Vượt qua chính mình để thành công Trong nhịp sống hối hả này, thay đổi chính là để tồn tại. Vì nếu không, bạn cũng như chiếc điện thoại đang dùng... Rất nhiều người trẻ được đào tạo và chịu khó học hỏi. Và thực tế là họ trưởng thành, sẵn sàng nắm lấy những cơ hội để vươn lên thành một biểu tượng mới của tuổi trẻ. Trong khi đó, có rất nhiều người trẻ khác lại gia nhập vào chiều ngược lại: không biết ngoại ngữ, sử dụng các phương tiện hiện đại chỉ để khoe mẽ, tối ngày tìm niềm vui ở những thứ vô bổ... Không phải chuyện lạ khi mà ngày nay, tuổi trẻ của các nước phát triển không chỉ lo học chuyên môn, nâng cao ngoại ngữ mà còn tìm mọi cách nâng cao giá trị bản thân, tham gia cống hiến cho xã hội, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong các vấn đề môi trường nóng bỏng... Rất dễ nhận thấy sự khác biệt lớn lao giữa sinh viên toàn cầu hóa và sinh viên không - toàn - cầu - hóa: giữa một người đi lên bằng việc không ngừng gia tăng giá trị bản thân, nắm luật chơi thời đại và một người an phận với suy nghĩ: nhà mình giàu, quan hệ rộng thì lo gì không có việc làm. Chừng nào lợi ích vật chất và vị thế xã hội của một cá nhân chưa được hình thành trên giá trị bản thân và sự phát triển của một người còn nằm trong mối quan hệ hoặc nâng đỡ từ sự quen biết thì rất khó để thay đổi một số người trẻ. Khi tự thấy mình là một sinh viên toàn cầu hóa, anh ta sẽ học qua mạng, xin học bổng qua mạng, trao đổi với bạn bè trên thế giới qua mạng, trong khi một sinh viên không - toàn - cầu hóa lại trung thành và nhai lại những kiến thức cũ rích và vô dụng từ thế kỷ trước. Khoảng cách giữa hai con người đó là khoảng cách của thế kỷ chứ không phải khoảng cách tính bằng cây số. Như vậy, không cần dùng một thước đo cũng có thể hình dung khoảng cách giữa những người trẻ chúng ta chứ chưa cần nói tới khoảng cách với những người trẻ thế giới. Thanh niên Việt năng động, sáng tạo và cần cù thông minh thì ai cũng thừa nhận. Song, các thói quen, sự trì trệ và thiếu hiểu biết cũng như khả năng tự phát triển là những cản trở không nhỏ. Thách thức lớn nhất là thách thức từ chính mình, không tự vượt qua được các trói buộc mà mình tự buộc vào. Cho nên đổi mới tư duy vẫn là điều quan trọng nhất. Biết đón nhận cái mới, biến kiến thức học được thành trí tuệ, kỹ năng của mình, đó là điều chúng ta cần làm. Chiến đấu với chính mình, vượt lên chính mình là yếu tố then chốt để đi đến thành công! Nguyễn Tử Anh (Thanh Niên)
Nếu phải sống trong âu lo triền miên... “Nếu gặp một điều lo lắng, trước hết, bạn hãy nghĩ thêm: điều tồi tệ hơn nữa có thể xảy ra là gì? Sau đó, bạn hãy chuẩn bị tinh thần chấp nhận điều đó. Và sau cùng, bạn sẽ dễ dàng vượt lên điều bạn đang gặp.” - Dale Carnegie. Renée đang gặp một số khó khăn trong công việc. Sự lo lắng như đang tra tấn cô hàng ngày. Cô đem nỗi lòng của mình tâm sự với một người bạn. Người bạn hỏi lại: “Thế cậu có cho rằng sẽ có một điều gì đó còn tồi tệ hơn nữa không?”. “Dĩ nhiên là không!” - Renée trả lời - “Ồ! Điều tồi tệ hơn, nếu có, chắc hẳn phải là chuyện chồng mình phản bội mình! Hoặc mình hay người thân bị tai nạn.” Nhờ câu hỏi của người bạn mà Renée chợt nhận ra, chuyện mất việc không phải là mối bận tâm hàng đầu của cô. Và với suy nghĩ như vậy, Renée đã quay lại làm việc một cách vui vẻ, tích cực hơn. Cô chẳng còn bận tâm nhiều về những bất đồng đã xảy ra với cấp trên, cũng như nguy cơ bị mất việc mà cô đã tự hình dung trước đó. Câu nói của Dale Carnegie quả là một gợi ý tuyệt vời để mỗi chúng ta đương đầu với mọi lo lắng trong cuộc sống. Trước hết, chúng ta cứ thử nghĩ xem còn điều gì tồi tệ hơn có thể xảy ra nữa không. Và sau đó, chúng ta tìm cách vượt lên hoàn cảnh hiện tại. Đó cũng chính là phương pháp mà Renée đã áp dụng. Thật thú vị là sau đó, cô đã nhận thấy mọi thứ không đến nỗi quá tồi tệ như cô hình dung. Điều đó giúp cô cảm thấy vẫn còn may mắn, yên tâm hơn, vững vàng và thoải mái hơn trong công việc hiện tại của mình. Phải chăng những gì bạn đang lo lắng luôn là quan trọng nhất trong vô số những lo toan hàng ngày của bạn? Trước những khó khăn của cuộc sống, liệu bạn có vững lòng? Bạn cứ tự hỏi mình xem, điều gì tồi tệ hơn có thể xảy ra được nữa? Câu hỏi này thực sự giúp bạn thoát ra khỏi vùng xúc cảm của não bộ, nơi mà những nỗi lo luôn luôn tìm cách nhấn chìm bạn, sang một vùng mới gọi là vùng tư duy của não bộ. Đó chính là nơi mà bạn có xây dựng cho mình một kế hoạch làm việc, dự liệu trước những tình huống hoặc sự việc bất ngờ có thể xảy đến. Kế hoạch làm việc của bạn, tự nó cũng đã mang lại cho bạn cảm giác tự tin, nhẹ nhõm, khuây khỏa và an tâm hơn rất nhiều rồi! Nó giúp bạn nhận ra mình có khả năng ứng phó với mọi tình huống thay đổi bất ngờ. Kathy trong một thời gian dài đã bị ám ảnh bởi ý nghĩ mình có thể sẽ bị ung thư vú. Cả mẹ và chị của cô đều mắc phải căn bệnh này, nên về mặt lý thuyết, cô hoàn toàn có khả năng bị ung thư. Để đối phó với nguy cơ mắc bệnh, Kathy bắt tay vào thực hiện một kế hoạch phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh. Cô thu thập và nghiên cứu những tài liệu y khoa nói về ung thư vú. Hàng ngày, cô tự kiểm tra ngực của mình theo chỉ dẫn của sách báo. Cô cũng thực hiện một chế độ ăn uống dành riêng cho người có nguy cơ bị ung thư vú cao. Cô nghĩ đến những bác sĩ uy tín mà cô sẽ đến để chữa bệnh. Và cô đã cảm thấy mọi việc tốt hơn lên khi cô ý thức được rằng, mình có khả năng đương đầu với tình huống xấu nhất. Thật ra, một khi chúng ta đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, thì đó chính là lúc chúng ta có thể hy vọng nhiều nhất. Bởi lẽ, khi chúng ta đã tập trung mọi sức lực và khả năng để đương đầu với thử thách, thì trong một chừng mực nào đó, chúng ta cũng có thể đẩy lùi hoặc giảm thiểu ảnh hưởng của nó. Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng, trong nhiều trường hợp, chúng ta hoài công lo lắng và hao tổn sức lực cho những điều gì đó khủng khiếp mà thật ra, nó chẳng bao giờ xảy đến. Thế nên, theo tôi, tốt nhất là chúng ta cứ vui sống trong hy vọng. Nếu sau này, điều mà bạn hy vọng không xảy ra như ý muốn, thì dù sao, bạn cũng vẫn có một thời gian dài được sống hạnh phúc với niềm hy vọng của mình! Kathy đã làm được tất cả những điều trên. Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm và trước khi bác sĩ đưa ra kết luận cuối cùng, cô đã cố gắng vui sống hết mình. Kết quả chẩn đoán cho thấy cô có một khối u ác tính bên ngực trái và cần phải tiến hành điều trị ngay. Kathy vẫn không hề cảm thấy nuối tiếc và mất đi những tia sáng hy vọng. Vì dù sao, cô cũng đã chọn một cuộc sống hạnh phúc trong khoảng thời gian dài trước đó. Kathy hạnh phúc hơn rất nhiều so với những bệnh nhân khác - những người chỉ biết sống trong lo lắng, tuyệt vọng. Trích từ "Hạnh phúc không khó tìm" - M.J. Ryan
Sống mạnh mẽ Con người có quá nhiều việc cần phải lo lắng và dường như chúng ta quá yếu đuối trước cuộc đời! Bạn đã từng than vãn rằng mình không có đủ nghị lực, không có đủ mạnh mẽ để làm những điều mình muốn và đương đầu với tất cả những khó khăn trong cuộc sống! Đừng bao giờ khóc và quỳ gối trước những khó khăn thất bại, hãy xem đó là bài học mà bạn cần ghi nhớ để sống tốt hơn và không bao giờ lặp lại những sai lầm đáng tiếc ấy! Hãy sống thật mạnh mẽ để vượt qua tất cả những khó khăn mà bạn vấp phải trong đời! Làm thế nào để mạnh mẽ và quyết tâm hơn ? Điều này đến từ chính bản thân bạn. Bạn phải tự mình biết hướng bản thân đến những điều tốt đẹp, luôn ghi nhớ và thực hiện chúng trong từng ngày của cuộc sống! Đừng bao giờ ủ ê hay chán nản quá lâu, càng chìm đắm vào những cảm giác tiêu cực bạn sẽ chỉ càng trở nên yếu đuối hơn mà thôi! Hãy nhìn về phía trước và vững vàng vượt qua những trở ngại. Hãy học cách chấp nhận những điều đó như những gì vốn có của cuộc sống để không sợ hãi trước chúng! Bạn hãy nhớ rằng, chỉ chúng ta mới có thể tìm kiếm sự mạnh mẽ cho mình! Làm nhiều điều tốt và hướng cuộc sống đến những mục tiêu cao cả bạn sẽ mạnh mẽ hơn và tự tin hơn! Nếu lúc nào bạn cũng chỉ biết than vãn và trách móc bạn sẽ làm được gì ? Chẳng gì cả! Bởi lẽ, bạn không dám đối mặt với hiện thực, với khó khăn và thất bại! Đừng nghĩ rằng thất bại đồng nghĩa với kết thúc hãy xem đó là động lực để làm tốt những việc khác! Thất bại chỉ đến khi chúng ta ngừng cố gắng! Thế nên bạn sẽ có đủ thời gian, đủ sức lực để biến những mong ước trở thành hiện thực! Quan trọng nhất đó là bạn có dám đối mặt với nó hay không? Sống mạnh mẽ và tự tin là bí quyết để bạn có được cuộc sống vui vẻ và thành công. Khi bạn biết cách chinh phục thử thách, khó khăn sẽ nhường bước cho bạn. Nó sẽ không đủ sức để cản trở bạn đến với những thành công! Hãy chấp nhận cuộc sống và mạnh mẽ đối diện với nó, bạn nhé! Chỉ có thế bạn mới sống cuộc đời như mình mong muốn được! Sưu tầm
Đừng để người khác sắp đặt sinh mệnh của mình Một vị học giả, khi nghĩ lại bước đường từng trải của mình đã nói : Khi tôi học năm thứ 6 tiểu học, tôi thi đỗ đầu. Thầy giáo tặng tôi một bản đồ thế giới. Tôi phấn khởi lắm và chạy về nhà giở tấm bản đồ ra xem. Không may, hôm đó tới phiên tôi đun nước tắm cho cả nhà, tôi vừa đun nước vừa xem bản đồ. Giở đến tờ bản đồ Ai Cập, tôi nghĩ Ai Cập rất đẹp, có kim tự tháp, có sông Nin, có mộ nữ hoàng có vua Pha-ra-on và còn nhiều điều thần bí khác. Tôi nghĩ khi lớn lên có cơ hội phải đi thăm Ai-Cập một chuyến. Khi đang say sưa xem, bỗng có một người từ nhà tắm bước ra, khổ người to béo, bụng quấn chiếc khăn bông nói với tôi một giọng rất gay gắt : "Mày đang làm gì?" Tôi ngẩng đầu lên nhìn, người ấy là ba tôi. Tôi nói : "Con đang xem bản đồ". Ba tôi rất bực tức : "Lửa tắt hết rồi, còn xem bản đồ gì?" Tôi nói : "Con đang xem bản đồ Ai Cập." Ba tôi chạy đến giang tay tát và đá tôi một cái văng đến gần lò lửa và nói : "Đi nhóm lửa mau, xem bản đồ Ai Cập làm gì?" Đánh xong, ông nói với giọng rất nghiêm túc : "Tao bảo đảm với mày, cả đời này mày sẽ không bao giờ đến được nơi xa xôi hẻo lánh ấy! Mau đi nhóm lửa!" Lúc ấy tôi đứng ngẩn người ra nhìn cách hành xử của cha tôi, tôi nghĩ : Sao ba tôi lại khẳng định với tôi sự việc lạ lùng ấy! Đúng thực như thế ư? Cả cuộc đời này tôi chẳng đến được Ai Cập? Hai mươi năm sau, lần đầu tiên được ra nước ngoài là tôi đến ngay Ai Cập. Bạn tôi hỏi : "Cậu đến Ai Cập làm gì?" Lúc đó nước ta chưa cải cách mở cửa, đi nước ngoài khó khăn lắm. Tôi nói : "Vì tôi không muốn sinh mệnh của mình bị người khác sắp đặt và tôi đã đi du lịch Ai Cập." Một hôm, tôi ngồi trên bậc thềm trước cửa Kim tự tháp, mua một bưu thiếp gửi ba tôi. Tôi viết : “Ba thân mến! Con đang ngồi viết thư trước Kim tự tháp để gửi cho ba. Con nhớ khi con còn nhỏ, ba đánh con hai bạt tai, đá con một cái và ba nói con không thể đến nơi xa xôi này được, bây giờ con ngồi đây viết thư cho ba”. Khi viết, tôi có cảm xúc rất sâu sắc, lúc ba tôi nhận được bưu thiếp ông nói với mẹ tôi : Này đó là lần đánh thứ mấy nhỉ? Làm sao có hiệu quả thế, đá một cái mà bay đến ngay Ai cập. Mình là nhà thiết kế cho bản thân mình. Thiết kế thành rồng hay thành giun đều do chính mình. Nếu đem sự phát triển của mình chỉ dựa vào sự sắp đặt của người khác, tự mình không thực hiện được mong ước, không có mục đích nhân sinh của bản thân, thì không thể làm nên sự nghiệp gì. Sinh mệnh của mình phải do bản thân mình đẽo gọt, tự chọn lối sống cho mình. Xác định mục tiêu nhân sinh thì phải thiết kế cho mình : - con đường sống như thế nào? - đi theo phương hướng nào? - cuối cùng đạt tới mục đích nào? Được người khác thiết kế sẵn, sắp đặt hộ và làm theo sự thiết kế của người khác, sinh mệnh của mình chỉ bằng phẳng không có gì đột phá thì suốt đời chỉ có thế. Những người khát khao cháy bỏng và ước mơ hoài bão không ngừng vượt qua chính mình thì mới đạt được đỉnh cao này đến đỉnh cao khác, cuộc sống do đó mà phong phú , nhiếu màu sắc rực rỡ tươi vui. Trích từ "100 câu chuyện triết lý về cuộc đời" – NXB LĐXH
Làm thế nào để biến ước mơ thành hiện thực ? Có ba từ đơn giản mà nếu bạn thường xuyên sử dụng nó thì nó sẽ gây tác hại cho cuộc đời bạn nhiều hơn so với tác hại của tất cả kẻ thù khác gộp lại: “Tôi không thể !.” Bạn có sử dụng nó thường xuyên không? Khi bạn còn nhỏ, bạn có được dạy rằng khi bạn gào lên rằng: “Tôi không thể!” thì bạn có thể tránh được những việc mà mình không thích chẳng hạn như uống thuốc ho và làm công việc nhà? Khi bạn gào lên rằng: “Tôi không thể!” thì bạn có tránh được bất kì một bất hạnh nào không, hay bạn chỉ nhận thêm nhiều bất hạnh hơn nữa? Trong cuốn sách nổi tiếng của mình, cuốn Hãy tin rằng thế, Richard DeVos giới thiệu với chúng ta một bài học kinh điển nhất :Những giới hạn duy nhất mà bạn phải đối mặt chính là những giới hạn mà bạn đã tự tạo ra cho chính mình. Bạn hãy tự giải thoát mình tránh xa khỏi mắt xích “Tôi không thể!” và bạn sẽ vươn đến được tầm cao mà bạn muốn. Bạn có thể làm bất kỳ điều gì… nếu bạn tin là mình có thể! Dễ dàng chứ? Dĩ nhiên là không ! Không gì đáng giá trong đời này lại là việc dễ dàng. Bạn có thể chế ngự được nó? Vâng, nhưng bạn chẳng bao giờ biết, trừ khi bạn cố gắng và liên tục cố gắng… Những người có mục tiêu thấp thường chỉ có thể chạm đến được những gì họ nhắm đến: họ chẳng nhắm gì cả và họ chẳng đến được đâu cả. Chúng ta không nhất thiết phải sống trong một cuộc đời như thế. Tôi tin rằng một trong số những sức mạnh to lớn nhất trên thế giới này chính là nghị lực sống của một người luôn tin tưởng vào chính mình, anh ta dám nhắm lên cao, dám tự tin theo đuổi những thứ mà anh ta muốn trong đời. “Tôi có thể”. Đó là câu nói mạnh mẽ nhất. Con số những người vận dụng câu nói này và thành công luôn nhiều đến mức ngạc nhiên. Đối với đại đa số mọi người thì đây là câu nói ý nghĩa nhất trong đời họ. Nó rất hiệu quả. Họ có thể thực hiện những gì họ nghĩ rằng mình có thể thực hiện. Để có thể thực hiện được bất kỳ việc gì, trước hết bạn cần phải tin rằng bạn có thể. Sưu tầm
Sống và Khát Vọng Chúng ta đang sống hay chỉ tồn tại ? "Thời gian của bạn là có hạn, vì thế đừng lãng phí nó sống cuộc đời của những người khác. Đừng để mình vướng vào những giáo điều, suy nghĩ theo những lối mòn mà người khác đã vạch sẵn. Đừng để ý kiến của mọi người át đi tiếng nói sâu thẳm trong tâm hồn bạn. Và quan trọng nhất là hãy tin theo trái tim và trực giác, những thứ biết được bạn thực sự muốn làm gì. Mọi thứ còn lại chỉ là thứ yếu mà thôi." - Steve Jobs (1955-2011). Xin mời các bạn cùng xem clip vidéo rất hay về Ước Mơ - Thành Công và Thất bại (không có liên quan gì đến Steve Jobs cả !)
Kiên nhẫn và khoan hồng Hãy kiên nhẫn với tất cả. Sân hận dẫn dắt chúng ta vào một khu rừng rậm không có lối đi. Trong khi chọc giận và gây phiền phức cho người khác nó cũng làm tổn thương chính ta, làm yếu kém cơ thể và xáo trộn tinh thần. Một lời nói đã thốt ra như nước đổ xuống đất, như mũi tên được buông ra từ cánh cung, không thể còn thâu hồi lại được nữa. Dầu ta có sám hối hay xin lỗi ngàn lần, lời nói bất cẩn đã gieo ảnh hưởng của nó. Có nhiều con vật không thấy ban ngày. Có những con khác không thấy trong đêm tối. Nhưng người đã bị lòng sân hận lôi cuốn đến cao độ thì đêm cũng như ngày, không còn thấy gì. Khi nỗi sân, chúng ta chiến đấu chống ai, và chống gì? Ta chiến đấu chống ta vì chính ta là kẻ thù tệ hại nhất của ta. Tâm là người bạn tốt nhất mà cũng là kẻ thù nguy hiểm nhất. Ta phải cố gắng diệt trừ những ô nhiễm tham ái, sân hận, và si mê trong tâm bằng giới, định, tuệ. Vài hình thức đau tim, vài chứng bịnh tê thấp, và vài xáo trộn ngoài da còn mang dấu vết của tính bất mãn, sân hận, và ganh tị kinh niên. Những cảm xúc có đặc tánh phá hoại như vậy là cho tim nhiễm độc. Nó làm phát triển những chứng bịnh còn ngủ ngầm và tạo môi trường thuận lợi cho những con vi trùng sanh bịnh. Trích từ "Nhẹ gánh lo âu" - Sri Dhammananda
Hãy cho tâm hồn được hạnh phúc Trong đề tài “Làm sao chấm dứt đau khổ, tìm lại hạnh phúc tâm hồn” đăng trên tờ tạp chí Mỹ, giáo sư tâm lý học David Servan Schreiber, người Pháp, thuộc trường Đại học Pittsburgh đã nêu ra một số biện pháp đơn giản sau đây: Hãy sống lạc quan Dù trong cảnh ngộ nào bạn cũng nên nhớ rằng sự sống là quý giá nhất. Được sống là một hạnh phúc rồi. Không cần những thành công vĩ đại. Triết gia De Rosalie nói “Hãy kiên nhẫn làm những chuyện bình thường để trở nên phi thường”. Phút giây nào của cuộc đời bạn lạc quan tiếp tục công việc mình đang làm một cách tận tâm hướng thiện. Bạn sẽ cảm nhận được những phút giây hạnh phúc. Nếu kết những phút giây đó lại, bạn sẽ thấy mình đâu có thiếu hạnh phúc! Yêu thương mọi người, mọi vật “Thù hận, ghen ghét ai là tự bỏ một con sâu róm vào trong trái tim mình”, câu nói ấy của một triết gia Ấn Độ cho thấy sự thù hận không bao giờ đem lại sự yên ổn, hạnh phúc cho tâm hồn người, trái lại bạn hãy quan tâm đến triết lý mà Phật giáo phương Đông đã dạy : Từ bi hỉ xả, yêu thương mọi người mọi vật. Một cách đơn giản nhất là bạn cứ hãy thương hại người đứng bên tay trái và tay phải của bạn thôi, bạn cũng sẽ thấy cuộc sống rất dễ chịu lắm rồi. Nếu ai cũng biết yêu thương như vậy, bạn nghĩ xem cả xã hội sẽ có tình thương rất rộng lớn! Ngả nón chào từ biệt quá khứ Cái gì đã qua, bạn cho nó qua đi, chúng ta không bao giờ tắm được hai lần cùng một dòng sông, cũng không bao giờ tìm lại được tâm hồn chiều nay của chúng ta. Bạn hãy “ngả nón chào từ biệt quá khứ, và sắn tay áo hướng đến tương lai” như nhà văn Pháp Victor Hugo đã viết. Một người cũng như một dân tộc cứ ôm giữ quá khứ của mình thì không tránh khỏi bị người khác, dân tộc khác vượt qua, bỏ mình lại phía sau. Lê Ngọc Lan (ST)
Hãy lắng nghe những rắc rối của bạn Tôi tự thấy mình rất hay phàn nàn. Dù đó là chuyện bực mình với người đồng nghiệp ở xa hay với một người bạn nào đó thì chuyện phàn nàn cũng chỉ luôn đưa tôi tới tâm trạng tiêu cực mà thường bao giờ cũng xấu nhiều hơn tốt. Điều thanh thản đôi chút với tôi những khi ấy là thực tế chẳng phải riêng mình tôi có tâm trạng đó. Chúng ta luôn phàn nàn về cuộc sống của mình, nhưng thử hỏi điều đó có làm mọi việc tốt hơn không? Trên thực tế, những phàn nàn đã nói đó bắt nguồn từ việc ta luôn nghĩ rằng, chẳng ai khổ như ta, chẳng ai khổ bằng ta. Nhưng liệu có phải cuộc sống của ta thực sự tệ hại hơn những người khác? Chúng ta có khác nhau chút nào không? Câu chuyện của nhà văn Paulo Coelho, tác giả cuốn The Alchemist phần nào đã giúp ta có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này. Trong mẩu chuyện có tên “Những rắc rối của người khác”, tác giả Coelho kể về một nhà thông thái thường được mọi người tới xin thỉnh giáo. Họ muốn hỏi ông cách giảm bớt đau khổ và được hạnh phúc. Mong muốn yên thân, nhà thông thái quyết định sẽ trả lời mọi câu hỏi của họ trong một lần, để họ không còn làm phiền ông sau đó. Câu chuyện tiếp tục thế này: “Hãy viết ra những rắc rối của bạn vào một tờ giấy và đặt nó trước mặt tôi”, nhà thông thái bảo mọi người. Khi ai nấy đều đã viết xong xuôi, nhà thông thái trộn tất cả các mảnh giấy lại với nhau trong một cái giỏ rồi bảo: “Hãy chuyển cái giỏ này lần lượt tới từng người. Mỗi người trong các bạn sẽ chọn lấy một tờ và đọc. Đọc xong, bạn sẽ chọn một trong hai cách: giữ nguyên những rắc rối của mình hoặc chọn lấy rắc rối mà bạn đã đọc được trong tờ giấy”. Từng người một chọn, họ đọc xong và tỏ ra rất hoảng sợ. Họ đều thừa nhận những điều mình đã viết, tuy thực tồi tệ, nhưng cũng không đến nổi như rắc rối của những người hàng xóm. Hai giờ sau, họ trao đổi cho nhau những mẩu giấy của mình và mỗi người đều phải đặt lại những rắc rối riêng vào túi với niềm an ủi, nỗi khổ của mình vẫn chưa khủng khiếp như đã nghĩ. Biết ơn vì bài học, mọi người xuống núi với sự yên tâm, mình hạnh phúc hơn tất cả những người khác. Và giữ đúng lời hứa, không ai được phép làm phiền cuộc sống tĩnh lặng của nhà thông thái nữa. Bài học quan trọng rút ra từ truyện ngắn này dường như thật đơn giản :đừng than thở nữa mà hãy cảm ơn vì những gì bạn đang có. Rõ ràng, bài học đó đã rất hay rồi nhưng tôi nghĩ nó không chỉ là như thế. Tôi tin nó còn đòi hỏi chúng ta nghĩ sâu thêm một chút : Không chỉ tất cả chúng ta đều có những rắc rối của mình mà còn là, chúng ta gặp phải những rắc rối đó vì CHÚNG TA LÀ CHÚNG TA. Rắc rối của mỗi người đều tồi tệ như nhau nhưng họ hoảng sợ trước những rắc rối của người khác tới mức, từng người đã không thể chờ để lấy lại rắc rối ban đầu. Mỗi người đã không thể nhận diện được rắc rối của người khác cũng như không biết làm sao để giải quyết nó. Vì vậy, có thể thấy, rõ ràng việc than thở chỉ làm lãng phí thời gian, vì khi ai đó gặp rắc rối, chính họ đang ở hoàn cảnh phù hợp nhất để giải quyết. Điều này không có nghĩa, nói ra điều đó là không tốt. Cũng như vậy, mỗi người sẽ tự quyết định xem mình cần sự giúp đỡ cụ thể như thế nào từ những người khác. Kiểu giúp đỡ đó không phải là phàn nàn, đó là hành động hỗ trợ. Đỗ Dương (ST)
Lời nhắn của một người Mẹ Trong cuộc sống luôn có những niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ hay thất vọng mà chúng ta cần phải vượt qua. Với những lời khuyên và sự động viên của người Mẹ sẽ giúp ta có thêm nghị lực trong cuộc sống, để trở thành một người có ích trong xã hội. Sau đây là lời nhắn của một người Mẹ gửi đến con mà tôi đã đọc được và thấy rất ý nghĩa, mời các bạn cùng đọc và suy nghĩ : - Mẹ có thể cho con cuộc sống, nhưng Mẹ không thể sống mãi với con. - Mẹ có thể chỉ đường cho con, nhưng Mẹ không thể luôn ở bên cạnh để dẫn con đi. - Mẹ có thể dạy con về cuộc sống, nhưng Mẹ không thể làm cho con luôn có lòng tin. - Mẹ có thể mua cho con quần áo đẹp, nhưng Mẹ không thể làm cho con luôn giữ được tâm hồn đẹp. - Mẹ có thể cho con sự yêu thương, nhưng Mẹ không thể bắt con phải yêu thương tất cả mọi người. - Mẹ có thể dạy con chia sẻ, nhưng Mẹ không thể làm cho con không có một chút ích kỷ. - Mẹ có thể dạy con sự tự trọng, nhưng Mẹ không thể bắt con phải tôn trọng người khác. - Mẹ có thể khuyên con về bạn bè, nhưng Mẹ không thể cho bạn cho con. - Mẹ có thể dạy con về những điều không tốt trong cuộc sống, nhưng Mẹ không thể nói " không" thay cho con. - Mẹ có thể nói cho con về những ước mơ và mục đích sống, nhưng Mẹ không thể đạt được chúng giúp con. - Mẹ có thể dạy con về sự tử tế, nhưng Mẹ không thể bắt con phải cư xử đúng trong mọi trường hợp. Nhưng mẹ có thể yêu thương con vô điều kiện trong suốt cuộc đời... và Mẹ sẽ luôn như thế. Trích từ "1001 câu chuyện cảm động" - nhiều tác giả
Có công mài sắt… “Ngu dốt” không phải là điều gì ghê gớm. Đáng sợ là, vì người ta chê bạn dở mà bạn từ bỏ mọi cố gắng, từ bỏ quyền lợi được chắp cánh ước mơ cho chính mình. Từ vạch xuất phát đến khi về đến đích, chưa ai biết chuyện gì sẽxảy ra, mọi chuyện đều có thể thay đổi. Cuộc so tài không chỉ dựa vào tốc độ nhất thời, điều cốt yếu là sức bền và ý chí. Từ nhỏ tới lớn, Peter làm việc gì cũng chậm một bước so với các bạn trẻ khác, do vậy mà luôn bị bạn học cười nhạo, thầy cô phê bình. Dù đã thử mọi cách để làm thật tốt, để thay đổi bản thân song em không thể nào khắc phục được nhược điểm của mình. Cho đến khi lên lớp 9, Peter mới được bác sĩ chẩn đoán rằng em có chút trở ngại về sinh lý, khiến tác phong luôn chậm chạp, thiếu nhạy bén. Vì thế em chả bao giờ làm được việc gì cho mau mắn được. Từ đó Peter thôi không thắc mắc về khiếm khuyết của bản thân nữa. Em chỉ cố gắng hết sức trong mọi việc. Tốt nghiệp trung học xong, Peter nộp đơn thi vào 10 trường đại học thuộc loại trung bình, thầm nghĩ thế nào cũng đậu một trường. Song cuối cùng, em không hề nhận được giấy báo trúng tuyển nào cả! Đang rầu rĩ thì Peter tình cờ đọc được mẫu quảng cáo với nội dung như sau : “Bảo đảm được nhận vào đại học nếu bạn chịu đóng 250 USD”. Peter vội vàng xin mẹ 250 USD đóng học phí, quả nhiên trường gởi giấy báo nhập học đến ngay. Nhìn lại tên trường đại học này, Peter bỗng nhớ đến bài báo viết về nó từ mấy năm trước : “Đây là một trường mà chỉ cần có tiền, ai cũng có thể vào học”. Lúc bước chân vào ngôi trường tai tiếng này, Peter nung nấu trong lòng một quyết tâm : “Phải dùng tương lai để chứng minh giá trị bản thân mình”. Học ở đấy được một năm, Peter chuyển sang trường khác. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh vào làm ở công ty địa ốc. Năm 22 tuổi, anh tự mình mở công ty địa ốc riêng. Từ đó về sau, anh xây dựng gần 10.000 căn hộ chung cư tại bốn bang ở Mỹ, sở hữu 900 cửa hàng chi nhánh, tài sản lên đến vài trăm triệu đô la. Peter còn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và có lúc làm tới chức chủ tịch nữa. Từ một đứa trẻ kém thông minh trong mắt người khác, anh đi đến thành công bằng cách nào? Về điều này, Peter cho rằng có ba nguyên nhân : Thứ nhất, mỗi người đều có sở trường của mình, có người viết văn hay, có người tính toán giỏi. Một chuyện có thể rất khó với người này song có thể lại là chuyện nhỏ đối với người khác. Chính vì thế, nhất định phải đi theo con đường thích hợp với mình, đừng nghe người khác nói ra nói vào và làm những việc trái với năng khiếu, sở trường thì sẽ phải tiếc nuối cả đời. Thứ hai, tôi là đứa trẻ may mắn vì cha mẹ biết hiểu lòng tôi, có lòng khoan dung và nhẫn nại, biết thông cảm với con cái. Giả sử có một bài toán tôi phải tốn những 2 giờ mới làm xong trong khi người ta chỉ cần 15 phút, cha mẹ cũng không bao giờ mắng tôi cả. Đối với họ, chỉ cần con trai mình chịu cố gắng là được rồi. Thứ ba, tôi không bao giờ so đo, cạnh tranh một cách tiêu cực với bạn học trong lớp. Chẳng hạn như có anh bạn vừa cao lớn lại to con nên chạy rất nhanh, còn tôi vừa lùn vừa nhỏ con, tại sao phải so sánh chứ? Biết mình biết ta là điều rất quan trọng. Tôi từng tự hỏi mình ngàn lần : tại sao người ta lại có thể học dễ dàng như thế, còn mình thì luôn luôn phải mò mẫm, ì ạch từng bước một? Tại sao người ta giỏi giang còn mình kém cỏi? Đến khi biết được căn bệnh của mình, nhận được sự quan tâm của cha mẹ và lời giải thích của bác sĩ chuyên môn, tôi biết mình phải làm gì. Hiểu được bản thân, biết mình đang đứng ở đâu trong thế giới xung quanh là bước đầu tiên trên con đường tự hoàn thiện. Trích từ "Khi đoàn xe lăn bánh" – NXB VHSG
Nếu bạn thiếu tự tin ? Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn không đủ nghị lực để vươn lên? Khi bạn thấy quá nhiều khó khăn? Bạn sẽ phải trả giá cho sự không quyết tâm và nhút nhát của mình. Không ít người tìm thấy sự bình yên trong những nguyên trạng. Bằng lòng với cuộc sống tẻ nhạt có thể đem lại cho bạn sự yên tĩnh nhưng bạn sẽ có cảm giác gì khi 10 năm sau, gặp lại những người bạn đã lựa chọn khác, đã liều mình đuổi theo ước mơ, đã tự điều khiển cuộc đời, có một cuộc sống sôi nổi và thú vị, còn của bạn sẽ mãi mãi không thay đổi? Lương tháng của bạn có thể cao hơn, nhưng đấy lại không phải những gì bạn mong muốn. Bạn thử nhìn lại cuộc đời mình... đã có lúc nào bạn hối tiếc vì không làm, không nói một việc gì chưa? Bạn có cảm giác gì khi phải từ bỏ ước mơ? Điều đau đớn hơn là chính bạn đã lựa chọn con đường này! Nếu điều ấy không hay thì tại sao bạn phải sống thêm 1, 2...10 năm trong nguyên trạng? Đừng để những mong ước bị bám "bụi". Đừng bỏ qua những cơ hội trước mắt. Hãy phấn đấu và vươn lên ! Nhà văn người Mỹ Mark Twain đã nói: "20 năm về sau bạn sẽ hối tiếc những điều mình không làm hơn những điều bạn đã làm. Vì thế hãy gạt đi sự lo lắng, đón gió vào buồm... hãy mơ và khám phá!" Trích từ "Chicken soup for the soul" - Jack Canfield
Một tình yêu lớn "Tôi thoát ra khỏi vũng bùn ma tuý là nhờ nỗ lực không mệt mỏi của vợ tôi. Ngay cả khi biết tôi bị HIV, cô ấy cũng không từ bỏ mà còn động viên, an ủi chăm sóc tôi chu đáo. Những người đàn ông nghiện hút hoặc bị nhiễm HIV nhìn vào gia đình tôi với nỗi khát khao cháy bỏng và niềm ao ước giá như vợ họ được một phần của vợ tôi. Tôi vô cùng biết ơn, cảm phục và luôn có cảm giác “mắc nợ” vợ mình”. Đó là những lời sâu lắng nhất mà anh Nguyễn Văn L nói về người vợ, chị Phạm Phương H (xã Nam Phong - thành phố Nam Định)... 18 tuổi, đang theo học Trung cấp Nông nghiệp, cô thiếu nữ khá duyên dáng với hai chiếc răng khểnh, quê ở miền biển Hải Hậu quyết định kết hôn trước sự sửng sốt của gia đình. Vài tháng sau ngày cưới, bụng mang dạ chửa, H đau đớn phát hiện ra chồng mình nghiện ma tuý. Thất vọng, suy sụp tới mức mất ăn, mất ngủ rồi H gượng dậy đối diện với sự thật bằng suy nghĩ chín chắn, già dặn hơn rất nhiều so với lứa tuổi. Không gằn hắt, oán trách, ruồng rẫy chồng, H tỉ tê phân tích rằng ma tuý là một tệ nạn xã hội không chỉ huỷ hoại con người về sức khoẻ, sự sống mà còn làm biến dạng nhân cách của họ, gieo rắc khổ đau cho những người ruột thịt, rằng đã trót sa chân vào nó rồi thì phải can đảm tìm cách thoát ra. H thuyết phục chồng cai nghiện để vợ chồng cùng nhau gây dựng kinh tế, vun đắp cho tổ ấm của mình. Tình yêu và sự tận tụy hết lòng của H đã giúp chồng cô thức tỉnh nhận ra cái sai và tha thiết muốn sửa đổi. Nhưng sự cám dỗ đầy ma lực của ma tuý đâu dễ buông tha cho những con người đã dại dột dấn thân vào nó dẫu mới chỉ “thử một lần cho biết mùi”. Năm lần bảy lượt chồng H tuyên bố từ bỏ ma tuý, nhưng chỉ ít ngày sau lại tìm đến với khói thuốc bởi không vững vàng được trước lôi kéo của đám bạn nghiện. Để tách chồng ra khỏi “môi trường sống thiếu lành mạnh”, năm 2002, H cùng gia đình xin cho chồng cô đi lao động ở nước ngoài. Bất hạnh thay kết quả xét nghiệm máu cho thấy chồng H đã bị nhiễm HIV. Thời điểm đó cả hai vợ chồng H đều mới vừa tròn 20 tuổi. Khi đó đất trời như cuồng quay, chao đảo trước mắt H, nhưng cô không cho phép mình tuyệt vọng, buông xuôi mà tự an ủi rằng đó là số phận. Hơn nữa, cuộc hôn nhân này do chính cô lựa chọn nên dù xảy ra bất cứ chuyện gì cô cũng phải tự mình gánh chịu không làm ảnh hưởng tới người khác... Khi biết chắc chắn mình và con trai may mắn không bị lây nhiễm HIV, H không bỏ mặc chồng để bảo đảm sự an toàn cho bản thân như lời khuyên của một số người. H giấu không cho chồng biết bệnh tình, chỉ kiên trì thuyết phục chồng cai nghiện. Đầu năm 2004, cơ thể chồng H phát bệnh ngoài da nặng, sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng tới mức đi lại còn khó khăn. Tình thế ấy buộc gia đình phải thông báo về bệnh tật cho anh biết. Sự thật cay đắng vùi dập chồng H vào cùng quẫn, bế tắc, anh giam mình trong tuyệt vọng và những suy nghĩ tiêu cực rồi anh lại “nổi loạn” dữ dội hơn khi biết mình chẳng còn sống được bao lâu. Nhẫn nại, kiên quyết mà khéo léo, tế nhị, H lựa thời điểm thích hợp khơi gợi tới tình cảm vợ chồng và sự gắn kết là đứa con thơ dại để đánh thức những khát vọng sống nơi trái tim người chồng. Qua những lần chồng cai nghiện thất bại trước, H thấm thía rằng muốn đoạn tuyệt với ma tuý thì yếu tố quan trọng nhất là sự quyết tâm của bản thân người nghiện nên cô chỉ nhẹ nhàng tác động để chồng cô tự thân tích tụ ý chí, nghị lực và “sức đề kháng” trước cám dỗ của “nàng tiên nâu”. Sự bao bọc của bố mẹ, tình yêu đằm thắm, mãnh liệt của người vợ trẻ đã giúp chồng H chủ động đề ra nguyện vọng cai nghiện tại nhà và đã dứt điểm thoát ra khỏi sự đeo bám nghiệt ngã gần chục năm của ma tuý. Cai nghiện đã khó, song giữ để không bị tái nghiện còn khó hơn gấp bội lần. Ý thức rất rõ điều đó nên H luôn kề cận bên chồng để kịp thời xoa dịu những mặc cảm, tự ti bệnh tật, dập tắt những yếu đuối, bi lụy nơi anh. H làm mọi cách để tạo cho chồng tâm lý thoải mái, vui vẻ, có khát vọng vươn lên. H tỏ ra tự tin nói với chồng rằng: “Một ngày sống tốt, có ý nghĩa còn hơn cả ngàn ngày tồn tại trong bê tha, vất vưởng và sự rẻ rúng của người đời”. H tìm hiểu rồi động viên chồng tham gia sinh hoạt các CLB dành cho đối tượng nhiễm HIV để nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ những người cùng cảnh ngộ. Bản thân H cũng tự nguyện trở thành hội viên của những địa chỉ đó mặc dù cô không bị nhiễm HIV và nhiều lần gặp “tai nạn” như : Bị chụp ảnh đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, bị quy chụp là đồng đẳng trong nhóm người nhiễm HIV... Từ khi có chính sách điều trị miễn phí bằng thuốc ARV cho những bệnh nhân HIV/AIDS sức khoẻ của chồng H có nhiều tiến triển tốt. H tỏ ra lạc quan khi hướng chồng tới niềm tin dù mong manh : Một ngày không xa sẽ có thuốc đặc trị căn bệnh này... Từ khi sức khoẻ ổn định, chồng H đã chăm chỉ làm ăn. Hiện nay chồng H đang làm công nhân tại một xưởng cơ khí, còn H chăm sóc 4 sào vườn trồng cây cảnh. Thu nhập của hai vợ chồng tuy chưa ở mức khả quan, dư giả song cũng đảm bảo cho họ đời sống ổn định. Không phụ sự hy sinh của người phụ nữ mới 25 tuổi, song đã kinh qua khá nhiều biến cố, thăng trầm, cô sinh thêm một đứa con vẫn giữ được sự an toàn cho hai mẹ con cô. Đó chính là động lực giúp chồng H vượt qua ám ảnh bệnh tật để lao động và vui sống, cùng vợ nuôi dạy hai đứa con, tạo dựng cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc... Tuấn Nguyễn (Báo Phụ Nử VN)
Giấc mơ không bao giờ mất Ai trong chúng ta chẳng từng mơ chỉ có khác chăng là giấc mơ đó như thế nào và có thể chia sẻ cho mọi người biết không ! Giấc mơ như một tấm gương phản chiếu những ước mơ của chính chúng ta ... Ước mơ và giấc mơ Mơ ước thì ai cũng có! Nhưng để thực hiện những mơ ước ấy thì đó lại là một sự thật khác...có thể phũ phàng hơn rất nhiều. Càng mơ ước thì càng đau khổ nhiều? Tại sao ư? Bởi đó cũng giống như những đỉnh cao mà bạn mong muốn đạt được...Bạn tiến từng bước vượt qua từng khó khăn một để chinh phục những "đỉnh cao" ấy! Từng bước bạn đã thành công...thật sung sướng. Nhưng mơ ước của con người cũng nhiều lắm...!!! Có lúc dù bạn có cố gắng bao nhiêu thì bạn cũng không thể đạt được...mỗi bản thân chúng ta ai chẳng có một "góc khuất"...một "góc khuất" là những tâm tư, ước mơ mà bạn không muốn ai biết...bạn cô đơn một mình trên con đường chinh phục giấc mơ...bạn đi, bạn cô đơn, bạn vấp ngã, tự bạn đứng dậy và chỉ mình bạn cảm nhận...đó chẳng phải đau khổ sao? Nhưng thật đau khổ hơn khi bạn từ bỏ ước mơ của mình! Sống mà không mơ ước cũng giống như bạn đang tự phó mặc con thuyền cuộc đời mình cho dòng sông cuộc sống vậy! Không mục tiêu cũng không định hướng... Giấc mơ... Chỉ có trong mơ bạn mới là người đạo diễn tài tình, một diễn viên tài năng...bởi mỗi "bộ phim" đều được đánh giá điểm tuyệt đối chất lượng do một người xem bình chọn duy nhất...đó chính là bạn! Bạn hài lòng... Tất nhiên... Vì...đó chính là mặt hồ phản chiếu những ước mơ của bạn! Chẳng có gì xấu khi bạn có những giấc mơ...chỉ xấu khi bạn chỉ sống trong giấc mơ mà thôi! Ước mơ hay giấc mơ đâu có bị đánh thuế hay có tội, cũng chẳng có ai ngăn cấm... Thật hạnh phúc khi ai đó có đủ dũng khí để sống chết vì một tình yêu, một lý tưởng đeo đẳng suốt cuộc đời mình. Ai cũng có những giấc mơ, nhưng mấy ai còn giữ được những giấc mơ đó ở tuổi 47? Susan Boyle là một người như thế. Ở tuổi 47 mà cô “tự thú” là vẫn chưa có bạn trai, chưa từng một lần được hôn và chỉ được vài lần hát trong dàn nhạc nhà thờ. Susan Boyle vẫn luôn ấp ủ ước mơ được hát trước đông đảo khán giả, được trở thành một ca sĩ nổi tiếng như Elaine Paige. Những lời thổ lộ đó của cô trong cuộc thi tìm kiếm tài năng Britain’s Got Talent đã khiến những người trong ban giám khảo cũng như khán giả cười thầm. Thế nhưng, ngay từ những lời đầu tiên trong phần trình bày bài hát "I Dreamed a Dream", Susan Boyle đã làm rung động cảm xúc của hơn 11 triệu khán giả xem buổi biểu diễn. Xin mời các bạn xem clip vidéo Susan Boyle trình bày bài hát "I Dreamed a Dream" : Lời bài hát "I Dreamed A Dream" như thấm sâu vào tâm hồn khán giả khi nghe Susan Boyle hát. Và bài hát đã biến giấc mơ của cô trở thành hiện thực, tuyệt hơn rất nhiều so với những gì cô mong muốn. Susan Boyle đã chứng tỏ được hình thức không phải là tất cả, tỏa sáng tài năng đúng lúc mới là điều kỳ diệu. Câu chuyện của Susan Boyle có lẽ gần gũi hơn với rất nhiều người : Hãy giữ những giấc mơ của mình sống mãi ! I Dreamed a Dream (Tôi đã mơ một giấc mơ) I dreamed a dream in time gone by, When hope was high and life, worth living. I dreamed that love would never die, I dreamed that God would be forgiving. Then I was young and unafraid, And dreams were made and used and wasted. There was no ransom to be paid, No song unsung, no wine, untasted. Thời gian trôi đi và tôi có những giấc mơ với niềm hy vọng Tôi mơ rằng tình yêu là bất diệt Tôi mơ rằng Chúa rất khoan dung Rồi tôi trưởng thành và không hề sợ hãi bất cứ điều gì Những giấc mơ xưa dần bị lãng quên, nào có ai đánh thuế ước mơ bao giờ. Tôi chìm đắm trong những bài hát, trong men rượu. But the tigers come at night, With their voices soft as thunder, As they tear your hope apart, And they turn your dream to shame. Nhưng đêm đêm, hổ dữ trong tiềm thức với những tiếng gầm thét đã phá tan giấc mơ tôi, làm tôi e ngại về nó. He slept a summer by my side, He filled my days with endless wonder… He took my childhood in his stride, But he was gone when autumn came! Người ấy đã giữ mãi mùa hè trong tôi Mùa hè ấy, anh lấp đầy tuổi thơ tôi bằng những điều kỳ diệu bất tận, dẫn dắt tôi đi những bước đi vững chãi Nhưng đến mùa thu, anh ấy đã ra đi. And still I dream he’ll come to me, That we will live the years together, But there are dreams that cannot be, And there are storms we cannot weather! Nhưng tôi vẫn mang trong mình giấc mơ, rằng anh ấy sẽ quay trở lại Và chúng tôi sẽ sống những năm tháng cùng nhau Nhưng những giấc mơ đó không thể thành được sự thật. Đó là định mệnh rồi, giống như cơn bão ta không thể kiểm soát. I had a dream my life would be So different from this hell I’m living, So different now from what it seemed… Now life has killed the dream I dreamed… Tôi đã có những giấc mơ về cuộc đời tôi khác xa so với địa ngục nơi tôi đang sống. Giờ đây, cuộc đời đã giết đi chính những giấc mơ trong tôi Sưu tầm
Kiên trì theo đuổi giấc mơ "Lẫn tránh nỗi lo sợ của mình chỉ là một cách bạn tự lừa dối bản thân" - Jeff Keller. Dottie Burman là một giáo viên trung học với 32 năm tuổi nghề trên bục giảng. Tốt nghiệp xong, bà đã quyết định chọn việc đi dạy bởi tính an toàn của nghề này và bà muốn an phận với đồng lương ổn định và không phải bận tâm về điều gì. Tuy nhiên, khát khao được trở thành một nghệ sĩ vẫn như ngọn lửa ầm ỉ cháy trong bà. Dottie bắt đầu viết các ca khúc và tham gia trình diễn. Đó chỉ là một thú vui giúp cho bà giữ lại được giấc mơ của mình. Và rồi vào cuối thập niên 80, Dottie quyết định bỏ nghề giáo viên để theo đuổi con đường nghệ thuật. Bà nộp đơn xin nghỉ việc vào năm 1988 nhưng rồi vì lo sợ phải đối mặt với sự thiếu ổn định tài chính, Dottie đã rút đơn lại và tiếp tục đi dạy. Cứ tưởng như vậy là xong một giấc mơ, nhưng bóng dáng của ước mơ tiềm ẩn cứ mãi dày vò bà để rồi vào một ngày đầu năm 1989, khi đã hơn ngũ tuần, bà bất ngờ quyết định từ bỏ nghề giáo viên, chấp nhận đối mặt với thử thách cùng những lời đàm tiếu, châm chọc. Năm 1992, Dottie dàn dựng và tham gia trình diễn trong chương trình ca nhạc “Người phụ nữ của riêng mình”. Mùa xuân năm 1998, ở tuổi 60, Dottie cho phát hành album "I’m in Love with my Computer" của bà – gồm những bài hát tuyệt vời đầy cảm hứng và độc đáo. Bà đã trình diễn những bài hát này ở một câu lạc bộ đêm ở New York và tiếp tục giới thiệu những bài hát khác cùng với các câu chuyện của bà ở các nhà hát và những tổ chức khác trên khắp nước Mỹ. Nếu bạn không kiên định với ước mơ và không dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình, thì điều kỳ diệu và vinh quang của đời bạn sẽ không thể đến. Trích từ "Thay thái độ - Đổi cuộc đời" - Jeff Keller
Cậu bé mồ côi thành chuyên gia Y khoa xuất sắc trên đất Mỹ Từng phải bỏ học để theo cha đánh cá, cậu bé ấy đã trở thành một chuyên gia Y khoa uy tín. Đó là Bác sĩ - Nhà giáo Nguyễn Xuân Nam, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, Đại học California và chuyên gia của một số trung tâm y khoa tên tuổi tại Mỹ. Bỏ học theo nghề chài lưới giúp gia đình Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam sinh ngày 18/9/1959, thôn Bá Hạ, thuộc đảo Hòn Khói, Ninh Hòa, Nha Trang, Việt Nam. Là con thứ hai trong số tám người con của một gia đình làm nghề đánh cá nghèo, cậu bé Nguyễn Xuân Nam lớn lên cùng với tiếng sóng của biển cả và tiếng bom đạn của chiến tranh. Khi lên bốn tuổi thì Nguyễn Xuân Nam mồ côi mẹ. Đến đầu năm 1971, khi mới học lớp 6, trước hoàn cảnh nhà nghèo khó, cậu học trò sáng dạ Nguyễn Xuân Nam đã phải xin nghỉ học để giúp gia đình. Tuy mới 11 tuổi, nhưng Nam đã ý thức được vai trò người anh thứ 2 của mình trong nhà để giúp cha và mẹ kế nuôi dạy các em. Nguyễn Xuân Nam theo cha đi đánh cá. Rồi từ đó, cuộc sống trên biển cả đã tôi luyện Nam lớn dần thành một chàng trai biển vạm vỡ. Tuy nhiên, trong sâu tâm trí của anh, niềm khao khát được cắp sách đến trường vẫn không ngừng đau đáu, khi âm ỉ, lúc thôi thúc. Trong 9 năm theo nghề chài lưới, Nguyễn Xuân Nam đã phải đau lòng chứng kiến những cái chết lần lượt của mẹ kế và 2 đứa em của anh. Điều khiến anh thấy khổ tâm nhất là họ đều chết vì những chứng bệnh thông thường có thể chữa khỏi được, nhưng do điều kiện chăm sóc y tế còn thiếu thốn ở vùng quê biển Hòn Khói nghèo của anh. Anh tự hỏi: "tại sao lại có những cái chết dễ dàng như vậy?", anh kể. Mong muốn khiêm nhường Bắt đầu đặt chân lên đất Mỹ khi vừa bước sang tuổi 19, Nguyễn Xuân Nam hiểu rằng mình đang đặt chân lên mảnh đất của những cơ hội học tập đang mở ra phía trước. Và hơn bao giờ hết, giấc mơ đổi đời bằng con đường học vấn lại bùng lên trong anh. Vì vậy, ngay sau khi ổn định cuộc sống nơi mảnh đất mới, Nguyễn Xuân Nam đã xin theo học tiếp phổ thông tại thành phố Lincoln. Dù vậy, với cái vốn tiếng Anh hầu như bằng không lúc đó của mình và vốn văn hóa ít ỏi đã bị rơi vãi đi khá nhiều sau những năm tháng lao khổ, mong muốn của Nguyễn Xuân Nam cũng thật khiêm nhường, như anh cho biết: "Lúc bấy giờ tôi chỉ mong làm sao nói được tiếng Anh là đủ rồi. Tôi chỉ mong học xong trung học là tôi mừng rồi... vì gia đình từ trước đến nay chưa ai tốt nghiệp trung học cả". Để có thể có tiền ăn học, Nguyễn Xuân Nam đã xin vào làm lao công trong trường với đủ thứ công việc cực nhọc trong cái lạnh giá của mùa Đông Nebraska. Đã nhiều lần anh định bỏ học, nhưng rồi nghĩ việc học hành sẽ giúp mình có được tương lai sáng sủa. Ban ngày học ở trường và làm lao công mệt hết sức, ban đêm anh vẫn đi đến lớp học Anh ngữ... Với những cố gắng như vậy, năm 1983, Nguyễn Xuân Nam đã tốt nghiệp trung học tại trường Norris High School. Chàng trai Việt và ước mơ chữa bệnh cứu người Thành công ban đầu đã giúp Nam có thêm tự tin để đặt ra những mục tiêu tiếp theo trên con đường học vấn. Chàng thanh niên Nguyễn Xuân Nam quyết tâm theo học ngành Y . Tuy nhiên, tại Mỹ, đây là một trong những ngành đào tạo có điều kiện đậu vào cao nhất, và người được nhập học phải đã có bằng cử nhân. Vì vậy, anh đã vượt qua quá trình tuyển chọn khắt khe để được nhận vào học tại Đại học Nebraska, ở thành phố Lincoln để sau đó có thể theo học chương trình cử nhân Hóa và Toán tại Đại học Creighton, ở thành phố Omaha của bang Nebraska. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp Đại học Crieghton với 2 bằng Toán và Hóa học, cử nhân Nguyễn Xuân Nam đã đủ điều kiện thực hiện ước mơ trong thâm tâm của anh: học ngành Y để giúp chữa trị cho các trẻ em nghèo bệnh tật. Từ năm 1987 đến 1991, Nguyễn Xuân Nam theo học chương trình Bác sĩ Y khoa (MD) tại trường Y khoa của Đại học Creighton, ở thành phố Omaha, bang Nebraska. Sau đó, anh học thêm 6 năm chương trình phẫu thuật tổng quát (residency in general surgery) tại đây và Đại học New Mexico. Chuyên gia Phẫu thuật Nhi xuất sắc với những giải thưởng Ra trường với tấm bằng Bác sĩ, Nguyễn Xuân Nam không mở phòng mạch hành nghề để tận hưởng thành quả học tập của mình với công việc được xã hội Mỹ trọng vọng này như nhiều bác sĩ khác, mà anh bỏ ra 2 năm nữa để theo học thêm chương trình chuyên khoa Phẫu thuật Nhi (Pediatric surgery) tại Đại học Pittsburgh, ở bang Pennsylvania trong các năm từ 1997 đến 1999. Hoàn thành chương trình tu nghiệp tại Đại học Pittsburgh, năm 1999, Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam được Đại học California, Irvine mời về làm Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi. Từ đó đến nay, anh hoạt động trong lĩnh vực y tế và tham gia giảng dạy tại trường Đại học nổi tiếng ở miền nam California này. Trong những năm qua, anh đã được đề bạt và giữ các chức vụ quan trọng như Giáo sư trợ giảng Phẫu thuật; Chủ tịch Ban Ung bướu Nhi khoa; Giám đốc Phẫu thuật trong Bộ phận Chăm sóc toàn diện Nhi khoa (Pediatric Intensive Care); Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi của Trung tâm Y khoa thuộc Đại học California, Irvine... Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động trong lĩnh vực Y khoa, Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam đã công bố nhiều bài báo trong các tạp chí chuyên khoa phẫu thuật cũng như một số sách báo khác. Anh là chuyên gia Phẫu thuật Nhi khoa uy tín trong giới Y khoa quốc tế. Thêm vào đó, Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam còn rất tích cực tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam đã được trao tặng nhiều giải thưởng trong ngành Y, trong đó có danh hiệu Bác Sĩ Phẫu Thuật Chăm Sóc Cấp Cứu Nổi Bật Nhất trong năm tại Bệnh viện Nhi Đồng ở Pittsburgh... Mong đem kiến thức về giúp quê nhà Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam đã lập gia đình. Vợ anh là Bác sĩ chuyên khoa gây mê Nguyễn Hoàng Lan. Hai người quen nhau trong thời gian học đại học. Hiện hai vợ chồng anh đều làm việc tại trường Đại học California, Irvine. Mặc dù cặp vợ chồng Bác sĩ này có thể đứng ra mở phòng mạch để làm giàu nhanh chóng, nhưng hai người vẫn theo nghề giảng dạy để cho "ra lò" tiếp những thế hệ bác sĩ trẻ phục vụ cộng đồng. Còn Bác sĩ Nam vẫn đi chiếc xe ô tô cũ kỹ sản xuất từ những năm 90 thế kỷ trước. Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam hy vọng sẽ phát triển Trung tâm Y khoa Đại học California, Irvine trở thành một trung tâm lớn về Phẫu thuật Nội soi ổ bụng cho trẻ em tại quận Cam, một trong những nơi có đông bà con người Việt sinh sống nhất tại Mỹ. Anh cũng mong sẽ có dịp được đem kiến thức chuyên môn học được ở Mỹ về giúp đỡ cho những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà, nhất là những trẻ em nghèo bệnh tật . Vũ Anh Tuấn (Theo uci.edu và báo chí nước ngoài)
Dạy con gọi tên nỗi buồn, cơn giận Chúng ta thường hay than phiền về hiện tượng người trẻ hiện nay dễ suy sụp, gục ngã khi gặp những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống riêng. Nguyên nhân có thể từ nhiều phía, trong đó đứng về phía gia đình có nguyên nhân của việc cha mẹ đã không hướng dẫn cho con cách biểu lộ cảm xúc và vượt qua cảm xúc tiêu cực một cách đúng đắn nên khi con gặp khó khăn, con không biết cách xử lý cảm xúc của mình để có kết quả tích cực. Với lối giáo dục kiểu châu Á truyền thống, chúng ta luôn mong muốn con mình học giỏi, chăm ngoan. Ngoan có nghĩa là cha mẹ nói gì, thầy cô nói gì con nghe nấy, không tranh luận, không phản biện. Ngoan có nghĩa là nếu bị mắng oan, phạt oan con cũng không được quyền lên tiếng hoặc bày tỏ cảm xúc phản kháng. Nếu phản kháng thì bị quy chụp là hỗn láo, xấc xược. Dần dần, chúng ta có những đứa con ngoan luôn vâng lời nhưng có thể âm ỉ nuôi trong mình một cảm xúc tiêu cực không chia sẻ được với ai, lâu ngày không được giải tỏa sẽ dồn nén và khi có dịp sẽ bùng nổ ra thành hành vi bột phát, có thể gây hại cho bản thân. Khi đến tuổi trưởng thành, nếu vẫn tiếp tục như thế, những bế tắc trong cuộc sống dễ đẩy người trẻ đến chỗ xử sự cực đoan: nhanh chóng từ bỏ hôn nhân khi không giải quyết được mâu thuẫn vợ chồng, bỏ việc khi không giải quyết được mâu thuẫn với sếp, với đồng nghiệp… và cái vòng luẩn quẩn đi từ bế tắc vì không chia sẻ, không bộc lộ cảm xúc được dẫn đến hành động tiêu cực lặp lại. Để giúp con luôn có cuộc sống tinh thần lành mạnh, cha mẹ cần nên khuyến khích con bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Khi cảm xúc tiêu cực được giải tỏa, những tâm tình được lắng nghe, có thể mặc dù chưa có giải pháp cho vấn đề gặp phải, người ta vẫn thấy tâm trạng mình nhẹ nhàng hơn, và những cách giải quyết vấn đề có thể đến dễ dàng hơn, giúp người ta thành công hơn trong cuộc sống. Tại một số trường tiểu học ở nước ngoài, từ những năm đầu tiên đã có những giờ học cho trẻ học cách bày tỏ ý kiến và biểu lộ cảm xúc: cho trẻ liệt kê tên những cảm xúc tích cực và tiêu cực, gợi ý cho trẻ nói về tâm trạng hiện tại, tại sao có cảm xúc như vậy, trẻ nghĩ nên làm gì để có thể thoát ra được cảm xúc tiêu cực hoặc làm sao để kéo dài cảm xúc tích cực… Những câu hỏi gợi ý và thái độ tin cậy, lắng nghe của giáo viên giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi bày tỏ cảm xúc của mình. Những giờ học như thế này thường sẽ được duy trì đối với những học sinh mà nhà trường nhận thấy các em có khó khăn về biểu lộ cảm xúc và giải quyết cảm xúc tiêu cực cho đến khi nhà trường ghi nhận những tiến bộ rõ rệt của các em. Ở Việt Nam chưa phổ biến những giờ học bổ ích như vậy trong nhà trường, tuy nhiên các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể làm được điều này với con mình. Thông qua những giao tiếp hằng ngày với con, bố mẹ có thể nắm bắt được những lúc con mình khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc để giúp con bằng cách đặt ra những câu hỏi nhẹ nhàng như “Con đang thấy bực bội vì việc này đúng không?”, “Con thấy oan ức khi bị mẹ mắng phải không?”, “Bạn thân của con chuyển trường làm con thấy mình bị bơ vơ phải không con?”, “Việc các vụ bạo hành ức hiếp trong trường học xảy ra liên tục làm con thấy hoảng sợ và hoang mang phải không?”. Khi gọi được đúng tên của cảm xúc mình đang có, ít nhất con đã hiểu được vấn đề của mình và sẽ dễ hơn cho con khi vượt qua cảm xúc đó. Sự chia sẻ cảm xúc của con và giúp con giải quyết cảm xúc từ phía bố mẹ cũng quan trọng không kém so với việc lắng nghe và giúp con “gọi tên nỗi buồn”. Cha mẹ có thể tỏ ra đồng cảm với con bằng cách chia sẻ một việc tương tự mà cha mẹ đã trải qua ở lứa tuổi tương tự con bây giờ, cảm xúc của cha mẹ lúc đó, rồi mọi việc sau đó ra sao. Cha mẹ có thể gợi ý cho con xem con có thể làm gì để xử lý tâm trạng tồi tệ con đang có, ví dụ như cho con tĩnh tâm ngồi viết ra cảm xúc của mình như viết nhật ký, hoặc viết thư cho đối tượng con đang gây ra cảm xúc của con. Thực tế, có rất nhiều người lớn trong chúng ta đã áp dụng cách này để giải tỏa tâm trạng, những dòng viết tay, những lá thư viết rồi không gửi, lại có tác dụng xoa dịu tâm trạng tiêu cực của chúng ta tương tự như đối thoại trực tiếp với người khác. Cũng có thể cho phép con có những hành động khác thường để giải tỏa cảm xúc vào thời điểm đó, trong một số trường hợp, được khóc to, được đấm đá vào vật mềm như gối ôm, được hét to lại giúp con chấm dứt được cảm xúc tiêu cực nhanh nhất. Sau khi con thoát khỏi cảm xúc tiêu cực, bố mẹ vẫn cần ở bên con để cùng con phân tích lại về những gì đã trải qua, một vài lần bên con như vậy, con sẽ tự học được cách làm thế nào để tự mình gọi tên cảm xúc, đối diện với nó và giải tỏa nó. Con trẻ trưởng thành khi rời xa khỏi vòng tay cha mẹ, nhưng để con vững vàng trong cuộc sống, cha mẹ luôn phải sát cánh bên con, hình thành cho con một nhân cách trung thực, chính trực, biết chịu trách nhiệm về việc mình làm, có lòng vị tha, biết chia sẻ. Bên cạnh đó, việc dạy cho con những kỹ năng mềm như biết lắng nghe ý kiến trái chiều của người khác một cách tôn trọng và cầu thị, thuyết phục người khác mà không áp đặt, nhận diện cảm xúc của mình và biểu lộ ra ngoài, xử lý cơn giận… là rất cần thiết để con có thể luôn tự tin vào giá trị của bản thân, có tinh thần lạc quan và nghị lực vươn lên, đạt được những mục tiêu của cuộc đời. Đinh Thanh Phương (Tuổi Trẻ)
Tuổi Trẻ Tình Yêu Và Khát Vọng Xin mời các bạn cùng thưởng thức bài hát tuyệt vời của Nguyễn Hải Tuổi trẻ hôm nay đi theo tiếng gọi Từ trái tim mình là tình yêu đất nước Tuổi trẻ hôm nay mang theo bao khát vọng Bay vào tương lai vươn tới những chân trời Tuổi trẻ ơi! Hãy thắp sáng lên ngọn lửa nhiệt tình Trong trái tim tôi và trong tim bạn Tuổi trẻ hôm nay đi xây dựng tương lai vì hạnh phúc ngày mai Tuổi trẻ ơi! Nghe trong bao la lời đất nước gọi ta Hãy vươn cao vươn xa sánh vai cùng bè bạn Và bay cao bay xa, Tổ quốc đang chờ ta Nguyễn Hải
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui Xin mời các bạn cùng thưởng thức bài hát tuyệt vời của Trịnh Công Sơn Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui Chọn những bông hoa và những nụ cười Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy Để mắt em cười tựa lá bay Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi Đường đến anh em đường đến bạn bè Tôi đợi em về bàn chân quen quá Thảm lá me vàng lại bước qua Và như thế tôi sống vui từng ngày Và như thế tôi đến trong cuộc đời Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui Cùng với anh em tìm đến mọi người Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát Để thấy tiếng cười rộn rã bay Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời Tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới Để lúa reo mừng tựa vẫy tay Và như thế tôi sống vui từng ngày Và như thế tôi đến trong cuộc đời Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống Vì đất nước cần một trái tim Trịnh Công Sơn
Vận rủi và thử thách có ý nghĩa gì ? Có may thì phải có rủi. Có thành công thì chắc chắn sẽ có những thất bại. Không ai sống với chỉ toàn những may mắn mà cũng chẳng ai suốt một đời đau khổ bởi những tai họa, rủi ro triền miên. 1. Vận rủi, thử thách mang đến cho bạn một tầm nhìn mới Ít nhất một lần bạn đã từng bị thất bại, tuyệt vọng vì một rủi ro nào đó. Khi vượt qua được những ngày tháng u ám, vất vả đó, sự tĩnh tâm nhìn lại bản chất của sự việc sẽ giúp bạn nhìn rộng hơn được vấn đề mỗi khi gặp những trắc trở. Và bạn sẻ bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn và không còn cảm thấy cô đơn, chán chường hay tuyệt vọng nửa trong nhửng khó khăn kế tiếp. 2. Vận rủi, thử thách giúp bạn biết trân trọng nâng niu giá trị của cuộc sống Chỉ khi trải qua những thăng trầm của cuộc đời với những mất mát, thất bại, khổ đau, tuyệt vọng, bạn mới thấm thía được nhiều điều trong cuộc sống. Khi miệng bạn cháy khô vì khát nước, bạn mới nhận ra giá trị của một ngụm nước mát mà bình thường bạn không nhận ra. Nếu bạn không đau yếu, có lẽ bạn không mấy để ý đến sức khỏe của mình. Bạn thường không nhận ra giá trị của một thứ gì đó cho đến khi bạn đánh mất nó. 3. Vận rủi, thử thách làm hiển lộ khả năng tiềm ẩn trong bạn Đứng vững sau mỗi khó khăn hay vượt qua được một trở ngại, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn đã chứng tỏ được mình trước những thử thách của cuộc sông. Và khi thử thách kế tiếp xuất hiện, bạn đã trưởng thành hơn để xử lý tình huống đó. Trở ngại và thử thách là những yếu tố giúp bạn phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn bên trong bạn. Bạn sẽ không có cơ hội để thể hiện mình nếu cuộc đời bạn là một con đường luôn luôn bằng phẳng. 4. Vận rủi thúc đẩy bạn thay đổi và hành động Hầu hết chúng ta đều sống và làm việc theo một thói quen, một phương cách cố hữu nào đó. Chính điều này khiến cho cuộc sống của bạn trở nên buồn tẻ, nhàm chán và ảm đạm. Chính vận rủi sẽ đem đến cho bạn nhiều thử thách và vô vàn khó khăn để thúc đẩy bạn điều chỉnh, thay đổi những thói quen cố hữu đó. 5. Vận rủi cho bạn những bài học giá trị Lấy một dự án kinh doanh thất bại làm ví dụ. Khi bị thất bại, người chủ doanh nghiệp có thể rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm để tránh khỏi sai lầm tương tự trong các dự án kế tiếp. 6. Vận rủi mở ra một cánh cửa mới cho cuộc đời của bạn Một mối quan hệ cũ đã đổ vỡ sẽ mở ra cơ hội tìm được một mối quan hệ khác tốt đẹp hơn. Bạn mất việc và rồi tìm được một chỗ làm khác tốt hơn. Một tình yêu mất đi không có nghĩa là bạn không còn tìm được tình yêu mới. Khi một cánh cửa khép lại thì một cánh cửa khác đang sẵn sàng để được mở ra. 7. Vận rủi xây dựng cho bạn niềm tin và lòng tự trọng Khi đã lấy hết can đảm và quyết tâm vượt qua được một trở ngại nào đó, bạn sẽ tin là mình làm được. Bạn cảm nhận được giá trị bản thân và sẽ lưu giữ những cảm giác tích cực này cho những hoạt động khác. Trong cuộc đời, chắc chắn là sẽ có những lúc bạn phải đối mặt với trở ngại và rủi ro. Có lúc bạn không thể có được khả năng nhận diện nhanh chóng thời cơ ẩn chứa trong từng hoàn cảnh, nhưng thời cơ đó vẫn luôn hiện hữu trong mọi tình huống của cuộc đời. Bạn luôn có toàn quyền chọn lựa. Bạn có thể nhìn nhận những trở ngại này theo chiều hướng tiêu cực rồi buồn rầu và nản chí vì chúng. Sự lựa chọn này chỉ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Ngược lại, bạn cũng có thể nhìn nhận những trở ngại, khó khăn theo hướng tích cực và xem đó như là một vận hội, một cơ duyên mà nhờ nó, bạn có thể trưởng thành và lớn khôn hơn. Bởi vậy, bất cứ khi nào gặp khó khăn hay phải đối mặt với thất bại, bạn đừng có mất can đảm hay là vội vàng từ bỏ mọi việc. Đừng để cho những rủi ro, trở ngại này che phủ ô cửa sổ của bạn. Hãy làm sạch ô cửa sổ của bạn, và bạn sẽ thấy đằng sau ô cửa sổ ấy là một chân trời mới với nghìn tiếng reo ca của một cuộc sống tốt lành. "Trong mọi tai ương đều hàm chứa những hạt mầm may mắn” - Napoleon Hill Trích từ "Thay thái độ đổi cuộc đời" - Jeff Keller