đẹp đẽ của những vì tinh tú mà bỏ qua chính mình không một chút băn khoăn.” - Thánh Augustine.

    Thành công lớn nhất của đời người là tìm ra mục đích sống – lẽ sống. Khi “Khát vọng” đến từ bên trong, từ chính mục đích sống của đời ta, hợp với lẽ sống của bản thân thì tiền bạc hay danh vọng sẽ tự nhiên, nhẹ nhàng mà đến. Khi ta làm đúng với mục đích, đúng với thiên mệnh đất trời và bố mẹ đã gieo vào, ta sẽ làm việc một cách đam mê, hăng say, năng lượng tự nó tuôn trào và được trời đất ban thêm vô cùng vô tận vô lượng vô biên. Lúc ấy chúng ta không phải khổ sở “cố kiếm để sống” hay “cố sống để kiếm” nữa, ta cũng không cần đến “cây gậy và củ cà rốt”, những tác động từ phía ngoài thì chúng ta mới lao động. Ta sẽ vượt qua mọi thử thách một cách dễ dàng, như mầm sống đội đất vươn lên, luôn gia tăng sức sống, mang lại giá trị tươi xanh cho đời.

    Chính vì những khát vọng từ trong tỏa ra mà Edison đã kiên định, dũng cảm vượt qua hàng chục nghìn lần thất bại để thực hiện lẽ sống – tìm ra ánh sáng điện cho loài người. Làm đúng mục đích, sống thuận theo lẽ sống thì hạnh phúc nhất. Sung sướng và hạnh phúc nhất là khi ta làm việc, không hẳn là khi ta gặt hái thành quả, vinh quang hay giàu sang. Tất cả kết quả chỉ là thời điểm, chỉ có quá trình thực hiện mới là hạnh phúc bền vững. Nó như dòng chảy liên tục, khi đó năng lượng sẽ tuôn trào trong suốt quá trình ta cống hiến tài năng của mình để tạo ra giá trị cho cuộc đời. ”Ông trời có mắt”, “Gái có công thì chồng chẳng phụ”, hiến tài sẽ hái tiền. Hiến tài như dòng chảy thì tiền tài sẽ đến như mưa tuôn.

    Trong mỗi chúng ta đều có hai con người. Cả hai đều sẵn sàng làm việc hết mình, quên ngày quên tháng, nhiều khi quên cả bản thân, quên cả những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Cả hai cùng khiến ta sống mãnh liệt, cháy bỏng. Cả hai cùng giúp ta đạt được những thành tích tuyệt vời, được người đời nhắc đến với những lời cảm thán bất hủ. Nhưng một người tiều tụy còn một người hạnh phúc bình dị. Người tiều tụy: sống bằng “thèm khát từ ngoài vào” đó là tiền tài, danh vọng, bằng mọi giá chiếm đoạt những điều đó cho mình. Người hạnh phúc bình dị: sống bằng “khát vọng từ bên trong”, khát vọng phụng sự, khát vọng dâng hiến tài năng để gia tăng giá trị cho đời. Hai con người này luôn dằng xé nhau. Bạn ủng hộ ai, bạn chính là người đó!

    Ts. Phan Quốc Việt

    Nguồn: Nhịp Sống Sài Gòn
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/7/15
  13. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Chống rủi ro hiệu quả khi "nhảy việc”

    Có bao giờ bạn gặp rủi ro khi thay đổi công việc? Có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ thành công trong công việc mà không gặp thất bại nào?

    Thực tế, trong cuộc sống cũng như trong công việc, dù bạn có cẩn thận đến thế nào thì rủi ro là điều bạn khó tránh khỏi.

    [​IMG]

    Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi để sự nghiệp của mình thành công theo những cách sau:

    1. Lập kế hoạch cụ thể về công việc

    Để tránh gặp phải rủi ro khi thay đổi công việc, bạn cần phải biết bản thân mình đang mong muốn một công việc như thế nào?

    Bạn hãy tìm hiểu và khoanh vùng những công việc mà bạn có thể làm tốt. Ví dụ như: Bạn muốn làm một phóng viên, tuy nhiên bạn cũng có thể khám phá thêm một số công việc khác: biên tập viên, công tác viên…. Làm sao để bạn có thật nhiều sự lựa chọn càng tốt.

    Sau đó, bạn cần phải có một kế hoach hoàn chỉnh, chi tiết về công việc mà bạn mong muốn.

    Kế hoạch của bạn càng chi tiết thì bạn càng ít bị nguy hiểm, tìm hiểu càng nhiều, càng kĩ về công việc bạn mong đợi như: Khả năng thăng tiến trong công việc này thế nào? Liệu đây có phải là điểm dừng chân lý tưởng cho bạn hay không? Nếu bạn vạch kế hoạch trước càng kĩ lưỡng thì khả năng thành công của bạn sẽ càng cao.

    2. Tham khảo đồng nghiệp

    Mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ là chìa khóa giúp bạn chống lại rủi ro khi thay đổi công viêc.

    Đối với những người không ưa bạn, họ sẽ muốn “đẩy” bạn đi nơi khác càng sớm càng tốt.

    Còn nếu bạn chọn cách nói chuyện với những đồng nghiệp “lão luyện” trong nghề, đã từng thay đổi công việc, thì bạn sẽ có được những lời khuyên hữu ích. Họ sẽ cho bạn những thông tin có lợi khi bạn chuyển sang công việc mới hoặc chỉ ra cho bạn thấy công việc nào là phù hợp với tính cách, con người bạn. Nếu như, họ đã từng thay đổi công việc thì bạn hãy tìm hiểu họ lo lắng gì khi thay đổi công việc và cách họ giải quyết nó như thế nào. Từ đó, bạn sẽ có môt cái nhìn tổng quan về những thuận lợi cũng như những rủi ro mà bạn sẽ gặp phải khi thay đổi công việc mới.

    Bạn nên nhớ, nói chuyện, giao lưu với nhiều thế hệ tiền bối, bạn sẽ có được nhiều lời khuyên bổ ích và cuối cùng có được sự lựa chọn đúng đắn cho bản thân, hạn chế được rủi ro.

    3. Học hỏi từ những người thân

    Đôi khi bạn cứ mãi mê đi tìm kiếm kinh nghiệm từ bên ngoài mà quên rằng những người thân trong gia đình bạn cũng chính là một kho kinh nghiệm mà bạn có tìm hiểu, phân tích cả đời cũng không thể hết được.

    Bạn hãy khám phá “kho kinh nghiêm” bằng cách nói chuyện với cha mẹ hoặc anh, chị đã thay đổi thành công trong nghề nghiệp. Họ đã cố gắng thế nào để có được thành công như hôm nay? Từ đó, bạn tìm ra mô hình cũng như công việc phù hợp với bản thận bạn.

    4. Khám phá năng lực của bản thân

    Không chỉ tham khảo mọi người, bạn cần phải biết nắm bắt cơ hội và sử dụng trực giác của mình để nhận thấy bạn có nên nhảy việc hay không?

    Nếu bạn quá lo lắng hoặc suy nghĩ quá lâu đến khi cơ hội không còn thì bạn cần suy nghĩ lại. Bạn phải biết nắm bắt cơ hội cho mình.

    Nếu bạn thấy công việc hiện tại không mang lại một cuộc sống tốt cho bản thân bạn, hay nó quá căng thẳng, bị chèn ép và buộc phải kết thúc thì bạn nên thay đổi công việc. Tuy nhiên, khi thay đổi, bạn cần đánh giá lại năng lực của bản thân, liệu bạn có phù hợp với công việc đó hay không? Nếu bản thân bạn thấy tự tin lúc đó, bạn hãy thay đổi công việc Trên thực tế, biết về bản thân mình, biết mình là ai, khả năng như thế nào thì bạn sẽ tránh được nhiều rủi ro hơn.

    5. Mục tiêu phấn đấu

    Để chống rủi ro khi thay đổi công việc, bạn cần phải xác định được mục tiêu phấn đấu của bản thân. Bạn phải xác định được mục tiêu: mức lương, môi trường, cấp bậc trong công ty… bạn sẽ có những bước đi mới trên con đường mà bạn lựa chọn.

    Nếu không có mục tiêu, bạn sẽ bị lùi lại phía sau và rủi ro là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, xác định được mục tiêu chính là một trong những bước đi tiên quyết giúp bạn chống lại rủi ro một cách hiệu quả.

    Trên đây là những cách giúp bạn hiểu về bạn hơn và để sự lựa chọn nghề nghiệp làm thay đổi cuộc sống của bạn. Đồng thời, nó giúp bạn phòng chống rủi ro một cách hiệu quả khi bạn muốn thay đổi công việc…

    Thúy Liễu
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/7/15
  14. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Kế hoạch... rơi xuống hố

    Chào chị Hạnh Dung!

    Em 28 tuổi, cũng có nhiều người muốn tìm hiểu nhưng em chỉ rung động với một người đã có vợ.

    Yêu đơn phương hơn bốn tháng, tự buộc mình phải quên, nhưng khi người ta biết, ngỏ lời, em lại không giữ được mình. Người đó nói rất thương em nhưng em biết đàn ông nào cũng vậy, họ nói điều đó với đàn bà một cách dễ dàng, có gì mất mát đâu mà ngại.

    Nhiều lúc em thấy mình thật ngu ngốc nhưng lý trí đã không thắng nổi con tim. Tại sao em lại rơi vào mối tình ngang trái này? Thật ra em cũng đã cố gắng đón nhận tình cảm của một vài người khác bằng vai phải lứa, nhưng tất cả đều không thành. Em cũng không muốn làm ảnh hưởng đến gia đình anh. Có lúc em nghĩ, nếu đến 30 tuổi mà không quên được anh ấy, em sẽ làm mẹ đơn thân, dù biết chắc bố mẹ em sẽ đau lòng lắm. Em chọn cách này có đúng không?

    Thanh Phương (TP.HCM)

    *************​
    Trả lời tư vấn của Chuyên viên Hạnh Dung :

    Em Thanh Phương mến,

    Tình yêu là chuyện khó giải thích, khó phân tích và cũng khó nhận biết xem đó có phải là tình yêu đích thực hay không. Nhiều cô gái rất chín chắn trong suy nghĩ nhưng chính điều đó lại làm cô ấy chỉ “cảm” được những người đàn ông trưởng thành, từng trải hơn mình, mà đa số những người đàn ông như thế đều đã có vợ. Đàn ông đã lập gia đình thường có kinh nghiệm chiều chuộng phụ nữ, cô nào mà “dính” phải các ông này thì rất khó chấp nhận sự nông nổi, hời hợt và thiếu kinh nghiệm của các chàng độc thân ngang tuổi mình. Nói vậy không phải để giải thích cho tình yêu của em, chỉ để em thấy, đó cũng là một hiện tượng phổ biến.

    Tuy nhiên, trong đời không phải cứ mình muốn là được. Người em yêu đã có vợ, lại nói “rất thương em”, bản thân em cũng biết đó là lời chót lưỡi đầu môi, thế thì phải dừng lại thôi, vì mối quan hệ đó chẳng đi đến đâu. Chen ngang vào gia đình người ta để tìm hạnh phúc cho mình là việc không nên làm.

    Dự định “đến năm 30 tuổi” của em tạm gọi là một kế hoạch và cho thấy em sống có mục tiêu rõ ràng. Chỉ có điều, người ta lập kế hoạch để vượt qua khó khăn, để vươn lên, tiến tới, còn em lại lập kế hoạch để… rơi xuống hố. Làm mẹ đơn thân là một chọn lựa vất vả. Đa phần người ta chỉ chấp nhận khi chuyện “đã lỡ”, chứ không ai lập kế hoạch để làm mẹ đơn thân. Em còn trẻ, được ăn học đàng hoàng, chưa nói đến sự đau lòng của gia đình em, chỉ riêng sự chọn lựa đó cũng đã không công bằng với chính bản thân em rồi.

    Có thể lúc này đang quá yêu nên em nghĩ vậy, sau một vài tháng nữa, khi ngọn lửa say mê dần nguội, em sẽ tỉnh táo hơn. Em không cần phải “đóng đinh vô cột” để ràng buộc mình vào một mối quan hệ không tương lai, không hợp pháp. Hãy tìm một lối thoát khác. Chúc em tỉnh táo và tìm được con đường của mình.


    Báo Phụ Nữ
     
  15. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Đậu ĐH không phải là cánh cửa an toàn bước vào thành công

    Bạn đã trải qua kỳ thi Đại học (ĐH) và đã đổi hai chữ “học sinh” thành hai chữ “sinh viên” - đó là một niềm vui lớn. Nhưng đừng quá đắc ý vội vàng, đậu ĐH không có nghĩa là bạn sẽ nắm chắc sự thành công sau này.

    Khi giấc mơ ĐH được thực hiện

    Vào ĐH, bạn đã bước đầu đặt nền móng cho tương lai, và phần nào bạn đã hài lòng với sự khởi đầu trơn tru này. Đây không chỉ là niềm vui của riêng bạn mà còn là của cả gia đình, thầy cô và những người xung quanh.

    Bạn đang đi trên con đường có rất nhiều thuận lợi, bạn có thể an tâm và nghĩ rằng tất cả đã được đảm bảo. Bạn có lý và có cơ sở để suy nghĩ như vậy.

    Khi đậu vào một trường ĐH, bạn cảm thấy mình đã trưởng thành hơn, bắt đầu một môi trường mới với một cuộc sống mới. Khi đó bạn có những cơ hội để thử sức mình một cách nghiêm túc, hoàn toàn khác với môi trường phổ thông.

    Nhưng có một thực tế

    Vào ĐH với nhiều người không phải là điều quá khó để đạt được. Thế nhưng, sau một thời gian đắm mình trong môi trường mới, không ít người đã có những suy nghĩ khác về việc học ĐH.

    Phải chăng học ĐH là hoàn mỹ, học ĐH mới có thể tạo dựng lên sự nghiệp và khẳng định bản thân sau này?

    Thực tế thì ĐH không phải là điều kiện đủ đảm bảo cho thành công của bạn sau này. Bạn còn cần rất nhiều điều kiện nữa mà những điều này bạn phải kiếm tìm ở cuộc sống thực tế bên ngoài.

    Cũng từ thực tế “Học không đi đôi với hành” nên hiện nay tình trạng SV ra trường không có việc làm diễn ra không ít.

    Tại sao vậy?

    Tại vì chỉ mới học những kiến thức sách vở thôi, bạn vẫn chưa có kiến thức thực tế. Một danh nhân đã từng nói : “Lý thuyết thì màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”.

    Thật vậy, ngoài các kiến thức tiếp nhận qua thầy cô, sách vở thì bạn còn phải có kinh nghiệm thực tế, các kỹ năng mềm, tầm nhìn xa, sự quyết tâm, kiên trì… thì mới có thể thành công được. Chính vì vậy mà các nhà tuyển dụng ngày nay không chỉ đánh giá bạn qua tấm bằng mà còn ở khả năng thực sự của bạn có thể thuyết phục họ hay không.

    Bởi vậy, bạn phải xác định đúng cái mình cần trong 4 năm học ĐH là gì? Bạn chọn bằng cấp hay kiến thức?

    Còn bản thân các bạn?

    Luôn cân nhắc và sống thực tế là một điều thực sự cần thiết cho các bạn. Bạn phải ý thức được rằng vào ĐH chỉ là một sự khởi đầu thuận lợi, chưa chắc đã tốt đẹp về sau.

    Bạn nên trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức khác ngoài kiến thức có được trong môi trường ĐH, nó rất cần thiết đấy bạn ạ. Ngoại ngữ và tin học là những công cụ cần thiết cho bạn bên cạnh kiến thức chuyên môn nếu bạn muốn có một vị trí tốt và có thể học hỏi khối kiến thức khổng lồ của nhân loại, để hòa nhập với bạn bè quốc tế. Học ở ĐH và tự học sẽ tạo cho bạn một sức bật lớn trên con đường sự nghiệp sau này.

    Bạn là người thuộc thế hệ trẻ, năng động, sáng tạo chắc chắn rằng bạn cũng hiểu được những gì mình cần có và làm thế nào để có. Xã hội phát triển từng ngày, con người cũng phát triển theo guồng quay đó. Bạn hãy suy nghĩ thật tích cực về tương lai của mình : bạn phù hợp với cái gì và cái gì cần hoàn thiện?

    Khi bạn làm chủ được các câu trả lời thì bạn sẽ biết đối với bạn ĐH có thực sự quá quan trọng hay không?

    Vào ĐH là khởi đầu cho sự thăng tiến có phần lạc quan hơn. Bạn hãy cố gắng với mục tiêu mà mình theo đuổi.

    Với niềm đam mê và lòng nhiệt huyết của mình, dù có hay không học ĐH thì các bạn vẫn có thể thành công trên con đường đi của mình. Bạn hãy tự tin với công việc mà bạn đã chọn nhé, sử dụng thật hiệu quả những kiến thức được học trên giảng đường, ngoài nhà trường, những kiến thức kỹ năng cơ bản khác thì bạn sẽ thành công.

    Mỗi hành trình cũng là một bài học kinh nghiêm sống cho các bạn. Hãy đi thật nhiều để am hiểu nhiều hơn như ông cha ta vẫn nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

    Là SV, các bạn hoàn toàn có nhiều thời gian và cơ hội để đi làm part-time, đi tình nguyện, đi thực tế, hay đi dã ngoại ngoài thành phố. Cuộc sống sinh động sẽ cho bạn nhiều điều hay lắm đấy.

    Nào, chúng ta cùng khởi hành trên con đường hoàn thiện bản thân đi thôi!

    Chúc các bạn thành công !

    Kim Tuyến
     
  16. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Vượt lên sự ích kỷ

    “Hãy đóng cửa nhà mình lại, rồi hòa vào dòng người ngoài kia. Hãy giúp đỡ những người đang cần giúp đỡ mà bạn gặp trên đường.”- Karl Menninger.

    Cynthia rất đau khổ sau khi ly hôn. Tôi giúp cô ấy xác định những gì cô ấy có thể làm lúc này để có thể vượt qua nỗi đau khổ. Một trong những lý do khiến cô ấy phải ly hôn là vì cô cảm thấy hôn nhân của mình không hạnh phúc trong nhiều năm qua. Suốt thời gian chung sống, càng lúc cô càng cảm thấy mình luôn hành động đúng, rằng mình chẳng có gì sai trái cả, nhưng cô vẫn không cảm thấy hạnh phúc.

    Một ngày nọ, Cynthia tìm đến tôi và nói: “Em cảm thấy tiếc cho chính bản thân mình, tiếc cho một cuộc hôn nhân chẳng đi đến đâu! Chúng em phải sống trong một căn hộ chật chội, chồng thì chẳng bao giờ hiểu vợ mình muốn gì. Em thật sự cảm thấy quá mệt mỏi…”

    “Phải!” - Tôi đáp - “Em có thể cảm thấy thất vọng, tức giận, buồn bực vì cuộc hôn nhân không được như ý muốn của mình. Nhưng bây giờ em hãy thử nghĩ lại xem, dường như lúc nào em cũng chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.”

    Và rồi, để giúp Cynthia thoát ra hẳn tâm trạng suy sụp, tôi giao cho cô ấy một việc: Trong tuần tới, cô phải âm thầm làm một việc tốt cho người khác, ít nhất một lần trong ngày. Và bấy nhiêu thôi cũng đủ để trong lần gặp nhau kế tiếp, Cynthia cảm thấy vui vẻ hơn rất nhiều, khác hẳn với tâm trạng nặng nề nhiều năm qua!

    Khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta dễ có khuynh hướng chỉ biết lo cho mình, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình. Nếu cứ sống như thế, tâm hồn của chúng ta sẽ ngày càng trở nên ảm đạm, tăm tối, cạn hẹp, lúc nào cũng chỉ thấy có mỗi mình là gặp chuyện khó khăn! Đó chính là lý do vì sao việc có được một tầm nhìn vượt ra khỏi chính bản thân mình lại có một ý nghĩa rất quan trọng!

    Nhà tâm lý học Bernard Rimland đã đúc kết kinh nghiệm từ một trắc nghiệm nhỏ đối với 216 sinh viên. Ông yêu cầu từng em hãy nghĩ về 10 người mà mình biết rõ nhất, sau đó, đánh giá xem từng người đó có hạnh phúc hay không? Rồi sau đó, xem xét tiếp đến khía cạnh họ là người ích kỷ hay không ích kỷ? Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Có đến 95% người ích kỷ không hề cảm thấy hạnh phúc, và 70% người hạnh phúc là những người không có tính ích kỷ. Kết quả đó phần nào cho chúng ta thấy rằng, nếu chỉ biết sống một cách ích kỷ, thì chúng ta khó mà cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống! Rimland đã nhận xét, những người ích kỷ là những người chỉ biết làm những việc khiến cho bản thân họ được hạnh phúc. Thế nhưng, khi làm như vậy thì bản thân họ lại cảm thấy ít hạnh phúc hơn so với những người luôn biết giúp đỡ người khác một cách nhiệt tình.

    Nếu bạn nghĩ rằng, cuộc sống có quá nhiều điều kinh khủng, đầy rẫy những bất công, đau khổ… đến nỗi bạn chẳng còn biết nghĩ gì hơn là tìm cách vun vén cho chính mình, thì bạn sẽ ngày càng trở nên bế tắc trên con đường đi tìm hạnh phúc cuộc sống. Bạn hãy biết nghĩ xa hơn bản thân mình! Không chỉ mình bạn đau khổ mà rất nhiều người khác còn gặp khổ đau hơn bạn! Khi bạn biết nghĩ đến những đau khổ của người khác, bạn sẽ cảm thấy rằng mình vẫn còn hạnh phúc lắm và mình vẫn còn có thể giúp đỡ được người khác. Nếu sống ích kỷ thì dù có giàu sang đến đâu chăng nữa, bạn vẫn bị người khác xa lánh. Trái lại, dù nghèo khổ nhưng nếu có một tấm lòng bao dung, vị tha, một trái tim nhân ái thì bạn cũng sẽ luôn được những người xung quanh trân trọng, cảm phục và yêu thương.

    Tóm lại, khi biết nghĩ đến người khác, biết làm cho người khác cảm thấy vui, chắc chắn mỗi người chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc cuộc sống có một ý nghĩa lớn lao hơn!

    Trích từ "Hạnh phúc không khó tìm" - M.J. Ryan
     
    Chỉnh sửa cuối: 16/7/15
  17. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Ngày hôm nay tôi sẽ ....

    Ngày hôm nay, tôi sẽ tự lắng lòng mình và cố gắng trầm tĩnh hơn. Tôi sẽ học cách kiểm soát những cảm xúc và suy nghĩ của mình.

    Ngày hôm nay, tôi sẽ học cách tha thứ những gì người khác đã gây ra cho tôi bởi tôi luôn nhìn vào hướng tốt và tin vào sự công bằng của cuộc sống.

    Ngày hôm nay, tôi sẽ cẩn trọng hơn với từng lời nói của mình. Tôi sẽ lựa chọn ngôn từ và diễn đạt chúng một cách có suy nghĩ và chân thành nhất.

    Ngày hôm nay, tôi sẽ tìm cách chia sẻ với những người bạn quanh tôi khi cần thiết, bởi tôi biết điều quý nhất đối với con người là sự quan tâm lẫn nhau.

    Ngày hôm nay, trong cách ứng xử, tôi sẽ đặt mình vào vị trí của người đối diện để lắng nghe những cảm xúc của họ; để hiểu rằng những điều làm tôi tổn thương cũng có thể sẽ làm tổn thương họ.

    Ngày hôm nay, tôi sẽ an ủi và động viên những ai đang nản lòng. Một cái siết tay, một nụ cười, một lời nói của tôi có thể tiếp thêm sức mạnh để họ vững tin bước tiếp.

    Ngày hôm nay, tôi sẽ dành một chút thời gian để quan tâm đến bản thân mình. Tôi cảm ơn cuộc sống và mọi người đã cùng tôi sẻ chia những niêm vui, nỗi buồn trong cuộc sống này.

    Ngày hôm nay, tôi sẽ bỏ lại phía sau mọi lo âu, cay đắng và thất bại, để khởi đầu một ngày mới với một trái tim yêu thương và hồn nhiên nhất. Tôi sẽ sống với những khát khao, mơ ước mà mình luôn ấp ủ.

    Và hôm nay tôi cảm nhận được hạnh phúc và sức sống mới – bất kể ngày hôm qua như thế nào. Bạn cũng vậy nhé…!

    Sưu tầm
     
    bichdinh thích bài này.
  18. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    “Anh hùng thầm lặng”

    Ba mươi tuổi, Thu Thương vẫn trong hình hài của một cô bé lên 4 với chiều cao chỉ khoảng 80cm. Bị bệnh xương thủy tinh từ nhỏ, những tưởng cô gái nhỏ bé ấy sẽ chẳng làm được gì. Thế nhưng những gì Thu Thương làm được thực sự khiến nhiều người bất ngờ.

    [​IMG]

    Thương là con thứ hai trong gia đình bốn anh chị em. Số phận nghiệt ngã buộc cô phải quanh năm gắn bó với manh chiếu trong nhà, không thể tự di chuyển bằng chân mà phải lăn mình đến các nơi trong căn phòng bé nhỏ.

    Năm 11 tuổi, gia đình rời quê lên Hà Nội. Mẹ Thương mở một cửa hàng sửa chữa quần áo tại nhà để kiếm thêm thu nhập và tiện bề chăm sóc mỗi lúc Thương ốm đau. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, mẹ dạy Thương học chữ rồi đan len. Thương sáng dạ và tiếp thu nhanh chóng.

    Tình cờ trong một lần xem tivi, cô bắt gặp chương trình “Người tốt việc tốt”. Số đó đài truyền hình giới thiệu câu lạc bộ cho người khuyết tật “Vì ngày mai”. Thương đòi bố mẹ cho tham gia. Lúc đầu, bố mẹ không đồng ý vì nghĩ “suốt ngày nằm thế kia thì làm được gì, kiếm được bao nhiêu mà làm”, rồi việc đưa con đi lại sẽ dễ gãy xương. Nhưng cuối cùng chị cũng thuyết phục được bố mẹ cho đi học cách làm đèn bằng cúc áo ở Trung tâm “Vì ngày mai”.

    Nhờ đôi bàn tay khéo léo, kiên trì, cuối cùng sau 3 tháng, chị đã có thể tự làm ra sản phẩm bằng chính đôi tay của mình. Rồi từ ấy, Thương đã mày mò tự làm ra các sản phẩm với mẫu mã sáng tạo hơn, được nhiều người yêu thích.

    Được một thời gian, đến năm 2005 chị nhận thấy nhu cầu thị trường không chỉ ưa chuộng các sản phẩm được làm bằng cúc áo mà các sản phẩm “tranh giấy nghệ thuật” cũng là một mặt hàng bán chạy. Nắm bắt được nhu cầu đó, chị đã tự mình mày mò tìm kiếm, học hỏi trên mạng.

    Sau gần 10 năm theo nghề sản xuất và kinh doanh tranh giấy, Thương đã thành lập cho mình một công ty riêng hoạt động theo chu trình khép kín, từ việc thu mua nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ngày 13/6/2013 Thu Thương bắt đầu đăng ký kinh doanh cho công ty. Không chỉ bán hàng truyền thống, Thu Thương còn sở hữu một website thuongthuong.net để giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua mạng. Đầu tháng 1/2014, Công ty Thương Thương mới hoàn thiện một đơn hàng lớn nhất với 1.000 tấm thiệp cho Tập đoàn Tôn Hoa Sen, thu về 35 triệu đồng.

    Phải đến 10 năm sau, khi số tiền dành dụm trong suốt bao nhiêu năm kinh doanh được hơn 200 triệu đồng, Thương đã được bố mẹ hỗ trợ mua cho một mảnh đất rộng khoảng 300 m2 tại quê nhà và bắt tay vào xây dựng ước mơ.

    Đến nay Trung tâm dạy nghề Thương Thương ở thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã đi vào hoạt động. Trung tâm sẽ là nơi sản xuất, có chỗ ăn ở luôn cho các bạn khuyết tật đến làm việc.

    Nhìn cô gái xương thủy tinh năm nay đã ở cái tuổi 30 nhưng chỉ lớn bằng đứa trẻ lên 4, không có khả năng tự đi lại được, nhưng có thể làm được những việc phi thường, chúng tôi hiểu vì sao cách đây 4 năm, chị được Tập đoàn Phần mềm Microsoft tặng danh hiệu “Anh hùng thầm lặng”. Cùng với đó, chị còn được UBND TP.Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, được Bộ LĐ,TB&XH tặng Bằng khen “Phấn đấu vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, công tác và học tập”…

    G.V (sưu tầm)
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/7/15
  19. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    “Triệu phú xe lăn”

    Bị liệt từ lúc mới sinh, nhưng Trần Hồng Quang (SN 1970) đã không chịu lùi bước trước nỗi đau số phận. Anh đã quyết chí học nghề để tự nuôi sống bản thân, gia đình và dệt nên một câu chuyện tình cổ tích giữa đời thường.

    Tật nguyền nhưng không bất hạnh

    Trong buổi chiều muộn, chúng tôi tìm đến gia đình anh Trần Hồng Quang ở thôn Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội để cảm nhận rõ hơn một cuộc sống hạnh phúc giản dị mà anh chị có được hôm nay.

    Anh Quang kể, những tháng ngày tuổi thơ của anh là những lời chọc ghẹo, chê bai của không biết bao người. Họ cứ bảo anh bệnh tật như thế sẽ chẳng lấy vợ được. Bị bạn bè chọc ghẹo nhiều, anh chẳng còn tâm trí đâu mà học hành. Thế nên mặc dù được bố mẹ thay phiên nhau đưa đến trường bằng xe lăn nhưng học hết lớp 5 anh một mực xin bố mẹ nghỉ học.

    [​IMG]

    Đang trong lúc chán chường, chẳng biết có phải là duyên tiền định hay chỉ đơn thuần là sự tình cờ của Tạo hóa, ngày ấy hình ảnh chàng thanh niên bại liệt được chị Nguyễn Thị Miến người ở xã bên để ý. Nhiều lúc trái gió trở trời, cơ thể nhức nhối, anh Quang chỉ muốn chết đi để cho bố mẹ đỡ khổ và “giải phóng” cho người yêu. Mỗi lần như thế chị Miến lại an ủi, vỗ về anh Quang: “Anh sống được ngày nào hay ngày đó, bố mẹ và em sẽ không bỏ mặc anh đâu, anh sống là hạnh phúc nhất đối với bố mẹ và em”.

    Sau một thời gian tìm hiểu, hai người đã quyết định đi đến hôn nhân mặc cho bao rào cản và những lời dị nghị, sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình chị. Nhưng tình yêu của hai người đã vượt qua được sự ngăn cản của gia đình.

    Ngày cưới của đôi vợ chồng trẻ tuy đơn sơ nhưng đầm ấm, chỉ có vẻn vẹn ba mâm cơm, không hình cưới, không họ hàng, bạn bè cũng không. Chú rể chỉn chu trong bộ áo sơ mi trắng ngồi trên chiếc xe lăn, cô dâu bẽn lẽn trong bộ áo trắng, quần Jean giản dị, trong sự chứng kiến của hai người mẹ, cùng đàn em nhỏ. Hôm đó, hai người phụ nữ lớn tuổi chỉ biết lặng lẽ, gạt đi nước mắt lăn dài trên má cầu phúc cho đôi trẻ. Mẹ Quang chỉ biết bật khóc khi Miến quyết định lấy đứa con trai tội nghiệp của bà làm chồng. “Con Miến là Trời ban cho nhà tôi đó, không có con Miến chăm sóc, động viên an ủi chắc thằng Quang đã chết từ lâu rồi”.

    Chị Miến, vợ anh Quang tâm sự: “Lúc đầu bố mẹ mình không đồng ý cho cưới anh Quang vì sợ anh ấy tật nguyền như vậy thì lấy gì để sống đến sinh hoạt cá nhân như ăn uống, vệ sinh còn nhờ người thân giúp đỡ, rồi còn con cái và tương lai sau này. Nhưng mình quả quyết với bố mẹ rằng mình sẽ gắn bó cả đời với anh ấy nên cuối cùng bố mẹ cũng hiểu và cảm thông nên đồng ý cho cưới”.

    Chính vì tình yêu chân thành như vậy đã khiến anh Quang tự tin hơn để vững vàng cho con đường phía trước không ít chông gai, trắc trở….

    Vượt qua nghịch cảnh làm giàu

    Nói về cửa hàng buôn bán thức ăn và thuốc thú y chăn nuôi của mình, anh Quang không giấu nổi niềm vui.

    Với suy nghĩ ban đầu là cung cấp thức ăn chăn nuôi cho địa phương, vẫn đang là nhu cầu lớn, có tính lâu dài và có thể phát triển, mở rộng quy mô sản suất, vốn đầu tư không quá lớn, ít rủi ro và ít nhất thì cũng có thể làm với phương châm “Năng nhặt, chặt bị”. Anh Quang đã bàn bạc, xin ý kiến bố mẹ, anh em về việc tổ chức sản xuất, kinh doanh. Anh đã được cả gia đình đồng tình, khích lệ. Sự động viên của gia đình đã tiếp sức cho anh bước tiếp trên con đường khởi nghiệp.

    Anh đã không quản nắng mưa, rong ruổi bằng xe lăn đi đến những cơ sở làm thức ăn gia súc trong vùng tại các địa phương trong, ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đầu vào nguyên liệu và cả thị trường đầu ra cho sản phẩm. Chưa yên tâm với những gì mình đã “gom nhặt” được, anh quyết định khăn gói đến Trung tâm Khuyến nông huyện để tìm hiểu, tiếp cận từng vấn đề, từng chi tiết của quá trình vận hành, xử lý thuốc thú y trong những điều kiện cụ thể. Bản thân lại là khuyết tật nên anh lại có thái độ khiêm tốn, cầu thị. Những người hướng dẫn đã hết lòng chỉ dạy, truyền đạt cho anh về kiến thức, kinh nghiệm, phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả và chia sẻ cả những bí quyết thành công. Sau một thời gian không dài, Trần Hồng Quang đã tiếp cận được một lĩnh vực mới, anh quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp.

    “Ngày mới thành lập cửa hàng, vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn, kinh nghiệm kinh doanh và đầu ra cho sản phẩm vì mới đầu mọi người thấy minh tật nguyền thế này nên chưa đặt niềm tin” – anh Quang cho biết.

    Bước đầu thực hiện ý tưởng của mình, anh Quang đã gặp không ít khó khăn, tuy nhiên anh đã từng bước vượt qua và triển khai hoàn thành các quy trình của cửa hàng thức ăn tại khuôn viên vườn nhà. Mô hình được tổ chức với 1 nhà xưởng có diện tích 200m²; tổng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 70 triệu đồng, sử dụng 2 lao động thường xuyên, bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2000.

    Khi được hỏi “Cảm xúc của anh như thế nào khi xuất được mẻ hàng đầu tiên?”, anh Quang nói “Tôi rất tự tin nhưng không khỏi hồi hộp, thấp thỏm xen lẫn lo âu trong những ngày đầu người dân sử dụng sản phẩm của mình không biết như thế nào và niềm vui vỡ òa khi những người đầu tiên gọi điện đến mách gia súc gia cầm của họ ăn ngoan, chóng lớn”.

    Tính toán sơ bộ sau khi đã trừ các chi phí, xưởng đã đưa đến cho anh số doanh thu hằng năm lên tới 400 – 500 triệu đồng/năm. Tạo công ăn việc làm thường xuyên ổn định cho 2 nhân công từ 2,8 triệu – 3,5 triệu đồng/người/năm.

    Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại từ khách hàng. Người thì hỏi anh về thời gian chăm sóc vật nuôi, người thì lại hỏi về liều lượng sử dụng thức ăn và cách tiêm cho gia súc gia cầm.

    Đang lúc trò chuyện với anh, thì chúng tôi bắt gặp anh Lê Xuân Phú – người dân địa phương đến cửa hàng anh Quang mua hàng, Anh Phú cho biết: “Thức ăn và thuốc phòng bệnh ở cửa hàng anh Quang rất tốt và hiệu nghiệm. Gia đình tôi là khách quen của cửa hàng suốt 5 năm nay rồi. Có người còn mang cả ô tô về đón anh Quang đi xem bệnh của gia súc cho đấy. Anh Quang tài thật”.

    Bà Đặng Thị Gạo – Trưởng thôn Đặng, cho biết: “Anh Quang là người tật nguyền nhưng là hộ làm ăn giỏi mẫu mực trong thôn. Hi vọng tấm gương làm kinh tế giỏi như gia đình anh Quang sẽ nhân rộng trong cộng đồng để người dân noi theo”. Và chúng tôi, với lòng khâm phục anh, thì gọi anh là “Triệu phú xe lăn”.

    Trần Toản – Đặng Thanh Thảo
     
  20. langtu

    langtu Sinh viên năm III

    Thái độ của bạn sẽ quyết định và làm thay đổi cuộc đời bạn

    Hãy nói những ngôn từ tích cực

    • Hãy bắt đầu bằng những câu nói khẳng định thái độ tích cực của bạn: Tôi hiểu tầm quan trọng của việc duy trì một thái độ tích cực trong cuộc sống.

    • Tôi luôn có thái độ sống tích cực, nhìn sự việc theo những khía cạnh lạc quan, tươi sáng và đầy hi vọng.

    • Tôi luôn lạc quan tin rằng, những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong cuộc sống của tôi.

    • Tôi háo hức đón chờ một ngày mới. Tôi tận hưởng niềm vui sống mỗi ngày và cảm thấy hân hoan hơn bao giờ hết!

    Hãy tin mình sẽ làm được

    Có thể bạn không được chọn cho mình một hoàn cảnh sống, nhưng bạn có thể lựa chọn một thái độ của mình trước hoàn cảnh đó. Nếu bây giờ bạn vẫn chưa hài lòng với cuộc sống hiện tại thì thay vì cứ đắm mình mãi trong sự bực tức, oán than, tiếc nuối, tại sao bạn không nghĩ khác đi, không tự mình thay đổi nó?

    Nếu bạn muốn thoát khỏi cảnh nợ nần và tin rằng mình có thể làm được, thì bạn sẽ làm được. Nếu bạn mong muốn tìm được một công việc tốt hơn và tin vào năng lực của mình thì bạn sẽ từng bước chuẩn bị những điều kiện cần thiết và tìm kiếm cơ hội đó.

    Chính niềm tin do thái độ sống đúng đắn mang lại sẽ dẫn lối cho hành động. Và chỉ có thông qua hành động, chúng ta mới có thể biến những khát vọng thành hiện thực.

    Để chắc chắn rằng mình sẽ luôn bắt đầu một ngày mới với một thái độ sống tích cực, tôi thường tự mỉm cười với chính mình và tôi thầm cảm ơn cuộc sống đã cho tôi thêm một ngày nữa để yêu thương, để biết hân hoan chờ đón những điều mới mẻ đang đến. Tôi thấy rằng khi bắt đầu ngày mới với một thái độ tuyệt vời như thế thì một ngày đối với tôi thật đẹp, thật ý nghĩa.

    Mỗi sáng, khi vừa tỉnh giấc, suy nghĩ đầu tiên của bạn là gì? Có thể là “Thật khổ thân tôi, giờ tôi phải lê mình ra khỏi giường để đi làm” hay cũng có thể là “Thật tuyệt vời! Hôm nay là một ngày mới, ta sẽ có biết bao nhiêu cơ hội để làm được những điều tốt đẹp!”. Bạn hãy chú ý những suy nghĩ của mình, xem nó thường nghiêng về tích cực hay tiêu cực. Nếu đó là những suy nghĩ bi quan, mỏi mệt, sao bạn không ngay lập tức thay thế chúng bằng những suy nghĩ lạc quan, phấn khởi hơn? Nếu bạn vẫn thường khởi đầu một ngày bằng những suy nghĩ tốt đẹp, thì hãy cứ tiếp tục như thế, bạn nhé!

    Ở chỗ làm, bạn cư xử với đồng nghiệp của mình ra sao? Bạn có vui vẻ trả lời khi họ hỏi thăm mình không? Hay bạn chỉ trả lời rằng: “Tôi vẫn khỏe và tôi đang đi làm đây, cô không thấy sao?”.

    Còn nếu bạn cho rằng, việc chúng ta nên xây dựng một niềm tin mạnh mẽ về những điều tốt đẹp sẽ đến là một triết lý quá mới mẻ, thì bạn hãy nhớ rằng, từ hồi đầu thập niên 90, trong quyển sách mang tên “Self Mastery Through Conscious Autosuggestion”, nhà tâm lý học trị liệu người Pháp Émile Coué đã khuyên chúng ta nên thường xuyên tự nhủ: “Mỗi một ngày trôi qua, ta sẽ càng tiến bộ hơn”. Hãy bắt đầu một ngày bằng việc tự nhủ rằng mình sẽ tiến bộ hơn ngày hôm qua, rằng mình sẽ dần hoàn thiện hơn, và cuộc sống mơ ước rồi sẽ đến với mình. Và hãy tin một cách chắc chắn là bạn sẽ làm được những điều đó bởi vì, chính niềm tin này sẽ định hình trong bạn một thái độ sống tích cực và một quyết tâm hành động để thay đổi. Thật sự là bạn đang dần tiến bộ và bạn đang từng ngày có được những điều mình hằng ấp ủ!

    Một thái độ tích cực sẽ tỏa sức mạnh, sẽ giúp hình thành sự tự tin trong bạn. Chính sự tự tin đó sẽ thúc đẩy bạn hành động và cách bạn hành động như thế nào sẽ là câu trả lời rằng những điều bạn mơ ước có thể trở thành hiện thực hay không.

    Hãy đọc và suy ngẫm

    “10% cuộc sống của bạn là do những gì bạn tạo ra, còn 90% còn lại tùy thuộc vào cách bạn suy nghĩ và cảm nhận” - Irving Berlin.

    “Thái độ sống của bạn sẽ quyết định là bạn có trưởng thành hơn hay mãi mãi không thể trưởng thành được, cho dù bạn có già đi” - Tiến sĩ Creflo Dollar.

    “Không gì có thể ngăn cản được người có thái độ đúng đắn vươn tới mục tiêu của mình; và cũng không có gì trên thế gian này có thể giúp được một người có thái độ sống sai lầm” - W.W. Ziege.


    Niềm tin Là một điều gì đó hay một người nào đó mà chúng ta đặt lòng tin tưởng của mình.

    Nguồn : Tuổi Trẻ
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/7/15
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này